iếu giang hồ lãng tích thập niên du, không phụ thiếu niên đầu. Đối đồng đà hạng mạch, ngâm tình miểu miểu, tâm sự du du! Tửu Lãnh thi tàn mộng đoạn, Nam quốc chính thanh thu. Bả kiếm thê nhiên vọng, vô xứ chiêu quy châu.
Minh cựu thiên nhai lộ viễn, vấn thùy lưu sở bội, lộng ảnh trung châu? Số anh hùng nhi nữ, phủ ngưỡng cổ kim sầu. Nan tiêu thụ đăng hôn la trướng, đàm hoa nhất hiện hận nan hưu! Phiêu linh quán, kim qua thiết mã, bính táng hoang khâu!
Theo điệu “Bát thanh Cam Châu”.
Tạm dịch:
Giang hồ biền biệt mười năm, phụ lòng chàng trẻ tuổi. Gặp nhau xứ khách tình mong manh, tâm sự mênh mang! Rượu lạnh thơ tàn mộng đà dứt, trời đang lúc thu. Buông kiếm nhìn xa xăm, biết về đâu chốn nao.
Mai kia chân trời vẫn nơi xa, hỏi có ai người giữ chút tình? Anh hùng nhi nữ, nghiêng ngả cùng sầu thiên cổ. Khó tan khối u sầu, hoa đàm vừa nở hận khôn nguôi! Trôi dạt mãi, qua vàng ngựa sắt chôn vùi gò hoang!
° ° ° ° °
Đêm thu miền Nam trời không gợn mây, vầng trăng sáng ngời treo giữa bầu trời. Lúc này trời đã khuya, vạn vật chìm vào giấc ngủ vùi, chỉ có phủ Tổng binh Hàng Châu là vẫn còn nghe tiếng cười nói ồn ào.
Hôm nay là đêm trước ngày xuất giá của con gái quan Tổng binh. Quan Tổng binh người Kỳ (Mãn Châu), họ Nạp Lan, tên Tú Cát, là một trong những khai quốc công thần của nhà Thanh, năm xưa theo Đa Nhĩ Cổn nhập quan, chinh chiến hơn hai mươi năm mới được thăng lên đến chức Tổng binh Hàng Châu.
Con gái của ông ta tên gọi Minh Tuệ, danh rất hợp với thực, nổi tiếng thông minh xinh đẹp trong chốn quyền quý. Nạp Lan Tú Cát không có con trai, bởi vậy xem nàng như viên ngọc quý, từ nhỏ đã mời thầy giỏi dạy dỗ, ban ngày tập võ, ban đêm học văn, đúng là một bậc kỳ nữ văn võ toàn tài.
Từ sau khi Nạp Lan Tú Cát được thăng làm Tổng binh, một vị thân vương có họ xa với hoàng gia mến tiếng con gái của ông ta nên đã cầu thân cho con trai của mình. Con trai của thân vương này tên gọi Đa Thích, kể ra tên tuổi cũng lừng lẫy, là một trang hảo hán nổi trội trong người Kỳ, từ nhỏ đã có thể cỡi ngựa bắn cung, tài cỡi ngựa hay thuật đánh kiếm đều hơn người, năm hai mươi hai tuổi đã từng theo quân tây chinh, bình định Chuẩn Cát Nhĩ và Đại, Tiểu Kim Xuyên, năm nay vừa tròn hai mươi tám tuổi nhưng đã được phong làm Đề đốc, có thể nói là một viên tướng trẻ tuổi nhất trong chốn quyền quý. Nạp Lan Tú Cát có được một đứa con rể như thế đúng là thêm hoa trên gấm, mừng càng thêm mừng.
Nhưng trong đêm trước ngày xuất giá, Nap Lan tiểu thư lại nước mắt lưng tròng, tay cầm mảnh giấy chép bài từ, khi đọc đến câu “Nan tiêu thụ đăng hôn la trướng, đàm hoa nhất hiện hận nan tu”, thì nàng không kìm được nữa, nước mắt tuôn ra lả chả, một lúc lâu sau mới gắng gọi được hai chữ “nhũ mẫu”.
Người nhũ mẫu này chính là bảo mẫu của nàng, chính bà ta đã chăm sóc Nạp Lan tiểu thư ngay từ khi còn nhỏ, bởi vậy thân hơn cả cha mẹ ruột. Lúc này nhũ mẫu đang ngủ ở phòng ngoài, nghe tiếng nàng gọi bước vào, thấy nàng như thế thì không khỏi nói: “Tiểu thư, sao phải khổ thế? Phu nhân biết sẽ đau lòng.
Tiểu thư, tôi khuyên tiểu thư nên quên chuyện xưa đi thôi...”.
Nạp Lan tiểu thư cắt lời bà: “Nhũ mẫu, cứ mặc con, con cầu xin người hãy mang tiểu Bảo Châu đến đây, con muốn nhìn lại nó!”
Nhũ mẫu lắc đầu thở dài, cuối cùng vẫn nói một tiếng “vâng” rồi lui ra ngoài.
Ngay lúc này chỉ thấy ánh đèn bên cạnh cửa sổ chao nghiêng, có gió lướt tới, một bóng người phóng tọt vào bên trong.
Đó là một thiếu niên anh tuấn, dưới ánh đèn có thể thấy khóe mắt chàng thoáng hiện nỗi bi phẫn, chàng nhìn thấy trên tay Nạp Lan tiểu thư chính là bài từ mà chàng đã viết, trên mảnh giấy lấm tấm nước mắt.
Chàng cười buồn rồi nói: “Muội muội, hôm nay là ngày đại hỉ của muội!”
Nạp Lan tiểu thư nhìn lên, nước mắt tuôn rơi lả chả, nói: “Chả lẽ huynh cũng không thể hiểu cho nỗi khổ của muội, còn hờn trách muội sao?”.
Chàng thiếu niên bước tới, nói nhanh: “Chả lẽ chúng ta không thể bỏ đi.
Nam xuống Bách Việt, Bắc lên Thiên Sơn, bốn biển rộng lớn lẽ nào không có nơi cho chúng ta náu thân sao?”.
Nạp Lan tiểu thư không ngẩng đầu lên, nàng buồn bã nói: “Ai bảo huynh là người Hán?”.
Thiếu niên ấy biến sắc, cười ha hả nói: “Tôi còn tưởng cô nương là nữ trung hào kiệt, té ra cô nương là một nữ nhi hiếu thuận của hoàng triều họ Ái Tân Giác La!”.
Nói chưa dứt lời chợt nghe tiếng tù và rúc lên, trong vườn tên bay loạn xạ. Chàng thiếu niên trừng mắt, đột nhiên buông tay, cười lạnh nói: “Nếu cô nương muốn lấy mạng tôi thì cần gì phải dùng quỷ kế như thế? Tôi sẽ xuôi tay cho cô nương bắt trói, coi như là tặng một món quà lớn trong ngày tân hôn của cô nương!”.
Nạp Lan tiểu thư vốn đang cúi đầu khóc thút thít, lúc này nàng cũng hoảng lên, hoa dung thất sắc, run rẩy nói: “Huynh... huynh sao lại nói những lời như thế!”.
Chàng thiếu niên tiến sát đến cửa sổ nhìn ra, chỉ thấy có mấy mươi ngọn đèn Khổng Minh sáng trưng như ban ngày, tiếng người quát tháo ồn ào chạy dồn ra cửa đông như nước triều, nhưng lại không ai chạy về hướng mình, rõ ràng chẳng phải đối phó với mình, chàng thiếu niên cũng ngạc nhiên. Không lâu sau tiếng người dần dần nhỏ lại, từng ngọn đèn Khổng Minh tắt phụt.
Chàng thiếu niên quay đầu lại toan lên tiếng thì chợt nghe bên ngoài cửa có tiếng bước chân vọng tới, chàng xoay người nấp sau màn, chỉ thấy cửa mở ra, nhũ mẫu của Nạp Lan tiểu thư cõng một đứa bé gái hớt hải chạy vào nói: “Tiểu thư, nghe nói đại lao có người cướp ngục, đêm nay đa số vệ binh đều ở đây, phía bên đó người không đủ, một số tù phạm đã chạy thoát, nên lúc nãy người ta mới vội vàng điều người ở đây đi, tiểu thư có sợ không?”.
Nạp Lan tiểu thư im lặng không đáp, nàng đưa tay đỡ lấy đứa trẻ. Đứa trẻ khóc òa lên, chàng thiếu niên ở sau màn nhảy tót ra.
Nhũ mẫu giật mình, khi nhìn rõ lại thì nói: “Dương công tử, xin ngài tha cho, mai đã là ngày đại hỉ của tiểu thư”.
Chàng thiếu niên gật đầu nói: “Ta biết!” rồi chàng thở dài ngâm nga rằng: “Minh nhật thiên nhai lộ viễn, vấn thùy lưu sở bội, lộng ảnh trung châu?” ngâm chưa dứt thì chợt đẩy một chưởng về phía Nạp Lan tiểu thư!
Nạp Lan tiểu thư cả kinh, vốn có thể né tránh, nói thì chậm, sự việc diễn ra rất nhanh, đứa trẻ trong tay nàng đã bị thiếu niên cướp đi. Nạp Lan tiểu thư hoảng lên hỏi: “Huynh... huynh làm gì thế?”
Chàng thiếu niên lui người, tiến sát đến cửa sổ gằn giọng nói: “Từ hôm nay trở đi, nó không còn là của cô nương nữa, cô nương không xứng hỏi đến nó!”
Đứa trẻ kêu khóc một hồi thì đã ngủ say nhưng lúc này lại mở mắt ra, thấy Nạp Lan tiểu thư đầu bù tóc rối, tựa như đang nhảy bổ tới thì sợ lắm, miệng mếu, tay với về phía trước như sắp khóc tới nơi, thiếu niên vội vàng xoay nửa người cô bé vỗ nhè nhẹ, nhìn ra cửa sổ chỉ thấy sao trời lấp lánh, vầng trăng sáng đang ở giữa không trung, trong vườn im lặng như tờ, chàng nghiến răng ôm đứa trẻ phóng vọt ra cửa sổ, phía sau lưng chỉ nghe tiếng gọi thảm thiết của Nạp Lan tiểu thư, chàng không quay đầu lại, trổ khinh công vượt qua khu vườn rồi biến mất trong đêm tối.
Trong vườn rất yên tĩnh, nhưng ngoài đường phố thì rất ồn ào, chàng thiếu niên đưa mắt nhìn chỉ thấy phía bên phủ Tổng binh lửa cháy ngất trời, người trên đường phố hớt hải chạy, trẻ con gào khóc. Chàng thiếu niên bế đứa trẻ lẩn vào trong đám người, chẳng ai để ý đến chàng.
Chàng thiếu niên biết quân lính đang trấn áp tù vượt ngục, trong lòng lo lắng không khỏi nhìn lại, chỉ thấy ở mấy ngã đường gần phủ Tổng binh đã bị binh lính phong tỏa, hình như tù phạm đã chạy ra một hướng khác, bởi vậy một đội nhân mã đã phóng vọt về phía ấy. Nơi ấy tối om om chàng chẳng thấy rõ. Chàng lại nhìn đứa trẻ trên tay mình thở dài, tuy phía ấy vẫn nghe tiếng binh khí chạm nhau vọng lại văng vẳng, chàng cũng chỉ đành hòa vào dòng người chạy ra ngoại ô.
Chạy ra đến ngoại ô dòng người đã tản mát khắp nơi, vừa thoát khỏi nơi nguy hiểm ai cũng mệt lả, có người nằm xuống đất, có người ngồi thành từng nhóm, chẳng ai buồn cất bước nữa. Chỉ có chàng thiếu niên vẫn ôm đứa trẻ chạy một mình trong đồng trống.
Đến nửa đêm, vầng nguyệt dần dần dời về phía tây, đứa trẻ đã say ngủ.
Chàng thiếu niên định tìm một nơi nghỉ ngơi, chợt nghe tiếng vó ngựa lộc cộc vọng tới, có lẽ đó là quân lính đuổi theo tù phạm đến đây. Tiếng vó ngựa nghe rất gấp, tựa như truy binh đuổi rất nhanh!
Gần nơi chàng thiếu niên đứng có một nấm mồ, trên mồ có bãi cỏ dại cao đến nửa thân người, chàng liền ôm đứa trẻ ẩn mình sau nấm mồ. Khi nhìn kỹ lại thì thấy có hai thớt ngựa đuổi theo một đôi nam nữ tuổi khoảng đôi tám, chàng thiếu niên không khỏi kinh ngạc.
Đôi thiếu niên nam nữ ấy chạy đến cách nấm mồ khoảng hai mươi bước thì đột nhiên ngừng lại, mỗi người đều rút kiếm ra. Lúc này hai thớt ngựa cũng đã đuổi tới, người trên ngựa nhảy xuống, một kẻ rút ra Thiết Liên, một kẻ rút Khảm Đao. Đó là hai đại hán Mãn Châu cao lớn, cả hai nhảy bổ tới quát bảo bọn họ mau mau bó tay chịu trói. Hai thiếu niên nam nữ chẳng hề ngó đến, thế là múa tít đôi kiếm cự với hai đại hán!
Thiếu nữ ra tay rất nhanh nhẹn, nàng đột nhiên hạ người, mũi kiếm đâm hất lên nhanh như điện chớp vào cổ họng của đại hán sử dụng Khảm Đao, người ấy lui một bước, đánh ra một đao Thiết Tỏa Hoành Giang chặn lại. Nàng thiếu nữ chợt thâu chiêu rồi đâm trở ra một kiếm vào ngực của đối thủ. Đại hán lại thối lui một bước, đột nhiên chém tròn thanh đao vẽ ra một vòng ngân hồng đâm xéo tới, kiếm chiêu triển khai như cuồng phong quét lá.
Kiếm chiêu của thiếu niên không lanh lẹ như thiếu nữ, cách đấu cũng khác hẳn. Chỉ thấy trên tay chàng ta tựa như cầm một vật nặng, mũi kiếm lúc chỉ đông lúc đâm tây, kiếm quang liền lạc, môn hộ kín kẽ. Đại hán Mãn Châu múa sợi Thiết Liên kêu lên vù vù mà chẳng chạm vào được thân kiếm của chàng ta.
Chàng thiếu niên nấp ở sau nấm mồ là một đại hành gia, từ năm mười tám tuổi chàng đã phiêu bạt giang hồ, đến nay đã mười năm, bởi vậy đã từng gặp chiêu số của các nhà các phái. Vừa nhìn kiếm pháp của đôi nam nữ thì biết ngay họ tuy tuổi còn trẻ nhưng đã được danh sư truyền thụ. Chỉ là kiếm chiêu của thiếu nữ tuy nhanh nhẹn, có thể chiếm tiên cơ nhưng công lực thì lại không đủ, nếu đối phương du đấu với nàng một thời gian dài chắc nàng sẽ chẳng có sức chống trả. Còn kiếm chiêu của thiếu niên tuy chậm rãi nhưng đó là tinh túy của Vô Cực kiếm pháp. Bề ngoài xem ra lọt xuống thế hạ phong nhưng chẳng hề gì. Chàng thiếu niên ở sau nấm mồ ôm đứa trẻ, nhìn kỹ cuộc đấu, trong tay đã cầm sẵn ba viên Thiết Bồ Đề, định rằng hễ nàng thiếu nữ gặp nguy hiểm thì sẽ ra tay tương cứu.
Một hồi sau quả nhiên thiếu nữ dần dần lọt xuống thế hạ phong, nàng đánh ra một chiêu Phong Quyển Lạc Hoa, mũi kiếm cầm xéo xuống rồi quét ngược lên, toan chém vào cổ tay của kẻ địch. Đại hán sử dụng Khảm Đao chợt quát lớn một tiếng bước dấn tới đánh ra một chiêu Thuận Thủy Hành Châu, chẳng những không né tránh kiếm chiêu của nàng thiếu nữ mà trái lại còn chém ngang ra, ánh đao loang loáng tấn công ba mặt của nàng thiếu nữ. Nàng thiếu nữ luống cuống lướt người ra, có lẽ nàng muốn nhờ thân pháp lanh lẹ mà né tránh những chiêu số dồn dập của đối thủ.
Nhưng đại hán ấy tựa như đã đoán được ý đồ của nàng, khi chém ngang tới thì cũng phóng ra hai cây Sũy Thủ tiễn, sau khi phóng tiễn, mũi đao thừa thế cắm xuống đất rồi lộn người lên, khi đang lơ lửng trên không trung thì đao đánh ra một chiêu Độc Phách Hoa Sơn bổ xuống đầu nàng thiếu nữ.
Trong khoảnh khắc sinh tử, ba viên Thiết Bồ Đề của chàng thiếu niên ở sau mộ đã phóng ra, đại hán sử dụng Khảm Đao chỉ thấy hai cây Sũy Thủ tiễn của mình sắp trúng vào nàng thiếu nữ thì tự nhiên rơi xuống, y vừa ngạc nhiên thì cổ tay lại đau nhói lên, lúc này đang bổ xuống như chim ưng bắt thỏ nhưng lại bị ám toán, suýt nữa đã buông cây đại Khảm Đao. Y đau đến nỗi kêu lớn một tiếng, cây đao lại chém tới như cuồng phong. Ngay lúc này, bối tâm chợt mát rượi, một mũi kiếm đã đâm tới, bên tai chỉ nghe tiếng quát: “Đừng hòng đả thương muội tử của ta!” Y chưa kịp quay đầu thì vai trái đã bị chém một mảng thịt!
Vô Cực kiếm pháp của thiếu niên vốn cao hơn đối thủ rất nhiều, tuy hỏa hầu chưa đủ, trong nhất thời vẫn không thủ thắng nổi nhưng đã chiếm được thượng phong, chàng vừa đánh vừa để ý thiếu nữ bên cạnh mình, thấy nàng thiếu nữ thất thế thì tấn công gấp, chàng đánh ra một chiêu Trừu Triệt Liên Hoàn, đâm ra một mạch ba nhát kiếm, điểm vào ngực, đâm vào hai vai vừa dữ vừa chuẩn.
Đại hán sử dụng sợi Thiết Liên buộc thối lui ra sau, chàng thiếu niên cũng không đuổi theo mà xoay gót lộn người trở tay đâm ngược về phía đại hán đang truy kích nàng thiếu nữ.
Đây đúng là bọ ngựa bắt ve không biết chim sẻ phía sau, đại hán sử dụng Khảm Đao chưa kịp quay đầu thì vai đã bị mất một mảng thịt lớn, trong khoảnh khắc này nàng thiếu nữ cũng xoay người lại nhảy bổ tới. Đại hán sử dụng Khảm Đao đã bị thương, làm sao có thể chịu nỗi đòn tấn công như mưa bão của hai người, chỉ thấy hai luồng kiếm quang chém ngược hướng nhau tạo thành một cây kéo, đại hán đã bị chém làm ba đoạn, máu văng tung tóe.
Đại hán sử dụng Thiết Liên thì rất tinh ranh, vừa thấy đồng bọn mất mạng thì lập tức phóng lên ngựa bỏ chạy, con chiến mã còn lại không có chủ cũng hí dài rồi chạy theo.
Thiếu niên ở sau mộ thấy đôi nam nữ chưa phát hiện rằng mình phát ám khí tương cứu, không khỏi cười thầm: “Té ra là bọn nhãi nhép vừa mới xuất đạo”.
Lúc này đôi thiếu niên nam nữ đã đút kiếm vào vỏ, nắm tay nhau tựa như đang thủ thỉ điều gì đấy, thiếu niên ở sau mộ thấy họ mấp máy môi nhưng không nghe họ nói được gì. Đột nhiên nàng thiếu nữ buông tay, cao giọng hỏi: “Vậy là huynh đã nói đấy nhé?” Chàng thiếu niên gật đầu vâng một tiếng, thiếu niên ở sau mộ tuy không nghe rõ nhưng vẫn biết chàng ta đã thừa nhận.
Sau khi vâng một tiếng, nàng thiếu nữ đột nhiên nhảy ra, tựa như né tránh thứ gì rất đáng sợ, nàng chợt nhảy tới vung tay tát bốp một tiếng nghe rõ to vào mặt của chàng thiếu niên. Chàng thiếu niên đang đứng hướng mặt về phía ngôi mộ hoang, dưới ánh trăng sáng ngời, thiếu niên ở sau mộ chỉ thấy mặt chàng ta trắng bệt, chẳng hề nhúc nhích, trông rất đáng sợ!
Nàng thiếu nữ đánh xong, thấy bộ dạng chàng ta như thế thì ôm mặt khóc òa lên, nàng xoay người vừa chạy vừa khóc. Chàng thiếu niên cứ đứng ngây người ở đấy, đến khi nàng ta khuất dạng thì mới lê từng bước tiến về phía trước. Thiếu niên sau mộ toan lên tiếng gọi nhưng thấy chàng ta hai mắt dại đi, đờ đẫn bước về phía trước tựa như một hồn ma, chàng ta bất giác rùng mình không kêu thành tiếng. Thiếu niên ấy bước về phía ngôi mộ, chui thẳng vào bụi cỏ mà chẳng hề để ý đã có người nấp sau ngôi mộ.
Chàng ta chứng kiến tấn bi kịch ấy thì liên tưởng đến tình cảnh của mình với Nạp Lan tiểu thư, lòng không khỏi bùi ngùi. Lúc này chàng nghe có tiếng ào ào tựa như gió mà chẳng phải gió. Chàng nhìn mặt trăng mới nhớ Trung Thu đã qua được ba ngày, đây là mùa sông Tiền Đường nổi thủy triều. Chàng ngơ ngác đứng dậy, bước lần về phía bờ sông.
Sông Tiền Đường rộng khoảng mấy mươi dặm, mặt sông bàng bạc ánh trăng. Lúc này triều vẫn chưa lên, chàng đưa mắt nhìn ra xa chỉ thấy trời nước một màu, mây mù tỏa kín mặt sông, nhìn chẳng thấy bến bờ. Chàng thiếu niên ôm đứa trẻ lặng lẽ bước một mình, nghe tiếng thủy triều mà lòng trăm mối tơ vò, cho đến khi chợt nghe có tiếng gọi: “Dương Vân Thông!” chàng mới như sực tỉnh cơn mộng quay đầu lại.
Trước mặt chàng là một ông già mũi khoằm mắt sâu hoắm, bên cạnh lão còn có hai thiếu niên. Dương Vân Thông nhận ra lão chính là võ sư người Mãn Châu tên gọi Thiết Chưởng Nữu Cô Lư, sư thúc của Đa Thích. Lúc mới xuất đạo, Dương Vân Thông đến vùng bồn địa Tử Đạt Mộc ở Hồi Cương giúp người Cáp Tát Khắc chống quân Thanh đã từng gặp mặt lão.
Nữu Cô Lư mặt như phủ một lớp sương, cười mà không phải cười, thần tình rất đáng sợ, y giơ tay chặn trước mặt Dương Vân Thông nói: “Dương Vân Thông, vẫn mạnh giỏi chứ! Những chuyện ngươi làm mấy năm nay giấu được Nạp Lan tổng binh, giấu được Đa Thích đề đốc nhưng chẳng giấu nổi lão phu! Đa Thích đề đốc là bậc anh hùng của Mãn tộc, Nạp Lan tiểu thư là đệ nhất mỹ nhân của người Kỳ bọn ta, ngươi không những đã làm mất mặt Nạp Lan tiểu thư mà còn sỉ nhục Mãn tộc bọn ta. Ta phải thay Đa Thích rửa nỗi nhục này!”.
Dương Vân Thông nghe y nói như thế thì vẫn không hề nhúc nhích, mặt cũng chẳng tỏ vẻ gì cả. Lúc này hai thiếu niên đứng bên cạnh Nữu Cô Lư không dằng được nữa, nhảy bổ tới. Dương Vân Thông cười lạnh, xoay người nửa vòng rồi đột nhiên quát lớn một tiếng, tay phải tiếp hai chưởng của thiếu niên ở bên phải rồi chụp cổ tay phải của y. Chàng chỉ nhẹ nhàng ấn một cái thì y đã la lên như lợn bị chọc tiết, thiếu niên đã bị Dương Vân Thông ném ra xa đến mấy trượng. Lúc này thiếu niên bên trái cũng đã đánh tới, Dương Vân Thông đột nhiên hạ người, né cú đấm của kẻ địch rồi chàng chợt vươn người vỗ một chưởng vào mặt của y, lập tức tròng mắt màu đen vọt ra, máu tươi chảy xuống mặt ròng ròng, ngất ngay tại chỗ. Lần này đứa trẻ trên tay Dương Vân Thông cũng giật mình, khóc òa lên.
Nữu Cô Lư thấy hai học trò vừa ra tay đã bị đánh ra nông nỗi như thế thì gầm lớn một tiếng, phóng vọt người tới, chưởng phải dùng mười thành công lực đánh ra một chiêu Lực Phách Hoa Sơn bổ xuống đầu Dương Vân Thông. Dương Vân Thông cũng không lùi bước, chưởng phải lật lên dồn ra đủ mười thành công lực đánh lên. Hai chưởng giao nhau kêu binh một tiếng, lúc này chỉ nghe đứa trẻ thét lớn một tiếng bay ra khỏi tay Dương Vân Thông! Dương Vân Thông vội vàng lướt ra mấy trượng tựa như chim nhạn đỡ lấy đứa trẻ.
Dương Vân Thông đã chịu một áp lực không nhẹ nhưng Nữu Cô Lư thì càng thê thảm hơn. Y chạm với Dương Vân Thông một chưởng, chịu không nổi nên thối lui mấy bước. Đôi thiết chưởng của y nổi tiếng miền quan ngoại, thế mà không chịu nổi chưởng lực của đối phương, trong lòng tức giận vô cùng, rút ra một cái tam giác tỏa sáng lấp lánh, cái tỏa này là binh khí độc môn của y, tên gọi là Táng Môn Tỏa, có thể dùng như trủy thủ, cũng có thể dùng như đoản kích, lại có thể dùng để đánh huyệt, cực kỳ lợi hại. Lúc này Dương Vân Thông cũng ngừng lại, dùng dây đai buộc đứa trẻ lên lưng của mình, rồi rút ra một cây đoản kiếm sáng lấp lánh.
Táng Môn Tỏa của Nữu Cô Lư dài hai thước tám tấc, còn kiếm của Dương Vân Thông ngắn hơn của y vài phần. Trong đạo binh khí có câu “Một tấc ngắn một tấc hiểm”. Trường thương đại kích giao chiến với nhau sẽ có một khoảng cách ở giữa, còn kiếm tỏa giao nhau thì khoảng cách rất gần, chẳng khác gì đánh xáp lá cà, chỉ thấy ánh tinh quang loang loáng, nếu bên nào chỉ hơi sơ xuất thì sẽ thấy máu rơi cát vàng.
Nữu Cô Lư lao bổ về phía trước, toàn dùng những chiêu số tấn công. Dương Vân Thông cõng đứa trẻ, đứa trẻ lại cứ khóc không thôi, chàng không dám nhảy vọt, lại cứ phân tâm bảo vệ cho đứa trẻ, nên toàn thân toát đầy mồ hôi, rất mất sức. Chỉ là kiếm thuật của chàng rất cao cường, chàng cứ đứng vững như núi, hễ thấy thức phá thức, thấy chiêu phá chiêu, thanh đoản kiếm quét ngang bổ dọc, chém trái đâm phải, chẳng hề lui bước.
Hai người càng đánh càng gấp, càng lúc càng nguy hiểm, đến lúc sinh tử, Nữu Cô Lư đột nhiên dời bước lướt đi như sao xẹt, phóng ra sau lưng Dương Vân Thông đâm vào đứa trẻ.
Lẽ ra Dương Vân Thông phải nhảy vọt ra nhưng chàng lo cho đứa trẻ nên chỉ đành xoay người rồi phóng vọt lên, cây đoản kiếm đánh ra một chiêu Cử Hỏa Thiêu Thiên đè vào Táng Môn Tỏa, mượn thế của Nữu Cô Lư đoạt binh khí của y, chàng chỉ hất một cái thì cây tỏa ấy đã vuột ra khỏi tay Nữu Cô Lư bay ra ngoài. Thân pháp của hai người đều nhanh, cả hai thâu thế lại kịp, Nữu Cô Lư bị hất văng mất cây tỏa, thế là nhảy bổ tới, Dương Vân Thông chưa kịp hạ người xuống đất thì đã bị y táng trúng. Đứa trẻ phía sau lưng lại thét lên một tiếng, lần này thanh âm của nó nghe khàn đặc. Dương Vân Thông hoảng hốt, chưa kịp né tránh thì ngực đã trúng một chưởng, còn cây đoản kiếm của chàng thuận thế đẩy về phía trước đâm vào be sườn của Nữu Cô Lư lút đến cán.
Dương Vân Thông đâm xong một nhát kiếm cũng chẳng thể cầm cự được nổi, chàng chỉ cảm thấy mắt hoa lên, trời xoay đất chuyển, chàng vội vàng phục người xuống đất để khỏi ngã ra sau đè đứa trẻ.
Nữu Cô Lư cũng trọng thương ngã xuống đất, đôi mắt đỏ ngầu trợn trừng. Hai người cách nhau chỉ khoảng bốn năm thước nhưng cũng chẳng thể nhảy bổ tới nhau được nữa. Thế là cả hai cứ trợn mắt nhìn nhau, trong gió đêm văng vẳng tiếng khóc khàn đặc của đứa trẻ, cảnh tượng ấy thật khiến cho người ta kinh tâm động phách.
Một hồi sau Nữu Cô Lư gắng gượng ngồi dậy, chống tay xuống đất, từ từ lê người về phía Dương Vân Thông. Dương Vân Thông cả kinh cũng thử nhúc nhích nhưng toàn thân mềm nhũn, chỉ hơi dùng kình thì máu từ dưới ngực dội ngược lên miệng. Nữu Cô Lư vốn được người ta gọi là Thiết Chưởng, Dương Vân Thông bị y đánh trúng ngực, vết thương bởi chưởng nặng hơn vết thương bởi kiếm.
Dương Vân Thông thấy Nữu Cô Lư từ từ lết về phía mình mà mình chẳng có cách nào đối phó, trong lòng vừa lo vừa giận, bất giác ngất đi, một hồi sau bên tai nghe có người gọi liên tục: “Dương đại hiệp! Dương đại hiệp!” lúc này chàng mới tỉnh dậy, chỉ thấy trước mặt là chàng thiếu niên lúc nãy. Dương Vân Thông ngạc nhiên khẽ hỏi: “Làm sao ngươi biết ta? Ngươi ở đây làm gì?”.
Thiếu niên ấy không đáp lời, đôi mắt đờ đẫn, đột nhiên nói lớn: “Tôi muốn nhảy xuống sông!”.
Dương Vân Thông lạnh lùng hỏi: “Tại sao ngươi vẫn chưa nhảy?”
Thiếu niên nói: “Ngài ra nông nỗi này, tôi làm sao có thể nhảy? Dương đại hiệp, tôi nhận ra ông, nhiều năm trước ông đã đến nhà Đà chủ của chúng tôi, tôi đã gặp ông. Nhưng lúc đó tôi còn bé lắm!”.
Dương Vân Thông chống tay xuống đất, gật gù nói: “Đúng thế, giờ đây ngươi không thể nhảy xuống sông, sau này càng không nên làm chuyện khờ dại nữa, ngươi chịu thiệt thòi nhảy xuống sông là xong chuyện. Nhưng rất nhiều người thân của ngươi vì sự nghiệp quan phục Hán tộc chịu oan khuất nhiều hơn, hoặc chết hoặc bị thương, bọn người trẻ tuổi các ngươi không màng đến mà chỉ vì một chuyện nhỏ đã tìm đến cái chết thì làm sao ăn nói với họ?”
Dương Vân Thông hơi ngẩng đầu lên, nheo mắt nhìn chàng thiếu niên, vẻ mặt rất nghiêm nghị. Giọng nói của chàng nghe phều phào nhưng mỗi câu nói đều như tiếng trống chiều chuông sớm, chấn động cõi lòng chàng thiếu niên.
Chàng thiếu niên nhìn Dương Vân Thông, một bậc đại hiệp lừng danh giang hồ đã sức cùng lực kiệt sắp chết tới nơi. Thiếu niên lộ vẻ hổ thẹn, nói: “Tôi xin nghe lời đại hiệp”.
Dương Vân Thông cố gắng xé một mảnh áo, chàng đột nhiên đưa ngón tay lên miệng cắn, máu tươi tuôn ra, rồi dùng máu tươi viết lên tấm vải khiến chàng thiếu niên ngẩng người ra.
Dương Vân Thông viết xong thì đưa mảnh vải cho chàng thiếu niên, thều thào nói: “Ngươi hãy cầm lấy bức huyết thư, cùng cây đoản kiếm của ta, bế đứa trẻ này lên Thiên Sơn gặp sư phụ của ta là Hối Minh thiền sư, người sẽ dạy cho ngươi kiếm pháp độc bộ thiên hạ!”
Dương Vân Thông nói vừa dứt lời, tựa như đã làm xong một chuyện lớn, hai mắt khép lại, đầu ngẹo sang một bên.
Lúc này sao đã thưa trăng đã tàn, trời sắp sáng, trên sông Tiền Đường đã có thủy triều buổi sáng, tiếng ầm ầm vọng tới từ xa, thiếu niên cất bức huyết thư, dắt thanh đoản kiếm rồi bế đứa trẻ, nhìn ra mặt sông, cũng không biết trong lòng có cảm giác gì. Ngay lúc này từ xa có tiếng vó ngựa vọng tới, từ xa đã có tiếng nàng thiếu nữ trong trẻo kêu lớn: “Đại ca!” Chàng đột nhiên thở dài, cởi áo và giày ném xuống dòng nước rồi nấp vào rặng liễu.
Té ra bọn người đang đến là hai nam một nữ, người nữ chính là nàng thiếu nữ đã đánh chàng ta lúc nãy, nàng vỗ ngựa phóng tới không ngừng gọi: “Đại ca, huynh trốn ở đâu thế? Huynh ra đây đi!” Hai người nam kia thì đang khuyên lơn nàng.
Cả ba người đến bên bờ sông thấy xác người ngổn ngang thì đều ngẩn cả ra. Một người nam chợt kêu lớn: “Đây không phải là Dương đại hiệp sao? Ôi chao! Dương đại hiệp, Dương đại hiệp, ông làm sao thế?” Y vội chạy đến cúi xuống nhìn, chỉ thấy Dương Vân Thông đã đứt hơi, không khỏi kêu hoảng lên, lòng thầm nhủ: “Dương Vân Thông là truyền nhân của Hối Minh thiền sư, kiếm thuật hiếm thấy trên võ lâm, sao lại chết thê thảm như thế?”.
Lúc này nàng thiếu nữ lại kêu thảm một tiếng, vuột chạy về phía bãi cát, tựa như toan nhảy xuống sông Tiền Đường. Hai người nam nhìn ra phía trước, chỉ thấy trên mặt sông có tấm trường sam trôi lềnh bềnh, trên bãi cát là một đôi giày!
Đột nhiên thủy triều sông Tiền Đường trỗi lên, sóng vỗ vào bờ ầm ầm như sấm dậy. Bọt bắn tung tóe trên bạch đê, thủy triều như vạn mã bôn đằng trong chốc lát đã dồn tới ven đê. Hai người nam kêu hoảng phóng người tới trước, kéo nàng thiếu nữ lui ra phía sau. Dù bọn họ thối lui rất nhanh nhưng vẫn bị nước bắn ướt cả người!
Đến khi họ đã lui ra phía sau, chàng thiếu niên mới bước ra khỏi rặng liễu, thong thả đi về hướng Bắc.
Muốn biết đôi nam nữ ấy là ai? Dương đại hiệp và Nạp Lan tiểu thư có mối quan hệ gì, mời xem phần sau sẽ rõ.