Thế giới 5000 năm

“Những Người Một Phút Có Mặt”

“NHỮNG NGƯỜI MỘT PHÚT CÓ MẶT”

Tiếng ngựa hí vang động cả bầu trời đêm.
Một chiến sĩ của “Người con của tự do” nhảy phốc lên mình ngựa, khẽ bảo một công nhân bên cạnh:
- Uyliam nhanh lên! Chúng ta phải đến được Côncoóc trước khi trời rạng sáng!
- Nhất định phải như vậy! - Uyliam Đavit nhảy lên ngựa, theo sát sau người kia.
Hai chiến mã phi ra khỏi Bôstơn, theo đường cái phóng như bay về phía tây. Ngựa phi ngày càng nhanh, chỉ trong chốc lát đã tới làng Lếchxingtơn ở ngoại thành phía tây.
Một dân quân đang đi tuần.
- Lính Anh đang hành quân, có đến mấy trăm tên đấy! “Người con của tự do” khẽ báo tin với anh dân quân rồi phóng ngựa đi tiếp.
Trên đường đi họ báo cho các làng tin đó. Trước khi trời sáng họ đã tới được thị trấn Côncoóc.
“Người con của tự do” đó tên là Pôn làm nhiệm vụ báo tin cho dân quân. Sau khi dò được tin toàn quyền Bôstơn phái quân Anh đến thị trấn Côncoóc lùng sục tìm kho vũ khí của dân quân cất giấu, và bắt người lãnh đạo của những người yêu nước, anh lập tức cùng anh công nhân Đavit đi báo cho các làng suốt cả đêm. Hay tin đó, dân quân nhanh chóng được tập hợp lại mai phục ở hai bên đường. Đó là việc xảy ra trong đêm 18 tháng 4 năm 1775.
Sáng sớm ngày 19, dưới quyền chỉ huy của một thiếu tá, 800 lính bộ binh Anh mặc quân phục đỏ sẫm hành quân đêm tiến về làng Lếchxingtơn. Khi chúng dụi đôi mắt ngái ngủ quan sát phía trước qua làn sương mỏng buổi sớm thì đã thấy đội quân của “Những người một phút có mặt đã chờ sẵn ở bãi cỏ trước làng.
“Những người một phút có mặt” là tên gọi thân thiết của nhân dân Bắc Mỹ giành cho dân quân vì họ có lòng yêu nước nồng nàn, hễ nghe được tin báo, chỉ trong vòng một phút họ đã xuất kích.
- Đứng lại! - Anh dân quân đứng chặn ở phía trước quát to.
Mặc chúng, xông lên! - Tên thiếu tá Anh dơ kiếm chỉ huy hét lên.
“Đoàng”! Tiếng súng nổ vang.
Dân quân Lếchxingtơn đánh trả dữ dội cuộc tấn công của quân Anh, quân Anh trúng đạn, tên nọ tiếp tên kia ngã lăn ra đất.
- Xông lên! - Tên thiếu tá Anh không đoái hoài đến những tên lính nằm lăn trên đất, vẫn thúc binh lính xông vào Lếchxingtơn.
Kho vũ khí của dân quân Lếchxingtơn đã di chuyển đi nơi khác. Thủ lĩnh của những người yêu nước cũng rút đi từ lâu. Quân Anh lại một phen vồ hụt.
- Rút! - Tên thiếu tá thấy tình hình bất lợi vội ra lệnh cho binh lính rút về Bôstơn.
“Đoàng! Đoàng!” Một loạt đạn từ trên nóc nhà bay tới, một toán quân Anh ngã lăn ra đất.
“Đoàng. Đoàng!” Tiếng súng từ rừng cây bắn ra liên hồi, lại một toán quân Anh nữa gục xuống.
Dọc đường rút lui, quân Anh bị dân quân chặn đánh khắp nơi. Ở mỗi xóm làng ven đường đều có “những người một phút có mặt” nấp sau bức tường, trên gò đất, góc nhà nhằm bắn vào những tên lính Anh bận quân phục đỏ sẫm rõ mồn một. Quân Anh bị đánh tan tác, chạy thục mạng về Bôstơn. Theo thống kê, lính Anh hôm đó thương vong 247 người, còn dân quân chỉ hy sinh mấy chục. Đây là cuộc đánh trả đầu tiên của dân quân đại lục Bắc Mỹ đối với lính thực dân Anh. Trong trận đánh này, dân quân Bắc Mỹ túc trí đa mưu đã sáng tạo ra chiến thuật du kích linh hoạt biến hóa, giành được thắng lợi rực rỡ.
Tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến tranh giành độc lập của Bắc Mỹ đã nổ vang! Tiếng súng chống ách thống trị của thực dân Anh đã nổ vang! Từ đây, lịch sử của châu Mỹ đã lật sang trang mới.
Sau khi cuộc chiến tranh giành độc lập thắng lợi, nhân dân Mỹ đã đúc một bức tượng đồng “anh dân quân tay nắm cây súng bộ binh” đặt tại trung tâm thị trấn Lếchxingtơn để kỷ niệm lịch sử đấu tranh của thị trấn. Anh dân quân đánh hiên ngang hùng dũng, hai chân đứng vững vàng lên bức tường đá, đôi mắt tinh anh cảnh giác nhìn về phía trước. Phía dưới bức tượng là một tấm bia giản dị, không chạm trổ cầu kỳ, trên khắc dòng chữ:
“Giữ vững trận địa. Quân thù chưa nổ súng, ta không nổ súng; nhưng nếu kẻ thù cố tình áp đặt chiến tranh xuống đầu chúng ta thì chiến tranh sẽ bắt đầu từ đây!”.

OASINHTƠN

Ngày 19 tháng 10 năm 1781, ở ngoại ô Oóccơtơn tiếng chiêng trống kêu vang trời. Binh lính quần áo tuy rách rưới nhưng ai cũng phấn khởi vui mừng, reo hò vẫy cờ nhảy múa. Cuộc chiến tranh giành độc lập suốt 6 năm rưỡi trời đã giành được thắng lợi cuối cùng, nước Mỹ từ một thuộc địa đã trở thành nước độc lập, đó chẳng phải là một việc lớn kinh thiên động địa?
8.000 tên lính Anh quân phục gọn gàng cúi đầu ủ rũ đi tới, quân kỳ của chúng chúc ngược xuống, đầu ngọn cờ hầu như chạm mặt đất. Đi đầu đoàn quân là một vị tướng hai tay nâng thanh kiếm tượng trưng cho quyền lực. Thấy trước mặt có một vị thống soái quân Mỹ tóc vàng óng đứng chờ sẵn, ông ta vội cúi đầu bước lên một bước trao lưỡi kiếm. Viên thống soái Mỹ đứng thẳng người, đầu ngẩng cao hai tay đón lấy thanh kiếm. Nghi lễ quân Anh đầu hàng chính thức bắt đầu.
Vị thống soái Mỹ đó tên là Oasinhtơn.
Gioocgiơ Oasinhtơn sinh năm 1732 trong một gia đình chủ trang trại lớn ở bang Viêcginia, Mỹ. Thời trẻ ông làm nhân viên đo đạc, từng kinh doanh ruộng đất ở lưu vực sông Ôhaiô miền Tây. Trong cuộc chiến tranh giành thuộc địa Bắc Mỹ giữa Anh và Pháp, ông chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương Viêcginia hỗ trợ quân Anh đuổi quân Pháp ra khỏi Bắc Mỹ nên được phong đại tá. Nhưng sau khi quân Anh chiếm được Bắc Mỹ, chúng coi ruộng đất của miền Tây và miền Bắc là tài sản riêng của Hoàng gia, không cho phép khai khẩn. Thế là mấy vạn mẫu đất của Oasinhtơn bị nước Anh nuốt gọn, từ đó ông dốc sức chống lại chính sách thực dân của Anh.
Sau khi vụ thảm án Bôstơn xảy ra, nhân dân các bang Bắc Mỹ rầm rộ đứng lên chi viện cho cuộc đấu tranh ở Bôstơn. Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1774, bang Viếcginia họp hội nghị khẩn cấp. Trong hội nghị, Oasinhtơn khảng khái tuyên bố. “Tôi tình nguyện bỏ tiền mộ 1000 chiến sĩ, tôi đích thân chỉ huy đội quân đó đi giúp Bôstơn”. Tiếp đó, ông đại diện cho bang Viếcginia đi dự “Hội nghị đại lục họp ở thành phố Philađenphia. Hội nghị đã bàn bạc và thành lập bộ máy lãnh đạo thống nhất của 13 bang Bắc Mỹ để chống Anh. Năm 1775, Oasinhtơn được bầu làm Tổng tư lệnh quân đại lục. Khi đó, tiếng súng ở Lếchxingtơn đã nổ, chiến tranh không thể trì hoãn được nữa, Oasinhtơn lập tức lên ngựa, ngày mồng 7 tháng 7 tới Bôstơn.
Nhưng khi tập hợp đội ngũ của quân đại lục, Oasinhtơn giật mình. Ngồi trên lưng ngựa nhìn quân đội của mình, Oasinhtơn tự hỏi: “Đây là quân đội gì vậy?” Một đám người gồm phần lớn là nông dân râu ria xồm xoàm, kẻ thấp người cao, vũ khí quá cũ kỹ, một số là súng săn, quần áo đủ kiểu, rách bươm, không ra một quân đội. Oasinhtơn biết rằng họ là những dân quân của các bang mới tập hợp lại, chưa được huấn luyện quân sự chính qui. Thế là, ông để ra nửa năm chỉnh đốn xây dựng lại quân đội, biên chế họ thành các đơn vị có khả năng tác chiến độc lập. Tiếp đó, ông mang quân vây đánh Tổng bộ quân Anh ở Bôstơn, cắt đứt các đường tiếp tế trên bộ, phong tỏa các hải cảng. Quân Anh lương hết, không có cứu viện, buộc phải rút khỏi Bôstơn vào ngày 17 tháng 3 năm 1776: Quân đại lục thắng lợi, cờ mở trống dong, quần chúng nhân dân tới tấp đến tham gia quân đội. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân của Oasinhtơn đã lên tới 18.000 người.
Trong những ngày ăn mừng thắng lợi, hội nghị đại lục lần thứ hai khai mạc. Ngày mồng 4 tháng 7 năm 1776, Hội nghị thông qua một văn kiện quan trọng - “Tuyên ngôn độc lập”. Bản tuyên ngôn lần đầu tiên trên thế giới dùng hình thức cương lĩnh nêu lên yêu cầu chính trị của giai cấp tư sản. Bản tuyên ngôn viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đồng thời tuyên bố thuộc địa Bắc Mỹ chính thức độc lập. “Tuyên ngôn độc lập” nói lên tiếng nói trái tim của nhân dân Bắc Mỹ. Nhân dân Niu Oóc lập tức hành động, đập nát bức tượng đồng vua Anh Gióocgiơ III dựng ở Niu Oóc, lấy đồng đúc đạn để đi đánh quân thực dân Anh. Sau này, nước Mỹ lấy ngày mồng 4 tháng 7 làm Ngày quốc khánh.
Chính quyền thực dân Anh điên cuồng phản công. Chúng tập trung một số lượng lớn chiến hạm và 35.000 quân vây đánh Niu Oóc. Quân của Oasinhtơn chỉ bằng một nữa quân Anh, lại không có chiến hạm và đại bác, tuy chống trả ngoan cường được vài tháng nhưng vì tổn thất quá nặng buộc phải rút lui. Khi đó quân của Oasinhtơn chưa đầy 5.000 người, nhưng sĩ khí rất cao. Khi họ qua sông Tơlava đầy băng trôi, Oasinhtơn đã nung nấu một chiến lược chuyển bại thành thắng. Ông lặng lẽ đi thăm ngư dân địa phương, tìm hiểu tình hình bố trí thực tế của quân Anh và tình hình sông nước ở đây, cuối cùng đã vạch ra được một phương án tác chiến mới. Ngày 25 tháng 12 khi quân Anh đang vui chơi nhân lễ Noen, Oasinhtơn xuất kỳ bất ý cho quân vượt sông, tập kích đánh chiếm thành phố Tơrentơn, bắt sống hơn 1000 quân đánh thuê Đức. Sau đó, đêm mồng 3 tháng 1 năm 1777, quân của Oasinhtơn lại tập kích Prixtơn căn cứ quân sự quan trọng của quân Anh, đánh tan tác đội quân tinh nhuệ của Anh ở đây.
Quân xâm lược Anh thẹn quá hóa khùng; tăng thêm quân đánh chiếm thành phố Philađenphia thủ đô lúc đó của nước Mỹ. Oasinhtơn lúc này gặp rất khó khăn. Để cô lập chính sách xâm lược của Anh, Oasinhtơn tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao tranh thủ sự viện trợ của các nước như Pháp v.v. Tháng 6 năm 1777, chiến hạm Pháp tiến vào Mỹ, quân Anh buộc phải rút khỏi Philađenphia, chuyển hướng tấn công xuống miền Nam. Năm 1780, quân Anh chuyển chủ lực xuống Yoóctơn thành phố hải cảng ở miền Nam. Quân Pháp và quân của Oasinhtơn tiến theo hai đường: Quân Pháp dùng hải quân phong tỏa hải cảng, quân của Oasinhtơn dùng bộ binh tấn công thành phố. Quân Anh cố thủ trong thành phố được hơn một tháng, sau buộc phải đầu hàng, Cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ cuối cùng đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi đánh bại quân Anh, Oasinhtơn năm 1787 chủ trì việc chế định ra hiến pháp của nước Mỹ. Tháng 4 năm 1789 ông được bầu làm Tổng thống đầu tiên, trở thành vị khai quốc công thần của nước Mỹ.
Sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống, Oasinhtơn từ chức trở về sống ẩn dật ở sơn trang Viếcnun bang Viêcginia. Quốc hội Mỹ định mời ông ra làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ông từ chối. Ngày 14 tháng 12 năm 1799, ông bệnh mất tại gia đình.
Để ghi nhớ công lao của ông, Quốc hội Mỹ năm 1791 quyết định xây dựng một thủ đô mới trên bờ sông Pôtômác và đặt tên là “Oasinhtơn”. Năm 1800, thủ đô được xây dựng xong, chính phủ Mỹ từ Philađenphia rời về thành phố Oasinhtơn và xây dựng ở đây đài kỷ niệm Oasinhtơn để tưởng nhớ vị thống soái trong cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ.

CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA SÂY

Thắng lợi rồi!
- Thắng lợi rồi! Ha. . . ha. . . ha. . . !
Cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ thắng lợi được ít lâu, rất nhiều lính thủy xếp hàng diễu hành trên đường phố. Nếu nghe kỹ khẩu hiệu họ hô thì thấy rất lạ.
- Thắng lợi rồi! Ha ha! Giấy bạc có thể làm áo mặc được rồi!
Giấy bạc làm áo rồi!
Nhìn áo họ mặc trên người thì đúng là toàn dùng tiền giấy dán thành áo.
Đoàn diễu hành tới trước một hiệu cắt tóc, lại hét to:
- Giấy bạc có thể dùng để dán tường rồi! Dán tường bằng giấy bạc rất đẹp!
Quả vậy, tường của hiệu cắt tóc này dán toàn bằng giấy bạc.
Tại sao có chuyện như vậy! Nước Mỹ sau khi độc lập, vật giá lên cao, tiền giấy trở thành giấy lộn, nhà tư bản phất to, nhân dân lao động khuynh gia bại sản, họ rầm rộ đứng lên phản đối chính phủ. Nhưng chính phủ lại bắt giam những người lao động nghèo khổ nợ nần đó. Đông đảo dân chúng lao khổ không chịu dựng được nữa đồng lòng đứng lên khởi nghĩa vũ trang: Cuộc diễu hành của lính thủy là khúc dạo đầu của cuộc khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất thời đó là cuộc khởi nghĩa ở miền Đông nước Mỹ do Sây lãnh đạo.
Đanien Sây sinh năm 1747 trong một gia đình nông dân nghèo khổ. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập, anh nhiều lần lập chiến công, được thăng lên thượng úy. Để biểu dương công trạng của anh, một vị tướng Pháp còn tặng anh một thanh bảo kiếm. Sau khi chiến tranh kết thúc, Sây về làng. Anh sống nghèo khổ quá, thậm chí bán cả thanh bảo kiếm cũng chỉ đủ tiền ăn một bữa cơm.
Mùa thu năm 1786, tòa án Bôstơn đưa ra xét xử những nông dân mắc nợ chưa trả. Đúng vào lúc các quan tòa sắp thẩm vấn những người nông dân nghèo khổ, đột nhiên bên ngoài tòa án ồn ào, tiếng hô khẩu hiệu vang lên:
- Đả đảo tòa án dân sự!
- Đả đảo bọn quan tòa gian ác!
600 nông dân do Sây và Luc cầm đầu, kẻ súng kíp người mã tấu, vây chặt tòa án. Các quan tòa hoảng sợ rời khỏi bục xét xử, hò hét vệ binh, định chuyển phiên toà sang bên Cục dân cảnh. Nhưng vệ binh đã biến từ lâu. Phần lớn vệ binh xuất thân từ nông dân đương nhiên họ đồng tình với nông dân, có người lủi trốn, có người mang vũ khí gia nhập hàng ngũ của nông dân. Các quan tòa sợ quá mặt tái mét, tay chân rụng rời, buộc phải ngừng việc xét xử.
Chính phủ lập tức cho quân đến đàn áp, quân khởi nghĩa bèn phân tán nhỏ ra tiến hành chiến tranh du kích ở các nơi. Tiếp đó, nông dân Côncoóc do Sây cầm đầu đứng lên khởi nghĩa, chuyển đến chiến đấu ở vùng Uôcxextơ, phối hợp với quân khởi nghĩa của nông dân địa phương, nhanh chóng phát triển thành một đội vũ trang hơn 1200 người, trở thành hạt nhân của cuộc khởi nghĩa nông dân thời đó.
Một ngày tháng 11, tòa án Uôcxextơ chuẩn bị xét xử những nông dân thiếu nợ. Được tin đó, Sây lập tức dẫn quân khởi nghĩa đến vây đánh dinh tòa án. Sây dẫn đầu đoàn quân xông lên thềm nhà, tay trái chống nạnh, tay phải nắm chặt mã tấu, ngăn không cho các quan tòa vào tòa nhà. Lúc thường thì tác oai tác quái, nhưng lúc này vừa nhìn thấy Sây các quan tòa sợ quá đứng ngây ra như tượng gỗ, người run bần bật, rồi quay người tháo chạy. Sây lập tức chỉ huy nghĩa quân xông vào nhà tù, cứu hết các anh em cùng giai cấp vô tội ra ngoài.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ nông dân, thợ thủ công và những người lính đã mãn hạn quân dịch hăng hái gia nhập đội ngũ của Sây. Chưa đầy một tháng, quân khởi nghĩa đã lên tới hơn 15000 người, kiểm soát đại bộ phận bang Masachuset. Nông dân nhiều bang ở Đông bắc nước Mỹ rầm rộ hưởng ứng, hình thành một cuộc khởi nghĩa nông dân hừng hực khí thế trong cả nước.
Chính phủ vội họp bàn đối sách. Dựa vào các nhà tư bản ở Bôstơn và các thành phố khác, chỉ trong một ngày, chính phủ đã gom được một khoản tiền lớn 4 vạn bảng Anh. Chính phủ tổ chức một đợi quân 4.400 người, huy động học sinh của Học viện thần học và dân đoàn lập ra một đội kỵ binh, tiến quân theo hai đường tấn công quân khởi nghĩa.
Tháng 1 năm 1787, khi Sây dẫn hơn 2000 quân tấn công kho vũ khí, thủ lĩnh của quân chính phủ đưa thư đề nghị đàm phán. Quân khởi nghĩa rất vui mừng, cho rằng quân chính phủ không dám giao đấu với họ nên đã buộc phải đàm phán. Thế là rất đông nông dân rời đội ngũ về nhà. Đúng vào lúc đó, đội kỵ binh của quân chính phủ tấn công trận địa của quân khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa trở tay không kịp, chống đỡ yếu ớt, buộc phải đang đêm rút ra vùng đất hoang miền Tây. Trên đường rút lui, tuyết bay đầy trời, gió rét thấu xương, quân khởi nghĩa một là hết lương thực, hai là không có quần áo, ba là không có đạn dược, cuối cùng thất bại. Sây bị bắt ở Niu Oóc. Tòa án nước Mỹ đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản đã kết án tử hình Sây và 12 thủ lĩnh khác của quân khởi nghĩa. Nhưng do nhân dân cả nước phản đối quyết liệt, đến năm sau chính phủ phải thả họ ra.
Cuộc khởi nghĩa của Sây tuy thất bại, nhưng tinh thần cách mạng anh dũng chống lại nền chính trị tàn bạo đã nêu một tấm gương đấu tranh giành dân chủ và tự do cho nhân dân Mỹ.

LINCÔN

Ở một cửa hàng nhỏ thuộc bang Ilinoi (Mỹ) có một nhân viên bán hàng trẻ tuổi. Anh ta bán hàng thực thà, thái độ hòa nhã, rất được khách hàng vừa lòng. Một lần, có một bà già mua xong hàng rồi đi, anh tính lại tiền thấy bà trả thừa một hào hai xu. Anh hỏi thăm khắp nơi được biết nhà bà cách cửa hàng 5 km. Sáng sớm hôm sau, anh tìm đến trả lại cho bà một hào hai xu tiền thừa. Bà lão rất mừng, khen anh là một chàng trai thực thà.
Chàng trai thực thà đó là Abraham Lincôn.
Lincôn sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809. Cha Lincôn là thợ mộc ở nông thôn, nhà nghèo, lưu lạc khắp nơi. Khi nhỏ Lincôn chỉ được học một năm, còn hoàn toàn là tự học. Thời đó, giấy rất đắt, khi tập viết cậu phải dùng than củi tập viết trên những chiếc hòm gỗ hỏng, viết chính thức mới viết trên giấy trắng. Năm 21 tuổi, cả nhà Lincôn dọn đến bang Ilinoi, Lincôn làm thuê cho cửa hàng nhỏ nói trên.
Nhưng ít lâu sau cửa hàng đóng cửa, Lincôn đành phải đi tìm việc làm khác. Khi đó ngành bưu điện đặt một trạm bưu điện nhỏ ở thị trấn, Lincôn được nhận vào làm. Trạm bưu điện này chỉ có một người, Lincôn vừa là trưởng trạm, vừa là nhân viên, vừa là bưu tá, lương tháng chỉ có 1 đô ra. Một trạm bưu điện như vậy đương nhiên chẳng duy trì được lâu, chỉ hai tháng sau ngành bưu điện báo cho Lincôn nghỉ việc, và cũng không đòi hỏi anh phải thanh toán sổ sách. Song Lincôn vẫn đem sổ sách của trạm tính toán rành mạch các khoản, rồi đút sổ sách và tiền vào một chiếc tất rách treo lên xà nhà mình: Một năm sau, trên đường đi Lincôn gặp một quan chức của ngành bưu điện, bèn kéo ông ta về nhà rồi bắc thang lấy chiếc tất xuống trao lại cho ông ta. Biết được việc đó, mọi người đều kính phục Lincôn làm việc thực thà nghiêm túc. Từ đó, mọi người đều gọi anh là “chàng Lincôn thực thà”.
Do được mọi người tín nhiệm, Lincôn được bầu làm nghị sĩ của bang, và qua thi cử ông đỗ luật sư. Làm luật sư, ông chuyên giải quyết chuyện bất bình cho người khác, nên khi gặp chuyện oan uổng mọi người đều tìm Lincôn và ông cũng thường xuyên chủ động giúp mọi người giải được án oan.
Một lần, báo đăng tin có một thanh niên tên là Anxtơrông phạm tội giết người cướp của. Xem xong bài báo, Lincôn cảm thấy rất kỳ lạ, vì ông vốn là hàng xóm cửa anh thanh niên kia, được chứng kiến anh ta trưởng thành, biết anh ta là một chàng trai thực thà. Thế là ông đích thân tới thăm gia đình Anxtơrông. Mẹ Anxtơrông nước mắt ròng ròng kể với Lincôn nỗi oan của con trai mình. Lincôn hứa nhất định sẽ cứu con bà ra tù.
Hôm sau, Lincôn đến tòa án xem toàn bộ hồ sơ vụ án. Hồ sơ ghi rõ có một nhân chứng tên là Phoócsơn khai rằng, đêm hôm đó dưới ánh trăng anh ta tận mắt nhìn thấy Anxtơrông dùng súng lục bắn chết nạn nhân. Lincôn suy nghĩ rồi quyết định tham gia phiên tòa với tư cách luật sư.
Phiên tòa bắt đầu. Có rất nhiều người tới dự. Phoocsơn một lần nữa kể lại với quan tòa mình tận mắt chứng kiến Anxtơrông đã giết người ra sao. Anh ta kể rất mạch lạc đâu ra đấy, có vẻ rất chính xác đáng tin cậy.
Lincôn đứng dậy hỏi nhân chứng:
- Anh tận mắt thấy Anxtơrông giết người phải không?
- Đúng, tôi có thể thề - Nhân chứng đáp.
- Anh bảo anh đứng sau đống cỏ, Anxtơrông nổ súng ở dưới gốc cây cổ thụ, phải vậy không? - Lincôn lại hỏi.
- Đúng, tôi và anh ta chỉ cách nhau có hơn 20m - Nhân chứng khẳng định.
- Khoảng cách xa như vậy, anh nhìn có rõ không?
- Hôm đó trăng rất sáng, hoàn toàn nhìn rõ.
- Anh nhìn rõ mặt anh ta? Hay là chỉ nhìn thấy quần áo?
- Tôi khẳng định nhìn rõ mặt Anxtơrông, vì ánh trăng chiếu đúng mặt anh ta.
- Anh có thể khẳng định thời gian nào không?
- 11 giờ đêm. Sau khi sự việc xảy ra tôi về nhà xem đồng hồ, đúng 11 giờ 15. Tôi nhắc lại một lần nữa, Anxtơrông chắc chắn giết người vào lúc 11 giờ.
- Tất cả những điều anh nói đều là sự thật? - Lincôn thận trọng hỏi lại.
Nhân chứng vỗ ngực đáp:
- Tôi dám bảo đảm đó toàn là sự thật.
Đợi cho nhân chứng trở về chỗ ngồi xong, Lincôn nghiêm mặt lại trịnh trọng nói với mọi người:
Thưa các quí bà, quí ông, các vị quan tòa, xin lưu ý các ngài nhân chứng này là một kẻ đại bịp!
Mọi người dự phiên tòa đều giật mình “ồ” lên một tiếng.
Tôi có chứng cớ. - Lincôn nói tiếp - Hôm đó là ngày 18 tháng 10, trăng hạ huyền, lúc 11 giờ đêm trăng đã lặn, làm gì còn ánh trăng nữa.
- Đúng đấy - Mọi người xì xào với nhau.
- Lincôn nói tiếp:
- Thôi cứ cho rằng nhân chứng nhớ không rõ thời gian, sự việc xảy ra có thể sớm hơn một hai tiếng đi nữa, nhưng trăng lúc đó sắp lặn thì ánh trăng chỉ có thể chiếu từ phía tây lại. Đồng cỏ ở đằng đông, cây cổ thụ ở đằng tây, nếu bị cáo mặt nhìn về phía đống cỏ thì trên mặt anh ta không thể có ánh trăng, nếu bị cáo ngảnh mặt về phía ánh trăng thì nhân chứng không thể nhìn thấy mặt anh ta. Hơn nữa, khoảng cách hơn 20m, dưới ánh trăng lờ mờ sao có thể nhìn rõ được mặt bị cáo?
- Án oan rồi! Án oan rồi!
- Tên nhân chứng giả vô liêm sỉ! Tên nhân chứng giả vô liêm sỉ!
Phiên tòa bỗng chốc náo động cả lên Quan tòa vặn hỏi “nhân chứng” tại sao lại làm chứng giả như vậy. “Nhân chứng” cúi đầu nói:
- Hung thủ cho tôi tiền, sai tôi hại người khác.
Án oan được làm rõ, Lincôn nổi tiếng khắp cả nước. Từ đó Lincôn bước lên vũ đài chính trị. Cuối năm 1860, Lincôn được bầu làm Tổng thống nước Mỹ.

CHIẾN TRANH NAM BẮC

Ngày mồng 4 tháng 3 năm 1861, Lincôn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống chính phủ Liên bang Mỹ.
Một việc kỳ lạ đã xảy ra! Cũng đúng lúc đó, 11 bang miền Nam liên kết nhau lại cũng thành lập một “Chính phủ Liên bang Mỹ”, bầu một người tên là Đavit làm Tổng thống. Nước Mỹ bỗng chốc bị chia làm hai miền Nam, Bắc.
Ngày 12 tháng 4, quân miền Nam pháo kích căn cứ quan trọng Samut phía ngoài Saclextơn, công khai gây ra nội chiến.
Tại sao những người miền Nam lại điên cuồng chống lại Lincôn như vậy? Nguyên nhân rất đơn giản, Lincôn là người tích cực chủ trương xóa bỏ chế độ nông nô. Thời đó, kinh tế của hai miền Nam, Bắc nước Mỹ phát triển không cân đối Miền Bắc chủ yếu là công nghiệp, chủ nghĩa tư bản phát triển. Miền Nam chủ yếu là nông nghiệp, sức lao động trong các đồn điền đều là người da đen cướp từ châu Phi về, ở đây vẫn tồn tại chế độ nô lệ. Lincôn lên cầm quyền, các chủ nô ở các đồn điền rất sợ, bèn trắng trợn phất cao ngọn cờ phản loạn.
Lincôn rất quyết đoán, ngày 15 tháng 4 ra lệnh chiêu mộ lính tình nguyện đi trừng phạt bọn nổi loạn miền Nam. Đông đảo nhân dân Mỹ nhiệt liệt hưởng ứng. Lincôn vốn chỉ muốn mộ khoảng 75.000 người, nhưng số người ghi tên lại đông gấp 10 lần. Đội quân này sĩ khí rất cao, chiến đấu dũng cảm, nhưng không có những tướng lĩnh giỏi nên trận đầu tiên đã bị quân miền Nam đánh bại, phải rút về tận ngoại thành Oasinhtơn. Dư luận nước Mỹ rất xôn xao.
Để cứu vãn tình thế, Lincôn hạ quyết tâm: “Nhất định phải giải phóng nô lệ da đen”. Ngày mồng 1 tháng 1 năm 1863, Lincôn ban bố “Mệnh lệnh giải phóng” qui định kể từ hôm đó tất cả nô lệ ở Mỹ đều thành người tự do, được chính phủ và quân đội bảo vệ, họ được bình đẳng tham gia các công việc, kể cả việc gia nhập quân đội. . . Khi hạ bút ký lệnh này, Lincon rất xúc động, tay run run hầu như viết không thành chữ. Ký xong, mọi người có mặt vỗ tay hoan hô, ào lên bắt tay ông, khi đó tay ông vẫn còn đang run run. Lệnh giải phóng ban bố, người da đen phấn khởi kéo đến gia nhập quân đội, tất cả lên đến bốn năm mươi vạn. Họ và người đa trắng hăng hái ra trận, đánh nhau với quân miền Nam ba ngày ba đêm ở Gơtixbua, giết hàng vạn quân địch, giành một trận thắng lớn đầu tiên kể từ khi xảy ra chiến tranh Nam - Bắc. Nhân dân Mỹ vui mừng phấn khởi, tụ họp nhau lại ăn mừng.
Hôm sau, con trai của Lincon đến văn phòng Tổng thống, thấy Lincôn nước mắt đầm đìa ngồi khóc bên bàn làm việc.
Người con thấy lạ bèn hỏi:
- Thưa cha, xảy ra chuyện gì vậy?
- Trận này đánh tồi quá!
- Chẳng phải đã thắng lớn đó sao? Cả nước đang ăn mừng đấy thôi.
- Không, sĩ quan chỉ huy mặt trận không nghe lệnh cha để cho quân miền Nam tháo chạy. Chúng ta còn phải đánh nhau với chúng, sau này không biết còn chết bao nhiêu thanh niên nữa. Lincôn tuy không phải xuất thân từ quân nhân nhưng hiểu chuyện trận mạc. Thắng hay bại trong chiến tranh không phải ở chuyện được hay mất một thành phố hay một địa phương, mà là phải tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Thế là Lincôn quyết định cử Grant, một vị tướng trẻ, làm thống soái một phương diện quân tiến thẳng xuống cửa sông Mitsitsipi, phong tỏa giao thông đường thủy của miền Nam. Theo Lincôn, chỉ có Grant mới biết chỉ huy chiến đấu.
Ngày 4 tháng 7, Lincôn nhận được điện của Grant từ mặt trận đánh về. Quả như dự đoán, toàn bộ 4 vạn quân miền Nam chặn ở nút giao thông Vichxbua trên sông Mitsitsipi bị đánh bại phải đầu hàng. Lincôn rất vui mừng, lập tức đánh điện triệu Grant về Nhà Trắng và đích thân trao quân hàm trung tướng cho Grant. Khi đó quân hàm cao nhất ở nước Mỹ là thiếu tướng, Grant là trung tướng đầu tiên của nước Mỹ. Đồng thời Lincôn giao cho Grant thống lệnh toàn bộ quân đội Mỹ.
Thời điểm tiêu diệt hoàn toàn quân miền Nam đã tới! Grant chia quân làm 4 đường: cho hải quân phong tỏa phía đông bờ biển Đại Tây Dương; phái Secman dẫn 10 vạn quân vu hồi hơn 1000 km thọc sâu vào hậu phương quân miền Nam; phái Sliêđen dẫn kỵ binh bao vây đường phía tây của quân miền Nam; còn mình đích thân dẫn đại quân tiến thẳng xuống miền Nam. Grant chủ trương bao vây bốn mặt tiêu diệt hoàn toàn quân miền Nam, kết thúc cuộc chiến.
Gánh vác nhiệm vụ nặng nề nhất là Secman. Bộ đội của ông phải vào sâu hậu phương địch, lặn lội đường trường, đạn dược và lương thực ai cung cấp? 10 vạn quân đã hành quân được hai tuần vẫn không có tin tức gì. Lincôn lo lắng không chợp được mắt, ngày đêm mong tin cuộc tiến quân. Đúng lễ Noen ngày 25 tháng 12 năm 1864, tin vui đã tới. Secman đã chiếm được Atlanta thủ phủ của bang Gióocgia, tiếp đó là thành phố biển Savanna, bắt liên lạc được với hạm đội hải quân và đã bao vây được toàn bộ quân miền Nam.
Sécman làm thế nào thọc sâu vào được hậu phương quân miền Nam đến ngàn dặm như vậy? Phép màu của ông là giải phóng nô lệ da đen. Quân của Secman đánh tới đâu, nô lệ da đen nơi đó được giải phóng, đã giúp đỡ quân miền Bắc tịch thu lương thực và vũ khí của chủ nô ở các đồn điền. Quân đội được dân chúng ủng hộ sao lại không đánh thắng?
Quân miền Nam khi đó vô cùng rối loạn. “Tổng thống” vội vàng chạy trốn theo đường biển. “Tổng tư lệnh” vội vã đưa quân phá vây phía tây. Khi quân miền nam rút chạy được hơn l60 km thì kỵ binh của Sliêđen đuổi kịp chặn đứng đường chúng rút chạy. Quân miền Nam vô kế khả thi, ngày mồng 9 tháng 4 năm 1865 toàn bộ đầu hàng. Cuộc chiến tranh Nam Bắc kéo dài vừa tròn 4 năm đã kết thúc thắng lợi với sự tan rã hoàn toàn của quân đội miền Nam.
Năm hôm sau, tối ngày 14 tháng 4 năm 1865, Lincôn vui vẻ hào hứng cùng phu nhân đến nhà hát lớn Pho ở Oasinhtơn xem ca kịch. Khi họ bước vào ghế lô, khán giả trong nhà hát đứng cả dậy hoan hô, tiếng vỗ tay vang dậy cả nhà hát kéo dài cho tới khi vở diễn bắt đầu. Đúng lúc đó, một bóng đen đột nhiên xông vào ghế lô của vợ chồng Lincôn. Chỉ nghe thấy một tiếng súng nổ “đoành”, Lincôn đã gục ngay xuống chỗ ngồi. Bóng đen lao vọt lên sân khấu hét to: “Ta báo thù cho người miền Nam!” Rồi nhảy ra ngoài cửa sổ. Một con ngựa to khỏe đã chờ sẵn ngoài cửa sổ, hung thủ nhảy lên ngựa phóng đi mất hút.
Mấy hôm sau hung thủ bị bắt. Hắn tên là Giôn Buxơ, diễn viên của nhà hát. Hắn là một gián điệp từ miền Nam tới. Khi bị bắt, hắn dùng súng ngoan cố chống lại nên bị bắn chết, cuối cùng không biết ai phái hắn tới, thủ phạm dấu mặt đã trốn thoát. Sự kiện này chứng tỏ sự tàn bạo và ngoan cố của bọn chủ nô miền Nam. Nhưng sự nghiệp giải phóng nô lệ da đen đã thành trào lưu lịch sử, không kẻ nào ngăn chặn nổi. Xóa bỏ được chế độ nô lệ, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã có bước phát triển rất mạnh mẽ.
Lincôn đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nô lệ da đen, cống hiến của ông được mọi người ca ngợi. Hơn 100 năm sau, năm 1982, nước Mỹ tổ chức thăm dò dư luận xem trong 40 vị tổng thống các khóa của nước Mỹ, ai là vị “Tổng thống tốt nhất”, Lincôn là người đứng đầu danh sách.