Diễn văn này được đọc vào khoảng năm 1930 trước các sinh viên Đức.Trong một nền khoa học và kỹ thuật phát triển cao, các thế hệ gần đây đã trao cho chúng ta một món quà cực kỳ quý giá, món quà mang theo những khả năng giải phóng và làm đẹp cho cuộc sống của chúng ta mà không thế hệ nào trước đây được hưởng.
Tuy nhiên, món quà này cũng mang đến cả những mối nguy hiểm cho sự tồn tại của chúng ta, những mối nguy hiểm chưa bao giờ đe dọa trầm trọng đến như thế.
Hơn bao giờ hết, số phận của nhân loại văn minh phụ thuộc vào những lực lượng có đạo đức mà nó có thể tập hợp được. Vì vậy, nhiệm vụ được đặt ra cho thời đại chúng ta không dễ dàng hơn những nhiệm vụ mà các thế hệ trước đây đã giải quyết.
So với trước đây, nhu cầu của con người về thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể được đáp ứng chỉ bằng một chi phí nhỏ hơn nhiều về thời gian lao động. Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó, vấn đề phân công lao động và phân phối các sản phẩm làm ra cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. Tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng, cuộc chơi tự do của các thế lực kinh tế, khát vọng quyền lực, khát vọng sở hữu vô trật tự và không được kìm chế của các cá nhân không còn tự động dẫn đến một giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề đó. Cần phải có một thể chế có kế hoạch trong việc sản xuất hàng hóa, trong việc sử dụng sức lao động và phân phối các sản phẩm làm ra, để ngăn ngừa tình trạng lãng phí những lực lượng lao động quý giá, có trình độ cao, ngăn ngừa tình trạng bần cùng hóa và tình trạng khánh kiệt của bộ phận lớn dân cư.
Một khi “thói ích kỷ” vô hạn trong đời sống kinh tế đưa đến những hậu quả đồi bại, thì chính nó sẽ còn là kẻ dẫn đường tồi tệ hơn cho các quan hệ giữa các dân tộc với nhau. Sự phát triển của kỹ thuật quân sự chính là một kiểu phát triển, trong đó cuộc sống của con người là không thể chịu đựng nổi, khi chưa sớm tìm thấy con đường để ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Mục tiêu có tầm quan trọng đến như thế, nhưng những nỗ lực đã được thực hiện cho đến nay lại chưa đầy đủ.
Người ta tìm cách giảm nhẹ mối nguy hiểm đó bằng việc hạn chế vũ trang và thông qua các quy định hạn chế trong khi tiến hành chiến tranh. Chiến tranh không phải là một cuộc chơi tập thể, trong đó các bên tuân thủ một cách ngoan ngoãn luật chơi. Một khi liên quan đến sự sống còn, thì các quy định và nghĩa vụ của cuộc chơi trở nên bất lực! Chỉ có sự dẹp bỏ vô điều kiện mọi cuộc chiến tranh nói chung mới có thể cứu vãn được. Việc thiết lập một định chế trọng tài quốc tế là không đủ. Thông qua các hiệp ước phải tạo ra được sự đảm bảo rằng, các quyết định của cấp thẩm quyền này cùng được thực hiện bởi tất cả các quốc gia. Nếu không có sự đảm bảo chắc chắn đó, các quốc gia sẽ không bao giờ có đủ can đảm để giải trừ quân bị một cách nghiêm chỉnh.
Các bạn thử tưởng tượng xem, bằng cách đe dọa sẽ tẩy chay hàng hóa, chính phủ các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động chiến tranh chống lại Trung Quốc! Vậy, các bạn có tin rằng, ở Nhật Bản sẽ tìm ra được một chính phủ lại muốn đẩy đất nước mình vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm đến thế không? Tại sao điều này lại không xảy ra? Tại sao mỗi con người, mỗi quốc gia lại cứ run sợ cho sự tồn vong của mình? Bởi vì ai nấy đều đi tìm lợi thế thảm hại nhất thời của mình và không chịu bắt nó phục tùng lợi ích và sự phát triển của cộng đồng.
Vì vậy, như tôi đã nói với các bạn lúc đầu rằng, số phận của nhân loại ngày hôm nay phụ thuộc vào các lực lượng có đạo đức của mình nhiều hơn bao giờ hết. Ở đâu cũng vậy, khước từ và tự hạn chế là con đường dẫn tới cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Các lực lượng ủng hộ cho một sự phát triển như vậy có thể đến từ đâu? Chỉ đến từ những người mà ngay từ trẻ đã có cơ hội tăng cường tinh thần và mở rộng tầm nhìn thông qua học tập và nghiên cứu. Chúng tôi, thế hệ đi trước trông đợi ở các bạn và hy vọng ở các bạn một điều là các bạn bằng những khả năng tốt nhất của mình sẽ hướng tới và sẽ đạt được những gì mà chúng tôi đã không làm nổi