Thăng Long Nổi Giận

CHƯƠNG 4

Trong lúc mọi người đang rối bời, triều đình được tin cấp báo, lãnh chúa người Man ở Đà Giang là Trịnh Giác Mật khởi binh làm loạn.

Nhân tôn đem việc này bàn riêng với Quốc Tuấn:

- Họ Trịnh nối đời hưởng lộc triều đình. Nay nó trở mặt làm phản. Nếu không trị tội để làm gương cho các động, sách khác, e chúng khinh nhờn phép nước, xin quốc phụ cho hay việc này nên khu xử như thế nào?

Trầm ngâm suy nghĩ giây lâu, Hưng Đạo nói:

- Người Man họ sống chưa có lễ luật, nhưng lại có lòng trung tín đối với ai là chủ của họ. Việc Trịnh Giác Mật làm phản, chắc có nguyên ủy sâu xa. Một là việc chăm sóc vỗ về của triều đình thưa vắng. Hai là sĩ tốt vô tình phạm phải các điều cấm kỵ trong tôn giáo của họ. Ba là có kẻ xúi bẩy khích bác, nhằm chia rẽ họ với triều đình, để cho phên dậu của ta trống trải, kẻ thù dễ bề nhòm ngó. Kẻ xúi bẩy, chia rẽ đây không ai khác ngoài bọn tay chân nhà Nguyên. Vậy nên phải xem xét cẩn trọng trước khi coi họ như cừu thù. Làm thế nào kéo họ về với triều đình được là thượng sách. Hơn bao giờ hết, lúc này phải cố kết được lòng dân. Xin bệ hạ dù có phải xuất của kho cho dân họ, hoặc gia phong cho tù trưởng của họ thêm một vài phẩm trật, chớ có sẻn kiệm.

Nghe Hưng Đạo vương nói, gương mặt nhà vua cứ tươi nhuần ra. Phút chốc bừng sáng lên. Đôi mắt nhà vua long lanh, như đang phát ra một thứ ánh sáng trong trẻo, ấm áp. Hưng Đạo vừa ngừng lời, nhà vua đã vui vẻ tiếp luôn:

- Được quốc phụ chỉ dẫn, lòng con bỗng thấy bình ổn. Đúng là không có quốc phụ, con sẽ bỏ đường sáng nghĩ đến việc tìm tướng giỏi, phái binh mạnh đến đánh dẹp họ, để ra oai triều đình. Nhưng nay, đúng như lời quốc phụ dạy: "Phải vỗ về họ, chiêu nạp họ". Đúng thế, họ phải mãi mãi là phên dậu vững chắc để giữ gìn biên cương Tổ quốc. Cho nên, con định cử chú Chiêu Văn lo giúp việc này. Chẳng hay cao ý của quốc phụ...

- Bệ hạ trao việc ấy cho Chiêu Văn vương là phải. Thượng tướng tuy còn trẻ, nhưng kiến văn uyên bác, lại có lòng nhân, dũng, ít ai bì kịp. Hơn nữa, Chiêu Văn vương vốn thông thạo phong tục người miền ngược, và thường có giao du với họ. Bệ hạ nên trao cho thượng tướng việc phủ dụ là chính. Vạn bất đắc dĩ mới phải đánh dẹp. Ngừng một lát, với vẻ ưu tư đau đáu. Cặp mắt Hưng Đạo nheo lại, như đang dõi nhìn một điểm vô hình nào đó thiêng liêng lắm, khiến Nhân tôn đã định hỏi thêm một điều gì đấy, lại thôi ngay. Bỗng Hưng Đạo lên tiếng:

- Tâu bệ hạ, có một điều, thần cứ cân nhắc mãi, liệu có nên nói. Giọng ông ngập ngừng.

Trần Nhân tôn dự liệu, hẳn có việc gì tối hệ trọng, nên quốc phụ mới phải cân nhắc kỹ lưỡng như thế. Để khích lệ đấng bề trên, nhà vua khẽ thưa:

- Trình quốc phụ, xin quốc phụ cứ thực lòng dạy bảo. Trên vì nước, dưới vì nhà, chớ có điều gì tư kỷ đâu mà quốc phụ e ngại.

Hưng Đạo lấy làm đẹp ý, ông ve vuốt mãi chòm râu rồi tiếp:

- Việc Trịnh Giác Mật làm phản, khiến thần vô cùng lo lắng. Thần đã tự xét định xem, chính lệnh của triều đình có điều gì hà khắc? Các quan đại thần thay mặt cho triều đình chăn dắt dân lành, có gì khiên cưỡng bức bách họ? Song lại tự trả lời. Miền Đà Giang, Tam Đái Giang là phên dậu phía tây của triều đình, đã được cử các tướng giỏi như Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, sao lại có thể khinh suất về đối sách được. Tuy nhiên, xin bệ hạ cứ có nhời răn với Chiêu Văn vương, trước khi thượng tướng đem quân vào đất của Trịnh Giác Mật. Cứ theo chỗ thần biết, người Man một khi họ đã thần phục, thường không có chuyện vô cớ làm phản. Hiện nay, ngoài thì giặc Nguyên đang uy hiếp ta rất lớn. Nếu vạn nhất xảy ra chém giết lôi thôi ở Đà Giang, thần sợ không giữ được lòng dân ở các sách, động khác. Một khi phên dậu trống trải, sẽ nguy cho đại cuộc. Mong bệ hạ hết sức cẩn trọng.

Những lời răn tâm huyết của Hưng Đạo như là một sự tâm truyền, khiến Nhân tôn càng thêm kính cẩn với công việc.

Khi nhà vua giao trọng trách cho Chiêu Văn vương, người cũng nói lại tất cả các điều mà Hưng Đạo vương băn khoăn...

Khi tiễn Chiêu Văn vương ra cửa khuyết, nhà vua tự tay trao dây cương ngựa cho thượng tướng, và nói:

- Chúc chú mã đáo thành công.

- Xin bệ hạ yên tâm, Trần Nhật Duật thư thái đáp lời.

Trần Nhật Duật lập vương phủ ở gần cửa Đại Hưng. Nhà ông không lúc nào không có vài ba chục tân khách. Thôi thì…

( Sách thiếu 1 đoạn..)

Mọi người đều khen viên đầu bếp cao kiến. Và cuộc nghị bàn lập tức được giải tỏa. Ba ngày sau, quân do thám về báo, các việc Trần Nhật Duật nói trong thư, đều đã có làm. Và dân chúng các vùng đều muốn cầu hòa với triều đình. Trịnh Giác Mật bèn viết thư phúc đáp:

“… Mật này không dám trái mệnh, nếu ân chúa đi ngựa một mình đến bản doanh thì Mật xin hàng... "

Kèm theo đó là lời chỉ dẫn đường đi lối lại, nơi và ngày giờ đón tiếp. Nhận được thư của Trịnh Giác Mật với vài lời ngắn ngủi, Trần Nhật Duật đọc đi đọc lại tới cả chục lần. Ông cứ soi di soi lại tờ giấy trên ánh nắng, xem có còn mật ngữ gì ở trong nữa không. Xoay đi lật lại tờ giấy với vài hàng chữ, ông vuốt các mép cho thẳng, đặt ngay ngắn trên án và chặn ngang bằng chiếc bút lông thỏ, ông đi dạo quanh đám cây cảnh trong vườn. Đột ngột, Trần Nhật Duật dừng bước và ông đi thẳng vào trong nhà, lấy bút son phê dưới góc tờ thư: "Y hẹn, ta sẽ đến". Rồi ông gọi đám thư nhi, đem trao lại cho Trịnh Giác Mật.

Quyết xong một việc, ông cảm thấy nhẹ nhàng. Trần Nhật Duật ôn lại những lời Trần Quốc Tuấn răn dặn ông qua nhà vua. Kiểm xét lại từng việc, ông thấy Quốc Tuấn quả là xét đoán công việc sáng suốt. Ông đã dò tìm, và thấy được đầu mối của sự bất hòa. Và ông tin, Trịnh Giác Mật đã lấy bụng thực đãi ông, cũng như ông yêu dân họ thật lòng. Bây giờ, ông đang ôn lại những điều thuộc về phong tục, lễ nghi của Trịnh Giác Mật. Từ lời ăn tiếng nói. Cách chào, hỏi, gọi, thưa. Cả cách ăn, cách uống. Các bài hát, các điệu múa, cũng như cung bậc thanh âm trong âm nhạc của họ. Và từ bữa ấy, ông luôn mở các tiệc vui, ăn uống, chúc tụng đều theo phong tục của họ. Bữa thì uống rượu bằng cần, xoay quanh một vò lớn để giữa nhà. Bữa thì đổ rượu ra bát lớn, rồi chuyền tay nhau mỗi người uống một ngụm, cứ thế hết lại rót. Bữa thì uống bằng sừng trâu, dùng lỗ mũi hít cho rượu chảy vào mồm. Cách này chỉ một mình Trần Nhật Duật uống được. Binh sĩ cứ cười lăn cười bò ra, có người sặc gần chết, thượng tướng phải lấy miệng mình hút vào mũi họ cho rượu ra hết. Rồi ông sai chất củi thành đống ở ngoài vườn đốt lên, tự ông lấy lá làm kèn, thổi vang những âm thanh kỳ ảo cho mọi người nhảy múa.

Sắp tới ngày vào trại của Trịnh Giác Mật, Trần Nhật Duật bèn họp tả hữu lại báo cho họ biết, tự thân ông sẽ đi thuyết phục viên tù trưởng làm phản. Quân sĩ xúm lại can ngăn không cho ông đi. Bởi ai cũng sợ tính tráo trở của họ.

Trần Nhật Duật dẫn giải mọi điều về bản tính của người Man. Và việc xảy ra để Trịnh Giác Mật làm phản, là một điều đáng tiếc. Chỉ vì quân sĩ không chịu nghe lời ông dặn. Rằng đối với người miền ngược, phong tục tập quán và tín ngưỡng của họ, còn thiêng liêng hơn pháp luật của người miền xuôi. Ông cũng rất đau lòng khi phải hạ lệnh chém đầu người lính đã xâm phạm vào đền thờ của họ. Nhưng ông đã ngầm sai lượm thi thể cho chôn cất trong hòm gỗ thơm, lại sức về quê quán phải chu tất cho cha mẹ người lính kia. Ông nói: "Ta phải giết một người lính của ta, cũng đau xót như ta phải giết con ta. Nhưng nếu không biết hy sinh tình cảm tư riêng, để cho một dải đất Đà Giang mênh mông này chống lại triều đình, trong lúc quân Nguyên đang dòm dỏ vào bờ cõi ta như cú dòm vào nhà bệnh, thì thật là có tội lớn với đất nước". Ngừng một lát, ông lại thong thả nói tiếp: "Các dân tộc sống trên mảnh đất Đại Việt này, đều có chung một mẹ. Nhưng vì phong thổ đất đai, thời tiết khí hậu mỗi vùng mỗi khác, nên có phong tục riêng, nhiều khi lại có cả tiếng nói riêng. Mỗi dân tộc gìn giữ nền văn hóa của mình bằng các thuần phong mỹ tục, và nó được bồi bổ thêm qua nhiều đời tích tụ lại. Những nét riêng văn hóa ấy, các dân tộc đều phải trả bằng trí tuệ, mồ hôi, sức lực, và cả bằng máu nữa, nên hết thảy đều gìn giữ một cách kính cẩn, như đối với các ngôi đền thiêng. Kẻ nào đụng vào ngôi đền thiêng ấy, lập tức tự biến mình thành kẻ thù của họ. Vậy nên, ta khuyên các ngươi, không những phải trân trọng, phải bảo vệ nền văn hóa của dân tộc mình mà còn phải tôn trọng và bảo vệ các nền văn hóa của các dân tộc khác, và cả các quốc gia khác. Đối với Trịnh Giác Mật vừa qua, là một bài học, đã phải trả bằng máu. Các ngươi phải nhớ lấy nằm lòng, và cũng phải truyền đời lại cho con cháu...".

Trần Nhật Duật tới trại Trịnh Giác Mật vào một buổi mai nắng đẹp. Quân sĩ một lần nữa xúm lại van ông không nên đi. Có người khóc. Ông nói:

- Các ngươi cứ để ta đi. Ta đi là đem theo cả tấm lòng nhân nghĩa của triều đình đối với dân họ. Nếu như Mật giáo giở với ta, thì triều đình còn có vương khác, tướng khác.

Trần Nhật Duật chỉ đem theo mình dăm bảy tên tiểu đồng và thư nhi. Ra khỏi quân doanh chừng hai chục dặm đã có người của Mật đón và dẫn di theo các lối xuyên rừng. Trời quang, mây tạnh, chim hót, vượn kêu, tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng gió ngàn reo, khiến Chiêu Văn vương cảm như mình đang lạc vào thế giới thần tiên. Vương đã đi tưởng như khắp nước, quả thật chưa biết cảnh nào ngoạn mục như cảnh ở đây. Đúng là cảnh sắc này đều nằm trong đất vùng ông trấn trị, mà sao cứ thấy nó lạ, nó đẹp. Đang đi giữa một ngàn hoa trắng, tưởng phải trải đến vô tận, nhưng vừa chớm ngoặt sang một nẻo đường quanh, lại đột ngột hiện ra một khung cảnh khác lạ. Đó là một khu rừng già với những cây cổ thụ thẳng tắp. Thân cao vời vợi, muốn nhìn thấu ngọn cây, phải ngả người ra phía sau, chóng cả mặt. Cây nào cây ấy to đến mấy người vòng tay ôm không xuể. Đúng là rừng trong rừng, cảnh trong cảnh, nó cứ thoắt giấu đi, thoắt mở ra, kỳ ảo khôn lường. Ông đã được xem nhiều bức họa cổ kim. Nhưng so với cảnh sắc thiên nhiên này, thì các đấng danh họa kia chỉ là mấy đứa trẻ nghịch ngợm màu mè. Rõ ràng chỉ có thợ Tạo mới là những tay nghệ sĩ hoàn hảo.

Khi nghe tiếng gà rừng gáy dồn dập, cũng là lúc mặt trời gần đứng bóng, bỗng vang lên đâu đó tiếng nhạc réo rắt, tưởng đó là âm hưởng từ rừng cây và các loài muông thú phát ra.

Như có một cái gì đấy làm xao xuyến, Trần Nhật Duật tiện tay bứt một cặp lá làm kèn đưa lên môi thổi. Tiếng nhạc trong trẻo vang xa như tiếng nói từ lồng ngực ông phát ra. Rừng cây bỗng im tiếng gió. Chim chóc thôi hót. Cây cao như rủ xuống lắng nghe. Tiếng nhạc, như thôi thúc, như nỉ non trách móc ai kia nỡ phụ lòng nhau. Lạ thay, khi nghe thấy tiếng nhạc, Trịnh Giác Mật như ngây như dại, như bồi hồi xúc động, như héo hon lòng dạ, như ăn năn hối hận. Mãi tới một phút sau ông mới định thần được và nói:

- Thượng tướng quân đã đến! Quân bay tấu nhạc lên!

Trịnh Giác Mật vừa dứt lời, thì cả một rừng âm thanh tóe ra. Người ta chỉ nghe thấy tiếng ầm ào của các nhạc khí như trống, chiêng, kèn, sáo đan xen với tiếng rừng và muôn loài cầm thú. Ấy là tiếng nói của rừng, của núi đang cất lên chào đón người anh em chí tình chí nghĩa từ kinh đô Thăng Long lên với họ.

Một rừng thương, gươm, giáo chĩa lên tua tủa và quây lại hàng chục vòng về phía đài cao, nơi Trịnh Giác Mật đang oai nghiêm đứng dưới lá cờ ngũ sắc.

Trần Nhật Duật để đám tiểu đồng ở lại dưới sàn, ông mặc áo bào trắng, thắt chiếc đai ngọc đỏ, đầu trần ngồi nghiêm chỉnh trên lưng con ngựa tía, thả nước kiệu đi về phía Trịnh Giác Mật.

Thấy thượng tướng đến, Trịnh Giác Mật từ đài cao vội vã bước xuống vái Trần Nhật Duật, và cung kính dẫn ông lên đài. Trần Nhật Duật nói một hồi dài những lời chào mừng bằng tiếng của họ, rồi quay lại ôm lấy vai Trịnh Giác Mật. Quân sĩ ở dưới reo hò tưởng đến long trời sập đất.

Nhận lời kết nghĩa anh em với Trần Nhật Duật, Trịnh Giác Mật đã trói sẵn một con sơn dương mới săn được từ chiều hôm trước cùng một con lợn và một con bê, đặt bên cạnh hai vò rượu lớn. Một chiếc đỉnh đồng hun to bằng chiếc nong, cao hơn đầu người đang đốt trầm hương nghi ngút khói. Bốn giá cắm đầy các đồ binh khí sáng loáng. Trịnh Giác Mật vận lễ phục màu chàm, thắt một chiếc đai đỏ thêu hoa kim tuyến, có dát ngọc sáng long lanh. Chân giận hia đen, thêu đôi chim trĩ trắng. Đầu để trần, tay ông nắm lấy tay Trần Nhật Duật đi vòng quanh đài cao vẫy chào đám binh sĩ đông như kiến. Trở về đứng trước đỉnh trầm và các đồ tế khí cùng các con vật hiến sinh, ông bụm tay lại làm loa nói lớn:

- Bớ quân sĩ! Hôm nay ta làm lễ kết nghĩa anh em với thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ta với tướng quân kết nghĩa anh em, cũng có nghĩa là người Kinh, người Man kết nghĩa anh em. Xin thề từ nay hoạn nạn có nhau, vinh hiển có nhau. Ai tự ý phụ nghĩa vong ân thì trời tru đất diệt, sẽ bị chết thảm thương như những con vật hiến sinh đây!

Trịnh Giác Mật vừa liếc nhìn vừa chỉ tay vào ba con vật, lập tức có hàng chục lực sĩ nhảy lên đài, kéo những con vật kia ra chọc tiết. Máu được hứng vào hai vò rượu lớn. Trịnh Giác Mật nhúng cả tay vào dòng huyết mấy con vật đang tuôn chảy, rồi vẩy lên các đồ tế khí. Đoạn ông lấy một chiếc tô lớn, múc đầy một tô rượu đã hòa máu tươi, chìa về phía Trần Nhật Duật. Hai người cùng đỡ tô rượu, cùng đặt miệng vào lợi tô và cùng hút một hơi cạn sạch.

Đoạn, hai chủ tướng quay ra, mời đám binh sĩ dưới đài cùng uống rượu. Thế là ba quân xông vào chia nhau mỗi người một hớp, chỉ trong thoáng chốc, hai vò rượu cạn kiệt. Và tiếng hô: "Triều đình vạn tuế!". "Đức Nhân tôn thiên tuế!” cứ vang ầm lên như muốn dịch chuyển cả núi rừng.

Sau lễ thề là đại tiệc. Rượu để la liệt từng chum, từng chum. Các đống lửa đốt đỏ cả trời, than hồng rực. Hàng đàn, hàng đàn các con vật như dê, nai, lợn được treo nướng trên than lửa. Mỡ cháy xèo xèo, ngọn lửa xanh ngút, khói tỏa mùi thơm ngọt ngào. Hàng đống sừng trâu để làm đồ múc rượu. Và muối đặt từng chậu, từng chậu. Tiệc vui không chia ngôi thứ. Tất cả đều xông vào nắm lấy sừng trâu mà múc rượu. Rồi nhảy vào xé thịt nướng ăn. Hết thảy đều tu rượu bằng mũi, xé thịt bằng tay. Trần Nhật Duật cũng lăn xả vào uống ăn như họ, không chút nề hà ngượng ngập. Rồi cùng ôm lấy họ mà múa, mà hò reo vang ầm như thác đổ.

Đám quân sĩ từ già đến trẻ, đều yêu thích Trần Nhật Duật. Họ trỏ vào ông mà rằng: "Tướng quân đúng là người dân tộc chúng tôi".

Vậy là sau hội thề và lễ kết nghĩa, mọi nghi kỵ cừu thù đều được gạt bỏ. Và cha con Trịnh Giác Mật theo Trần Nhật Duật về triều ra mắt Nhân tôn.

Chiến công của Trần Nhật Duật, làm nghiêng lệch định kiến của các bậc lão thần về tài năng xuất chúng, trí dũng cùng nhân nghĩa song toàn của viên tướng trẻ. Trận thắng tuyệt luân, không mất một mũi tên, đã đẩy oai danh Trần Nhật Duật lên tót vời.

Trần Nhân tôn hết lời khen ngợi quốc thúc thượng tướng quân. Nhà vua cũng ra sức vỗ về cha con Trịnh Giác Mật, vinh thăng cho Mật hai cấp và lưu người con trai của Mật lại triều. Trần Nhật Duật nhận con của Trịnh Giác Mật làm nghĩa tử. Nhà vua ban cho y tước thượng phẩm, và tạm giao cho chức canh trì. Tức là trông nom ao cá của nhà vua, chờ xem sở trường nẩy nở về mặt nào mà trao việc cho xứng với tài đức Vậy là Đà Giang lại trở thành miền phên dậu vững chắc hơn xưa để che chắn cho kinh sư.