Thành Cát Tư Hãn

Chương 4

Cuộc sinh hoạt trong đoàn trại của Thiết Mộc Chân ở chân núi Bourkhane thật bình thản, kiêu hùng. Bọn thanh niên chỉ lo săn bắn, thỉnh thoảng lại tổ chức một buổi lễ vui nhộn. Ngày thì hoạt động rộn rịp vui vẻ, đêm thì hoàn toàn yên tĩnh đến khỏi cần phải cho quân thám mã len lỏi trong rừng hay bắt lính canh gác trong lúc ngủ.

Một đêm bỗng muôn ngàn tiếng hò hét man dã vang lên bốn phía giữa canh khuya tịch mịch. Một đoàn quân lạ mặt tràn tới tấn công đoàn trại, phóng đuốc đốt lều và lùa gần hết súc vật đi.

Thiết Mộc Chân thoạt nghĩ đây chắc là bọn Diệt Xích Ngột lại đuổi theo "trả miếng"! Chàng vớ lấy cung tên, cây lao và cái áo lông điêu thử, tót lên ngựa phóng vào hang núi. Dân chúng cũng chạy tán loạn, mạnh ai nấy trốn; luôn mấy ngày không một ai dám chường mặt ra. Núp trong các hẻm núi, họ thấy bọn kỵ mã lạ mặt xông xáo đi tìm họ, rồi lần lượt rút đi mất dạng. Thiết Mộc Chân sai vài tên thám mã lẻn về quan sát tình hình. Đoàn trại chỉ còn là một khu đất hoang. Đàn bà, con trẻ, lều xe và phần lớn súc vật đã biến mất. Nhưng dấu chân của bọn giặc không dẫn về phía tây – phía mục trường của bộ lạc Diệt Xích Ngột mà dẫn lên phía bắc, vùng rừng rú.

Dân chúng và chiến sĩ lục tục kéo trở về. Nhiều người đã nhận diện được bọn giặc, bọn: Miệt Nhi (Merkites)

Miệt Nhi là một giống dân man rợ, tàn bạo, ở khoảng hạ lưu sông Sélenga, phía nam hồ Baikal. Tù trưởng của họ lúc bấy giờ là Tốc-Ta-Ga-Ba-Ki. Hơn hai mươi năm trước đây đã có lần Dã Tốc Cai đem quân lên tiễu trừ bọn nầy và bắt U Luân, một thiếu nữ của họ về làm vợ. Bây giờ họ quyết trút hết mối thù xưa lên con của Dã Tốc Cai. Nếu Thiết Mộc Chân rơi vào tay họ thì chắc chắn chàng sẽ bị chặt đầu hoặc phải làm nô lệ suốt đời.

Thiết Mộc Chân liền leo lên đỉnh núi Bourkhane cảm tạ Trời Xanh đã che chở cho chàng. Làm đúng theo tục Mông Cổ, chàng tháo giây đai ra máng lên cổ, quay ngược mũ trở ra sau rồi lạy chín lạy. Sau đó chàng rót một chén sữa ngựa xuống đất và khấn to lên: “Hỡi núi Bourkhane! Đây là lần thứ nhì Núi đã cứu đời tôi. Tôi sẽ đem lễ vật lên dâng cho núi và bảo con cháu sau nầy phải dâng lễ vật cho núi mãi mãi.”

Lúc trở xuống thì dân thoát nạn đã qui tụ ở chân núi chờ đợi. Họ nhao nhao lên: “Bật Tê bị bắt mất rồi!”

Ở quê nhà nàng sống thật bình an vô sự có bao giờ gặp cảnh bị đột kích bất ngờ như thế nầy, nên làm sao biết cách tẩu thoát cho nhanh như mọi người. Thiết Mộc Chân không rên xiết, kêu than một tiếng, biết mọi sự xảy ra là do ở lỗi mình, vì quá khinh xuất nên Bật Tê lâm phải số phận thảm thương như vậy… Rồi chàng quyết định một việc mà lúc còn gian truân chàng cũng không hề làm: nén lòng tự ái xuống đi tìm người trợ giúp cho việc phục thù.

Chàng phi ngựa về miền tây, vượt mấy trăm dặm đường đến tận xứ Khắc Liệt (Kéraites).

Khắc Liệt là một bộ lạc hùng mạnh trên miền đồng cỏ. Mục trường của họ trải rộng giữa hai con sông Orkhon và Toula, nơi đây có con đường của các thương đoàn vắt ngang qua, đường khởi từ nước Kim tới xứ Nãi Man, Thổ Phồn (thuộc vùng Altai và Dzoungarie). Xưa kia dân Khắc Liệt theo nhiều thứ đạo, nhưng đến khoảng năm 1.000 họ xoay qua Cảnh giáo. Bar Hebraeus, sử gia Syrie, thuật trường hợp ấy như sau: “Một Khả hãn của họ đi lạc trong vùng sa mạc tưởng đã chết, bỗng có Thánh Sargis đến cứu sống, ông ta mới nhờ bọn thương nhân về thành Merv xin với Giáo chủ Ebedjesus gởi một giáo sĩ tới rửa tội cho ông và cả 200,000 dân bộ lạc.”

Đến thế kỷ XII, toàn thể gia đình Khả hãn người nào cũng có tên thánh. Khoảng hai đời trước Thành Cát Tư Hãn, Khả hãn của họ là Marcus Bu-Di-Rúc, muốn làm bá chủ ở miền đông sa mạc Gobi, đem quân đi đánh Thát Đát và nước Kim, nhưng bại trận, bị quân Thát Đát bắt nạp cho quân Kim rồi bị đóng đinh trên lưng ngựa gỗ. Vợ của ông sau đó mưu báo thù cho chồng, giết được Khả hãn Thát Đát. Bu-Di-Rúc có hai người con: Cua-Gia-Cui và Guộc-Khăng. Cua Gia Cui nối ngôi rồi sau truyền lại cho con là Tô-Ha-Rin. Guộc Khăng mượn thế lực của Nãi Man đoạt ngôi của cháu. Tô Ha Rin, nhờ có Dã Tốc Cai cha của Thiết Mộc Chân trợ lực, lấy lại được ngôi Khả hãn. Từ đó Tô Ha Rin gây được một thế lực hùng hậu, có một trăm ngàn quân và trên một triệu gia súc. Thành của ông xây bằng đá rất kiên cố, việc buôn bán thật phồn thịnh. Các thương đoàn tới lui rầm rập, buôn đồ gia vị Ả Rập, tơ lụa Trung Quốc, vũ khí ở Damas cùng đủ loại hàng hóa của Tây Liêu, Hồi quốc…

Thiết Mộc Chân từ lâu đã có ý định đến thăm Tô Ha Rin nhưng mãi đến dịp nầy mới nhất quyết. Chàng dâng tặng chiếc áo lông hắc điểu làm lễ tương kiến, nhắc đến tình thân thiết giữa cha chàng và Khả hãn rồi tự nguyện làm nghĩa tử.

Tô-Ha-Rin đã nghe thuộc hạ báo cáo về vụ quân Miệt Nhi đột kích vào bộ lạc Mông Cổ. Bọn này cũng thường công khai quấy rối dân Khắc Liệt. Nay thấy đứa con của người bạn cũ tỏ lòng trung nghĩa như vậy, Khả hãn không thể làm ngơ được, hơn nữa chiếc áo đã làm cho vị Chúa hết sức hài lòng. Tức khắc lệnh truyền xuống, một quân đoàn tinh nhuệ lên đường đặt dưới quyền chỉ huy của Thiết Mộc Chân.

Tin loan đi thật nhanh khắp miền đồng cỏ: Thiết Mộc Chân chỉ huy quân đoàn Khắc Liệt. Thiết Mộc Chân là nghĩa tử của Tô-Ha-Rin, Khả hãn hùng mạnh nhất.

Cuộc diện thay đổi thật bất ngờ: khắp bốn phương người Mông Cổ trùng trùng kéo về đứng dưới bóng cờ của Thiết Mộc Chân. Kẻ thì muốn cho người ta quên lửng chuyện năm năm trước họ đã hèn nhát bỏ chàng ra đi; kẻ thì thấy cần phải nhờ chàng che chở mới thoát khỏi tham vọng của Tạc Gô Đài; kẻ khác muốn thừa nước đục thả câu: tấn công bọn Miệt Nhi sẽ thu được một mớ chiến lợi phẩm. Trong đó lại có Trác Mộc Hợp tù trưởng dân Gia-Di-Ra. Ông ta mình là bạn chí thân của Thiết Mộc Chân, thưở nhỏ hai người thường giỡn trên mặt băng ở sông Onon, bây giờ không thể bỏ bạn cũ được nên đã dẫn trọn bộ lạc tới!

Liên quân Mông Cổ - Khắc Liệt – Gia Di Ra – dưới quyền điều khiển của Thiết Mộc Chân đại thắng quân Miệt Nhi. Về cuộc chinh phạt đầu tiên nầy, sử Mông Cổ chép như sau: “Ba trăm người đã tới đột kích đoàn trại Thiết Mộc Chân ở núi Bourkhane bị tàn sát không còn một mống nào cả, tất cả vợ con của bọn chúng đều bị bắt về làm nô lệ.”

Lúc xông vào lều của Sinh Rê Bô Kô là cháu ruột của mẹ mình, Thiết Mộc Chân gặp Bật Tê ẵm một đứa bé trai còn đỏ hỏn. Chàng đặt tên cho nó là Truật Xích (Djoutchi: có nghĩa là không mong đợi) vì không tin chắc nó là hòn máu của mình. Cuộc hành binh chấm dứt ở đây, chàng nói: “Tôi đã gặp được người tôi đi tìm” và liền cho quân đoàn Khắc Liệt trở về xứ với tất cả chiến lợi phẩm.

Người ta không hiểu tại sao sẵn dịp nầy Thiết Mộc Chân không tận diệt hết bộ lạc Miệt Nhi. Dụng ý của chàng thật khó đoán được. Có thể là để giữ quân bình lực lượng, không muốn người Khắc Liệt bành trướng thế lực ra, hoặc cần phải trở về đoàn trại gấp phòng bọn Diệt Xích Ngột đánh úp lúc vắng mặt.

Sau trận này, Thiết Mộc Chân không còn đơn độc nữa, trên chiến trường chàng có dịp nối lại nghĩa xưa với Trác Mộc Hợp và hơn một năm trời hai người thường đi chung trong mục trường Mông Cổ. Trong lúc ấy, Tạc Gô Đài vẫn theo dõi hành động của Thiết Mộc Chân, không nghĩ tới việc tấn công nữa, tuy nhiên Thiết Mộc Chân vẫn cẩn mật đề phòng và không hề xâm phạm tới mục trường của ông ta. Chàng thường tiếp xúc với các bộ lạc phiên thuộc của Tạc Gô Đài, tìm đủ mọi cách lôi kéo họ về với mình, khi thì mở tiệc thết đãi, khi thì mời họ cùng đi săn và bao giờ cũng chia thịt cho họ nhiều hơn… Không bao lâu người ta đồn đãi: “Bọn chủ tướng Diệt Xích Ngột bắt chúng ta gánh vác nhiều việc khó nhọc quá; họ còn lấy ngựa đẹp, da tốt của chúng ta. Còn Thiết Mộc Chân thì thật rộng rãi, ông cho cả bộ đồ đang mặc, tặng cả con ngựa đang cỡi…”

Lần lượt nhiều bộ lạc kéo rốc qua gia nhập đoàn trại Thiết Mộc Chân gây thành một cảnh thịnh vượng, đông đảo vô cùng.

Đêm xuống, bọn chiến sĩ quây quần quanh ngọn lửa trại ca ngợi những chiến công anh dũng của các Khả hãn ngày xưa và thì thào bảo nhau là Trời Xanh đã quyết định sai một vị anh hùng xuống thống nhất tất cả các bộ lạc Mông Cổ và rồi đây Mông Cổ sẽ khởi binh phục thù tất cả những kẻ đã dày xéo họ.

Mộc Hoa Lê, một cánh tay đắc lực của Thiết Mộc Chân còn tuyên bố công khai rằng: “Vị anh hùng đó không ai khác hơn là Thiết Mộc Chân.”

Nhưng có một điều khiến cho Thiết Mộc Chân khó giải quyết ổn thỏa là việc thu nhận Trác Mộc Hợp. Dân Mông Cổ rất phân giai cấp. Thiết Mộc Chân vốn thuộc dòng quý tộc cho nên các tù trưởng khác mới chịu về thần thuộc, họ thấy chẳng những được che chở mà còn là một vinh dự. Phần Thiết Mộc Chân nếu không nhờ bọn quí tộc thì không làm sao gây thanh thế lớn và tổ chức lực lượng hùng mạnh được, Trác Mộc Hợp gốc là thường dân, bộ lạc của ông ta thật đông đảo nhưng toàn là dân nghèo. Sự có mặt của ông ta khiến cho nhiều tù trưởng và bọn quí tộc ở các nơi ngần ngại chưa chịu theo Thiết Mộc Chân. Ngay trong đoàn trại cũng đã có sự lủng củng: đa số dân của Thiết Mộc Chân đều giàu, có nhiều ngựa, trâu bò, còn dân của Trác Mộc Hợp chỉ có chiên trừu; gần như ngày nào dân của hai bên cũng có sự đụng chạm bất hòa.

Những người bạn đầu tiên của Thiết Mộc Chân như Bác Nhĩ Truật, Gia Luật Mễ, Mộc Hoa Lê cũng thuộc giai cấp thường dân nhưng trí khôn ngoan, lòng can đảm và lòng trung tín của họ ai cũng khâm phục, nên Thiết Mộc Chân đem họ vào Hội Đồng Quí Tộc (Kouriltai) được, còn Trác Mộc Hợp thì không ai hài lòng cả. Mãi rồi mẹ và vợ của Thiết Mộc Chân cũng khuyên chàng hãy ly khai Trác Mộc Hợp. Họ nói: “Bọn Trác Mộc Hợp thấp kém quá, không có phong tục tập quán tốt đẹp như dân ta. Hắn lại khinh thường tục lệ và hay gây rắc rối…” Thiết Mộc Chân lưỡng lự thật lâu. Hai bộ lạc sống chung với nhau được một năm rưỡi rồi giờ đây nếu ly khai, thế lực của chàng sẽ sút giảm. Nhưng rồi đã đến lúc phải quyết định: ly khai Trác Mộc Hợp.

Sau đó, quả nhiên tất cả những dòng quí tộc còn sống lẻ tẻ đây đó mang hết của cải của họ tới nhập đoàn trại Thiết Mộc Chân. Trong số đó có Đa Di Đài, cháu nội của Khả hãn Ka Buôn; Xát sa-batki, chắt nội; An Tăng, con của Khả hãn Ka Buôn; Cuốc-Sa… đều thuộc dòng chính thống của bộ tộc Bọt-Di-Dinh. Mỗi nhà quí tộc nhập đoàn trại đều kéo theo một số đông bộ lạc khác. Các chủ tướng đều hãnh diện được ngồi chung với những nhà quý phái nhất của xứ Mông Cổ.