Thành Phố Trộm

Chương 20

Một tiếng trước khi mặt trời lặn đại đội dừng lại bên một ngôi trường gạch đỏ trông thật gớm guốc, một trong những Công trình Nhân dân được xây dựng trong kế hoạch Năm năm lần thứ hai, những khung cửa sổ kính chỉ hẹp như lỗ châu mai thời Trung cổ. Những con chữ bằng đồng thau cao nửa mét phía trên cửa trước ghép thành câu nói nổi tiếng của Lenin: HÃY ĐƯA CHO CHÚNG TÔI MỘT ĐÚA TRẺ TRONG TÁM NĂM VÀ NÓ SẼ THÀNH MỘT NGƯỜI BOLSHEVIK MÃI MÃI. Một tên xâm lược nói tiếng Nga đã nguệch ngoạc một câu đối lại bằng sơn trắng chảy nhỏ giọt trước khi những con chữ kịp khô: HÃY ĐƯA CHO CHÚNG TA LŨ TRẺ CỦA CÁC NGƯỜI TRONG TÁM GIÂY VÀ SẼ KHÔNG CÒN TÊN BOLSHEVIK NÀO NỮA. Bọn Wehrmacht đã chiếm trường học làm sở chỉ huy. Sáu chiếc Kübelwagen đỗ gần lối vào và một tên lính đầu trần, mái tóc hoe cắt ngắn của hắn vàng như lông một con gà chíp mới nở, nạp nhiên liệu cho một chiếc xe với một cái can thép màu xanh. Hắn nhìn với vẻ hờ hững khi đại đội tiến đến cùng đoàn tù binh của mình. Bọn sĩ quan ra lệnh, hàng ngũ rã đám, hầu hết bọn Đức đi vào trong, chưa gì đã tuột vai khỏi những cái ba lô nặng trịch của chúng, tán gẫu với nhau, ồn ào và hể hả, sẵn sàng đi tắm (nếu có nước máy) và sẵn sàng cho một bữa ăn nóng sốt. Đám còn lại của bọn Gebirgsjäger, một trung đội bốn mươi lính, bực bội vì chúng vẫn còn trong ca trực, lúc này đang cáu kỉnh vì đói và mệt sau một ngày dài len lỏi qua khu rừng Nga bất tận, lùa bọn ta dọc bên hông tòa nhà.

Một tên sĩ quan Đức chờ bọn ta ở đó, ngả người trên một cái ghế gấp, vừa đọc báo vừa hút thuốc. Hắn liếc nhìn lên với một nụ cười trễ nải khi bọn ta bước vào trước mặt, sung sướng nhìn thấy bọn ta, như thể bọn ta là những người bạn mà hắn đã mời đến ăn tối. Để tờ báo sang một bên, cuối cùng hắn đứng lên, gật đầu, săm soi mặt bọn ta, tình trạng quần áo, chất lượng giày ủng. Hắn mặc một bộ quân phục Waffen-SS xám với viền gấu màu xanh trên ống tay, chiếc áo choàng màu xám của hắn vắt trên lưng cái ghế gấp. Vika, bước cạnh ta, thì thào, “Einsatzkommandos.”

Khi bọn ta đứng thành hàng lối lộn xộn, tên Einsatzkommandos ném điếu thuốc lá xuống tuyết và gật đầu với tên phiên dịch Gebirgsjäger da nhão. Chúng nói với nhau bằng thứ tiếng Nga đầy tự tin, như thể khoe tài trước đám tù binh đang nghe trộm của mình.

“Bao nhiêu?”

“Chín mươi tư. Không, chín mươi hai.”

“Vậy sao? Vậy hai tên không tham gia với chúng ta được à? Tốt lắm.”

Tên Einsatzkommandos đối mặt với bọn ta, chăm chú soi lần lượt từng người, nhìn vào mắt bọn ta. Hắn là một tên đẹp trai, cái mũ kêpi dã chiến màu đen của hắn hơi trật ra sau khỏi vầng trán cháy nắng, bộ ria mép thanh tao mang đến cho hắn dáng vẻ của một ca sĩ nhạc jazz.

“Đừng sợ,” hắn bảo bọn ta. “Tôi biết các bạn đã đọc những luận điệu tuyên truyền, cho rằng chúng tôi là lũ man rợ, ở đây để tiêu diệt các bạn. Nhưng tôi đang nhìn thẳng vào mặt các bạn và tôi thấy những người công nhân, và nông dân tốt bụng, trung thực. Trong đám các bạn có tên Bolshevik nào không?”

Không ai giơ tay lên. Tên Đức mỉm cười.

“Tôi cũng đã nghĩ là không. Các anh khôn ngoan hơn thế chứ.”

Hắn nhìn qua những khuôn mặt thất thần của đám người Nga xếp hàng trước mặt mình và nhún vai một cái đầy vui vẻ.

“Nhưng chúng ta không cần nói năng hoa hòe hoa sói làm gì. Các bạn hiểu chân lý trong xương tủy mình và đó mới là điều quan trọng. Chẳng có lý do gì để có xung đột giữa hai dân tộc chúng ta. Cả hai chúng ta đều có chung một kẻ thù.”

Hắn ra hiệu cho một tên lính, tên này cầm lên một tập báo từ bàn gỗ thông cạnh chiếc ghế gấp và chia chỗ báo cho năm trong số đám lính đặc nhiệm sơn cước đồng bọn. Chúng bước xuống những hàng tù binh, chìa cho mỗi người Nga một tờ báo. Của ta là một tờ Sự thật Thanh niên Komsomol; Vika và Kolya thì có tờ Sao Đỏ.

“Tôi hiểu đây là một khái niệm khó nắm bắt, sau bao năm tuyên truyền. Nhưng hãy tin điều này như một chân lý: chiến thắng của người Đức cũng sẽ là chiến thắng của nhân dân Nga. Nếu hiện tại các bạn còn chưa hiểu điều đó thì các bạn sẽ sớm hiểu ra thôi, và con cái các bạn lớn lên sẽ biết rõ điều đó.”

Mặt trời đang lặn tạo ra những cái bóng khổng lồ của bọn ta. Tên sĩ quan Einsatz tận hưởng âm thanh từ chính những lời của hắn và ấn tượng mà hắn đã gây dựng được với bọn ta. Tiếng Nga của hắn hoàn hảo về mặt ngữ pháp, mặc dù hắn không hề cố che cái giọng lơ lớ của mình. Ta tự hỏi không biết hắn đã học tiếng ở đâu, hay liệu hắn được sinh ra ở một trong những thuộc địa của đế quốc Phổ tại Melitopol hoặc Bessarabia. Hắn ngước nhìn lên dấu tỉnh lược tạo thành từ ba đám mây nhỏ xa tít trên đầu bọn ta giữa nền trời bàng bạc.

“Tôi rất yêu đất nước này. Miền đất tươi đẹp.” Hắn cúi đầu xuống và nhún vai một cái nữa với vẻ biết lỗi. “Tôi cứ nói thế này, các bạn đang nghĩ, nhưng chẳng phải chúng ta đang có chiến tranh đấy thôi? Sự thật là, các bạn của tôi, chúng tôi cần các bạn. Mỗi người các bạn sẽ phục vụ cho sự nghiệp. Trên tay mình các bạn đang cầm bản in những lời dối trá. Các bạn biết những tờ báo này trung thực đến đâu rồi đấy! Chúng đã nói với các bạn rằng cuộc chiến này sẽ không bao giờ diễn ra, vậy mà rồi chúng ta đang ở đây! Chúng đã nói với các bạn rằng đến tháng Tám là quân Đức sẽ bị đẩy lùi, nhưng thử nói tôi nghe xem” và nói đến đây hắn rùng mình một cái rất kịch “các bạn có cảm thấy giống tháng Tám không? Nhưng đừng bận tâm về điều đó, đừng bận tâm. Mỗi người các bạn sẽ đọc to một đoạn. Những người chúng tôi đánh giá là biết chữ sẽ cùng chúng tôi tới Vyborg, ở đó chúng tôi cam kết với các bạn ba bữa một ngày trong khi các bạn dịch tài liệu cho chính phủ lâm thời. Làm việc trong một tòa nhà được sưởi ấm! Những người trượt thì, ừm… Công việc sẽ khó khăn hơn một chút. Tôi chưa bao giờ đến những nhà máy thép ở Estonia, nhưng tôi nghe nói chúng có thể là những nơi nguy hiểm. Dù sao chúng tôi vẫn sẽ cho các bạn ăn uống tử tế hơn bất kể thứ lõng bõng gì các bạn đang được phát - và tôi thậm chí còn không cố đoán những người dân thường các bạn đã ăn gì suốt mấy tháng vừa rồi.”

Một số trong đám nông dân nhiều tuổi rên rẩm và lắc đầu, đưa mắt nhìn nhau, trao đổi những cái nhún vai. Tên Einsatzkommandos gật đầu với tên phiên dịch Gebirgsjäger và trong vòng hai giây - hai tên Đức bắt đầu kiểm tra đám tù binh. Chúng chỉ cần nghe một vài câu để kiểm tra mức độ biết chữ của đám người Nga. Ta nhìn vào tờ Pravda của mình. Phía trên bài báo chính là một lời hiệu triệu in đậm của đích thân Stalin. HỠI ĐỒNG BÀO! ĐỒNG CHÍ! ĐỜI ĐỜI VINH QUANG NHỮNG ANH HÙNG ĐÃ HY SINH THÂN MÌNH VÌ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC CHO ĐẤT NƯỚC!

Những người nông dân già nhún vai và trả tờ báo của họ lại cho bọn Đức mà không hề nhìn vào câu chữ. Nhiều người trẻ hơn từ các hợp tác xã vật lộn nặn được một vài từ. Những tù binh này thực hiện bài kiểm tra rất nghiêm túc, nhăn mặt nhíu mày cố gắng giải mã những con chữ. Nhưng bọn Đức bật cười hiền từ trước những lỗi sai, vỗ vai những kẻ mù chữ, đùa cợt với họ.

“Các anh không bao giờ động gì đến sách vở phỏng? Còn bận đi săn gái chứ gì?”

Chẳng mấy chốc đám tù binh đã trở nên thoải mái và quát gọi bạn bè ở cuối hàng. Họ bật cười cùng những kẻ bắt giữ mình khi họ lắp bắp đánh vần. Một vài người bịa ra những bài báo của chính mình, giả vờ đang đọc trong khi sáng tác những lời miêu tả các trận đánh bên ngoài Moscow hoặc vụ ném bom Trân Châu Cảng, bắt chước đâu ra đấy phong cách đưa tin mà họ đã nghe trên đài. Bọn Đức tỏ ra thích thú với trò bịp này; cả hai bên đều biết là không có ai bị lừa.

Bọn Đức ra lệnh cho mỗi người thất bại bước sang bên trái. Vài người đầu tiên ra đứng đó tỏ vẻ xấu hổ với cảnh mất mặt trước đám đông của mình, nhưng họ sôi nổi hơn khi hàng ngũ những kẻ mù chữ đông dần.

“A, Sasha, cả cậu nữa à? Tớ cứ tưởng cậu giỏi giang lắm mà!”

“Nhìn hắn ta vật vã khổ sở trước mắt tay sĩ quan kìa! Thôi nào, thôi nào, lại nhà máy thép với bọn tôi thôi! Sao chứ, cậu tưởng cậu sẽ kiếm được công việc văn phòng chắc? Đúng là đồ cợt nhả; nhìn hắn xem, còn chưa chịu thôi!”

“Cụ Edik ơi, cụ nghĩ mình có thể đi cả chặng đường đến Estonia không hả? Hà? Thôi nào, vui lên, chúng tôi sẽ đỡ cụ một tay!”

Những người biết đọc muốn gây ấn tượng với bọn Đức. Họ đọc lại những dòng chữ giống như các diễn viên đang độc thoại. Nhiều người trong số họ vẫn còn đọc tiếp sau khi đã được ra lệnh dừng lại, nhấn nhá thêm những từ quan trọng, thể hiện vốn từ vựng phong phú của mình. Họ bước sang phía bên phải, rạng ngời hãnh diện, gật đầu với những đồng đội có giáo dục của mình, hài lòng với sự xoay chuyển của tình hình. Vyborg cũng không quá xa, và làm việc trong một tòa nhà được sưởi ấm với ba bữa một ngày là viễn cảnh tốt hơn so với việc ngồi trong chiến hào cả đêm chờ đạn cối trút xuống.

Kolya nhướng mắt, nhìn những người biết chữ chúc mừng lẫn nhau. “Xem chúng kìa,” anh ta nói lí nhí. “Chúng muốn được nhận giải vì chúng đọc được báo cơ đấy. Và hãy xem những thằng Đức kia vênh váo làm sao chứ. Có lẽ tôi sẽ đọc cho chúng chương đầu tiên trong Eugene Onegin. Cô nghĩ như thế sẽ gây ấn tượng với chúng không?” Sáu mươi khổ, rat-tat-tat-tat-tat. Chúng tưởng ở châu Âu chỉ mình chúng có văn hóa chắc? Chúng thực sự muốn đem Goethe và Heine đấu với Pushkin và Tolstoy à? Tôi chịu chúng âm nhạc. Khoảng cách gần hơn là chúng tưởng, nhưng âm nhạc thì tôi chịu chúng. Cả triết học nữa. Nhưng văn học ấy à? Không, tôi nghĩ là không.”

Tên Einsatzkommandos mũ đen chỉ còn cách hai người nữa trong hàng là đến Kolya, anh ta đứng bên trái ta. Ta cảm thấy một bàn tay đi găng bóp chặt tay phải mình và ta quay sang nhìn thấy Vika, khuôn mặt nhợt nhạt của cô nghiêng về phía ta, đôi mắt dữ dội của cô không hề chớp cho dù là qua cả những tia nắng chiếu xiên khoai. Cô đã cầm tay ta để báo động ta điều gì đó, nhưng cô không buông ra nhanh chóng như lẽ ra cô có thể hoặc ít nhất thì đó là điều ta tự nhủ. Ta có thể khiến cô yêu ta. Sao lại không chứ? Thế ngộ nhỡ chẳng may thái độ chung của cô đối với ta là nỗi ghê sợ chán ngấy thì sao?

“Cậu không biết đọc,” cô nói với ta bằng cái giọng thì thầm điêu luyện ấy, quá khẽ khàng không ai khác có thể nghe được. Cô đăm đăm nhìn ta để bảo đảm là ta đã hiểu. Lần đầu tiên trong đời, ta không cần một lời giải thích.

Tên Einsatzkommandos, vừa kiên nhẫn vừa hiền từ như một vị giáo sư, đứng nghe người lính cạnh Kolya.

“Chẳng bao lâu nữa, châu Âu sẽ tung bay lá cờ vĩ đại vì tự do cho các dân tộc…”

“Tốt.”

“… và hòa bình giữa các dân tộc.”

“Tốt, tốt lắm. Qua bên phải.”

Ta huých cùi chỏ vào tay Kolya. Anh ta liếc nhìn ta, sốt ruột, sẵn sàng thể hiện cho cái thằng phát xít vênh váo này khuôn mặt thực sự của giới chủ nghĩa nước Nga. Ta lắc đầu một lần. Tên Einsatzkommandos bước lại chỗ anh ta. Không có cơ hội để nói bất kỳ điều gì. Tất cả những gì ta có thể làm là nhìn chằm chằm vào mắt anh ta và hy vọng là anh ta đã hiểu.

“Ái chà, một anh chàng đẹp trai của vùng thảo nguyên đây. Có tí chất Cossack sông Đông đúng không?”

Kolya đứng thẳng. Anh ta cao hơn tên Einsatz và trong vài giây anh ta cúi nhìn xuống tên Đức mà không mở miệng.

“Tôi không biết được. Sinh ra và lớn lên ở Piter.”

“Thành phố tuyệt đẹp. Kể ra thật xấu hổ khi gọi nó là Leningrad. Tên xấu ẹ nhỉ? Tôi muốn nói là bỏ qua tất cả các vấn đề chính trị. Chỉ là tôi thấy như thế thật không đúng. Saint Petersburg, cái tên đấy mới gọi là kêu. Bao nhiêu là lịch sử! Tôi đã từng tới đó, anh biết đấy. Cả Moscow nữa. Đoán chắc chẳng bao lâu nữa tôi sẽ lại ghé thăm chúng. Còn bây giờ, hãy cho tôi thấy anh có thể làm gì nào.”

Kolya giơ tờ báo lên và soi những dòng chữ in. Anh ta hít một hơi dài, mở miệng ra để bắt đầu và bật cười, lắc đầu, trả lại tờ báo cho tên Đức.

“Tôi thậm chí còn không thể giả vờ được, tôi xin lỗi.”

“Đừng xin lỗi! Đôi vai như của anh sẽ thành sự lãng phí ở một bàn giấy. Chàng trai tốt, anh sẽ ổn thôi.”

Kolya gật đầu, mỉm cười với tên sĩ quan như một thằng ngốc đẹp trai. Lẽ ra anh ta phải gia nhập đội những kẻ mù chữ, nhưng anh ta nấn ná cạnh ta, tay đút trong túi.

“Tôi muốn xem anh bạn tôi có làm ăn khá hơn tí gì không,” anh ta nói.

“Hừm, anh ta không thể nào làm tệ hơn được thế,” tên Einsatzkommandos nói và mỉm cười một mình. Hắn bước đến trước mặt ta và ngó nhìn. “Cậu bao nhiêu tuổi? Mười lăm?”.

Ta gật đầu. Ta không biết mười lăm hay mười bảy là an toàn hơn; ta nói dối theo bản năng.

“Ông bà cậu người ở đâu?”

“Moscow.”

“Cả bốn người à?”

“Vâng.” Lúc này ta nói dối một cách tự động, thậm chí còn chẳng nghĩ ngợi câu chữ trước khi thốt chúng thành lời. “Bố mẹ tôi gặp nhau ở đó.”

“Tôi thấy cậu không giống người Nga. Nếu phải đoán thì tôi sẽ nói cậu là người Do Thái.”

“Bọn tôi gọi cậu ta thế suốt,” Kolya vừa nói vừa vò tóc ta và nhăn nhở cười. “Chàng Do Thái bé nhỏ của chúng ta! Làm cậu ta phát điên. Nhưng nhìn cái mũi kìa! Nếu không biết gia đình cậu ta, chắc tôi đã thề rằng cậu ta là dân Do Thái gộc.”

“Có những người Do Thái mũi nhỏ,” tên Đức nói, “và người không phải Do Thái lại mũi to. Chúng ta không thể kết luận bừa được. Cách đây mấy tháng tôi thấy một cô nàng Do Thái ở Warsaw, tóc cô ta còn vàng hơn cả tóc anh.”

Hắn làm ra dấu cái đầu trần của Kolya, mỉm cười, và nháy mắt.

“Mà không hề nhuộm đâu nhé. Anh hiểu chứ?”

“Tôi hiểu,” Kolya nói, mỉm cười đáp lại.

“Đừng có lo lắng quá,” tên Đức bảo ta. “Cậu vẫn còn trẻ. Tất cả chúng tôi cũng đều đã có những năm tháng ngượng nghịu của mình. Vậy hãy cho tôi biết, cậu có khá hơn anh bạn đây tí nào không?”

Ta nhìn xuống tờ báo trên tay mình.

“Tôi biết cái này là Stalin.” Ta chỉ vào từ đó. “Và đồng chí? “

“Được, khởi đầu thế là được đấy.”

Hắn mỉm cười với ta một cách bề trên, vỗ má ta, và cầm lấy tờ báo. Ta nghĩ hắn cảm thấy ngượng vì đã nói trông ta giống một người Do Thái.

“Tốt lắm. Cậu sẽ có bạn mình đây bầu bạn ở Estonia. Một vài tháng lao động vất vả cũng không hại gì cho ai cả. Tất cả chuyện này sẽ sớm qua thôi. Còn cậu,” hắn nói thêm, đi xuống chỗ Vika, người cuối cùng trong hàng. “Một đứa trẻ nữa. Cậu có gì cho tôi đây?”

Vika nhún vai và lắc đầu, không hề ngước nhìn lên, trả lại tờ báo không đọc cho tên Einsatzkommandos.

“Phải rồi, một thắng lợi nữa cho nền giáo dục. Tốt, cả ba người các cậu qua bên trái.”

Bọn ta gia nhập đám mù chữ đang cười nhăn nhở. Một người trong số họ đã làm việc trong một nhà máy thép hồi trước nên những người khác đang vây quanh anh ta, nghe anh ta miêu tả cái nóng kinh khủng và nỗi nguy hiểm khi xoay xở với kim loại nóng chảy. Tên tố giác Markov đứng ngay bên ngoài vòng tròn này, đang xoa hai bàn tay trần để giữ ấm, bị tất cả mọi người phớt lờ.

“Vừa xong là Abendroth à?” ta thì thầm với Vika. Cô lắc đầu.

“Cấp bậc của Abendroth là Sturmbannführer[24]. Bốn sao bạc trên cổ áo. Tên này chỉ có ba.”

Tên phiên dịch của đại đội đang đếm mỗi nhóm tù binh, vừa chỉ vào những cái đầu vừa mấp máy môi. Khi đã xong, hắn thông báo với tên Einsatzkommandos, “Năm mươi bảy người biết đọc. Ba mươi tám người không biết đọc.”

“Tốt lắm.”

Mặt trời đã lặn và không khí đang trở nên lạnh hơn. Tên Einsatzkommandos bước tới chiếc ghế gấp, chỗ cái áo choàng của hắn đang chờ đợi, trong lúc bọn lính xếp những người tù binh biết chữ thành hai hàng và ra lệnh cho họ bước đi. Vừa bước, những người Nga vừa vui vẻ vẫy chào những người đồng chí kém giáo dục của mình.

Giờ thì họ bước rất đều, khác xa cái đám rước xiên xẹo lúc trước. Những cái ủng nhấc lên và đặt xuống theo nhịp: một, hai, một, hai. Những tù binh muốn gây ấn tượng với bọn chủ Đức của họ, để chứng tỏ rằng họ xứng đáng với cơ hội này được cặp báo ở Vyborg đến mãn hạn tù.

Tên Einsatzkommandos không còn nhìn gì đến họ nữa. Hắn cài cúc áo, xỏ đôi găng tay da vào, và bước về phía những chiếc Kübel đang đổ. Đám tù binh biết chữ đi đầu tới bức tường hông bằng gạch không có cửa sổ của ngôi trường, đến đó họ dừng lại và quay mặt ra phía trước. Ngay cả lúc đó họ cũng vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Làm sao hiểu được? Họ là những học sinh giỏi; họ đã vượt qua bài kiểm tra và được khen thưởng cơ mà.

Ta nhìn Vika, nhưng cô đang đăm đăm nhìn về xa xăm, không chịu chứng kiến.

Bọn lính Đức chĩa những khẩu tiểu liên và nổ súng vào hàng tù binh Nga. Chúng giữ ngón tay trên cò súng cho đến khi những băng đạn trống rỗng và những người Nga nằm sóng soài và băm nát trên mặt đất, khói bốc lên từ những cái áo khoác cháy sém của họ. Bọn Đức nạp đạn, bước tới bức tường, và bắn từng phát một vào đầu của bất kỳ ai còn thở.

Phía trước ngôi trường ta thấy tên Einsatzkommandos chào tên lính trẻ đầu trần nãy giờ vẫn nạp đầy những bình nhiên liệu. Điều tên sĩ quan nói chắc hẳn phải buồn cười lắm; tên lính trẻ cười phá lên và gật đầu đồng tình. Tên Einsatzkommandos bước lên một chiếc Kübel và lái đi khỏi. Tên lính trẻ nhặt những chiếc can rỗng lên và ì ạch kéo chúng về phía ngôi trường. Chưa đi được bao xa hắn dừng lại và ngước nhìn lên trời. Lúc này ta có thể nghe thấy, tiếng ầm ĩ của động cơ máy bay trên đầu bọn ta. Những chiếc Junkers màu bạc bay về phía Tây, theo đội hình mũi nhọn ba chiếc một, cho đợt oanh tạc đầu tiên trong đêm. Hết ba chiếc này lại đến ba chiếc khác rồi ba chiếc nữa, lấp kín bầu trời như một đàn chim di cư. Tất cả bọn ta, những tù binh sống sót và đám đặc nhiệm sơn cước, đứng lặng yên và nhìn lũ máy bay đi qua.