Thành Phố Trộm

Chương 17

Hai mươi phút sau bọn ta lại ì ạch lê bước qua tuyết, hơi ấm của ngôi nhà nông trang đã trôi khỏi ký ức. Giữa hai vách thông lừng lững, bọn ta bước thành hàng một cách nhau chín bước chân, theo lệnh của Korsakov. Ta không hiểu ý nghĩa chiến thuật của kiểu đội hình này, nhưng tin tưởng rằng những người này là bậc thầy về phục kích và họ biết mình đang làm gì. Kolya bước ngay phía trước và vì đầu ta rủ gục xuống nên ta chỉ nhìn thấy mép áo choàng và đôi ủng da đen của anh ta. Những thân thể còn lại trong đoàn người nhỏ của bọn ta là bóng ma, không hình không tiếng ngoại trừ họa hoằn có tiếng rắc rắc của cành khô bị giẫm lên hoặc tiếng ken két của nắp bi đông được vặn ra làm một ngụm trà còn nóng.

Hồi trước ta chưa bao giờ thực sự tin vào cái chân lý hiển nhiên rằng những người lính học được cách ngủ khi đang hành quân, nhưng trong lúc bọn ta đi mãi về phía Đông, được ru bởi nhịp ủng nhấc lên rồi lại hạ xuống trong tuyết, ta chập chờn lúc mơ lúc tỉnh. Ngay cả cái lạnh cũng không thể giữ cho ta tỉnh táo. Novoye Koshkino chỉ cách ngôi nhà nông trang vài cây số đường bộ, nhưng bọn ta ở cách xa bất kỳ con đường nào, đi vòng quanh những đồn bốt của bọn Đức mà hẳn Kolya và ta đã chui đầu vào nếu không có người hộ tống. Korsakov đã nói rằng cuộc hành quân sẽ mất bốn tiếng đồng hồ; chưa hết tiếng đầu tiên ta đã cảm giác như thể ai đó đã đổ xi rô đặc quánh vào một cái lỗ trong sọ mình. Tất cả mọi thứ ta làm đều chầm chậm. Nếu ta muốn xoa mũi mình, ta ý thức được cả mệnh lệnh của bộ não và sự chấp hành miễn cưỡng của bàn tay, hành trình dài đưa bàn tay lên mặt, tìm kiếm cái mũi (mọi khi vốn là mục tiêu dễ dàng), và chuyến trở về đầy sung sướng của bàn tay vào lại cái hang nhỏ ấm áp của nó tít sâu trong chiếc áo khoác hải quân của cha ta.

Càng mệt mỏi bao nhiêu thì dường như ta càng thấy toàn bộ kịch bản này trở nên đáng ngờ bấy nhiêu. Làm sao chuyện này có thể là thật được? Bọn ta là một đàn chuột bị bỏ bùa, hành quân dưới vầng trăng được vẽ bằng phấn trên bảng đen bầu trời. Một vị pháp sư sống ở Novoye Koshkino, một người biết những câu thần chú cổ xưa có thể biến bọn ta quay lại thành người như trước. Nhưng sẽ có những hiểm nguy trên đường, những con mèo đen khổng lồ trườn mình trên băng, lao bổ vào trong lúc bọn ta cuống cuồng tìm nơi trốn, những cái đuôi dài của bọn ta ngoáy tít vì khiếp sợ.

Ủng của ta lún sâu vào trong một ụ tuyết mềm và ta suýt trẹo mắt cá chân. Kolya dừng bước và ngoảnh lại khi anh ta nghe thấy ta chấp chới, nhưng ta giữ thăng bằng lại được, gật đầu chớp nhoáng với anh ta, và tiếp tục bước mà không cần giúp đỡ gì hết.

Những cô gái sống trong ngôi nhà cũng đã rời đi cùng lúc như bọn ta. Họ không có áo choàng hoặc ủng mùa đông nào cả; bọn Đức đã lấy những thứ đó đi sau khi Zoya bỏ trốn. Không có quần áo tử tế, những cô gái dùng đến cách nhồi nhiều lớp, vận lên người đủ mọi chiếc áo mà họ có, tất cả áo len và quần tất, cho đến khi họ lắc lư dưới sức nặng, loạng choạng qua căn phòng lớn như những nông dân béo núc ních say rượu. Galina đã nghĩ ra ý tưởng mặc áo khoác của bọn Quốc xã, nhưng mọi người nhanh chóng phản đối nếu bị bắt, cơ hội của họ đã đủ tệ lắm rồi, nhưng bị bắt khi đang mặc áo khoác của một tên sĩ quan đã chết thì đúng là dấu chấm hết.

Kolya và ta hôn vào má họ ở ngưỡng cửa. Họ đã quyết định không đến Leningrad; một vài người trong số họ có người thân ở đó, nhưng các ông chú bà thím có khi đã chết rồi hoặc không cũng sơ tán về phía Đông. Quan trọng hơn là ở Leningrad còn chẳng có thức ăn cho dân cư của nó nên chắc chắn là càng không có cho bốn cô gái ở làng quê không có tem phiếu. Leningrad không ăn thua, nên họ sẽ đi về phía Nam. Họ đã mang theo tất cả lương thực dự trữ còn sót lại sau khi những người du kích đã lấy những gì họ muốn. Korsakov cho phép họ giữ hai khẩu Luger của Đức để phòng thân. Triển vọng của họ không sáng sủa lắm, nhưng họ có vẻ rất phấn chấn khi bước ra khỏi cửa của ngôi nhà nông trang. Họ đã là tù nhân ở đó mấy tháng trời, đã chịu đựng cảnh bị đọa đày đêm này qua đêm khác, và giờ đây họ được tự do. Ta hôn tất cả tám cái má, vẫy chào tạm biệt, và không bao giờ gặp lại họ hay nghe kể bất kỳ điều gì về họ nữa.

Thứ gì đó chọc vào vai ta, ta mở choàng mắt, và nhận ra nãy giờ mình đã bước đi trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Lúc này Kolya đang bước cạnh ta, bàn tay đi găng của anh ta túm lấy ta qua lần áo khoác.

“Cậu vẫn tỉnh đấy chứ hả?” anh ta hỏi khẽ, chăm chú nhìn ta với vẻ quan tâm thật sự.

“Tôi tỉnh đây.”

“Tôi sẽ đi với cậu. Giữ cho tỉnh.”

“Korsakov bảo chúng ta phải…”

“Tôi không nhận mệnh lệnh từ đồ lợn ấy. Cậu thấy hắn đối xử với mấy cô gái thế nào rồi.”

“Anh là người duy nhất xoắn xuýt với hắn còn gì.”

“Ngay lúc này chúng ta cần hắn. Và người bạn nhỏ của hắn nữa… Lúc ở đó gần lò sưởi tôi đã thấy cậu chằm chằm nhìn cô ta. Cậu muốn bem cô nàng bắn tỉa một phát, đúng không? Đúng không? Ha ha!”

Ta lắc đầu, mệt đến nỗi chẳng còn thèm lèm bèm câu nói đùa tệ hại của anh ta.

“Cậu đã cặp với em tóc đỏ nào chưa? Ồ chờ chút, tôi đang nói gì thế này, cậu chưa bao giờ cặp với ai cả mà. Tin tốt là ở trên giường họ là những con quỷ. Hai trong ba em bồ ngọt thịt nhất của tôi là dân tóc đỏ. Phải nói là hai trong bốn mới phải. Nhưng mặt kia của đồng xu thì, họ căm ghét đàn ông. Chất chứa nhiều căm giận lắm, bạn của tôi. Cẩn thận đấy.”

“Tất cả những cô tóc đỏ đều ghét đàn ông sao?”

“Cũng hoàn toàn có lý thôi nếu cậu thử nghĩ mà xem. Bất kỳ cô nàng tóc đỏ nào mà cậu gặp ngoài này, nhiều khả năng cô ta là hậu duệ của một tay Viking nào đó chuyên đi chặt đứt tay người ta trước khi cưỡng bức bà cụ tằng tổ của cô ta. Cô ta mang dòng máu của quân cướp trong mình.”

“Đó là một giả thiết hay đấy. Anh nên nói cho cô ấy biết.”

Với mỗi bước chân ta đều cố đặt đúng vào đầu ủng của người du kích đi phía trước bọn ta mười tám bước chân. Bước vào những chỗ tuyết đã bị giẫm trước ít tốn súc hơn là bước vào tuyết mới, nhưng người đàn ông đi trước có đôi chân dài, nên ta phải khó khăn lắm mới sải bước theo được anh ta.

“Vậy theo như tôi hiểu thì,” ta mở miệng, thở hổn hển và cúi đầu xuống tránh một cành rậm rì lá thông chìa ra, “chúng ta đang hành quân đến Novoye Koshkino để tìm ngôi nhà nơi bọn Einsatzgruppen đặt tổng hành dinh vì có thể ở đó chúng có trứng à?”

“Đó là việc chúng ta làm cho tay đại tá. Nhưng cho chúng ta, và cho nước Nga, thì chúng ta đang hành quân đến Novoye Koshkino để giết bọn Einsatz vì chúng phải bị giết.”

Ta cúi thấp đầu xuống để phần lớn mặt mình được cái cổ áo choàng của cha ta che gió. Bàn bạc thêm mà làm gì nữa? Kolya tự xem mình như kiểu một người phóng túng, một người có đầu óc khoáng đạt, nhưng theo cách của riêng mình thì anh ta cũng là một kẻ cuồng tín. Điều tồi tệ nhất là ở chỗ ta lại không cho rằng anh ta sai. Bọn Einsatzkommandos phải bị tiêu diệt trước khi chúng tiêu diệt bọn ta. Ta chỉ không muốn là người gánh lấy trách nhiệm tiêu diệt chúng. Chẳng lẽ ta lại phải lẻn vào hang ổ của chúng chỉ với một con dao phòng thân hay sao? Năm ngày trước mà nói đến chuyến viễn du này thì hẳn là sẽ giống cuộc phiêu lưu vĩ đại mà ta vẫn chờ đợi từ khi chiến tranh bắt đầu. Nhưng giờ đây, ở ngay giữa nó, ta ước gì mình đã rời đi từ tháng Chín cùng với mẹ và em gái.

“Cậu có nhớ đoạn kết tập một của Con chó săn trong sân không? Khi Radchenko nhìn thấy ông giáo sư già vừa loạng choạng trên phố vừa lẩm bẩm với lũ bồ câu ấy?”

“Cảnh tồi tệ nhất trong lịch sử văn học.”

“Ồ, thứ lỗi cho tôi, cậu chưa bao giờ đọc cuốn đó.”

Có điều gì đó dễ chịu một cách kỳ lạ trong tính dai dẳng của Kolya, việc anh ta sẵn sàng kể đi kể lại vẫn những câu đùa ấy - nếu ta có thể gọi chúng là những câu đùa hết lần này đến lần khác. Anh ta giống như một ông già lú lẫn vui tính ngồi ở bàn ăn tối với xúp củ cải, đường tung tóe trên cổ áo, kể lại một lần nữa câu chuyện mình được gặp hoàng đế, mặc dù lúc này tất cả mọi người trong nhà đều có thể kể lại thuộc lòng.

“Một trong những đoạn hay nhất trong văn học, cậu biết đấy. Giáo sư của chàng vào thời hoàng kim từng là một nhà văn nổi tiếng, nhưng đến lúc này thì ông ta đã hoàn toàn bị quên lãng. Radchenko cảm thấy xấu hổ thay cho ông già. Chàng nhìn ông ta từ cửa sổ phòng ngủ - Radchenko không bao giờ rời căn hộ của mình; nhớ đấy, bảy năm rồi chàng chưa rời khỏi nó - chàng nhìn vị giáo sư vừa đi khuất khỏi tầm mắt, vừa đá lũ chim câu và nguyền rủa chúng.” Kolya hắng giọng và chuyển sang kiểu nói hùng hồn của anh ta. “Tài năng chắc hẳn phải là một người tình rồ dại. Nàng đẹp lộng lẫy; khi ta ở cùng nàng, mọi người ngước nhìn ta, họ đấy”. Nhưng nàng nện cửa phòng ta vào những giờ oái oăm, rồi nàng biến mất cả hồi dài đằng đẵng, và nàng không có kiên nhẫn với những thứ khác trong sự tồn tại của ta: vợ ta, con ta, bạn bè ta. Nàng là buổi tối hào hứng nhất trong cả tuần của ta, nhưng rồi bỗng một hôm nàng rời bỏ ta mãi mãi. Một đêm, sau khi nàng đã biến mất suốt bao năm, ta sẽ nhìn thấy nàng trong vòng tay của một người đàn ông trẻ trung hơn, và nàng sẽ vờ như không còn nhận ra ta nữa.”

Việc Kolya dường như miễn nhiễm với sự kiệt sức khiến ta vừa khó chịu vừa thích thú. Ta chỉ có thể bước tiếp nhờ nhìn vào một cái cây ở xa xa và tự hứa với mình rằng ta sẽ không bỏ cuộc trước khi đến được nó và khi bọn ta đến được cái cây đó, ta lại tìm một cây khác và thề rằng đó sẽ là cây cuối cùng. Nhưng Kolya dường như có thể rong chơi qua cả khu rừng, thao thao bất tuyệt độc thoại một mạch cả mấy tiếng đồng hồ.

Ta chờ một lúc để chắc chắn rằng anh ta đã nói xong rồi mới gật đầu. “Hay đấy.”

“Thật chứ,” anh ta vội vàng nói, sung sướng khi nghe vậy. Phản ứng đó làm ta chăm chú nhìn gương mặt sáng bừng dưới ánh trăng của anh ta.

“Anh học thuộc lòng hầu hết cả cuốn sách à?”

“Ồ, cái đó thì tôi không biết. Đoạn này đoạn kia.”

Tuyết phủ dày hơn khi bọn ta băng qua một gò cao, làm cho mỗi bước đi thêm khó nhọc, ta thở phì phò như một ông già chỉ còn một lá phổi trong lúc lảo đảo bước tới cái cây tiếp theo.

“Tôi hỏi anh câu này được không?”

“Cậu vừa hỏi đấy thôi,” anh ta nói, với nụ cười sung sướng đến là khó chịu.

“Những lúc anh viết vào cuốn sổ của mình là anh viết cái gì vậy?”

“Còn tùy vào từng ngày. Đôi khi chỉ là ghi chép lại những gì tôi đã thấy. Đôi khi là tôi nghe được ai nói gì đó, một hai dòng, mà tôi nghe thấy hay hay.”

Ta gật đầu và thí nghiệm bằng cách nhắm một bên mắt lại trong mười giây, rồi đến mắt kia, luân phiên nhau vừa để cho mắt được nghỉ một chút vừa để tránh gió.

“Tại sao cậu lại hỏi thế?”

“Tôi nghĩ anh đang viết Con chó săn trong sân.”

“Cậu nghĩ… ý cậu là viết bài phê bình về Con chó săn trong sân chứ? Ừm, quả thế thật. Tôi bảo cậu rồi còn gì. Một ngày nào đó tôi sẽ có những bài giảng về cuốn sách này. Có khi cả nước Nga chỉ có bảy người là biết nhiều về Ushakovo hơn tôi thôi.”

“Tôi không nghĩ là có tay Ushakovo nào hết.” Ta đẩy mũ lên để có thể nhìn anh ta rõ hơn. “Anh cứ bảo với tôi rằng nó là một tác phẩm kinh điển, vậy mà tôi chưa bao giờ nghe thấy. Và anh rất sung sướng khi tôi nói rằng tôi thích cái đoạn đó, anh tự hào về nó. Giả sử tôi có trích dẫn Pushkin cho anh, và anh bảo đoạn đó viết rất hay, thì tôi cũng đâu có tự hào chứ, phải không? Chúng đâu phải là những dòng tôi viết.”

Nét mặt của Kolya không hề thay đổi. Mặt anh ta không thừa nhận hay chối cãi gì. “Nhưng cậu có thích đúng không?”

“Nó không hề tệ. Anh chỉ vừa mới nghĩ ra à?”

“Qua mấy tiếng đồng hồ vừa rồi. Cậu biết điều gì đã gợi cảm hứng cho tôi không? Bài thơ đó của cha cậu. ‘Một nhà thơ già, Một thời nổi tiếng, Gặp ở quán cà phê.”’

“Cái đó là một đầu mối nữa. Anh ăn cướp trắng trợn của ông ấy còn gì.”

Anh ta vừa cười vừa thổi một vệt hơi khói dài vào không khí lạnh cóng.

“Đây là văn học mà. Chúng tôi không gọi đấy là ăn cướp; chúng tôi gọi đó là tỏ lòng tôn kính. Thế còn câu mở đầu của cuốn sách thì sao? Cậu cũng thích chứ?”

“Tôi không nhớ câu đầu tiên của cuốn sách.”

Trong cái lò mổ nơi chúng tôi hôn nhau lần đầu, không khí còn tanh nồng mùi máu của lũ cừu.

“Hơi lâm li thống thiết thì phải?”

“Lâm li thì đã làm sao? Tất cả những nhà văn đương đại đều là một lũ cá nhỏ nhút nhát…”

“Tôi bảo là lâm li thống thiết cơ mà.”

“… nhưng nếu chủ đề đòi hỏi sự dữ dội thì nó phải dữ dội chứ.”

“Vậy là suốt thời gian rồi… Tại sao anh không nói toẹt với tôi là anh đang viết một cuốn tiểu thuyết?”

Kolya đăm đăm nhìn mặt trăng, lúc này đang lặn về phía mép những ngọn thông. Chẳng bao lâu nó sẽ lặn hẳn và bọn ta sẽ đi trong bóng tối thực sự, vấp vào rễ cây và trượt chân trên những mảng băng đen sì.

“Sự thật là, cái đêm đầu tiên tôi gặp cậu ấy? Ở Chữ Thập nhỉ? Tôi đã đinh ninh là sáng ra họ sẽ bắn chúng ta cơ. Nên tôi nói với cậu cũng để làm gì chứ? Tôi đã nói bất cứ điều gì vọt ra trong đầu mình.”

“Anh chẳng bảo họ sẽ không bắn chúng ta cơ mà!”

“Chẹp, lúc đó cậu có vẻ hơi sợ hãi. Nhưng thôi nào, cứ thử nghĩ xem: một kẻ đào ngũ và một tên hôi của ấy à? Cơ hội nào cho chúng ta chứ?”

Cái cây tiếp theo mà ta chọn làm trạm nghỉ dường như xa lắc lơ, một cây thông in bóng đứng sừng sững hẳn so với những người anh em của nó, một người lính gác im lìm già hơn tất cả số còn lại. Trong khi ta thở hổn hển, Kolya nhấp trà trong bi đông, một nhà tự nhiên học ra ngoài dạo buổi tối. Khẩu phần bộ đội hơn hẳn khẩu phần dân thường - đó là cách ta lý giải về nguồn năng lượng vượt trội của anh ta, phớt lờ thực tế rằng suốt mấy ngày vừa rồi bọn ta đã ăn giống hệt nhau.

“Anh kể là anh đã rời đơn vị của mình để bảo vệ luận văn về Con chó săn trong sân của Ushakovo,” ta vừa nói vừa dừng lại giữa mỗi câu để lấy lại hơi thở. “Và giờ thì anh thừa nhận là chẳng có Ushakovo và cũng chẳng có Con chó săn trong sân nào hết.”

“Nhưng sẽ có mà. Nếu tôi sống đủ lâu.”

“Tại sao anh lại bỏ đơn vị của mình.”

“Phức tạp lắm.”

“Hai người sắp sửa vào bụi thông nhau phỏng?”

Kolya và ta quay ngoắt lại. Vika đã lẳng lặng đến ngay sau lưng bọn ta không một tiếng động, gần đến nỗi ta có thể vươn tay ra và chạm vào má của cô. Cô gườm gườm nhìn vào mặt bọn ta với vẻ khinh bỉ, không giấu nổi sự ghê tởm khi phải đi cùng những tên lính thảm hại đến thế.

“Các anh được bảo phải đi theo hàng một cách nhau chín bước.” Giọng cô nghe rất trầm đối với một cô gái nhỏ nhắn nhường ấy, khàn khàn, như thể cô vừa bị ốm suốt tuần trước đó và thanh quản của cô còn chưa khỏi hẳn. Cô là người nói thầm thành thạo, có thể nhấn khẽ khàng phát âm từng từ để bọn ta hiểu được mọi điều nhưng bất kỳ ai cách đó năm mét cũng không thể nghe được gì hết.

“Các anh đang nhàn tản cứ như một cặp đĩ đực vậy, lại còn tán dóc về sách nữa. Các anh có hiểu là chúng ta có những doanh trại của bọn Đức trong phạm vi hai cây số từ chỗ đang đứng không hả? Các anh muốn tiêu đời trong một cái rãnh, đó là việc của các anh, nhưng tôi còn có kế hoạch nhìn thấy Berlin năm tới.”

“Cậu ấy là người Do Thái đấy,” Kolya vừa nói vừa chọc ngón tay cái vào ta, phớt lờ ánh nhìn tức giận ta ném về phía anh ta.

“Vậy sao? Hử, cậu là gã Do Thái đần độn đầu tiên mà tôi từng gặp. Hoặc là quay lại và trở về Piter hoặc không thì ngậm mõm vào và làm theo quy định của chúng tôi. Phải có lý do chúng tôi mới không mất một ai cả hai tháng nay. Giờ thì bước tiếp đi.”

Mỗi tay đặt vào lưng một người, cô đẩy bọn ta về phía trước và bọn ta về lại vị trí của mình trong hàng một, cách nhau chín bước, bẽ bàng trong im lặng.

Ta nghĩ về tác giả Ushakovo không tồn tại và kiệt tác cũng không tồn tại của ông ta, Con chó săn trong sân. Vì lý do nào đó ta không hề giận Kolya. Đó là một lời nói dối kỳ lạ nhưng vô hại, và càng bước đi thì ta càng hiểu hơn về động cơ của anh ta. Kolya tỏ ra không biết sợ là gì, nhưng bất kỳ ai cũng có một nỗi sợ ở đâu đó trong mình; sợ hãi là một phần di sản của chúng ta. Chẳng phải chúng ta là hậu duệ của lũ chuột ranh ma tí hon nhút nhát đã nép mình trong bóng tối chờ các loài thú dữ to lớn rầm rầm lao qua? Những kẻ ăn thịt người và bọn Quốc xã không làm cho Kolya e sợ, nhưng mối đe dọa bị mất thể diện thì có - viễn cảnh rằng một người xa lạ có thể sẽ cười vào những dòng mà anh ta đã viết.

Cha ta từng có rất nhiều bạn bè, hầu hết họ đều là nhà văn, và họ chọn căn hộ của gia đình ta làm nơi tụ tập vì tài nấu nướng của mẹ ta cũng như tính cha ta ngần ngại phải tống khứ bất kỳ ai ra ngoài. Mẹ ta than phiền rằng bà đang phải điều hành cả Khách sạn Văn chương. Cả căn hộ nồng nặc mùi khói thuốc lá và đầu mẩu ở khắp mọi nơi, trong những chậu cây và những cốc trà uống dở. Một buổi tối một nhà viết kịch thử nghiệm cắm cả tá đầu mẩu thuốc vào những cục sáp nến nóng chảy trên bàn bếp, mô phỏng những đội quân của La Mã và Carthage, để ông ta có thể trình bày chiến thuật gọng kìm của Hannibal trong trận Cannae. Mẹ ta càu nhàu về tiếng ồn ào, cốc chén vỡ, những tấm thảm bị vấy bẩn vì rượu vang Ukraine rẻ tiền, nhưng ta biết bà thích tiếp những đám đông các thi sĩ và tiểu thuyết gia, yêu cảnh họ ngấu nghiến món hầm của bà và mê mẩn những chiếc bánh bà làm. Hồi còn trẻ, bà là một phụ nữ xinh xắn, và cho dù không phải là người ưa tán tỉnh thì bà vẫn thích khi những người đàn ông đẹp trai tán tỉnh mình. Bà thường ngồi cạnh cha ta trên ghế sofa và nghe những cuộc tranh luận, cùng những lời huênh hoang và bài xích, không nói gì nhưng lắng nghe tất cả mọi điều, lưu giữ lại tất cả cho phần trao đổi của bà với cha ta sau khi rốt cuộc thì gã say rượu cuối cùng cũng loạng choạng bước ra khỏi cửa. Bản thân bà không phải là một người viết, nhưng bà là một độc giả rất sành, có gu thẩm mỹ nhiệt thành và chiết trung, và cha ta rất tin tưởng vào khả năng đánh giá của bà. Khi một nhân vật vĩ đại tới căn hộ, một người tầm Mandelstam hoặc Chukovsky, bà không hề biệt đãi họ chút nào, nhưng ta có thể thấy là bà theo dõi họ chăm chú hơn, đánh giá cách họ đối xử với cha ta như thế nào. Trong suy nghĩ của bà thì giỏi văn chương phân chia thứ bậc giống hệt như trong quân đội; có thể là các thứ bậc không có tên gọi và phù hiệu, nhưng dù thế nào thì cũng vẫn là thứ bậc, và bà muốn biết cha ta đứng ở đâu.

Thỉnh thoảng, khi đủ số chai rượu vang đã dốc cạn, một nhà thơ sẽ đứng lên, hơi lắc lư một chút như thể có cơn gió mạnh đang thổi tới, và ngâm một bài thơ ông ta vừa viết. Với tư cách là một đứa bé tám tuổi đang nhòm từ ngoài sảnh vào phòng khách, biết là mình chẳng mấy mà bị tóm và hy vọng cha sẽ là người tóm ta (hầu như không thể nào khiến được ông tức giận, trong khi mẹ ta thì rất nhanh tay với một cú phát đau điếng vào mông), những bài thơ đó chẳng có ý nghĩa gì với ta cả. Hầu hết các nhà thơ đều muốn trở thành Mayakovsky, và trong khi không thể nào sánh nổi với ông về tài năng thì họ lại có thể bắt chước sự tối nghĩa của ông, gào tướng ra những vần thơ chẳng có ý nghĩa gì đối với đứa bé tám tuổi là ta và có lẽ cũng vô nghĩa không kém đối với tất cả mọi người khác trong phòng. Nhưng dù cho mấy bài thơ không làm ta thấy ấn tượng gì thì cách trình bày lại có - những người đàn ông hộ pháp với cặp lông mày chổi xể của họ, lúc nào cũng kẹp thuốc lá giữa các ngón tay, những khúc tàn thuốc dài gãy ra và rơi lả tả xuống sàn nhà mỗi khi họ khoa chân múa tay hăng quá. Họa hoằn lắm mới có một người phụ nữ đứng lên và đối mặt với những ánh mắt đang nhìn chằm chằm - thậm chí có lần cả chính Akhmatova, theo lời mẹ ta, mặc dù ta không hề nhớ đã nhìn thấy bà ta.

Thỉnh thoảng các nhà thơ đọc từ những dòng ghi chép nguệch ngoạc, thỉnh thoảng họ đọc theo trí nhớ. Khi đọc xong, quá bối rối trước tất cả ngần ấy khuôn mặt đang nhìn mình, họ với lấy ly rượu vang hoặc vodka gần nhất - không chỉ vì nhờ rượu tiếp sức, mà còn cho mình việc gì đó để làm, một hành động đơn giản cho tay và mắt bận bịu trong khi chờ đợi phản ứng của đám đông. Đây là một cử tọa gồm bạn bè đồng nghiệp, đối thủ, và phản ứng thông thường là sự tán thưởng khiêm tốn, thể hiện qua những cái đầu gật gù, những cái mỉm cười, vỗ về vào lưng. Một đôi lần ta thấy những con người chủ nghĩa đầy hằn học đó vỡ òa phấn khích, xúc động vì sức mạnh của tác phẩm đến nỗi họ quên phứt cả nỗi ghen tị của mình mà hét lên, “Hoan hô! Hoan hô!” và lao bổ vào tay nhà thơ đang sung sướng ngất ngây, hôn má ông ta bằng những cặp môi ướt nhẹp, vò đầu vò tóc ông ta, nhắc lại những dòng yêu thích của họ, và lắc đầu ngưỡng mộ.

Tuy nhiên thường thấy hơn cả vẫn là phản ứng bằng sự im lặng đầy khinh khỉnh, không một ai sẵn lòng đón lấy ánh mắt của nhà thơ, làm ra vẻ quan tâm đến chủ đề, hoặc hờ hững khen ngợi một phép ẩn dụ đầy tự mãn. Màn đọc mà thất bại là nhà thơ sẽ biết ngay. Ông ta sẽ nốc cạn cốc rượu của mình, nỗi hổ thẹn đỏ bừng lan ra khắp khuôn mặt khi ông ta lau khô miệng bằng ống tay áo và loạng choạng bước sang phía bên kia căn hộ, vô cùng chăm chú vào những cuốn sách trên giá của cha ta - Balzac và Stendhal, Yeats và Baudelaire. Kẻ bại trận sẽ sớm rời khỏi bữa tiệc, nhưng bỏ đi quá nhanh thì lại thành ra không biết chơi đẹp, một kiểu hèn nhát đầy cay cú, vì thế ông ta sẽ chờ đợi cả một quãng hai mươi phút đầy đau đớn trong khi tất cả mọi người xung quanh thận trọng tránh đả động đến bài thơ của ông ta, như thể đó là một phát rắm tàn bạo đến nỗi không ai đủ thô thiển mà thừa nhận. Cuối cùng ông ta cảm ơn mẹ ta về đồ ăn và lòng hiếu khách của bà, mỉm cười nhưng không nhìn vào mắt bà, và hối hả bước ra khỏi cửa, biết rõ rằng ngay phút giây mình đi khỏi tất cả mọi người sẽ cười nhạo về cái tàn bạo mà ông ta vừa phơi bày, thật là một nỗi kinh hoàng, thật là một mớ ê hề toàn tự phụ và gian giảo.

Kolya tự bảo vệ mình bằng cách tạo ra Ushakovo. Tay nhà văn tưởng tượng đó mang đến cái vỏ bọc cho Kolya thử nghiệm câu mở đầu của anh ta, triết lý của nhân vật chính, thậm chí cả nhan đề của cuốn sách, thăm dò phản ứng của ta mà không sợ bị nhạo báng. Nói về khoản trí trá thì đó không phải là trò tinh vi nhất gì, nhưng anh ta đã thực hiện nó thành công một cách ngoạn mục, và ta tự nhủ rằng một ngày nào đó có thể Kolya sẽ viết được một cuốn tiểu thuyết đàng hoàng, nếu anh ta sống sót được qua cuộc chiến và vứt cái câu mở đầu đầy khoa trương ấy đi.

Cuộc nói chuyện với Kolya và màn đối đầu với Vika đã lay cho ta tỉnh ngủ trở lại và ta vừa căng mắt nhìn quanh khu rừng, vừa hy vọng những người đi trước và đi sau mình có đôi mắt nhìn trong bóng đêm tốt hơn ta. Trăng đã lặn xuống phía dưới rặng cây; vài tiếng đồng hồ nữa mặt trời mới mọc; lúc này đêm tối đen thực sự. Đã hai lần ta bước vào những thân cây. Có đến cả hàng triệu những vì sao mọc ra, nhưng chúng chỉ để làm cảnh mà thôi, và ta băn khoăn tại sao những mặt trời xa xăm ấy lại hiện ra như những tia sáng le lói. Nếu quả thật là những nhà thiên văn nói đúng và vũ trụ chật cứng những ngôi sao, nhiều ngôi sao trong số đó lớn hơn nhiều mặt trời của chúng ta, và nếu ánh sáng di chuyển mãi mãi không hề chậm lại hay tắt dần đi thì tại sao bầu trời không chiếu sáng suốt mọi giây phút trong ngày? Câu trả lời hẳn là phải hiển nhiên lắm, chỉ có điều ta không thể nghĩ ra được. Cả ba mươi phút ta không hề lo lắng về bọn Einsatzkommandos và tên chỉ huy Abendroth của chúng; ta quên cả những cơ bắp ở chân mình đang bị chuột rút; ta không để ý đến giá lạnh. Chẳng lẽ những ngôi sao cũng giống như ánh đèn pha, không thể chiếu quá một khoảng cách nhất định nào đó? Từ nóc tòa nhà Kirov ta có thể nhìn thấy một người lính đang rọi đèn pha từ cách đó vài cây số, cho dù là quầng sáng ấy không thể chiếu rõ khuôn mặt ta từ khoảng cách đó. Nhưng nói đi phải nói lại, tại sao luồng sáng của một ánh đèn pha lại yếu đi theo khoảng cách? Chẳng lẽ các hạt ánh sáng cũng tóe ra giống những viên ghém trong một phát súng săn sao? Cả ánh sáng cũng được tạo thành từ các hạt à?

Những nỗi băn khoăn lơ mơ của ta cuối cùng cũng chấm dứt khi ta xô vào lưng Kolya, va mũi đánh bốp và giật mình la lên. Hơn chục tiếng người khác suỵt ta im lặng. Nheo mắt nhìn những hình thù lờ mờ phía trước mình, ta thấy là mọi người đã tập hợp lại bên một tảng đá to sừng sững, phủ cứng tuyết. Vika đã ở sẵn trên chỏm tảng đá; ta không biết bằng cách nào mà cô trèo lên được gờ đá trơn tuột và đông cứng của nó trong bóng tối.

“Chúng đang đốt làng,” cô gọi với xuống Korsakov.

Cô vừa nói những từ đó thì ta cũng ngửi thấy mùi khói trong không khí.

“Chúng tìm thấy những cái xác rồi,” Korsakov nói.

Bọn Đức đã quán triệt rất rõ ràng triết lý trả thù của chúng đối với người dân trong vùng chiếm đóng. Chúng đóng những tờ áp phích lên tường; chúng ban bố những bản tuyên cáo trong chương trình phát thanh bằng tiếng Nga; chúng rêu rao thông qua bọn tay sai: cứ giết một người lính của bọn tao thì bọn tao sẽ giết ba mươi người Nga. Truy lùng du kích là công việc khó khăn, nhưng bố ráp từng đám người già, phụ nữ và trẻ em lại dễ dàng, cho dù hiện thời hết nửa dân trong nước đang bỏ trốn.

Nếu Korsakov và người của anh ta có bận lòng khi biết rằng vụ đột kích của họ hồi đêm đã làm bùng phát một màn tàn sát những người vô tội thì ta cũng không nhìn thấy dấu hiệu nào trong những lời họ thì thầm trao đổi với nhau. Kẻ thù đã tuyên bố chiến tranh tổng lực khi chúng xâm lược đất nước chúng ta. Chúng đã thề, hết lần này đến lần khác và in ra hẳn hoi, sẽ thiêu rụi những thành phố của chúng ta và biến người dân thành nô lệ. Chúng ta không thể chiến đấu với chúng một cách dè chừng. Chúng ta không thể chống lại chiến tranh tổng lực bằng chiến tranh nửa vời. Những người du kích sẽ tiếp tục thủ tiêu những tên Quốc xã; và cuối cùng lũ phát xít sẽ học được rằng chúng sẽ không thể giành được chiến thắng ngay cả khi chúng có giết ba mươi dân thường cho mỗi tên lính của chúng bị chết. Phép toán đó thật tàn nhẫn, nhưng những phép toán tàn nhẫn vẫn luôn có lợi cho nước Nga.

Vika lồm cồm trèo xuống khỏi tảng đá. Korsakov bước lại bàn bạc với cô. Khi đi qua bọn ta anh ta lẩm bẩm với Kolya, “Vậy là xong vụ Novoye Koshkino rồi.”

“Chúng ta không đi nữa à?”

“Đi làm gì nữa? Mục đích chính là tới được đó trước khi trời sáng và săn lùng bọn Einsatz. Anh có ngửi thấy mùi khói không? Bọn Einsatz đang săn chúng ta.”