Thế giới phẳng

Chương 2 - phần 1

LỰC LÀM PHẲNG # 3

PHẦN MỀM WORK FLOW

Hãy đi ăn: Để Ứng dụng của Bạn Nói chuyện với Ứng dụng của Tôi

Tôi gặp Scott Hyten, CEO của Wild Brain, một studio hoạt hoạ tiên tiến ở San Francisco làm film và hoạt hình cho Disney và các studio lớn khác, tại một cuộc hội nghị ở Silicon Valley mùa đông năm 2004. Tôi được John Doerr, nhà tư bản mạo hiểm, mời để kiểm chứng các ý tưởng trong cuốn sách này đối với vài công ti mà ông đứng đằng sau. Hyten và tôi thực sự lặp lại giống như in, có lẽ bởi vì sau khi nghe các lí lẽ của tôi ông viết cho tôi một e-mail nói rằng, “tôi chắc chắn trong thời Magellan đã có nhiều nhà thần học, địa lí, và học giả những người đã muốn làm cho thế giới phẳng lại. Tôi biết thế giới là phẳng, và cảm ơn vì sự ủng hộ của ông”.

Một người hợp với ý tôi.

Khi tôi yêu cầu anh nói rõ, Hyten phác hoạ cho tôi hiện nay các film hoạt hình được sản xuất ra sao qua chuỗi cung toàn cầu. Tôi hiểu ngay vì sao ông cũng kết luận rằng thế giới là phẳng. “Ở Wild Brain,” ông nói, “chúng tôi làm cái gì đó từ con số không. Chúng tôi học làm thế nào để tận dụng thế giới phẳng. Chúng tôi không đấu tranh với nó. Chúng tôi tận dụng nó.”

Hyten mời tôi đến xem họ làm một đoạn hoạt hình để đánh giá thật đúng thế giới phẳng đến thế nào, tôi đã đến. Serie mà họ đang làm khi tôi có mặt là cho kênh Disney Channel và được gọi là Higglytown Heroes. Nó được tất cả những người dân bình thường những người đã vượt lên thách thức 11/9 truyền cảm hứng. Higglytown “là một thị trấn nhỏ điển hình của các năm 1950,” Hyten nói. “Nó là Pleasantville [Thành phố vui vẻ]. Và chúng ta xuất khẩu sản phẩm của thị trấn Mĩ nhỏ này đi khắp thế giới- theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nền tảng của câu chuyện là mọi người, tất cả đều là người dân thường sống cuộc đời mình, là các anh hùng của thị trấn nhỏ này- từ thầy giáo đến người đưa bánh pizza.”

Cuộc biểu diễn hoàn toàn Mĩ này được một chuỗi cung toàn thế giới làm. “Phiên nghi hình,” Hyten giải thích, “được đặt gần nghệ sĩ, thường ở New York hay L.A., thiết kế và chỉ huy được tiến hành ở San Francisco, mạng lưới các nhà văn là từ nhà của họ (Florida, London, New York, Chicago, L.A., và San Francisco), và việc làm cho các vai sống động [animation] được làm tại Bangalore với biên tập từ San Francisco. Cho cuộc biểu diễn này chúng tôi có tám nhóm ở Bangalore làm việc song song với tám người viết khác nhau. Hiệu suất này cho phép chúng tôi hợp đồng với năm mươi ‘ngôi sao’ cho hai mươi sáu hồi. Các phiên tương tác ghi/viết/làm hoạt hình cho phép chúng tôi ghi một nghệ sĩ cho toàn bộ cuộc biểu diễn trong thời gian ít hơn nửa ngày, bao gồm các chầu quay và viết lại không hạn chế. Chúng tôi ghi hai diễn viên một tuần. Thí dụ tuần qua chúng tôi đã nghi Anne Heche và Smokey Robinson. Về mặt kĩ thuật, chúng tôi làm việc này trên Internet. Chúng tôi có một VPN [mạng riêng ảo] được định cấu hình trên các máy tính ở văn phòng của chúng tôi và trên các máy mà chúng tôi gọi là ‘các quả bóng đá’ của các nhà văn, hay các máy xách tay đặc biệt có thể kết nối với bất kể điểm kết nối Ethernet cat-5 nào hay với kết nối không dây dải rộng nào ở ‘hiện trường’. VPN này cho phép chúng tôi chia sẻ mọi âm thanh từ microphone, các hình từ các phiên, kịch bản thời gian thực, và tất cả các thiết kế hoạt hình giữa tất cả các địa điểm với một đăng nhập [log-in] đơn giản. Cho nên, một cách để anh quan sát là chúng tôi gửi cho anh một quả bóng. Anh kết nối ở nhà, ở văn phòng, ở hầu hết phòng khách sạn, hay xuống quán cà phê Starbucks ở địa phương [có truy cập Internet không dây băng rộng], log-on, gắn một cặp tai nghe Bose giảm tạp âm, và nghe, theo dõi, đọc, và bình luận. ‘Sharon, anh có thể để dòng đó lại một chút không?’ Sau đó, trên lịch sản xuất mười một tuần cho cuộc diễn, anh có thể log-in hai mươi bốn giờ một ngày và kiểm tra sự tiến triển sản xuất như nó theo mặt trời quanh trái đất. Về mặt kĩ thuật, anh cần ‘quả bóng’ chỉ cho phiên làm việc. Anh có thể dùng máy xách tay bình thường của mình để theo dõi ‘công việc hàng ngày’ và ‘biên tập’ qua chu kì sản xuất.”

Tôi cần xem Wild Brain trực tiếp, vì nó là tấm gương sinh động về lớp tiếp của đổi mới sáng tạo, và cái làm phẳng tiếp, đại thể theo sau các pha Tường Berlin-Windows và Netscape. Tôi gọi nó là ‘pha work flow’. Khi các bức tường sụp đổ, và PC, Windows, và Netscape browser cho phép người ta kết nối với người khác như chưa từng bao giờ có, không bao lâu trước khi tất cả những người đã được kết nối này muốn làm nhiều hơn là chỉ duyệt và gửi e-mail, các tin nhắn gấp, các bức ảnh và âm nhạc trên nền tảng Internet này. Họ muốn chia sẻ các thứ, thiết kế các thứ, tạo ra các thứ, bán các thứ, mua các thứ, theo dõi các kho hàng, chuẩn bị khai thuế cho ai khác, đọc X-quang của ai đó từ xa nửa vòng trái đất. Và họ muốn có khả năng làm bất cứ việc nào trong những việc này từ bất cứ đâu đến bất cứ đâu và từ bất cứ máy tính nào đến bất cứ máy tính nào- một cách suôn sẻ. Các pha tường-Windows-Netscape đã dọn đường cho việc đó bằng chuẩn hoá cách văn bản, âm nhạc, hình ảnh, và dữ liệu có thể được số hoá và được truyền qua trên Internet- vì thế e-mail và duyệt [Web] trở thành một kinh nghiệm rất phong phú.

Nhưng đối với tất cả chúng ta để đi sang giai đoạn tiếp, để lấy nhiều hơn từ Internet, quá trình làm phẳng phải đi tới một nấc khác. Ta cần hai thứ. Cần các lập trình viên đến và viết các ứng dụng mới – các phần mềm mới- cho phép chúng ta lấy cực đại từ các máy tính của mình khi làm việc với dữ liệu, văn bản, âm nhạc, hình ảnh được số hoá này và tạo hình chúng thành các sản phẩm. Chúng ta cũng cần các đường ống thần diệu hơn, nhiều giao thức truyền dẫn hơn, chúng đảm bảo rằng các ứng dụng phần mềm của mỗi người có thể kết nối với các ứng dụng phần mềm của bất cứ ai khác. Tóm lại, ta phải đi từ một Internet chỉ kết nối người với người, và người với các ứng dụng của riêng họ, đến một Internet có thể kết nối bất cứ chương trình phần mềm nào của tôi đến bất cứ phần mềm nào của bạn. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể làm việc thực sự với nhau.

Nghĩ thế này: Lúc đầu, luồng công việc [work flow] gồm phòng bán hàng nhận một đơn hàng bằng giấy, mang sang phòng giao hàng, phòng này giao sản phẩm, và rồi ai đó từ phòng giao hàng đi sang phòng tài vụ với một miếng giấy và yêu cầu họ xuất một hoá đơn cho khách hàng. Như kết quả của các pha Tường Berlin-Windows-Netscape, work flow đã có một bước nhảy khổng lồ. Bây giờ phòng bán hàng có thể nhận đơn hàng điện tử, e-mail cho phòng giao hàng trong nội bộ công ti, và sau đó sai phòng giao hàng giao sản phẩm cho khách hàng và đồng thời tự động lập một hoá đơn. Sự thực rằng tất cả các phòng bên trong công ti của bạn có thể tương tác suôn sẻ và công việc có thể chảy giữa chúng, là một sự gia tăng lớn về năng suất- nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu tất cả các phòng của công ti bạn dùng cùng hệ thống phần mềm và phần cứng. Vào các năm 1980 và đầu các năm 1990 rất thường xảy ra là phòng bán hàng của một công ti chạy Microsoft và phòng kho hàng chạy Novell, và chúng không thể liên lạc với nhau. Cho nên công việc [work] không chảy [flow] dễ dàng như nó phải.

Chúng ta thường hay quên là công nghiệp phần mềm khởi hành giống như một phòng cứu hoả tồi. Hãy tưởng tượng một thành phố nơi mỗi khu lân cận có các đầu nối khác nhau để nối vòi phun với ống nước máy. Tất cả mọi thứ đều tốt chừng nào phòng cứu hoả lân cận có thể xử lí vụ cháy của bạn. Nhưng khi vụ cháy trở nên quá to, và khi phải gọi các xe cứu hoả từ khu bên cạnh, chúng vô ích bởi vì chúng không thể mắc vòi phun của mình và đường nước của bạn.

Để cho thế giới trở nên phẳng, tất cả các phòng nội bộ của bạn –bán hàng, tiếp thị, sản xuất, tài vụ, và kho- phải trở nên tương hoạt, bất luận mỗi phòng dùng máy hay phần mềm nào. Và để cho thế giới trở nên thực sự phẳng, tất cả các hệ thống của bạn phải có thể hoạt động được với tất cả các hệ thống của bất cứ công ti khác nào [tương hoạt]. Tức là, phòng bán hàng của bạn phải được kết nối tới phòng kho hàng của nhà cung cấp của bạn và phòng kho hàng của nhà cung cấp phải được kết nối thông suốt với nhà cung cấp của nhà cung cấp, một nhà máy ở Trung Quốc. Theo cách đó, khi bạn bán một món hàng, một món được tự động giao từ kho của nhà cung cấp của bạn, thì một món khác được sản xuất bởi nhà cung cấp của nhà cung cấp của bạn, và hoá đơn được lập từ phòng tài vụ của bạn. Các hệ thống máy tính khác nhau và các ứng dụng phần mềm của ba công ti khác biệt rõ rệt phải có thể tương hoạt sao cho công việc có thể chảy thông suốt giữa chúng.

Các năm cuối 1990, công nghiệp phần mềm bắt đầu đáp ứng cái người tiêu dùng muốn. Các công ti công nghệ, qua nhiều tranh cãi ở phòng kín và thử và sai, đã bắt đầu rèn nhiều tiêu chuẩn chung trên cơ sở Web, nhiều hệ thống [ống] số tích hợp và các giao thức, như thế tất cả mọi người có thể khớp vòi phun của mình –các ứng dụng phần mềm của mình- vào đường ống nước của bất cứ ai khác.

Đấy là cuộc cách mạng thầm lặng. Về kĩ thuật, cái làm cho nó có thể là sự phát triển của một loại ngôn ngữ mô tả mới, gọi là XML, và giao thức truyền tương ứng của nó, là SOAP. IBM, Microsoft, và một loạt các công ti khác đã đóng góp cho sự phát triển của cả XML và SOAP, và cả hai tiếp theo được thông qua và phổ biến như các tiêu chuẩn Internet. XML và SOAP tạo ra nền tảng kĩ thuật cho sự tương tác chương trình phần mềm-đến-chương trình phần mềm, cái là nền tảng của work flow do Web tạo khả năng. Chúng cho phép dữ liệu, văn bản, âm nhạc, và ảnh số hoá có thể được trao đổi giữa các chương trình phần mềm khác nhau sao cho chúng có thể được nhào nặn, thiết kế, thao tác, biên tập, biên tập lại, lưu, xuất bản, và chuyển đi – mà không quan tâm gì đến người ta ngồi thực sự ở đâu hay họ kết nối qua các công cụ tính toán nào.

Một khi đã có nền tảng kĩ thuật này, ngày càng nhiều người bắt đầu viết các chương trình phần mềm work flow cho ngày càng nhiều công việc. Wild Brain đã muốn các chương trình làm film hoạt hình với nhóm sản xuất trải khắp thế giới. Boeing muốn chúng để các nhà máy máy bay của nó ở Mĩ có thể liên tục tái cung cấp linh kiện cho các khách hàng là các hãng hàng không khác nhau, qua các hệ thống nhận đơn hàng bằng máy tính của nó, bất luận các đơn hàng đó đến từ nước nào. Các bác sĩ muốn chúng để cho một film X-quang chụp ở Bangor có thể được đọc ở một bệnh viện ở Bangalore, mà bác sĩ ở Maine chẳng bao giờ phải nghĩ về bệnh viện Ấn Độ dùng máy tính nào. Và Mẹ và Bố muốn chúng bởi vì họ muốn phần mềm ngân hàng điện tử, phần mềm môi giới điện tử, e-mail văn phòng, và phần mềm bảng tính của họ tất cả đều hoạt động từ máy xách tay ở nhà của họ và có khả năng giao tiếp với máy để bàn
ở văn phòng của họ. Và một khi các ứng dụng của mỗi người bắt đầu kết nối với các ứng dụng của mọi người khác – điều cần nhiều năm và nhiều công nghệ và năng lực trí óc để xảy ra- công việc không chỉ có thể chảy như chưa từng bao giờ, mà nó có thể được chặt nhỏ và tách ra như chưa từng bao giờ và được gửi đi bốn phương trời. Điều này có nghĩa là công việc có thể chảy đến bất cứ đâu. Quả thực, chính khả năng cho phép các ứng dụng nói chuyện với các ứng dụng, không chỉ người nói chuyện với người, là cái mau chóng làm cho outsourcing có thể. Nhờ các loại dịch vụ Web –work flow khác nhau, Craig Mundie, Tổng Giám đốc Kĩ thuật của Microsoft, nói, “ngành đã tạo ra một nền toàn cầu cho lực lượng lao động toàn cầu của con người và các máy tính.”

Mạng ống mênh mông dưới mặt đất làm cho tất cả công việc có thể chảy đã trở nên rất rộng. Nó gồm tất cả các giao thức Internet của thời kì trước, như TCP/IP và các giao thức khác, làm cho duyệt Web, e-mail, và các Web site là có thể. Nó gồm cả các công cụ mới hơn, như XML và SOAP, cho phép các ứng dụng Web liên lạc với nhau suôn sẻ hơn, và nó bao gồm các tác nhân phần mềm được biết đến như middleware, được dùng như một trung gian giữa các ứng dụng cực kì đa dạng. Trung tâm của các công nghệ này đã là mối lợi to lớn của đổi mới sáng tạo và giảm rất nhiều ma sát giữa các công ti và các ứng dụng. Thay cho mỗi người đi quản lí vòi nước cứu hoả, họ làm cho tất cả các vòi nước và vòi phun hệt nhau, tạo ra một thị trường lớn hơn nhiều trải ra mọi nơi trên thế giới. Sau đó các công ti bắt đầu cạnh tranh thay vào đó về chất lượng vòi phun, máy bơm, và xe cứu hoả. Tức là, họ cạnh tranh về ai có thể đưa ra các ứng dụng hữu ích và tiện lợi nhất. Joel Cawley, đứng đầu đơn vị kế hoạch chiến lược của IBM, nói, “Các tiêu chuẩn không loại bỏ đổi mới, chúng chỉ cho phép bạn chú tâm vào nó. Chúng cho phép bạn tập trung vào nơi giá trị thật sự ở đó, mà thường là mọi thứ bạn có thể cho thêm vào, trên và quanh tiêu chuẩn”.

Tôi thấy điều này khi viết cuốn sách mới nhất của tôi. Một khi Microsoft Word được xác lập như tiêu chuẩn toàn cầu, công việc có thể chảy giữa những người ở các lục địa khác nhau dễ hơn nhiều, bởi vì tất cả chúng ta đều viết từ cùng màn hình với cùng thanh công cụ cơ bản. Khi tôi viết cuốn sách đầu tiên của mình Từ Beirut đến Jerusalem, năm 1988, tôi đã sống một phần của năm ở Trung Đông và phải ghi chép bằng bút và giấy, cứ như là thời kì trước máy xách tay và trước Microsoft Word. Khi

tôi viết cuốn sách thứ hai, Xe Lexus và Cây Ôliu, năm 1998, tôi đã phải biên tập một chút ở phút chót từ một máy tính ở đằng sau quầy của một khách sạn Thuỵ Sĩ ở Davos trên một phiên bản Đức của Microsoft Word. Tôi đã không thể hiểu một từ nào, một chức năng đơn nhất nào, trên thanh công cụ của phiên bản Đức của Word. Nhưng vào 1998, tôi đã quen với chương trình Word cho Windows, và với chỗ của các biểu tượng trên màn hình, cho nên tôi đã có thể trỏ và nhấp chuột theo cách của tôi suốt việc biên tập trên phiên bản Đức và gõ những sửa chữa của tôi bằng chữ cái tiếng Anh trên bàn phím Đức. Các tiêu chuẩn dùng chung là một lực làm phẳng khổng lồ, bởi vì nó cả buộc lẫn trao quyền cho nhiều người hơn để liên lạc và đổi mới trên các nền [platform] rộng hơn nhiều.

Một trong các thí dụ ưa thích của tôi là PayPal, cái cho phép chợ thương mại điện tử của eBay trở thành như ngày nay. PayPal là hệ thống chuyển tiền được thành lập năm 1998 để tạo thuận lợi cho các giao dịch C2C (khách hàng-khách hàng), giống như một người mua và một người bán do eBay đưa lại với nhau. Theo Web site ecomerce-guide.com, sử dụng PayPal, bất cứ ai với một địa chỉ e-mail có thể chuyển tiền cho bất cứ ai khác với một địa chỉ e-mail, bất luận người nhận có một tài khoản PayPal hay không. PayPal thậm chí không quan tâm liệu một giao dịch thương mại có xảy ra hay không. Nếu ai đó ở văn phòng tổ chức một tiệc cho ai đó và mỗi người cần góp tiền vào, tất cả họ có thể dùng PayPal. Thực ra, người tổ chức có thể gửi cho mỗi người lời nhắc PayPal bằng e-mail với các chỉ dẫn rõ ràng góp tiền thế nào. PayPal có thể chấp nhận tiền theo một trong ba cách, ecomerce-guide.com lưu ý: tính vào thẻ tín dụng của người mua cho bất cứ giao dịch (khoản trả tiền) nào, ghi nợ một tài khoản séc đối với bất cứ khoản trả tiền nào hay khấu trừ các khoản chi trả từ một tài khoản PayPal đã được xác lập với một séc cá nhân. Người nhận thanh toán có thể dùng tiền ở tài khoản của mình cho việc mua trực tuyến hay cho các khoản chi trả, có thể nhận thanh toán từ PayPal bằng séc, hay có thể bảo PayPal gửi thẳng tiền vào một tài khoản séc. Lập một tài khoản PayPal là đơn giản. Với tư cách người trả tiền, tất cả cái bạn phải làm là cung cấp tên của bạn, địa chỉ e-mail của bạn, thông tin thẻ tín dụng của bạn, và địa chỉ gửi hoá đơn cho thẻ tín dụng của bạn.

Tất cả các chức năng ngân hàng và thương mại điện tử tương hoạt này đã làm phẳng thương trường Internet triệt để đến mức thậm chí eBay bị ngạc nhiên. Trước PayPal, Meg Whitman CEO của eBay giải thích, “Nếu tôi kinh doanh trên eBay năm 1999, cách duy nhất tôi có thể trả anh với tư cách người mua là với một tấm séc hay phiếu chuyển tiền, một hệ thống dựa vào giấy. Đã không có cách điện tử nào để chuyển tiền, và anh là một nhà buôn quá nhỏ để đủ tiêu chuẩn có một tài khoản thẻ tín dụng. Cái PayPal làm là cho phép người ta, các cá nhân, chấp nhận thẻ tín dụng. Với thẻ tín dụng tôi có thể trả cho bạn với tư cách một người bán cá nhân trên eBay. Điều này thực sự san bằng sân chơi và làm cho thương mại phi ma sát hơn”. Thực ra, rất tốt là eBay đã mua PayPal, nhưng không phải dựa vào kiến nghị của các nhà ngân hàng đầu tư Phố Wall của nó – mà dựa vào kiến nghị của những người dùng nó.

– “Một hôm chúng tôi thức dậy,” Whitman nói, “và thấy 20 phần trăm số người trên eBay nói, ‘tôi chấp nhận PayPal, làm ơn trả tôi theo cách đó.’ Và chúng tôi bảo, ‘Họ là ai vậy và họ làm gì?’ Đầu tiên chúng tôi thử đánh họ và đưa dịch vụ riêng của chúng tôi ra, gọi là Billpoint. Cuối cùng, tháng Bảy 2002, chúng tôi trong một [hội nghị] eBay Trực tiếp [Live] và tiếng trống điếc tai xuyên qua hội trường. Cộng đồng của chúng tôi bảo chúng tôi, ‘Các cậu có ngừng đánh nhau không? Chúng tôi muốn một chuẩn – và tiện thể, chúng tôi đã chọn một chuẩn nó được gọi là PayPal, và chúng tôi biết bọn cậu ở eBay muốn nó là [chuẩn] của mình, nhưng nó là của họ’. Và đó là lúc chúng tôi biết chúng tôi phải mua công ti đó, bởi vì nó là tiêu chuẩn và nó không phải là của chúng tôi…Đó là việc mua lại tốt nhất chúng tôi đã từng tiến hành”.

Đây là cách tôi vừa viết đoạn trên thế nào: Tôi chuyển các lời ghi phỏng vấn điện thoại Meg Whitman từ máy xách tay Dell sang máy Dell để bàn của tôi, rồi bật kết nối DSL và nháy đúp vào AOL, nơi tôi dùng Google để tìm Web site có thể giải thích PayPal, nó hướng tôi đến ecomerce-guide.com. Tôi tải định nghĩa từ Web site ecomerce-guide.com, nó được viết theo font chữ Internet nào đó như một file text, rồi sau đó gọi vào Microsoft Word, Word tự động chuyển nó thành một tài liệu Word, mà sau đó tôi có thể dùng để viết đoạn này trên máy để bàn của tôi. Đó cũng là work flow! Và cái quan trọng nhất về nó không phải là tôi có các công cụ work flow này; biết bao nhiêu người ở Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Brazil, và Timbuktu bây giờ cũng có chúng – cùng với tất cả các ống truyền và các giao thức cho nên họ có thể plug & play từ bất cứ đâu.

Tất cả điều này đi đến đâu? Ngày càng nhiều work flow sẽ được tự động hoá. Trong pha các dịch vụ Web-work flow đang đến, đây là cách bạn sẽ hẹn nha sĩ: Bạn chỉ thị cho máy tính bằng lời để hẹn. Máy tính của bạn sẽ tự động dịch lời nói thành một lệnh số. Nó sẽ tự động kiểm tra lịch của bạn với ngày có sẵn trên lịch của nha sĩ và cho bạn ba lựa chọn. Bạn sẽ nhắp ngày và giờ ưa thích. Một tuần trước ngày hẹn, lịch của nha sĩ sẽ tự động gửi bạn một e-mail nhắc bạn về cuộc hẹn. Tối trước, bạn sẽ nhận một thông điệp bằng lời do máy tính đưa ra qua điện thoại, cũng nhắc bạn về cuộc hẹn.

Để work flow đạt đến giai đoạn tiếp này, và sự gia tăng năng suất mà nó sẽ mang lại, “chúng ta cần ngày càng nhiều tiêu chuẩn chung hơn,” Cawley nhà lập kế hoạch chiến lược của IBM nói. “Vòng đầu của các tiêu chuẩn nổi lên với Internet đã là quanh dữ liệu cơ bản – chúng ta biểu diễn một con số ra rao, chúng ta tổ chức các file thế nào, chúng ta hiển thị và lưu nội dung ra sao, chúng ta chia sẻ và trao đổi thông tin thế nào. Đó là pha Netscape. Bây giờ một tập hoàn toàn mới của các tiêu chuẩn đang nổi lên để cho phép công việc chảy. Các tiêu chuẩn này là về chúng ta kinh doanh cùng nhau thế nào. Thí dụ, khi bạn xin vay thế chấp, đi đến kết thúc, hay mua một căn nhà, đúng là có hàng chục quy trình và luồng dữ liệu giữa nhiều công ti khác nhau. Một ngân hàng có thể tìm cách kiếm sự chấp thuận của bạn, kiểm tra tín dụng của bạn, xác định các lãi suất của bạn, và tiến hành kết thúc – sau đó món vay hầu như ngay lập tức được bán cho ngân hàng khác.”

Mức tiếp theo của các tiêu chuẩn, Cawley nói thêm, sẽ là về tự động hoá tất cả các quy trình này, cho nên chúng chảy thậm chí thông suốt hơn với nhau và có thể kích thích thậm chí nhiều tiêu chuẩn hơn. Chúng ta đang thấy rồi các tiêu chuẩn nổi lên quanh trả lương, thanh toán thương mại điện tử, nhận diện đặc trưng rủi ro, quanh âm nhạc và ảnh được biên tập thế nào ở dạng số, và quan trọng nhất, quanh các chuỗi cung được kết nối ra sao. Tất cả các tiêu chuẩn này, ở trên phần mềm work flow, giúp cho phép công việc được bẻ ra từng phần, ráp lại, và khiến nó chảy, không có ma sát, tới lui giữa những người sản xuất hiệu quả nhất. Sự đa dạng của các ứng dụng sẽ tự động có khả năng tương tác với nhau sẽ bị giới hạn chỉ bởi sức tưởng tượng của chúng ta. Sự tăng thêm năng suất từ việc này có thể lớn hơn bất cứ thứ gì chúng ta đã từng thấy trước đây.

– “Các nền work flow cho phép chúng ta làm đối với công nghiệp dịch vụ cái mà Henry Ford đã làm với chế tác,” Jerry Rao, nhà khởi nghiệp làm công việc kế toán cho những người Mĩ từ Ấn Độ, nói. “Chúng ta tháo rời mỗi công việc ra từng mảnh và gửi nó khắp nơi cho người nào có thể làm tốt nhất, và bởi vì chúng ta làm việc đó trong một môi trường ảo, về thể xác người ta không cần ở cạnh nhau, và sau đó chúng ta ráp tất cả các phần đó lại với nhau ở hội sở [hay ở nơi xa xôi nào đó]. Đây không phải là cách mạng tầm thường. Đây là một cuộc cách mạng lớn. Nó cho phép một ông chủ ở đâu đó và các nhân viên của ông ở nơi nào đó khác.” Các nền phần mềm work flow này, Jerry nói thêm, “cho phép bạn tạo ra các văn phòng ảo toàn cầu- không bị giới hạn bởi ranh giới của văn phòng bạn hay biên giới của nước bạn- và để tiếp cận nhân tài ngồi ở các phần khác nhau của thế giới và khiến họ hoàn thành các nhiệm vụ mà bạn cần hoàn tất trong thời gian thực. Và như thế 24/7/365 tất cả chúng ta đều làm việc. Và tất cả điều này đã xảy ra trong nháy mắt- trong khoảng hai hay ba năm vừa qua.”

Sáng Thế: Nền Thế giới Phẳng Nổi lên

Chúng ta cần dừng ở đây và kiểm kê lại, bởi vì tại điểm này- giữa các năm 1990- nền [platform] cho sự làm phẳng thế giới đã bắt đầu hiện ra. Thứ nhất, các bức tường sụp đổ, Windows mở ra, sự số hoá nội dung, và sự lan rộng của Internet browser đã kết nối suôn sẻ người với người như chưa từng có trước đây. Sau đó phần mềm work flow đã kết nối suôn sẻ các ứng dụng với các ứng dụng, như thế người ta có thể thao tác tất cả nội dung đã số hoá của họ, dùng các máy tính và Internet, như chưa từng có trước đây.

Khi bạn thêm mức mới chưa từng có này về liên lạc người-với-người vào tất cả các chương trình work flow ứng dụng-với-ứng dụng trên cơ sở Web này, bạn kết thúc với một nền toàn cầu mới hoàn toàn cho nhiều hình thức cộng tác. Đây là thời điểm Sáng Thế cho sự làm phẳng thế giới. Đấy là lúc nó bắt đầu có hình hài. Nó cần nhiều thời gian hơn để hội tụ và thực sự trở thành phẳng, nhưng đây là thời khắc khi người ta bắt đầu cảm thấy cái gì đang thay đổi. Đột nhiên nhiều người từ nhiều nơi hơn thấy rằng họ có thể cộng tác với nhiều người hơn trên các loại công việc khác nhau hơn và chia sẻ nhiều loại tri thức hơn bao giờ hết. “Chính sự tạo ra platform [nền] này, với các thuộc tính độc nhất, là sự đột phá bền vững quan trọng thật sự làm cho cái bạn gọi là sự làm phẳng thế giới là có thể,” Craig Mundie của Microsoft nói.

Quả thực, nhờ platform này nổi lên từ ba lực làm phẳng đầu tiên, chúng ta đã không chỉ có khả năng nói với nhau nhiều hơn, chúng ta đã có khả năng cùng nhau làm nhiều thứ hơn. Đấy là điểm mấu chốt, Joel Cawley, nhà chiến lược IBM lí lẽ. “Chúng ta không chỉ liên lạc với nhau nhiều hơn bao giờ hết, bây giờ chúng ta có khả năng cộng tác – để cùng nhau xây dựng các liên minh, các dự án, và các sản phẩm – hơn bao giờ hết.”

Sáu lực làm phẳng tiếp đại diện cho các hình thức cộng tác mới mà platform mới này cho phép. Như tôi cho thấy, một số người sẽ dùng platform này cho open-sourcing [tìm nguồn mở], một số cho outsourcing [thuê làm ngoài], một số cho offshoring [làm ở hải ngoại], một số cho supply-chaining [xâu chuỗi cung], một số cho insourcing [thuê làm trong], và một số cho in-forming [cấp-tin]. Mỗi trong các hình thức cộng tác này hoặc do platform mới làm cho có thể hay được nó tăng cường rất nhiều. Và khi ngày càng nhiều người chúng ta học làm thế nào để cộng tác theo các cách khác nhau này, chúng ta làm phẳng thế giới còn nhiều hơn nữa.

LỰC LÀM PHẲNG # 4 OPEN-SOURCING [TÌM NGUỒN MỞ] Các Cộng đồng Cộng tác Tự-Tổ chức

Alan Cohen vẫn nhớ lần đầu tiên ông nghe từ “Apache” với tư cách một người lớn, và đó không phải là trong lúc xem một phim cao bồi-và- Indian. Đó là vào các năm 1990, thị trường dot-com đang lên cơn sốt, và ông là một người quản lí cấp cao của IBM, giúp cai quản lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử đang nổi lên của nó. “Tôi đã có toàn bộ một đội với một ngân quỹ khoảng 8 triệu $,” Cohen nhớ lại. “Chúng tôi cạnh tranh đầu đối đầu với Microsoft, Netscape, Oracle, Sun – đều là các tay lớn. Và chúng tôi đã chơi trò chơi đánh cược rất lớn này về thương mại điện tử. IBM có một lực lượng bán hàng khổng lồ bán tất cả phần mềm thương mại điện tử này. Một hôm tôi hỏi giám đốc phát triển người làm việc cho tôi, “Jeff này, dẫn tôi qua quy trình phát triển cho các hệ thống thương mại điện tử này. Máy chủ Web cơ sở là gì?’ Và anh ta bảo tôi, ‘Nó được dựng lên trên Apache.’ Điều đầu tiên tôi nghĩ về là John Wayne. ‘Apache là cái gì?’ tôi hỏi. Và anh ta bảo nó là một chương trình shareware cho công nghệ Web server [máy chủ Web]. Anh ta nói nó được một bọn cự phách chỉ làm việc trực tuyến ở loại chat room nguồn mở nào đó tạo ra miễn phí. Tôi bị rối trí. Tôi hỏi, ‘Anh mua nó thế nào?’ và anh ta bảo, ‘Anh tải nó xuống từ một Web site miễn phí’. Và tôi bảo, ‘Ừ, ai hỗ trợ nếu có gì đó trục trặc?’ Và anh ta nói, ‘Tôi không biết – đúng là nó cứ hoạt động!’ Và đó là sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với Apache …

– “Bây giờ bạn phải nhớ lại, khi đó Microsoft, IBM, Oracle, Netscape tất cả đều thử xây dựng các Web server thương mại. Đấy là các công ti khổng lồ. Và đột nhiên gã phát triển của tôi bảo tôi rằng anh ta lấy được [Web server] của chúng tôi từ Internet miễn phí! Nó giống cứ như là bạn có tất cả các quan chức điều hành của các công ti lớn này mưu tính các chiến lược, và rồi đột nhiên mấy gã ở phòng thư là những người phụ trách. Tôi tiếp tục hỏi, “Ai cai quản Apache? Ý tôi nói, bọn này là những ai?”

Vâng, bọn geek [các tay cự phách] ở phòng thư đang quyết định họ và cả bạn sẽ dùng phần mềm nào. Nó được gọi là phong trào nguồn mở, và nó kéo hàng ngàn người khắp thế giới cùng đến cộng tác trực tuyến để viết mọi thứ từ phần mềm riêng của họ đến các hệ điều hành riêng của họ đến từ điển riêng của họ đến công thức riêng của họ cho cola – luôn luôn xây dựng từ dưới lên hơn là chấp nhận các định dạng hay nội dung do các hệ thống thứ bậc công ti áp đặt từ trên xuống. Từ “nguồn-mở” hình thành từ quan niệm rằng các công ti hay các nhóm ad hoc sẽ để mã nguồn [source code]– các lệnh lập trình làm cho một phần mềm hoạt động – trực tuyến sẵn để dùng và sau đó để cho bất cứ ai, người có cái gì đó để cải thiện, tham gia cải thiện nó và để hàng triệu người khác tải nó xuống dùng miễn phí. Trong khi phần mềm thương mại giữ bản quyền và được bán, các công ti bảo vệ mã nguồn cứ như chúng là các bảo bối của họ như thế họ có thể đòi tiền bất cứ ai muốn sử dụng nó và bằng cách ấy tạo ra thu nhập để phát triển các phiên bản mới, phần mềm nguồn mở được dùng chung, được người dùng cải thiện liên tục, và để cho bất cứ ai dùng miễn phí. Đổi lại, mỗi người dùng có đóng góp một sự cải thiện – một miếng vá làm cho phần mềm này hát hay múa hay hơn- được khuyến khích để miếng vá đó sẵn cho tất cả những người khác dùng miễn phí.

Do không là một geek máy tính, tôi đã chẳng bao giờ chú tâm nhiều đến phong trào nguồn mở, nhưng khi tôi để ý, tôi phát hiện ra nó là một vũ trụ gây kinh ngạc của chính nó, với các cộng đồng trực tuyến, những người tình nguyện tự nhiên chia sẻ sự hiểu biết của họ với nhau và sau đó hiến cho công chúng không lấy gì cả. Họ làm việc đó vì họ muốn làm cái gì đó mà thị trường không cho họ; họ làm việc đó vì cảm giác tinh thần phấn chấn có được từ việc tạo ra một sản phẩm tập thể có thể đánh bại cái gì đó do các gã khổng lồ như Microsoft, IBM tạo ra, và – thậm chí quan trọng hơn- để giành được sự tôn trọng của các trí thức ngang hàng. Quả thực, các gã và các ả này là một trong các dạng cộng tác mới, lí thú và gây tranh cãi nhất do thế giới phẳng tạo điều kiện dễ dàng và làm phẳng nó thậm chí nhiều hơn.

Nhằm giải thích dạng cộng tác này hoạt động thế nào, vì sao nó là một lực làm phẳng và vì sao, nhân đây, nó đã khuấy lên nhiều tranh cãi đến vậy và sẽ khuấy thậm chí nhiều hơn trong tương lai, tôi sẽ tập trung chỉ vào hai loại cơ bản của open-sourcing: phong trào [nguồn lực] trí tuệ chung và phong trào phần mềm miễn phí.

Dạng nguồn lực trí tuệ chung [intellectual commons*] của open-sourcing có nguồn gốc trong các cộng đồng hàn lâm và khoa học, nơi trong thời gian dài các cộng đồng tập thể tự-tổ chức của các nhà khoa học đã đến với nhau qua các mạng riêng và muộn hơn qua Internet để góp chung năng lực trí óc của họ hay để chia sẻ sự hiểu biết quanh một vấn đề khoa học hay toán học đặc biệt. Apache Web server có nguồn gốc trong hình thức này của open-sourcing. Khi tôi hỏi một người bạn, Mike Arguello, một nhà kiến trúc hệ thống IT, giải thích cho tôi vì sao người ta chia sẻ tri thức hay làm việc theo cách này, ông nói, “những người làm IT thường là những người rất thông minh và họ muốn mọi người biết họ đúng thông minh đến thế nào”. Marc Andreessen, người sáng chế ra Web browser đầu tiên, đồng ý: “Nguồn mở không gì hơn là khoa học được đồng nghiệp phê bình. Đôi khi người ta đóng góp cho các việc này vì họ làm khoa học, và họ khám phá ra các thứ, và phần thưởng là danh tiếng. Đôi khi bạn có thể lập một hãng từ đó, đôi khi họ chỉ muốn làm tăng kho tri thức trên thế giới. Và phần xét lại của người ngang hàng là quyết định- và open-source là sự xét lại ngang hàng. Mỗi lỗi hay lỗ hổng an ninh hay sự trệch khỏi tiêu chuẩn được xem xét lại”.

Tôi thấy dạng nguồn lực trí tuệ chung này của open-sourcing hấp dẫn, nên đi thăm dò để tìm các gã và các ả này là ai ở phòng mail. Cuối cùng, tôi tìm được một trong những người tiên phong của họ, Brian Behlendorf. Nếu Apache- cộng đồng Web server nguồn mở- là một bộ lạc da đỏ, Behlendorf sẽ là tộc trưởng. Một hôm tôi gặp anh ở văn phòng kính-và-thép của anh gần sân bay San Francisco, nơi bây giờ anh là người sáng lập và tổng giám đốc công nghệ của CollabNet, một hãng khởi nghiệp chú tâm tạo ra phần mềm cho các công ti muốn dùng cách tiếp cận nguồn mở cho đổi mới. Tôi bắt đầu với hai câu hỏi đơn giản: Anh xuất thân từ đâu? và: Làm thế nào anh tìm được cách để một cộng đồng nguồn mở của các geek trực tuyến hoà hợp với nhau có thể đánh giáp lá cà với IBM?

“Bố mẹ tôi gặp nhau ở IBM Nam California, và tôi lớn lên ở thị trấn La Canada ngay bắc Pasadena” Behlendorf nhớ lại. “Trường công rất cạnh tranh về mặt hàn lâm, vì bố mẹ của nhiều đứa trẻ đã làm việc tại Jet Propulsion Laboratory do Caltech vận hành ở đó. Nên từ rất trẻ tôi đã quanh quẩn với nhiều khoa học nơi là tốt để là loại cự phách. Chúng tôi đã luôn có máy tính quanh nhà. Chúng tôi thường dùng phiếu đục lỗ từ các máy IBM lớn để tạo các danh mục mua hàng. Ở trường phổ thông, tôi bắt đầu học một chút lập trình cơ bản, và ở trung học tôi đã cừ về máy tính… Tôi tốt nghiệp đại học 1991, nhưng 1989, những ngày ban đầu của Internet, một đứa bạn cho tôi bản sao một chương trình, gọi là ‘Fractint’, mà nó đã tải xuống đĩa mềm, nhưng là phần mềm miễn phí, do một nhóm các lập trình viên tạo ra, đó là chương trình để vẽ các fractal. [Các fractal là các hình rất đẹp được tạo ra ở giao điểm của nghệ thuật và toán học]. Khi chương trình khởi động, màn hình cho thấy danh sách cuộn này của các địa chỉ e- mail của tất cả các nhà khoa học và toán học đã góp phần tạo ra nó. Tôi để ý thấy chương trình gồm cả mã nguồn. Đó là lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với khái niệm nguồn mở. Đây là chương trình mà bạn cứ tải xuống miễn phí, và họ thậm chí còn cho bạn mã nguồn, và nó được một cộng đồng tạo ra. Nó bắt đầu vẽ ra một bức tranh khác về lập trình trong đầu tôi. Tôi bắt đầu nghĩ rằng có động học xã hội lí thú nào đó đối với cách các loại phần mềm nào đó được viết hay có thể được viết- trái với loại hình ảnh mà tôi đã có về nhà phát triển phần mềm chuyên nghiệp ở văn phòng đằng sau [hậu trường, back office] máy tính lớn, nạp thông tin vào và lấy nó ra cho việc kinh doanh. Điều đó đối với tôi chỉ là một bước trên việc làm kế toán và không thật sự hứng thú”.

Sau khi tốt nghiệp 1991, Behlendorf đến Berkeley nghiên cứu vật lí, song anh nhanh chóng thất vọng vì sự tách rời giữa các thứ trừu tượng anh học trên lớp và sự náo động bắt đầu nổi lên trên Internet.

– “Khi bạn quay lại đại học khi đó, mỗi sinh viên được cấp một địa chỉ e-mail, và tôi bắt đầu dùng nó để nói chuyện với các sinh viên và thăm dò các bảng thảo luận [discussion board] vừa xuất hiện về âm nhạc,” Behlendorf nói. “Năm 1992, tôi bắt đầu danh mục thư Internet riêng của mình tập trung vào tình hình nhạc điện tử địa phương ở Miền Vịnh. Người ta có thể đơn giản dán lên bảng thảo luận, và nó bắt đầu tăng, và chúng tôi bắt đầu thảo luận các sự kiện âm nhạc khác nhau và các DJ [Disc Jockey – người dẫn chương trình âm nhạc]. Rồi chúng tôi bảo, “Này, vì sao không mời các DJ của riêng chúng ta và tung ra các sự kiện riêng của mình?’ Nó trở thành một việc tập thể. Ai đó có thể nói, ‘tôi có một số đĩa hát’, và ai đó khác có thể bảo, ‘tôi có hệ thống âm thanh’, và ai đó khác nói, ‘tôi biết bãi biển và nếu có mặt lúc nửa đêm chúng ta có thể có một buổi liên hoan.’ Năm 1993, Internet vẫn chỉ là các danh mục gửi thư và e-mail và các site FTP [Giao thức Truyền File] [các kho FTP nơi bạn có thể lưu trữ các thứ]. Thế là tôi bắt đầu sưu tầm một kho lưu trữ âm nhạc điện tử và quan tâm đến việc làm sao có thể đưa nó lên trực tuyến và sẵn có cho nhiều thính giả hơn. Đó là khi tôi nghe về Mosaic [Web browser do Marc Andreessen phát triển]. Thế là tôi có việc làm ở phòng thí nghiệm máy tính ở trường kinh doanh Berkeley, và tôi dùng thời gian rỗi của mình nghiên cứu Mosaic và các công nghệ Web khác. Việc đó dẫn tôi đến một bảng thảo luận với nhiều người đang viết thế hệ đầu tiên của các Web browser và Web server”.

(Một Web server là một chương trình phần mềm cho phép bất cứ ai dùng máy tính ở nhà hay văn phòng của mình để host [làm chủ] một Web site trên WWW. Amazon.com, thí dụ, từ lâu đã chạy Web site của mình trên phần mềm Apache. Khi Web browser của bạn đến www.amazon.com, phần mềm đầu tiên mà nó nói chuyện với là Apache. Browser hỏi Apache về trang Web Amazon và Apache giử lại cho browser nội dung trang Web Amazon. Lướt Web thực sự là browser của bạn tương tác với các Web server khác nhau.)

“Tôi thấy mình ngồi trên diễn đàn này theo dõi Tim Berners-Lee và Marc Andreessen tranh cãi các thứ này nên hoạt động ra sao,” Behlendorf nhớ lại. “Khá hứng thú, và nó có vẻ mang tính bao gồm triệt để. Tôi đã chẳng cần một [bằng] Tiến sĩ hay bất cứ chứng chỉ đặc biệt nào, và tôi bắt đầu thấy những sự tương tự giữa nhóm âm nhạc của tôi và các nhà khoa học này, những người có mối quan tâm chung để xây dựng phần mềm Web đầu tiên. Tôi theo dõi [thảo luận] đó một thời gian và rồi nói cho một bạn tôi về việc đó. Anh ta là một trong những nhân viên đầu tiên của tạp chí Wired, và anh ta bảo Wired có thể quan tâm đến thuê tôi dựng Web site cho họ. Như thế tôi tham gia ở đó với tiền công 10 $ một giờ, dựng e-mail của họ và Web site đầu tiên của họ – HotWired- lên …Nó là một trong các tạp chí trực tuyến đầu tiên sống bằng quảng cáo”.

HotWired quyết định nó muốn khởi động với một hệ thống đăng kí đòi hỏi mật khẩu – một khái niệm gây tranh cãi lúc đó. “Vào những ngày đó,” Andrew Leonard, người viết lịch sử Apache cho Salon.com năm 1997, nhận thấy, “hầu hết các Webmaster [chủ Web] phụ thuộc vào một chương trình Web server được phát triển tại Trung tâm Quốc gia về các Ứng dụng Siêu Tính, NCSA, của Đại học Illinois (cũng là nơi sinh của Web browser Mosaic gây chấn động). Nhưng Web server của NCSA không thể xử lí việc xác nhận mật khẩu ở quy mô mà HotWired cần. May mắn, NCSA server thuộc lĩnh vực công, có nghĩa mã nguồn là miễn phí đối với bất cứ ai. Như thế Behlendorf dùng đặc quyền tin tặc [hacker]: Anh viết một số mã mới, một ‘miếng vá [patch]’ vào NCSA Web server, miếng vá lo cho vấn đề.” Leonard bình luận, “Anh đã không chỉ là một lập trình viên tài tình lục soát từ đầu đến cuối mã NCSA mùa đông đó. Qua suốt sự bùng nổ Web, các Webmaster khác đều thấy cần thiết nắm quyền hành động vào bàn phím riêng của họ. Mã ban đầu đã bị để cho bụi ảo bao phủ khi lập trình viên chủ yếu của nó, sinh viên Đại học Illinois Rob McCool, đã bị một công ti ít được biết đến ở Silicon Valley có tên là Netscape múc về (cùng với Marc Andreessen và Eric Bina tác giả của Lynx). Trong lúc ấy, Web từ chối ngừng tăng- và tiếp tục gây ra các vấn đề mới cho các Web server để đối phó với.” Thế là các miếng vá loại này hay loại khác tăng nhanh như Band-Aids [toán nhiễm Aids] trên băng thông [bandwidth], bịt một lỗ ở đây và làm thủng một lỗ khác ở kia.

Trong lúc đó, tất cả các miếng vá này đã dần dần, theo cách ad hoc nguồn mở, xây dựng một Web server mới hiện đại. Nhưng mỗi người có phiên bản riêng của mình, trao đổi các miếng vá đó đây, bởi vì NCSA lab đã không thể theo kịp với tất cả.

“Tôi sắp phải bỏ học”, Behlendorf giải thích. “Tôi đã có nhiều vui thú xây dựng Web site này cho Wired và học được nhiều hơn tôi học ở Berkeley. Vì thế một thảo luận bắt đầu ở nhóm làm việc nhỏ của chúng tôi rằng những người ở NCSA đã không trả lời e-mail của chúng tôi. Chúng tôi đã gửi các miếng vá lên cho hệ thống và họ đã không trả lời. Và chúng tôi bảo, ‘Nếu NCSA không trả lời đối với các patch của chúng ta, cái gì sẽ xảy ra trong tương lai?’ Chúng tôi vui vẻ tiếp tục cải thiện việc này, nhưng chúng tôi lo khi không nhận được phản hồi nào và không thấy các patch của mình được tích hợp. Vì thế tôi bắt đầu tiếp xúc với những người khác tôi biết là họ trao đổi các patch… Hầu hết họ ở trong các nhóm công tác về tiêu chuẩn [Nhóm Đặc nhiệm Kĩ thuật Internet Engineering Task Force] đặt ra các tiêu chuẩn đầu tiên cho sự liên kết giữa các máy và các ứng dụng trên Internet… Và chúng tôi bảo, ‘Vì sao chúng ta lại không nắm lấy tương lai của mình và phát hành phiên bản [Web server] riêng của chúng ta bao hàm tất cả các patch?’

“Chúng tôi tìm kiếm bản quyền cho mã NCSA, và về cơ bản nó chỉ nói hãy công nhận công của chúng tôi ở Illinois vì cái chúng tôi đã sáng chế ra và nếu bạn cải thiện nó – và đừng đổ lỗi cho chúng tôi nếu nó hỏng,” Behlendorf nhớ lại. “Thế là chúng tôi bắt đầu làm phiên bản riêng của mình từ tất cả các patch của chúng tôi. Chẳng ai trong chúng tôi có thời gian để làm nhà phát triển Web server toàn thời gian, song chúng tôi nghĩ nếu có thể kết hợp thời gian của mình và làm việc đó theo cách công cộng, chúng tôi có thể tạo ra cái gì đó tốt hơn cái có thể mua từ trên kệ- và dù sao đi nữa khi đó đã chẳng có sẵn gì cả. Đấy là trước khi Netscape bán Web server thương mại đầu tiên của nó. Đó là khởi đầu của dự án Apache”.

Vào tháng Hai, 1999, họ đã viết lại hoàn toàn chương trình NCSA gốc và chính thức hoá sự hợp tác của họ dưới tên “Apache”. “Tôi chọn tên này vì tôi muốn nó có ý nghĩa tích cực là quả quyết,” Behlendorf nói. “Bộ lạc Apache đã là bộ lạc cuối cùng đầu hàng chính phủ Hoa Kì đang đến, và ở thời kì chúng ta lo rằng các công ti lớn sẽ đến và ‘khai hoá’ phong cảnh mà các kĩ sư Internet ban đầu đã dựng lên. Vì thế ‘Apache’ với tôi có nghĩa như một tên mã hay, và người khác nói nó cũng là một sự chơi chữ khéo” – như APAtCHy server [một server chắp vá], bởi vì [các miếng vá – patch] được dùng để vá tất cả các sửa chữa này với nhau.

Như thế bằng nhiều cách, Behlendorf và các đồng nghiệp nguồn mở của anh- hầu hết họ anh chưa từng biết mà chỉ biết bằng e-mail qua chat room nguồn mở- đã tạo ra một nhà máy phần mềm trực tuyến, ảo, từ dưới lên, không ai sở hữu và không ai quản lí.

“Chúng tôi có một dự án phần mềm, song điều phối và chỉ huy là ứng xử nổi lên dựa vào bất cứ ai có mặt và muốn viết mã,” anh ta nó.

Nhưng thực sự nó hoạt động thế nào? Tôi hỏi Behlendorf. Anh không thể chỉ có một lũ người, không được giám sát, quy tụ mã lại?

“Hầu hết sự phát triển phần mềm dính đến một kho chứa mã nguồn và được các công cụ như Concurrent Versions System [Hệ thống các Phiên bản Đồng thời] – CVS, quản lí” anh ta giải thích. Như thế có một máy chủ CVS, và tôi có một chương trình CVS trên máy của tôi. Nó cho phép tôi nối vào server và lôi một bản sao mã xuống, như thế tôi có thể bắt đầu làm việc với nó và đưa ra các sửa đổi. Nếu tôi nghĩ patch của tôi là cái gì đó tôi muốn chia sẻ với người khác, tôi chạy một chương trình gọi là Patch, cho phép tôi tạo ra một file mới, một sưu tập cô đọng của tất cả những thay đổi. Nó được gọi là một patch file, và tôi có thể đưa file ấy cho ai đó khác, và họ có thể dùng nó cho bản sao mã của họ để xem patch có tác động gì. Nếu tôi có các đặc quyền thích hợp đối với server [được hạn chế cho một ban giám sát được kiểm soát chặt chẽ], thì tôi có thể đưa patch của mình và cam kết nó cho kho chứa và nó sẽ trở thành một phần của mã nguồn. CVS server theo dõi mọi thứ và ai gửi vào cái gì … Như thế bạn có thể có ‘truy cập đọc- read access’ đối với kho chứa song không có ‘truy cập cam kết- commit access’ để thay đổi các thứ. Khi ai đó tiến hành một cam kết đối với kho chứa, patch file đó được gửi qua e-mail cho những người phát triển khác, và như thế anh nhận được hệ thống xem xét ngang hàng này sau sự kiện, và nếu có cái gì đó sai, bạn sửa lỗi.”

Thế cộng đồng này quyết định ra sao ai là các thành viên tin cậy? “Đối với Apache,” Behlendorf nói, “chúng tôi bắt đầu với tám người thực sự tin nhau, và khi những người mới xuất hiện trên diễn đàn thảo luận và đề xuất các patch file được post lên mẫu thảo luận, chúng tôi có được sự tin cậy vào những người khác, và tám người đó tăng lên hơn một ngàn. Chúng tôi là dự án nguồn mở đầu tiên nhận được sự chú ý từ cộng đồng kinh doanh và có hỗ trợ từ IBM.”

Vì sự thành thạo của Apache cho phép một server duy nhất host hàng ngàn Web site ảo khác nhau – âm nhạc, dữ liệu, văn tự, khiêu dâm – nó bắt đầu chiếm “một thị phần đầy uy lực của thị trường ISP,” Leonard của Salon lưu ý. IBM đã thử bán Web server riêng của mình, gọi là GO, nhưng chỉ được một mẩu thị trường tí xíu. Apache tỏ ra cả là công nghệ tốt hơn và không mất tiền. Nên cuối cùng IBM quyết định rằng nếu nó không thể đánh bại, nó phải tham gia Apache. Ta phải dừng ở đây và tưởng tượng điều này. Công ti máy tính lớn nhất thế giới quyết định rằng các kĩ sư của nó không thể thắng công trình của một nhóm ad hoc các geek nguồn mở!

IBM “khởi xướng tiếp xúc với tôi, vì tôi có một chút vai trò người phát ngôn công khai cho Apache,” Behlendorf nói. “IBM bảo, ‘Chúng tôi muốn tính làm sao chúng tôi có thể dùng [Apache] và không bị cộng đồng Internet phê phán cay nghiệt, [làm sao chúng tôi có thể] làm cho nó bền vững và không phải là những kẻ đi lừa mà đóng góp cho quá trình …’ IBM đã nói rằng mô hình mới này cho phát triển phần mềm là đáng tin cậy và có giá trị, vì thế hãy đầu tư vào nó và thoát khỏi cách nghĩ là chúng tôi cố biến nó thành của riêng mình, điều đó không tốt.”

John Swainson là quan chức điều hành cao cấp đã lãnh đạo đội IBM tiếp cận Apache (ông hiện là chủ tịch Computer Associates). Ông tiếp tục câu chuyện: “Đã có nhiều tranh cãi khi đó về nguồn mở, nhưng lộn xộn. Chúng tôi quyết định là có thể dàn xếp với các gã Apache bởi vì họ trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi đã có cuộc đàm luận có ý nghĩa với các gã này, và chúng tôi đã có thể tạo ra Quỹ Phần mềm Apache [phi lợi nhuận] và tính mọi vấn đề”.

Với chi phí của IBM, các luật sư của nó đã làm việc với nhóm Apache để tạo ra một khung khổ pháp lí quanh nó sao cho sẽ không có vấn đề bản quyền hay nghĩa vụ nào đối với các công ti, như IBM, muốn xây dựng các ứng dụng lên trên Apache và tính tiền đối với chúng. IBM nhìn thấy giá trị khi có một cấu trúc Web server chuẩn loại cơ bản nhất [vanilla, cơ bản nhất như vanilla trong các loại kem]- cho phép các hệ thống máy tính và các thiết bị hỗn tạp có thể nói chuyện với nhau, hiển thị e-mail và các trang Web theo định dạng chuẩn- liên tục được một cộng đồng nguồn mở cải thiện miễn phí. Các cộng tác viên Apache đã không bắt tay làm phần mềm miễn phí. Họ đã xắn tay giải quyết một vấn đề chung- Web serving – và thấy cộng tác miễn phí theo cách nguồn mở là cách tốt nhất để tập hợp các bộ óc giỏi nhất cho công việc họ cần làm.

“Khi chúng tôi bắt đầu làm việc với Apache, đã có một Web site apache.org nhưng không có kết cấu pháp lí chính thức nào, và các doanh nghiệp và các kết cấu phi chính thức không cùng tồn tại tốt với nhau,” Swainson nói. “Bạn phải có khả năng xem xét kĩ mã, kí thoả thuận, và giải quyết các vấn đề nghĩa vụ. [Hiện nay] ai cũng có thể tải mã Apache xuống. Nghĩa vụ duy nhất là họ công nhận rằng nó xuất xứ từ địa điểm này, và nếu họ có bất cứ sửa đổi nào họ chia sẻ lại”. Có một quy trình phát triển Apache quản lí lưu thông, và bạn kiếm được cách của mình trong quy trình đó, Swainson nói thêm. Nó là cái gì đó giống một chế độ nhân tài thuần tuý. Khi IBM dùng Apache, nó trở thành một phần của cộng đồng và bắt đầu có những đóng góp.

Quả thực, một thứ mà những tay Apache đòi đền đáp lại sự cộng tác của họ với IBM là IBM cử các kĩ sư giỏi nhất tham gia nhóm nguồn mở Apache và đóng góp, như tất cả những người khác, một cách miễn phí. “Những người Apache đã không quan tâm đến sự thanh toán bằng tiền mặt,” Swainson nói. “Họ muốn sự đóng góp cho nền tảng. Các kĩ sư của chúng tôi đến và nói với chúng tôi, ‘Các gã làm Apache là các tay giỏi và họ khăng khăng rằng chúng ta đóng góp người tài.’ Đầu tiên họ từ chối vài người mà chúng tôi đóng góp. Họ bảo không xứng với tiêu chuẩn của họ! Sự đền bù mà cộng đồng kì vọng là chúng ta đóng góp tốt nhất”.

22 tháng Bảy, 1998, IBM công bố các kế hoạch kết hợp Apache vào sản phẩm Web server mới của riêng nó, gọi là WebSphere. Cách cộng đồng cộng tác Apache tự tổ chức mình, bất cứ gì bạn lấy từ mã Apache và cải thiện nó, bạn phải tặng lại cho cả cộng đồng. Nhưng bạn cũng tự do đi ra và xây dựng một sản phẩm thương mại có bằng sáng chế [patent] lên trên mã Apache, như IBM đã làm, với điều kiện là bạn bao hàm sự trích dẫn bản quyền đến Apache trong patent riêng của bạn. Nói cách khác, cách tiếp cận nguồn lực trí tuệ chung đến open-sourcing khuyến khích người ta xây dựng các sản phẩm thương mại lên trên nó. Trong khi nó muốn nền tảng là tự do [miễn phí] và mở cho tất cả mọi người, nó nhận ra rằng nó sẽ vẫn mạnh và tươi nếu cả các kĩ sư thương mại và phi thương mại đều có khuyến khích để tham gia.

Ngày nay Apache là một trong các công cụ nguồn mở thành công nhất, tạo sức mạnh cho khoảng hai phần ba các Web site trên thế giới. Và bởi vì có thể tải Apache xuống miễn phí ở bất cứ đâu trên thế giới, người dân từ Nga, Nam Phi đến Việt Nam dùng nó để tạo các Web site. Các cá nhân cần hay muốn các tính năng thêm cho Web server của mình có thể mua các sản phẩm như WebSphere, được gắn chính bên trên Apache.

Lúc đó, bán một sản phẩm được xây dựng bên trên một chương trình nguồn mở là một nước đi mạo hiểm về phía IBM. Tuyên dương công của nó, IBM đã tự tin vào khả năng của mình để tiếp tục tạo ra các ứng dụng phần mềm có sự khác biệt lên trên Apache vanilla [cơ sở cơ bản Apache]. Mô hình này đã được chấp nhận rộng rãi từ đó, sau khi mọi người đều thấy nó đã thúc đẩy việc kinh doanh Web server của IBM đến thế nào để trở thành đứng đầu thương mại trong loại phần mềm đó, tạo ra doanh thu khổng lồ.

Như tôi sẽ thường lặp lại ở cuốn sách này: Không có tương lai cho vanilla [phần cơ sở cơ bản như vanilla với các loại kem] đối với hầu hết các công ti trong một thế giới phẳng. Phần lớn việc làm ra vanilla trong phần mềm và các lĩnh vực khác sẽ được chuyển cho các cộng đồng nguồn mở. Đối với hầu hết các công ti, tương lai thương mại thuộc về những người biết làm thế nào tạo ra sauce [nước xốt] sôcôla ngon nhất, kem ngọt nhất, tơi nhẹ nhất, và các quả anh đào tươi nhất để đặt lên trên [vanilla], hoặc làm thế nào để đặt tất cả chúng vào một li kem nước quả. Jack Messman, chủ tịch công ti phần mềm Novell, công ti đã trở thành một nhà phân phối lớn về Linux, hệ điều hành nguồn mở, mà ở trên đỉnh Novell gắn các đồ lặt vặt để khiến nó hát và múa chỉ cho công ti anh, diễn đạt khéo nhất: “Các công ti phần mềm thương mại phải bắt đầu vận hành chồng [stack phần mềm] cao hơn để tạo sự khác biệt cho họ. Cộng đồng nguồn mở về cơ bản tập trung vào hạ tầng cơ sở” (Financial Times, June 14, 2004).

Dàn xếp IBM là một bước ngoặt thực sự. Big Blue [IBM] nói nó tin vào mô hình nguồn mở và với Apache Web server, cộng đồng các kĩ sư nguồn mở này đã tạo ra cái gì đó không chỉ hữu ích và có giá trị mà còn “tốt nhất trong loại của nó”. Đó là vì sao phong trào nguồn mở đã thành một lực làm phẳng mạnh mẽ, các tác động của nó ta chỉ vừa mới thấy. “Nó trao quyền cho các cá nhân một cách không thể tin nổi”, Brian Behlendorf nói. “Không thành vấn đề anh xuất xứ từ đâu và anh ở đâu- ai đó ở Ấn Độ và Nam Phi có thể dùng phần mềm này hay đóng góp cho nó hệt hiệu quả như ai đó ở Silicon Valley.” Mô hình cũ là kẻ thắng lấy tất cả: Tôi viết nó, tôi sử hữu nó – mô hình cấp phép phần mềm chuẩn. “Cách duy nhất để cạnh tranh với nó,” Behlendorf kết luận, “là tất cả đều trở thành người thắng”.

Về phần mình, Behlendorf đánh cược sự nghiệp của mình rằng ngày càng nhiều người và công ti sẽ muốn tận dụng nền thế giới phẳng mới để tiến hành đổi mới nguồn mở.

Năm 2004, anh khởi động một công ti mới gọi là CollabNet để khuyến khích dùng open-sourcing như một công cụ để phát động đổi mới phần mềm bên trong các công ti. “Tiền đề của chúng tôi là phần mềm không phải là vàng, nó là rau diếp – một mặt hàng dễ ôi,” Behlendorf giải thích. “Nếu phần mềm không ở nơi nó được cải thiện suốt thời gian, nó sẽ thối rữa.” Cái cộng đồng nguồn mở đã làm, Behlendorf nói, là sự phát triển phần mềm phân tán được điều phối toàn cầu, nơi nó liên tục làm cho rau diếp tươi để không bao giờ bị thối rữa. Tiền đề của Behlendorf là cộng đồng nguồn mở đã phát triển một phương pháp tốt hơn để tạo ra và liên tục cập nhật phần mềm. CollabNet là một công ti được lập ra để đưa các kĩ thuật nguồn mở tốt nhất đến một cộng đồng đóng kín, tức là, một công ti phần mềm thương mại.

– “CollabNet là một lái buôn vũ khí cho các lực lượng làm phẳng thế giới,” Behlendorf nói. “Vai trò của chúng tôi trên thế giới này là đi xây dựng các công cụ và cơ sở hạ tầng để cho một cá nhân – ở Ấn Độ, Trung Quốc, hay bất cứ đâu – với tư cách một kế toán viên, một nhân viên, hay chỉ là ai đó ngồi ở nhà có thể cộng tác. Chúng tôi cho họ bộ đồ nghề để phát triển cộng tác phân tán. Chúng tôi làm cho sự phát triển từ dưới lên là có thể, và không chỉ trên không gian điều khiển… Chúng tôi có các công ti lớn quan tâm đến tạo ra một môi trường từ dưới lên cho viết phần mềm. Mô hình phần mềm silo cũ từ trên xuống đã bị gãy. Hệ thống đó nói, ‘tôi phát triển cái gì đó và rồi tôi liệng qua tường cho anh. Anh tìm thấy các lỗi và liệng lại. Tôi vá nó và sau đó bán một version mới.’ Có sự thất vọng liêm miên với việc nhận được phần mềm có lỗi- nó có thể được sửa hay có thể không. Vì thế chúng tôi nói, ‘Chẳng phải lí thú nếu chúng ta có thể được các lợi ích nguồn mở về tốc độ đổi mới và phần mềm chất lượng cao, và cảm giác về sự cộng tác của tất cả những người trong cuộc này, và biến nó thành một mô hình kinh doanh cho các công ti trở nên cộng tác hơn cả trong lẫn ngoài?’”

Tôi thích cách Irving Wladawsky-Berger, gốc Cuba, phó chủ tịch IBM về chiến lược kĩ thuật và đổi mới, đã tổng kết: “Thời đại đang nổi lên này được đặc trưng bởi sự đổi mới cộng tác của nhiều người làm việc trong các cộng đồng tài giỏi, hệt như sự đổi mới trong thời đại công nghiệp được đặc trưng bởi các cá nhân thiên tài.”

Cái nổi bật về hình thức [tài nguyên] trí tuệ chung của open-sourcing là nó biến dạng nhanh thế nào sang các lĩnh vực khác và sinh ra nhiều cộng đồng cộng tác tự-tổ chức khác, làm phẳng các hệ thống thứ bậc trong lĩnh vực của chúng. Tôi thấy điều này sống động nhất ở nghề báo, nơi các blogger, các nhà bình luận trực tuyến một người, những người thường kết nối với nhau tuỳ thuộc vào ý thức hệ của họ, đã tạo ra một loại phòng tin tức nguồn mở. Bây giờ tôi đọc các blogger (có xuất xứ từ “Weblog”) như một phần công việc thu thập tin tức thường này của tôi. Trong một bài báo về một nhóm bé tí các blogger tương đối vô danh đã có thể thổi còi phơi bày các tài liệu giả do Dan Rather của CBS News đã sử dụng trong bản tường thuật bỉ ổi của ông ta về thời gian phục vụ của Tổng thống George W. Bush tại cục Vệ binh Quốc gia Không quân, Howard Kurtz của tờ The Washington Post đã viết (20-9-2004), “Nó giống quăng một que diêm lên gỗ tẩm dầu hoả. Ngọn lửa kế tiếp lan qua tổ chức truyền thông đại chúng cứ như các blogger vô danh trước kia đã tìm được cách đặt mạng của Murrow và Cronkite [các bình luận viên huyền thoại của CBS] dứt khoát vào thế thủ. Bí mật, Charles Johnson nói, là ‘thu thập thông tin nguồn mở.’ Nghĩa là: ‘Chúng tôi có một quỹ khổng lồ những người có động cơ rõ rệt những người đi ra đó và dùng các công cụ để tìm các thứ. Chúng tôi có một đội quân các nhà báo công dân ở đó.”

Đội quân đó thường được trang bị không gì hơn một máy ghi âm, một máy điện thoại có thể chụp ảnh, một Web site, nhưng trong thế giới phẳng nó có thể cùng nhau khiến tiếng nói của nó được nghe xa và rộng như của CBS hay The New York Times. Các blogger này đã tạo ra bãi [nguồn lực] trực tuyến chung của họ, mà không có rào cản để tham gia. Bãi mở đó thường có nhiều lời đồn đại và các luận điệu hỗn độn xoáy trong đó. Vì không có ai phụ trách, các tiêu chuẩn hành nghề thay đổi quá thể, và một số là hết sức vô trách nhiệm. Nhưng vì không ai cai quản, thông tin chảy hoàn toàn tự do. Và khi cộng đồng này để ý đến cái gì đó thật, như tình tiết Rather, nó có thể tạo nhiều năng lực, sự ồn ào, và tin tức khó hịu như bất cứ mạng hay tờ báo lớn nào.

Một nguồn lực trí tuệ chung cộng tác mà tôi thường xuyên dùng trong viết cuốn sách này là Wikipedia, một bách khoa toàn thư trực tuyến do người dùng đóng góp, cũng được biết đến như “bách khoa toàn thư của nhân dân”. Từ “wikis” lấy từ “nhanh” tiếng Hawai. Wikis là các Web site cho phép người dùng tự mình trực tiếp biên tập bất cứ trang Web nào từ máy tính ở nhà của họ. Trong một tiểu luận ngày 5-5-2004 trên YaleGlobal online, Andrew Lih, một phó giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu Media và Nghề báo tại Đại học Hồng Kông, đã giải thích Wikipedia hoạt động thế nào và vì sao nó là một đột phá như vậy.

Dự án Wikipedia do Jimmy Wales, lãnh đạo của công ti khởi nghiệp Bomis.com, khởi động sau khi dự án ban đầu của ông cho một bách khoa toàn thư tự nguyện, miễn phí, nhưng được kiểm soát nghiêm ngặt cạn sạch tiền và nguồn lực sau hai năm,” Lih viết. “Các biên tập viên với bằng Tiến sĩ đã cầm lái dự án khi đó, nhưng chỉ tạo ra vài trăm đề mục. Không muốn nội dung héo tàn, Wales đưa các trang lên một wiki Website tháng Giêng 2001 và mời bất cứ khách Internet nào biên tập hay đưa thêm vào sưu tập. Site trở nên thành công rất nhanh trong năm đầu và được người ủng hộ trung thành, tạo ra hơn 20.000 đề mục và đẻ ra hàng chục bản dịch. Sau hai năm, nó có 100.000 đề mục, và tháng Tư 2004, hơn 250.000 đề mục bằng tiếng Anh và 600.000 đề mục bằng 50 thứ tiếng. Theo xếp hạng Website tại Alexa.com, nó trở nên nổi tiếng hơn các bách khoa toàn thư trực tuyến như Britanica.com.”

Làm sao, bạn có thể hỏi, người ta lại có thể tạo ra một bách khoa thư tin cậy, cân đối bằng con đường của một phong trào nguồn mở, biên tập mở ad hoc? Rốt cuộc, mỗi đề mục trong Wikipedia có một nút “Edit this page –Biên tập trang này”, cho phép bất cứ ai lướt theo có thể thêm vào hay xoá nội dung của trang đó. Nó bắt đầu với sự thực, Lih giải thích, rằng “bởi vì các wiki cung cấp một khả năng theo dõi trạng thái của đề mục, xem xét các thay đổi riêng biệt, và thảo luận các vấn đề, chúng hoạt động như phần mềm xã hội. Các Wiki Website cũng theo dõi và lưu mọi thay đổi đưa ra với mỗi đề mục, thế nên không thao tác nào mang tính phá huỷ lâu dài cả. Wikipedia hoạt đồng bằng đồng thuận, với những người dùng cho thêm hay sửa nội dung trong khi cố đạt điểm chung dọc đường.

“Tuy vậy, công nghệ bản thân nó là không đủ,” Lih viết. Wales đã tạo ra một chính sách biên tập để duy trì quan điểm trung lập (QĐTL) như một nguyên lí chỉ đạo … Theo các nguyên tắc chỉ đạo của Wikipedia, “QĐTL cố gắng trình bày các ý tưởng và các sự thực theo cách sao cho cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối có thể tán thành …’ Kết quả là, các đề mục về các vấn đề hay gây tranh cãi như toàn cầu hoá đã được lợi từ tính chất hợp tác và toàn cầu của Wikipedia. Trong hai năm vừa qua mục từ này đã có hơn 90 biên tập lại bởi những người đóng góp từ Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Điển, Vương quốc Anh, Úc, Brazil, Hoa Kì, Malaysia, Nhật Bản và Trung Quốc. Nó cung cấp cái nhìn nhiều mặt về các vấn đề từ Tổ chức Thương mại Thế giới và các công ti đa quốc gia đến phong trào chống toàn cầu hoá và những đe doạ đối với đa dạng văn hoá. Đồng thời những người cộng tác ác ý được kiểm soát bởi vì dễ vô hiệu hoá hành động phá hoại. Những người dùng chuyên tâm đi vô hiệu hoá sự phá hoại, theo dõi danh mục các thay đổi mới đây, giải quyết các vấn đề trong vòng phút, nếu không phải trong giây. Một đề mục bị xoá có thể được phục hồi nhanh chóng quay lại một phiên bản có thể chấp nhận được với chỉ một cú nháy nút. Sự bất đối xứng căn bản này lật bàn cân theo hướng có lợi cho các thành viên hữu ích và hợp tác của cộng đồng wiki, cho phép chất lượng nội dung thắng thế.” Một bài trên Newsweek về Wikipedia (1-11-2004) trích Angela Beesley, một cộng tác viên tình nguyện từ Essex, Anh, và một người tự nhận nghiện Wikipedia theo dõi sự chính xác của hơn một ngàn mục từ: “Một bách khoa thư cộng tác nghe như một ý tưởng điên rồ, song nó tự chủ một cách tự nhiên.”

Trong khi đó, Jimmy Wales vừa mới bắt đầu. Anh bảo Newsweek rằng anh sẽ mở rộng thành Wiktionary, một từ điển và từ điển nhóm nghĩa; Wikibooks, các sách giáo khoa và cẩm nang; và Wikiquote, một sách chứa các lời trích dẫn. Anh nói anh có một mục đích đơn giản: cho “mỗi cá thể đơn nhất tiếp cận miễn phí đến tổng tất cả tri thức con người.”

Đạo lí của Wales là mọi người phải có quyền truy cập tự do đến tất cả tri thức loài người chắc chắn là chân thành, nhưng nó cũng đưa chúng ta đến mặt gây tranh cãi của nguồn mở: Nếu mỗi người đóng góp vốn trí tuệ của mình mà không lấy tiền, sẽ lấy đâu ra nguồn lực cho sự đổi mới sáng tạo mới? Chẳng phải chúng ta sẽ kết thúc trong những tranh cãi pháp lí bất tận về phần nào của bất cứ đổi mới nào là do cộng đồng làm ra để cho không, và có nghĩa là giữ theo cách đó, và phần nào do công ti vì lợi nhuận nào đó đưa thêm vào và phải thanh toán để cho công ti ấy có thể kiếm tiền nhằm thúc đẩy đổi mới nữa? Tất cả các câu hỏi này được một dạng cộng tác tự tổ chức khác, ngày càng được dân chúng ưa thích – phong trào phần mềm miễn phí – nêu ra. Theo Web site openknowledge.org, “Phong trào phần mềm miễn phí/nguồn mở bắt đầu với văn hoá ‘hacker’ của các phòng thí nghiệm khoa học máy tính Hoa Kì (Stanford, Berkeley, Carnegie Mellon, và MIT) trong các năm 1960 và 1970. Cộng đồng các lập trình viên còn nhỏ, và gắn bó với nhau. Mã được chuyển tới chuyển lui giữa các thành viên của cộng đồng- nếu bạn có một cải tiến bạn được mong đợi để đưa mã của bạn cho cộng đồng các nhà phát triển. Giữ mã đã được coi là vụng về – rốt cuộc, bạn hưởng lợi từ công việc của bạn bè mình, bạn phải đáp trả lại thiện ý.”

Phong trào phần mềm miễn phí, tuy vậy, đã và vẫn được gây cảm hứng bởi lí tưởng đạo đức rằng phần mềm phải là miễn phí và sẵn có cho tất cả mọi người, và nó dựa vào sự cộng tác nguồn mở để giúp tạo ra phần mềm tốt nhất có thể để phát không.

Cách tiếp cận này là hơi khác cách tiếp cận của những người chủ trương nguồn lực tri tuệ chung, như Apache. Họ nhìn open-sourcing như một công cụ ưu việt về kĩ thuật để làm phần mềm và các đổi mới khác, và trong khi Apache là sẵn có miễn phí cho mọi người, không hề có vấn đề gì với phần mềm thương mại được xây dựng trên đỉnh nó. Nhóm Apache cho phép bất cứ ai tạo ra một công trình phái sinh và sở hữu nó, miễn là anh ta thừa nhận đóng góp của Apache.

Mục tiêu hàng đầu của phong trào phần mềm miễn phí, tuy vậy, là để kiếm càng nhiều người càng tốt để viết, cải tiến, và phân phối phần mềm miễn phí, vì niềm tin chắc rằng điều này sẽ trao quyền cho mọi người và giải phóng các cá nhân khỏi sự kìm kẹp của các công ti toàn cầu. Nói chung, phong trào phần mềm miễn phí cấu trúc các licence của nó sao cho nếu phần mềm thương mại của bạn lấy trực tiếp từ bản quyền phần mềm miễn phí của họ, thì họ cũng muốn phần mềm của bạn là miễn phí.

Năm 1984, theo Wikipedia, một nhà nghiên cứu của MIT và một trong những cựu hacker này, Richard Stallman, đã khởi đầu “phong trào phần mềm miễn phí” cùng với nỗ lực để xây dựng một hệ điều hành miễn phí được gọi là GNU. Để khuyến khích phần mềm miễn phí, và để đảm bảo rằng mã của nó luôn có thể được sửa đổi và sẵn có miễn phí cho tất cả mọi người, Stallman đã thành lập Quỹ Phần mềm Miễn phí và cái gọi là Licenese Công cộng Chung GNU [General Public Licencse] (GPL). GPL quy định rằng những người dùng mã nguồn có thể sao, thay đổi, cập nhật mã, miễn là họ làm cho những thay đổi có thể kiếm được dưới cùng license như mã gốc. Năm 1991, một sinh viên ở Đại học Helsinki có tên là Linus Torvalds, xuất phát dựa vào sáng kiến của Stallman, đã yết công khai hệ điều hành Linux của mình để cạnh tranh với hệ điều hành Windows của Microsoft và mời các kĩ sư khác và các geek trực tuyến thử cải thiện nó-miễn phí. Kể từ lần niêm yết đầu tiên của Tovalds, các nhà lập trình trên khắp thế giới đã thao tác, thêm, mở rộng, vá, và cải thiện hệ điều hành GNU/Linux, mà license của nó nói bất cứ ai có thể tải mã nguồn xuống và cải thiện nó song phải để cho phiên bản cập nhật cho mọi người khác dùng miễn phí. Tovalds khăng khăng là Linux phải luôn luôn miễn phí. Các công ti bán những cải tiến phần mềm nâng cao Linux hay thích nghi nó đối với một số chức năng nhất định phải rất cẩn thận đừng chạm đến bản quyền của nó trong các sản phẩm thương mại của mình.

Khá giống Windows, Linux đưa ra một họ các hệ điều hành có thể được thích nghi để chạy trên các máy tính để bàn nhỏ nhất, các máy xách tay, cầm tay, và thậm chí đồng hồ đeo tay, lên đến cả các siêu máy tính lớn nhất và các máy tính lớn. Như thế một đứa trẻ ở Ấn Độ với một PC rẻ có thể học những cách hoạt động bên trong của cùng hệ điều hành chạy trong một số trung tâm dữ liệu lớn nhất của [Tổng Công ti] Hoa Kì. Linux có một đội quân các nhà phát triển khắp toàn cầu làm việc để làm cho nó tốt hơn. Khi tôi viết đoạn này của cuốn sách, một buổi chiều tôi đi picnic đến nhà ở miền quê Virginia của Pamela và Malcolm Baldwin, những người mà vợ tôi quen qua việc là thành viên của hội đồng quản trị của World Learning, một NGO về giáo dục. Trong bữa ăn tôi nói là tôi nghĩ sẽ đi Mali để xem thế giới phẳng đến thế nào nhìn từ rìa ngoài nhất của nó – thị trấn Timbuktu. Peter con trai nhà Baldwin tình cờ làm việc ở Mali với tư cách một bộ phận của cái gọi là GreekCorps, giúp đưa công nghệ vào các nước đang phát triển. Vài ngày sau bữa ăn, tôi nhận được một e-mail từ Pamela bảo tôi rằng bà đã bàn với Peter về đi cùng tôi đến Timbuku, sau đó bà viết thêm đoạn sau, đoạn nói cho tôi mọi thứ tôi muốn biết và bớt cho tôi cả một chuyến đi: “Peter nói dự án của nó là tạo ra các mạng không dây qua vệ tinh, làm các anten từ các chai soda nhựa và các tấm lưới che cửa sổ [bằng kim loại]! Dường như mọi người ở Mali đều dùng Linux …”

“Mọi người ở Mali dùng Linux.” Chắc chắn có một chút phóng đại, nhưng nó là một lối nói ta nghe thấy chỉ trong thế giới phẳng.

Phong trào phần mềm miễn phí đã trở thành thách thức đáng gờm đối với Microsoft và một số công ti phần mềm toàn cầu lớn khác. Như tạp chí Fortune tường thuật ngày 23-2-2004, “Sự sẵn có của phần mềm cơ bản và hùng mạnh này, hoạt động trên các vi xử lí phổ biến khắp mọi nơi của Intel, trùng với sự tăng trưởng bùng nổ của Internet. Linux mau chóng nhận được sự noi theo toàn cầu giữa các nhà lập trình và những người sử dụng trong kinh doanh … Cuộc cách mạng đi xa hơn Linux một chút… Hầu như bất cứ loại phần mềm nào [hiện nay] có thể tìm được ở dạng nguồn mở. Web site SourceForge.net, nơi gặp gỡ của các nhà lập trình, liệt kê con số gây sửng sốt 86.000 chương trình đang tiến triển. Hầu hết là các dự án nhỏ bởi và cho các geek, nhưng hàng trăm [chương trình] có giá trị thực sự … Nếu bạn ghét móc 350 $ để mua Microsoft Office hay 600 $ cho Adobe Photoshop, thì OpenOffice.org và Gimp là các lựa chọn miễn phí chất lượng cao đáng ngạc nhiên.” Các công ti lớn như Google, E☼Trade, và Amazon, bằng kết hợp các thành phần server hàng hoá trên cơ sở Intel với hệ điều hành Linux, đã có khả năng cắt chi tiêu công nghệ của họ một cách đầy kịch tính – và có nhiều kiểm soát hơn với phần mềm của mình. Vì sao có nhiều người đến vậy sẵn sàng viết phần mềm để cho không? Một phần là do thách thức khoa học thuần tuý, điều không bao giờ nên đánh giá thấp. Một phần bởi vì tất cả họ đều căm ghét Microsoft vì cách nó chế ngự thị trường đến vậy và, theo cách nhìn của nhiều người hay bực mình, ức hiếp tất cả mọi người khác. Một phần là vì họ tin rằng phần mềm nguồn mở có thể được giữ tươi hơn và ít lỗi hơn bất cứ phần mềm thương mại nào, bởi vì nó liên tục được cập nhật bởi một đội quân của các nhà lập trình không được trả tiền. Và một phần vì một số công ti công nghệ lớn nào đó trả tiền cho các kĩ sư làm việc trên Linux và các phần mềm khác, hi vọng nó sẽ cắt thị phần của Microsoft và làm cho nó thành một đối thủ cạnh tranh yếu hơn ở khắp nơi. Có nhiều động cơ hoạt động ở đây, và không phải tất cả chúng là vị tha. Tuy vậy, khi đặt tất cả chúng lại với nhau, chúng tạo ra một phong trào rất hùng mạnh sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho toàn bộ mô hình phần mềm thương mại về mua một chương trình và sau đó tải các sửa lỗi và mua bản cập nhật của nó.

Cho đến nay, hệ điều hành Linux là thành công nổi tiếng nhất giữa các dự án phần mềm nguồn mở miễn phí thách thức Microsoft. Nhưng Linux chủ yếu được các trung tâm dữ liệu công ti lớn sử dụng, chứ không phải các cá nhân. Tuy nhiên, tháng 11-2004, [Quỹ] Mozilla Foundation, một nhóm phi lợi nhuận ủng hộ phần mềm nguồn mở, phát hành Firefox, một Web browser miễn phí mà người viết về công nghệ ở New York Times Randall Stross (19-12-2004) đã mô tả như rất nhanh và đầy các tính năng mà Internet Explorer của Microsoft không có. Firefox 1.0, dễ cài đặt, được phát hành 9-11. “Chỉ một tháng sau,” Stross tường thuật, “quỹ kỉ niệm một cột mốc đáng để ý:

10 triệu lần tải xuống.” Các khoản quyên góp từ các fan am hiểu của Firefox đã trả quảng cáo hai trang trên The New York Times. “Với Firfox,” Stross nói thêm, “phần mềm nguồn mở chuyển từ back-office khó hiểu sang nhà của bạn, và sang nhà của cha mẹ bạn’ nữa. (Con cái bạn ở đại học đã dùng nó rồi). Nó tao nhã, dễ dùng như Internet Explorer và, hấp dẫn nhất, được bảo vệ tốt hơn nhiều để chống các loại virus, worm [sâu] và snoop [phần mềm nghe lén]. Microsoft đã luôn coi sự tích hợp chặt của Internet Explorer là một tính năng hấp dẫn. Firfox cưỡi nhẹ nhành trên đỉnh Windows, tách biệt khỏi hệ điều hành làm cơ sở mà chủ tịch Mozilla Foundation, Michell Baker, gọi là một ‘sự phòng thủ tự nhiên’. Lần đầu tiên Internet Explorer mất thị phần. Theo một khảo sát toàn cầu được tiến hành tháng Mười Một vừa qua bởi OneStat.com, một công ti ở Amsterdam phân tích Web, thị phần của Internet Explorer sụt xuống dưới 85 phần trăm, năm điểm phần trăm thấp hơn tháng Năm. Firfox bây giờ có gần 5 phần trăm thị phần, và phần đó đang tăng.”

Sẽ không ngạc nhiên là các quan chức Microsoft không phải là những người tin vào khả năng tồn tại hay vào các ưu điểm của dạng phần mềm miễn phí nguồn mở. Trong tất cả các vấn đề mà tôi đề cập đến trong cuốn sách này, không vấn đề nào kích thích nhiều say mê từ những người ủng hộ và những người phản đối hơn là open-source. Sau khi dùng một số thời gian với cộng đồng nguồn mở, tôi muốn nghe cái Microsoft cần phải nói, vì đây sẽ là một cuộc tranh cãi quan trọng, quyết định nguồn mở trở thành một lực làm phẳng đích đáng đến mức nào.

Điểm đầu tiên của Microsoft là, làm thế nào để thúc đẩy đổi mới tiến lên nếu mọi người làm việc không lấy tiền và cho không công trình của họ? Vâng, Microsoft nói, tất cả nghe đẹp đẽ và thân thiện rằng tất cả chúng ta vừa cùng nhau lên trực tuyến và viết phần mềm miễn phí bởi nhân dân và cho nhân dân. Nhưng nếu những người đổi mới sáng tạo sẽ không được thưởng cho các đổi mới của mình, khuyến khích cho đổi mới mở đường sẽ cạn kiệt và cũng vậy tiền cho R&D sâu thực sự cần đến để tạo ra sự tiến bộ trong lĩnh vực ngày càng phức tạp này. Sự thực rằng Microsoft đã tạo ra hệ điều hành PC chuẩn thắng cuộc trên thương trường, nó lập luận, đã tạo ra nguồn tiền tài trợ cho phép Microsoft tiêu hàng tỉ dollar cho R&D để phát triển Microsoft Office, một trọn bộ các ứng dụng mà bây giờ nó có thể bán hơn 100 $ một chút.

“Microsoft thừa nhận rằng có nhiều khía cạnh của phong trào nguồn mở là hấp dẫn, đặc biệt xung quanh quy mô, sự cộng tác cộng đồng, và các khía cạnh truyền thông,” Craig Mundie, tổng giám đốc công nghệ của Microsoft, nói. “Nhưng về cơ bản chúng tôi tin vào ngành phần mềm thương mại, và một số biến thể của mô hình nguồn mở công kích mô hình kinh tế cho phép các công ti để tạo dựng việc kinh doanh về phần mềm. Vòng thiện về đổi mới, phần thưởng, tái đầu tư, và đổi mới nhiều hơn là cái đã dẫn đến tất cả các đột phá lớn trong nghành của chúng ta. Việc kinh doanh phần mềm như chúng ta biết là một việc kinh doanh kinh tế quy mô. Bạn tiêu trước hàng tấn tiền để phát triển một sản phẩm phần mềm, rồi chi phí biên để sản xuất mỗi sản phẩm là rất nhỏ, nhưng nếu anh bán rất nhiều, anh thu lại được khoản đầu tư của mình và sau đó tái đầu tư lợi nhuận vào phát triển thế hệ [sản phẩm] mới. Nhưng khi bạn khăng khăng rằng không được tính tiền phần mềm, bạn chỉ có thể cho không, bạn lấy việc kinh doanh phần mềm khỏi sự kinh doanh theo quy mô kinh tế”.

Bill Gates nói thêm, “Bạn cần chủ nghĩa tư bản [để dẫn dắt đổi mới]. Để có [một phong trào] nói đổi mới không xứng đáng phần thưởng kinh tế là trái với phía mà thế giới đi tới. Khi tôi nói với những người Trung Quốc, họ ước mơ lập một công ti. Họ không nghĩ, ‘tôi sẽ làm thợ cắt tóc ban ngày và làm phần mềm miễn phí ban đêm’ … Khi bạn có khủng hoảng an ninh trong hệ thống [phần mềm] của mình, bạn không muốn nói, ‘Gã thợ cắt tóc ở đâu’?”

Khi chúng ta chuyển vào thế giới phẳng này, và có lực lượng lao động to lớn này do Web cho phép, với tất cả các công cụ cộng tác này, sẽ không có dự án nào là quá nhỏ cho các thành viên nào đó của lực lượng lao động này để đảm nhiệm, hay sao chép, hay sửa đổi – miễn phí. Ai đó ở đó sẽ thử tạo ra các phiên bản miễn phí của mọi loại phần mềm hay thuốc hay âm nhạc. “Thế thì làm sao các sản phẩm giữ được giá trị của chúng?” Mundie hỏi. “Và nếu các công ti không thể lấy được giá trị hợp lí từ các sản phẩm của họ, sự đổi mới sẽ có tiến lên trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, với tốc độ mà nó có thể hay phải là?” Chúng ta có thể luôn tính đến một phong trào nguồn mở tự tổ chức đến cùng nhau để đưa các thứ tiến lên không mất tiền?

Có vẻ đối với tôi, chúng ta ở giai đoạn còn quá sớm trong lịch sử của sự làm phẳng thế giới để trả lời các câu hỏi này. Nhưng chúng sẽ cần các câu trả lời, và không chỉ cho Microsoft. Cho đến nay – và có thể đây là một phần của câu trả lời tầm dài – Microsoft đã có khả năng hi vọng ở sự thực rằng chỉ thứ đắt hơn phần mềm thương mại là phần mềm miễn phí. Ít công ti lớn có thể đơn giản tải Linux xuống từ Web và hi vọng nó hoạt động cho tất cả các nhiệm vụ của họ. Nhiều thiết kế và kĩ thuật hệ thống cần phải đi cùng nó và ở trên nó để biến nó phù hợp với các nhu cầu cụ thể của một công ti, đặc biệt cho các hoạt động tinh vi, quy mô lớn, và quyết định đến sứ mệnh. Cho nên khi bạn tính tổng tất cả chi phí thích nghi hệ điều hành Linux đối với các nhu cầu của công ti bạn và nền phần cứng cụ thể của nó và các ứng dụng, Microsoft lập luận, nó có thể có tổng chi phí nhiều như hoặc hơn Windows.

Vấn đề thứ hai Microsoft nêu lên về toàn bộ phong trào nguồn mở này phải giải quyết là làm sao chúng ta theo dõi được ai sở hữu mẩu nào của bất cứ đổi mới nào trong một thế giới phẳng, nơi một số được tạo ra miễn phí và phần khác được xây dựng trên nó vì lợi nhuận. Các nhà lập trình Trung Quốc sẽ thật sự tôn trọng các quy định của Quỹ Phần mềm Miễn phí? Ai sẽ cai quản tất cả việc này?

“Một khi bạn bắt đầu xã hội hoá dân cư toàn cầu về ý tưởng rằng phần mềm hay bất cứ đổi mới khác nào được cho là miễn phí, nhiều người sẽ không phân biệt giữa phần mềm miễn phí, các dược phẩm miễn phí, âm nhạc miễn phí, hay các patent miễn phí về thiết kế ôtô,” Mundie lí lẽ. Có sự thật nào đó trong điều này. Tôi làm việc cho một tờ báo, đó là nơi trả lương cho tôi. Nhưng tôi tin rằng tất cả các báo trực tuyến phải là miễn phí, và về nguyên lí tôi từ chối trả tiền cho đặt báo trực tuyến đối với The Wall Street Journal. Tôi đã không đọc bản trên giấy của The New York Times thường xuyên hai năm nay. Tôi đọc nó trực tuyến. Song nếu thế hệ con gái tôi, do được nuôi để nghĩ rằng báo chí là cái gì đó phải được truy cập miễn phí, lớn lên và từ chối trả tiền cho báo giấy? Hừ..ừ. Tôi thích Amazon.com cho đến khi nó bắt đầu cung cấp một nền toàn cầu không chỉ bán các sách mới của tôi mà cả các phiên bản cũ. Và tôi vẫn không chắc sẽ cảm thấy ra sao về việc Amazon chào các đoạn của cuốn sách này có thể được lướt trực tuyến miễn phí.

Mundie lưu ý một công ti ôtô lớn của Mĩ mới phát hiện ra là một số hãng Trung Quốc đã dùng công nghệ quét số mới để quét toàn bộ chiếc ôtô và sản ra hàng loạt các mô hình thiết kế với sự trợ giúp của máy tính tất cả các bộ phận trong vòng một thời gian rất ngắn. Sau đó họ có thể nạp các thiết kế đó vào các robot công nghiệp và nhanh mà không ồn ào tạo ra một bản sao hoàn hảo của một chiếc xe GM- mà không phải chi bất cứ khoản tiền nào cho R&D. Các nhà sản xuất ôtô Mĩ chẳng bao giờ nghĩ họ có bất cứ gì để lo về sự sinh sản vô tính toàn bộ các xe của họ, song ở thế giới phẳng, căn cứ vào các công nghệ sẵn có ở đấy, điều đó không còn đúng nữa.

Điểm mấu chốt của tôi là thế này: Open-source là một lực làm phẳng quan trọng bởi vì nó làm cho nhiều công cụ, từ phần mềm đến bách khoa toàn thư, sẵn có miễn phí, mà hàng triệu người quanh thế giới đã phải mua để được dùng, và bởi vì mạng nguồn mở kết hợp -với các ranh giới mở của chúng và cách tiếp cận đến- một-là-đến-tất-cả – có thể thách thức cấu trúc thứ bậc với một mô hình chiều ngang về đổi mới rõ ràng hoạt động trong các lĩnh vực có số lượng ngày càng tăng. Apache và Linux mỗi cái đã giúp đẩy chi phí của việc sử dụng tính toán và Internet theo những cách làm phẳng một cách sâu sắc. Phong trào này sẽ không mất đi. Quả thực, có thể nó mới chỉ vừa bắt đầu – với một sự khát khao to lớn, và ngày càng tăng có thể áp dụng cho nhiều ngành. Như The Economist (10-7-2004) bối rối, “một số người cuồng tín thậm chí còn lí lẽ rằng cách tiếp cận nguồn mở đại diện cho một mô hình mới, mô hình hậu tư bản chủ nghĩa về sản xuất.”

Điều đó có thể tỏ ra là đúng. Nếu vậy, thì chúng ta có các vấn đề to lớn về cai quản toàn cầu để sắp xếp ai sở hữu cái gì và các cá nhân và các công ti sẽ kiếm lời thế nào từ việc tạo ra chúng.