Thèm Mùi Đất

Thèm Mùi Đất

Sau khi tường trình xong về công việc của Ban Trị Sự vừa mãn nhiệm kỳ hôm nay, ngày cuối năm dương lịch 1964, ngày nhóm Đại Hội thường niên, và trước khi bầu Ban Tri Sự mới, với lại trước khi ngồi vào bàn tiệc, cũng thường niên, tổ chức ở sân nhà ông Hội Trưởng của „Hội Tương Tế tỉnh B“ ông Hội Trưởng cao niên, hiền lành, dễ thương của cái „đồng hương hội“ ấy than:

-  Bà con cô bác ơi, mấy năm nay Ban Trị Sự khổ sở nhứt, không phải vì vấn đề tài chánh, thường là bài toán bể đầu đối với các hội nho nhỏ như ta, không có cơ sở kinh tài, chỉ đứng vững tương đối và tạm bợ dựa vào tiền niên liễm của anh chị em hội viên, mà khổ sở vì một chuyên lặt vặt mới kỳ cho chớ!

 

Ông Hội Trưởng nầy và Ban Tri Sự của hội cứ được bầu đi bầu lại mãi, nên ông biết rõ mọi vấn đề như bất kỳ những người có trách nhiệm nào mà giữ chức vụ một cách trường kỳ.

- Về chuyên gì đó a... ông Hội Trưởng?

Một vị hội viên cũng rất cao niên, người ủng hộ tài chánh cho đồng hương hội tỉnh B hỏi như vậy. Ông nầy rất giàu có và nhứt là rất tốt bụng, lần nào hội túng tiền, ông cũng giúp đỡ cho, nếu đó là một số tiền lớn thì ông cho mượn, bằng như hội cần năm ba ngàn, ông luôn luôn tặng không.

- Về cái nghĩa trang é mà! ông Hội Trưởng đáp.

- Sao, nghĩa trang làm sao?

 

Vị ủng hộ viên nầy cũng gần tới tuổi quay đầu về núi rồi nên ông rất chú tâm đến cái nơi an nghỉ cuối cùng của ông trong một tương lai có lẽ rất gần đây. Ông đoán rằng đây là vấn đề hàng rào dây kẽm gai, chớ không có gì lạ, nhưng vẫn tò mò và nóng lòng biết đích xác ngay sự việc. Ban Trị Sự thấy cái hàng rào ấy rất cần thiết để ngăn ngựa, bò, heo, chó xâm phạm nghĩa địa, nhưng nghe đâu như Ban Trị Sự chưa gom đủ tiền để đúc trụ bê-tông và mua kẽm.

 

Phía trong chợ ông Tạ có một khu nghĩa trang cho gần hai mươi tỉnh của miền Nam. Non hai mươi nghĩa trang ấy nằm khít ranh với nhau. Tỉnh B quá gần Sài gòn nên chi từ ngày thành phố nầy được thành lập cho tới năm ấy, người gốc tỉnh đó không tậu nghĩa trang riêng, ai có kha khá tiền thì đưa xác người thân về quê, không tốn kém bao nhiêu, ai nghèo lắm thì nằm đất ở nhà chùa ngoại ô nào đó. Nhưng từ những năm có biến cố, việc đưa xác về quê rất bất tiện nên nghĩa trang nầy mới được thành lập, sanh sau đẻ muộn hơn các nghĩa trang khác, nó nằm ở biên khu, không được các nghĩa trang lân cận che chở cho ở tới ba mặt, thường bị thú vật nhà của ngoại ô xa nầy phá quấy.

-  Thưa hiền hữu, ông Hội Trưởng đáp, nói cho đích xác ra, thì đó là vấn đề người coi sóc nghĩa trang...

-  Vậy à? Tôi cứ tưởng... Còn hàng rào?

-  Hàng rào thì đã làm xong rồi. Người coi sóc nghĩa trang mới là bài toán bể đầu. Năm rồi, Ban Trị Sự đã phải thay ba người, mà người cuối cùng cũng lại xin thôi việc, vào dịp Tết ta tới đây, tức là sau hai tháng nữa là phải tìm cho được người mới để thay cho y.

 

Không ai ngạc nhiên hết. Đời bây giờ, công ăn việc làm quá nhiều, dân tộc ta có đông đúc hơn xưa bao nhiêu, cái yếu tố người cũng cứ tương đối ít, ngoại nhân lại trả lương cao lại rất khó lòng mà giữ công nhân, ngành hoạt động nào cũng mắc phải nạn thiếu người hết. Phương chi khoản thù lao cho một người săn sóc các nghĩa trang nho nhỏ, thật là ít oi thì đó là một chỗ làm không được hoan nghinh bao giờ.

Ông Phán Ty hỏi:

-  Tôi nghe nói hội nhà cho y độc quyền đào huyệt để y kiếm thêm chút đỉnh nuôi vợ con, nghĩa là tương đối cũng đã đủ sống ra. Như vậy sao y còn...

Ông Tham sự trẻ tuổi tên là Cần, không đợi ông Hội Trưởng trả lời, cãi lại với người vừa có ý kiến:

-  Đủ sống nghĩa là chỉ đủ ăn cơm mà thôi. Y rất chánh đáng mà tham vọng được uống cà-phê, được nhậu la-de như bao nhiêu công nhân khác. Vả lại người công nhân nào thấy phu xích lô đạp kiếm mỗi tháng mười ngàn đồng (1) lại không ham kiếm được tiền nhiều hơn với một nghề khác.

- Thưa quí vi hội viên với lại bà con cô bác, không phải như vậy đâu, ông Hội Trưởng đính chánh. Tất cả đều đòi thôi việc để về xứ.

- À, cái đó thì hơi khó hiểu. Ông kỹ sư Minh nhận xét. Ngỡ họ thôi việc để đi làm phu cho các hãng thầu Huê kỳ thì còn có lý do, chớ còn bỏ chỗ làm để trở về những làng xa kém an ninh mà họ đã phải rời thì thật là kỳ. À, hình như ông Hội Trưởng có cho biết là phải nông dân mới làm nghề đó được hả?

Ông Hội Trưởng xác nhận:

-  Ừ, mà nhứt là phải là nông dân chơn ướt chơn ráo mới tới ở thành phố. Thứ nhứt, chỉ có hạng người đó mới nhận một chỗ làm ít lương như vậy, trong khi chờ đợi tìm được chỗ tốt hơn. Kế đó, họ là người không sợ ma. Quanh nghĩa địa là bụi rậm, là chồi cây, là tre gai, là đồng trống, là bóng tối dày đặc về đêm, dân thợ ở thành phố quen sống chen chút với nhau từ lâu ở những nơi sáng trưng đèn điện, đâm ra nhát như trẻ con, sợ ma lắm, phương chi họ lại cất chòi gần ma thật sự, chớ không phải là ma tưởng tượng. Khu nghĩa địa ấy còn có các nghĩa địa khác nữa, như là nghĩa trang của người Ăng lê chẳng hạn, nếu có ma thì ma ở đó đông hằng vạn chớ có phải là một hai con đâu.

 

Cử tọa cười ồ lên, giây lát sau trận cười dứt, ông ủng hộ viên tài chánh hỏi:

-  Nhưng các nghĩa trang khác thì họ giải quyết vấn đề ấy cách nào?

-  Dạ thưa ông anh, họ không có vấn đề ấy như ta. Các nghĩa trang khác có đã lâu đời rồi, khiến nghĩa trang đã được bốn thế hệ người chôn trong đó, ở lắm nghĩa trang như nghĩa trang của tỉnh Sa đéc, người coi sóc nghĩa trang cha truyền con nối, họ đâu có xin thôi, còn các nghĩa trang tương đối ít lâu đời hơn, thì cũng đã cao niên lối bốn năm mươi tuổi, người coi sóc lại đã quá già, không tính chuyện đổi nghề vào lúc họ bảy mươi nữa.

-  Họ có nói họ về xứ để làm gì hay không?

-  Ai cũng nói họ nhớ nhà.

-  Khung cảnh ở đó y hệt như ở nhà quê, cũng có tiếng gà gáy khuya, tiếng cu gù trưa, tiếng chim hát sớm và chiều, thì tôi tưởng họ tạm quên được nỗi nhớ nhà sầu xứ chớ?

 

Người nói ra các ý nghĩ trên đây là một ông giáo sư về hưu, và câu nói của ông có vẻ văn nghệ, tâm lý, triết lý lắm nên cả đại hội đồng đều đồng ý với ông, và vì vậy mà họ càng ngạc nhiên hơn trước, cái nước liều không cần thiết lắm của mấy anh coi sóc nghĩa trang tỉnh nhà trong mấy năm nay. Vâng, đã bỏ làng vì lý do bất an ninh, lại quyết trở về làng trong khi tìm được một nơi không làm cho họ lạc hướng lắm, và sự liều không cần phải liều.

 

Chỉ có một vi bác sĩ trẻ tuổi là mỉm cười một cách bình thản. Người hội viên nầy hẳn còn sống rất lâu, ông ta vào hội, chắc chỉ đã có đất mà chôn ông, chôn cha gì đó thôi, chớ không phải vì ông ta chút nào.

 

Cử tọa làm thinh hơi lâu nên người hội viên trẻ tuổi nầy mới dám có ý kiến. Ông ta biết kính lão mà đây là một hội mà đa số hội viên là những ông cụ thất tuần.

- Thưa ông Hội Trưởng, ông bác sĩ Xuân ấy nói, nếu ông Hội Trưởng cho phép, tôi hy vọng sẽ thuyết phục người đó được.

Ông Hội Trưởng cười hiền lành mà rằng:

-  Sao lại cho phép? Chính tôi phải yêu cầu bác sĩ giúp cho Ban Trị Sự thoát khỏi cái nước bí nầy ấy chớ.

-  Với lại, bác sĩ Xuân thêm, dầu sao rồi tôi cũng cần được phép của ông Hội Trưởng để thực hiện vài điều lặt vặt trong nghĩa đia.

- Bác sĩ trọn quyền hành động.

Vấn đề xem như đã được thông qua, người ta bầu Ban Trị Sự mới và vì Ban Trị Sự cũ làm việc đắc lực trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp nên cuộc bỏ phiếu chỉ là một thủ tục lấy lệ mà thôi.

 

Thế rồi bao nhiêu người đồng hương ấy, thuộc đủ giai cấp, đủ nghề nghiệp, ngồi lại bàn tiệc tất niên và từ đó cho đến khuya, chỉ còn tiếng cười nói, chớ không ai nêu ra vấn đề rắc rối nào nữa hết.

 

Không biết sau đó cái ông bác sĩ Xuân ấy đã gạt gẫm anh nông dân chất phác kia thế nào mà rồi anh ta bằng lòng ở lại, không những không xin thôi nữa, mà là năm ấy anh ta cũng không về quê ăn Tết như năm trước đó.

 

Thường thì những chuyện làm điên đầu, không ai buồn xía vào làm gì, nếu có kẻ đưa lưng ra gánh vác. Trong trường hợp nầy, kẻ ấy là Ban Trị Sự, mà Ban Trị Sự đã không kêu than nữa thì họ an lòng rồi, hơn thế có nhớ tới vấn đề, họ cũng lờ đi, sợ khui chuyện ra, mỗi người lại phải nghe than nữa thì mệt lắm, lại còn có thể được yêu cầu đưa vai ra đỡ phụ thì càng mệt hơn.

Mãi cho tới năm 1966, cũng trong một bữa tiệc thường niên vào dịp cuối năm, ông ủng hộ viên vụt hỏi ông Hội Trưởng giữa hai ly rượu:

- À, tôi chợt nhớ lại vụ người coi sóc nghĩa trang cho hội nhà. Bây giờ người ấy là ai? Có đòi thôi việc vì nhớ nhà như bao nhiêu người trước hay không? Tôi cứ bị cái chết của chính tôi ám ảnh tôi hoài nên tôi quên tất cả mọi chuyện khác.

Ông Hội Trưởng bật cười:

-  Nhưng ông anh vẫn sống hoài để uống rượu với người đồng hương mỗi năm một lần. Chúc ông anh sống thêm mười năm nữa.

-  Cám ơn ông Hội Trưởng. Dầu sao rồi tôi cũng theo ông theo bà ngày nào đây, nên chi tôi lại ích kỷ, lo trong ấy bị bỏ bê.

-  Dạ, không những nghĩa trang không bị bỏ bê, lại còn đẹp hơn bao giờ hệt, đẹp hơn tất cả nghĩa trang của mười mấy tỉnh khác.

 

Ông kỹ sư Biện xác nhận sự kiện, phụ họa với ông Hội Trưởng, lại trách cứ người trong hội:

- Đúng là đẹp hơn các nghĩa trang khác nhiều lắm. Các nghĩa trang khác, cái nào cũng u buồn, còn nghĩa trang nhà thì rực rỡ màu sắc, nhìn vô đó, ta cứ tưởng đó là một vườn hoa. Bà con tệ lắm, ít có ai vô thăm nghĩa địa, trừ vài người hội viên hiếm hoi nhà có tang ma.

 

Ông ủng hộ viên tài chánh cười ha hả mà rằng:

- Ai cũng sợ nghĩa địa nhắc nhở cái chuyến đi du lịch không được vui trong đời con người nên nghĩa trang không bao giờ là chỗ ngoạn cảnh của ai được hết.

Ông Hội Trưởng nói lên một sự kiện không hãnh diện cho lắm về các hội viên nói riêng, về loài người nói chung.  Sợ chết hình như là ơ... hơ... tuy rất tự nhiên, nhưng đồng thời cũng rất là kém triết lý! Sao lại sợ một việc tự nhiên, không tránh được?

 

Một ông thư ký về hưu nói nữa:

- Có, các hội viên có vô trong ấy chớ sao không! Đó là những hội viên có mồ mả người thân trong ấy. Chỉ phiền là họ đã hết hội viên rồi. Hễ họ hưởng xong cái quyền lớn nhứt của một hội viên, nghĩa là lấy xong một chỗ nằm cho cha, mẹ, vợ, con, rồi thì họ rút lui êm thắm, không đóng tiền nguyệt liễm nữa.

Ông ủng hộ viên trở lại vấn đề người coi sóc nghĩa trang:

-  Nhưng tôi vẫn chưa biết vấn đề nhân công ấy đã được giải quyết một cách vĩnh viễn chưa.

- Thưa ông anh, đã giải quyết ổn thỏa xong từ năm ấy. Cũng vẫn cứ là người cũ.

-  Hay lắm, y hết nhớ nhà rồi hả?

-  Dạ!

-  Ông bác sĩ trẻ tuổi tên gì đó, ông ấy thuyết phục giỏi như Trương Nghi, Tô Tần. Ông ấy đâu rồi? Bà con ta phải thưởng ông ấy mỗi người một ly rượu mới được.

 

Mọi người đưa mắt sang khắp các bàn tiệc đó tìm kiếm con người có công ấy; nhưng không ai tìm được người đó hết.

Một người tư chức trẻ tuổi lên tiếng:

-  Ông Xuân ổng đã đi quân dịch từ hai năm nay rồi.

-  Vậy à? Chắc ông ấy ở tiền tuyến xa nên từ hai năm nay, nhớ ra thì ông ấy không có mặt trong hai bữa tiệc cuối năm. Nhưng ông ấy đã nói làm sao mà rồi người coi sóc nghĩa địa bằng lòng ở lại vậy a ông Hội Trưởng?

-  Thật ra. thì ông ấy không có nói gì hết với người đó, hay không có nói hơn một câu ngắn.

- Lạ! Chắc cái câu ấy là câu thần chú sao mà!

- Cũng không phải vậy. Ông ấy can thiệp để tôi cho phép người đó trồng bông thọ ngay trong nghĩa trang để bán ở các chợ Tết, qua trung gian các hàng bông hoa. Đó là chuyện tết năm ấy. Sang Giêng lại, thì ông ấy lại can thiệp để tôi cho y trồng đủ thứ bông hoa, nhứt là bông huệ, cần trồng trụ khá lớn cho cây huệ dựa. Bây giờ thì y đã giàu ra, vì bông huệ bán rất được tiền, và nhờ vậy mà nghĩa trang nhà cứ thơm tho, tươi tốt quanh năm.

-  Nhưng mà y làm nghề đó, choán chỗ lắm!

-  Thưa ông anh với lại bà con, không choán chỗ đâu. Nghĩa trang nhà còn mới, đất trống còn nhiều. Vả lại, bông hoa mềm yếu, rất dễ nhổ bỏ đi mà không gây thiệt hại nặng cho người trồng. Nói thí dụ mà nghe chớ bỗng dưng ta cần chỗ cho một vài trăm huyệt mả, một cách thình lình, thì y cũng sẽ thỏa mãn ta được, vì bứng bỏ bao nhiêu cây bông hoa trong cái diện tích cần ấy, không làm tốn hơn hai tiếng đồng hồ, còn về thiệt hại vật chất và tài chánh thì y chỉ mất lời chớ đâu có bỏ ra bao nhiêu vốn mà phải lỗ. Vả lại, theo tôi thì y cũng sẽ khỏi phải bứng cây cho nhọc xác, cứ để vậy, phu đào huyệt giậm lên đó như giậm lên cỏ, có thể còn sướng chơn hơn là giậm lên cỏ nữa.

- Y khá lên như vậy hèn gì mà y vui lòng ở lại. Dầu sao ông bác sĩ ấy cũng giỏi, chỉ giản dị có thế thôi, mà ta không nghĩ ra được.

-  Thưa bà con cô bác, sự thật thì không phải chỉ giản dị như vậy đâu. Đây là một vấn đề triết lý về con người chớ không phải chuyện tiền bạc đâu.

-  To chuyện dữ vậy lận sao?

-  Dạ. Đó là chuyện lớn thật sự. Ban đầu tôi cũng ngỡ chỉ có như vậy, nhưng sau, một hôm vui miệng, tôi hỏi ông bác sĩ Xuân, ổng nói ra sự thật, tôi mới biết đâu là đâu.

- Vậy sự thật có gì bí ẩn?

- Quả thật, bây giờ kiếm được nhiều tiền rồi thì người coi sóc nghĩa trang đâm ra mê tiền, ta mà có đuổi y đi, y cũng sẽ van nài để ở lại... vì tiền. Nhưng năm ấy thì y không hề ham tiền, không hề xin thôi vì lương thấp. Y chỉ cần thứ khác mà thôi.

-  Thứ gì?

-  Chính triết lý là ở đó và bí quyết của bác sĩ Xuân ở đó, chớ thật ra ông ấy ăn nói rất dở, không thuyết phục được ai hết đâu.

-  Bây giờ thì bà con tôi rất nóng lòng biết cái chuyện ngộ nghĩnh và mới lạ đó.

-  Ông bác sĩ Xuân ấy cho tôi biết rằng có một ông bác sĩ ở đâu bên Tây bên Mỹ gì đó tôi cũng không nhớ nữa, hình như tên là bác sĩ Soubiran. Ông bác sĩ Soubiran ấy đã khám phá ra những điều sau đây là dân thợ ở các thành phố, mức sống cao hơn nông dân nhiều, nhưng lại cứ yêu sách đòi tăng lương hoài, và có tăng tới đâu họ vẫn không nghe được thỏa mãn. Lương đủ sống như ở Bắc Âu, họ vẫn đình công đòi tăng lương. Không phải là họ thiếu thiện chí hoặc tham lam hơn thợ nông nghiệp ở thôn quê đâu, mà thật sự họ nghe không có hạnh phúc, lương cao tới đâu cũng không giúp họ có hạnh phúc được, nếu ta không tìm được lối ra thật đúng.

Cái lối ra thật đúng đó là tình yêu nghề của họ. Thợ thuyền, trước khi thành thợ, là nông dân. Họ tới thành phố, không cơ quan nào hướng nghiệp cho họ hết, theo khả năng và sở thích của họ, và họ thành thợ điện hay thợ sơn một cách rất là tình cờ, rất là may rủi.

Người thợ nông nghiệp thì không bao giờ mắc phải cái nạn “ép duyên” đó. Họ yêu đất, yêu mùi đất và họ được yêu cho tới mãn kiếp.

Đất có mùi thật sự, nhứt là đất mới xới, một mùi rất đặc biệt mà mũi họ quen ngửi cho đến ghiền, thiếu thì họ nghe thèm. Họ thấy rằng họ hạnh phúc vì họ được thỏa mãn tình cảm. Tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng. Nỗi thèm nầy có khi mãnh liệt như nỗi thèm mùi khói thuốc phiện của những con thằn lằn, những con chuột lắt sống trong buồng của những kẻ hút thuốc phiện, họ thèm và nhớ mùi đất y như là đào hát thèm và nhớ sân khấu, vũ nữ thèm và nhớ đèn màu, và y như là cá thèm và nhớ nước. Cá nhớ nước không phải là một hình ảnh đâu và đừng tưởng là cá không ở được ngoài nước.

Ở các chợ, các hàng cá, luôn luôn để cá lóc trong các rổ thường, loại cá nầy sống được ngoài nước nhiều tiếng đồng hồ liền, nhưng chúng cứ ngáp mãi, y như là ta thèm một điếu thuốc, một tách cà phê.

Vậy họ nhớ nhà, nhớ xứ là nhớ mùi đất ở phần lớn. Tạo điều kiện cho họ trồng trọt được là họ tạm nguôi sầu,và lần lần quen được với môi trường mới.

Và quả đúng y như vậy. Khi tôi gợi ý cho y gieo bông thọ để trồng bán Tết, thì mắt y sáng lên và y tức tốc đi tìm bông giống liền. Hôm sau đó, y dang nắng mà cuốc dở đất một cách sung sướng, chẳng khác nào ếch và ễnh ương mừng mưa mới.

 

Ông Hội Trưởng kể xong, bao nhiêu thực khách chung bàn với ông, nhìn nhau, lặng lẽ hỏi nhau điều ấy có đúng hay là không. Một hồi lâu, ông giáo Quyền cũng ngứa miệng kể chuyện, nên ông bắt đầu thuật tích cũ trong gia đạo ông:

-  Tôi nhớ năm ấy, tôi đang dạy học ở Bến tre. Tôi cưới bà nhà tôi ở tỉnh ấy. Được hai năm thì một cuộc thuyên chuyển đưa tôi lên Sài gòn. Bà nhà tôi chưa có con, và ít công việc nên tối ngày bà ấy cứ ngồi bó gối mà buồn. Bà ấy cứ nài nỉ tôi xin thuyên chuyển trở về tỉnh nhà của bà ấy.

Chợt một bữa kia không biết nhờ gì gợi ý bà nhà tôi đi mua chậu, đi tìm đất, ra đặt mấy cái chậu đất ấy ở sân trong, giữa nhà trên và nhà bếp. Bà nhà tôi trồng rau răm, rau tần dài, hành hương, ớt, không mấy tháng mà sân trong không còn chỗ để chơn nữa vì chậu cứ được sắm thêm hoài, thật là bất tiện. Thuở ấy rau cỏ có bao nhiêu tiền đâu, đi chợ mua hai xu, cả nhà ăn cả ngày không hết mà hai xu chỉ bằng hai đồng bạc ngày nay. Bà ấy lại không còn thì giờ nghỉ ngơi nữa, hễ sáng, vừa bét mắt thì lo săn sóc ba chậu rau không đáng giá đó, trưa cũng vậy, chiều cũng vậy. Vậy, mà kể từ ngày ấy, bà nhà tôi vui vẻ trở lại như hồi vợ chồng tôi mới cưới nhau và không bao giờ tính chuyện đi đâu nữa hết, mãi cho tới bây giờ mà tôi đã có cháu ngoại rồi.

Sở dĩ tôi phải lùi ra ngoại ô xa mà ở, chỉ vì sau đó bà nhà tôi thèm trồng cây lớn để được xới đất nhiều hơn là đất trong các chậu. Ngày nay thì sân nhà tôi không thiếu gì hết, từ cây  chanh, cây khế, cho đến cây mít, cây me, nhứt là tôi có được hai cây dừa mà bà nhà tôi nhứt quyết phải trồng, vì quê bà ấy là xứ dừa, trồng dừa cho đỡ thèm hình bóng cây dừa.

 

Ông ủng hộ viên tài chánh hỏi:

-  Nhưng ngày kia, nghĩa trang khá đầy rồi, không còn đất để trồng trọt nữa, ta làm sao giữ được người ấy?

-  Ông anh chớ có lo. Nghĩa trang còn nhiều năm nữa mới đầy, bởi hội viên thất tuần như ông anh mà cứ còn khỏe mạnh hoài thì làm sao nó đầy được. Như vậy, y đủ thì giờ già để bằng lòng an phận với công việc của y là gìn giữ nghĩa địa. 

 

Chú thích:

(l) Con số của năm 1964.

 

(Cuống rún chưa lìa)

 

© Binhnguyenloc.com