Thế giới của Sophie

Chương 17: Thời Phục Hưng

…hỡi dòng dõi thần thánh trong vỏ bọc trần tục…

Vừa đúng mười hai giờ thì Sophie về đến cổng nhà Joanna, mệt đứt hơi vì chạy. Joanna đang đứng trong mảnh vườn trước nhà.

“Cậu đã đi năm tiếng liền!” Joanna rít lên qua kẽ răng.

Sophie lắc đầu.

“Không, tớ đã đi hơn một nghìn năm.”

“Cậu đã ở chỗ quái quỉ nào vậy? Điên thật! Mẹ cậu gọi điện đến cách đây nửa tiếng.”

“Cậu đã nói gì?”

“Tớ bảo là cậu đang ra hiệu thuốc. Mẹ cậu bảo cậu khi nào về thì gọi điện. Nhưng giá mà cậu chứng kiến lúc bố mẹ tớ mang socola nóng và bánh mì vào phòng lúc mười giờ… và giường cậu trống không.”

“Cậu đã nói với bố mẹ như thế nào?”

“Khá là xấu hổ. Tớ bảo là cậu đã về nhà vì mình vừa cãi nhau to.”

“Thế thì mình nên nhanh chóng làm lành thôi. Và mình phải đảm bảo là bố mẹ cậu sẽ không gặp mẹ tớ trong vài ngày. Cậu có nghĩ là mình có thể làm được chuyện đó không?”

Joanna nhún vai. Ngay lúc đó, bố cô từ góc vườn đi tới, ông kéo theo một chiếc xe cút kít. Ông mặc một bộ quần áo bảo hộ và đang dọn dẹp cành lá rụng từ năm ngoái.

“À ha, hai đứa đã làm lành rồi, bố biết mà. Chà, không còn một cái lá rụng trước bậc thềm tầng hầm nữa.”

“Tốt quá”, Sophie nói. “Vậy có lẽ chúng cháu có thể uống socola nóng ở đó thay vì uống trên giường”.

Bố Joanna cố gắng phá lên cười, nhưng Joanna thì há hốc mồm. Trong gia đình Sophie, chuyện đối đáp bao giờ cũng thoải mái hơn là trong căn nhà khá giả hơn của vợ chồng ngài cố vấn tài chính Ingebrighten.

“Tớ xin lỗi, Joanna, nhưng tớ cảm thấy tớ cũng nên góp phần vào vụ che giấu lúc trước”.

“Cậu có định kể cho tớ không đấy?”

“Chắc chắn rồi, nếu cậu về nhà cùng tớ. Bởi vì chuyện này sẽ không lọt tai cố vấn tài chính hay búp bê Barbi quá cỡ đâu”.

“Thật là quá quắt! Chắc cậu cho là cái kiểu vợ chồng chông chênh đến nỗi một người phải đi biệt tận ngoài biển là khá hơn à?”

“Chắc là không. Nhưng đêm qua hầu như tớ thức trắng. Và còn chuyện này nữa, tớ bắt đầu tự hỏi không hiểu Hilde có thể thấy hết mọi chuyện bọn mình làm hay không”.

Họ bắt đầu đi về phía phố Cỏ Ba Lá.

“Ý cậu là Hilde có thể có khả năng ngoại cảm?”

“Có thể có, có thể không.”

Rõ ràng Joanna không hứng thú gì về tất cả những chuyện bí mật này.

“Nhưng điều đó không thể giải thích được tại sao bố của cô ta lại gửi một đống bưu ảnh điên rồ đến một cái nhà hoang trong rừng.”

“Tớ công nhận đó là một điểm yếu.”

“Cậu có muốn kể xem cậu đã đi đâu không?”

Thế là Sophie kể cho bạn về mọi chuyện, kể cả khóa triết học kỳ lạ. Cô bắt Joanna hứa sẽ giữ bí mật mọi chuyện.

Họ bước đi yên lặng một lúc lâu. Khi đến gần phố Cỏ Ba Lá, Joanna nói, “Tớ không thích chuyện này tí nào.”

Cô dừng lại trước cổng nhà Sophie rồi quay lại để trở về nhà mình.

“Chẳng ai yêu cầu cậu thích nó cả. Nhưng triết học không phải là một trò chơi vô hại trong bữa tiệc. Đó là vấn đề chúng ta là ai và chúng ta từ đâu ra. Cậu có cho là ở trường mình đã được học đủ về chuyện đó không?”

“Đằng nào thì cũng không có ai trả lời được những câu hỏi kiểu đó.”

“Phải, nhưng chúng mình thậm chí còn không biết đường hỏi cơ!”

Khi Sophie vào bếp thì bữa trưa đã bày sẵn trên bàn. Không ai nhắc đến chuyện cô đã không gọi điện từ nhà Joanna.

Sau bữa trưa, Sophie tuyên bố sẽ đi ngủ trưa. Cô thú nhận là đêm hôm trước ở nhà Joanna hầu như không ngủ được mấy. Khi đến ngủ nhà bạn, chuyện đó chẳng bất bình thường chút nào.

Trước khi lên giường, cô đến đứng trước cái gương đồng lớn giờ đã được treo trên tường trong phòng ngủ. Đầu tiên, cô chỉ nhìn thấy khuôn mặt trắng bệch mệt mỏi của mình. Nhưng sau đó, cô thấy sau khuôn mặt mình, một khuôn mặt khác mờ mờ hiện ra. Sophie hít thở sâu một vài nhịp. Nhìn thấy ảo ảnh thì chẳng hay ho gì.

Cô ngắm nhìn những nét sắc sảo trên khuôn mặt tái nhợt bao quanh bởi mái tóc bất trị không chịu theo bất kỳ kiểu tóc nào ngoại trừ kiểu tự nhiên của chính nó. Nhưng đằng sau bóng cô lại là ảo ảnh của một cô gái khác. Bất chợt cô gái kia nháy mắt rối rít bằng cả hai mắt, như thể muốn ra hiệu rằng cô ta quả thực ở trong đó, ở phía bên kia. Ảo ảnh chỉ kéo dài một vài giây rồi biến mất.

Sophie ngồi phịch xuống mép giường. Không nghi ngờ gì nữa, cô vừa nhìn thấy Hilde trong gương. Cô đã nhìn thoáng qua ảnh của Hilde trên tấm thẻ sinh viên ở nhà ông thiếu tá. Chắc chắn đó chính là cô gái mà cô vừa thấy trong gương.

Thật kỳ lạ, cô toàn thấy những điều bí hiểm kiểu này khi đang mệt chết đi được. Có nghĩa là sau đó cô luôn phải tự hỏi xem có phải nó đã thực sự xảy ra hay không.

Sophie vắt quần áo lên thành ghế rồi chui vào giường. Cô ngủ thiếp ngay và mơ một giấc mơ sinh động và rõ nét một cách kỳ lạ.

Cô mơ thấy mình đang đứng trong một khu vường rộng thoai thoải xuôi xuống một ngôi nhà thuyền màu đỏ. Trên cầu tàu phía sau ngôi nhà có một cô gái trẻ tóc vàng đang ngồi nhìn xa xăm về phía biển. Sophie đến ngồi bên cạnh. Nhưng cô bé có vẻ không nhận thấy sự có mặt của cô. Sophie tự giới thiệu. “Tớ là Sophie,” cô nói. Nhưng cô bé kia có vẻ chẳng nhìn thấy hay nghe thấy cô. Sophie chợt nghe thấy một tiếng gọi, “Hilde!” Ngay lập tức cô bé bật dậy và chạy thật lực về phía ngôi nhà. Rõ ràng cô ấy không điếc cũng chẳng mù. Một người đàn ông trung niên từ phía sau ngôi nhà sải bước về phía cô. Ông mặc một bộ quân phục kaki và đội mũ nồi xanh. Cô bé quàng tay qua cổ ông và đu vài vòng. Sophie nhìn thấy một sợi dây chuyền nhỏ bằng vàng gắn thánh giá trên cầu nơi cô bé đã ngồi. Cô nhặt lên và giữ nó trong tay. Rồi cô tỉnh giấc.

Sophie nhìn đồng hồ. Cô đã ngủ được hai tiếng. Cô ngồi dậy, suy nghĩ về giấc mơ kỳ lạ. Nó thật đến mức cô cảm thấy như thể mình đã thực sự chứng kiến. Cô cũng cảm thấy chắc chắn không kém rằng ngôi nhà và cái cầu tàu đó thực sự tồn tại ở đâu đó. Rõ ràng nó rất giống bức tranh trên tường nhà ông thiếu tá mà cô đã nhìn thấy. Dù sao thì cũng không nghi ngờ gì, cô bé trong giấc mơ chính là Hidle Moller Knag và người đàn ông đó là bố cô, vừa từ Lebanon trở về nhà. Trong giấc mơ, ông ta trông khá giống Alberto Knox…

Khi Sophie đứng dậy và bắt đầu dọn giường, cô tìm thấy một sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá ở dưới gối. Mặt sau thánh giá khắc ba chữ: HMK.

Đây không phải lần đầu tiên Sophie nằm mơ nhặt được một vật quý. Nhưng chắc chắn đây là lần đầu tiên cô đem nó về từ trong mơ.

“Chết tiệt!” cô kêu lên thành tiếng.

Sophie bực tức đến nỗi cô mở tủ và quăng mạnh sợi dây chuyền mỏng manh lên ngăn trên cùng, cùng với chiếc khăn lụa, chiếc tất trắng và những tấm bưu ảnh từ Lebanon.

Sáng hôm sau, Sophie tỉnh dậy với một bữa sáng thịnh soạn: bánh mì nóng, nước cam, trứng, và rau trộn. Chẳng mấy khi sáng Chủ nhật mà mẹ lại dậy sớm hơn Sophie. Khi bà dậy sớm hơn, bà thích chuẩn bị cho Sophie một bữa no.

Trong khi ăn, mẹ cô nói: “Có một con chó lạ trong vườn, suốt buổi sáng nó đánh hơi quanh hàng giậu cũ. Mẹ chẳng hiểu nó đang làm gì ở đó, con có đoán được không?

“Có!” Sophie bật reo lên và ngay lập tức cảm thấy hối hận.

“Nó đã từng đến đây rồi à?”

Sophie đã rời bàn ăn và vào phòng khách để nhìn qua cửa sổ ra vườn. Đúng như cô đã nghĩ.

Hermes đang nằm trước lối đi bí mật dẫn vào cái hốc của cô.

Nên nói gì bây giờ? Cô không có đủ thời gian để suy tính trước khi mẹ cô đến đứng cạnh.

“Con bảo rằng nó đã từng đến đây rồi phải không?” bà hỏi.

“Con đoán nó đã chôn một mẩu xương ở đó và bây giờ nó đến tìm lại của quí. Chó cũng có trí nhớ…”

“Chắc là con nói đúng. Con là nhà tâm lý học động vật của nhà mình mà.”

Sophie cuống cuồng suy tính.

“Con sẽ đưa nó về,” cô nói.

“Con biết nó sống ở đâu à?”

Sophie nhún vai.

“Có thể nó có địa chỉ ghi trên cổ dề.”

Vài phút sau, Sophie đã trên đường xuống vườn. Khi Hermes thấy cô, nó lạch bạch chạy tới, vẫy đuôi và nhảy chồm lên mừng cô.

“Ngoan lắm, Hermes!” cô nói.

Cô biết mẹ đang quan sát từ cửa sổ. Cô thầm mong con chó sẽ không chui qua bờ giậu. Con chó chạy về phía lối đi rải sỏi phía trước nhà, phóng qua vườn, và nhảy vọt qua cổng. Khi Sophie đóng cổng lại phía sau, Hermes tiếp tục chạy trước Sophie khoảng chục mét. Đường khá xa. Sophie và Hermes không phải là những kẻ duy nhất đi dạo trong ngày Chủ nhật. Nhiều gia đình kéo cả nhà đi chơi. Sophie chợt cảm thấy ghen tị. Thỉnh thoảng, Hermes chạy sang bên đường hít hít một con chó khác hoặc một cái gì đó thú vị bên giậu vườn, nhưng chỉ cần Sophie gọi “Đây mà, cún!” nó sẽ lập tức quay lại với cô.

Họ đi qua một trại chăn nuôi cũ, một sân bóng lớn, và một sân chơi cho trẻ em, rồi xuyên qua một khu vực có nhiều xe cộ hơn. Họ tiếp tục đi về phía trung tâm thành phố, dọc theo một con phố lớn lát đá và có đường tàu điện. Hermes dẫn cô đi qua quảng trường thành phố và lên phố Nhà Thờ. Ra khỏi quảng trường, họ vào Khu Phố Cổ với những ngôi nhà đồ sộ thâm trầm xây từ đầu thế kỷ. Đã gần 1 giờ rưỡi.

Bây giờ họ đã ở nửa bên kia của thành phố. Sophie không hay đến khu vực này. Cô còn nhớ một lần hồi còn nhỏ, cô đã được đưa đến đây thăm một bà họ hàng sống ở một trong những con phố này.

Cuối cùng, họ đến một quảng trường nhỏ nằm giữa mấy ngôi nhà cổ. Nó được gọi là Quảng trường Mới, mặc dù trông nó rất cổ. Nhưng cả khu phố đều cổ cả, nó đã được đặt nền móng từ tận thời Trung Cổ.

Hermes đi về ngôi nhà số 14 rồi đứng đợi Sophie mở cửa. Trống ngực cô bắt đầu đập nhanh hơn.

Bên trong cửa chính có một loạt hộp thư màu xanh gắn trên một tấm bảng. Sophie thấy một tấm bưu ảnh đang treo lủng lẳng bên ngoài một hộp thư ở hàng trên. Nó đã được người đưa thư đóng dấu ngang với nghĩa rằng không tìm thấy người nhận.

Người nhận là Hilde Moller Knag, 14, Quảng trường Mới. Dấu bưu điện đóng ngày 15 tháng Sáu. Còn 2 tuần nữa mới đến ngày đó, nhưng rõ ràng người đưa thư đã không nhận thấy điều đó.

Sophie gỡ tấm bưu ảnh xuống và đọc:

Hidle yêu quí. Bây giờ Sophie đang đến chỗ nhà triết học. Cô ấy sắp được 15 tuổi, nhưng con đã 15 tuổi từ hôm qua. Hay là hôm nay, Hilde? Nếu là hôm nay thì chắc đã muộn rồi. Đồng hồ của bố con mình không phải lúc nào cũng chạy giống nhau. Một thế hệ già đi trong khi một thế hệ khác tiến lên phía trước. Trong lúc đó, lịch sử đang tiến theo con đường của mình. Con đã bao giờ nghĩ rằng lịch sử của châu Âu cũng giống như cuộc đời một con người chưa? Thời Cổ Đại giống như thời thơ ấu của châu Âu. Tiếp đến là thời Trung Cổ lê thê - thời học sinh của châu Âu. Và cuối cùng đã đến thời Phục Hưng; những ngày cắp sách đến trường dài đằng đẵng đã qua. Châu Âu đến tuổi mà sự phấn chấn và niềm khao khát cuộc sống bừng dậy. Ta có thể nói rằng thời Phục Hưng là sinh nhật lần thứ 15 của châu Âu! Đang là giữa tháng Sáu, con gái ạ. Thật tuyệt vời khi được sống!

T.B. Bố rất tiếc vì con đã đánh mất sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá. Con phải học cách giữ gìn đồ đạc cẩn thận hơn. Yêu con nhiều. Bố - người ở đâu đó quanh đây.

Hermes đã đang leo cầu thang. Sophie theo sau, cầm theo tấm bưu ảnh. Cô phải chạy để theo kịp được con chó, nó vẫy đuôi thích thú. Họ lên tầng hai, tầng ba, tầng bốn. Từ đó chỉ còn cầu thang lên tầng áp mái. Họ đang leo lên mái nhà chăng? Hermes lóng ngóng leo từng bậc thang rồi dừng lại bên ngoài một cánh cửa hẹp và cào cào móng lên cửa.

Sophie nghe tiếng bước chân đến gần từ bên trong. Cửa mở, đứng trước cửa là Alberto Knox. Ông đã đổi quần áo, và giờ đang mặc một bộ phục trang khác: tất trắng, quần ống túm màu đỏ dài đến đầu gối, và áo khoác màu vàng có độn vai. Ông làm Sophie nhớ đến hình ảnh một con joke trong bộ bài tú-lơ-khơ. Nếu cô không nhầm, đây chính là một bộ trang phục điển hình thời Phục Hưng.

“Đúng là hề!” Sophie thốt lên và đẩy nhẹ ông sang bên để lấy đường đi vào trong phòng.

Một lần nữa, cô lại trút bỏ nỗi sợ và sự e ngại lên đầu ông thầy triết học kém may mắn. Tâm trí của Sophie đang rối loạn vì tấm bưu ảnh mà cô tìm được ở dưới tiền sảnh.

“Bình tĩnh nào, bé.” Alberto nói và đóng cửa lại.

“Thầy xem đi này,” Sophie nói khi đưa cho ông tấm bưu ảnh như thể cô cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về nó.

Alberto đọc, rồi lắc đầu.

“Ông ta càng ngày càng trơ tráo. Tôi sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu ông ta đang dùng chúng ta như một loại trò giải trí cho sinh nhật con gái mình.”

Dứt lời, ông xé tấm bưu ảnh thành từng mảnh nhỏ và quẳng vào sọt giấy vụn.

“Trong đó viết rằng Hilde đánh mất sợi dây thánh giá.” Sophie nói.

“Tôi cũng đọc thấy thế.”

“Còn em đã tìm thấy nó, chính sợi dây chuyền đó, ở dưới gối của em ở nhà. Thầy có hiểu làm thế nào mà nó lại ở chỗ đó không?”

Alberto buồn bã nhìn vào mắt cô.

“Nghe có vẻ hay ho lắm! Nhưng đó chỉ là một trò rẻ tiền mà ông ta chẳng tốn chút công sức nào. Chúng ta nên tập trung vào con thỏ trắng bị kéo ra khỏi cái mũ cao vành của vũ trụ thì hơn.”

Họ vào phòng khách. Đó là một trong những căn phòng lạ thường nhất mà cô từng nhìn thấy. Alberto sống trong một căn hộ rộng rãi trên tầng áp mái với những bức tường xiên. Ánh mặt trời từ trên cao rọi thẳng xuống qua cửa trời trên tường và tràn ngập căn phòng. Còn một số cửa khác nhìn về thành phố. Từ đây, Sophie có thể nhìn xuống mọi mái nhà trong Khu Phố Cổ.

Nhưng điều làm Sophie ngạc nhiên nhất là những thứ xếp đầy trong phòng - đồ đạc, vật dụng từ nhiều thời kỳ lịch sử. Có một cái đi văng từ những năm 30, một cái bàn từ hồi đầu thế kỷ, và một cái ghế phải đến hàng trăm năm tuổi. Nhưng không chỉ có bàn ghế cổ. Đồ dùng và đồ trang trí cổ đứng lộn xộn bên nhau trên giá và tủ chén. Đồng hồ và lọ hoa, súng cối và bình cổ cong, dao và búp bê, bút lông và kệ giữ sách, kính bát phân và kính lục phân, com-pa và phong vũ biểu. Cả một bức tường toàn là sách, nhưng không phải là loại thường thấy trong hiệu sách. Đây chính là một bộ sưu tập tiêu biểu của những cuốn sách đã từng được in trong nhiều trăm năm nay. Trên các bức tường khác treo những bức tranh, một số từ vài chục năm gần đây, nhưng phần lớn đều rất cổ. Trên tường còn có nhiều sơ đồ, bản đồ cổ, và chỉ cần xét riêng về Na Uy là đủ thấy chúng không được chính xác lắm.

Sophie đứng lặng mấy phút để ngắm tất cả mọi thứ.

“Thầy đã sưu tập được cả một đống đồ cổ hỗn độn,” Sophie nói.

“Này này! Thử nghĩ xem tôi đã lưu giữ được bao nhiêu thế kỷ của lịch sử trong căn phòng này. Tôi không cho như vậy là hỗn độn.”

“Thầy quản lý một cửa hàng đồ cổ hay gì vậy?”

Alberto lộ vẻ gần như đau khổ.

“Chúng ta không thể để thủy triều của lịch sử cuốn đi tất cả, Sophie à. Ai đó trong chúng ta phải nán lại để thu nhặt những gì còn sót lại dọc theo hai bờ sông.”

“Điều đó nghe thật kỳ quặc.”

“Phải, nhưng nó là sự thật, bé ạ. Ta không chỉ sống trong thời đại chúng ta; ta mang theo mình lịch sử của ta. Đừng quên rằng tất cả những gì em nhìn thấy trong phòng này đã có thời là đồ mới tinh. Con búp bê gỗ từ thế kỷ XVI kia có thể đã được làm để tặng sinh nhật cho một bé gái 5 tuổi. Có lẽ do bà của cô bé tặng… rồi cô trở thành một thiếu nữ, trưởng thành, rồi lấy chồng. Có thể cô cũng có con gái và đã tặng con búp bê cho con mình. Cô già đi, rồi một ngày bà lão qua đời. Tuy bà sống một cuộc đời rất dài, nhưng một ngày kia, bà ra đi và không bao giờ trở lại. Thực ra, bà chỉ ở trần gian trong một thời gian ngắn. Nhưng con búp bê của bà… nó vẫn đang ở trên giá kia.”

“Khi thầy nói như vậy, mọi thứ nghe thật buồn và nghiêm trọng.”

“Cuộc sống là như vậy, buồn và nghiêm túc. Chúng ta được đưa vào một thế giới kỳ diệu, ta gặp nhau, chào nhau, và lang thang cùng nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Rồi chúng ta mất nhau và tan biến cũng bất chợt và vô lý y như khi ta đến.”

“Em hỏi thầy điều này được không ạ?”

“Chúng ta đã thôi chơi trốn tìm rồi.”

“Tại sao thầy lại đến ở trong ngôi nhà của ông thiếu tá?”

“Để chúng ta ở không xa nhau lắm khi chỉ liên lạc qua thư. Tôi biết căn nhà đó không có người ở.”

“Vậy là thầy cứ thế chuyển đến?”

“Đúng, tôi đã chuyển đến đó.”

“Vậy chắc là thầy có thể giải thích được làm thế nào mà bố Hilde biết thầy ở đó.”

“Nếu tôi không nhầm, ông ta biết hầu như tất cả mọi chuyện.”

“Nhưng em vẫn không thể hiểu được thầy đã làm thế nào mà người đưa thư lại mang thư vào tận giữa rừng!”

Alberto ngoác miệng cười.

“Ngay cả những việc như vậy cũng chỉ là trò vặt vãnh đối với cha của Hilde. Trò ảo thuật rẻ tiền, một cái phẩy tay đơn giản. Ta đang sống dưới cái có lẽ là sự giám sát chặt chẽ nhất thế giới.”

Sophie cảm thấy mình đang phát cáu.

“Em mà gặp thì em sẽ móc mắt ông ấy ra!”

Alberto đi về phía cái đi văng và ngồi xuống. Sophie theo sau và ngồi xuống một cái ghế bành sâu lòng.

“Chỉ có triết học mới có thể đưa chúng ta đến gần cha của Hilde hơn.” Cuối cùng, Alberto nói. “Hôm nay tôi sẽ nói với em về thời Phục Hưng.”

“Đạn đã lên nòng… Bắn!”

“Chẳng bao lâu sau thời kỳ thống trị các quan điểm của Thomas Aquinas, những vết rạn nứt bắt đầu hiện ra trong khối thống nhất của văn hóa Ki Tô giáo. Triết học và khoa học ngày càng tách xa thần học của Nhà thờ, điều đó cho phép cuộc sống tôn giáo có được mối quan hệ tự do hơn với lý luận. Thêm nhiều người nhấn mạnh rằng ta không thể đến với Chúa Trời qua chủ nghĩa duy lý vì Chúa là bất khả tri trong mọi khía cạnh. Điều quan trọng đối với một người không phải là hiểu điều huyền diệu thần thánh mà là tuân theo ý Chúa.

“Khi giữa tôn giáo và khoa học có được mối liên hệ tự do hơn, đường đã mở rộng cho cả các phương pháp khoa học mới và một nhiệt tình tôn giáo mới. Đó là nền tảng cho hai biến động mạnh mẽ trong hai thế kỷ XV và XVI: Phục Hưng và Kháng Cách.”

“Từng thứ một thôi thầy.”

“Phong trào Phục Hưng cũng là sự phát triển văn hóa rực rỡ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV. Nó bắt nguồn từ Bắc Ý và nhanh chóng lan rộng lên phía bắc trong các thế kỷ XV và XVI.”

“Chẳng phải thầy đã nói rằng “phục hưng” có nghĩa là sự tái sinh?”

“Đúng vậy, và cái được tái sinh là nghệ thuật và văn hóa cổ đại. Ta cũng nói về chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng kể từ thời điểm này. Sau thời đại Đen Tối khi mọi khía cạnh của cuộc sống đều được nhìn qua ánh sáng thần thánh, từ đây mọi thứ lại một lần nữa xoay quanh con người. ‘Về nguồn’ là khẩu hiệu, và ý nghĩa đầu tiên, quan trọng nhất của nó chính là chủ nghĩa nhân văn thời Cổ Đại.”

“Đào bới tượng và sách cổ đã gần như trở thành niềm ham mê của đại chúng, cũng như việc học tiếng Hy Lạp đã trở thành mốt thời thượng. Việc nghiên cứu chủ nghĩa nhân văn đem lại một ‘học vấn cổ điển’ và phát triển cái có thể được gọi là các phẩm chất của con người. Người ta nói ‘ngựa được sinh ra’, nhưng ‘con người không được sinh ra - họ được tạo thành’.”

“Có phải nghĩa là để trở thành con người thì chúng ta phải được giáo dục không ạ?”

“Đúng, chính là tư tưởng đó. Nhưng trước khi xem xét kỹ hơn các tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng, ta phải nói một chút về bối cảnh chính trị và văn hóa của thời Phục Hưng.”

Alberto đứng dậy và bắt đầu đi quanh phòng. Lát sau, ông dừng lại và chỉ về phía một dụng cụ cổ trên giá.

“Đó là cái gì?” ông hỏi.

“Trông nó giống một cái la bàn cổ.”

“Đúng đấy.”

Ông lại chỉ một khẩu súng cổ treo trên tường phía trên cái đi văng.

“Còn cái kia?”

“Một khẩu súng trường kiểu cổ.”

“Chính xác - và cái này?”

Alberto kéo ra một cuốn sách lớn từ trên giá sách.

“Đó là một quyển sách cổ.”

“Chính xác hơn, đây là một incunabulum.”

“Một incunabulum?”

“Thực ra từ đó có nghĩa là ‘cái nôi’. Từ này được dùng để chỉ những cuốn sách được in từ thời công nghệ in ấn còn nằm trong nôi. Đó là trước năm 1500.”

“Có thật quyển sách đó cổ đến thế không?”

“Cổ đến thế đấy. Và ba phát minh này - là bàn, súng, và công nghệ in - là các điều kiện tiên quyết cho thời đại mới mà ta gọi là thời Phục Hưng.”

“Thầy giải thích rõ hơn được không ạ?”

“La bàn giúp việc xác định phương hướng dễ dàng hơn. Nói cách khác, đó là cơ sở cho các cuộc hành trình khám phá vĩ đại trên biển. Súng đạn cũng giúp theo một cách khác. Vũ khí mới đem lại cho quân sự châu Âu sức mạnh vượt trội so với các nền văn hóa châu Mỹ và châu Á, tuy súng đạn cũng là một nhân tố quan trọng tại châu Âu. In ấn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá các tư tưởng mới của các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục Hưng. Và không kém phần quan trọng, nghệ thuật in ấn là một trong những nhân tố buộc Nhà thờ từ bỏ vị trí cũ là nguồn phổ biến kiến thức duy nhất. Các phát minh và công nghệ mới bắt đầu tiếp nối một cách nhanh chóng và đông đảo. Ví dụ, kính viễn vọng là một dụng cụ quan trọng đã tạo nên một cơ sở hoàn toàn mới cho thiên văn học.”

“Và cuối cùng thì tên lửa và tàu vũ trụ xuất hiện.”

“Em đi quá nhanh đấy. Nhưng em có thể nói rằng một quá trình bắt đầu từ thời Phục Hưng cuối cùng đã đưa con người lên Mặt Trăng. Hay đưa đến Hiroshima và Chernobyl cũng đúng. Tuy nhiên, tất cả bắt đầu từ các thay đổi trên mặt trận văn hóa và kinh tế. Có một điều kiện quan trọng là việc chuyển từ một nền kinh tế tự cung tự cấp sang một nền kinh tế tiền tệ. Đến cuối thời Trung Cổ, với việc kinh doanh hiệu quả và nền thương mại sống động với các mặt hàng mới, các thành phố đã phát triển nền kinh tế tiền tệ và ngân hàng. Tầng lớp trung lưu xuất hiện, tạo nên một sự tự do nhất định trong các điều kiện cơ bản của cuộc sống. Các nhu yếu phẩm đã trở nên cái gì đó có thể được mua bằng tiền. Kiểu kinh doanh này đã khuyến khích sự cần cù, trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Các đòi hỏi mới được đặt ra đối với từng cá nhân.”

“Hơi giống với cách phát triển của các thành phố Hy Lạp hai nghìn năm trước.”

“Không phải hoàn toàn không đúng. Tôi đã nói với em về cách các triết gia Hy Lạp đã ra khỏi bức tranh thần thoại về thế giới với mối liên quan đến văn hóa nông dân. Cũng theo cách đó, tầng lớp trung lưu thời Phục Hưng bắt đầu tách ra khỏi các vị chúa phong kiến và quyền lực của nhà thờ. Trong khi điều này xảy ra, văn hóa Hy Lạp được tái phát hiện qua mối liên hệ gần gũi hơn đối với người Arab ở Tây Ban Nha và văn hóa Byzantine ở phía Đông.”

“Ba nhánh sông từ thời Cổ Đại đã hòa vào thành một dòng sông lớn.”

“Em học chăm chú đấy. Đó là một chút về bối cảnh thời Phục Hưng. Bây giờ tôi sẽ nói với em về những tư tưởng mới.”

“Vâng, nhưng em sẽ phải về nhà để ăn tối.”

Alberto lại ngồi xuống đi văng. Ông nhìn Sophie.

“Quan trọng hơn hết, thời Phục Hưng đã tạo ra một cách nhìn mới về con người. Chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng đã đem lại một niềm tin mới vào con người và giá trị của con người, đối nghịch hoàn toàn với sự nhấn mạnh thiên lệch của thời Trung Cổ vào bản chất tội lỗi của con người. Giờ đây, con người được coi là vĩ đại và giá trị vô cùng. Một trong những tên tuổi trung tâm của thời Phục Hưng là Marsilio Ficino, người đã kêu lên: ‘Hãy hiểu chính mình, hỡi dòng dõi thần thánh trong vỏ bọc trần tục.’ Một tên tuổi khác, Pico della Mirandora, đã viết Diễn thuyết về chân giá trị của con người, một điều hẳn đã có thể là chuyện không thể tưởng tượng được trong thời Trung Cổ.

“Trong suốt thời Trung Cổ, Chúa Trời luôn luôn là xuất phát điểm. Còn các nhà nhân văn thời Phục Hưng đã chọn xuất phát điểm tại chính con người.”

“Các triết gia Hy Lạp cũng vậy.”

“Đó chính là lý do tại sao ta nói về sự ‘tái sinh’ của chủ nghĩa nhân văn thời Cổ Đại. Nhưng chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng thậm chí còn tiến xa hơn với đặc trưng là chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta không chỉ là con người, chúng ta còn là những cá nhân độc nhất vô nhị. Tư tưởng này có thể dẫn đến sự tôn sùng cảm hứng một cách gần như không hạn chế. Lý tưởng trở nên cái mà ta gọi là con người Phục Hưng - một con người với cảm hứng vũ trụ, bao quát mọi khía cạnh của cuộc sống, nghệ thuật và khoa học. Cách nhìn mới này về con người cũng thể hiện trong mối quan tâm về giải phẫu học con người. Như thời cổ xưa, người ta lại bắt đầu mổ tử thi để khám phá cấu trúc cơ thể người. Việc này là do nhu cầu khẩn thiết của cả y học và nghệ thuật. Một lần nữa, hình tượng khỏa thân lại trở thành thường gặp trong các tác phẩm nghệ thuật. Đã đến lúc rồi, sau cả ngàn năm làm bộ đoan trang kiểu cách. Con người đã đủ táo bạo để lại là chính mình. Không còn phải xấu hổ về bất cứ thứ gì nữa.”

“Nghe thật lôi cuốn,” Sophie nói, cô tì tay lên chiếc bàn nhỏ chắn giữa cô và nhà triết học.

“Không thể phủ nhận được. Cách nhìn mới về con người đã dẫn tới một quan điểm hoàn toàn mới. Con người tồn tại không chỉ vì Chúa Trời. Do đó, con người có thể tận hưởng cuộc sống ngay trong hiện tại. Với tự do mới để phát triển, các khả năng là vô tận. Mục tiêu bây giờ là vượt qua mọi ranh giới. Đây cũng là một tư tưởng mới nếu nhìn từ chủ nghĩa nhân văn Hy Lạp; các nhà nhân văn thời Cổ Đại đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự yên bình, điều độ và kiềm chế.”

“Và các nhà nhân văn thời Phục Hưng đã đánh mất sự kiềm chế?”

“Chắc chắn họ đã không điều độ cho lắm. Họ cư xử như thể cả thế giới vừa được đánh thức. Họ trở nên ý thức mãnh liệt về kỷ nguyên của mình, từ đó họ đã đưa ra thuật ngữ ‘thời Trung Cổ’ để chỉ các thế kỷ nằm giữa thời Cổ Đại và thời của chính họ. Có một sự phát triển không có đối thủ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nghệ thuật và kiến trúc, văn học và âm nhạc, triết học và khoa học nở rộ chưa từng thấy. Tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể. Ta đã nói về thành Rome cổ, thành phố đã được tôn vinh bằng những danh hiệu như ‘thành phố của các thành phố’ và ‘cái rốn của vũ trụ’. Thời Trung Cổ, thành phố suy tàn, và đến năm 1417, tại thủ phủ này chỉ còn 17.000 cư dân sinh sống.”

“Chẳng đông hơn Lillesand nơi Hilde sống là bao.”

“Các nhà nhân văn Phục Hưng coi việc khôi phục Rome là nghĩa vụ văn hóa của họ. Đầu tiên và quan trọng nhất là công trình xây dựng nhà thờ Thánh Peter vĩ đại lên trên mộ Thánh Tông đồ Peter. Và nhà thờ Thánh Peter không thể khoe khoang về sự điều độ hay kiềm chế. Nhiều nghệ sĩ thời Phục Hưng đã tham gia dự án xây dựng này - dự án lớn nhất thế giới. Nó được khởi công năm 1506 và kéo dài 120 năm, và người ta cần thêm 50 năm nữa để hoàn thành quảng trường Thánh Peter rộng lớn.”

“Đó chắc phải là một nhà thờ khổng lồ!”

“Nó dài hơn 200m và cao hơn 130m, bao phủ một diện tích rộng hơn 16.000m2. Thế là đủ để nói về sự táo bạo của con người thời Phục Hưng. Một điều đáng kể khác là thời Phục Hưng đã mang đến một cách nhìn mới về tự nhiên. Con người coi thế giới là nhà và không coi cuộc sống chỉ là sự chuẩn bị cho đời sau. Thực tế đó đã tạo ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với thế giới vật lý. Giờ đây, thiên nhiên được coi là một sự vật. Nhiều người giữ quan điểm rằng Chúa Trời cũng hiện diện trong sự sáng tạo của Người. Nếu Chúa quả thực là vô tận thì Chúa hẳn phải hiện hữu trong mọi vật. Tư tưởng này được gọi là thuyết phiếm thần. Các triết gia Trung Cổ đã nhất định rằng giữa Chúa và Tạo hóa có một hàng rào không thể vượt qua. Giờ đây, người ta có thể nói rằng thiên nhiên là thiêng liêng thần thánh - và thậm chí rằng đó chính là ‘sự nảy nở sinh sôi của Chúa Trời’. Các tư tưởng thuộc kiểu này không phải lúc nào cũng được nhà thờ nương nhẹ. Số phận của Giordano Bruno là một ví dụ bi thảm. Ông ta không chỉ tuyên bố rằng Chúa Trời hiện hữu trong thiên nhiên mà còn tin rằng phạm vi của vũ trụ là vô tận. Ông đã bị trừng phạt rất nặng nề vì các tư tưởng của mình.”

“Trừng phạt như thế nào?”

Ông ta bị thiêu sống tại chợ hoa của Rome vào năm 1600

“Thật kinh khủng… và ngu xuẩn. Và thầy gọi đó là chủ nghĩa nhân văn à?”

“Không, hoàn toàn không phải như vậy. Bruno là một nhà nhân văn, còn những tên đao phủ của ông thì không. Trong thời Phục Hưng, cái mà ta gọi là phản-nhân-văn cũng phát triển. Ý tôi muốn nói đến quyền lực độc đoán của Chính phủ và Nhà thờ. Trong suốt thời Phục Hưng, có một cơn khát dữ dội đối với việc xử tội phù thủy, đốt tà đạo, ma thuật và mê tín dị đoan, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu - và không kém phần quan trọng là cuộc chinh phục tàn bạo châu Mỹ. Còn chủ nghĩa nhân văn luôn có một mặt tối. Không có một kỷ nguyên nào chỉ toàn thiện hoặc toàn ác. Thiện và ác là hai sợi chỉ đôi xuyên suốt lịch sử nhân loại. Và chúng thường bện vào nhau. Điều này cũng đúng không kém trong pha quan trọng tiếp theo của chúng ta, một phương pháp khoa học mới, một sự đổi mới khác của thời Phục Hưng mà tôi sẽ kể cho em.”

“Có phải đó là khi họ xây những nhà máy đầu tiên?”

“Không, chưa đến đó. Nhưng một điều kiện tiên quyết cho mọi phát triển kỹ thuật xảy ra sau thời Phục Hưng chính là phương pháp khoa học mới này. Tôi muốn nói về một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với khoa học thời đại. Về sau, các thành quả kỹ thuật của phương pháp này mới trở nên rõ ràng.”

“Phương pháp mới đó là gì?”

“Chủ yếu, đó là phương pháp nghiên cứu thiên nhiên bằng tri giác của chính chúng ta. Từ thế kỷ XIV, ngày càng nhiều nhà tư tưởng cảnh báo về lòng tin mù quáng vào các quyền lực cũ, dù đó là giáo lý tôn giáo hay triết học tự nhiên của Aristotle. Cũng xuất hiện khuyến cáo về niềm rin rằng các vấn đề có thể được giải quyết thuần túy bằng suy nghĩ. Trong suốt thời Trung Cổ, người ta đã tin tưởng quá mức vào tầm quan trọng của lý tính. Bây giờ, người ta nói rằng mọi nghiên cứu về các hiện tượng thiên nhiên đều phải được dựa trên quan sát, trải nghiệm, và thí nghiệm. Ta gọi đây là phương pháp thực nghiệm.”

“Nghĩa là gì ạ?”

“Nó chỉ có nghĩa là tri thức của ta về sự vật cần dựa trên cơ sở là trải nghiệm của chính ta, chứ không phải trên những cuốn sách bụi bặm bằng da hay những điều tưởng tượng. Khoa học thực nghiệm đã được biết đến từ thời Cổ Đại, nhưng những thí nghiệm có hệ thống là cái gì đó khá mới mẻ.”

“Chắc là thời đó họ không có những dụng cụ kỹ thuật như ta có ngày nay.”

“Tất nhiên họ không có máy tính điện tử. Nhưng họ có toán học và cân cơ học. Và mọi quan sát khoa học bắt buộc phải được biểu diễn bằng các thuật ngữ toán học chính xác. ‘Đo cái có thể đo, và làm cho cái không thể đo được trở nên đo được’, Galileo Galilei, một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của thế kỷ XVI, đã nói như vậy. Ông còn nói rằng cuốn sách thiên nhiên được viết bằng ngôn ngữ của toán học.”

“Và tất cả những thí nghiệm và đo đạc mới này đã tạo điều kiện cho những phát minh mới.”

“Pha đầu tiên là một phương pháp khoa học mới. Chính nó đã làm cho cuộc cách mạng kỹ thuật trở nên có thể, và từ đó, bước đột phá kỹ thuật đã mở đường cho mọi phát minh. Em có thể nói rằng con người đã bắt đầu thoát ra khỏi điều kiện tự nhiên của mình. Thiên nhiên không còn là cái mà con người chỉ đơn giản là một phần của nó. ‘Tri thức là sức mạnh’, nhà triết học người Anh Francis Bacon đã nói, ông nhấn mạnh giá trị thực tiễn của tri thức - và điều này thì thật sự mới mẻ. Con người bắt đầu can thiệp thật sự vào thiên nhiên và bắt đầu điều khiển nó.”

“Nhưng không chỉ theo hướng tốt?”

“Không, đây là điều tôi đã nhắc đến lúc nãy khi tôi nói về các sợi chỉ thiện và ác luôn luôn bện vào với nhau trong mọi việc chúng ta làm. Cuộc cách mạng kỹ thuật bắt đầu từ thời Phục Hưng đã dẫn đến máy xe sợi nhiều trục và nạn thất nghiệp, đến thuốc men và bệnh tật mới, đến sự tăng năng suất nông nghiệp và sự tàn phá môi trường, đến các đồ gia dụng thuận tiện như máy giặt, tủ lạnh và sự ô nhiễm môi trường cộng với chất thải công nghiệp. Mối đe doạ nghiêm trọng đối với môi trường mà chúng ta đang đối mặt ngày nay làm nhiều người coi chính cuộc cách mạng kỹ thuật là một sự thích nghi yếu kém và đầy hiểm hoạ đối với các điều kiện tự nhiên. Người ta đã chỉ ra rằng chúng ta đã khởi động một quá trình mà ta không còn có thể kiểm soát được nữa. Một số người lạc quan cho rằng chúng ta vẫn đang sống trong thời kỳ trong nôi của công nghệ, rằng tuy em bé khoa học chắc chắn đã gặp một vài khó chịu của thời kỳ mọc răng, nhưng ta sẽ dần dần học cách điều khiển thiên nhiên mà không đồng thời đe doạ chính sự tồn tại của nó và từ đó đe doạ sự sống còn của chính chúng ta.”

“Thầy chọn phe nào?”

“Tôi cho rằng có lẽ cả hai đều có phần đúng. Trong một số lĩnh vực, chúng ta phải ngừng can thiệp vào thiên nhiên, nhưng trong một số lĩnh vực khác, chúng ta có thể thành công. Có một điều chắc chắn: Không thể quay lại thời Trung Cổ. Từ thời Phục Hưng, loài người trở nên không chỉ đơn giản là một phần của tạo hoá. Con người bắt đầu can thiệp vào thiên nhiên và định hình nó theo hình ảnh của chính mình. Thực sự, ‘con người quả là một tác phẩm tuyệt vời!’”

“Chúng ta đã lên Mặt Trăng. Liệu thời Trung Cổ có ai tin rằng điều đó có thể không nhỉ?”

“Không, chắc chắn là không. Điều đó đã đem đến cho ta một cách nhìn mới về thế giới. Trong suốt thời Trung Cổ, mọi người đứng dưới bầu trời ngắm nhìn Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì sao và các hành tinh. Nhưng không ai nghi ngờ về việc Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Không một quan sát nào khơi lên sự nghi ngờ về chuyện Trái Đất đứng yên trong khi các ‘thiên thể’ di chuyển theo quỹ đạo xung quanh nó. Ta gọi đây là bức tranh địa tâm về thế giới, hay nói theo cách khác, niềm tin rằng mọi thứ đều quay quanh Trái Đất. Khi nói rằng Chúa ngựa trị ở trên cao bên trên các thiên thể, đức tin Ki Tô giáo cũng góp phần gìn giữ quan niệm này.”

“Giá mà nó chỉ đơn giản như thế!”

“Nhưng vào năm 1543, một quyển sách nhỏ với tiêu đề Chuyển động tròn của các thiên thể đã được xuất bản. Tác giả là Nicolaus Copernicus, một nhà thiên văn học người Ba Lan, người đã chết đúng vào ngày cuốn sách được xuất bản. Copernicus tuyên bố rằng không phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất mà ngược lại. Từ kết quả quan sát các thiên thể, ông cho rằng điều này là hoàn toàn có thể. Ông nói người ta đã luôn luôn tin rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất là vì Trái Đất quay quanh trục của chính nó. Ông chỉ ra rằng mọi quan sát về các thiên thể trở nên dễ hiểu hơn nếu giả thiết rằng cả Trái Đất và các hành tinh khác đều quay quanh Mặt Trời. Ta gọi đây là bức tranh nhật tâm về thế giới, có nghĩa rằng Mặt Trời là trung tâm của mọi thứ.”

“Và quan niệm đó đúng?”

“Không hoàn toàn. Điểm cốt yếu của ông - rằng Trái Đất chuyển động xung quanh Mặt Trời - tất nhiên là đúng. Nhưng ông khẳng định Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ. Ngày nay, ta biết rằng Mặt Trời chỉ là một trong vô số các ngôi sao. Và những ngôi sao quanh ta chỉ tạo nên một trong số nhiều tỷ thiên hà. Copernicus còn tin rằng Trái Đất và các hành tinh khác chuyển động theo quỹ đạo hình tròn quanh Mặt Trời.”

“Không phải như thế ạ?”

“Không. Ông ta không có gì làm cơ sở cho niềm tin vào quỹ đạo hình tròn này ngoại trừ tư tưởng cổ xưa rằng các thiên thể hình tròn và di chuyển theo đường tròn đơn giản vì chúng ‘ở trên trời’. Từ thời Plato, hình cầu và đường tròn được coi là các hình học hoàn hảo nhất. Nhưng đầu những năm 1600, nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler đã công bố kết quả của các quan sát đầy đủ, cho thấy các hành tinh chuyển động theo quỹ đạo hình elip với Mặt Trời nằm tại một tâm elip. Ông còn chỉ ra rằng vận tốc của một hành tinh là cao nhất khi nó ở gần Mặt Trời nhất và rằng quỹ đạo của một hành tinh càng ở xa Mặt Trời thì nó chuyển động càng chậm. Đến thời của Kepler, người ta mới thực sự khẳng định rằng Trái Đất chỉ là một hành tinh như các hành tinh khác. Kepler cũng nhấn mạnh rằng các định luật vật lý áp dụng cho mọi nơi trong vũ trụ.”

“Làm sao ông ta biết được điều đó?”

“Vì ông ta đã nghiên cứu chuyển động của các hành tinh bằng các giác quan của chính mình thay vì tin tưởng mù quáng vào các điều mê tín cổ xưa. Galileo Galilei, người gần như cùng thời với Kepler, cũng đã sử dụng kính thiên văn để quan sát các thiên thể. Ông nghiên cứu các miệng núi lửa trên bề mặt Mặt Trăng và kết luận rằng Mặt Trăng cũng có các ngọn núi và thung lũng tương tự như trên Trái Đất. Hơn nữa, ông còn phát hiện rằng sao Mộc cũng có bốn mặt trăng. Như vậy, không phải chỉ mình Trái Đất có mặt trăng. Nhưng điều quan trọng nhất về Galilei đó là ông là người đầu tiên phát biểu cái gọi là Định luật Quán tính.”

“Định luật đó như thế nào ạ?”

“Galilei phát biểu thế này: Một vật thể giữ nguyên trạng thái đứng yên hay chuyển động nếu nó không có ngoại lực bắt nó thay đổi trạng thái.”

“Đơn giản nhỉ.”

“Nhưng đây là một quan sát rất có ý nghĩa. Từ thời Cổ Đại, một trong những luận cứ trọng tâm để phản bác việc Trái Đất tự quay quanh trục của mình là khi đó Trái Đất sẽ chuyển động nhanh đến mức nếu một hòn đá được ném thẳng lên trời nó sẽ rơi xuống đất ở cách chỗ nó được ném lên hàng chục mét.”

“Vậy tại sao lại không như thế?”

“Nếu em ngồi trên tàu và thả rơi một quả táo, nó sẽ không rơi về phía sau do còn tàu đang chuyển động. Nó sẽ rơi thẳng xuống. Đó chính là vì định luật quán tính. Quả táo giữ đúng vận tốc mà nó có trước khi em thả rơi nó.”

“Em hiểu rồi.”

“Vào thời của Galilei không có tàu hoả. Nhưng nếu em lăn một quả bóng trên nền đất - và bất ngờ thả tay…”

“…nó sẽ tiếp tục lăn…”

“…bởi vì sau khi em thả tay nó vẫn giữ nguyên vận tốc.”

“Nhưng cuối cùng nó sẽ dừng lại, nếu căn phòng đủ dài.”

“Đó là do các lực khác làm nó chậm lại. Thứ nhất là sàn nhà, đặc biệt nếu đó là sàn gỗ nhám. Tiếp đó, trọng lực không chóng thì chày cũng làm cho nó dừng lại. Nhưng gượm hẵng, tôi sẽ cho em xem cái này.”

Alberto đứng dậy, bước đến bên chiếc bàn làm việc cũ. Ông lấy cái gì đó từ trong một ngăn kéo. Khi quay lại, ông đặt nó lên mặt bàn nước. Đó chỉ là một tấm bảng gỗ, một cạnh dày khoảng vài milimet, cạnh kia mỏng. Bên cạnh chiếc bảng to gần choán mặt bàn, ông đặt một hòn bi đá màu xanh.

“Cái này được gọi là mặt phẳng nghiêng,” ông nói. “Theo em thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi thả hòn bi tại đây, chỗ dày nhất của mặt phẳng nghiêng?”

Sophie thở dài ngán ngẩm.

“Em cược 10 cu-ron là nó sẽ lăn xuống bàn và rơi xuống sàn.”

“Xem nhé!”

Alberto thả hòn bi và nó chuyển động hệt như lời Sophie. Nó lăn xuống bàn, rơi qua mép bàn, rơi bịch xuống sàn, và cuối cùng thì đâm vào chân tường.

“Ấn tượng nhỉ,” Sophie nói.

“Đúng! Không phải thế sao? Đó chính là kiểu thí nghiệm mà Galilei đã thực hiện, em thấy không?”

“Ông ta ngớ ngẩn đến thế thật ạ?”

“Kiên nhẫn nào! Ông ta muốn nghiên cứu sự vật bằng các giác quan của chính mình, và chúng ta chỉ mới bắt đầu. Trước hết, hãy giải thích cho tôi tại sao hòn bi lại lăn từ trên mặt phẳng nghiêng xuống.”

“Nó bắt đầu lăn vì nó nặng.”

“Được rồi. Và khối lượng thực ra là cái gì, bé?”

“Câu hỏi ngớ ngẩn.”

“Nó không ngớ ngẩn chút nào nếu em không thể trả lời. Tại sao hòn bi lăn xuống sàn?”

“Do trọng lực.”

“Chính thế - hay còn gọi là lực hấp dẫn. Đó là lực đã làm cho hòn bi chuyển động”

Alberto nhặt hòn bi từ dưới sàn. Ông lại đứng khom mình xuống mặt phẳng nghiêng với hòn bi trong tay.

“Bây giờ, tôi sẽ lăn bi ngang mặt phẳng nghiêng,” ông nói. “Hãy quan sát kỹ chuyển động của nó”

Sophie nhìn hòn bi từ từ chuyển động cong xuống theo chiều dốc của mặt phẳng nghiêng.

“Cái gì đã xảy ra?” Alberto hỏi.

“Nó lăn nghiêng xuống dốc vì mặt bảng dốc.”

“Bây giờ tôi sẽ quết mực lên hòn bi… khi đó có lẽ chúng ta sẽ có thể xem chính xác ‘nghiêng xuống’ nghĩa là gì.”

Ông lôi ra một cái bút lông và tô mực đen lên khắp hòn bi. Rồi ông lăn bi một lần nữa. Bây giờ, Sophie có thể thấy chính xác hòn bi đã lăn qua những chỗ nào trên tấm bảng vì nó để lại một đường mực đen.

“Em mô tả đường đi của hòn bi như thế nào?”

“Nó cong… trông như một phần của một đường tròn.”

“Chính thế!”

Alberto ngẩng lên nhìn cô và nhướn mày.

“Tuy nhiên, nó không hẳn là một đường tròn. Hình này được gọi là một đường parabole.”

“À, nhưng tại sao hòn bi lại chuyển động theo kiểu đó?”

Sophie suy nghĩ kỹ càng. Rồi cô nói, “Vì mặt bảng dốc nên hòn bi bị lực hấp dẫn kéo về phía sàn.”

“Đúng, đúng! Đây quả là một sự kiện tuyệt vời! Tôi kéo một cô bé chưa đầy 15 tuổi lên căn gác xép này, và chỉ qua đúng một thí nghiệm, cô bé đã nhận ra chính những điều mà Galilei đã từng thấy!”

Ông vỗ tay nồng nhiệt. Trong khoảnh khắc ấy, Sophie sợ rằng Alberto đã phát điên. Ông nói tiếp: “Em đã thấy cái xảy ra khi có hai lực cùng tác động lên một đối tượng. Galilei đã phát hiện ra rằng chính điều này cũng áp dụng cho một quả đạn pháo chẳng hạn. Quả đạn được bắn lên không trung. Nó còn tiếp tục con đường của mình trên cao, nhưng cuối cùng sẽ bị kéo về phía mặt đất. Như vậy, nó sẽ tạo ra một đường đạn tương ứng với đường của hòn bi trên mặt phẳng nghiêng. Đây thực ra là một phát kiến mới vào thời của Galilei. Aristotle đã cho rằng khi một đầu đạn được phóng theo phương nghiêng lên không trung, trước tiên nó sẽ bay theo một đường hơi cong, rồi sẽ rơi xuống đất theo phương thẳng đứng. Điều này không đúng, nhưng không ai có thể biết rằng Aristotle đã sai, cho đến khi nó được chứng minh bằng thực nghiệm.”

“Tất cả những điều này thực ra để làm gì?”

“Để làm gì à? Em có thể đánh cược là nó rất quan trọng. Nó có ý nghĩa với tầm vóc vũ trụ, bé ạ. Trong tất cả các phát kiến khoa học trong lịch sử loài người, đây chính là phát kiến quan trọng nhất.”

“Chắc thầy sắp giải thích vì sao.”

“Tiếp đó xuất hiện nhà vật lý người Anh Isaac Newton, người sống trong khoảng thời gian từ năm 1642 đến năm 1727. Ông ta là người đã đưa ra mô tả cuối cùng về Hệ Mặt Trời và quỹ đạo của các hành tinh. Ông không chỉ mô tả được chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời, mà còn giải thích tại sao chúng chuyển động như vậy. Ông làm được điều này một phần là nhờ cái mà ta gọi là động lực học của Galilei.”

“Thế thì các hành tinh cũng lăn trên mặt phẳng nghiêng à?”

“Gần như vậy. Nhưng đợi một chút đã, Sophie.”

“Em có lựa chọn nào đâu?”

“Kepler cũng đã chỉ ra rằng phải có một lực làm các thiên thể thu hút lẫn nhau. Thí dụ, phải có lực Mặt Trời để giữ chặt các hành tinh trong quỹ đạo của chúng. Hơn nữa, chính lực đó giải thích được tại sao các hành tinh giảm dần vận tốc khi chuyển động ra xa Mặt Trời. Kepler còn tin rằng thuỷ triều lên xuống là do lực mặt trăng.”

“Và điều này thì đúng.”

“Đúng vậy. Nhưng Galilei lại bác bỏ thuyết này. Ông ta đã mỉa mai Kepler rằng Kepler là người cho phép Mặt Trăng điều khiển nước. Đó là do Galilei bác bỏ tư tưởng rằng lực hấp dẫn có thể có tác dụng từ khoảng cách xa, thậm chí lại còn có tác dụng giữa các thiên thể.”

“Ông ấy sai ở chỗ đó.”

“Phải, tại chính điểm đó. Và điều thật sự buồn cười vì ông ta đã rất chú tâm đến lực hấp dẫn của Trái Đất và các vật thể rơi. Ông thậm chí còn cho thấy lực khi bị tăng lên có thể điều khiển chuyển động của một vật như thế nào.”

“Nhưng thầy đang nói về Newton mà.”

“Ừ, Newton xuất hiện. Ông thiết lập cái mà ta gọi là Định luật Vạn vật Hấp dẫn. Định luật này phát biểu rằng mọi cặp vật thể đều hút nhau với một lực tăng theo tỷ lệ với khối lượng của chúng và giảm theo tỷ lệ với khoảng cách giữa chúng.”

“Em nghĩ là em hiểu rồi. Ví dụ, lực hút giữa hai con voi lớn hơn lực hút giữa hai con chuột. Và giữa hai con voi trong cùng một chuồng thú có lực hút lớn hơn là giữa một con voi ở Ấn Độ và một con voi ở châu Phi.”

“Em hiểu rồi đấy. Và bây giờ là điểm trọng tâm. Newton đã chứng minh rằng lực hấp dẫn này là tổng quát trong cả vũ trụ, nghĩa là nó đúng cho mọi nơi, cả trong không gian, giữa các thiên thể. Người ta kể rằng ông đã nảy ra ý tưởng này khi đang ngồi dưới một cây táo. Khi nhìn thấy một quả táo rơi từ trên cây, ông đã phải tự hỏi có phải Mặt Trăng cũng bị kéo về phía Trái Đất bởi cùng một lực, và có phải đây là lý do tại sao Mặt Trăng tiếp tục quay quanh Trái Đất mãi mãi.”

“Thông minh đấy. Nhưng thật ra là không thông minh lắm.”

“Tại sao không?”

“Nếu Mặt Trăng cũng bị kéo về phía Trái Đất bởi cùng một lực đã làm quả táo rơi, thì thay vì quay quanh Trái Đất mãi mãi, một ngày nào đó Mặt Trăng sẽ rơi xuống và đâm sầm vào Trái Đất.”

“Điều đó đưa chúng ta đến với định luật của Newton về quỹ đạo các hành tinh. Về chuyện Trái Đất hút Mặt Trăng, em đã đúng một nửa và sai một nửa. Tại sao Mặt Trăng không rơi xuống đất? Lực hút giữa Trái Đất và Mặt Trăng quả thực rất mạnh. Chỉ cần nghĩ đến lực cần thiết để dâng nước biển lên một hoặc hai mét khi triều cường là đủ.”

“Em không cho là em đã hiểu.”

“Hãy nhớ lại mặt phẳng nghiêng của Galileo. Chuyện gì xảy ra khi tôi lăn hòn bi theo chiều ngang?”

“Có hai lực cùng tác động lên Mặt Trăng?”

“Chính xác! Ngày xửa ngày xưa, khi Hệ Mặt Trời hình thành, Mặt Trăng bị bắn ra ngoài - nghĩa là ra xa khỏi Trái Đất - bằng một lực cực mạnh. Lực này sẽ giữ hiệu lực mãi mãi vì nó chuyển động trong chân không, không có gì cản…”

“Nhưng nó cũng bị hút về phía Trái Đất vì lực hấp dẫn, phải không ạ?”

“Chính thế. Hai lực này là hằng số và cả hai đều tác động cùng lúc. Do vậy, Mặt Trăng sẽ tiếp tục chuyển động theo quỹ đạo quanh Trái Đất.”

“Thực sự chỉ đơn giản thế thôi ạ?”

“Chỉ đơn giản như vậy, và chính sự đơn giản này là điểm mấu chốt của Newton. Ông đã chứng tỏ rằng có một vài định luật tự nhiên áp dụng cho toàn bộ vũ trụ. Khi tính toán quỹ đạo của các hành tinh, ông đã chỉ dùng đến hai định luật tự nhiên mà Galileo đã đưa ra. Một là định luật quán tính mà Newton phát biểu lại là: ‘Một vật thể giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động đều cho đến khi phải chuyển trạng thái vì một lực tác dụng lên nó.’ Định luật kia đã được Galileo biểu diễn bằng mặt phẳng nghiêng: Khi hai lực cùng tác dụng lên một vật thể, vật thể đó sẽ chuyển động theo một đường hình elip.”

“Và đó là cách Newton giải thích tại sao tất cả các hành tinh đều chuyển động quanh Mặt Trời.”

“Đúng. Các hành tinh đều chuyển động trên quỹ đạo hình elip quanh Mặt Trời do kết quả của hai chuyển động khác nhau: thứ nhất là chuyển động đều mà nó nhận được khi Hệ Mặt Trời hình thành, và thứ hay là chuyển động về phía Mặt Trời do lực hấp dẫn.”

“Rất thông minh.”

“Rất rất thông minh. Newton chứng tỏ rằng các định luật về các vật thể chuyển động đó đúng cho mọi nơi trong cả vũ trụ. Như vậy, ông đã phá bỏ niềm tin thời Trung Cổ rằng có một bộ luật dành cho trời và một bộ luật khác cho đất. Quan điểm nhật tâm về thế giới đã tìm được sự khẳng định cuối cùng và lời giải thích cuối cùng.”

Alberto đứng dậy cất cái mặt phẳng nghiêng. Ông nhặt viên bi và đặt lên bàn giữa hai người.

Sophie thầm nghĩ, thật đáng ngạc nhiên khi họ đã rút ra bao nhiêu điều từ một mảnh gỗ xiên và một hòn bi. Khi nhìn hòn bi xanh vẫn còn lấm mực, cô không thể không nghĩ về quả cầu Trái Đất. Cô nói, “Và người ta không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận rằng mình đang sống trên một hành tinh ngẫu nhiên ở đâu đó trong không gian?”

“Đúng vậy - cách nhìn mới về thế giới là một cú rất nặng theo nhiều khía cạnh. Tình thế đó có thể so sánh với những gì xảy ra sau này, khi Darwin chứng minh rằng loài người đã tiến hoá lên từ động vật. Trong cả hai trường hợp, loài người đều mất một chút vị thế đặc biệt trong tạo hoá. Và trong cả hai trường hợp, Nhà thờ đã phản đối kịch liệt.”

“Điều đó thì em có thể hiểu được. Vì trong cái thứ mới mẻ này thì Chúa Trời ở chỗ nào? Khi Trái Đất là trung tâm còn Chúa và các hành tinh ở trên đầu thì chuyện đơn giản hơn nhiều.”

Nhưng đó không phải là thách thức lớn nhất. Khi Newton đã chứng minh được rằng các định luật tự nhiên áp dụng cho mọi nơi trong vũ trụ, người ta có thể cho rằng bằng cách đó ông đã làm hại đến niềm tin của mọi người vào quyền năng tuyệt đối của Chúa Trời. Nhưng đức tin của chính Newton lại không hề lung lay. Ông coi các định luật tự nhiên là bằng chứng về sự tồn tại của Chúa Trời vĩ đại và toàn năng. Có thể là bức tranh của con người về chính mình đã tiến triển theo chiều hướng xấu đi.”

“Nghĩa là sao ạ?”

“Bắt đầu từ thời Phục Hưng, con người phải làm quen với việc sống trên một hành tinh ngẫu nhiên trong một thiên hà mênh mông. Tôi không dám chắc là ngay cả đến giờ chúng ta đã hoàn toàn chấp nhận chuyện đó hay chưa. Nhưng ngay từ thời Phục Hưng, đã có những người nói rằng từng cá nhân trong chúng ta có một vị trí trung tâm hơn trước kia.”

“Em không hiểu lắm.”

“Trước đó, Trái Đất là trung tâm của thế giới. Nhưng từ khi các nhà thiên văn học nói rằng vũ trụ không có một trung tâm tuyệt đối, xuất hiện tư tưởng rằng có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu trung tâm vũ trụ. Mỗi con người có thể là trung tâm của một vũ trụ.”

“À, em hiểu rồi.”

“Thời Phục Hưng đã tạo ra một sự sùng đạo mới. Khi triết lý và khoa học dần dần tách ra khỏi thần học, một lòng mộ đạo Ki Tô giáo mới đã phát triển. Rồi thời Phục Hưng đến với quan niệm mới về con người. Điều đó ảnh hưởng lên đời sống tôn giáo. Giờ đây, quan hệ cá nhân của mỗi người với Chúa quan trọng hơn quan hệ của anh ta với nhà thờ như là một tổ chức.”

“Có phải như việc tự cầu nguyện mỗi tối chẳng hạn?”

“Đúng vậy. Trong nhà thờ Công giáo thời Trung Cổ, sách nghi lễ viết bằng tiếng Latin, và các bài kinh cầu nguyện nghi lễ đã là xương sống của thánh lễ. Chỉ có các tu sĩ và linh mục đọc Kinh thánh vì nó chỉ có bằng tiếng Latin. Nhưng thời Phục Hưng, Kinh thánh đã được dịch từ tiếng Hy Lạp và Hebrew sang ngôn ngữ của các dân tộc. Đó là trung tâm của cái mà ta gọi là phong trào Kháng Cách.”

“Martin Luther…”

“Đúng, Martin Luther là một nhân vật quan trọng, nhưng ông