Thăng Long Nổi Giận

CHƯƠNG 17

Vài ngày sau khi "Hịch tướng sĩ" được đọc và bàn luận xôn xao trong đám gia tướng, gia thần của thái ấp An Sinh, Hưng Đạo vương bèn hỏi các tướng xem có cần thêm bớt gì trước khi trình lên hoàng thượng. Phạm Ngũ Lão và Trương Hán Siêu sau khi đã bàn kỹ với nhau và cùng bàn với một số tướng văn tướng võ khác, bèn mạnh dạn tâu:

- Bẩm vương - Phạm Ngũ Lão nói, chúng thần chỉ muốn nhân lời hịch này, Quốc công kêu gọi các tướng phải chuyên tâm học hành "Binh thư yếu lược". Vì rằng Quốc công soạn rất công phu, từ kẻ làm tướng đến các đô, các quân và ngay cả sĩ tốt đều có thể học sách ấy mà lập nên công trạng.

Hưng Đạo vương gật đầu và đáp với vẻ khiêm nhường: "Để ta xem". Xong Hưng Đạo hỏi các tướng việc chuẩn bị cho kỳ đại duyệt sắp tới vào ngày hai mươi tháng tám này đã xong chưa? Các tướng đồng thanh đáp: Từ tượng binh, kỵ binh, thủy binh, bộ binh thảy đều đã sẵn sàng, chỉ chờ lệnh của vương là xuất phát. Tướng gia nô Nguyễn Địa Lô được Quốc công gọi riêng căn dặn:

- Ngươi cùng với Yết Kiêu, Dã Tượng đều là chân tay của ta. Tiếc rằng ngày đại duyệt toàn quân sắp tới, ngươi không được tham dự để thấy hết khí thế quân sĩ của ta. Hưng Đạo ngừng lời, vương thấy Nguyễn Địa Lô nghe lệnh một cách chăm chú. Vương biết, thuộc hạ của ông đã sẵn sàng, dù cho ông có sai họ nhảy vào lửa.

Với giọng nói ân cần, nhưng có phần nghiêm trọng, vương tiếp:

- Thế giặc lần này lớn lắm, không thể đánh một trận mà xong ngay được. Vậy ngươi phải lên ngay vùng ải bắc, cùng với đầu lĩnh Nguyễn Thế Lộc ở trên đó đón đợi.

- Bẩm vương, con xin lĩnh mệnh. Nguyễn Địa Lô nói với một tấm lòng thành kính.

- Hãy nghe ta nói đã - Quốc công tiếp - Không phải các ngươi đón đánh quân Mông - Thát khi chúng mới tràn sang. Lúc ào vào cõi ta, chúng đi như thác lũ, các ngươi sao ngăn nổi. Chính là các ngươi phải giấu kín lương thực vào sâu trong các hang động hẻo lánh, mà ngay cả dân địa phương cũng không hay biết. Khi quân kia đã dấn sâu vào đất ta. Vùng biên ải chúng chỉ còn rải một lực lượng mỏng, để hộ vệ đám quân chuyển lương. Có thể khi lâm chiến, việc liên hệ giữa đại bản doanh của ta với các ngươi trên ấy, sẽ thưa vắng hoặc gián đoạn. Song, hễ khi nào thấy quân giặc đi lại nghênh ngang, canh phòng chểnh mảng. Ấy là lúc đại quân của chúng đã vào sâu trong cõi, mà quân ta thì đang gặp khó khăn. Chính lúc ấy, các ngươi nên tung lực lượng ra mà đánh. Đánh vào những nơi sâu hiểm của chúng. Đánh vào những nơi chúng phòng bị sơ sài. Gắng triệt hạ được thật nhiều quân lương của chúng, và làm tắc nghẽn các đường tiếp tế lương thảo. Nên chia quân ra mà đánh, kẻ kia tưởng ta có mặt ở khắp nơi, khiến chúng hoang mang, hoảng loạn. Bởi thế, thành tựu thu được còn lớn hơn nhiều số quân, lương của chúng bị các ngươi diệt, hủy.

Bỗng Quốc công nghiêm giọng, người dằn từng tiếng như để cho viên tì tướng kia khắc cốt ghi tâm - Đây là một công việc cực kỳ hệ trọng, ngươi phải truyền dặn cho Nguyễn Thế Lộc thấu hiểu ý ta. Nếu làm sai mệnh ta, thì tai họa không biết đâu mà lường. Ngươi nên nhớ, việc thành bại còn ở chỗ, các ngươi có gan tàng ẩn thật kín nhẹm hay không? Ngừng lại giây lâu như để cân nhắc thêm, Quốc công lại nói:

- Còn một việc nữa, ta nghe Chiêu Thành vương tâu trong quân, có kẻ ăn chặn khẩu phần của sĩ tốt. Lại có kẻ thông đồng với đám gian thương, qua lại biên ải bán buôn kiếm lời. Ngươi lên trên đó, cùng với viên quan biên trấn, phải làm rõ việc này. Nếu quả như vậy, sau khi tìm ra đúng kẻ tội nhân, ta cho tiền trảm hậu tấu để làm gương răn kẻ khác. Vả lại, nếu luật pháp không nghiêm, lòng quân sinh nản. Lại nữa, nhằm lúc sơ hở, lũ nhà Nguyên có thể cho gián điệp trà trộn vào hàng ngũ của ta. Việc gấp lắm rồi. Ta cho ngươi ba ngày về nhà từ giã vợ con, rồi tức tốc đi theo đường ngựa trạm. Trước khi đi, ngươi đến dinh ta nhận binh phù.

Nguyễn Địa Lô cúi đầu vái lạy.

Lại nói đến chuyện ở Thăng Long, khi Trần Nhân tôn nhận được "Dụ chư tì tướng hịch văn" cùng với lời khải rất khiêm ái của Quốc công tiết chế, nhà vua đọc một mạch, cảm thấy toàn thân nổi da gà. Lời hịch đi thẳng vào huyết quản, bất chấp sự lĩnh hội của trí tuệ, khiến đức vua có cảm giác như đây là lời sấm truyền được toát ra từ khí thiêng sông núi. Lập tức nhà vua vào ngay cung Thánh từ trình lên thượng hoàng.

Trần Thánh tông đọc xong, với giọng rưng rưng cảm động:

- Quan gia, có phải đây là hồn nước không con? Ta không tin vào chữ nghĩa và ngôn từ nữa. Chính đây mới là đạo quân hùng mạnh nhất của Đại Việt ta để kình chống với giặc Mông - Thát.

Nhân tôn lấy làm đắc ý, bèn thưa:

- Tâu phụ hoàng, có nhẽ đưa Hịch văn này sang bên hàn lâm viện để họ nhân bản. Và ngày đại duyệt toàn quân sắp tới sẽ cho truyền hịch này, rồi sau đó phát cho mỗi đô quân một bản để truyền thấu tận sĩ tốt.

- Không những thế, Hịch này còn phải được truyền tới tận các thôn cùng xóm vắng, để trăm họ được biết, và cùng chăm lo việc đánh giặc giữ nước với triều đình.

- Bẩm vâng, con sẽ truyền. Ngẫm nghĩ giây lâu Nhân tôn lại nói - Tâu phụ vương, con đồ rằng Hịch này truyền tới muôn dân, sẽ đem lại sức mạnh siêu thần nhập hóa. Giặc Mông - Thát hẳn không lường nổi sức mạnh của lòng dân Đại Việt.

Trước khi trở về ngự tẩm, vua Nhân tôn sai trung sứ( người hầu cận của vua) đem bài Hịch cùng với biểu chương của Quốc công tiết chế sang phủ thái sư cho thượng tướng Trần Quang Khải xem. Nhân tôn vốn người trầm tĩnh, điềm đạm, vậy mà khi đọc xong lời Hịch, ông không thể không lập tức đem trình cha. Và bây giờ, ông lại đưa sang cho chú. Rồi sớm mai thiết triều, chắc chắn nhà vua sẽ bố cáo lời Hịch cho bá quan cùng nghe.

Đêm về khuya, Nhân tôn thao thức không sao ngủ được. Qua lời Hịch, ông nghĩ về Hưng Đạo, người cha vợ của mình, như nghĩ về một bậc thánh hiền. Lời lời như được tụ kết từ khí thiêng sông núi, hẳn phải nung nấu trong tâm trí vương biết bao năm ròng. Chắc chắn qua Hịch này, những ai còn chút nghi kỵ vương đem lòng kia khác, sẽ thôi ngờ vực, tị hiềm. Nhân tôn cố nhắm mắt, và muốn chìm vào giấc ngủ để sớm mai còn thiết triều, còn chia sẻ niềm vui này với bá quan văn võ. Nhà vua đã nhắm mắt, mà như vẫn nhìn thấy các tia sáng lọt qua khe cửa vào trong cung, như những sợi chỉ trắng đặt trên miếng thạch đen. Và đâu đây tiếng trống từ ngoài phường phố cứ vang lên. Nghe nhịp trống, nhà vua nhận ngay ra là trống múa sư tử, múa tứ linh - "Vậy là trung thu!" - Nhân tôn chợt nhớ ra - Đúng thế, bữa nay là rằm tháng tám, thảo nào trăng sáng. Nhà vua như hối hận vì quên cả năm tháng, quên cả thăm hỏi, quà bánh cho các con.

Đêm khuya, trăng xế, các tia sáng nhạt dần rồi mất hẳn. Nhưng lại vang lên tiếng sáo diều. Tiếng sáo diều như gọi nhớ tuổi thơ. Những năm thơ trẻ, nhà vua thường hòa nhập với đám con trai ngoài phường trại đi săn bắn, hoặc đi thả diều... Tiếng sáo vi vút như gần như xa. Nhà vua nằm nghiêng, áp tai xuống long sàng để nghe cho rõ. Thoạt tiên là những tiếng đu đu đứt quãng. Sau đó là tiếng ròn ròn dõng dạc vang xa như tiếng cồng thu quân. Tiếng cồng khiến nhà vua nhớ đến một loại sáo đại, cắm ở trên đầu những cánh diều to như những con thuyền. Ấy là những chiếc sáo mà miệng được khoét từ các loại gỗ nhẹ, mịn thớ không nắng gió nào làm cho co nứt như gỗ gáo, gỗ thị, còn thân sáo là những ống tre, ống trúc. Tùy theo loại sáo to nhỏ mà chọn tre, bương, hoặc trúc. Loại diều lớn vài chục sải cánh, phải đeo sáo cồng, to bằng bắp vế. Tiếng sáo đang vẳng vào trong cung, chính là sáo cồng. Đêm càng khuya khoắt, nhà vua càng nghe rõ những âm thanh réo rắt từ trời cao vọng xuống. Nghe như có tiếng rỉ rên dài dài, cả tiếng than vãn nức nở. Lại có cả tiếng choi chói, the thé rít lên như tiếng còi. Ấy là tiếng của các loại sáo đẩu, sáo còi hòa quyện với sáo cồng thành một thứ thanh âm đa cung bậc. Càng nghe, các âm thanh càng rõ dần càng mạnh lên. Đức vua không còn cảm giác rằng các âm thanh kia từ trời cao vọng xuống, mà từ mặt đất nó đang bay, bay vút lên mặt trăng. Tiếng sáo diều đã đưa nhà vua vào giấc ngủ muộn. Trong giấc ngủ chập chờn nửa trần thế nửa thiên tiên, Trần Nhân tôn mơ thấy quân Mông - Thát tràn vào cõi, ào ào như nước từ Ngân hà ụp xuống. Vó ngựa Mông Cổ cứ tung hoành khiến bụi phủ mờ cả vầng trăng, và tiếng khóc cứ ri ri, ri ri như quỉ sứ đang tấu khúc nhạc sầu. Chợt có tiếng nổ xé trời như sét đánh, nhà vua giật mình mở choàng mắt. Ánh ngày đã tràn ngập cả ngự tẩm. Đức vua toát mồ hôi ướt đẫm y phục. Nghe tiếng thét, tráng sĩ Đặng Dương đẩy cửa bước vào. Thấy nhà vua mặt mày tái mét, chàng sụp tâu:

- Bẩm quan gia, có điều gì bất như ý mà người thét to vậy?

Nhà vua vẫy tay cho Đặng Dương tới gần, ngài phán:

- Ta mơ ngủ. Một giấc mơ khủng khiếp. Quân giặc sắp tràn vào bờ cõi rồi! Mặt nhà vua buồn rười rượi.

- Xin bệ hạ bình tâm. Đặng Dương vừa tâu vừa sụp lạy.

Đặng Dương, tráng sĩ toàn năng trong hội thi võ đã được Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Quốc Trung đưa về dưới trướng. Rồi sau đó Tuệ Trung lại đem dâng vua Nhân tôn. Với con mắt tinh tường, Tuệ Trung nhận thấy nơi tráng sĩ này, không chỉ có tài cao võ thuật, mà còn có lòng trung nghĩa vô hạn. Những con người như thế túc trực hầu hạ bên vua, lúc thường cũng như lúc hữu sự, là điều khiến Thượng sĩ yên tâm.

Đặng Dương là một người ít học, nhưng cũng biết suy nghĩ thấu đáo. Chàng thầm nhủ: "Chắc nhà vua lúc nào cũng nghĩ kế sách chống giặc Mông - Thát, nên trong giấc ngủ cũng mơ thấy giặc". Nghĩ thế, nhưng tráng sĩ không sao tìm được lời nói để an ủi đức vua. Chàng cứ tần ngần đứng nhìn vào một điểm ở góc long sàng. Nơi ấy người ta chạm nổi một con rồng, và gắn cho nó cặp mắt bằng đá ngọc lưu ly. Bốn góc bốn con rồng chầu vào đức Nhân tôn. Vừa tỉnh giấc, nhà vua nhỏm người dậy, đôi mắt ngài ngự ánh lên màu xanh khiến Đặng Dương nghĩ tới bức tranh "Cửu long tranh châu” treo nơi đại điện, và nhà vua chính là hạt châu - hạt châu lớn nhất Đại Việt - hạt châu lớn nhất thế gian. Nghĩ vậy, trong lòng tráng sĩ thấy vui vui.

Chợt nhà vua hỏi:

- Ta nghe như có trống thu quân ở đâu sớm vậy, Nhân tôn hỏi bất chợt. Đặng Dương lắng theo nhịp trống, rồi tâu:

- Bẩm quan gia, trống ngoài hồ Thủy Quân. Đêm qua con thấy đức ông hoàng Sáu đưa quân thủy vào lập trại.

( Hồ Thủy Quân, cũng có tên là Hồ Tả Vọng. Đây là hồ lớn dùng để luyện tập quân thủy của nhà Trần. Trước đây hồ rộng từ khu vực Hoàn Kiếm hiện nay liền với cả khu Vọng Đức, Tràng Tiền, Cầu Gỗ, Hàng Buồm thông với Hàng Than quành về Hàng Chuối và bến Đông bộ đầu xưa. Từ đó thông ra Hồ Tây và ra sông Cái (sông Hồng) theo ngả Quảng Bá. Tên Hoàn Kiếm mới có từ thời Lê- thế kỷ 15.)

- A, sắp tới ngày đại duyệt toàn quân! Vua Nhân tôn nói như reo. Nhà vua lấy làm hài lòng về ông chú mẫn nhuệ. Một người làm việc gì cũng chu đáo. Nhưng bề ngoài lại thảnh thơi nhàn hạ như không, khiến nhiều người tưởng Nhật Duật là người chỉ ham mải các cuộc chơi vui.

Song phải thừa nhận, ông là người thông minh hiếu động. Ông ở nhà thì không lúc nào là không có các trò vui. Khi thì đàn hát, khi thì cờ bài, khi thì thơ phú xướng họa. Ông ở trong quân thì náo động bởi các cuộc thi: đấu võ, đấu vật, bắn cung, chèo thuyền... Lúc nào trong quân ông cũng vui như hội.

Bỗng nét mặt nhà vua tươi hẳn lên. Ngài sai Đặng Dương đi lấy một cái côn, rồi đức vua phi một mạch ra vườn ngự. Đặng Dương chạy theo, gần tới nơi đã thấy nhà vua múa tít cây gậy, tả xung hữu đột, bước tới bước lui cứ thoăn thoắt, khiến tráng sĩ cũng phải ngạc nhiên về võ nghệ của đức vua. Người có nghề, chỉ thoáng nghe tiếng côn vút gió, và tiếng di động bước chân, cũng đủ biết nội lực của nhau thâm hậu hay sơ sài. Thấy đức vua luyện võ, Đặng Dương mừng lắm. Bởi mai đây vào cuộc chiến, không biết thế nào mà nói trước được.

Buổi chầu hôm nay trái với lệ thường, nhà vua đến hơi trễ. Thông thường cứ đầu giờ mão, các đại thần đã tề tựu cả ở đại điện, độ một khắc sau thì nhà vua bước vào. Hôm nay, mãi đầu giờ thìn, vua Nhân tôn mới ra thiết triều, ấy là bởi nhà vua có ghé qua vài nơi tập kết quân của các vương hầu, các lộ, trấn về dự đại duyệt. Buổi thiết triều hôm nay, nhà vua bố cáo cho bá quan biết việc nghiêm trọng nhất của quốc  gia là Hốt-tất-liệt đã khởi binh đánh ta.

Các quan cũng đã nghe bàn về việc này, nhưng nay được nói ra từ miệng đức vua, ai nấy đều bội phần xúc động và lo cho thế nước.

Nhân tôn nói dằn từng tiếng chậm rãi như người đếm, để nén nỗi uất căm:

- Hốt-tất-liệt phát năm mươi vạn binh, cho con trai y là Thoát-hoan thống lĩnh cùng với những viên tướng dạn dày vào hàng đệ nhất công thần phụ tá. Quân khởi từ hành tỉnh Kinh Hồ cách đây một tháng - Nhà vua lại hít sâu, đề khí vào huyệt đan điền cho tâm thần an tĩnh, và tiếp - Chúng ta đã nín nhịn, đã thần phục, đã triều cống họ đủ thứ. Nhưng vua tôi nhà Nguyên như một lũ hổ đói, ta càng cống nạp, chúng càng đòi hỏi. Nay không thỏa mãn, chúng cử binh xâm lấn. Để vãn hồi tình thế, đầu tháng bảy, ta đã sai trung đại phu Trần Khiêm Phủ làm chánh sứ sang hành tỉnh Kinh Hồ xin nhà Nguyên cho hoãn binh. Kíp đến đầu tháng tám này, ta sai Đoàn Ái, Lê Quý sang sứ nhà Nguyên. Cách đây vài ngày thượng hoàng hối thúc ta sai thiện trung đại phu Nguyễn Đạo Học sang sứ nữa. Trước sau ta chỉ một mực xin nhà Nguyên cho hoãn binh. Hiện thời vẫn chưa có hồi âm – Đức vua nén một hơi thở nhẹ, ngài lại điềm đạm nói - Thật ra còn nước còn tát, để rồi không còn gì phải ân hận trong thuật bang giao, cũng như trong đạo nhường nhún của nước nhỏ đối với nước lớn. Nhưng muốn cho lời nói của ta thành nguyện vọng và ý chí hòa bình của cả dân tộc, không gì có thể minh chứng vững vàng bằng Đại Việt ta phải có một lực lượng đủ mạnh, để kình chống được đội quân hùm sói kia, thời tham vọng bành trướng vô lối của thiên triều mới dần dần giảm thiểu.

Vậy các khanh nghĩ thế nào, và có mưu lạ chước hay gì ngoài các điều ta đã làm cho việc binh, việc lương, việc dân thời các khanh cứ thực lòng tâu lên để giữ nước. Ấy là việc ngoài to lớn, còn việc trong, có hai điều hệ trọng. Trước mắt là tới ngày 20 tháng tám này, ta sẽ đại duyệt toàn quân. Tổng quản ta đã trao cho quốc công tiết chế Hưng Đạo vương coi xét. Trấn, lộ nào bê trễ, cứ chiểu quân pháp thi hành - Ngừng một lát, nhìn khắp triều quan, thấy các đại thần vẻ lo âu hiện lên từng gương mặt. Nhà vua rất hài lòng, vì mọi người đã cùng chung lo việc lớn quốc gia. Vua lại truyền - Để khích lệ ba quân cùng chúng dân trăm họ, Quốc công tiết chế vừa soạn xong một bài "HỊCH", ta đã cho nhân bản. Nay phát trước cho trăm quan về đọc, nghĩ thấy điều gì cần tu chỉnh, thời phải sớm tâu lên để còn kịp truyền cho toàn quân vào ngày đại duyệt. Nói xong, vua cho bãi triều rồi đi thẳng ra khu các trại quân.

Vua Nhân tôn vào trại của tướng quân Trần Nhật Duật. Chiêu Văn vương lật đật ra đón, không kịp cả xỏ chân vào dép. Tướng quân toan sụp lạy, nhà vua vội chạy lại đỡ dậy:

- Chú là bề trên, sao cứ thủ lễ quá chừng?

- Muôn tâu bệ hạ, muốn giữ được kỷ cương, thì lễ phải là điều nghiêm cẩn bảo tồn. Lễ mà tùy tiện thì luật dễ bị khinh  nhờn. Bệ hạ nên nhớ, tình tôn tộc là ở trong nhà. Và chỉ ở trong nhà thôi. Trần Nhật Duật nói vậy, nhưng ông là một người rất dễ thương. Có nhẽ cũng vì lòng cảm mến đó mà Nhân tôn hay đến thăm ông. Nhật Duật tươi cười hỏi nhà vua:

- Sao bệ hạ biết thần về mà đến thăm?

- Đám tụng quan( quan phục vụ trong nội cung) nói chú đưa quân về lập trại từ đêm. Vừa tan chầu xong là ghé thăm chú ngay.

Chiêu Văn vương mời nhà vua vào trung quân. Triệu Trung đang ngồi trên kỷ vội nhảy xuống sụp lạy. Vua cho ngồi, rồi hỏi:

- Triệu tướng quân vẫn mạnh chớ?

- Muôn tâu thánh thượng, thần vẫn được bằng an.

- Nhưng cha con Hốt-tất-liệt không để cho chúng ta an Dâu. Tướng quân biết cả rồi chứ?

- Dạ bẩm bệ hạ biết ạ. Chúng thần đang bàn việc "tiếp đón" Thoát-hoan, sao cho chúng cứ mỗi khi nghĩ đến Đại Việt là phải nổi da gà, như mỗi khi chúng nghĩ đến việc vượt biển đánh vào Nhật Bản vậy.

Nhân tôn trong lòng vừa vui, vừa nghi ngờ pha chút khinh kẻ vong thần nhà bại Tống này. Đức vua vui còn vì đám nhà vong Tống này đang góp phần chung lo với quân dân Đại Việt. Nhưng mấy chục năm qua cũng cho thấy trong đám người vong quốc ấy không thiếu gì kẻ lộng ngôn, chỉ cao đàm khoát luận, chê bai hết nhân vật này đến nhân vật khác trong lịch sử, cũng như trong hiện tại. Rồi lại khích bác lẫn nhau, tranh giành xâu xé nhau, chỉ vì các thứ danh hão lợi hờ mà quên mình là kẻ vong quốc, quên rằng nước Đại Tống của người Trung Hoa đang rên xiết dưới vó ngựa quân Mông- Thát. Đức vua có cảm giác như bọn này họ quên cả quốc nhục quốc thù, yên tâm nương náu trọn đời nơi đất khách. Song nghĩ cũng thương tình, họ còn biết làm gì hơn thế nữa.

Nhà vua quay lại nói với Trần Nhật Duật:

- Chú Chiêu Văn à, binh lực chú sắp xếp ra sao. Nghe nói chú có một đội binh thuần người Tống, mặc quần áo Tống tham gia trong quân của chú?

- Đúng như thế đấy ạ, tâu hoàng thượng. Nhìn thần sắc đức vua, tuy có lo nhiều việc nước, nhưng tướng vẫn tươi nhuần vững vượng lắm. Dù nhà vua tuổi nhỏ, nhưng điều hành bộ máy quốc gia tỏ ra có bản lĩnh, trên dưới chặt chẽ, trong ngoài qui củ. Lại thêm cái đức khiêm ái kiệm cần, tưởng đến như Lê Hoàn, Lý Thái tổ hoặc Hán Quang Võ, Đường Thế tôn cũng không thể hơn được. Chợt nhớ nhà vua hỏi về đội binh Tống, Trần Nhật Duật vội thưa:

- Tâu quan gia, trong số vong thần nhà Tống vào tá túc ở bản phủ, số người kể có hàng vạn. Nhưng phần nhiều đã sắp xếp cho họ về các trang ấp làm ruộng. Hoặc giả như ai có nghề nghiệp thì cho phối làm với các nghề của ta. Nếu vì nghề của họ cao hơn, hoặc lạ hơn, thời cho họ lập riêng lò xưởng để làm như nghề sành sứ, nghề nhuộm vải, nghề bào chế dược liệu và trị bệnh trong dân. Chọn trong số trẻ trung, mạnh khỏe, thần dồn vào được khoảng hơn sáu mươi đô. Mấy năm nay cho luyện tập đều đặn dưới sự coi sóc của Triệu tướng quân đây - Trần Nhật Duật vừa nói vừa chỉ tay về phía Triệu Trung. Triệu Trung lại đứng dậy vái vua Nhân tôn. Đức vua vẫy tay cho phép Triệu Trung ngồi xuống. Trần Nhật Duật lại nói:

- Thần định sớm tối hôm nay phải vào triều kiến, xin quan gia cho phép đội quân này được mặc sắc phục Tống, dùng binh khí Tống.

- Vì sao vậy? Nhà vua hỏi.

- Tâu, đó là sở nguyện của họ. Một là để bầy tỏ với mọi người, lòng họ vẫn hướng về cố quốc. Hai là để trả cái ơn tri ngộ của Đại Việt trong những năm họ tá túc trên đất ta, được nhà vua cho hưởng mọi điều ưu hậu. Ba là kẻ thù của ta cũng chính là kẻ thù của họ, nên họ muốn góp xương máu với ta để rửa hận.

Một thoáng suy nghĩ, Nhân tôn thấy có thể chấp nhận được Hơn nữa, việc này còn gây tâm lý thất lợi rất nhiều cho binh lính Thát-đát, một khi chúng biết có người Tống đánh lại chúng trên đất Đại Việt.

Vừa gật đầu, nhà vua vừa nói:

- Thôi được, Triệu tướng quân, vua Nhân tôn nói thẳng với Triệu Trung - Ta chấp nhận sở nguyện của các ông, nhưng phải đánh lũ Mông - Thát này bằng tất cả sự hùng tâm, hùng khí của dân tộc Trung Hoa để mà trả cái hận Nhai Sơn. Ông hiểu ý ta chứ?

Triệu Trung quỳ lạy:

- Muôn tâu hoàng thượng, chúng thần có cả thảy năm ngàn người, phiên chế làm sáu mươi hai đô, chiến đấu dưới cờ của Chiêu Văn vương tướng quân, xin được nhận công việc như hai quân. Sơ sót điều gì xin chịu tội. Nếu xảy ra việc nhút nhát để thua; nếu xảy ra việc ngu tối mà trúng vào kế giặc để thua, để nhục; chúng thần xin được cùng chết để tạ tội.

Vua Nhân tôn lấy làm bằng lòng lắm. Ngài nói - Trong quân bất kể là người Đại Việt hay người Tống, hễ ai lập được công lớn, sẽ có trọng thưởng.

Nhà vua đã toan đứng dậy, Nhật Duật vội nói:

- Xin bệ hạ nán lại vài giây, thần có một việc riêng, mong bệ hạ gia ân.

Biết ý, Triệu Trung vái nhà vua và chủ tướng rồi đi giật lùi ra ngoài. Vua Nhân tôn nhìn Trần Nhật Duật rồi mỉm cười, hỏi:

- Còn việc gì nữa chú Chiêu Văn? Chú định dọn tiệc rượu hay bầy cuộc hát?

Trần Nhật Duật xua tay:

- Tâu bệ hạ, các việc ấy thần đều đã dẹp bỏ, ăn chơi bây giờ không phải lúc. Chẳng biết bệ hạ có nhớ cái tên mà bệ hạ giao cho chức trông nom ao cá của bệ hạ không nhỉ?

Nhân tôn nhăn vừng trán như cố nhớ ra một điều gì đó. Chợt như tươi hẳn lên nhà vua nói:

- Nhớ! Nhớ ra rồi, chú Chiêu Văn. Việc lâu rồi đấy. Bốn năm năm rồi còn gì?

- Dạ đúng, từ năm Canh thìn (1280).

- Cái thằng bé con của tù trưởng Trịnh Giác Mật chú nhận nó làm nghĩa tử chứ gì?

- Dạ phải.

- Thế bây giờ chú định tính sao?

- Tâu bệ hạ, việc quân Nguyên xâm lấn là điều không tránh khỏi. Có giữ thằng bé ở lại, nó cũng chỉ hầu hạ đức vua thôi chứ không dùng vào việc lớn được. Nhưng nếu vỗ về nó, gia phong cho cha con nó thêm một vài phẩm tước gì đấy, thì chính nó cũng trở thành một viên tiểu tướng ở vùng phên dậu của ta. Thế giặc lần này mạnh lắm. Phải chia sức ra mà đánh. Vì vậy, thần đã nói nó mấy hôm nay rồi, để nó về lập lấy một đội binh. Khi giặc ồ ạt kéo vào thì tìm đường ẩn nấp. Khi giặc đánh mạnh ở dưới xuôi, thì tung quân ra mà đánh chẹn, mà quấy rối chúng.

- Được. Được lắm. Mưu chú cao đấy - Nhà vua vội chen lời- Ý thằng bé thế nào?

- Tâu bệ hạ, nó vui lắm. Ta cho nó về, bằng thả hổ về rừng. Ở Thăng Long tuy có quan chức, có kẻ hầu hạ, nhưng nó vẫn coi là bị tù túng. Bệ hạ nên vỗ về nó, để sau ngày đại duyệt toàn quân, thần thân dẫn nó về trao cho Trịnh Giác Mật, rồi bàn luôn kế đánh giặc và ủy thác trách phận cho y.

- Chú lo giùm việc ấy, tôi thật yên tâm.

- Thần xin lĩnh mệnh. Trần Nhật Duật cúi đầu vái Trần Nhân tôn. Nhà vua đỡ dậy, rồi vua tôi nắm tay nhau cùng đi ra ngoài trại. Cho tới khi Nhân tôn lên kiệu đi khuất rồi, Chiêu Văn vương mới trở lại quân doanh.