Các bạn sẽ khó có thể tìm được một đầu óc khoa học sâu lắng nào mà không có Đạo riêng. Nhưng cái Đạo ấy lại khác hẳn với cái đạo của những người ngây thơ cả tin. Đối với những người ấy, Thượng đế là một hữu thể mà họ hy vọng được che chở, kẻ khiến họ sợ hãi bị trừng phạt (một dạng thăng hoa của tình cảm cha con), một hữu thể mà, ở một mức độ nhất định, vẫn có quan hệ cá nhân với họ, cho dù đó là một quan hệ thuộc loại đáng tôn kính đến đâu đi nữa.
Song nhà nghiên cứu thì thấu hiểu tính nhân quả của tất cả các hiện tượng. Đối với anh ta, tương lai không hề kém tất yếu hay kém xác định hơn quá khứ. Đạo lý không phải là một sự vụ của Thượng đế mà thuần túy là một sự vụ của con người. Đạo của anh ta là sự kinh ngạc ngất ngây trước sự hài hòa của tính quy luật tự nhiên, nơi tỏa rạng một lý tính ưu việt, đến nỗi đối diện với ánh hào quang ấy, tất cả những gì đáng kể trong tư tưởng và sự sắp đặt của con người chỉ là một ánh hồi quang hoàn toàn hư ảo mà thôi. Khi vượt qua được cõi nô lệ của tham vọng cá nhân, cảm thức ấy sẽ là cảm thức chủ đạo dẫn dắt cuộc đời và nỗ lực của anh ta. Không nghi ngờ gì hết, cảm thức này có liên hệ rất gần gũi với cảm thức ngự trị trong những nhà sáng lập tôn giáo của mọi thời đại.