Thế giới của Sophie

Chương 7: Số Mệnh

… thầy bói cố tiên đoán một điều khó mà đoán được…

Sophie đã canh chừng cái hộp thư trong khi đọc về Democritus. Nhưng để cẩn thận, cô vẫn quyết định đi xuống cổng vườn.

Khi mở cửa trước, cô trông thấy một chiếc phong bì nhỏ trên bậc cửa. Và tất nhiên là nó gửi cho Sophie Amundsen.

Vậy là ông ta đã chơi xỏ cô! Đúng vào ngày cô canh chừng cẩn thận hộp thư thì con người bí ẩn lại lẻn vào nhà từ hướng khác và để lá thư lên thềm trước khi quay trở lại rừng. Khỉ thật!

Làm thế nào mà ông ta biết được hôm nay Sophie sẽ canh chừng hộp thư? Ông ta đã nhìn thấy Sophie bên cửa sổ chăng? Dù sao thì cô cũng mừng vì đã nhận được thư trước khi mẹ về.

Sophie quay về phòng và bóc lá thư. Chiếc phong bì trắng hơi bí ẩn ở quanh mép, và có hai cái lỗ nhỏ trên đó. Tại sao vậy? Mấy hôm nay trời không mưa mà!

Mẩu thư ghi:

Em có tin vào Số mệnh không?

Có phải bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần?

Những sức mạnh nào chi phối dòng chảy lịch sử?

Cô có tin vào số mệnh không ư? Cô không rõ. Nhưng cô biết nhiều người tin. Có một cô bạn cùng lớp hay đọc tử vi trong các tạp chí. Nếu họ tin vào chiêm tinh, có lẽ họ tin cả số mệnh nữa, vì các nhà chiêm tinh học khẳng định rằng vị trí của các ngôi sao ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trên trái đất.

Nếu bạn tin rằng bạn gặp một con mèo đen đi ngang qua là vận rủi thì bạn đã tin vào số mệnh, không phải thế sao? Càng nghĩ, cô càng thấy nhiều ví dụ về chuyện tin vào số mệnh. Chẳng hạn, tại sao người gõ lên gỗ [4]? Tại sao thứ Sáu ngày 13 lại là ngày xui xẻo. Sophie nghe nói có nhiều khách sạn không có phòng số 13. Đó hẳn là vì có nhiều người mê tín.

“Mê tín”. Thật là một từ kỳ quặc. Nếu bạn theo Ki Tô giáo hay đạo Hồi, đó gọi là đức tin. Nhưng khi bạn tin vào chiêm tinh học hay thứ Sáu ngày 13, đó lại là mê tín! Ai có quyền gọi đức tin của kẻ khác là sự mê tín?

Dù sao thì Sophie cũng biết chắc một điều. Democritus không tin vào số mệnh. Ông là một nhà duy vật. Ông chỉ tin vào các nguyên tử và không gian trống rỗng.

Sophie cố suy nghĩ về các câu hỏi khác trong bức thư.

“Có phải bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần?” Ngày nay liệu ai còn tin vào chuyện đó? Nhưng cô nhận ra rằng nhiều người cho là cầu nguyện sẽ giúp chóng lành bệnh. Vậy chắc hẳn họ tin rằng Chúa Trời có quyền lực nào đó đối với sức khỏe của con người.

Câu hỏi cuối cùng khó hơn. Sophie chưa bao giờ để ý đến chuyện cái gì chi phối lịch sử. Chắc đó phải là con người chứ nhỉ! Nếu là Chúa Trời hay Số mệnh, thì con người chẳng có chút ý chí tự do nào.

Suy nghĩ về ý chí tự do làm Sophie nghĩ đến một chuyện khác. Tại sao cô lại phải chịu để nhà triết học bí ẩn chơi trò mèo vờn chuột với mình? Tại sao cô không thể viết một bức thư cho chính ông ta? Ông ta hay bà ta chắc sẽ đặt một phong bì lớn nữa vào hộp thư trong đêm nay hoặc sáng mai. Cô sẽ đảm bảo rằng sẽ có một bức thư cho người này.

Sophie bắt tay vào việc ngay. Thật khó khi viết thư cho một người cô chưa bao giờ gặp. Cô thậm chí còn không biết đó là nam hay nữ, già hay trẻ. Hoặc cũng có thể nhà triết học bí ẩn lại là một người quen.

Cô viết:

Nhà triết học kính mến,

Chúng tôi rất trân trọng những bài giảng triết học từ xa của ông. Nhưng chúng tôi cảm thấy hơi bất tiện khi không được biết ông là ai. Do vậy, chúng tôi mong ông sử dụng tên đầy đủ của mình. Bù lại chúng tôi sẽ rất lấy làm vinh hạnh nếu ông tới chơi và uống cà phê, tốt nhất là khi mẹ tôi có nhà. Mẹ tôi đi làm từ 7h30 sáng đến 5h chiều hằng ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Những ngày đó, tôi cũng đi học, nhưng tôi luôn về nhà lúc 2h15, trừ thứ Năm. Tôi pha cà phê rất ngon.

Xin chân thành cảm ơn. Học trò tận tụy của ông, Sophie Amundsen (14 tuổi)

Ở cuối trang giấy, cô viết: Mong được trả lời.

Sophie cảm thấy bức thư hơi quá trịnh trọng. Nhưng khó có thể biết nên dùng từ gì với một người giấu mặt. Cô bỏ lá thư vào trong một chiếc phong bì màu hồng và ghi “Kính gửi: Nhà triết học”.

Bây giờ vấn đề là ở chỗ phải đặt nó ở đâu để mẹ cô không phát hiện ra. Cô sẽ phải đợi mẹ đi làm về rồi mới đặt nó vào trong hộp thư. Và cô cũng sẽ phải nhớ kiểm tra hộp thư sáng sớm hôm sau trước khi người ta đem báo đến. Nếu tối và đêm nay không có thêm lá thư nào cho cô, cô sẽ phải lấy lại chiếc phong bì màu hồng.

Tại sao mọi chuyện lại phải rắc rối vậy nhỉ?

Tối hôm đó, mặc dù là thứ Sáu, Sophie lên phòng sớm. Mẹ cô cố dụ dỗ cô bằng bánh pizza và một bộ phim giật gân trên TV, nhưng Sophie nói cô đã mệt và muốn lên giường đọc sách. Trong khi mẹ xem TV, cô lẻn ra ngoài hộp thư với lá thư màu hồng.

Rõ ràng là mẹ cô đã lo lắng. Kể từ vụ con thỏ trắng và chiếc mũ cao vành, bà bắt đầu nói với Sophie bằng mọt giọng không bình thường. Sophie rất không thích để mẹ lo lắng, nhưng cô vẫn phải lên phòng để canh chừng hộp thư.

Khoảng mười một giờ, khi mẹ cô lên phòng, Sophie đang ngồi bên cửa sổ nhìn đăm đăm xuống đường.

“Con không phải đang ngóng cái hộp thư đấy chứ!”

“Con được nhìn bất cứ cái gì con thích chứ!”

“Mẹ thật sự nghĩ là con đang yêu, Sophie à. Nhưng nếu cậu ấy định mang đến cho con một bức thư thì chắc chắn là cậu ta không đến vào lúc nửa đêm đâu.”

Khỉ thật! Sophie chúa ghét các kiểu nói chuyện mùi mẫn về tình yêu. Nhưng cô phải để cho mẹ tiếp tục tin rằng điều đó là sự thực.

“Có phải cậu ta là người đã nói với con về thỏ và mũ cao vành không?” mẹ cô hỏi.

Sophie gật đầu.

“Cậu ta… cậu ta không dùng ma túy đấy chứ?”

Giờ thì Sophie cảm thấy thực sự thương mẹ. Cô không thể tiếp tục để mẹ lo lắng kiểu này, cho dù mẹ thật buồn cười khi nghi ngờ một người là nghiện hút chỉ vì anh ta có một tư tưởng hơi kỳ quặc. Người lớn tuổi đôi khi thật ngốc.

Cô nói, “Mẹ à, con hứa với mẹ chỉ một lần này thôi. Con sẽ không bao giờ làm chuyện gì kiểu đó… và cậu ấy cũng vậy. Nhưng cậu ấy rất thích triết học.”

“Cậu ta lớn tuổi hơn con?”

Sophie lắc đầu.

“Bằng tuổi?”

Sophie gật đầu.

“Mẹ đoán là cậu ấy rất đáng yêu. Còn bây giờ, mẹ nghĩ là con nên đi ngủ thôi.”

Nhưng hàng tiếng đồng hồ sau, Sophie vẫn không rời cửa sổ. Cuối cùng thì cô buồn ngủ díp mắt. Lúc đó là một giờ.

Cô vừa định đi ngủ thì thấy một bóng đen xuất hiện từ trong rừng.

Mặc dù bên ngoài trời gần như đã tối, cô vẫn nhận ra một dáng người. Đó là một người đàn ông, Sophie có cảm tưởng là ông ta đã khá lớn tuổi. Ông ta chắc chắn là không cùng tuổi với cô! Ông đội một chiếc mũ nồi.

Cô có thể thề rằng ông ta đã nhìn về phía căn nhà. Nhưng đènn phòng Sophie không bật. Người đàn ông đi thẳng đến hộp thư và thả một chiếc phong bì lớn vào trong. Khi thả, ông nhìn thấy lá thư của Sophie, ông thò tay lấy lá thư. Một phút sau, người đàn ông đã rảo bước trên đường về phía cánh rừng. Ông vội vã đi xuống con đường rừng rồi mất hút.

Sophie cảm thấy tim mình đạp mạnh. Cảm giác đầu tiên là muốn mặc nguyên bộ áo ngủ mà đuổi theo, nhưng cô không dám đuổi theo một người lạ vào lúc nửa đêm. Nhưng cô phải ra ngoài để lấy lá thư.

Một phút sau, cô rón rén xuống thang, khẽ mở cửa rồi chạy ra hộp thư. Một loáng sau, cô đã về đến phòng mình với lá thư trong tay. Cô ngồi trên giường nín thở. Vài phút trôi qua mà không có động tĩnh gì trong nhà, cô mở lá thư và bắt đầu đọc.

Cô biết rằng đây không phải thư trả lời cho bức thư của cô. Lá thư đó không thể đến sớm hơn ngày mai được.

Số mệnh

Chúc buổi sáng tốt lành, Sophie thân mến! tôi phải nhắc rằng em không bao giờ được theo dõi tôi. Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau, nhưng tôi sẽ là người quyết định khi nào và ở đâu. Vậy nhé! Em sẽ không làm trái lời tôi chứ?

Quay lại câu chuyện về các triết gia. Ta đã thấy cách họ cố tìm kiếm một cách giải thích tự nhiên cho các biến đổi trong thiên nhiên. Trước đó, những điều này đã được giải thích bằng các huyền thoại.

Những điều mê tín cổ xưa trong các lĩnh vực khác cũng phải bị loại bỏ. ta có thể thấy ảnh hưởng của chúng trong các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe, cũng như các sự kiện chính trị. Trong cả hai lĩnh vực này, những người Hy Lạp đã là những đệ tử của thuyết định mệnh.

Thuyết định mệnh cho rằng mọi sự xảy ra đều là tiền định. Chúng ta thấy niềm tin này ở khắp thế giới, không chỉ trong lịch sử mà cả trong thời đại của chúng ta. Ở các nước vùng Bắc Âu có một niềm tin sâu sắc vào “lagnadan” hay số mệnh thường có mặt trong các truyền thuyết cổ của người Iceland.

Tại Hy Lạp cổ đại cũng như các vùng khác trên thế giới, ta thấy một niềm tin rằng con người có thể biết được số mệnh của mình qua một dạng sấm truyền nào đó. Nói cách khác, số mệnh của một con người hay một đất nước có thể được tiên đoán theo nhiều cách.

Còn có nhiều người tin rằng họ có thể đoán tương lai của ta bằng bói bài, đọc chỉ tay, hoặc đoán tương lai qua các vì sao.

Ở Na Uy có một kiểu bói đặc biệt là bói cà phê. Khi uống cạn cốc cà phê, dưới đáy cốc sẽ còn lại một chút cặn. Nó sẽ tạo ra một hình ảnh hay ít nhất là một hoa văn nào đó, ta cứ tha hồ tưởng tượng. Nếu cặn có hình giống một chiếc ô tô, nghĩa là người vừa uống cốc đó sắp lái xe đường dài.

Như vậy, “thầy bói” cố gắng tiên đoán một điều khá là khó đoán trước được. Đây là đặc điểm của mọi kiểu tiên đoán. Cũng chính vì những điều họ “nhìn thấy” thật mơ hồ nên ta khó có thể bác bỏ được các tuyên bố của thầy bói.

Khi ngắm những vì sao, ta thấy một vùng hỗn độn các đốm sáng nhấp nháy. Tuy nhiên, thời nào cũng có những người tin rằng các vì sao có thể cho ta biết về cuộc sống của chúng ta trên Trái Đất. Ngay cả hiện nay, vẫn có những thủ lĩnh chính trị hỏi ý kiến của các nhà chiêm tinh trước khi đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào.

Sấm truyền đền Delphi

Người Hy Lạp cổ tin rằng họ có thể những lời sấm truyền nổi tiếng ở đền Delphi về số mệnh của mình. Apollo, vị thần của sấm truyền, phan qua người nữ đồng Pythia ngồi trên một cái ghế bắc qua một khe nứt của mặt đất. Hơi thôi miên bốc lên từ khe nứt đưa Pythia vào trạng thái nhập đồng. Nhờ đó, bà trở thành phát ngôn viên của Apollo.

Khi tới đền, người ta dâng các câu hỏi cho các tu sĩ trong đền, họ sẽ chuyển cho Pythia. Những câu trả lời của bà khó hiểu và đa nghĩa đến mức các tu sĩ sẽ phải giải nghĩa chúng. Bằng cách nào đó, mọi người được hưởng sự thông thái của Apollo, họ tin tưởng rằng thần biết mọi điều, ngay cả về tương lai.

Có nhiều vị đứng đầu các thành bang không dám tham gia chiến tranh hoặc chưa thỉnh được sấm truyền đền Delphi. Vì vậy, các tu sĩ của Apollo hoạt động gần như các nhà ngoại giao hoặc các cố vấn. Họ là các chuyên gia với kiến thức sâu sắc về dân chúng và các quốc gia.

Bên trên lối vào đền Delphi có khắc hàng chữ: Hãy biết chính mình! Nó nhắc nhở khách đến đền rằng con người phải luôn nhớ rằng mình không bất tử, và rằng không có ai thoát được định mệnh của mình.

Người Hy Lạp đã có nhiều câu chuyện về những người cố vượt ra nhưng rồi vẫn không qua khỏi vòng cương tỏa của số mệnh. Theo thời gian, nhiều vở bi kịch đã được viết về những con người có số phận bi thảm này. Trong đó, nổi tiếng nhất là bi kịch về Vua Oedipus.

Lịch sử và y học

Nhưng số mệnh không chỉ chi phối cuộc đời của các cá nhân. Người Hy Lạp đã cho rằng ngay cả lịch sử của thế giới cũng bị chi phối bởi số mệnh, và xu thế của chiến tranh có thể bị xoay chuyển bởi sự can thiệp của các vị thần. Ngày nay, vẫn có nhiều người tin rằng Chúa Trời hay một sức mạnh bí hiểm nào đó đang định hướng dòng chảy của lịch sử.

Vào thời kỳ mà các triết gia Hy Lạp đang tìm kiếm lời giải thích tự nhiên cho các quá trình biến đổi của thiên nhiên, các nhà sử học đầu tiên bắt đầu tìm kiếm cách giải thích tự nhiên cho dòng chảy của lịch sử. Khi một quốc gia thua trận, sự báo thù của các vị thần không còn là lời giải thích chấp nhận được đối với họ. Hai nhà sử học nổi tiếng nhất của Hy Lạp là Herodotus (484 - 424 t.Cn) và Thucydides (460 - 400 t.Cn).

Người Hy Lạp cổ còn tin rằng bệnh tật cũng là do sự can thiệp của các vị thần. Các thần có thể làm cho họ khỏe mạnh trở lại nếu họ cúng lễ một cách thích hợp.

Niềm tin này không chỉ có ở Hy Lạp. Trước khi y học hiện đại phát triển, quan điểm của quảng đại quần chúng là bệnh tật là do các nguyên nhân siêu nhiên. Từ “influenza” (bệnh cúm) thực ra có nghĩa là ảnh hưởng xấu từ các vì sao.

Ngay cả hiện nay, có nhiều người tin rằng một số bệnh tật, chẳng hạn AIDS, là sự trừng phạt của Chúa Trời. Nhiều người còn tin rằng người ốm có thể được cứu chữa nhờ các sức mạnh siêu nhiên.

Cùng thời với những xu hướng mới của triết học Hy Lạp, ngành y học Hy Lạp đã xuất hiện, nó cố gắng tìm kiếm những lời giải thích tự nhiên cho bệnh tật và sức khỏe. Người ta nói rằng nhà sáng lập ra nền y học Hy Lạp là Hippocrates, người được sinh ra trên đảo Cos vào khoảng năm 460 trước Công nguyên.

Theo truyền thống y học Hippocrates, cách phòng bệnh tốt nhất là sự điều độ và lối sống lành mạnh. Sức khỏe là tình trạng bình thường. Bệnh tật xảy ra là dấu hiệu rằng Tự nhiên đã đi chệch đường do sự mất cân bằng về thể xác hoặc tinh thần. Sự điều độ, hài hòa là con đường dẫn tới sức khỏe cho mỗi người, và “một tinh thần lành mạnh trong một thể xác lành mạnh”.

Ngày nay, người ta nói nhiều về “y đức”. Theo đó, bác sĩ phải tôn trọng một số quy tắc đạo đức. Thí dụ, một bác sĩ không nên kê thuốc ngủ cho người khỏe mạnh. Người bác sĩ còn phải giữ bí mật nghề nghiệp, nghĩa là ông ta không được phép tiết lộ bất cứ điều gì bệnh nhân đã kể về căn bệnh của mình. Các quan điểm này có từ thời Hippocrates. Ông đã đòi hỏi học trò tuyên thệ những điều sau đây:

Tôi sẽ sử dụng cách điều trị mà theo năng lực và sự phán đoán của tôi là có lợi cho bệnh nhân và tránh mọi điều có hại. Tôi sẽ không đưa thuốc độc cho ai, kể cả khi được yêu cầu, và không gợi ý điều tương tự. Cũng như vậy, tôi sẽ không giúp phụ nữ phá thai. Mỗi khi đến một căn nhà, tôi sẽ đến vì lợi ích của người ốm và sẽ tránh mọi hành vi gây hại hoặc bất lương, tránh mọi cám dỗ của đàn ông, đàn bà, dù đó là người tự do hay nô lệ. Khi hành nghề, tất cả những gì tôi nghe thấy hoặc nhìn thấy mà không nên nói rộng, tôi sẽ giữ bí mật. Nếu giữ lời thề, tôi có thể sẽ được yên hưởng cuộc sống và nghề nghiệp, và luôn được mọi người kính trọng. Bằng không, tôi sẽ phải chịu những điều ngược lại.

Sáng thứ Bảy, Sophie giật mình tỉnh dậy. Đó là một giấc mơ hay cô quả thực đã nhìn thấy nhà triết học? Cô luồn tay xuống dưới giường. Đây rồi - lá thư đêm qua. Đó không chỉ là một giấc mơ.

Chắc chắn cô đã nhìn thấy nhà triết học! Còn nữa, chính mắt cô đã thấy ông lấy lá thư cô viết!

Cô bò xuống sàn, kéo tất cả các tờ giấy đánh máy từ trong gầm giường ra. Nhưng cái gì kia? Sát chân tường có cái gì đó màu đỏ. Một chiếc khăn chăng?

Sophie chui vào gầm giường và lôi ra một chiếc khăn lụa đỏ. Nó không phải là của cô, chắc chắn như vậy!

Cô xem xét chiếc khăn kĩ càng hơn và há hốc mồm khi nhìn thấy tên HILDE được viết bằng mực dọc theo đường may.

Hilde! Nhưng Hilde là ai mới được cơ chứ! Tại sao hai người cứ đụng độ nhau suốt vậy?