Thế giới của Sophie

Chương 22: Hume

… thế thì ném nó vào lửa…

Alberto ngồi nhìn trân trân xuống bàn. Cuối cùng, ông quay về phía cửa sổ.

“Trời đầy mây.” Sophie nói.

“Ừ, oi bức thật.”

“Thầy có định nói về Berkeley bây giờ không ạ?”

“Ông ta là người tiếp theo trong ba nhà triết học kinh nghiệm người Anh. Nhưng vì ông ta thuộc một phạm trù của riêng mình theo nhiều nghĩa, nên trước hết, ta hãy tập trung vào David Hume. Hume sinh năm 1711 và mất năm 1776. Ông nổi bật với vị thế quan trọng nhất của các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa. Ông còn là người đã giúp nhà triết học vĩ đại Immanuel Kant tìm ra con đường triết học của mình.”

“Thầy không thèm để ý đến chuyện em quan tâm đến triết học của Berkeley hơn à?”

“Chuyện đó không quan trọng. Hume lớn lên ở gần Edinburgh, Scotland. Gia đình muốn ông theo ngành luật, nhưng ông cảm thấy “một sự kháng cự không thể vượt qua được đối với mọi thứ trừ triết học và sự học nói chung”. Ông sống vào thời kỳ Khai Sáng, cùng thời với các nhà tư tưởng lớn của Pháp như Voltaire và Rousseau. Ông đã đi nhiều nơi ở Châu Âu trước khi trở về định cư tại Edinburgh cho đến cuối đời. Tác phẩm chính của ông, Khảo luận về Bản chất Con người [17], được xuất bản khi Hume mới 28 tuổi, nhưng ông nói rằng mình đã có ý tưởng về cuốn sách từ hồi 15 tuổi.”

“Vậy là em không còn thời gian để mà phí phạm nữa.”

“Em đã bắt đầu rồi còn gì.”

“Nhưng nếu em định xác lập triết học của chính mình, nó sẽ rất khác với tất cả những gì em đã nghe từ đầu đến giờ.”

“Liệu còn thiếu cái gì đó chăng?”

“Trước hết, tất cả các triết gia mà thầy đã nói đến đều là đàn ông. Và có vẻ như đàn ông sống trong một thế giới riêng của họ. Em quan tâm đến thế giới thực hơn, nơi có hoa cỏ, chim muông, nơi trẻ em sinh ra và lớn lên. Các nhà triết học của thầy lúc nào cũng nói về “người [18]” và “con người”, bây giờ lại thêm một bài luận về “bản chất con người”. Cứ như thể cái “con người” này là một ông trung niên ấy. Ý em là cuộc sống bắt đầu với việc mang thai và sinh nở, thế mà từ đầu đến giờ em chưa thấy cái gì liên quan đến tã lót và trẻ sơ sinh khóc cả. Và hầu như chẳng thấy gì về tình yêu và tình bạn.”

“Em đúng đấy, tất nhiên rồi. Nhưng Hume là một nhà triết học với một cách tư duy khác. Nhiều hơn bất kỳ một nhà triết học nào khác, ông đã lấy cuộc sống hàng ngày làm xuất phát điểm của mình. Thậm chí tôi còn cho rằng Hume suy nghĩ nhiều về cách mà trẻ em - những công dân mới của thế giới - trải nghiệm cuộc sống.”

“Thế thì em nghe vậy.”

“Là một nhà kinh nghiệm chủ nghĩa, ông tự đặt cho mình nhiệm vụ dọn dẹp các khái niệm và các cấu trúc tư tưởng mơ hồ mà các triết gia nam giới trước đó đã tạo ra. Có hàng đống mảnh vụn cũ, cả viết lẫn nói, từ thời Trung Cổ và triết học duy lý thế kỷ XVII. Hume đề xuất sự quay về với kinh nghiệm tự phát của chúng ta về thế giới. Ông nói rằng sẽ không có một nhà triết học nào có khả năng đưa ta tới được những gì ẩn sau các trải nghiệm hàng ngày, hay cho ta các quy tắc ứng xử trái với những gì ta thu được từ những suy nghiệm về cuộc sống hàng ngày.”

“Nghe có vẻ hứa hẹn. Thầy có thể cho em một ví dụ được không ạ?”

“Thời của Hume có nhiều người tin vào sự tồn tại của các thiên thần, nghĩa là những sinh vật hình người có cánh. Em đã bao giờ nhìn thấy một sinh vật dạng này chưa Sophie?”

“Chưa ạ.”

“Nhưng em đã nhìn thấy người rồi đúng không?”

“Thế mà cũng hỏi.”

“Chắc chắn rồi, nhưng không phải ở trên một thân người.”

“Như vậy, theo Hume, “thiên thần” là một ý niệm phức. Nó bao gồm hai kinh nghiệm khác nhau mà thực ra không có liên quan với nhau, nhưng lại được liên hệ với nhau trong trí tưởng tượng của con người. Nói cách khác, đó là một ý niệm sai và phải bị loại bỏ ngay tức khắc. Chúng ta phải dọn dẹp các tư tưởng và ý niệm của mình, và dọn cả bộ sưu tập sách của chúng ta cũng theo cách đó. Hume diễn đạt như thế này: Nếu ta cầm trên tay một cuốn sách… hãy hỏi “Nó có chứa lý luận trừu tượng liên quan đến định lượng hay số lượng không?” Không. “Nó có chứa lập luận nào xây dựng trên kinh nghiệm liên quan đến sự thật và sự tồn tại không?” Không. Thế thì ném nó vào lửa, vì nó chẳng có chứa gì ngoài ngụy biện và ảo tưởng.”

“Quyết liệt thật!”

“Còn thế giới vẫn tồn tại, tươi mới và rõ nét hơn bao giờ hết. Hume muốn biết một đứa trẻ trải nghiệm thế giới như thế nào. Chẳng phải em đã nói rằng phần lớn các triết gia em đã được nghe đều sống trong thế giới của riêng mình và rằng em quan tâm đến thế giới thực hơn?”

“Đại loại như vậy.”

“Hume có thể cũng đã nói y như vậy. Nhưng chúng ta hãy theo sát dòng suy tưởng của ông hơn nữa.”

“Em nhất trí.”

“Hume bắt đầu với việc chỉ ra rằng con người có hai loại tri giác khác nhau, đó là các ấn tượng và các ý niệm. “Ấn tượng" là cảm giác tức thời về thực tại bên ngoài. “Ý niệm là hồi ức về các ấn tượng đó.”

“Thầy cho ví dụ đi ạ.”

“Nếu em bị bỏng vì đụng phải bếp lò nóng, em nhận được một “ấn tượng” tức thời. Sau đó, em nhớ lại chuyện phải bỏng. Khi được hồi tưởng, ấn tượng đó thành cái mà Hume gọi là một “ý niệm”. Sự khác biệt là ở chỗ một ấn tượng mạnh mẽ hơn và sống động hơn ký ức về ấn tượng đó. Em có thể nói rằng ấn tượng hay cảm giác là nguyên gốc, còn ý niệm hay hồi ức chỉ là một sự mô phỏng nhợt nhạt. Chính ấn tượng là nguyên nhân trực tiếp của các ý niệm lưu trữ trong tâm thức.”

“Đến giờ thì em... vẫn theo được thầy.”

“Hume tiếp tục nhấn mạnh rằng cả ấn tượng và ý niệm đều có thể là đơn hoặc phức. Em chắc còn nhớ quả táo mà ta đã nói đến khi nói về Locke. Kinh nghiệm trực tiếp về một quả táo là ví dụ về một ấn tượng phức.”

“Em xin lỗi vì phải ngắt lời thầy, nhưng chuyện này có thật sự quan trọng đến thế không ạ?”

“Quan trọng? Sao em có thể hỏi như thế được? Ngay cả khi các nhà triết học có thể đã bận tâm đến nhiều vấn đề không thực chất, em cũng không được bỏ cuộc bây giờ khi đang xây dựng một luận cứ. Hume có lẽ cũng đồng ý với Descartes rằng xây dựng một tư tưởng phải bắt đầu ngay từ nền móng là điều thiết yếu.”

“Thôi được, thôi được.”

“Quan điểm của Hume là đôi khi chúng ta tạo nên các ý niệm phức không tương ứng với một đối tượng nào trong thế giới vật chất. Chúng ta vừa nói về các thiên thần. Trước đó, ta đã nhắc đến “voi cá sấu”. Một ví dụ khác là Thi mã, một con ngựa có cánh. Trong tất cả các trường hợp đó, ta đều phải thừa nhận rằng tâm thức đã thực hiện rất giỏi công việc tự cắt dán ra tất cả các ý niệm đó. Mỗi thành phần đều đã từng được thấy, và được đưa vào nhà hát của tâm thức dưới dạng một “ấn tượng” thực. Thực ra tâm thức chẳng phát minh ra cái gì mà chỉ sắp xếp các thứ lại với nhau và tạo nên các “ý niệm” sai.”

“Vâng, em hiểu rồi. Ý đó rất quan trọng.”

“Thế thì được. Hume đã muốn thẩm định từng ý niệm để xem nó có được kết hợp theo một kiểu không tương ứng với thực tại hay không. Ông hỏi: ý niệm này bắt nguồn từ ấn tượng nào? Trước tiên, ông phải tìm xem những “ý niệm đơn” nào tham gia hợp thành một ý niệm phức. Việc này mang lại cho ông một phương pháp phê phán để phân tích các ý niệm của ta, và nhờ đó cho phép ông dọn dẹp lại các tư tưởng và khái niệm của ta.”

“Thầy cho một hai ví dụ được không ạ?”

“Vào thời của Hume, nhiều người có những ý niệm rất rõ ràng về “thiên đường” hay “Tân Jerusalem”. Em còn nhớ Descartes đã ngụ ý rằng các ý niệm có bản chất “rõ ràng và xác thực” có thể là một sự bảo đảm rằng chúng tương ứng với cái gì đó thật sự tồn tại chứ?”

“Em đã nói là em không đãng trí đến thế.”

“Ta thấy rằng khái niệm “thiên đường” của ta bao gồm rất nhiều thành phần. Thiên đường gồm có “cổng ngọc trai”, những “con đường lát vàng”, bao nhiêu là “thiên thần”, v.v… Và chúng ta vẫn chưa chia mọi thứ ra thành các thành phần đơn, vì chính cổng ngọc trai, đường lát vàng và các thiên thần tự nó đều đã là các ý niệm phức. Chỉ khi chúng ta nhận thấy rằng khái niệm thiên đường của ta bao gồm các khái niệm đơn chẳng hạn “ngọc trai”, “cổng”, “vàng”, “hình người màu trắng”, và “cánh”, thì ta mới có thể tự hỏi xem chúng ta đã từng có các “ấn tượng đơn” đó chưa?”

“Chúng ta đã có. Nhưng ta cắt ra và dán tất cả các “ấn tượng đơn” này vào thành một ý niệm.”

“Đó chính là điều mà ta đã làm. Bởi vì cắt và dán chính là hoạt động mà con người chúng ta thực hiện khi hình dung. Nhưng Hume nhấn mạnh rằng mọi thành phần mà ta đưa vào các ý niệm của mình đều đã từng đi vào tâm thức của chúng ta dưới dạng các “ấn tượng đơn”. Một người chưa bao giờ nhìn thấy vàng sẽ không thể tưởng tượng ra những con đường lát vàng.”

“Ông ta thông minh thật. Thế còn chuyện Descartes có một ý niệm rõ ràng và xác thực về Chúa Trời thì sao ạ?”

“Hume cũng có câu trả lời cho việc đó. Giả sử ta hình dung Chúa Trời là một thực thể vô cùng “thông minh, uyên bác, và thiện”. Như vậy, ta có một “ý niệm phức” bao gồm cái gì đó vô cùng thông minh, cái gì đó vô cùng uyên bác, và cái gì đó vô cùng thiện. Nếu ta chưa bao giờ được biết về trí thông minh, sự uyên bác, và cái thiện, chúng ta sẽ không thể có được ý niệm như thế về Chúa Trời. Khái niệm Chúa Trời của ta cũng có thể là “một Người Cha nghiêm khắc nhưng công bằng” - đó là một khái niệm bao gồm “sự nghiêm khắc”, “công bằng”, và “cha”. Hume nhận được nhiều chỉ trích của giới tôn giáo vì ông đã cho rằng các ý niệm của chúng ta về Chúa Trời có liên quan đến những gì ta đã cảm nhận về cha mình khi ta còn nhỏ. Khẳng định đó có ý rằng ý niệm về một người cha đã dẫn tới ý niệm về một “người cha trên trời”.

“Có thể điều đó là đúng, nhưng em chưa bao giờ chấp nhận rằng Chúa nhất thiết phải là một người đàn ông. Đôi khi mẹ em gọi Chúa Trời là “bà Trời” cho cân.”

“Dù sao thì Hume cũng phản đối mọi tư tưởng và ý niệm mà không thể lần ngược được về các tri giác giác quan tương ứng. Ông nói rằng ông muốn “gạt bỏ mọi điều vô nghĩa đã từ lâu thống trị tư duy siêu hình và làm cho nó mang tiếng xấu.”

“Nhưng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, ta vẫn dùng các ý niệm phức mà chẳng tự hỏi xem chúng có đúng đắn hay không. Ví dụ, xét câu hỏi về “cái tôi” hay bản ngã. Đó chính là nền tảng của triết học Descartes. Nó là tri giác rõ ràng và xác thực mà toàn bộ triết học của ông đã được xây dựng lên trên.”

“Em hy vọng Hume không cố phủ nhận rằng em là em. Nếu không thì ông ấy thật là hồ đồ.”

“Sophie! Nếu có điều gì mà tôi muốn em học được từ khóa triết học này, thì đó chính là không được nhảy đến kết luận.”

“Em xin lỗi thầy, thầy nói tiếp đi ạ.”

“Không, em hãy thử dùng phương pháp của Hume để phân tích cảm nhận của em về “bản ngã” của mình xem.”

“Trước hết, em sẽ phải xác định xem bản ngã là một khái niệm đơn hay phức.”

“Kết luận của em là gì?”

“Quả thực em phải thừa nhận là em cảm thấy nó khá là phức tạp. Chẳng hạn, em rất hay thay đổi. Em khó xác định ý kiến về một việc gì đó. Và em có thể vừa thích vừa không thích cùng một người.”

“Nói cách khác, “khái niệm bản ngã” là một “ý niệm phức”.”

“Vâng, vậy chắc là bây giờ em phải nghĩ xem em có có một “ấn tượng phức” tương ứng về bản ngã của mình hay không. Và em cho là có. Thực ra là em luôn luôn có.”

“Chuyện đó có làm em lo ngại không?”

“Em rất hay thay đổi. Hôm nay em không giống với em hồi 4 tuổi. Tính khí của em và cách em nhìn nhận bản thân thay đổi từng phút. Em có thể bất chợt cảm thấy như mình là một “người hoàn toàn mới”.”

“Như vậy, cảm giác về việc sở hữu một bản ngã bất biến là một nhận thức sai. Nhận thức về bản ngã trong thực tế là một chuỗi dài những ấn tượng đơn mà em không bao giờ trải qua trong cùng thời điểm. Theo cách diễn đạt của Hume, nó “chỉ là một tập hợp các tri giác khác nhau, tri giác này nối tiếp tri giác kia với tốc độ cực nhanh mà ta không thể hình dung được, tạo thành một luồng chuyển động liên tục”. Tâm thức là “một kiểu nhà hát, nơi một vài tri giác nối tiếp nhau xuất hiện: qua, lại, lướt đi, và hòa vào trong vô số các tư thế và tình thế”. Hume chỉ ra rằng chúng ta không có “đặc tính cá nhân” ẩn sau các tri giác và cảm giác đến và đi này. Nó chỉ như những hình ảnh trên màn chiếu phim. Chúng thay đổi nhanh đến nỗi ta không ghi nhận rằng phim được làm từ các bức ảnh đơn. Trong thực tế, các bức ảnh này không được kết nối. Bộ phim là một tập hợp của các khoảnh khắc.”

“Chắc là em chịu rồi.”

“Có phải thế nghĩa là em từ bỏ ý niệm về việc sở hữu một bản ngã bất biến?”

“Chắc vậy.”

“Lúc nãy em đã tin vào điều ngược lại. Tôi cần nói thêm rằng phân tích của Hume về tâm thức con người và sự phủ nhận bản ngã bất biến đã được đưa ra trước đó gần 2500 năm ở nửa bên kia của thế giới.”

“Bởi ai vậy?”

“Phật. Cái cách mà hai người xác lập tư tưởng của mình giống nhau một cách kỳ lạ. Phật nhìn cuộc đời là một chuỗi liên tục của các quá trình tinh thần và vật chất, nó giữ người ta trong một trạng thái liên tục biến đổi. Đứa bé sơ sinh không giống khi nó trở thành người trưởng thành; tôi hôm nay khác với tôi hôm qua. Phật nói rằng không có cái gì mà ta có thể nói “nó là của tôi”, và chẳng có cái gì mà ta có thể nó “đây là tôi”. Vậy, không có “tôi” hay bản ngã bất biến.”

“Vâng, rất đúng kiểu Hume.”

“Khi tiếp tục ý niệm về bản ngã bất biến, nhiều nhà duy lý đã mặc nhiên công nhận rằng con người có linh hồn vĩnh cửu.”

“Đó cũng là một tri giác sai ạ?”

“Theo Phật và Hume thì đúng như vậy. Em có biết Phật đã nói gì với các đệ tử của mình trước khi ông qua đời không?”

“Không, làm sao mà em biết được?”

“Có hợp thì tất có tan, có sinh thì tất có diệt. Đừng bao giờ quên siêng năng tinh tiến để giải thoát vọng nghiệp”. Hume chắc cũng có thể nói tương tự như vậy. Hay Democritus nữa. Từ tất cả các sự kiện, ta thấy rằng Hume loại bỏ mọi cố gắng chứng minh sự bất tử của linh hồn hay sự tồn tại của Chúa. Điều đó không có nghĩa rằng ông loại trừ một khả năng nào trong đó, mà theo ông, việc chứng minh đức tin tôn giáo bằng lý luận của con người là một trò lừa duy lý. Hume không cần phải là một tín đồ Đạo Ki-tô, ông cũng chẳng phải một người vô thần cố chấp. Ông thuộc kiểu mà ta gọi là người theo thuyết bất khả tri.”

“Nghĩa là gì ạ?”

“Người theo thuyết bất khả tri là người khẳng định rằng không thể chứng minh hay phản chứng được sự tồn tại của Chúa Trời hay thần thánh. Khi Hume hấp hối, một người bạn hỏi ông có tin vào cuộc sống sau cái chết hay không. Người ta kể là ông đã trả lời rằng:

“Cũng có thể có một viên than đặt trên ngọn lửa và không bắt lửa.”

“Em hiểu rồi.”

“Câu trả lời này điển hình cho sự sẵn sàng tiếp thu cái mới một cách vô điều kiện của ông. Ông chỉ chấp nhận những gì ông tri giác được bằng các giác quan của mình, và để ngỏ tất cả các khả năng khác. Ông không phủ nhận đức tin vào Ki-tô hay đức tin vào các phép màu. Nhưng cả hai đều là đức tin mà không phải tri thức hay lý luận. Em có thể nói rằng, với triết học Hume, mối liên kết cuối cùng giữa đức tin và tri thức đã bị phá vỡ.”

“Thầy nói là ông ấy không phủ nhận rằng phép màu có thể xảy ra?”

“Điều đó không có nghĩa ông tin vào chúng, điều ngược lại còn có khả năng hơn. Ông đã nêu lên một thực tế rằng mọi người có vẻ có một nhu cầu rất lớn về những cái mà ngày nay ta gọi là hiện tượng “siêu nhiên”. Vấn đề là ở chỗ tất cả những phép màu mà ta nghe thấy đều đã xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó, và từ lâu lắm rồi. Thực ra, Hume chỉ loại bỏ phép mầu vì ông chưa bao giờ chứng kiến chúng. Nhưng ông cũng chưa từng chứng kiến rằng chúng không thể xảy ra.”

“Thầy sẽ phải giải thích thêm về ý đó.”

“Theo Hume, phép mầu không tuân theo các quy luật tự nhiên. Nhưng khẳng định rằng chúng ta đã chứng kiến các quy luật tự nhiên là vô nghĩa. Ta đã chứng kiến một hòn đá rơi xuống đất khi ta thả nó, và nếu nó không rơi… à, thế thì ta chứng kiến hiện tượng đó.”

“Em sẽ gọi đó là một phép màu, hay cái gì đó siêu nhiên.”

“Vậy, em tin rằng có hai tự nhiên, một “tự nhiên” và một “siêu tự nhiên”. Không phải em đang trên đường quay lại trò lừa duy lý đấy sao?”

“Có thể, nhưng em vẫn tin rằng hòn đá sẽ rơi xuống đất mỗi khi em thả nó.”

“Tại sao?”

“Thầy quá đáng thật!”

“Tôi không quá đáng đâu, Sophie. Với một nhà triết học, đặt câu hỏi không bao giờ là việc làm sai. Có lẽ chúng ta đang tiến đến gần điểm then chốt của triết học Hume. Hãy nói xem vì sao em có thể chắc chắn đến vậy rằng hòn đá sẽ luôn luôn rơi xuống đất.”

“Em đã thấy chuyện đó xảy ra nhiều lần đến mức em hoàn toàn chắc chắn là nó sẽ lại xảy ra như thế.”

“Hume chắc sẽ nói rằng em đã nhiều lần chứng kiến hòn đá rơi xuống đất. Nhưng em chưa bao giờ chứng kiến rằng nó luôn rơi. Người ta thường nói rằng đá rơi xuống đất do luật trọng trường. Nhưng chúng ta chưa bao giờ chứng kiến định luật đó. Chúng ta chỉ chứng kiến các vật rơi.”

“Hai chuyện đó không hoàn toàn giống nhau sao?”

“Không hoàn toàn. Em nói em tin rằng hòn đá sẽ rơi xuống đất vì em đã nhìn thấy việc đó xảy ra nhiều lần. Đó chính là điểm mấu chốt của Hume. Em đã quen với chuyện sự việc này nối tiếp sự việc khác đến mức mỗi lần em thả hòn đá, em đều chờ đợi cùng một kết quả sẽ xảy ra. Khái niệm mà ta gọi là “những quy luật không thể phá vỡ thiên nhiên” đã sinh ra theo cách đó.”

“Có thực là ông ấy có ý rằng cũng có thể là một hòn đá khi được thả sẽ không rơi?”

“Ông ta có lẽ cũng tin tưởng chẳng kém gì em rằng nó sẽ rơi mỗi khi được thả. Nhưng ông nhấn mạnh rằng ông chưa được chứng kiến tại sao chuyện đó xảy ra.”

“Bây giờ thì chúng ta lại đi xa khỏi trẻ em và hoa cỏ rồi!”

“Không, ngược lại. Em tha hồ lấy trẻ em ra để kiểm nghiệm Hume. Em cho là ai sẽ ngạc nhiên hơn khi nếu hòn đá lửng lơ bồng bềnh trong vòng một hai tiếng, em hay là một đứa bé một tuổi?”

“Chắc là em.”

“Tại sao?”

“Vì em hiểu rõ hơn em bé chuyện đó bất thường đến thế nào.”

“Và tại sao em bé lại không cho rằng chuyện đó không tự nhiên?”

“Vì nó chưa biết thiên nhiên hành xử như thế nào.”

“Hoặc có lẽ do thiên nhiên chưa trở thành một thói quen chăng?”

“Em hiểu ý thầy rồi. Hume muốn mọi người gọt sắc khả năng nhận thức của mình.”

“Thế thì câu hỏi tiếp theo: giả sử em và một đứa bé đi xem ảo thuật, nơi người ta làm cho các đồ vật bay lơ lửng trong không khí. Trong hai em, ai sẽ thấy vui nhất?”

“Chắc là em.”

“Tại sao?”

“Vì em biết chuyện đó là không thể được.”

“Vậy là… đối với đứa bé, nhìn thấy các quy luật tự nhiên bị chối bỏ khi bé còn chưa biết về chúng thì chẳng có gì là hay cả.”

“Chắc thế.”

“Và chúng ta vẫn đang ở điểm then chốt của triết học kinh nghiệm Hume. Ông chắc sẽ nói thêm rằng đứa trẻ chưa trở thành nô lệ của kỳ vọng về những chuyện thường nhật; vậy trong hai người, đứa bé có cái nhìn cởi mở hơn. Tôi tự hỏi không biết có phải đứa bé cũng là nhà triết học lớn hơn hay không? Bé đến với cuộc đời với tuyệt nhiên không một chút thành kiến. Và đó, Sophie thân mến, chính là phẩm chất nổi bật nhất của một nhà triết học. Đứa bé nhận thức thế giới như nó vốn có, không thêm thắt bất cứ thứ gì ngoài những gì bé trải nghiệm.”

“Mỗi lần định kiến, em có cảm giác tồi tệ.”

“Khi Hume bàn về sức mạnh của thói quen, ông tập trung vào “luật nhân quả”. Quy luật này nói rằng mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân. Hume dùng hai viên bi-a làm ví dụ. Nếu em lăn viên đen đập vào viên trắng đang đứng yên, viên trắng sẽ thế nào?”

“Tại sao?”

“Vì nó bị viên đen đập vào.”

“Như vậy, ta thường nói rằng va chạm của viên đen là nguyên nhân của sự kiện viên trắng bắt đầu lăn. Nhưng hãy nhớ là ta chỉ có thể nói về những gì ta thực sự chứng kiến.”

“Em quả thực đã chứng kiến chuyện này rất nhiều lần. Nhà Joanna có ban bi-a dưới tầng hầm.”

“Hume sẽ nói điều duy nhất mà em đã thấy là viên trắng bắt đầu lăn. Em chưa chứng kiến nguyên nhân thực sự của việc nó bắt đầu lăn. Em đã chứng kiến một hiện tượng xảy ra sau một hiện tượng khác, nhưng chưa chứng kiến rằng hiện tượng sau xảy ra là do hiện tượng trước.”

“Chẳng phải như vậy là chẻ sợi tóc làm tư?”

“Không, điều này rất trọng tâm! Hume nhấn mạnh rằng sự kỳ vọng một sự kiện nối tiếp một sự kiện khác không nằm trong chính các sự kiện đó, mà nằm trong tâm thức của chúng ta. Và như ta đã thấy, sự kỳ vọng có liên quan đến thói quen. Quay trở lại với em bé, nó sẽ không tròn mắt ngạc nhiên khi một viên bi-a đập vào một viên bi-a khác và cả hai đứng yên hoàn toàn. Khi ta nói về các “quy luật tự nhiên” hay về “nguyên nhân và kết quả”, thực ra ta đang nói về những gì ta kỳ vọng chứ không phải một cái gì đó “hợp lý”. Các quy luật tự nhiên không hợp lý và cũng chẳng bất hợp lý, chúng chỉ đơn giản là như vậy. Do vậy, việc kỳ vọng viên bi trắng sẽ lăn khi nó bị viên bi đen đập phải không phải là bẩm sinh. Chúng ta không được sinh ra với một tập các kỳ vọng về chuyện thế giới ra sao, các sự vật trong thế giới hành xử như thế nào. Thế giới giống như nó vốn có, và đó là cái mà ta tìm hiểu được.”

“Em bắt đầu cảm thấy như mình đang lệch hướng lần nữa.”

“… nếu không phải các kỳ vọng của ta làm ta nhảy đến kết luận. Hume không phủ nhận sự tồn tại của các “quy luật tự nhiên không thể phá vỡ”. Trái lại, ông cho rằng chính vì chúng ta không thể chứng kiến các quy luật tự nhiên nên chúng ta có thể dễ dàng đi đến các kết luận sai lầm.”

“Thí dụ?”

“Thế này, tôi nhìn thấy một đàn ngựa đen, điều đó không có nghĩa là tất cả các con ngựa đều màu đen.”

“Dĩ nhiên là không.”

“Và mặc dù cả đời tôi chỉ nhìn thấy quạ đen, điều đó không có nghĩa là không có một con quạ trắng nào cả. Đối với cả các nhà triết học lẫn các nhà khoa học, điều quan trọng là không được loại bỏ khả năng tìm thấy một con quạ trắng. Em gần như có thể nói rằng việc săn tìm “con quạ trắng” chính là nhiệm vụ chính yếu của khoa học.”

“Vâng, em hiểu rồi.”

“Đối với câu hỏi về nguyên nhân và kết quả, có thể có nhiều người hình dung chớp là nguyên nhân của sấm vì tiếng sấm xuất hiện sau ánh chớp. Ví dụ này thực sự không khác với ví dụ về các viên bi-a là mấy. Nhưng chớp có phải là nguyên nhân của sấm không?”

“Không hẳn, vì thực ra chúng xảy ra cùng lúc.”

“Cả sấm và chớp đều là do một cuộc phóng điện. Như vậy, trong thực tế, một nhân tố thứ ba là nguyên nhân của cả hai.”

“Đúng vậy.”

“Bertrand Russell, một nhà kinh nghiệm chủ nghĩa của thế kỷ chúng ta, đã đưa ra một ví dụ ấn tượng hơn. Một con gà thấy rằng hàng ngày nó được cho ăn khi bà chủ trại vào sân nuôi gà. Cuối cùng, nó sẽ đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ nhân quả giữa việc bà chủ vào sân gà và việc nhận thức ăn được đổ vào máng.”

“Nhưng một hôm con gà không được cho ăn?”

“Không, một hôm bà chủ trại đến và vặn cổ con gà.”

“Eo! Kinh quá!”

“Do đó, thực ra việc một sự kiện nối tiếp một sự kiện khác không nhất thiết có nghĩa là giữa chúng có một mối quan hệ nhân quả. Một trong những mối quan tâm chính của triết học là cảnh báo mọi người đừng nên nhảy đến kết luận. Trong thực tế, nó có thể dẫn đến nhiều dạng khác nhau của mê tín dị đoan.”

“Như thế nào ạ?”

“Em thấy một con mèo đen chạy qua phố. Rồi hôm đó em bị ngã gãy tay. Nhưng điều đó không có nghĩa tồn tại một mối quan hệ nhân quả giữa hai sự kiện. Trong khoa học, một điều đặc biệt quan trọng là không nên vội nhảy đến kết luận. Ví dụ, việc có nhiều người khỏi bệnh sau khi uống một loại thuốc nào đó không có nghĩa là chính loại thuốc đó đã chữa khỏi cho họ. Đó là lý do cần phải có một nhóm lớn các bệnh nhân tin rằng họ cũng được uống cùng loại thuốc đó, nhưng thực chất chỉ được cho dùng nước và bột mì. Nếu những bệnh nhân này cũng khỏi bệnh thì phải có một nhân tố thứ ba chẳng hạn niềm tin rằng loại thuốc đó hiệu nghiệm đã chữa khỏi cho họ.”

“Em nghĩ là em bắt đầu hiểu chủ nghĩa kinh nghiệm là gì.”

“Hume còn phản bác lại tư tưởng duy lý trong lĩnh vực luân lý. Các nhà duy lý đã luôn khẳng định rằng khả năng phân biệt đúng sai là sẵn có trong lý tính con người. Ta đã gặp tư tưởng về cái gọi là lẽ phải tự nhiên từ nhiều triết gia từ Socrates đến Locke. Nhưng theo Hume, không phải lý tính quyết định những gì ta nói và làm.”

“Thế thì cái gì ạ?”

“Đó là cảm tính của ta. Nếu em quyết định giúp một người đang cần được giúp đỡ, em làm điều đó vì tình cảm của em chứ không phải lý tính.”

“Thế nếu em chẳng buồn giúp?”

“Cả đó cũng là vấn đề cảm tính. Việc không giúp đỡ người khác không hợp lý cũng chẳng bất hợp lý, nhưng nó có thể là tàn nhẫn.”

“Nhưng phải có một giới hạn nào đó chứ. Ai cũng hiểu giết người là sai.”

“Theo Hume, ai cũng nhạy cảm với chất lượng cuộc sống của người khác. Như vậy, chúng ta đều có một khả năng trắc ẩn. Nhưng chuyện này chẳng liên quan đến lý tính.”

“Em không rõ là có thể đồng ý được không.”

“Sophie à, việc loại bỏ một người khác không phải lúc nào cũng là ngu xuẩn. Đó thực ra có thể là một ý tưởng khá hay nếu em muốn đạt được điều này hay điều khác.”

“Ấy ấy! Gượm hẵng! Em phản đối!”

“Có lẽ em hãy thử giải thích tại sao không nên giết một người hay gây rắc rối?”

“Người đó cũng muốn sống. Vì thế ta không nên giết họ.”

“Đó có phải là một luận cứ logic không?”

“Em không biết.”

“Việc em vừa làm là rút ra kết luận từ một câu tả - “Người đó cũng muốn sống” - đến một câu định chuẩn: “Vì thế ta không nên giết họ”. Từ quan điểm lý tính, đây là một việc vô nghĩa. Vì ta cũng có thể nói rằng “Có nhiều người trốn thuế, cho nên tôi cũng nên trốn thuế”. Hume nói rằng, ta không thể rút ra kết luận từ một câu tả để tạo ra một câu định chuẩn “nên”. Thế nhưng chuyện này lại cực kỳ thông dụng, đặc biệt trên báo chí, trong các cương lĩnh chính trị và các bài phát biểu. Em có muốn một vài ví dụ không?”

“Có ạ.”

“Ngày càng có nhiều người đi máy bay, cho nên ta cần xây dựng thêm sân bay”. Em có thấy kết luận đó đúng không?”

“Không, thật bậy bạ! Người ta phải nghĩ đến môi trường nữa chứ. Em nghĩ là thay vào đó ta nên xây thêm đường sắt thì hơn.”

“Hay người ta nói rằng: Phát triển thêm các mỏ dầu mới sẽ tăng mức sống của nhân dân thêm 10%. Do đó, ta cần xây dựng thêm các mỏ dầu mới càng nhanh càng tốt.”

“Chắc chắn là không. Ta cũng phải nghĩ đến môi trường. Hơn nữa, dù sao thì mức sống ở Na Uy cũng đã đủ cao rồi.”

“Đôi khi người ta nói rằng “Điều luật này đã được Nghị viện thông qua, do đó mọi công dân phải chấp hành”. Nhưng nhiều khi, việc tuân thủ các điều luật đó lại đi ngược lại với ước muốn sâu xa của dân chúng.”

“Vâng, em hiểu điều đó.”

“Như vậy, ta đã thiết lập rằng người ta không thể dùng lý tính làm thước đo cho hành động của mình. Hành động một cách có trách nhiệm không phải là chuyện tăng cường sức mạnh cho lý tính mà là vấn đề làm sâu sắc hơn tình cảm của ta đối với cuộc sống của người khác. Hume đã nói rằng, lý tính không mâu thuẫn với việc thà để cho cả thế giới bị hủy diệt còn hơn mình bị xước ngón tay.”

“Thật là một khẳng định dựng tóc gáy.”

“Nó còn dựng tóc gáy hơn nếu em thử tráo bài. Em biết là Phát xít Đức đã giết hàng triệu người Do Thái. Em sẽ nói rằng lý tính của bọn Phát xít có vấn đề, hay em sẽ bảo rằng cuộc sống tình cảm của những người này không bình thường?”

“Chắc chắn có cái gì không ổn trong cảm xúc của họ.”

“Nhiều tên trong số chúng có đầu óc cực kỳ tỉnh táo và nhạy bén. Ta thường gặp những tính toán lạnh băng đằng sau những quyết định nhẫn tâm nhất. Sau chiến tranh, nhiều tên Phát xít đã bị kết tội, nhưng chúng không bị kết tội vì đã “bất hợp lý”. Chúng bị kết tội vì đã là những tên giết người khủng khiếp. Có thể xảy ra các trường hợp những người không có đầu óc tỉnh táo được miễn chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của mình”. Chưa từng có ai được miễn tội vì đã không có tình cảm.”

“Em hy vọng là không.”

“Nhưng ta không cần dùng mãi những ví dụ kinh khủng. Nếu một nạn lụt làm hàng triệu người mất nhà ở, chính cảm tính của ta quyết định xem ta có đến giúp hay không. Nếu nhẫn tâm, ta có thể để mặc mọi thứ cho “lý tính lạnh lùng”, ta có thể nghĩ rằng thực ra trong một thế giới đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ dân số, chuyện hàng triệu người chết là đúng trật tự.”

“Thầy thậm chí có thể nghĩ như thế à! Thầy đang làm em phát điên lên được!”

“Và lưu ý rằng không phải lý tính của em đang tức tối.”

“Thôi được, em hiểu rồi.”