Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được vào cung, nay bỗng bị gọi vào, tên khiêng kiệu hoảng hồn bạt vía, toàn thân run lên bần bật. Một tên nội giám đưa hắn thẳng tới Ngự thủ phòng, hắn quỳ mọp dưới đất, chẳng dám cử động.
Càn Long hoàng đế đi đi lại lại mấy lần dưới mái hiên, bảo bọn nội giám lui ra hết, rồi mới cất tiếng hỏi:
- Tên ngươi là gì?
Hắn dập đầu lâu:
- Tâu bệ hạ! Kẻ tiểu nhân tên gọi Hoà Khôn.
Hoàng đế lại hỏi:
- Tuổi ngươi bao nhiêu?
- Tiểu nhân hai mươi bốn tuổi.
- Ngươi xuất thân từ đâu?
- Tiểu nhân xuất thân là một học sinh, người Mãn Châu.
Đến lúc này, Càn Long hoàng đế đã nghĩ ra được điều ngài băn khoăn nghi ngờ nãy giờ. Ngài nhận thấy khuôn mặt của Hoà Khôn giống hệt khuôn mặt của nàng phi Mã Giai bị thắt cổ chết ở Nguyệt Hoa môn trước đây. Ngài lại bấm đốt ngón tay nhầm tính, thì ra nàng Mã Giai chết đến nay vừa đúng hai mươi bốn năm. Càng nghĩ đến chuyện xưa, càng thấy chua xót trong lòng, ngài ngồi phịch xuống ghế, cho phép Hoà Khôn quỳ lại gần bên mình, rồi bảo Khôn cởi rộng cổ áo.
Ngài rùng mình khi thấy trên cổ Khôn quả có một nốt tròn màu đỏ hồng. Không còn nhịn được nữa, ngài đưa tay ra ôm choàng lấy Khôn kéo vào lòng, lệ chảy ròng ròng trên má, nghẹn ngào hỏi:
- Tại sao ngươi lại đầu thai làm con trai như vậy?
Song Hoà Khôn nhận thấy Hoàng đế như điên như khùng, sợ quá, chẳng dám cử động gì, để mặc cho ngài khóc ngài nói…
Hoà Khôn vốn khôn khéo lanh lợi nên khi nghe hoàng đế kể lể chuyện ân tình với nàng Mã Giai thuở nọ, liền giả bộ nũng nịu, hờn dỗi rồi nói:
- Bệ hạ làm khổ thân thiếp biết bao rồi!
Nói đoạn, Khôn để cho dòng lệ tràn trề trên má. Càn Long hoàng đế lấy ống tay long bào chùi nước mắt cho Khôn. Hai người cứ thế, thì thào tri kỷ mãi với nhau. Sau đó, Hoà Khôn được tặng rất nhiều quần áo đắt tiền, lại được thưởng năm vạn lạng bạc nữa.
Qua ngày thứ hai, một đạo thánh chỉ hạ xuống, đặc biệt phong Hoà Khôn lên làm Nội vụ đại thần chưởng quàn nghi trượng. Và từ đấy, Càn Long hoàng đế đâm ra sủng ái Hoà Khôn hết mức. Khôn thường vào cung hâu hạ hoàng đế, cũng có khi nằm ngủ cùng giường với ngài trong ngự thư phòng.
Càng được sủng ái. Khôn càng đem hết khoa nịnh bợ, chiều chuộng để lấy lòng ngài. Còn Long hoàng đế coi Khôn chẳng khác gì nàng Mã Giai thuở trước.
Bên ngoài, nhiều viên quan đại thần thấy Khôn được sủng ái bèn tìm cách ton hót, xu phụng, kẻ cho tiền, cho nhà cửa, kẻ lại cho cả gái đẹp hoặc châu báu ngọc ngà. Khôn vốn là một tên tiểu nhân đắc chí, chẳng hiểu gì là lễ nghĩa, phép tắc lại cậy có hoàng đế sủng ái, tha hồ ăn hối lộ, tham tàn, làm đủ việc phi pháp, chẳng cần kiêng nể ai. Mới chỉ có vài năm Hoà Khôn đã có một sản nghiệp lớn lao, cửa nhà san sát, tiền của như nước, con ăn đứa ở hàng bầy, gái đẹp đầy nhà. Chẳng cần phải nói Hoà Khôn, ngay như bọn gia nô của y cũng thiếu gì quan viên lui tới để hiếu kính, mong sao chúng nói cho một lời với chủ là lập tức được thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc ngay. Trong lòng Càn Long hoàng đế lúc nào cũng chỉ có Hoà Khôn. Ngoài Hoà Khôn ra, ngài chẳng tin một ai. Hoà Khôn nói một lời, hoàng đế tin một lời Hoàng đế nổi trận lôi đình, chỉ cần gọi Hoà Khôn tới là y như ngài đổi giận làm vui ngay. Xưng hô với Hoà Khôn, hoàng đế thường nói ta với mình, mình với ta như đôi bạn tình chí thiết. Bảo vật bốn phương tiến công, hoàng đế đều cho phép Khôn tự chọn và đều thưởng cho Khôn. Thực ra mà nói Hoà Khôn với hoàng đế cùng chia nhau những món tiến cống mới đúng. Nhưng đồ tiến cống trước hết phải qua tay Khôn, để Khôn chọn và cất vào nhà đã, còn lại mới đưa cho hoàng đế. Ấy thế mà hoàng đế còn đem những đồ còn lại này cấp cho Khôn một lần nữa. Cũng vì thế mà trong nhà Khôn chứa không biết là bao nhiêu châu báu vàng ngọc, có lẽ còn nhiều hơn cả trong đại nội nữa.
Có một hôm ngày rằm, hoàng tử, công chúa đều phải vào cung triều kiến. Hoàng hậu giữ cả lại, cho du ngoạn tại Thượng Xuân cung, chẳng may A Kha đánh vỡ mất một đôi mâm bích ngọc bầy trong đó. Đôi bích ngọc này rộng tới một thước (thước Tàu) màu xanh cánh trĩ. Đây là đôi mâm được Càn Long hoàng đế quý lắm. Thất A Kha làm vỡ rồi, lo sợ quá, chỉ ngồi trước đôi mâm vỡ mà khóc. May thay lúc đó có Hoà Khôn từ trong viện đi tới. Thành Thân vương đã lớn tuổi, biết việc này chỉ có Hoà Khôn giúp được mà thôi. Thế là hai người vội chạy tới trước mặt Khôn dập đầu nhờ vả. Thoạt đầu, Khôn không muốn can thiệp tới; nhưng về sau y thấy Thất A Kha có vẻ lo sợ quá rồi, hơn nữa Thành Thân vương lại hứa với y là về bẩm với cha mẹ và tình nguyện hiếu kính y một vạn quan tiền, mong Khôn tìm cách nào giải cứu cho A Kha. Lúc đó Khôn mới nhận lời.
Qua ngày hôm sau, phụ thân của Thành Thân vương quả mang tới nhà Khôn một vạn quan tiền thật. Khôn bèn lấy cặp mâm bích ngọc của nhà y, lặng lẽ đặt vào chỗ đôi mâm bị vỡ trong Trường Xuân cung. Cặp mâm này xem ra còn rộng hơn cặp mâm cũ. Thì ra, lúc có người đem tiến cống, Khôn đã chọn lấy cặp lớn để lại nhà.
Hoà Khôn không những đánh "xoáy" bảo vật của hoàng đế theo kiểu đó, mà mỗi khi tới nhà các đại thần, y thấy có châu báu này nọ là chẳng kiêng nể gì cả, thẳng tay lấy luôn.
Viên đại thần nào gặp phải trường hợp này, dù có tiếc của đến đâu cũng đành để y lấy đi. Do đó, bọn đại thần bảo nhau đem trân châu báu vật cất đi hết, không bao giờ để cho Khôn thấy nữa.
Có một hôm Hoà Khôn đi vào cung chầu sớm, thấy một viên đại thần tên gọi Tôn Sĩ Nghị được phong tước Văn Tỉnh công đã đến triều phòng ngồi đợi từ lâu. Nhân lúc chờ đợi, chẳng có chuyện gì giết thì giờ, Nghị bèn lấy chiếc Tị yên hồ trong bọc ra ngắm nghía chơi. Khôn thấy thế, chạy tới xem.
Thì ra chiếc Tị yên hồ này là khối trân châu lớn vừa bằng một cái hột gà, chạm trổ rất đẹp. Khôn thích quá, liền giơ tay ra muốn cầm lấy. Nghị hoảng lên vội nói:
- Ngọc này, nhân tôi đi đánh An Nam nên cướp được đó. Hôm qua, tôi đã tâu rõ với hoàng đế là hôm nay đem hiếu kính ngài, quyết không thể nào cho đại nhân được đâu.
Khôn thấy Nghị có vẻ hoảng sợ quá, bèn cười nói:
- Tôi có ý đùa đại nhân đấy thôi, chứ đâu có muốn lấy mà đại nhân sợ!
Cách ba hôm, Tôn Sĩ Nghị lại vào chầu, ngồi đợi tại triều phòng và gặp Hoà Khôn. Hoà Khôn đưa tay vào bọc rút ra một chiếc Tị yên hồ đưa cho Nghị xem và nói:
- Đại nhân xem! Tôi cũng có một chiếc Tị yên hồ đây nầy!
Nghị cầm lấy xem, nó chẳng khác tý nào chiếc mà Nghị đã đem dâng, cho Càn Long hoàng đế.
Nghị hỏi Khôn:
- Đại nhân lấy ở đâu vậy?
Khôn nói:
- Lấy của hoàng thượng chứ còn ở đâu nữa!
Những chuyện ngang tàng của Khôn, không dè đều lọt vào tai mắt bọn ngự sử. Bọn này thấy gai mắt quá, thế là nay một bản, mai một bản, tấu chương đưa vào triều như bươm bướm để hặc tội Khôn. Nhưng họ có biết đâu rằng Càn Long hoàng đế xem Khôn như hậu thân của nàng Mã Giai, tất cả những điều bậy bạ đó đều được tha thứ hết. Ngài thường bảo Khôn:
- Cánh mình đều là người một nhà. Có phúc ta cùng hưởng. Tiền của trẫm tức là tiền của ngươi. Ngươi muốn lấy tiêu thì cứ lấy, bất tất phải e ngại.
Thành thử bọn ngự sử đã không làm cho Khôn bị giáng chức mà trái lại còn thăng chức nữa là khác. Chỉ có mấy năm, Khôn thăng quan một lèo, leo mãi tới chức Đại học sĩ, rồi làm luôn tể tướng. Lúc đó, Lưu Văn Chính chỉ mới vươn lên tới Hiệp biện đại học sĩ mà thôi.
Lưu Văn Chính vốn là người chính trực, thấy Khôn làm nhiều điều bỉ ổi, thường trách Khôn ngay trước mặt hoàng đế. Càn Long hoàng đế thấy Chính là một vị lão thần chính trực, hơn nữa do không muốn trách mắng Hoà Khôn, nên nhờ Chính giám sát Khôn khiến Khôn không dám phóng túng bừa bãi. Do đó, mỗi khi thấy Chính tố cáo Khôn tham tàn, ăn hối lộ, làm bậy, thì Càn Long hoàng đế chi dùng lời ngon ngọt xoa dịu Chính mà thôi.
Có một năm, quân binh đi dẹp giặc, khải hoàn trở về, Càn Long hoàng đế cho những công lao đó là của Hoà Khôn vì ngài bảo là Khôn có công trù mưu định kế, rồi phong cho Khôn tước công. Nhân dịp này, Khôn làm tiệc mừng linh đình đến bảy ngày đêm liền.
Hôm đó, Khôn mời hoàng đế đến dự. Mãi tới chiều tối Càn Long hoàng đế mới bày giá xuất cung. Đèn đuốc dọc đường sáng rực như ban ngày, mãi tới tướng phủ, chẳng khác gì một con rồng lửa chạy dài trong kinh thành. Trong dinh tể tướng của Khôn, đèn đóm còn rực rỡ hơn nữa. Đứng xa trông, người ta chỉ thấy một toà thành lửa phía trên che vải màu năm sắc, dưới đất lót nệm gấm dày tới hàng thước suốt từ cổng vào, đến nỗi vó ngựa nện xuống êm như đạp trên cỏ dày không nghe thấy một tiếng động.
Hoà Khôn đích thân đứng chực ngoài cổng phủ đón giá. Lễ bộ thượng thư hôm đó làm quan chiêu đãi. Cửu môn đề đốc phải đứng trên cổ đài đánh trống. Còn những bọn khua chiêng đánh khánh trong dinh đều phải là quan tứ phẩm trở lên mới được cái hân hạnh đó.
Một lát sau, hoàng đế đến ngôi dự yến. Phía trước tuồng bắt đầu diễn mua vui. Hoàng đế đích thân bảo diễn tuồng "Nghiêu Thuấn nhường ngôi" theo tích xưa. Bọn đại thần ngài hầu rượu hai bên đều lấy làm ngạc nhiên. Tại chiếu trên, hoàng đế cùng Hoà Khôn lúc cười lúc nói, y như một đôi bạn tâm giao.
Khôn đem hết tài sức mình hầu rượu. Hoàng đế quá chén say mềm. Bọn đại thần đều rút lui ra bên ngoài. Lúc đó, Khôn lại còn cho gọi bọn ca kỹ ra múa hát, dâng rượu tiếp. Hoàng đế hết sức khoái lạc, cùng bọn ca kỹ tha hồ lả lơi suồng sã.
Mãi đến khi ngài say đến tột độ, Khôn mới chọn một con ca kỹ tuyệt sắc trong bọn, dìu hoàng đế vào trong phòng an nghỉ. Thế là ngay đêm đó con ca kỹ này đã được hoàng đế "chăn gối" luôn.
Canh ba đêm đó ngài thức dậy, lại cùng con ca kỹ rửa chén, rót rượu uống nữa. Khi uống tới lúc quá cao hứng rồi, Càn Long hoàng đế bèn cởi áo ngủ ra, mặc chiếc áo long bào vào giá như bọn tuồng trên sân khấu, rồi cười bảo con ca kỹ:
- Trẫm có giống một ông vua người Hán không?
Hoà Khôn uống lúc đó cũng đã say, liền lấy áo ngủ của Càn Long mặc vào mình rồi cười hỏi Hoàng đế:
- Thần có giống bệ hạ không?
Vua tôi hai người cứ đùa giỡn nhau kiểu đó mãi suốt đêm.
Trời đã sáng tỏ. Càn Long hoàng đế thấy trên cổ áo Hoà Khôn thêu một con rồng vàng, liền hỏi Khôn xem thêu như vậy có ý nghĩa gì thì Khôn tâu:
- Chiếc cổ áo này đã được chính tay của Bệ hạ sờ vào. Thần cho thêu con rồng này là để bảo vệ nó đấy!
Càn Long hoàng đế giơ tay vào cổ áo, bảo Khôn:
- Khanh thật là người khéo chiều ý trẫm.
Hai người cứ đùa nhau mãi như vậy. Qua ngày thứ hai ấy, quan khách đi mừng đều đã tề tựu trước cửa phủ. Cả bọn được tin hoàng đế vẫn chưa về cung, anh nào anh nấy hoảng hồn bạt vía, vội bảo nhau rút lui có trật tự. Duy chỉ có một mình Lưu Thống Huấn đi thẳng vào phía trong mời hoàng đế về cung mà thôi.
Càn Long hoàng đế thấy Huấn vào, trong lòng cũng có phần e ngại, đành phải bày giá trở về cung. Về sau, Hoà Khôn ngầm đưa một con em gái vào cung dâng Càn Long hoàng đế và nói:
- Bệ hạ thấy em gái của thần cũng như thấy thần.
Càn Long cũng đem lòng sủng ái em gái Hoà Khôn từ đó.
Khôn chẳng những dẫn dắt hoàng đế dâm lạc tại trong cung, về sau còn đưa hoàng đế ra khỏi cấm thành.
Hồi đó, ở kinh thành có một con điếm tên tuổi nổi như sóng cồn, gọi là Tam cô nương. Nào là đại quan, nào là quý nhân, anh nào cũng đều phải tới lui nhà nàng. Ngay cả đến Hoà Khôn mà cũng còn là khách quý của Tam cô nương nữa là! Bởi vậy, bọn quan lại trong kinh thành nếu muốn chạy chọt này nọ đều phải tới nhờ ả ta nói giúp. Tam cô nương vốn tính kiêu kỳ, thích thì tiếp, chẳng thích thì đừng hòng, do đó, ngoài cổng có những anh quan nhị, tam phẩm mà vẫn phải đợi có khi cả ngày mà chưa được vào. Đến khi Hoà Khôn đưa Càn Long hoàng đế tới nhà, Tam cô nương lại càng lên mặt làm phách. Bọn quan lại lui tới trước đây, lúc này bị ả ném ra sau ót hết. Hằng ngày ả chỉ chầu chực để hầu hạ hoàng đế.
Nói đến nhan sắc của Tam cô nương thì quả hiếm có trên đời. Ngoài dung mạo đẹp như ngọc ra, ả có cái phong vận yểu điệu quyến rũ vào bậc nhất, dù người đẹp thượng thặng trong cấm cung cũng khó có thể bì kịp. Còn nếu lại chấm cái nghệ thuật trong phòng kín thì hẳn từ xưa đến nay chưa có ai dám sánh. Chả thế mà chỉ cần một tối thôi cũng đủ cho Càn Long hoàng đế lăn lóc trước ả rồi.
Cũng nhờ cái công phu thượng thặng ấy mà Tam cô nương đã trói chặt ông vua chơi bời, từ đó không thể bỏ ả được nữa. Càn Long hoàng đế ngày ngày lẻn ra khỏi cung, tới nhà ả để tìm vui thú.
Hồi đó, có một vị công tử con trai Di Thân vương, nghe danh tiếng Tam cô nương bèn bỏ ra cả vạn quan tiền, chỉ mong ả cho gặp mặt một lần. Chàng công tử này quả đã yêu Tam cô nương tha thiết. Ngày ngày, chàng cho người đưa tiền đến cho nàng, tưởng rằng rồi đây hẳn có lúc được ngắm mặt ngọc, được sờ vào làn da như tuyết như nhung của ả. Nào ngờ tiền đối với Tam cô nương chẳng có nghĩa gì lúc này.