Thiên Nga Đen

Chương 18: Tính Bất Định Của Những Thứ Giả Mạo

CÁC TRIẾT GIA Ở NHẦM CHỖ ■ SỰ BẤT ỔN VỀ (HẦU HẾT) CÁC BỮA TRƯA ■ THỨ MÀ TÔI KHÔNG QUAN TÂM ■ GIÁO DỤC VÀ TRÍ THÔNG MINH.

Chương cuối cùng của Phần 3 tập trung vào phân nhánh chính của lối ngụy biện trò chơi: tại sao những người chịu trách nhiệm giáo huấn cho chúng ta hiểu về sự bất định lại khuất phục chúng ta và hướng chúng ta sang những sự ổn định giả tạo qua lối cửa sau.

SỰ HỒI SINH CỦA NGỤY BIỆN TRÒ CHƠI

Tôi đã giải thích về lối ngụy biện trò chơi bằng câu chuyện ở sòng bạc, và đã khẳng định rằng sự ngẫu nhiên “đã được vô trùng” của các trò chơi không giống với sự ngẫu nhiên trong đời thực. Hãy xem lại Minh họa 7 ở Chương 15. Súc sắc đạt mức trung bình nhanh đến nỗi tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng nhà cái sẽ liên tục thắng tôi trong trò Rulet khi tiếng ồn hoàn toàn bị loại bỏ, mặc dù chẳng có tiểu xảo nào ở đây cả (đây chính là lợi thế của sòng bạc). Bạn càng kéo dài thời gian (hoặc hạ thấp mức đặt cược), thì sự ngẫu nhiên xuất hiện trong trò chơi lừa bịp này càng lớn, tính theo trung bình.

Lối ngụy biện trò chơi xuất hiện trong các tình huống may rủi sau: bước đi ngẫu nhiên, gieo súc sắc, tung đồng xu, trò chơi “sấp ngửa” khét tiếng theo kiểu 0 hoặc 1, chuyển động Brown (thể hiện sự chuyển động của phân tử li ti trong nước), và các ví dụ khác. Những tình huống này tạo ra một đặc tính ngẫu nhiên mà thậm chí không đủ tiêu chuẩn để gọi là ngẫu nhiên - ngẫu nhiên nguyên thủy sẽ phù hợp hơn. Thực chất, tất cả những lý thuyết được hình thành quanh lối ngụy biện trò chơi này lờ đi sự có mặt của tính bất ổn. Và tồi tệ hơn nữa là những người sáng tạo ra chúng lại không hề hay biết về điều này.

Một ứng dụng chặt chẽ của sự tập trung vào tính bất định nhỏ, chứ không phải tính bất định lớn, có liên quan đến nguyên lý bất định lớn hơn đầy nhàm chán.

Tìm ra những thứ giả mạo

Theo nguyên lý bất định lớn hơn này, trong một vật lý lượng tử, người ta không thể đo lường các cặp giá trị nhất định (với độ chính xác bất kì), như vị trí và xung lượng các phần tử. Bạn sẽ chạm phải giới hạn đo lường thấp hơn: bạn có thể đo được chính xác giá trị này nhưng sẽ không đạt được điều đó với giá trị khác. Vì thế, về mặt lý thuyết, có một sự bất định không kiểm soát được sẽ chống lại khoa học và vĩnh viễn là như thế. Tính bất ổn tối thiểu này được Werner Heisenberg khám phá vào năm 1977. Tôi thấy thật lố bịch khi giới thiệu nguyên lý bất định khi chẳng liên quan gì đến tính bất định. Vì sao ư? Thứ nhất, sự bất định này thuộc đường cong Gauss. Thông thường nó sẽ biến mất - hãy nhớ lại rằng sự thay đổi trọng lượng của một người không thể nào gây nên tác động đáng kể lên tổng trọng lượng của 1000 người. Có thể chúng ta sẽ không chắc chắn về vị trí tiếp theo của các phân tử nhỏ, nhưng những bất định này rất nhỏ và nhiều vô số kể, và chúng sẽ đạt đến mức trung bình - vì Chúa - chúng đạt đến mức trung bình. Chúng tuân theo quy luật số lớn mà chúng ta đã thảo luận ở Chương 15. Hầu hết các loại ngẫu nhiên khác không đạt được mức trung bình. Nếu có thứ gì đó trên hành tinh này ổn định, đó chính là cách tập hợp các hạt hạ nguyên tử! Vì sao ư? Như tôi đã nói từ trước, khi bạn nhìn vào một vật thể, được cấu thành từ các phân tử, thì biến động của các phân tử này thường có xu hướng cân bằng.

Nhưng các sự kiện chính trị, xã hội, thời tiết lại không có đặc tính dễ hiểu này, và chúng ta rõ ràng không thể dự đoán được chúng, vì thế khi nghe một “chuyên gia” trình bày những vấn đề về tính bất định dưới dạng các hạt hạ nguyên tử, rất có thể đây là một chuyên gia rởm. Trên thực tế, đây có lẽ là cách hiệu quả nhất để “nhận dạng” một kẻ giả mạo.

Tôi thường nghe mọi người nói “Dĩ nhiên hiểu biết của chúng tôi còn nhiều hạn chế”, sau đó viện dẫn nguyên lý bất định lớn hơn khi cố gắng giải thích rằng “chúng tôi không thể tạo ra mọi thứ” - tôi từng nghe những lời đại loại vậy khi nhà kinh tế học Myron Scholes phát biểu tại các hội nghị. Nhưng tôi vẫn đang ở New York, tháng 8 năm 2006, và đang cố gắng tìm cách đến ngôi làng của tổ tiên ở Amioun, Li băng. Sân bay Beirut đã đóng cửa vì xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hexabollah. Chẳng có lịch bay nào được công bố cho biết khi nào chiến tranh chấm dứt, nếu có. Tôi không thể hình dung được liệu ngôi nhà của mình có còn ở đó không, liệu Amioun có còn trên bản đồ không - hãy nhớ là ngôi nhà của gia tình tôi đã từng bị phá hủy một lần trước đó. Tôi không biết liệu cuộc chiến này có biến thành cái gì đó thậm chí còn tồi tệ hơn nữa hay không. Nhìn vào tương lai cuộc chiến, với tất cả bạn bè, người thân và những điều đã phơi bày ra, tôi thấy mình đối diện với những hạn chế thực sự về kiến thức. Ai có thể giải thích cho tôi biết tại sao nên quan tâm đến các hạt hạ nguyên tử - thứ cuối cùng cũng quy về đường cong Gauss. Con người không thể đoán được họ sẽ hạnh phúc với những thứ vừa mới đạt được trong bao lâu, cuộc hôn nhân của họ kéo dài đến khi nào, công việc mới sẽ tiến triển ra sao, nhưng những hạt hạ nguyên tử chính là thứ họ viện dẫn là “những giới hạn của khả năng dự đoán”. Họ đang lờ đi một vấn đề còn to tát ở ngay trước mặt và chỉ tập trung vào những vấn đề mà dù có lấy kính hiển vi ra soi cũng không thể nhìn thấy được.

Liệu các triết gia có gây nguy hiểm cho xã hội?

Tôi xin nói thêm: những kẻ chỉ biết bận tâm đến những xu lẻ thay vì món tiền lớn có thể là những đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội. Động cơ của họ tốt, nhưng hãy nhớ lại tranh cãi nảy lửa Bastiat của tôi ở Chương 8, họ là mối đe dọa đối với xã hội. Họ đang lãng phí những nghiên cứu của chúng ta về tính bất định bằng cách tập trung vào những thứ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nguồn lực của chúng ta (cả về nhận thức lẫn khoa học) đều rất hạn chế, có lẽ là quá hạn chế. Chính những kẻ khiến chúng ta sao lãng sẽ làm tăng mức độ rủi ro của các yếu tố Thiên Nga Đen.

Việc xem khái niệm về tính bất định như biểu hiện cho sự mù tịt về Thiên Nga Đen đáng được thảo luận thêm ở đây.

Căn cứ theo thực tế là đường cong Gauss đã ăn sâu vào đầu của những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính và kinh tế đến mức họ muốn “chết ngạt” với nó, nên tôi tìm đến các nhà kinh tế học tài chính có khuynh hướng triết học để xem lối tư duy phê phán của họ cho phép họ giải quyết vấn đề này ra sao. Tôi đã tìm thấy vài người. Một người trong số đó đã có bằng Tiến sĩ triết học, và bốn năm sau lại giành tiếp bằng Tiến sĩ kinh tế; người này đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu ở cả hai lĩnh vực, cũng như vô số giáo trình kinh tế. Nhưng anh ta đã làm tôi thất vọng, có vẻ anh ta phân chia các ý tưởng của mình về tính bất định để có hai chuyên môn riêng biệt: triết học và tài chính định lượng. Những vấn đề như bài toán quy nạp, Mediocristan, sự mờ đục trí thức, hoặc giả thiết xuẩn ngốc của đường cong Gauss chẳng khiến anh ta bận tâm. Các sách giáo khoa của người này chỉ nhồi nhét toàn những phương pháp Gauss vào đầu sinh viên, cứ như thể anh ta quên mất mình là một triết gia. Sau đó, anh ta lập tức nhớ ra mình là triết gia khi viết các nội dung triết học về những vấn đề có vẻ rất uyên thâm.

Chính nét đặc trưng hoàn cảnh này sẽ khiến người ta sử dụng cầu thang để đến với StairMasters (một loại máy tập leo thang), nhưng trường hợp của nhà triết học đáng mến này lại đi quá đà, nguy hiểm hơn rất nhiều bởi anh ta sử dụng hết phần tư duy phê phán của chúng ta vào một việc làm vô ích. Các triết gia thích thực hành tư duy triết học đối với những chủ đề “ăn theo” mà các triết gia khác gọi là triết học, và để đầu óc “thả cửa” khi đã ra khỏi những chủ đề đó.

Vấn đề của thực tiễn

Cũng giống như phản đối đường cong hình chuông, chủ quan kiến thức Plato, ngụy biện trò chơi, vấn đề chính của tôi không phải với các nhà thống kê - xét cho cùng, họ chỉ là những người làm công việc tính toán chứ không phải những nhà tư tưởng. Chúng ta ít phải chịu đựng các triết gia hơn với những công chức quan liêu cố chấp. Các triết gia - những người kiểm soát tư duy phê phán - có nhiều nhiệm vụ hơn hẳn các nghề nghiệp khác.

BAO NHIÊU NGÀI WITTGENSTEINS CÓ THỂ NHẢY MÚA TRÊN NẮP THÙNG?

Một nhóm người ăn mặc tuềnh toàng (nhưng trông có vẻ trầm tư) tập trung trong một căn phòng, yên lặng dõi theo một diễn giả khách mời. Tất cả đều là những triết gia uyên thâm đang tham dự một hội thảo chuyên đề tiếng tăm ở Trường đại học New York. Vị diễn giả chúi mũi xuống đống tài liệu đánh máy và cất giọng đọc đều đều buôn tẻ. Thật khó tập trung được nên tôi mơ màng một chút và bỏ lỡ mạch đọc của anh ta. Tôi có thể đoán là phần thảo luận xoay quanh một tranh luận “triết học” nào đó về người sao Hỏa đang xâm chiếm suy nghĩ và kiểm soát ước muốn của bạn, và đồng thời cũng ngăn cản bạn tìm hiểu nó. Có vẻ cũng có một số ý kiến bàn luận về ý tưởng này, nhưng quan điểm của vị diễn giả kia về chủ đề này lại khác với ý kiến của các tác giả khác. Anh ta còn mất thì giờ chỉ ra điểm độc đáo trong nghiên cứu của mình về cư dân sao Hỏa. Sau bài độc thoại của anh ta (55 phút không ngừng đọc mớ tài liệu kia) là giờ giải lao, sau đó lại là 55 phút thảo luận về việc người sao Hỏa trồng khoai tây và nhiều phỏng đoán kỳ quặc khác. Wittgenstein cũng thường được nhắc đến (lúc nào bạn cũng có thể lôi Wittgenstein vào vì ông ta đủ mơ hồ để tạo ra vẻ có liên quan).

4 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần, thù lao trả cho những triết gia này sẽ được chuyển vào tài khoản của họ. Một khoản cố định, trong số đó - trung bình khoảng 16% - sẽ được rót vào thị trường chứng khoán dưới dạng một khoản đầu tư tự động vào kế hoạch chi trả lương hưu của trường đại học. Những người này được trả tiền để làm công việc chất vấn những gì mà chúng ta cho là điều hiển nhiên; họ được đào tạo để tranh cãi về sự tồn tại của các vị thần, định nghĩa về chân lý, sắc đỏ của màu đỏ, nghĩa của nghĩa, sự khác biệt giữa các lý thuyết chân lý về ngữ nghĩa, giữa các hình dung dựa trên khái niệm và không dựa trên khái niệm…. Thế nhưng, họ vẫn tin tưởng mù quáng vào thị trường chứng khoán và khả năng của những tay quản lý quỹ lương hưu. Tại sao họ lại làm thế? Bởi họ mặc nhiên chấp nhận đó là những gì mọi người nên làm với số tiền tiết kiệm của mình, bởi “các chuyên gia” đã nói với họ như thế. Họ không tin vào khả năng của mình, nhưng lại không mảy may nghi ngờ những hoạt động mua bán tự động diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đặc tính vùng của chủ nghĩa hoài nghi này chẳng khác gì so với đặc tính của các bác sĩ y khoa (như chúng ta đã chứng kiến ở Chương 8).

Ngoài ra, có lẽ họ luôn tin rằng chúng ta có thể đoán trước được các biến cố xã hội, rằng Gulag sẽ tôi luyện bạn, rằng các chính trị gia biết rõ những gì đang xảy ra hơn tài xế của mình, rằng chủ tịch Cục Dự trữ liên bang đã cứu nguy cho cả nền kinh tế, và còn rất nhiều thứ đại loại như thế. Họ cũng tin rằng những vấn đề về quốc tịch (lúc nào họ cũng gắn thêm cái mác “Pháp”, “Đức” hoặc “Mỹ” vào trước danh xưng của triết gia, cứ như thể điều đó có liên quan đến những gì anh ta sắp nói). Thật quá ngột ngạt khi phí thời gian với những người này bởi họ chỉ hiếu kì ở những chủ đề “bên trong chiếc hộp”.

Popper ở đâu khi bạn cần đến ông ta?

Tôi hy vọng khắc sâu được ý niệm rằng, là một người hành nghề, suy nghĩ của tôi phải gắn với niềm tin rằng chúng ta không thể đi từ lý thuyết đến các vấn đề cụ thể, mà phải ngược lại, tức từ các vấn đề cụ thể đến lý thuyết. Phương pháp này đã hạn chế đáng kể ảo tưởng về nghề nghiệp. Danuek Dennet từng bông đùa “Một học giả không nên là một công cụ của thư viện này để tạo ra một thư viện khác”.

Dĩ nhiên, những gì tôi đang nói ở đây đã được các triết gia nói từ trước đó, ít nhất là bởi các triết gia thực sự. Phần bình luận dưới đây là lý do khiến tôi hết sức kính trọng Karl Popper, đây là một trong số ít những trích dẫn trong cuốn sách này không bị tôi tấn công.

Sự xuống cấp của các trường phái triết học chính là hậu quả của niềm tin sai lầm cho rằng một người có thể triết lý mà không cần phải triết lý theo những vấn đề bên ngoài lĩnh vực triết học… Những vấn đề triết học thật sự luôn bắt nguồn bên ngoài lĩnh vực triết học và chúng sẽ chết yểu nếu như những cội rễ trên bị mục rữa… [tôi xin nhấn mạnh]. Những triết gia chỉ biết “nghiên cứu” triết học thay vì đào sâu tìm tòi triết học do sự thôi thúc của các vấn đề phi triết học dễ dàng quên ngay những cội rễ này.

Lối tư duy như thế có thể giải thích cho thành công của Popper bên ngoài lĩnh vực triết học, đặc biệt với các nhà khoa học, các nhà giao dịch, những người ra quyết định, cũng như thất bại của ông bên trong lĩnh vực này. (Các triết gia khác rất hiếm khi nghiên cứu về Popper, mà thích bàn luận về Wittgenstein hơn).

Cũng xin lưu ý rằng tôi không muốn đưa các tranh luận triết học vào ý tưởng Thiên Nga Đen của mình. Những thứ mà tôi muốn nói thông qua chủ quan kiến thức Plato chẳng có gì quá trừu tượng. Nhiều người đã giận dữ hỏi rằng có phải tôi đang phản đối “bản chất luận” hay không (tức là những thứ tôi đề cập không có bản chất Plato), rằng có phải tôi tin rằng toán học sẽ có tác dụng ở một thế giới khác hoặc thứ gì đại loại như thế. Vậy tôi cũng xin nói rõ. Tôi là một người hành nghề không đến nỗi ngu ngốc; tôi không cho rằng toán học không phù hợp với một cấu trúc thực tế khách quan; mà quan điểm chính của tôi là chúng ta, nói theo lối nhận thức luận, đang làm ngược đời, và trong một chừng mực có thể của toán học, đang liều lĩnh sử dụng một phương pháp sai lầm và hoàn toàn bị nó che mắt. Tôi thật sự tin rằng có một số lý thuyết toán học có ích và phát huy được tác dụng, nhưng chúng ta không dễ dàng có được nó như “các nhà chứng thực” vẫn nghĩ.

Đơn giản hơn bạn nghĩ: Bài toán quyết định theo chủ nghĩa hoài nghi

Ngay từ đầu tôi đã nói là có một vấn đề với phương pháp quy nạp và các yếu tố Thiên Nga Đen. Trên thực tế, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều, chúng ta có thể gặp phải một vấn đề nghiêm trọng không kém với chủ nghĩa hoài nghi.

a. Tôi không thể làm gì để ngày mai mặt trời không mọc nữa (dù có nỗ lực đến đâu chăng nữa).

b. Tôi cũng không thể làm gì để chứng minh liệu có sự tồn tại của kiếp sau hay không.

c. Và tôi càng không thể làm gì với các cư dân sao Hỏa hoặc những con quỷ dữ nắm giữ bộ não của mình.

Nhưng tôi có rất nhiều cách để không bị biến thành một gã khờ. Và điều đó chẳng có gì quá khó khăn.

Tôi xin khép lại Phần 3 bằng cách lặp lại một lần nữa rằng thuốc giải của tôi đối với các hiện tượng Thiên Nga Đen chính là không được suy nghĩ theo lối đại trà. Còn hơn cả việc tránh trở thành một gã ngốc, chính quan điểm này tự tạo ra cho mình cách hành động - không phải cách tư duy, mà cách biến kiến thức thành hành động và tiên liệu xem kiến thức nào phù hợp để làm điều đó. Hãy kiểm tra xem nên làm gì hoặc không nên làm gì với điều này trong phần kết của cuốn sách này.