Thế giới 5000 năm

Acơba

 ACƠBA

Ông vua thế hệ thứ ba của vương triều Môgôn là Acơba. Khi lên ngôi ông mới 14 tuổi, chính quyền hoàn toàn nằm trong tay tể tướng. Tể tướng cậy mình có công, hống hách ngang ngược, giết bừa bãi những người chống đối, thậm chí xử tử cả những người bạn tốt của Acơba, còn âm mưu cướp ngôi: Acơba tròn 18 tuổi liền giành lại quyền bính, đích thân chủ trì triều chính.

Sau khi Acơba lên cầm quyền, quý tộc và giáo phái nổi loạn khắp nơi, ngôi vua lung lay. Acơba đích thân thống lĩnh đại quân đàn áp bọn phản loạn. Ông xếp hơn 2000 đầu lâu thành một ngọn tháp sọ người rất đáng sợ, để răn đe cảnh cáo bọn làm loạn.

Tiếp đó, ông chỉnh đốn công việc nội chính. Đầu tiên ông ra lệnh đo đạc lại ruộng đất, thu thuế đúng theo đẳng cấp khác nhau, không được tùy tiện tăng giảm; còn ra lệnh xóa bỏ thuế thu theo đầu người và thuế phụ thu ruộng đất, để giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân; những năm thiên tai nặng nề, nhất loạt miễn thuế, ngoài ra còn áp dụng những biện pháp có hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp và thủy lợi.

Khi ấy ở Ấn Độ phổ biến khắp nơi một thứ phong tục ngu muội, tàn nhẫn: chồng chết, người vợ thường phải nhẩy vào đống lữa để chết theo chồng. Nghe nói phong tục này có từ thời vương triều Gupta thế kỷ IV. Acơba rất căm ghét đối với tập tục xấu xa này đã kéo dài hơn 1000 năm. Ông cử ra mấy viên quan chuyên xem xét để phân biệt rõ ai là quả phụ thật lòng muốn chết theo chồng, để bảo vệ những phụ nữ không muốn bỏ mạng vì chuyện này.

Một hôm, Acơba đang tiệc tùng vui vẻ trong cung, chợt một viên quan chuyên xem xét chuyện trên tới gần Acơba, nói nhỏ rằng:

- Tâu bệ hạ, bà quả phụ cố Tổng đốc Bănglađet muốn nhẩy vào lửa!

- Khi nào?

- Vào ngày mai ạ!

- Được, bây giờ ta đến ngay. . .

Acơba nói xong liền đặt cốc rượu xuống đứng dậy tức tốc ra khỏi cung.

Acơba biết, bà quả phụ Tổng đốc Bănglađet là một phụ nữ trẻ thông minh tài giỏi, quyết không muốn nhảy vào đống lửa.

Ông cưỡi tuấn mã, đem theo mười mấy thị tùng, tiền hô hậu ủng, nhanh chóng tới Bănglađet. Tới phủ Tổng đốc, chẳng đợi ai đón tiếp, Acơba đi thẳng vào bên trong. Chỉ thấy trong sân lớn, rất nhiều người vây quanh một đống lửa, lửa cháy ngùn ngụt, một phụ nữ trẻ được mọi người dìu đang khóc lóc đi về phía đống lửa.

Đức Vua đá tới. . .

Một tiếng hô lớn ngoài cửa, những người quanh đống lửa vội vàng quỳ cả xuống. Người phụ nữ trẻ đang khóc ấy chính là quả phụ của Tổng đốc vừa qua đời. Bà ngẩng đầu nhìn, đúng là vua Acơba, liền nhìn người với ánh mắt mong chờ và cầu xin.

Acơba bước tới bên, nhẹ nhàng hỏi:

- Bà làm như vậy, có phải tự nguyện hay không?

- Muôn tâu Thánh thượng, kẻ hèn mọn này không dám nói dối, hạ dân vốn không muốn như thế này, chỉ vì nhà chồng sợ hạ dân hưởng mất một phần tài sản của Tổng đốc, cho nên ép buộc hạ dân nhẩy vào lửa chết theo chồng. - Quả phụ nói xong lại khóc rất đau khổ.

- Đã thế, ta miễn cho? - Acơba nói xong, quay ra bảo mọi người: - Tất cả nghe thấy chưa, từ nay về sau bất cứ ai, cũng không được ép buộc vợ góa chết theo chồng, kẻ nào trái lệnh, trừng trị nghiêm khắc!

Mọi người nghe xong, đành phải đồng thanh tán thành và lập tức dẹp bỏ nghi thức hỏa táng.

Quả phụ cố Tổng đốc Banglađet đã được cứu sống, nhưng hành vi tuẫn táng dã man này vẫn không thể nào cấm được hoàn toàn. Mãi tới 250 năm sau, Ấn Độ mới có pháp lệnh ngăn cấm hủ tục nhẩy vào lửa chết theo chồng.

Môgôn là một quốc gia theo đạo Islam, còn Ấn Độ thì Ấn Độ giáo đã lưu truyền từ lâu đời, vì thế đấu tranh giáo phái và khởi nghĩa giáo phái liên tiếp xẩy ra. Để điều hòa quan hệ giữa Ấn Độ giáo và đạo Islam, Acơba tuyên bố tín ngưỡng tự do, bình đẳng tôn giáo. Ông chú ý tuyển chọn một số nhân sĩ Ấn Độ giáo làm quan chức cao cấp, và lấy con gái quý tộc theo Ấn Độ giáo làm hoàng hậu.

Năm 1581, ông lại sáng lập ra “Thánh giáo” không có Thượng đế, không có nhà tiên tri, không có giáo điều. Tín đồ Thánh giáo coi Acơba là Thượng đế, khi gặp nhau thì chào bằng cách gọi tên Acơba. “Thánh giáo” không có đền thờ, cũng không có cầu nguyện, chỉ đòi hỏi hàng ngày yêu quý bảo vệ sinh mạng động vật, ra sức bố thí, cứu tế hoặc làm những việc tốt. Một đặc điểm của thánh giáo Acơba, là không cưỡng bức người ta phải tin tưởng “Thánh giáo”. Vì thế, tín đồ Ấn Độ giáo chuyển sang theo “Thánh giáo” không nhiều, tín đồ đạo Islam phản đối “Thánh giáo” cũng không ít. Acơba không hề quan tâm chuyện này. Những biện pháp ấy, đã làm dịu được tình hình nhân dân Ấn Độ chống lại đạo Islam, khởi nghĩa tôn giáo cũng được dẹp yên.

Acơba tuy mù chữ, nhưng hầu như ngày nào cũng có người đọc các loại sách cho ông nghe. Số trang sách đọc đều được trả thù lao. Trí nhớ ông rất tốt, nghe đọc đến đâu nhớ đến đấy, với kiến thức uyên bác thu lượm được bằng cách đó, ông trao đổi với những người có học vấn về những vấn đề văn học, triết học, tôn giáo. Ông nuôi dưỡng hơn 100 họa sĩ, chủ yếu là tín đồ Ấn Độ giáo. Trong cung hàng tháng tổ chức ba bốn lần triển lãm tranh, ông bình luận từng bức tranh và có phân loại trao thưởng.

Acơba còn nuôi dưỡng nhiều nhạc sĩ, hàng ngày lần lượt nghe âm nhạc các vùng Ấn Độ, Ba Tư, Trung Á, Casơmir. Bản thân ông cũng sáng tác bài hát, còn ra lệnh phiên dịch nhạc phổ tiếng Sankrit thành tiếng Ba Tư, rồi trình diễn bằng tiếng Ba Tư. Rất nhiều quan lại Ấn Độ giáo học tiếng Ba Tư, đồng thời nhiều quan lại đạo Islam cũng viết được thơ ca bằng tiếng Ấn Độ, như vậy đã thúc đẩy được giao lưu văn hóa Ba Tư và văn hóa Ấn Độ.

Vì khéo biết cách giúp dân làm giầu và giỏi dùng người, cùng với chủ trương bình đẳng dân tộc, tôn giáo về chính trị, đã hòa hoãn được mâu thuẫn trong nước, khiến nhân dân sống tương đối yên ổn. Về quân sự, từ năm 1560, Acơba trong vòng 15 năm đã thống nhất được miền bắc Ấn Độ, và trong thời gian 16 năm đã mở rộng lãnh thổ tới miền tây bắc xa xôi. Cuối cùng, trong ba năm, đã dẹp yên được mấy vương quốc miền nam, từ đó xây dựng được một Vương triều Môgôn lớn mạnh.

Tháng 10 năm 1605, Acơba qua đời, những người sau kế tiếp làm vua như Sa Jahan (Chão Djahãn) và Ôrangdep (Aurangzeb) vẫn là thời kỳ cường thịnh nhất của vương triều Môgôn. Sau khi Ôrangdep qua đời, con cháu tranh nhau ngôi vua, thường xuyên xẩy ra nội chiến. Tình trạng hỗn loạn này là thời cơ cho người ngoài xâm lược. Năm 1764, người Anh đã xông vào và chinh phục Ấn Độ, trở thành kẻ thống trị bán đảo Ấn Độ. Từ đó, vương quốc Môgôn trở thành thuộc địa của nước Anh.

TOYOTAMI HIĐÂYÔSI

Từ năm l467, Nhật Bản bước vào “thời đại Chiến Quốc”. Khi ấy Nhật Bản chia thành 66 nước chư hầu, tiến đánh lẫn nhau, mấy chục vạn quân hỗn chiến liên miên. Kinh đô phồn hoa biến thành nơi hoang tàn trơ trụi, nhân dân đói khổ chẳng có chỗ nương thân.

Tới giữa thế kỷ XVI vua nước chư hầu Ovari (nay là vùng Koya) ở miền trung Nhật Bản, tên là Ôđa Nobunaga, thế lực ngày một mạnh lên. Ôđa khác với người Nhật thông thường. Người ta tin theo đạo Phật, ông lại tin theo đạo Thiên chúa; người khác khi tác chiến thì dùng mã tấu, giáo dài, quân của ông thì lại dùng toàn súng ống mua của phương Tây. Chỉ trong vòng 11 năm, ông tiêu diệt được 36 nước chư hầu khác. Năm 1573, Ôđa tiến vào Kinh đô, độc chiếm quyền bính, chấm dứt “Thời đại Chiến Quốc” kéo dài hơn 100 trăm.

Ôđa nắm triều chính tất cả 9 năm. Năm 1582, bộ hạ của ông làm phản, vây hãm ông trong một ngôi chùa ở Kinh đô rồi thiêu chết ông ở đấy. Cả nước lại rơi vào tình cảnh hỗn loạn.

Trong đám thủ hạ của Ôđa có một đại tướng tên là Hiđâyôsi, ông tuy xuất thân thấp hèn, nhưng trong nam chinh bắc chiến đã lập được nhiều kỳ tích, trở thành một tướng soái có thực lực nhất. Sau khi Ôđa chết, Hiđâyôsi với danh nghĩa ủng hộ Thiên hoàng, thống lĩnh hơn 20 vạn quân, lần lượt dẹp yên vùng gần kinh thành và các nước chư hầu ở Tứ Quốc, Cửu Châu, Quan Đông, đến năm 1596 thì hoàn thành thống nhất đất nước.

Chư hầu các nơi tuy đã bị đánh bại, nhưng trong lòng không phục, Hiđâyôsi bèn nghĩ ra một chủ ý.

Hiđâyôsi ban một đạo dụ, tại kinh đô bị tàn phá xây dựng một tòa hoàng thành đẹp nhất từ xưa tới nay. Thợ giỏi trong toàn quốc đều được thu gom về đây, ngày ngày có 3 vạn dân công chuyển những tảng đá rất lớn từ núi rất xa về. Trong mấy năm, hoàng thành xây xong. Hiđâyôsi đặt tên là “Thành Tụ Lạc”.

Một hôm, Hiđâyôsi mời Thiên hoàng, hoàng tử, phi tần đến thành Tụ Lạc, ra lệnh cho chư hầu lớn nhỏ trong cả nước vào cung triều kiến Thiên hoàng. Hiđâyôsi mặc quần áo đẹp thêu vàng, dẫn đầu bá quan văn võ khấu kiến Thiên hoàng trước.

- Hạ thần bái kiến Thiên hoàng, Thiên hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Thiên hoàng biết rõ, Hiđâyôsi từ lâu đã nắm hết mọi quyền bính, lúc này chẳng qua chỉ là mượn danh nghĩa Hoàng thượng để giở trò với các chư hầu. Ông liền đẩy thuyền theo nước phán rằng:

- Ái khanh vất vả lập công lớn, trẫm phong khanh là “Quan bạch”, ban cho họ Tôyôtami. Khanh cần bao nhiêu mỹ nữ của cải, cứ thoải mái lựa chọn.

- Tạ ơn Hoàng thượng! Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế! Tôyôtami Hiđâyôsi triều bái xong, đứng ra phía bên phải ngai rồng, văn võ bá quan cũng lần lượt được gia phong ban thưởng.

“Quan bạch” là chức quan hành chính cao nhất, tương đương với Tể tướng. Khi chư hầu triều bái Thiên hoàng, Toyotami Hiđâyôsi với tư cách Quan bạch, ra lệnh cho các chư hầu thề thốt: “- Ủng hộ Thiên hoàng, phục tùng Quan bạch, nếu trái lời thề, chém đầu giết cả họ!”

Sau khi thề bồi, mở yến tiệc lớn 5 ngày, tiền của xa phí vượt hẳn đế vương mọi thời đại. Qua lần trình diễn khổ công bố trí này, Tôyôtami Hiđâyôsi đã coi như thần phục được các chư hầu.

Tôyôtami khác với Ôta. Ông cho rằng đạo Thiên chúa là đạo của Tây, tin theo đạo Tây sẽ bị người Tây sai khiến, cho nên ông công bố một đạo dụ, cấm đạo Thiên chúa trong cả nước, khôi phục tín ngưỡng đạo Phật. Tiếp đó, ông lại ban một đạo dụ nữa: “- Để xây dựng tượng Phật lớn, cần đinh sắt, cưa sắt. Những vũ khí giáo mác trong nhà dân, phải nộp hết cho phủ quan để dùng cho việc đúc tượng Phật. Hạn trong 30 ngày, không được trái lệnh: Đây là chuyện lớn bảo đảm chắc chắn cho muôn dân hoan lạc yên ổn, mong tất thẩy phải thi hành”.

Phải chăng đúng là thiếu đinh sắt và cưa sắt? Không phải, đây là mưu kế của Toyotami: Vì rằng, từ ngày chiến tranh lung tung tới nay, nông dân nghèo khổ và võ sĩ chẳng có chỗ nương thân, ào ào nổi lên phản kháng. Toyotami mượn chuyện làm tượng Phật để thu tước lấy vũ khí, trên thực tế là để đàn áp nhân dân khởi nghĩa.

Chỉ ít ngày sau, khắp nơi lan truyền một chuyện kỳ lạ: “Quan bạch đại nhân là “mộng nhật nhi sinh”, cứ nơi nào mặt trời chiếu tới, thì đều phải thần phục ông”.

Thế nào là “mộng nhật nhi sinh”? Nghe nói, khi sinh Tôyôtami Hiđâyôsi, mẹ ông nằm mộng, thấy Mặt trời. Mặt trời chiếu sáng khắp mọi nơi, cho nên mọi người phải đối xử với Tôyôtami Hiđâyôsi như đối xử với Mặt trời.

Truyền thuyết này từ đâu ra. Hóa ra đây cũng là mưu kế của Tôyôtami. Ông muốn lợi dụng mê tín để hù dọa nhân dân, đồng thời, còn có dã tâm lớn hơn. Cái gọi là “Cứ nơi nào mặt trời chiếu tới, đều phải thần phục”, chính là Tôyôtami Hiđâyôsi muốn thống trị toàn thế giới.

Truyền thuyết này xuất hiện, các quan chức văn võ đã biết rõ ý đồ của Tôyôtami, đều tới dinh Quan bạch chúc mừng. Tôyôtami đã nêu ra với họ “Kế hoạch ba điểm”.

Kế hoạch ba điểm thế nào?

Điểm một, trong hai năm, tiến quân vào Triều Tiên, tiêu diệt nước Triều Tiên, biến nơi đây thành bàn đạp tiến quân vào đại lục Châu Á.

Điểm hai, từ năm thứ ba, tiến quân vào đại lục Châu Á, tiêu diệt triều Minh Trung Quốc, dời thủ đô Nhật Bản tới Bắc Kinh.

Điểm ba, tiếp sau mấy năm, từ đại lục Châu Á tiến quân xuống phía nam, tiêu diệt Ấn Độ, thống nhất Châu Á, xưng bá toàn thế giới.

- Thưa các vị đại nhân. - Tôyôtami Hiđâyôsi ưỡn ngực lên nói. - Miễn là các vị dốc sức tác chiến, chiếm được Trung Quốc, tôi sẽ phong đất cho các vị gấp 10 lần! Ha ha! Tôi đã dẹp yên 66 châu Nhật Bản, giờ đây tôi muốn chiếm lấy 400 châu Trung Quốc!

- Tất cả tuân theo sự sai bảo của Quan bạch đại nhân! Xin hỏi khi nào bắt đầu xuất chinh?

Văn võ bá quan đang mưu toan gây chiến kiếm lời lớn, đua nhau cúi đầu khom lưng uốn gối, muốn giành được lợi lộc từ Tôyôtami Hiđâyôsi.

Nào ngờ, đúng vào lúc đó, con nuôi của Toyotami Hiđâyôsi là Toyotami Hiđêsugu viết về một lá thư làm mọi người cụt hứng. Anh ta không muốn chiến đấu nữa. Người con nuôi cho rằng, bản thân xông ra chiến trận, chẳng may thiệt mạng, lợi lộc sẽ về tay bố nuôi cả.

Tôyôtami Hiđâyôsi gãi gãi đầu, nhíu mày nghĩ, bỗng nảy ra một kế. Ông đưa tay cầm chiếc bút lông, viết ngay một bức thư rồi bảo thủ hạ gửi đi gấp.

Người con nuôi nhận được thư, lập tức vui vẻ ngay, lớn tiếng tuyên bố với phó quan:

- Truyền lệnh các tướng quân lập tức họp bàn công việc, quyết định khi nào tiến đánh Triều Tiên!

Vì sao tư tưởng cửa con nuôi Tôyôtami thay đổi nhanh như vậy? Hóa ra là Tôyôtami Hiđâyôsi đã nói trong thư thế này: “Chỉ cần chiếm được Triều Tiên, tiến sang tới Bắc Kinh, con sẽ là Quan bạch của Trung Quốc!”.

Cha con Tôyôtami đầu óc quả ngông cuồng, đúng là nằm mơ giữa ban ngày! Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên đúng là bắt đầu từ lúc đó.

LÝ THUẤN THẦN VÀ “THUYỀN RÙA”

“Thuyền rùa” là thế nào? Đấy là tên gọi dân dã người ta đặt cho một loại chiến thuyền do người Triều Tiên phát minh ra từ rất sớm. Vì loại thuyền này có một phủ một lớp vỏ chụp bên ngoài, hình dáng có phần rất giống mai rùa, cho nên đã có người gọi là “Thuyền rùa”. Nửa sau thế kỷ XVI, loại chiến thuyền này được danh tướng yêu nước Triều Tiên Lý Thuấn Thần cải tiến, trở nên có sức tấn công rất lớn.

Lý Thuấn Thần sinh năm 1545 vốn là một quan nhỏ coi ngục ở một huyện thành Triều Tiên, về sau được thăng tới chức Tướng thủy sư. Ông không những là một nhà quân sự xuất sắc mà còn là một nhà chế tạo thuyền nổi tiếng.

“Thuyền rùa” do Lý Thuấn Thần chỉ huy đóng, dài hơn 10 trượng, rộng hơn 1 trượng, trên nóc có mui phủ làm bằng gỗ dầy, rồi bọc bằng tấm sắt, có thể yểm hộ cho thủy quân trên thuyền tránh được đạn của địch. Mui và mạn thuyền có lắp rất nhiều đinh sắt và móc sắt, quân địch rất khó leo lên thuyền. Mũi thuyền lắp 11 một chiếc đầu rồng, trên đầu rồng có hai lỗ châu mai; mũi và đuôi thuyền đều lắp lao nhọn bằng kim loại, lúc cần thiết có thể dùng để tấn công thuyền địch. Trước sau phải trái thân thuyền có 74 lỗ châu mai, các xạ thủ có thể nằm phục tại đó để bắn ra. Hai cạnh khoang thuyền lắp 10 đôi mái chèo, khi sử dụng tất cả thuyền chạy như bay; thân thuyền rất lớn, có thể chứa được rất nhiều nước ngọt và lương thực, có thể chiến đấu một thời gian dài trên biển.

Mùa xuân năm 1592, Tôyôtami Hiđâyôsi vin cớ Triều Tiên từ chối giúp Nhật Bản tiến đánh Trung Quốc, đã điều động gần 20 vạn đại quân, 700 chiến thuyền, đổ bộ lên Phủ Sơn, Triều Tiên.

Triều Tiên khi đó, đang là thời kỳ thống trị của vương triều họ Lý. Nội bộ triều đình tranh giành quyền chức, quốc phòng lơi lỏng, quân đội không được huấn luyện. Quân Nhật vượt qua eo biển Đối Mã, từ Phủ Sơn đổ bộ lên, chỉ trong ba tháng đã liên tiếp đánh chiếm những thành phố quan trọng như kinh đô Triều Tiên, Hán Thành, Bình Nhưỡng, Khai Thành. Vua chạy trốn tới bờ sông Áp Lục. Triều Tiên đứng trước nguy cơ diệt vong. Tôyôtami Hiđâyôsi thấy tiến quân thuận lợi, vô cùng đắc ý huênh hoang nói với bộ hạ:

- Các ông hãy chờ xem, thần dân Triều Tiên, Trung Quốc sẽ tới quỳ lạy trước mặt ta!

Đứng trước nguy vong của tổ quốc, nhân dân Triều Tiên được sự chỉ huy của tướng lĩnh yêu nước đứng lên hành động, lao vào cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ tổ quốc.

- “Tôi nguyện lấy cái chết báo đền đất nước, đánh thẳng vào hang hùm, quét sạch bọn yêu ma, rửa nhục cho tổ quốc!” Đó là lời thề của Tướng thủy sứ Lý Thuấn Thần. Theo tin tức nắm được, ông sớm nhìn thấy dã tâm xâm lược của Nhật Bản. Vì vậy, ông vô cùng coi trọng huấn luyện bộ đội, và tích cực đóng binh thuyền, làm vũ khí. Sau khi chiến tranh nổ ra, ông nhiều lần bầy tỏ quyết tâm thề chết báo đền đất nước trước các tướng sĩ dưới quyền mình. Các tướng sĩ rất xúc động trước tinh thần yêu nước của ông, người nào cũng vô cùng căm giận, quyết sống mái với quân thù.

Đầu tháng 5 năm ấy, Lý Thuấn Thần được biết tại cảng Ngọc Phố có một số chiến thuyền Nhật Bản, quân lính trên thuyền đều lên bờ cướp bóc của cải nhân dân, chỉ còn một ít ở lại canh gác, liền lập tức chỉ huy 95 “thuyền rùa” tập kích cảng Ngọc Phố.

Quân Nhật chưa bao giờ thấy loại thuyền này, trông từ xa không biết là cái gì, tranh cãi nhau ầm ĩ.

- Trông kìa, cái gì thế nhỉ?

- À, có lẽ là một đàn rùa lớn!

Sau một lát, “rùa” ngày một đến gần, hóa ra là chiến thuyền, lính gác hốt hoảng chạy lên bờ báo cáo sĩ quan chỉ huy:

- Báo. . . báo cáo, có một đàn “rùa” lớn đang bơi đến cảng!

Sĩ quan chỉ huy đưa ống nhòm lên nhìn, quát lớn:

- Đồ ngu, rùa đâu mà rùa. Đấy là thuyền rùa, thuyền rùa. Mau lên thuyền chuẩn bị: “Rút”.

Khi quân Nhật hốt hoảng chạy lên thuyền, chuẩn bị nhổ neo tháo chạy, thì thuyền rùa của Lý Thuấn Thần đã tới cảng.

- Bắn! - Lý Thuấn Thần đứng trên mũi thuyền ra lệnh, trong khoảnh khắc, mặt biển khói đạn mù mịt, tiếng súng nổ rầm trời.

- Mau, bắn trả! Bắn trả! Sĩ quan chỉ huy Nhật Bản gào lên liên hồi. Nhưng chẳng kịp nữa rồi. Mười mấy chiến thuyền chung quanh đã bốc cháy.

Trận chiến đấu này, thuyền Nhật bị chìm bị cháy hơn 40 chiếc, binh lính thương vong không biết bao nhiêu. Bọn tàn quân leo lên một đảo hoang, trốn trong các lùm cây, coi như thoát chết. Thủy quân Triều Tiên chỉ có một người bị thương. Chiến đấu kết thúc. Lý Thuấn Thần dùng vũ khí đã tước được trang bị cho quân lính, rồi lại phân phát cho quân lính hơn 300 thạch lương thực và chăn màn quần áo lấy được của địch.

Sau trận đánh ấy, thủy quân của Lý Thuấn Thần còn đánh nhiều trận khác, bắn chìm mấy chục thuyền của Nhật. Khi ấy, chính phủ triều Minh Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ Triều Tiên, cử quân tiếp viện đến cùng chiến đấu với quân đội Triều Tiên, nhanh chóng thu phục lại Bình Nhưỡng, Khai Thành, đuổi quân xâm lược Nhật Bản khỏi miền bắc Triều Tiên. Tôyôtami Hiđâyôsi buộc phải đàm phán đình chiến với Triều Tiên.

Cũng vào lúc này, bắt đầu một âm mưu hãm hại Lý Thuấn Thần.

Đầu sỏ quân xâm lược Nhật Bản Tôyôtami Hiđâyôsi cho một tên gián điệp trà trộn vào nội bộ chính quyền Triều Tiên, phao tin đồn nhảm nói rằng, Lý Thuấn Thần cấu kết với người Nhật, tự ý lén lút thả tướng lĩnh cao cấp Nhật Bản đã bị bắt sống. Đấu đá phe phái nội bộ Triều Tiên khi ấy gay gắt, một số gian thần ghen ghét và thù hằn Lý Thuấn Thần nghe thấy tin đồn này, nhao nhao tố cáo với nhà vua. Nhà vua ngu si mê muội chẳng làm rõ trắng đen phải trái gì, lập tức gán cho ông tội “Lừa dối nhà vua, thả tướng lĩnh địch”, bắt giam ông vào nhà lao.

Lý Thuấn Thần bị vu cáo mất chức, bọn xâm lược Nhật Bản đã nhổ được cái gai trước mắt. Tháng 2 năm 1597, Tôyôtami Hiđâyôsi vin cớ đàm phán không thành, lại đem 15 vạn đại quân xâm lược Triều Tiên. Tình hình lúc đó cực kỳ bất lợi cho Triều Tiên. Lục quân trong suốt thời gian 4 năm đàm phán không hề được tăng cường; tướng hải quân mới bổ nhiệm lại là kẻ ngu si bất tài. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, lục quân Triều Tiên bị đánh bại, hải quân hầu như bị tiêu diệt, đất đai lại bị quân Nhật chiếm mất rất nhiều.

Trong giờ phút nghiêm trọng nước mất nhà tan, đất nước Triều Tiên từ trên xuống dưới đều mong muốn Lý Thuấn Thần đứng ra lãnh đạo chống Nhật. Rất nhiều tướng sĩ yêu nước liên danh dâng sớ, yêu cầu phục chức cho Lý Thuấn Thần. Chính quyền Triều Tiên dưới áp lực của dư luận toàn quốc, buộc lại phải bổ nhiệm Lý Thuấn Thần làm Tướng thủy sư.

Lý Thuấn Thần sau khi được phục chức, thủy quân chỉ còn lại 12 thuyền rùa cũ nát và hơn 100 binh sĩ. Nhưng ông không chút nản lòng. Ông chỉnh đốn lại thủy quân, đoàn kết những tướng sĩ kiên trì chống Nhật, loại bỏ và trừng phạt những sĩ quan nhát gan sợ chết, thu hút nông dân trung dũng vào thủy quân, đồng thời động viên sức người sức của, tăng cường đóng thuyền rùa, sau một thời gian nỗ lực đã xây dựng được một đội thủy quân lớn mạnh.

Cùng lúc đó, chính phủ triều Minh nhận lời yêu cầu của chính phủ Triều Tiên, lại cử rất nhiều quân tiếp viện tới. Thủy quân Trung Quốc do Trần Lân và Đặng Tử Long thống lĩnh, phụng mệnh phối hợp với tướng quân Lý Thuấn Thần. Thủy quân Triều, Trung cùng nhau phối hợp tác chiến, nhiều lần đánh bại quân xâm lược Nhật Bản.

Mùa đông năm 1597, liên quân Triều - Trung mở trận đại quyết chiến với quân xâm lược Nhật Bản. Trước hết, lục quân Triều Tiên chia thành ba đường tả trung hữu, tấn công ba cứ điểm lớn của quân Nhật, nhanh chóng hình thành một vòng vây chặt chẽ. Lục quân Nhật Bản cầu viện hải quân. Lý Thuấn Thần được tin này, lập tức bố trí hải quân Triều Tiên và Trung Quốc trên biển Lộ Lương nơi hải quân Nhật phải đi qua.

Đêm hôm ấy, hơn 500 chiến thuyền Nhật Bản tiến đến biển Lộ Lương. Lý Thuấn Thần hạ lệnh, thủy quân Triều - Trung lập tức tấn công, mấy chục thuyền rùa ào ào tấn công, dùng lao nhọn đầu thuyền công phá thuyền địch. Trên mặt biển lửa cháy ngút trời, sáng rực như ban ngày, rất nhiều dũng sĩ còn leo lên cả thuyền địch chém giết, xác giặc ngổn ngang.

Hải quân Nhật mất hơn 40 chiến thuyền, chuẩn bị tháo chạy, thủy quân Triều - Trung đuổi riết không tha. Lý Thuấn Thần đích thân chỉ huy hơn 10 thuyền rùa, lệnh cho các tay chèo đốc hết sức, lao vượt qua thuyền giặc, chặn đứng đường rút chạy của chúng. Giặc thấy khó bề trốn thoát, bèn tập trung hỏa lực bắn vào thuyền chỉ huy Lý Thuấn Thần.

Trong làn pháo đạn dầy đặc, Lý Thuấn Thần bình tĩnh chỉ huy tác chiến. Bỗng nhiên, ông thấy thuyền chỉ huy của Đặng Tử Long Tướng thủy quân Trung Quốc bị quân địch bủa vây, bèn nhanh chóng đưa thuyền tới giải cứu, chẳng may trên đường xông tới bị trúng đạn vào ngực bên trái, máu tuôn ra xối xả, tướng lĩnh thấy ông bị thương nặng vội vàng xúm lại.

- Tướng quân, làm sao rồi! Lui mau về khoang sau! Hai người lính chạy bước tới, đỡ ông dậy.

- Trận đánh đang khẩn trương, đừng chú ý đến tôi, và cũng đừng nói gì cả, kẻo ảnh hưởng tới tinh thần quân lính. Tất cả hãy tiếp tục hăng hái chiến đấu! - Nói xong ông giao lá quân kỳ cho một bộ hạ, dặn dò ông ta thay mình chỉ huy, rồi thanh thản nhắm mắt, mãi mãi từ giã cõi đời.

Trong trận này, Đặng Tử Long Tướng thủy quân Trung Quốc đã 70 tuổi cũng anh dũng hy sinh.

“Thề bắt quân thù phải trả nợ máu”. Tướng sĩ Triều Tiên - Trung Quốc hừng hực lòng căm thù, vung tay hô lớn. Cuộc chiến đấu kéo dài tới trưa ngày hôm sau. Thủy quân Triều - Trung đã bắn chìm, bắn vỡ hơn 450 thuyền địch, tiêu diệt 15000 quân Nhật. Đám tàn quân bại tướng đã phải rút chạy khỏi Triều Tiên trước sự tấn công ào ạt của Liên quân Triều - Trung. Cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 6 năm đã kết thúc thắng lợi. Cuộc chiến đấu bắt đầu từ năm 1592, theo lịch Triều Tiên, là năm Nhâm Thìn, cho nên trong lịch sử Triều Tiên đã gọi chung hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc này là chiến tranh vệ quốc Nhâm Thìn.

Lý Thuấn Thần tuy đã hy sinh, nhưng tinh thần yêu nước của ông đời sau còn truyền tụng mãi mãi. Thuyền rùa do ông sáng tạo tiếp tục phát huy vai trò to lớn để bảo vệ tổ quốc, Nhân dân hai nước Trung Triều đã xây dựng tình hữu nghị trong công cuộc chống lại quân xâm lược Nhật Ban, tình hữu nghị ấy đời đời bên vững.

NGỌN LỬA SIMAHARA

Sau khi Tôyôtami Hiđâyôsi chết, Tokugawa Yeasu, một quân phiệt địa phương Nhật Bản thừa cơ phát động nội chiến. Qua mấy cuộc chiến tranh, thế lực còn lại của Tôyôtami Hiđâyôsi hoàn toàn bị tiêu diệt, Mạc phủ Êđô do Tokugawa Yeasu thành lập đã thống trị Nhật Bản.

Thủ lĩnh tối cao của Mạc phủ Êđô tự xưng là “Chinh di đại tướng quân”. Tướng quân chiếm hữu lãnh địa giầu có nhất trong nước, phần còn lại chia cho các chư hầu lớn nhỏ khác. Tướng quân và chư hầu tạo thành một mạng lưới dầy đặc, bóc lột dã man và kiểm soát chặt chẽ hàng triệu nhân dân Nhật Bản cùng khổ.

Năm 1634, bán đảo Simahara ở Nagasaki bị thiên tai mất mùa ghê gớm, nông dân chỉ còn sống bằng vỏ cây và rễ cỏ, nhưng lãnh chúa địa phương vẫn cứ bắt nông dân phải nộp thuế má nặng nề. Nông dân không còn biết làm thế nào, đành tụ tập nhau lại đến kêu cầu cửa quan.

- Kẻ nào không nộp thuế, thì bắt chúng nhẩy “điệu múa áo tơi”.

Lãnh chúa ra lệnh, một lũ lính tráng túm ngay lấy mấy nông dân, buộc áo tơi vào cổ vào người họ, trói giật cánh khuỷu họ lại, rồi châm lửa đốt áo tơi…

Áo tơi kết bằng lá lau khô, vốn là áo mưa của phu thuyền và nông dân Nhật Bản, bén lửa là bốc cháy ngay. Những nông dân bị hình phạt này bị lửa thiêu chạy lồng lộn lên, kêu trời kêu đất, có người lăn ra chết, có người nhẩy xuống nước mong thoát thân. . . Bọn lãnh chúa thích chí cười vang, chúng gọi thảm cảnh này là “múa áo tơi”.

- Bị hành hạ chết, chi bằng sống mái với chúng.

Một thiếu niên tuấn tú đứng bên, thấy thảm cảnh ấy đã không kìm nổi căm giận, bất giác vung nắm tay lên. Cũng may bọn lính tráng không nhìn thấy. Người nông dân đứng bên nắm chặt lấy tay anh, gật đầu tỏ ý rất khâm phục. Người thiếu niên ấy tên là Amakusa Siro Tokisada. Khi ấy cậu mới 13 tuổi, nhưng cao to vạm vỡ dũng mãnh khác thường. Nông dân Simahara đã không thể chịu dựng nổi nữa rồi. Năm 1637, họ tụ hội lại, bầu Amakusa Siro Tokisada làm thủ lĩnh, vũ trang khởi nghĩa bằng gậy gộc và giáo mác. Họ phóng hỏa thiêu cháy nha môn của lãnh chúa, cứu những nông dân đã bị bắt. Bọn quý tộc và địa chủ, kẻ bị giết kẻ bỏ chạy. Trong mấy ngày, ngọn lửa khởi nghĩa bùng lên khắp bán đảo. Nông dân và tín đồ Thiên chúa giáo tham gia khởi nghĩa lên tới hơn 4 vạn người.

Tín đồ đạo Thiên chúa vì sao lại tham gia khởi nghĩa? Chuyện này phải bắt đầu từ ngày đạo Thiên chúa từ Châu Âu truyền đến Nhật Bản năm 1637. Khi ấy, nền thống trị phong kiến Nhật Bản vô cùng đen tối, nông dân Nhật Bản sau khi nghe giáo lý đạo Thiên chúa tuyên truyền “Thượng đế còn cao quý hơn chư hầu”, “Đất đai là của Thượng đế chứ không phải của chư hầu”, đều ào ào tín ngưỡng Thượng đế, bất mãn với chư hầu. Mạc phủ Tokugawa sợ tín đồ chống lại nền thống trị Mạc phủ, nên đã cấm Thiên chúa giáo. Họ dùng dàn hỏa thiêu xử tử 50 tín đồ Thiên chúa giáo. Kết quả gây ra sự phản kháng mãnh liệt hơn của các tín đồ. Tín đồ Thiên chúa giáo nhanh chóng tăng vọt lên tới 75 vạn người trong cả nước. Tín đồ ở Simahara bị Mạc phủ và lãnh chúa địa phương bức hại nặng nề nhất, cho nên khởi nghĩa vừa bùng lên, họ đã ào ào hưởng ứng. Tín đồ Thiên chúa giáo đốt hết chùa Phật ở địa phương, xây dựng một nhà thờ mới. Họ lớn tiếng kêu gọi các làng: “Hỡi các tín đồ và các giáo sĩ, trước kia chúng ta vô tội mà phải chịu cực hình, bây giờ là lúc chúng ta phục thù!”.

Ngọn lửa chống đối ở Simahara làm cho Mạc phủ và chư hầu vô cùng sợ hãi. Họ điều động tới đây 10 vạn quân lính để đàn áp. Quân khởi nghĩa buộc phải rút vào cố thủ trong thành Simahara, quân lính vây chặt thành, ý đồ vây hãm chết quân khởi nghĩa. Nhưng ba tháng đã qua, quân khởi nghĩa không những không chết mà ý chí đấu tranh càng cao hơn.

Vào một đêm, ngoài thành có 34 tín đồ Thiên chúa giáo đã vượt qua tuyến phong tỏa của quân lính, tới được bên cổng thành. Một người lớn tiếng gọi:

- Mở cổng thành mau, mở cổng thành mau, quan quân đang đuổi riết chúng tôi. . .

Nghĩa quân giữ thành thấy một đám tín đồ Thiên chúa giáo, liền mở cổng thành. Các tín đồ nói, họ bị Mạc phủ bức hại, đến theo quân khởi nghĩa để phục thù. Một người trong bọn còn nói, đã biết một nhóm quý tộc đang trốn trong thành, chờ thời cơ để làm nội ứng cho quan quân. Mới đầu nghĩa quân tin lời họ, nhưng sau khi xét hỏi kỹ càng thì đám tín đồ này đã lộ rõ chân tướng, hóa ra họ đã bị Mạc phủ mua chuộc. Họ được lệnh trà trộn vào trong thành, chuẩn bị lừa dịp phóng hỏa đốt thành, giết chết lãnh tụ quân khởi nghĩa. Thế là, họ bị chém đầu, thủ cấp cắm vào sào dài bêu trên tường thành để người ngoài thành đều nhìn thấy.

Lại thêm một tháng nữa trôi qua, quan quân thấy không hạ được thành liền đi mời tầu chiến Hà Lan giúp đỡ chỉ trong hai ngày, hai tầu chiến Hà Lan mới tinh đã chạy tới gần thành Simahara. Người Hà Lan bắn hơn 400 phát đại bác vào thành, nhưng thành Simahara vẫn không hề suy suyển.

Một hôm vào buổi sáng, trại đóng quân của quân chính phủ nhận được một bức thư, thư buộc vào một mũi tên từ trong thành bắn tới. Thư mỉa mai họ rằng: “Làm sao các ông lại phải cầu cứu người Hà Lan? Nhật Bản chẳng phải có rất nhiều nghĩa sĩ trung trinh đấy sao? Họ trốn đi đâu cả rồi?”.

Vậy là quân khởi nghĩa đã giữ được thành tới 5 tháng ròng. Cuối cùng, vì lương thực hết không có tiếp viện, thành bị công phá. Thủ lĩnh nghĩa quân 16 tuổi Amakusa Siro Tokisađa đã chỉ huy quân dân nghĩa quân huyết chiến với quan quân ba ngày ba đêm. Hơn 4 vạn dân trong thành, phần lớn đều bị tàn sát dã man. Amakusa Siro Tokisada và ba thủ lĩnh khác đều bị giết chết. Thủ cấp của họ bị đưa tới Nagasaki bêu trước dân chúng. Mấy ngày sau, tòa thành cổ Simahara bị san thành bình địa.

Cuộc khởi nghĩa nông dân đầy bi tráng đã bị đàn áp. Mạc phủ Tokugawa bắt đầu cấm ngặt tín đồ Thiên chúa giáo hoạt động để ngăn chặn nông dân và tín đồ khởi nghĩa.

Năm 1639, để ngăn chặn sự xâm nhập của thế lực nước ngoài, Mạc phủ lại ban bố “Lệnh đóng cửa đất nước”, cấm buôn bán với nước ngoài, thương nhân và giáo sĩ các nước bị trục xuất hết, chỉ cho phép hai nước Trung Quốc, Hà Lan thông thương ở Nagasaki. Đồng thời cấm người Nhật Bản ra nước ngoài, đã ở nước ngoài thì không được về nước nữa, những kẻ vi phạm đều bị tử hình.

Chính sách đóng cửa kéo dài hơn 200 năm, tới năm 1853 dưới sức ép của nước Mỹ, mới lại mở cửa.

THÍCH KẾ QUANG CHỐNG GIẶC LÙN

Một ngày đầu tháng 5 năm 1561, vào lúc nhá nhem tối, bầu trời vô cùng ảm đạm. Trong phủ thành Đài Châu ở Triết Giang ven biển đông nam Trung Quốc, không khí quạnh quẽ vắng lặng im lìm. Đường phố nhà nào cũng cửa đóng then cài cả thành phố chìm trong không khí sắp xẩy ra tai họa lớn.

Bỗng nhiên, lan truyền một tin đáng sợ: “Rất nhiều giặc lùn đã đến Hoa Nhai cách ngoại thành 2 dặm rồi!” Mấy phu gánh thuê vừa ở Hoa Nhai về nói thế.

Thế là, dân trong thành nhốn nháo cả lên, rối rít chuẩn bị chạy nạn.

Dân Trung Quốc vì sao lại sợ giặc lùn đến vậy? Giặc lùn là bọn người thế nào?

Giặc lùn là bọn cướp biển đến từ Nhật Bản. Hàng năm thường vào tháng tư tháng năm khi nổi gió đông nam, chúng theo chiều gió đem thuyền tới ven biển Trung Quốc cướp bóc. Giặc lùn khác với bọn cướp biển thông thường, chúng là tổ chức vũ trang của một số chư hầu phong kiến và chủ chùa chiền lớn ở miền tây nam Nhật Bản. Khi ấy nam bắc Nhật Bản chia rẽ, những tàn quân bại tướng trong nội chiến, có cả bọn lãng tử vô nghề nghiệp và thương nhân, là nòng cốt của bọn cướp có vũ trang này. Hành động cướp bóc của chúng, diễn ra ngay từ những năm cuối triều Nguyên đầu triều Minh thế kỷ 14. Nhân dân Trung Quốc khi ấy gọi lũ cướp biển này là “Giặc lùn”.

Tới giữa triều Minh, hoạt động của giặc lùn ở vùng ven biển Trung Quốc đã lên tới đỉnh cao: Giặc lùn lọt vào tới đâu, thì nơi ấy bị cướp sạch, khi sắp rút đi chúng còn phóng hỏa đốt nhà, đem lại tai họa rất lớn cho nhân dân. Bà con mong mỏi tới một ngày nào đó tiêu diệt hết bọn giặc lùn này đi!

Khi ấy tướng trấn thủ vùng Ninh Ba, Thiệu Hưng, Đài Châu Triết Giang tên là Thích Kế Quang. Ông được tin giặc lùn lại đến quấy nhiêu phủ Đài Châu, bèn lập tức dàn quân, đích thân chỉ huy chủ lực tiến thẳng đến Đài Châu.

Đại quân binh mã tiến đến dưới thành, đã là trưa ngày 10. Quan binh chưa kịp ăn cơm, đã gióng trống tiến thẳng tới Hoa Nhai. Lúc sắp tới Hoa Nhai thì chạm trán quân giặc. Giặc lùn quen dùng tên lớn, giáo dài, tiến đánh theo “thế trận chữ nhất”. Quân triều đình dùng hỏa khí đánh đòn phủ đầu. Giặc bị thiệt hại, liền chia thành hai cánh tả hữu vây đánh quân triều đình. Lúc đó, quân triều đình đột nhiên thay đổi thế trận, chủ lực và quân mai phục nhất tề xông ra chém giết, với đội hình chặt chẽ linh hoạt cắt quân giặc ra từng đoạn vây đánh. Các chiến sĩ xông xáo giết giặc, giặc lùn rối loạn, thua chạy. Quân triều đình đuổi riết không tha, giết liền một trận hơn 300 tên giặc, bắt sống hai tên đầu mục, bọn còn lại chết đuối hết dưới sông. Quân triều đình thu được hơn 600 giáo dài, cung tên và nhiều chiến lợi phẩm, cứu được hơn 5000 người bị giặc bắt.

Khi Thích Kế Quang hát khúc khải hoàn quay về, bính nhà bếp vẫn còn đang nấu cơm. Hóa ra, trận thắng Hoa Nhai chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nấu một bữa cơm thôi. Tin vui thắng trận lan truyền khắp làng bản xóm thôn ven biển quanh vùng, nhân dân trong phủ thành Đài Châu vô cùng phấn khởi.

Giặc lùn tuy đã thất bại nặng nề, nhưng chưa bị tiêu diệt tất cả. Ngày 14, một cánh giặc lùn hơn 2000 tên lại xâm phạm phủ thành Đài Châu. Khi ấy, quân trấn thủ Đài Châu chỉ có 1500 người, Thích Kế Quang đã khao thưởng bộ hạ, khích lệ sĩ khí, đồng thời nói rõ cho họ biết:

- Trước đây tác chiến lấy nhiều thắng ít, tác chiến lần này lấy ít chống lại nhiều. Vì thế, tôi yêu cầu các vị làm ba việc: Một, không tranh nhau chặt đầu giặc; hai, không tham lấy vật tư của giặc; ba, không tùy tiện giết hại đám người đi theo hôi của. Nếu đánh bại quân giặc, toàn bộ chiến lợi phẩm sẽ ban thưởng hết cho mọi người. Nếu quân giặc chưa bị đánh bại, đã tranh nhau đi cướp của cải, thì đều bị xử tử hết!

- Chúng tôi là con đỏ giết giặc bảo vệ dân, không tiêu diệt được giặc lùn không về gặp đại nhân!

Binh lính đều tỏ rõ lòng hăng hái, một dạ, quyết tâm sống mái với quân giặc.

Giặc lùn ở phía đông bắc thành nghe tin Thích Kế Quang tới, không dám giao tranh, lén lút chạy về phía Tiên Cư, Xứ Châu theo đường mòn. Thích Kế Quang cấp tốc chỉ huy quân lính theo đường tắt tới Thượng Phong Lĩnh mai phục. Ông ra lệnh cho quân lính mỗi người dùng một bó cành thông, che kín thân mình.

Ngày 18, giặc lùn quả nhiên đi qua đây. Quân của Thích Kế Quang nhìn từ xa, thấy giáo mác sáng lấp lánh, đội hình kéo dài tới mấy dặm giống như một con rắn khổng lồ, ở giữa xen kẽ những người dân bị bắt theo. Giặc lùn nhìn lên đỉnh núi,chỉ thấy toàn một mầu xanh lá thông, không thấy động tĩnh gì, liền mạnh dạn tiến lên.

Quân Thích Kế Quang chờ cho bọn giặc đi qua một nữa, đột nhiên nghe có tiếng pháo hiệu, lập tức vứt hết cành thông, từ trên cao lao xuống, dũng mãnh tấn công. Chỉ trong chốc lát, tiếng súng tiếng hô giết giặc vang dậy núi rừng. Giặc lùn kinh hoàng, trước sau không tiếp cứu được nhau, hoảng hốt ứng chiến.

Ngay sau đó, Thích Kế Quang lại dàn “thế trận uyên ương” trước sau phải trái nhanh chóng ứng tiếp nhau, chỉ huy quân lính xung phong chém giết. Chỉ một lát, thế trận của giặc rối loạn, ào ào chạy trốn, chết nhiều vô kể.

Thích Kế Quang thấy quân giặc tan tác, liền cắm cờ trắng đã chuẩn bị sẵn dưới núi, sai bộ hạ lớn tiếng kêu gọi:

- Những kẻ đi theo đầu hàng dưới cờ, được miễn tội chết!

Theo lời kêu gọi, hàng mấy trăm tên giặc chạy tới dưới lá cờ trắng, hoảng hốt vất vũ khí, xin tha chết. Những tên giặc lùn ngoan cố chống trả, có kẻ chạy thục mạng lên núi rơi xuống khe sâu mà chết, có kẻ chạy vào Chu Gia Viện biển Bạch thủy, bị lửa thiêu chết.

Thích Kế Quang thắng trận trở về phủ thành Đài Châu, nhân dân ra khỏi thành hơn 20 dặm đón tiếp, nồng nhiệt úy lạo.

Từ đó, uy danh đội quân do Thích Kế Quang chỉ huy vang dậy, giặc lùn sợ hãi gọi Thích Kế Quang là “Thích Lão Hổ”, còn nhân dân thân thiết gọi đội quân của ông là “Thích Gia Quân”.

Quân đội Thích Kế Quang chỉ huy vì sao lại anh dũng tuyệt vời, bách chiến bách thắng như vậy? Vốn dĩ, Thích Kế Quang xuất thân từ ven biển Sơn Đông, từ nhỏ đã căm giận giặc lùn hoành hành. Năm l6 tuổi ông đã quyết chí bảo vệ phòng thủ biển, ông đã khảng khái viết câu thơ sau: “Phong hầu không phải sở nguyện của ta, chỉ mong sóng biển yên bình (Phong hầu phi ngã nguyện, đán nguyện hải ba bình). Năm 17 tuổi, ông nối theo chức vụ của cha làm quan chỉ huy bảo vệ Đăng Châu. Vị tướng trẻ tuổi này, trong nhiều năm trấn giữ bờ biển, đã thể hiện đầy đủ gan dạ, kiến thức, võ nghệ và tài năng.

Năm 1555, Thích Kế Quang được điều tới Triết Giang làm tham tướng (quan thống binh trấn thủ biên khu), canh giữ ven biển chống giặc lùn. Tại vùng ven biển, ông tuyển chọn những nông dân, thợ mỏ căm thù giặc lùn, tổ chức thành một đội quân mới hơn 4000 người, đồng thời huấn luyện họ theo “thế trận uyên ương” đã sáng tạo ra như phần trên đã nói: Thế trận này lấy 12 người làm một đơn vị tác chiến, khi giao chiến biến hóa nhanh chóng, điều động linh hoạt, vô cùng thích hợp với đặc điểm địa hình Giang Nam. Giặc lùn gặp phải đội quân mới và “Thế trận uyên ương” của Thích Kế Quang thì chỉ có đến mà không có về.

Từ đó về sau, Thích Kế Quang trong việc giúp đỡ đấu tranh chống giặc lùn ở Phúc Kiến, Quảng Đông, cũng liên tiếp giành thắng lợi. Sau năm 1565, ven biển đông nam Trung Quốc về cơ bản không bị giặc lùn quấy nhiễu nữa, dân buôn bán ra biển làm ăn ngày một nhiều. Từ đó khiến thương mại ven biển phát triển.

KHOA HỌC PHƯƠNG TÂY TIẾN DẦN SANG PHƯƠNG ĐÔNG

Trong thành Thiều Châu (nay là thành phố Thiều Quan, Quảng Đông), mới xây dựng một công trình kiến trúc. Nó khác hẳn kiểu dáng truyền thống của kiến trúc Trung Quốc, cửa lớn không quay ra hướng nam, mà quay về phương đông, trên nóc gắn một “cây thập tự” cao vút lên trời phía trên cửa thánh đắp ba chữ lớn “Nhà thờ lớn”. Hóa ra, đây là một nhà thờ đạo Thiên chúa.

Đạo Thiên chúa chẳng phải là ở Châu Âu sao? Tại sao lại truyền vào Trung Quốc? Chuyện cũng khá dài dòng. Từ năm 1517 sau khi nước Đức nổ ra phong trào cải cách tôn giáo, nhân dân nhiều nước Châu Âu không còn tín ngưỡng đạo Thiên chúa mà lãnh tụ là giáo hoàng Rôma nữa, họ đổi sang đạo mới - đạo Kitô. Để bù vào chỗ thua thiệt đạo Thiên chúa đã đi khắp nơi, ra nước ngoài mở rộng ảnh hưởng, cử các giáo sĩ truyền đạo của “Hội Gia Tô” - một tổ chức thuộc quyền của đạo Thiên chúa, đến các châu lục tuyên truyền giáo lý đạo Thiên chúa. Nhà thờ Thiều Châu là nhà thờ đầu tiên họ xây dựng ở Trung Quốc. Cứ đến chủ nhật, bao giờ cũng thu hút những cư dân ở địa phương đến nghe giáo sĩ giảng “đạo”.

Một hôm, một trí thức mặc áo vải chùng đến đây. Ông nói tiếng Thượng Hải, rất nhã nhặn và lịch sự vào nhà thờ nói chuyện với giáo sĩ.

- Là ai thế nhỉ?

Một linh mục nước ngoài mặc áo chùng kiểu Trung Quốc từ trong nhà thờ đi ra. Tóc vàng óng, mắt xanh biếc, nhưng vẻ ngoài ông lại rất giống người Trung Quốc, hai tay chắp lại vái chào khách, tỏ ý rất hoan nghênh.

- Thưa trưởng lão. - Người thư sinh Thượng Hải cũng chắp tay lại đáp lễ. Kẻ quê mùa này lần đầu tiên trông thấy nhà thờ, muốn đến xem tận nơi. Thật là mạo muội, thật là mạo muội!

- Rất hoan nghênh, rất hoan nghênh! - Vị linh mục nước ngoài nói tiếng Quảng Đông rất sõi. - Xin ngài cho biết quý tính đại danh.

- Tôi họ Từ, tên là Quang Khải, người Thượng Hải Giang Tô (nay là thành phố Thượng Hải). Chuyến này đi Quảng Tây dạy học, nên đi qua Quảng Đông.

Hân hạnh, thật là hân hạnh được gặp. Tôi tên là Quách Cư Tĩnh, quê quán ở bán đảo Italia Châu Âu. Phụng mệnh Giáo hoàng Rôma, đến quý quốc truyền đạo, xin được chỉ giáo.

Nói rồi, Quách Cư Tĩnh mời Từ Quang Khải vào thăm nhà thờ. Từ Quang Khải nhìn thấy “Bản đồ vạn quốc” (Bản đồ thế giới) treo trên tường, bất giác phấn chấn hẳn lên.

Trước kia, Từ Quang Khải đã được biết khái niệm địa lý bốn biển chín châu truyền thống. Bây giờ trông thấy bản đồ vạn quốc, mới biết trên thế giới có năm đại châu, ba đại dương. Điều càng khiến ông kinh ngạc, đất trời hóa ra là một quả cầu tròn lớn Ông bất giác buột miệng nói:

- Tuyệt quá! Thật là khoa học!

Quách Cư Tĩnh nói:

- Thưa ông Từ, Châu Âu chúng tôi có rất nhiều nước. Ở đấy văn minh cực thịnh, nước mạnh dân giầu. Hy vọng ông trở thành một giáo hữu của chúng tôi.

- Ồ, theo đạo. . . hãy để tôi suy nghĩ đã. - Từ Quang Khải không trù trừ gì hỏi ngay - Bản đồ vạn quốc này ai vẽ thế ạ?

- Limato, lãnh tụ hội Gia Tô của chúng tôi ở Trung Quốc đấy ạ. - Quách Cư Tĩnh trả lời.

- Tôi nhất định phải đến học khoa học ở vị trưởng lão này… Từ đó, trong lòng Từ Quang Khải bắt đầu ghi nhớ tên “Limato”.

Chuyện này xảy ra vào năm thứ 24 Vạn Lịch triều nhà Minh (năm 1596).

Bốn năm sau, Từ Quang Khải thi đỗ cử nhân, khi đi qua Nam Kinh đã làm quen với Limato.

Từ Quang Khải nói mình là bạn của linh mục Quách Cư Tĩnh, thành khẩn đưa ra yêu cầu học tập khoa học phương tây với Limato.

- Thật là đáng tiếc, thưa ông Từ. Tôi là một giáo sĩ. - Limato nói và lấy ra một cuốn kinh “Phúc âm Maco” - Đây là một phần “Kinh Thánh” mà tôi dịch ra tiếng Trung Quốc, xin ông chỉ giáo cho. Thưa ông Từ, ông làm giáo hữu của chúng tôi chứ!

Từ Quang Khải trong lòng chán ngán nhưng vội đáp ngay:

Vâng! Vâng! Và thầm nghĩ - Xem ra không theo đạo thì việc học tập khoa học phương tây sẽ khó khăn. . . Để cho khoa học Trung Quốc phát triển lên, mình đành hy sinh hết thẩy vậy!

Ba năm sau, cả nhà Từ Quang Khải theo đạo Thiên chúa.

Mùa thu năm thứ ba mươi ba Vạn Lịch nhà Minh (năm 1665), Limato xây dựng nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên ở Bắc Kinh, Từ Quang Khải đã đỗ tiến sĩ, làm việc ở Hàn lâm viện, trở thành một học giả có tiếng tăm. Bây giờ, Từ Quang Khải đã là “đạo hữu” rồi, đương nhiên là Limato hoan nghênh ông thường xuyên đến chuyện trò. Một hôm, Từ Quang Khải lại một lần nữa đưa ra yêu cầu học tập khoa học phương tây với Limato. Lần này, Limato đồng ý dạy toán học cho Từ Quang Khải. Từ đó, buổi sáng Từ Quang Khải làm việc ở Viện Hàn Lâm, buổi chiều đến nhà thờ học Limato. Limatô dùng “Nguyên bản” của Ơclít (Eucliđe), nhà toán học cổ Hy Lạp vào khoảng 300 năm trước Công nguyên, làm sách giáo khoa. Từ Quang Khải dịch môn khoa học này thành “Hình học”, đây là nguyên do tên gọi môn khoa học “Hình học” trong toán học hiện đại Trung Quốc.

- Ông xem, hai đường này cùng một chiều, ông dịch nó sang danh từ Trung Quốc đi! - Limato chỉ hai đường thẳng trong hình vẽ.

Từ Quang Khải nghĩ một tý rồi nói:

- Gọi là đường song song đi!

- Được! Bây giờ ông nhìn ba góc này, một góc thì hai cạnh vuông góc với nhau, một góc thì rộng và to, một góc thì nhỏ và hẹp, dịch nó là gì nào?

Gọi nó là “góc vuông”, “góc tù” và “góc nhọn” đi!

Thế là rất nhiều danh từ thuật ngữ hình học, như “mặt phẳng”, “đường kính”, “hình tam giác”, “góc đối diện”, “ngoại tiếp” v.v: . . đều do Từ Quang Khải dịch và đặt tên, tới nay vẫn được đông đảo nhân dân Trung Quốc sử dụng.

Hoa đã lụi tàn, tuyết bay lả tả; mùa xuân đã đến, hoa nở trĩu cành. Sáu tập đầu của “Nguyên bản hình học” dịch sang tiếng Trung Quốc cuối cùng đã xong.

- Ông Limato này, “Nguyên bản hình học” tất cả 15 tập, ông dạy tiếp cho tôi 9 tập nữa đi! - Từ Quang Khải nài nỉ.

Limato phẩy phẩy tay cười và bảo:

- Ông Từ ạ, sao ông nóng vội thế! Hai năm nay tôi rất ít đi mọi nơi truyền giảng giáo lý của Chúa, tôi quá bê trễ công việc của mình! Ông in trước 6 tập ấy đi đã nếu người có chí học hành thấy rằng thật sự có lợi, chúng ta dịch tiếp cũng không muộn đâu.

Từ Quang Khải không làm thế nào được đành chỉ cười thôi.

Năm 1607, 6 tập đầu “Nguyên bản hình học” chính thức xuất bản. Đây là tác phẩm khoa học phương Tây đầu tiên dịch ra tiếng Trung Quốc, đã có vai trò quan trọng thúc đẩy giao lưu văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Còn 9 tập sau, 200 năm sau mới được nhà toán học đời Thanh Chu Thiện Lan và Vileary người Anh phiên dịch và xuất bản vào năm thứ hai Hàm Phong đời Thanh năm 1852).

Năm 1612, để phát triển xây dựng thủy lợi Trung Quốc, Từ Quang Khải và giáo sĩ Châu Âu Hùng Tam Bạt hợp tác dịch cuốn “Thái tây thủy pháp”, giới thiệu nguyên lý và phương pháp xây dựng thủy lợi của Châu Âu. Ông đích thân làm thí điểm xây dựng thủy lợi tại một trạm nhỏ ở Thiên Tân, đưa lúa nước ở miền nam lên trồng ở miền bắc. Từ đó, trạm thủy lợi nhỏ Thiên Tân trở thành cơ sở sản xuất quan trọng lúa nước miền bắc, tới nay vẫn nổi tiếng toàn quốc.

Năm 1629, các quan chức Khâm thiên giám (đài thiên văn của triều đình phong kiến) căn cứ vào phương pháp tính toán thiên văn của nhiều đời truyền lại, cho rằng vào giờ tỵ ba khắc ngày mồng một tháng năm (tức 10 giờ 45 phút sáng) sẽ có nhật thực. Các quan chức đều chờ đợi nhật thực tại đài quan sát. Nhưng, giờ tỵ ba khắc đã qua mà mặt trời vẫn tròn vành vạnh, đến giờ ngọ, mặt trời vẫn không có bóng nhật thực. Chờ hơn nữa tiếng nữa, nhật thực mới bắt đầu. Thế là vì sao? Hoàng đế Sùng Trinh ra lệnh tính toán lại. Từ Quang Khải sớm đã lưu ý tới thiên văn, đã học cách tính toán từ giáo sĩ phương Tây Limato, liền dâng sớ xin vua Sùng Trinh xây dựng đài thiên văn mới, đổi dùng lịch mới. Vua Sùng Trinh chuẩn tấu, thành lập “Cục lịch pháp”. Từ Quang Khải mời các giáo sĩ phương Tây Long Hoa Dân, Đặng Ngọc Hàm, La Nhã Cốc, Thang Nhược Vọng đều là người Châu Âu cùng biên soạn lịch mới. Để quan sát thuận lợi thiên thể. Từ Quang Khải sử dụng phương pháp phương Tây làm một chiếc kính viễn vọng thiên văn đầu tiên của Trung Quốc. Đồng thời, áp dụng cách của phương Tây làm một mô hình quả địa cầu đầu tiên của Trung Quốc. Từ Quang Khải đã tạ thế khi đang biên soạn lịch pháp. Về sau, bộ “Lịch pháp Sùng Trinh” này sau khi giáo sĩ nước ngoài Thang Nhược Vọng hoàn thành bản thảo đã dâng lên vua Thuận Trị. Năm Thuận Trị nguyên niên (1644) ban bố thi hành trong cả nước. Đây là “nông lịch” còn gọi là “Hạ lịch” hoặc “âm lịch) Trung Quốc sử dụng bây giờ.

Trong đời mình, cuốn sách mà Từ Quang Khải bỏ ra nhiều sức lực nhất là cuốn “Nông chính toàn thư” được viết dựa vào khoa học tiên tiến kết hợp với thực tiễn sản xuất Trung Quốc. Trong sách, đối với 12 phương diện nông nghiệp, thủy lợi công cụ nông nghiệp, thời vụ nông nghiệp, khai khẩn, cấy trồng, tằm tang, chăn nuôi, chưng cất, làm nhà, kỹ thuật thường dùng trong nhà, dự trữ mất mùa cứu đói, ông đều tìm hiểu toàn diện và nêu ra biện pháp thiết thực giải quyết vấn đề thực tế. Cuốn sách này, có thể xem là bách khoa toàn thư của nông nghiệp Trung Quốc. Đáng tiếc là, vì nhà Minh sớm diệt vong, nhà Thanh lại không coi trọng đổi mới sản xuất, hơn nữa lúc sinh thời Từ Quang Khải phản đối việc quân Thanh giết hại nhân dân dân tộc Hán, nên chính quyền nhà Thanh mãi vẫn không cho phép xuất bản tác phẩm đồ sộ này. Tới 200 năm sau bộ sách mới được ra đời.

Từ Quang Khải là người đầu tiên giới thiệu khoa học tự nhiên Châu Âu vào Trung Quốc. Từ đó, suốt cả triều đại nhà Thanh đều có người tiếp tục công việc này, phạm vi từ khoa học tự nhiên mở rộng sang khoa học xã hội. Người ta gọi hiện tượng lịch sử này là “Khoa học phương Tây tiến dần sang phương Đông”.