Sự khám phá ra các phản ứng dây chuyền của nguyên tử không đòi hỏi con người thực hiện việc tàn phá nhiều hơn là việc phát minh ra que diêm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để loại trừ sự lạm dụng. Ở trình độ hiện nay của phương tiện kỹ thuật, chỉ có một tổ chức siêu quốc gia gắn liền với một quyền lực hành pháp đủ mạnh mới có thể bảo vệ được chúng ta.
Nếu chúng ta đã thừa nhận điều này, thì chúng ta sẽ tìm thấy lực lượng mang đến sự hy sinh cần thiết cho an ninh của nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng sẽ có lỗi, nếu mục tiêu này không được thực hiện kịp thời. Điều đáng sợ là ở chỗ, mỗi người không làm gì cả mà chỉ chờ đợi người khác làm cho mình.
Sự tôn trọng đối với những tiến bộ khoa học đã đạt được trong thế kỷ này, đều được thể hiện ở mỗi người, từ người có đôi chút trình độ cho đến người quan sát nông nổi, chỉ nhìn thấy những áp dụng về mặt kỹ thuật. Nhưng người ta sẽ không đánh giá quá mức những thành tựu của thời đại vừa qua, khi người ta nhớ đến những vấn đề của khoa học ở quy mô lớn. Điều này cũng giống như trong chuyến đi bằng xe lửa: Nếu người ta chỉ chú ý đến vùng lân cận tiếp theo, thì người ta dường như sẽ đạt được trong nháy mắt. Còn nếu người ta chú ý đến những hình thù lớn như những dãy núi cao, thì tình hình sẽ chỉ thay đổi dần dần. Điều này cũng tương tự, nếu người ta gặp phải những vấn đề lớn của khoa học.
Theo ý kiến của tôi, thật không có lý, khi nói một cách chung chung về “lối sống của chúng ta” hay lối sống của người Nga. Trong cả hai trường hợp, người ta nói đến sự tập hợp của các truyền thống và thói quen. Tập hợp này không tạo ra một chỉnh thể hữu cơ. Tốt hơn hết là tự hỏi mình xem, những cơ cấu nào, những truyền thống nào là có hại hoặc có lợi cho con người, những cơ cấu nào, những truyền thống nào làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn hoặc đau khổ hơn. Khi đó, người ta phải cố gắng thực thi cái đã được nhận thấy là tốt hơn, không phụ thuộc vào câu hỏi, liệu hiện nay, nó có thực hiện được hay không ở chúng ta hoặc ở một nơi nào đó khác.