Thành Cát Tư Hãn

Chương 19

Lãnh thổ Géorgie nằm ở khoảng giữa cánh đồng lầy bên biển Caspienne và rặng núi Caucase. Từ mạn đông, Tốc Bất Đài và Triết Biệt xua 30.000 quân qua thái địa Azerbeijan, càn quét xứ Kourdistan rồi tiến vào Géorgie, một xứ Thiên Chúa giáo.

Quân đội Géorgie cũng là quân kị khí thế rất kiêu hùng, lúc đó đang chuẩn bị tham dự cuộc thánh chiến của Thập tự quân, liền gác lại dự định ấy xông ra giao chiến với quân Mông Cổ. Lúc lâm trận quân Mông Cổ trương cây đại kỳ có hình chim bạch ưng xòe cánh khiến quân Géorgie ở xa lầm tưởng là hình cây thánh giá nằm nghiêng. Cuộc giao tranh rất ác liệt nhưng ngắn ngủi; quân Mông Cổ giả vờ bại tẩu nhử cho quân địch đuổi theo đến ổ phục kích của Triết Biệt, rồi quay trở lại hai mặt cùng đánh thốc vào, trọn đạo quân Géorgie bị hủy diệt.

May cho dân chúng là hai tướng Mông Cổ không có ngày giờ càn quét, sau trận này họ liền dẫn quân tiến lên vùng cao nguyên vượt qua những rặng núi chọc trời. Vì vậy mà Koussoudane nữ hoàng Géorgie, cho rằng quân Mông Cổ bị hoàng gia đánh bật ra khỏi xứ.

Nữ hoàng gởi cho đức giáo hoàng một bức thư nói về cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ, trong đó có đoạn như sau: “...Một dân tộc dã man thuộc giống Thát Đát rất tàn bạo, hung hãn, háo sát như chó sói, nhưng can đảm chẳng thua sư tử. Có điều lạ là theo Thiên Chúa Giáo, trên cờ của họ có hình thánh giá nằm nghiêng. Họ toan xâm chiếm nước tôi,nhưng quân đội Géorgie đã anh dũng chiến đấu, quét họ ra khỏi bờ cõi, giết được 25.000 tên rợ. Vì vậy mà quân lực của tôi không thể sẵn sàng tham dự cuộc thánh chiến như đã hứa với ngài…”

Cuộc trẩy quân qua rặng Caucase cũng thiên nan vạn nan không thua gì chuyến vượt núi Pamir trước đây. Quân Mông-cổ phải huỷ bỏ tất cả những đồ nặng nề kềnh càng, cả những máy bắn đá, máy phóng hoả vì không thể nào kéo qua những vách đá chênh vênh cao ngất. Nguy hơn nữa là sau khi vượt qua được những đỉnh tuyết phủ, những đèo trơ vơ trong mây mờ, những sườn đá đen dốc đứng, những đường hang khúc khuỷu thác đổ ầm ĩ, xuống tới thung lũng Terke, thì một đạo quân hùng hậu của địch đã dàn sẵn ra đó chờ đợi từ lúc nào, y như Mohammed đã chờ họ ở Đại-uyển.

Tất cả những dân hiếu chiến ở miền sơn cước và mạn núi Caucase như Tcherkesse, Lesghine, Alain đều góp mặt ở trận này để bảo vệ xứ sở của họ. Trong số đó kinh khủng nhất là dân Komane ở Khâm-sát, một giống dân man rợ coi việc chém giết là một trò thích thú nhất đời. Vùng đồng hoang từ biển Caspienne đến sông Danube là giang sơn của họ xưa nay chưa ai dám khuấy phá; giờ nghe nói có kẻ muốn xâm phạm, họ tức tốc kéo tới chặn địch

Binh Mông-cổ hầu hết đều kiệt lực, nếu lao mình vào cuộc ác chiến với kẻ địch đông gấp ba, bốn lần chắc chắn sẽ thảm bại.

Ngày hôm sau một đoàn đại biểu Mông-cổ mang vàng bạc, gấm vóc, ngựa quý đến trại quân Komane cố gắng thuyết phục họ: "Chúng tôi là người đồng chủng với các bạn; các bạn nỡ nào liên kết với bọn ngoại chủng kia chống lại anh em trong nhà? Họ có làm gì lợi cho các bạn đâu? Hiệp với chúng tôi các bạn sẽ có tất cả những thứ các bạn muốn…"

Quân Komane liền ly khai bọn đồng minh rút hết về đoàn trại.

Tốc-Bất-Đài liền tấn công quân sơn cước, đánh tan vỡ đám quân kị, triệt hạ pháo đài của họ rồi bắt đám tráng binh nhập vào cơ ngũ quân Mông cổ, xong lại đuổi theo quân Komane diệt hết toán này đến toán khác và lấy lại tất cả những tặng phẩm. Quân Komane chửi rủa sự phản bội trắng trợn; Tốc-Bất-Đài đáp rằng chính họ mới là kẻ phản bội trước tiên rất xứng đáng lãnh một cuộc trừng phạt như thế! Triết-Biệt tuyên bố họ là những kẻ phản loạn vì tất cả dân ở Khâm-sát đều là dân phiên thuộc của vương tử.

Thật ra dân Komane chưa bao giờ nghe nói đến tên Truật-Xích. Mấy lúc qua buôn bán với các bộ lạc ở mạn Đông biển Caspienne họ có nghe mang máng ở đâu bên phương Đông có một vương gia thường cho quân quấy nhiễu mấy bộ lạc ấy. Hai vị đại tướng liền đưa cho họ xem tờ hiểu dụ của vị “Chúa tể các dân tộc” viết bằng thứ chữ ngoằn ngoèo kỳ lạ không ai hiểu được, theo đó thì tất cả dân Komane đều là thần dân của vương tử Truật-Xích và quân đội của vương tử đến đây là để trừng phạt họ về tội phản loạn! Đã thấy lối hành binh thần tốc với những loại khí giới lợi hại lạ lùng và nghe đồn đãi quân Mông-cổ đi đến đâu cũng giết sạch dân chúng, giờ lại đến đây để trừng phạt, dân Komane hãi hùng đến tột độ. Họ cấp tốc gom góp tất cả của cải chất lên lưng ngựa rùng rùng chạy về phương Tây và phương Bắc. Đoàn người di cư chạy như gió cuốn nước tràn, sau lưng thì vó ngựa Mông-cổ dồn dập đuổi theo.

Tốc-Bất-Đài và Triết-Biệt dẫn 30.000 kị binh lao về phía Tây, vượt qua song Don rồi dọc theo duyên hải biển Azov. Đâu đâu cũng thấy đất phì nhiêu, cây cối sum suê, mục trường xanh non, thật là cõi đất thần tiên. Họ lại vượt qua nhiều rặng núi tiến đến tận cùng bán đảo Crimée và dừng lại trước thành Génois một trung tâm thương mại khá phồn thịnh.

Giá bọn cầm quyền ở đây cử một đoàn sứ giả đến thương nghị với Tốc-Bất-Đài thì đâu đó êm ru. Đằng này họ đóng cửa thành và chỉnh bị binh mã tác chiến. Quân Mông cổ liền tấn công như vũ bão, chiếm thành rồi phóng hoả đốt. Những kẻ còn sống sót đều xuống thuyền trèo ra biển trốn qua các xứ Đông-âu.

Nhưng hai dũng tướng Mông-cổ vẫn chưa biết mỏi mệt. Họ tiến sâu mãi về phía tây, vượt qua sông Dnieper, tới sông Dniester. Tới đây đất vẫn còn trải rộng mênh mông bát ngát. Xa hơn nữa là xứ của giống dân da trắng: phía Bắc là thái địa của Nga, phía Tây-Bắc là thổ lãnh Ba-lan, phía Tây là xứ Hung-gia-lợi, phía Nam là đế quốc Byzantin…

Trên một vạn gia đình Komane thoát qua sông Danube đến bái kiến hoàng đế Byzance xin tị nạn. Trước đó hoàng đế đã có nghe dân Géorgie nói đến “giống dân lạ mặt mũi như quỉ sứ”, bây giờ họ lại xuất hiện ngoài vùng biên thuỳ Đông-Bắc! Quá kinh hoàng, nhà vua liền hạ lịnh cấp tốc tăng cường phòng thủ kinh thành, chiêu mộ thêm lính mới…

Nhưng tướng Mông-cổ không có nhiệm vụ chinh phục các xứ phương Tây. Cuộc hành binh này chỉ là để thám thính, nên tại đây bên bờ Hắc-hải, Tốc-Bất-Đài án binh lại chờ qua mùa đông sẽ trở về Mông-cổ. Nhưng không quên lợi dụng lúc nghỉ ngơi gửi thám tử đi dò dẫm các xứ xung quanh.

Lúc về bái kiến đại hãn, Tốc-Bất-Đài dâng một báo cáo đầy đủ và chính xác về các xứ Âu-châu. Thành-Cát-Tư-Hãn đã căn cứ vào báo cáo ấy thảo một kế hoạch chinh phục Âu-châu, thực hiện trong 8 năm. Trong giai đoạn 6 năm đầu chính Tốc-Bất-Đài thống lĩnh đoàn quân viễn chinh qua Nga, Hung-gia-lợi, Bảo-gia-lợi, Silésie, Serbie dày tan lực lượng của các quốc gia này, rồi đặt nền thống trị… Trong khi ấy các ông hoàng ở Âu-châu lại chẳng hề biết một chút gì về dân Mông-cổ!

Vương tử Mistislav de Haliez trước đây cưới con gái của khả hãn Komane để nhờ bộ lạc này làm bình phong che chở cho thái địa của mình. Bây giờ tình thế bỗng đảo ngược lại, khả hãn chạy qua Nga dâng một số cống phẩm lớn lao khẩn cầu vương tử xuất quân đuổi bọn xâm lăng "không biết từ xứ nào lại nói thứ tiếng không ai hiểu nổi, muốn bắt tất cả các dân tộc phải làm nô lệ cho họ".

Mistislav liền triệu tập một hội nghị các hoàng thân Nga ở Kiev.

Thật ra dân Komane là kẻ thù địch muôn đời của người Nga; dân Nga luôn luôn khốn đốn vì những cuộc quấy nhiễu cướp bóc của họ: bây giờ nếu không giúp, họ có thể liên kết với bọn giặc xa lạ kia xâm lược các thái địa. Nếu chống giặc, thượng sách là diệt chúng tại xứ Komane trước khi chúng tràn vào lãnh thổ của mình…

Thế rồi từ các thành Kiev, Koursk, Smolensk, Volhynie, Haliez, nhiều đạo quân tiến phát về địa điểm hội binh ở gần biển Hắc-hải. Trên các con sông Dnieper và Dniester, nhiều chiến thuyền Nga cũng kéo tới, lực lượng của Nga càng lúc càng tăng gia chưa kể các bộ lạc Komane bị đánh tan rã trước đây, lần lượt hồi tập hợp lại sát cánh với quân Nga.

Khi liên quân Nga kéo đến vùng hạ lưu sông Dnieper, Tốc-Bất-Đài liền phái một sứ đoàn 10 người tới Đại bản doanh Nga: "Tại sao người Nga lại gây chiến với chúng tôi? Người Mông-cổ không hề làm gì thương tổn đến tình giao hảo giữa đôi bên; quân Mông-cổ đến đây chỉ để trừng phạt bọn Komane là dân phiên thuộc đang phản loạn".

Tốc-Bất-Đài tỏ ra rất am hiểu nội tình:

- Các ông cũng thừa biết bọn Komane thường xâm phạm lãnh thổ Nga, cướp đoạt giết chóc. Đáng lẽ người Nga phải hợp lực với binh Mông-cổ tiễu trừ bọn Komane.

Quân Nga thấy rõ lối ngoại giao này chỉ là một thủ đoạn gian trá, một đòn ly gián các xứ đồng minh. Thật ra có bao giờ dân Komane làm phiên thần Mông-cổ. Mười sứ giả liền bị lôi ra chém; quân Nga lẳng lặng vượt qua sông Dnieper đánh úp 1000 quân tiền đạo Mông-cổ.

Trước khi mở màn trận đánh báo thù,quân Mông-cổ muốn dạy quân Nga một bài học về “ luật quốc tế ”. Họ phái hai kị sỹ đến trước trại quân Nga nói vọng vào: "Chúng bây giết sứ giả của quân ta, đột kích quân tiền đạo, chúng bây muốn chiến tranh. Được lắm… Phải nhớ kỹ là quân ta chẳng làm điều gì thiệt hại cho chúng bây. Trên tất cả các dân tộc còn có Trời. Trời sẽ xét xử sau…"

Quân Nga rất đỗi kinh ngạc trước thái độ của hai tên kị sỹ, kinh ngạc vì họ đến đây chỉ để công khai tuyên chiến, coi cái chết như trò đùa, cho nên lần này họ để cho chúng bình yên trở về.

Suốt chín ngày liền Tốc-Bất-Đài và Triết-Biệt vừa đánh vừa chạy nhưng không lúc nào rời xa quân Nga, rồi thình lình họ dừng lại sau con sông Kalka. Tám vạn liên quân Nga - Komane dàn ra trước đạo quân Mông - cổ. Mistislav nhất quyết không để cho kẻ địch trốn thoát và, vì muốn chiến công đều về tay mình, liền độc lực tấn công địch trong khi Mistislav de Kiev còn đang củng cố vị trí ở thượng lưu sông Kalka. Nhưng quân Mông-cổ chỉ nhắm vào nhược điểm của địch là cánh quân Komane. Họ phóng hết kị binh vào hàng ngũ Komane, chém giết tơi bời rồi tẻ ra làm nhiều cánh đánh thốc vào mặt trận Nga. Bị tấn công chớp nhoáng thế như vũ bão, hàng ngũ quân Nga nhốn nháo tán loạn. Kết quả là chỉ có một phần mười quân Nga trốn thoát được cuộc thảm sát. Mistislav đào tẩu trên một chiếc thuyền sau khi đốt tất cả thuyền chiến để tránh cuộc truy đuổi của quân địch.

Quân Mông-cổ lại kéo xốc tới bao vây trại của Mistislav de Kiev. Chỉ một đợt tấn công họ chiếm được trại, 10.000 binh Nga không một người nào còn sống để đem tin thảm bại về cho hoàng đế. Tổng kết trận này có 6 hoàng thân và 70 nhà quý tộc phải đổi mạng với 10 sứ giả quân Mông-cổ. Khắp nước Nga lúc bấy giờ không còn một đạo quân nào có thể đương đầu với quân Mông-cổ nữa.

Nhưng hai tướng Mông-cổ cũng không thể chiếm nước Nga bằng ba vạn phu đó được. Trái với thói quen của họ, lần này họ chỉ đuổi bại quân một đỗi đường ngắn rồi tràn tới các thị trấn lân cận cướp giật, chém giết để trả thù. Hả mối hận rồi họ liền phi lên mạn Bắc, vượt qua những đồng hoang miền Nam bộ đến tận chân rừng miền Bắc bộ Nga, mới chịu quay trở về phương Đông.

Trên đường về căn cứ họ phải qua lãnh thổ Bolgar ở khoảng thượng lưu sông Belgar. Đây là một xứ nông nghiệp, sản xuất rất dồi dào các loại da, sáp và mật. Quân Bolgar dàn ra ngoài biên cảnh chờ đợi… Nhưng cũng chỉ một trận giao chiến họ bị đánh tan vỡ rồi chịu làm phiên thần Mông-cổ, sáp nhập vào hãn địa của Truật-Xích. Dọc theo sông Volga còn 40 bộ lạc Saxine sống về nghề trồng tỉa và đánh cá, thấy quân Bolgar đã hàng phục đành cũng qui thuận theo.