Thành Phố Trộm

Chương 12

Bên ngoài Leningrad cây cối vẫn mọc, lũ quạ quàng quạc trên những cành bạch dương, bọn sóc đuổi nhau qua những cây linh sam. Những con sóc nhìn có vẻ béo tốt và ngờ nghệch, mục tiêu ngon ăn cho một người có súng lục. May mà chúng được sống trong vùng nước Nga bị chiếm đóng.

Bọn ta băng xuyên qua rừng, qua những cánh đồng trống ngập ánh nắng lạnh lẽo, giữ khoảng cách sao cho vẫn quan sát được đường tàu phía bên trái. Tuyết đóng cứng, rải đầy lá thông, dễ dàng cuốc bộ. Bọn ta đang ở trong vùng quân Đức kiểm soát, nhưng không có dấu hiệu gì về sự hiện diện của quân Đức, chẳng có bóng dáng gì của chiến tranh. Ta thấy hạnh phúc một cách kỳ lạ. Piter là quê nhà của ta, nhưng lúc này Piter là một nghĩa địa, một thành phố của những bóng ma và lũ ăn thịt người. Bước đi trong vùng nông thôn ta cảm thấy một sự thay đổi về thể chất, như thể ta đang được hít thở khí ôxy tinh khiết sau nhiều tháng ở dưới đáy một mỏ than. Mớ rối rắm trong ruột gan ta dãn ra, tai ta được thông, ta có sức lực ở hai chân mà nhiều tháng nay ta không còn cảm thấy.

Có vẻ như Kolya cũng bị tác động y hệt như thế. Anh ta nheo mắt vì quầng sáng từ tuyết hắt lên, chu môi thổi ra những luồng hơi nước to đùng, khoái trá với cái trò ấy không khác gì một đứa bé năm tuổi.

Nhìn thấy một mảnh giấy xanh gần gốc một cây bạch dương cổ thụ, anh ta cúi xuống nhặt nó lên. Nhìn nó khá là bình thường, một tờ tiền mười rúp, ánh mắt của Lenin đang chằm chằm nhìn bọn ta từ dưới vầng trán hói rộng mênh mông - chỉ có điều là tiền mười rúp lẽ ra phải màu xám, chứ không phải màu xanh.

“Tiền giả à?” ta hỏi.

Kolya gật đầu, vừa chỉ một ngón tay lên trời vừa săm soi tờ tiền.

“Bọn Đức thả xuống cả đống. Càng nhiều tiền giả rải rác khắp nơi thì giá trị của tiền thật càng giảm.”

“Nhưng thậm chí màu còn sai cơ mà.”

Kolya lật tờ tiền lại và đọc thành tiếng những dòng chữ được in ở mặt bên kia.

“Giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày đã tăng chóng mặt và thị trường chợ đen tại Liên Xô đang nở dộ. ‘Nở rộ’ bị viết sai chính tả nhé. Các đảng viên và dân Do Thái đang móc ngoặc ngầm với nhau ở nhà trong khi các bạn ở mặt trận phải hy sinh tính mạng của mình cho lũ tên tội phạm đó. ‘Lũ tên tội phạm,’ hay thật. Chúng chiếm đóng cả nửa nước mà chúng thậm chí còn không tìm được người nói được thứ tiếng này à? Chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ nhìn ra nguyên nhân, vì vậy hãy giữ tờ mười rúp này. Nó sẽ đảm bảo cho các bạn được an toàn trở về một nước Nga tự do sau chiến tranh.”

Kolya nhăn nhở cười và liếc nhìn ta. “Cậu có đang móc ngoặc gì không đấy, Lev Abramovich?”

“Được thế thì đã tốt.”

“Chúng tưởng những thứ này sẽ làm chúng ta dao động sao? Chúng không hiểu à? Chúng ta đẻ ra trò tuyên truyền! Tất cả trò này là chiến thuật sai lầm; chúng đang gây khó chịu cho những người mà chúng tìm cách chiêu hồi. Gã trai cứ tưởng mình vừa nhặt được một tờ mười rúp, gã sung sướng lắm, biết đâu gã có thể mua được thêm một lát xúc xích. Nhưng không, có phải tiền đâu, mà là một mảnh coupon chiêu hàng viết sai be bét.”

Anh ta xiên tờ tiền vào một cành cây và lấy bật lửa đốt.

“Anh đang đốt bỏ cơ hội của mình được quay về một nước Nga tự do sau chiến tranh đấy,” ta bảo anh ta.

Kolya mỉm cười nhìn tờ tiền cháy đen và xoăn tít lại. “Đi thôi. Chúng ta còn phải đi một chặng đường dài.”

Sau một tiếng đồng hồ nữa lội qua tuyết, Kolya chọc những ngón tay đi găng vào vai ta.

“Người Do Thái có tin vào kiếp sau không?”

Giá kể là ngày hôm trước thì câu hỏi đó hẳn đã khiến ta khó chịu, nhưng ngay lúc ấy thì nghe nó thật buồn cười, đúng chất Kolya, hỏi với vẻ tò mò thực sự và chẳng ăn nhập đâu vào đâu cả.

“Tùy từng người Do Thái. Cha tôi là một người vô thần.”

“Còn mẹ cậu?”

“Mẹ tôi không phải là người Do Thái.”

“A, vậy ra cậu là con lai à. Chẳng có gì đáng xấu hổ về điều đó cả. Tôi vẫn luôn nghĩ mình có máu Gypsy trong người từ đâu đó trên thượng nguồn.”

Ta ngẩng lên nhìn anh ta, mắt anh ta xanh như mắt chó husky, một vạt tóc vàng lộ ra dưới chiếc mũ lông đen.

“Anh không có máu Gypsy đâu.”

“Gì cơ, đôi mắt ấy à? Thế giới đầy người Gypsy mắt xanh mà, bạn của tôi. Hơn nữa, Kinh Tân ước đã nói rất rõ về toàn bộ chuyện này. Ngươi theo đấng Jesus, ngươi lên thiên đàng; ngươi không theo, ngươi cút xuống địa ngục. Nhưng Kinh Cựu ước… tôi thậm chí còn không nhớ là trong Kinh Cựu ước có địa ngục không nữa.”

“Sheol.”

“Gì cơ?”

“Thế giới địa ngục được gọi là Sheol. Một bài thơ của cha tôi có nhan đề là ‘Những song sắt của Sheol’.”

Thật kỳ quặc khi công khai nói đến cha ta và tác phẩm của ông. Bản thân những từ ngữ đó có vẻ như không an toàn, như thể ta đang thú tội và người ta có thể sẽ nghe được. Thậm chí cả ở đây, ta vẫn lo về chuyện bị bắt, lo về những tên gián điệp nấp trong rừng thông. Mẹ ta mà có ở đó, hẳn bà đã khiến ta ngậm mồm bằng một cái đưa mắt. Mặc dù vậy, thật dễ chịu khi được nói về ông. Ta thấy sung sướng vì các bài thơ được nhắc đến bằng thì hiện tại ngay cả khi nhà thơ đã ở trong thì quá khứ.

“Điều gì xảy ra ở Sheol? Họ sẽ trừng phạt những tội lỗi của cậu à?”

“Tôi không nghĩ thế. Tất cả mọi người đều xuống đấy, không quan trọng anh là người xấu hay tốt. Ở đó chỉ có bóng tối và giá lạnh và chúng ta chẳng còn lại gì ngoài cái bóng của mình.”

“Nghe có vẻ hợp lý đấy.” Anh ta đưa tay vốc đầy tuyết sạch và cắn một miếng, để nó tan trong miệng. “Cách đây mấy tuần tôi có gặp một người lính không còn mi mắt. Anh ấy là một chỉ huy xe tăng, chiếc tăng của anh ấy bị hỏng ở đâu đó giữa lúc nguy khốn nhất, và đến khi người ta tìm thấy anh ấy thì những người lính khác trong chiếc tăng đã chết vì rét còn anh ấy thì bị phát cước cả nửa người. Bị mất mấy ngón tay ngón chân, một miếng mũi, mi mắt. Tôi thấy anh ấy ngủ trong bệnh xá, cứ tưởng anh ấy chết rồi cơ, mắt anh ấy mở trừng trừng… Tôi cũng không biết có thể gọi đó là ‘mở’ không khi mà chẳng có cách nào để khép chúng lại cả. Làm sao người ta không phát điên lên khi không còn mi mắt nhỉ? Cậu sẽ phải sống cả phần đời còn lại mà không có lấy một lần nhắm mắt? Tôi chẳng thà mù còn hơn.”

Trước giờ ta chưa từng thấy Kolya rầu rĩ; sự thay đổi tâm trạng đột ngột của anh ta làm ta thấy lo lắng. Cả hai bọn ta đều nghe thấy tiếng tru cùng một lúc; bọn ta quay người và nhìn xuyên qua những hàng bạch dương rậm rạp.

“Phải chó không?”

Anh ta gật đầu. “Nghe giống lắm.”

Vài giây sau bọn ta lại nghe thấy tiếng tru lần nữa. Có gì đó giống người khủng khiếp trong nỗi cô đơn của nó. Bọn ta cần tiếp tục bước về phía Đông, bọn ta cần đến Mga trước lúc trời tối, nhưng Kolya hướng về phía con chó đang tru và ta đi theo anh ta không cần tranh cãi.

Ở đây tuyết dày hơn và chẳng mấy chốc bọn ta phải lội qua những đụn tuyết cao đến ngang đùi. Sức lực mà ta cảm thấy mười phút trước bắt đầu tụt dần. Ta lại thấy mệt, vật lộn với từng bước về phía trước. Kolya bước chậm lại để ta theo kịp. Nếu có sốt ruột với ta thì anh ta cũng không thể hiện ra ngoài.

Ta cúi đầu xuống để có thể dò dẫm từng bước chân một - trẹo mắt cá lúc này coi như chết chắc - và ta nhìn thấy vết bánh xích trước Kolya. Ta túm lấy ống tay áo để ngăn anh ta lại. Bọn ta đang ở rìa một vạt trống lớn trong rừng. Quầng nắng hắt lên từ hàng thửa tuyết sáng đến nỗi ta phải lấy tay che mắt. Mặt tuyết đã bị cày nát bởi hàng chục vệt xích xe tăng, như thể cả một lữ đoàn xe tăng Panzer vừa đi qua. Ta không biết rõ các vệt xích như ta biết về động cơ máy bay, không thể phân biệt một chiếc Sturmtiger của Đức với một chiếc T-34 của Nga, nhưng ta biết đây không phải xe tăng của bên mình. Nếu có ngần này xe bọc thép ở trong rừng thì chúng ta đã phá vỡ vòng vây rồi.

Những đống màu xám và nâu nằm rải rác trên tuyết. Thoạt đầu ta tưởng chúng là những chiếc áo khoác vứt đi, nhưng ta nhìn thấy ở một cái thì có đuôi, một cái khác thì có bàn chân móng vuốt thò ra, và ta nhận ra chúng là những con chó đã chết, ít nhất phải đến cả tá. Bọn ta nghe thấy một tiếng tru khác và cuối cùng bọn ta cũng nhìn thấy con chó đang tru, một con chó chăn cừu lông khoang đen trắng đang lết ra khỏi cánh đồng. Hai chân trước của nó làm cái việc mà hai chân sau không làm được. Phía sau con chó bị thương là một vệt máu bê bết dài hơn trăm mét, một nét sổ đỏ vạch ngang tấm toan trắng.

“Đi nào,” Kolya vừa nói vừa bước vào trong cánh đồng trước khi ta kịp ngăn anh ta lại. Những chiếc tăng đã đi khỏi, nhưng chúng vừa mới ở đây, những vết xích còn in rõ trên tuyết, chưa bị gió xóa mờ đi. Quân Đức đang ở gần, đông đảo, nhưng Kolya không bận tâm. Anh ta đã ở giữa vạt đất trống, sải bước về phía con chó chăn cừu, và như mọi khi ta vội vàng đuổi theo.

“Đừng có lại quá gần bất kỳ con nào,” anh ta bảo ta. Ta không biết tại sao anh ta lại bảo ta thế. Anh ta lo ngại về bệnh tật hay sao? Hay anh ta nghĩ một con chó sắp chết có thể sẽ cắn ta?

Khi bọn ta lại gần hơn con chó chăn cừu, ta nhìn thấy một cái hộp gỗ gắn vào lưng nó, được giữ bằng bộ dây đai da. Một cái cọc gỗ thò thẳng lên từ trong hộp. Ta liếc nhìn quanh cánh đồng và thấy rằng tất cả những con chó khác đều đeo món đồ giống hệt.

Con chó chăn cừu không nhìn đến bọn ta. Nó đang dồn tâm trí vào việc đến được rìa rặng cây ở phía bên kia cánh đồng, nơi nó nghĩ mình có thể tìm thấy sự an toàn, hoặc dễ chịu, hay một chỗ yên tĩnh để chết. Máu rỉ ra từ hai lỗ đạn gần hông nó và một viên khác chắc hẳn đã xuyên thủng bụng nó, vì có thứ gì đó ướt và xoăn đang bị kéo lê theo bên dưới thân nó, những bộ phận lòng phèo lẽ ra không bao giờ được lộ ra ngoài. Nó thở hổn hển, cái lưỡi dài màu hồng của nó thè lè vắt qua một bên mõm, cặp môi đen vén ra sau để lộ hàm răng ố vàng.

“Mìn đấy,” Kolya nói. “Người ta dạy chúng tìm thức ăn phía bên dưới vỏ thép xe tăng, rồi sau đó họ bỏ đói chúng, và khi những chiếc Panzer đến thì người ta thả chúng ra. Bùm.”

Chỉ có điều là chẳng con chó nào nổ bùm. Bọn Đức rõ ràng là đã biết tỏng chuyện đó; chúng đã cảnh báo các xạ thủ của mình và các xạ thủ của chúng đều là những tay thiện xạ. Những con chó chết la liệt trên cánh đồng, nhưng chẳng có cái xác xe tăng nào cả, không có những chiếc bọc thép lật ngửa bụng, không có vụ nổ nào hết. Lại thêm một thủ đoạn mưu trí của người Nga bị thất bại hoàn toàn, giống như tất cả những thủ đoạn của người Nga đều đã thất bại, và ta hình dung ra cảnh bầy chó đói lao về phía những chiếc Panzer, móng chân chúng xới tung từng mảng tuyết, mắt chúng sáng rực và sung sướng khi chúng lao đến với bữa ăn đầu tiên của mình sau nhiều tuần.

“Đưa tôi con dao của cậu,” Kolya nói.

“Cẩn thận đấy.”

“Đưa nó cho tôi.”

Ta rút con dao găm Đức ra khỏi vỏ và đưa nó cho anh ta. Con chó chăn cừu vẫn cố lết thân thể phơi ruột của nó về phía cánh rừng, nhưng hai chân trước của nó đang đuối sức dần. Cuối cùng nó bỏ cuộc khi thấy Kolya tiến lại gần, như thể nó quyết định rằng như thế là đủ xa lắm rồi. Nó nằm trên mặt tuyết sũng máu, ngước nhìn lên Kolya bằng đôi mắt màu nâu mệt mỏi. Cái cọc gỗ chĩa thẳng ra từ trong hộp gỗ trên lưng nó như cột của một chiếc thuyền buồm. Nhìn nó có vẻ là một thứ mảnh dẻ, không dày hơn một cái dùi trống.

“Mày là một chú bé ngoan,” Kolya vừa nói vừa quỳ xuống cạnh con chó chăn cừu, bàn tay trái anh ta giữ yên gáy của con chó. “Mày là chú bé ngoan của tao.”

Kolya cắt cổ họng con chó bằng một động tác dứt khoát. Con chó giãy giãy, máu trào ra, bốc hơi trong không khí lạnh giá. Kolya nhẹ nhàng đặt đầu con chó xuống đất, nơi nó tiếp tục giật giật thêm vài giây, cào chân vào không trung, như một con cún ngủ mơ, và rồi nó chết.

Bọn ta lặng yên một lúc, bày tỏ lòng kính trọng với con chó vừa ngã xuống. Kolya chùi cả hai cạnh lưỡi dao vấy máu lên tuyết, lau khô nó trên ống tay áo khoác của mình, rồi trả lại nó cho ta.

“Chúng ta mất toi bốn mươi phút rồi. Đi nhanh lên.”