- Sei Shõnagon -
Thời tiết rất buốt và nhiều gió.
Một sáng thức dậy, kéo chiếc rèm cửa sổ bằng lụa đen trĩu nặng, kinh ngạc phát hiện thấy một màu bạc trắng bên ngoài cửa sổ. Tuyết rơi rồi! Một trận tuyết cực lớn.
Những bông hoa tuyết to bằng nắm tay bay lượn khắp trời. Đẹp đến nỗi ngỡ như đang mơ. Tòa nhà, đường phố, xe hơi, rừng cây tất cả đều bị tuyết giấu kín vào lòng. Thế giới như biến hình, đột nhiên chỉ còn lại ý thơ
Hồi nhỏ, tuyết rơi đối với tôi có nghĩa là năm mới, đập trúc, vây quanh bếp lò lột quýt ăn. Nhưng từ khi tôi bước vào thời thanh xuân, Thượng Hải cũng không rơi một trận tuyết thực sự nào.
Trận tuyết lớn đầu tiên ở New York đã đánh thức mọi ký ức có liên quan tới tuyết trước kia. Tôi mơ màng ngồi trên nắp bàn cầu, ngó đăm đăm ra màn tuyết trắng bên ngoài. Rồi đánh răng, chải đầu, làm công việc vệ sinh đơn giản, ăn nốt số bánh chẻo hôm qua còn sót lại. Khi làm một số công việc quá quen thuộc buổi sáng, đôi mắt vẫn đắm đuối nhìn ra cảnh mình hóa thành một bông tuyết, nhẹ nhàng bay lượn trong không trung, tinh khiết, đẹp đẽ, không thể làm chủ, rơi xuống đất, tan ra hoặc bị một đế giầy bẩn thỉu nghiến nát...
Quá trình sống có thể cũng chỉ đơn giản như thế, cũng bay bổng trong không gian như một bông hoa tuyết, như một ngọn đèn leo lét, như hai tòa nhà mới mấy tháng trước còn sừng sững ngất ngưởng bỗng phút chốc hóa thành tro bụi trong vẻn vẹn một tiếng đồng hồ.
Nhưng sau khi những bông tuyết đã tan thành nước, lại bắt đầu bốc hơi bay lên không trung, rồi một ngày nào đó chúng lại biến thành một bông tuyết bay lượn trên không. Cũng như vậy, cái chết của con người có lẽ là một cuộc nghỉ ngơi. Để khi lại mở mắt, bạn sẽ phát hiện ra mình đang bắt đầu một cuộc sống khác ở một nơi khác trên thế giới.
Cái gì cũng chỉ là tạm thời, là hư ảo, là biến đổi. Nhưng sự biến đổi và hư ảo đó chính là sự vĩnh hằng. Ở đó hầu như có con đường dẫn hướng tới nhận thức toàn mỹ. Mỗi bước đi trên con đường đó đều là vĩnh hằng, là tái sinh.
Tôi bóp vụn đầu mẩu thuốc, cũng cảm thấy kinh ngạc vì những ý nghĩ sôi sục của mình.
Tuyết vẫn đương rơi, nhưng đã nhẹ hơn rất nhiều. Một vài bông tuyết va phải cửa sổ kính, thoắt một cái đã tan hết.
Tôi ngồi gần cửa sổ, mở máy tính xách tay, check mail. Vẫn có rất nhiều mail như thế. Ngoài những mail rác thường gặp như kiểu "kiếm tiền mà không cần làm việc" hoặc "làm thế nào để cùng đạt được khoái cảm", cũng có không ít thư từ do người quản lý gửi tới của các nhà xuất bản, giới báo chí hoặc các học sinh, học giả của khoa Đông Á. Tất nhiên cũng có không ít thư cá nhân.
Trong vô số lá thư đó, tôi luôn mở thư của Muju ra trước. Chúng tôi viết thư cho nhau mỗi ngày, cùng chia sẻ mọi chuyện xảy ra và những nhung nhớ về nhau.
Trong lá thư hôm đó, anh khoe sắp đến thủ đô Hanava của Cuba. Ở đó sắp có một đêm ca nhạc lớn miễn phí với sức chứa hai mươi ngàn người, nhằm phục vụ cho giai cấp công nhân với những ca khúc ngợi ca đát nước dũng cảm này đã dám nỗ lực tranh đấu với chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Đêm nhạc sẽ có Castro tham dự.
Nghe nói ngay từ hai tháng trước, poster về đêm nhạc này đã được dán đầy khắp hang cùng ngõ hẻm. Hai kênh truyền hình duy nhất của địa phương cũng không ngừng phát quảng cáo.
Cuối thư, anh cho tôi biết vừa ăn sáng với cô vợ thứ nhất và cô vợ thứ ba của Julio. Hai người phụ nữ La Tinh, một người tóc nâu, một người tóc vàng. "... Suốt từ đầu tới cuối bữa, họ chỉ toàn nói xấu anh ấy bằng cái giọng rất khó chịu... Họ khiến anh liên tưởng tới sữa bò và mật ong, rất dễ kích thích đến dạ dày. Nhưng đồng thời cũng gây tổn thương rất lớn, y hệt như chiếc mô tơ chuyển động với tốc độ nhanh". Anh miêu tả trong thư như vậy.
Những kiểu quan sát và miêu tả của anh khiến tôi không khỏi kinh ngạc và mê say. Qua đôi mắt anh, tôi có thể nhìn thấy được những sắc màu, những hình dáng, những nhân vật, những câu chuyện mà trước đây không hề để tâm hoặc không mấy hứng thú.
Tôi phải thừa nhận rằng trước khi quen Muju, tôi không rõ nước Cộng Hòa Dominica nằm ở góc nào trên trái đất.
Vì thế anh mới cùng một ban nhạc tới Cuba, tham gia đêm nhạc không phân biệt giai cấp có Castro tới tham dự. Tôi thấy như vậy thật tuyệt.
Tôi nhấn nút trả lời, kể cho anh rằng hôm nay New York đã có tuyết lớn. "Cảnh tuyết rơi tuyệt đẹp. Em ước gì có anh bên cạnh... Em ngồi bên cửa sổ ngắm tuyết mấy tiếng đồng hồ. Không hiểu tại sao, đột nhiên có nhiều suy nghĩ kì quái ùa đến. Em nghĩ đến những chuyện như chết chóc, vĩnh hằng, tái sinh...". Tôi rít một hơi thuốc, ngần ngừ một lúc nhưng rồi vẫn đánh tiếp một hàng chữ, "Em còn nghĩ không biết có nên sinh con hay không. Trước đây em rất ghét mang bầu. Cứ tưởng tượng ra cảnh đó, có một thứ chui vào bụng mình vò xé tuổi xuân của mình và ngày càng lớn lên... Nhưng giờ đây em lại bắt đầu suy nghĩ về chuyện này. Có lẽ tình cảm của em đối với anh thực sự là tình yêu".
Tôi đi lại trong phòng, hưng phấn, vui sướng. Mặc dù một mình nhưng không hề cảm thấy cô độc.
Bốn bề tĩnh lặng, tiếng ống lò sưởi bằng hơi nước phát ra phì phì khe khẽ. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng chó tru của nhà hàng xóm bên trái, tiếng chuông cửa của cậu thanh niên Trung Quốc giao đồ ăn tới tận nhà. Những âm thanh vẫn thường nghe thấy ở những căn hộ cũ này là một phần trong cuộc sống thường nhật của tôi. Nếu một lúc nào đó không nghe thấy những âm thanh này, sẽ cảm thấy như thể hàm răng đầy đặn thẳng tắp bộng khuyết một cái răng, thủng một lỗ đen nho nhỏ.
Tôi nằm dài trên ghế sô pha, đọc hồi kí cuối đời của Trương Ái Linh hồi ở Mỹ, mượn ở thư viện khoa Đông Á về. Chẳng mấy chốc, tôi ngủ thiếp đi.
Lúc tỉnh lại, trời đã tối, ti vi nhà ai bật to tướng, mùi thịt rán thơm lừng, nghe nóng cả mũi.
Tuyết đã ngưng hẳn. Trên mái nhà ngoài cửa sổ không xa đã phủ kín một lớp tuyết dày, làm nổi bật nền trời u ám. Tuyết trên mái nhà sáng loáng, dịu dàng, như một chiếc thắt lưng màu xanh bạc, hắt lên thứ ánh sáng tĩnh lặng và sâu thắm. Thứ ánh sáng đó tỏa sáng màn đêm, xuyên qua cánh cửa kính nho nhỏ, xộc thẳng vào mắt tôi. Cảnh tượng đó đẹp tới sắc lạnh, không một màu sắc nào có thể diễn tả nổi.
Tôi mặc một chiếc áo khoác bằng lông vũ to sụ, quàng một cái khăn lông thỏ viền chỉ vàng bé xíu, đeo đôi găng tay bằng da dê thêu hoa, mất khối thời gian loay hoay tìm chìa khóa trong kẽ hở của ghế sô pha. Mở toang cửa, tôi bước thẳng ra đường.
Xe dọn tuyết vừa đi qua. Trên đất cũng không còn nhiều tuyết. Gió se se, tôi chậm rãi một mình đi về hướng tiệm ăn Lão Chính Hưng ở khu phố Tàu. Phục vụ ở đó đều nhận ra tôi và biết tôi muốn gọi món gì.
Buổi tối lúc lên giường nằm ngủ, tôi phát hiện thấy mình cũng giống hệt nhiều ngày trước đây, suốt cả ngày chẳng hề nói năng gì.
Ở cái thành phố New York nhộn nhạo này, không có gì hạnh phúc hơn hoặc cô độc hơn là cái cảm giác không làm gì, cũng không nói gì, cứ để thời gian dần trượt trôi.