Thành Phố Trộm

Chương 10

Đêm hôm đó món xúp có vị như tháng Sáu, như những bữa ăn tối bọn ta nhớ trước cuộc phong tỏa. Một anh chàng phi công si tình Sonya, đã cho cô một củ khoai tây nguyên lành. Kolya phản đối rằng anh ta không muốn ăn quà tặng của một tình nhân khác, nhưng những lời kêu ca của anh ta bị phớt lờ, như anh ta đã hy vọng, nên món xúp Cục Cưng đặc quánh khoai tây với hành và thật nhiều muối. Sung sướng cho bọn ta, những tay bác sĩ khác ngủ đêm ở chỗ khác. Sonya đổi một cái cánh gà và một cốc nước xúp cho hàng xóm lấy một chai vodka uống được; quân Đức thả vài phát đạn pháo lấy lệ vào thành phố, như thể để nhắc bọn ta rằng chúng vẫn còn ở đó nhưng đang có những việc khác tử tế hơn để làm trong cái đêm ấy; đến nửa đêm thì bọn ta say khướt, bụng no kềnh, Kolya và Sonya làm tình trong phòng ngủ trong khi ta chơi cờ với Timofei bên ánh sáng lò sưởi.

Được nửa ván thứ hai ta di chuyển quân mã của mình; Timofei chăm chăm nhìn vào bàn cờ, ợ rồi nói, “Ối chà. Cậu giỏi đấy.”

“Giờ anh mới nhận ra à? Ván trước tôi chiếu bí anh sau mười sáu nước.”

“Cứ tưởng là do rượu… Tôi đi đứt rồi à?”

“Vẫn còn sống. Nhưng không được bao lâu nữa.”

Anh ta làm đổ con vua và lại ợ cái nữa, khoan khoái với trò ợ của mình, khoan khoái vì có thức ăn trong bụng.

“Kể cũng vô lý nhỉ. Chẹp, chẹp. Cậu không phân biệt nổi gà mái với gà trống, nhưng cậu lại biết về cờ vua cơ đấy.”

“Trước tôi còn giỏi hơn.” Ta dựng lại con vua của anh ta và đi thay nước cờ cho anh ta, cố gắng xem mình có thể trì hoãn thế cờ tàn được bao lâu nữa.

“Trước cậu còn giỏi hơn à? Hồi cậu còn trong bụng mẹ chắc? Cậu bao nhiêu tuổi nào, mười bốn hử?”

“Mười bảy!”

“Cậu cạo râu chưa?”

“Rồi.”

Timofei tỏ vẻ ngờ vực.

“Tôi cạo ria rồi mà… Mùa đông nó mọc chậm hơn.”

Sonya thở dốc trong phòng bên kia và bắt đầu cười phá lên, buộc ta phải tưởng tượng ra cô, đầu ngửa ra sau, cổ họng phô ra, hai núm vú rắn đanh trên bộ ngực nhỏ của cô.

“Tôi không hiểu họ lấy đâu ra sức nữa,” Timofei vừa nói vừa nằm xuống nhiều lớp chăn và duỗi tay ra. “Cứ tối nào cũng cho tôi ăn xúp gà là tôi sẽ không bao giờ cần người phụ nữ nào nữa đến tận lúc chết thì thôi.”

Anh ta nhắm mắt lại và chẳng mấy chốc anh ta đã ngủ, lại một kẻ dễ ngủ nữa, bỏ lại ta một mình nằm nghe đôi tình nhân.

Kolya đánh thức ta dậy trước bình minh, vừa chìa cho ta một cốc trà vừa nghiên cứu bàn cờ bỏ dở. Timofei vẫn nằm ngủ phơi mặt, miệng anh ta há hốc, hai tay duỗi ra trên đầu như thể anh ta đang đầu hàng kẻ thù vậy.

“Ai chơi quân đen vậy?”

“Tôi.”

“Cậu hạ anh ta trong sáu nước.”

“Tôi hạ anh ta trong năm nước. Anh ta mà mắc sai lầm thì tôi hạ anh ta trong ba nước.”

Kolya cau mày, chăm chú nhìn các quân cờ đến khi anh ta ngẫm ra.

“Cậu biết chơi đấy nhỉ.”

“Anh vẫn muốn thực hiện vụ cá cược đó chứ? Là cái gì ấy nhỉ, ảnh gái Pháp khỏa thân à?”

Anh ta vừa mỉm cười vừa xoa mắt cho tỉnh ngủ.

“Tôi nên cho không chúng cho cậu, gọi là làm ơn. Chỉ cho cậu biết chỗ nào với chỗ nào. Đi thôi, xỏ ủng của cậu vào.”

“Chúng ta sẽ đi đâu?”

“Mga.”

Kolya có thể là một kẻ đào ngũ đấy, nhưng anh ta có đủ uy quyền tự nhiên trong giọng mình đến nỗi ta buộc dây giày xong nửa chừng rồi mới nghĩ đến việc phản đối chỉ thị của anh ta. Anh ta đã khoác xong áo choàng và xỏ đôi găng tay da; anh ta quấn chiếc khăn hai vòng quanh cổ và kiểm tra răng trong cái gương nhỏ treo phía trên ấm samovar.

“Mga cách đây cả năm mươi cây số.”

“Vừa vặn một ngày đường. Tối qua chúng ta đã đánh một bữa ra trò, chúng ta đủ sức đi được.”

Dần dần ta mới tỉnh táo hẳn trước sự ngu xuẩn của ý tưởng đó.

“Chỗ đó nằm sau phòng tuyến của quân Đức. Tại sao chúng ta lại phải đến Mga?”

“Hôm nay là thứ Hai rồi, Lev. Chúng ta cần có trứng trước thứ Năm và chúng ta sẽ không tìm thấy quả nào ở Piter. Chú của Sonya quản lý cái hợp tác xã gia cầm ở ngoài đó, đúng không? Tôi đánh cuộc là bọn Đức vẫn giữ cho nó hoạt động. Chúng cũng thích trứng của họ chứ.”

“Đó là kế hoạch của chúng ta đấy à? Chúng ta sẽ đi bộ năm mươi cây số, thẳng qua bọn Đức, đến một cái hợp tác xã gia cầm may chăng còn chưa bị đốt trụi, kiếm một tá trứng, rồi đi về?”

“Ừm, bất kỳ việc gì nghe cũng sẽ thật lố bịch nếu cậu nói bằng cái giọng ấy. “

“Cái giọng… Tôi đang hỏi anh cơ mà! Kế hoạch của chúng ta đấy à? Sonya còn chưa bao giờ đến đó! Làm sao chúng ta tìm ra nó?”

“Nó ở Mga mà! Tìm thấy gì ở Mga thì làm sao mà khó khăn được?”

“Tôi thậm chí còn đếch biết làm cách nào để tìm cái chỗ Mga chết tiệt ấy!”

“À,” Kolya nói, lúc này anh ta vừa nhăn răng cười vừa đội cái mũ lông Astrakhan. “Việc đó thì dễ thôi. Nó nằm trên tuyến đường sắt Moscow. Chúng ta chỉ việc đi theo đường ray.”

Timofei làu bàu trong giấc mơ và trở nghiêng người. Ta đã biết được rằng bác sĩ và những người lính có thể ngủ qua bất kỳ khung cảnh ồn ào - không cháy nhà chết người nào; cuộc cãi vã của ta với Kolya có khi còn là lời ru dịu dàng ấy chứ, nếu căn cứ vào cái vẻ khoan khoái yên bình trên mặt Timofei. Ta nhìn và thấy căm ghét anh ta, căm ghét anh ta vì vẫn ngủ ngon lành trên cái giường bằng những tấm chăn len của mình, ấm áp êm ái và no nê, không bị thằng ranh con Cossack nào quấy rầy, không bị tay đại tá NKVD nào phái anh ta ra chốn đồng không mông quạnh để tìm nguyên liệu cho một cái bánh cưới.

Ta quay lại với Kolya, kẻ đang chỉnh lại cái mũ của mình theo một góc nghiêng đầy chất kiêu hùng với sự trợ giúp của chiếc gương. Ta thậm chí còn căm ghét anh ta hơn, tên khốn kiếp vênh váo lúc nào cũng hơn hớn này, hạnh phúc và tươi tỉnh lúc sáu giờ sáng cứ như thể anh ta vừa trở về sau một kỳ nghỉ hai tuần ở Biển Đen vậy. Ta tưởng tượng rằng người anh ta vẫn còn nồng nặc mùi ân ái, trong khi sự thật là chẳng ngửi thấy bất kỳ mùi gì giữa lúc tinh mơ, với cái rét nhường ấy trong căn hộ. Cái mũi hoành tráng của ta chỉ được mẽ ngoài, một cái đích lý tưởng cho lũ mất dạy cười nhạo nhưng lại kém cỏi lạ lùng trong việc đánh hơi.

“Cậu nghĩ đó là việc điên rồ,” anh ta nói, “nhưng tất cả những gã nông dân ma giáo bán khoai tây với giá hai trăm rúp ngoài Chợ Giời đều mang chúng từ ngoài thành phố vào. Ngày nào người ta chẳng vượt qua được phòng tuyến. Tại sao chúng ta lại không thể?”

“Anh say à?”

“Vì một phần tư chai vodka ấy à? Tôi không nghĩ thế.”

“Chắc hẳn phải có chỗ nào đó gần hơn Mga.”

“Vậy cho tôi biết đi.”

Lúc này anh ta đã nai nịt sẵn sàng cho thời tiết, cằm anh ta nham nhở mớ râu vàng bốn ngày không cạo. Anh ta chờ ta đưa ra giải pháp thay thế cho kế hoạch ngu xuẩn của mình, nhưng thời gian trôi qua và ta nhận ra là mình không hề có.

Anh ta mỉm cười nhìn ta, nụ cười đủ đẹp để lên áp phích tuyển quân của Hải quân Liên Xô.

“Toàn bộ chuyện này là một trò đùa chó chết, tôi đồng ý. Nhưng nó là một trò đùa hay ra phết.”

“Phải rồi, nó là một trò đùa tuyệt vời. Và phần buồn cười nhất là ở chỗ chúng ta sẽ chết ngoài đó và con gái viên đại tá sẽ không có bánh và cũng không một ai biết được chúng ta đã làm gì ở Mga.”

“Bình tĩnh nào, anh bạn Do Thái nhỏ bé gở mồm của tôi. Tôi sẽ không để bọn xấu động đến cậu…”

“Anh đi mà ăn cứt đi.”

“… nhưng bây giờ chúng ta phải lên đường thôi. Nếu chúng ta muốn tới đó khi trời còn đủ sáng.”

Lẽ ra ta có thể cứ mặc xác anh ta và quay lại ngủ tiếp. Bếp lò đã tắt ngúm từ trong đêm, những mẩu gỗ cuối cùng đã cháy hết, nhưng bên dưới bao mớ chăn chồng chất thì vẫn còn đủ ấm. Nằm ngủ còn có lý hơn là lê bước tới Mga - nơi hàng nghìn tên Đức đang chờ đợi tìm kiếm lũ gà. Bất kỳ điều gì cũng còn có lý hơn việc đó. Cho dù vậy, bất kể có phản đối cái ý tưởng đó đến đâu chăng nữa, ta cũng biết ngay từ đầu rằng ta sẽ đi theo. Anh ta nói đúng: chẳng có quả trứng nào ở Leningrad. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất để đi theo. Kolya là một kẻ khoác lác, một gã biết tuốt, một tên Cossack ba hoa trêu chọc người Do Thái, nhưng sự tự tin của anh ta thuần khiết và trọn vẹn đến nỗi nó không còn có vẻ kiêu ngạo nữa, đơn giản chỉ là dấu ấn của một người đã chấp nhận số phận anh hùng của mình. Đây không phải là cách ta vẫn hình dung những cuộc phiêu lưu của mình, nhưng hiện thực đã không đếm xỉa đến mong ước của ta ngay từ đầu, khi cho ta một cái thân hình giỏi lắm cũng chỉ hợp với việc xếp sách trong thư viện, tiêm nhiều nỗi sợ hãi vào trong huyết quản ta đến nỗi ta chỉ có thể đứng co quắp trên cầu thang khi bạo lực xảy đến. Có thể một ngày nào đó chân tay ta sẽ đầy đặn cơ bắp hơn và nỗi sợ hãi sẽ rút dần đi như nước tắm bắn trong bồn. Ta ước mình có thể tin là những điều đó sẽ xảy ra, nhưng thâm tâm ta không hề tin. Ta bị lời nguyền phải chịu tính bi quan của cả dân Nga và dân Do Thái, hai tộc người u tối nhất trên đời. Dù vậy, nếu không có chút vĩ đại nào trong ta thì có lẽ ta lại có tài nhận ra sự vĩ đại đó ở người khác, cho dù là ở những người khó chịu nhất đi nữa.

Ta đứng dậy, chộp lấy áo khoác dưới sàn lên, luồn vào người, và theo Kolya ra cửa trước đang được anh ta giữ mở cho ta với vẻ lịch thiệp trang trọng.

“Chờ đã,” anh ta nói, trước khi ta kịp bước qua ngưỡng cửa. “Chúng ta sắp bắt đầu một hành trình. Chúng ta nên ngồi đã.”

“Tôi không biết là anh lại mê tín đấy.”

“Tôi thích truyền thống.”

Không có ghế nên bọn ta ngồi xuống sàn nhà cạnh cánh cửa để mở. Căn hộ thật yên tĩnh. Timofei đang nằm ngáy gần bếp lò; những cánh cửa sổ run bần bật trong khung; đài radio phát cái tiếng máy đánh nhịp bất tận của mình, báo hiệu rằng Leningrad vẫn chưa khuất phục.

Bên ngoài ai đó đóng đinh áp phích vào các cửa sổ đã bịt kín bằng những nhát búa dứt khoát, hiệu quả. Tuy nhiên, thay vì hình dung ra một người đang đóng áp phích, ta lại hình dung ra một thợ đóng quan tài đang làm việc, làm một cái hòm từ những tấm ván gỗ thông. Hình ảnh đó thật rõ rét và chi tiết: ta nhìn thấy cả những vết chai trên tay người thợ đóng quan tài, những lọn tóc đen lòa xòa giữa cặp lông mày chổi xể của ông ta, mạt cưa trên cẳng tay đẫm mồ hôi.

Ta hít một hơi sâu và nhìn Kolya. Anh ta đang nhìn thẳng vào ta.

“Đừng lo, anh bạn. Tôi sẽ không để cậu chết đâu.”

Ta mười bảy tuổi còn ngốc lắm và ta tin anh ta.