Thế giới như tôi thấy

Phần I : Thế giới như tôi thấy

Thế giới như tôi thấy

Tiểu luận này được Einstein viết tại Berlin năm 1930 khi ông 51 tuổi. Năm 1931, nó được dịch ra tiếng Anh và in trong tập thứ 13 của bộ sách “Living Philosophies”, Nhà xuất bản New York, Mỹ.

Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng: ta đến đây vì người khác – trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông.

Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và thường cảm thấy dằn vặt, rằng mình đòi hỏi nhiều hơn mức cần thiết từ lao động của đồng loại. Tôi thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội là không thể biện minh được và rốt cuộc là do dựa trên bạo lực. Tôi cũng tin rằng, một đời sống bên ngoài giản dị và không cầu kỳ là tốt cho mọi người, tốt cho cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tôi tuyệt không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mỗi người không chỉ hành động vì sự thúc ép ngoại cảnh mà còn theo đòi hỏi nội tâm. Câu nói của Schopenhauer : “Con người tuy có thể làm những gì mình muốn nhưng không thể cứ muốn [chạy theo] những gì mình muốn.” đã hằng sống theo tôi từ thời trẻ và luôn là nguồn an ủi với tôi trong những lúc đối mặt và chịu đựng sự khắc nghiệt của cuộc đời và là nguồn suối vô tận của lòng khoan dung. Cảm nhận đó đã làm vơi đi biết bao gánh nặng trách nhiệm vốn dễ khiến ta suy sụp; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó dẫn đến một cách nhìn cuộc sống mà ở đó, nhất là sự hài hước cũng có chỗ đứng của nó.

Từ góc nhìn khách quan, câu hỏi về ý nghĩa hoặc mục đích tồn tại của mình cũng như của các sinh thể nói chung luôn có vẻ vô nghĩa đối với tôi. Nhưng mặt khác, mỗi người đều có những lý tưởng nhất định làm kim chỉ nam cho nỗ lực và sự phán xét của mình. Theo nghĩa này, sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi (tôi gọi nền tảng luân lý này là lý tưởng của bầy lợn). Lý tưởng của tôi, lý tưởng soi đường và luôn làm dâng đầy trong tôi niềm cảm khái yêu đời, là Thiện, Mỹ và Chân. Không có cảm nhận về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu với cái khách quan, với cái mãi mãi không vươn tới được trong lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, thì cuộc sống với tôi thật trống rỗng. Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh.

Ý thức nhiệt thành của tôi về công bằng xã hội và trách nhiệm xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu trực tiếp gắn kết với những cá nhân và tập thể. Tôi đích thực là một kẻ “thu mình”, kẻ chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về nhà nước, quê hương, bạn bè, vâng, ngay cả gia đình thân thiết của mình cũng vậy; đối với tất cả những mối quan hệ ấy, tôi luôn có cảm giác xa lạ khôn dứt và nhu cầu được cô đơn; cảm giác đó càng tăng theo tuổi tác. Người ta cảm nhận được, một cách rõ nét nhưng không ân hận, về ranh giới của sự đồng cảm và hòa hợp với người khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên và vô tư, nhưng bù vào đó, anh ta lại luôn độc lập trước những quan điểm, thói quen và sự phán xét của người khác, và không để mình dễ bị chao đảo trên cái nền tảng không lấy gì làm vững chắc đó.

Lý tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Mỗi người cần được tôn trọng như một nhân cách và không ai được thần thánh hóa. Thật trớ trêu cho số phận, chính tôi lại nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ người khác – mà tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm gì nên tội. Điều này có lẽ có nguyên cớ từ mong muốn không được thỏa mãn của nhiều người trong việc muốn hiểu vài ba ý tưởng của tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức lực yếu ớt trong cuộc vật lộn không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng, để đạt được một mục đích tập thể, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ, sắp xếp và chịu trách nhiệm chung. Nhưng không được ép buộc những người đi theo, mà phải để họ có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống độc đoán dựa trên sự cưỡng bức sẽ sớm bị thoái hóa trong một thời gian ngắn, tôi tin chắc như vậy. Bởi bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin rằng đã thành quy luật: nối nghiệp những tên bạo chúa thiên tài luôn là những tên khốn kiếp. Vì lý do đó, tôi luôn là người quyết liệt chống lại những hệ thống như vậy, những hệ thống mà chúng ta đang thấy ở Ý và Nga hiện nay. Cái làm cho nền dân chủ ở châu Âu hôm nay rơi vào bê bối không phải là bản thân lý tưởng dân chủ, mà là sự thiếu ổn định của một bộ phận lãnh đạo các chính phủ và tính phi nhân cách của thể thức bầu cử. Về mặt này, tôi cho rằng nước Mỹ đã có lựa chọn đúng: họ có một Tổng thống có trách nhiệm, được bầu cho một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực để thực sự đảm nhận được trọng trách. Mặt khác, tôi lại đánh giá cao hoạt động nhà nước của chúng ta về mặt phúc lợi rộng rãi cho cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn. Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới [vượt lên] tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi vẫn là trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.

Nhân đây tôi muốn đề cập đến cái quái thai kinh tởm nhất của bản tính bầy đàn: hệ thống quân đội mà tôi căm ghét. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào đoàn duyệt binh trong tiếng quân nhạc, tôi đã coi thường rồi; anh ta được trời phú nhầm cho bộ não lớn, bởi với anh ta, chỉ cần cột xương sống thôi là đã quá đủ. Vết nhục này của nền văn minh cần bị loại trừ càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, trò hề ái quốc tởm lợm, tôi căm ghét chúng làm sao. Với tôi, chiến tranh thật đê tiện và đáng khinh làm sao. Tôi thà bị băm vằm làm muôn mảnh còn hơn là dự phần vào cái trò khốn nạn đó! Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại, và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại.

Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình. Trải nghiệm cái bí ẩn – dù có pha trộn cảm giác sợ hãi – cũng chính là trải nghiệm mà tôn giáo đã tạo ra. Hiểu biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, [tức về] những cái chỉ có thể đến với trí não của ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biết và cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về những người có tín ngưỡng sâu xa. Còn một Thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Tôi không muốn và cũng không thể tưởng tượng ra những cá nhân sống lâu hơn cái chết thể xác; mặc cho những tâm hồn yếu đuối, vì sợ hãi hay ích kỷ đáng cười, tìm đến những suy nghĩ như vậy. Với tôi, sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của sự sống cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là quá đủ.