Thăng Long Nổi Giận

CHƯƠNG 14

Từ Đại hội Bình Than ra về, gần tới bến đò sông Thiên Đức, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản chia tay Hoài Nhân vương Kiện. Hai trang thiếu niên nắm tay nhau nghẹn ngào, Quốc Toản nói:

- Hứa với anh, nhất định tôi sẽ lập một đội tinh binh quyết sống mái với giặc Thát, để cho cái ông Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc ấy thấy rằng, non sông xã tắc là của muôn dân, mọi người, mọi nhà đều có trách phận giữ gìn, chứ không phải chỉ có riêng các vương hầu quyền cao chức trọng được độc chiếm quyền yêu nước đâu.

Vương Kiện vẫn còn chưa hết bực mình về việc người ta coi thường bọn thiếu niên, nắm chặt tay Quốc Toản nói:

- Noi gương anh, tôi cũng xin song thân cho lập đội gia binh để cùng nhau giết giặc Thát. Chỉ hiềm sức chúng mình còn mảnh quá.

- Việc ấy không lo. Chúng ta đang sức lớn. Anh không thấy sao, đức Phù Đổng xưa mới có ba tuổi cũng chỉ vì khát vọng yêu nước thương dân muốn phanh thây xé xác quân thù, nên trời đã cho thêm sức mạnh. Trần Quốc Toản nói rồi sá Vương Kiện một sá - Hẹn gặp nhau ngoài chiến địa! Dứt lời, Toản ra roi vút ngựa phi nước đại.

Cho ngựa vào tầu rồi Quốc Toản lên nhà đại bái chào mẹ.

Thấy con về, phu nhân vội buông kim chỉ đứng dậy. Quốc Toản chạy ào vào nhà, nắm lấy hai vai mẹ:

- Mẹ ngồi xuống đi. Mẹ gầy quá, con thật có lỗi nhiều với mẹ. Chợt nhìn xuống thúng khâu, Quốc Toản liếc thấy chiếc áo mới bữa trước ở nhà thi vật, chàng bị lão quản gia bấu rách xoạc cả một bên vai - Mẹ lại vá áo cho con đấy à. Hứa với mẹ, từ nay con sẽ ở trần tập luyện để khỏi làm phiền lòng mẹ, lại đỡ tốn vải.

Phu nhân thở dài.

- Nhà ta đâu đã đến nỗi thiếu để con phải mặc rách. Mẹ định vá lại cho mấy nông nô mặc đỡ. Họ làm lụng sương nắng, mặc cái gì chả được.

Nhìn tấm áo vóc đại hồng màu đã phai bạc, được mẹ vá bằng miếng vải thô màu chàm sẫm, tựa như phẩm cấp  một nhà tu hành, Trần Quốc Toản thấy ngồ ngộ:

- Thưa mẹ, con sẽ mặc áo này ra trận.

- Không được con ơi! Phu nhân giẫy nảy lên. Ra trận, con phải vận phẩm phục uy nghi của một vị tướng, đấy là thể diện quốc gia, không được tùy tiện, giặc nó khinh.

- Ôi, mẹ ơi, con thích mặc tấm áo này ra trận, vì lúc nào con cũng yên tâm có bàn tay mẹ che chở.

- Con tôi! Phu nhân vừa nói vừa vuốt xuôi hai vai Quốc Toản. Bà phải với, vì bà chỉ cao tới ngực cậu con trai mười sáu tuổi Như chợt nhớ ra, bà hỏi:

- Việc nước thế nào con? Đức vua và các vương hầu bàn tính ra sao? Con kể mẹ nghe đi. Mắt phu nhân có vẻ mơ màng - Chao ôi trong thôn ấp đinh tráng phấn khích lắm, ai cũng muốn xung quân đánh giặc Thát.

Sau khi thuật lại mọi điều xảy ra trong Đại hội Bình Than với tất cả sự hậm hực, Quốc Toản đắn đo mãi mới dám hé lộ một ước muốn của mình:

- Con xin phép mẹ cho lập một đội tinh binh của thái ấp nhà ta.

Sau một phút cân nhắc, phu nhân đáp:

- Liệu có được không con? Nếu thân phụ con còn sống chẳng nói làm gì, kể như hồi năm Đinh ty (1257) đấy, cha con với đội gia binh đã lập nên công lớn, khiến bọn Thát-đát phải kinh hồn tháo chạy. Mẹ chỉ sợ con còn nhỏ tuổi quá mà đứng đầu ba quân, trước hết chưa đủ uy để sai khiến, sau nữa là triều đình chắc gì đã cho đám vị thành niên ra trận. Còn như việc tốn kém mẹ không có ngại. Đấy con xem, vâng mệnh triều đình, nhà mình phải xén tới non nửa phần điền sản và gia nô cho họ được tự ý làm ăn rồi. Vì nước, nếu có phải cung hiến cả gia sản, mẹ cũng vui lòng. Chỉ tiếc là mẹ yếu quá, không làm được các việc như xưa kia Linh từ Quốc mẫu đã làm.

( Linh từ Quốc mẫu tức bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ. Khi giặc Mông - Thát tràn vào, bà đưa con cái các nhà hoàng gia đi sơ tán. Bà còn lo mua tàng trữ vũ khí, lương thực, tiếp tế cho quân.)

- Thưa mẹ, con tuy còn nhỏ tuổi, nhưng người cũng đã lớn, chứ không như bọn con nít. Vả lại, việc quân có phép, mẹ đừng lo con không sai khiến được. Tuy nhỏ tuổi, nhưng con cũng có tham bác binh pháp các đời. Lại gần đây con có nhờ chép được ít thiên trong "Hưng Đạo binh pháp", có thể ứng dụng ngay được trong quân. Điều mẹ lo là con đang trong tuổi vị thành niên, triều đình không cho ra trận. Nhưng thưa mẹ, có phải lập tức con ra trận đâu. Giặc đã đến đâu mà đánh. Con nghĩ phải luyện binh từ bây giờ cho thật tinh thông, để sẵn sàng chờ giặc. Tới lúc ấy, chắc con cũng đã tới tuổi thành niên. Con thấy đức Hưng Đạo cùng hai vua và các đại thần, đều bàn tính làm thế nào để cuộc chiến chậm nổ ra, cho ta còn kịp lo việc binh, lương. Dạ thưa mẹ, việc này phải khôn khéo lắm mới qua được mắt giặc. Vậy mẹ khỏi lo con cứ mãi ở tuổi nhỏ này, mà cho dù vị thành niên đi nữa, cũng đánh được giặc. Đức Phù Đổng xưa mới có ba tuổi, cũng phải nhảy ra khỏi vành nôi mà đánh giặc thì sao? Con chắc là triều đình không nỡ bắt đám vị thành niên ra trận, chứ triều đình không cấm. Ai lại đi cấm nhân dân đánh giặc, có chăng thì cấm bọn hèn nhát theo giặc phản lại giống nòi.

Nghe con nói, phu nhân cảm thấy mát lòng mát dạ. Vì rằng Trần Quốc Toản, đúng là tuổi còn nhỏ, nhưng chí đã lớn Phu nhân thật yên tâm. Rõ là hổ phụ sinh hổ tử. Bà liền cho gọi viên quản gia vào bàn việc lập đội gia binh.

- Bẩm phu nhân, người gọi con chẳng hay có việc gì dạy bảo - Viên quản gia cúi lạy.

- Ta miễn lễ. Mời ông ngồi. Có việc gấp cần bàn với ông. Phu nhân đẩy cơi trầu về phía viên quản gia - Ông nhai một khẩu cho ấm.

Viên quản gia lấy tay mở miếng trầu ra xem đã vừa vôi chưa, ông nói:

- Bẩm phu nhân năm nay rét sớm. Mới tháng mười mà trời đã giáng sương giá. Vụ chiêm này chắc lại bội thu.

- Ông xem đám nông phu từ ngày cấp ruộng đất cho ra ở riêng tới nay, họ có làm được đủ ăn không?

- Bẩm phu nhân sao lại gọi là đủ ăn. Phải nói họ dư dật. Dư dật nhiều lắm ạ. Họ biết ơn phu nhân và công tử không kể xiết.

- Đấy là ơn của triều đình chứ ơn gì ta. Ta nghe nói sở dĩ có mệnh này là do đức Hưng Đạo dâng "Phú quốc cường binh sách",

- Dạ bẩm phu nhân đúng thế đấy ạ. Khởi thủy là từ đức ông Trần Hưng Đạo sau khi kiến tạo xong "Phú quốc cường binh sách", đã cho làm thử ở thái ấp An Sinh, rồi lan sang thái ấp Tịnh Bang của Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung. Thấy hai ấp đó dân được hưởng lộc của các vương trở nên no ấm, phấn khích. Việc binh, việc lương đều dễ dàng, triều đình liền xuống chiếu cho cả nước cùng làm.

- Chuyện đó mọi người đều biết, đều đã làm cả rồi. Hôm nay có một chuyện khác bàn với ông. Tức là thế nước đang bị giặc uy hiếp mạnh lắm. Công tử vừa ở Bình Than về, nói tình hình nguy ngập, sớm tối giặc có thể tràn sang. Nay công tử thấy trách phận phải lập một đội tinh binh, tức là đội gia binh, phòng khi nước có giặc phải dùng đến như hồi phu quân ta còn sống. Còn đám dân binh, ông vẫn cho rèn tập đều đặn chứ?

- Dạ bẩm phu nhân, công tử nghĩ thế là phải. Nhưng không biết phu nhân và công tử định lập mấy đô tinh binh. Dạ bẩm phu nhân, số dân binh hiện có trong thái ấp nhà, nếu tính từ tiểu hoàng nam tới đại hoàng nam thì được mười lăm đô. Nếu tính gộp tới giáp tuổi long lão thì được hai quân. Phu nhân biết đấy, lập tinh binh là cực kỳ tốn kém. Phần phải nuôi quân tập luyện, phần phải mua sắm khí giới. Dạ bẩm phu nhân, nếu không có tinh binh thì không cản được quân giặc dữ. Dạ vâng, trong lúc này vừa phải luyện tập tinh binh, vừa phải luyện tập dân binh. Dân binh còn là nguồn bổ sung cho quân các đạo. Nếu không sẽ dùng vào việc đánh nhỏ tại các thôn ấp để kìm chân giặc, hoặc tiêu hao giặc trong các thời cơ thuận lợi.

( Một đô thời Trần = 80 người, một quân = 30 đô.

Qui chế con trai thời Trần: 18 tuổi gọi là tiểu hoàng nam, 20 tuổi trở lên gọi là đại hoàng nam. Long lão là đàn ông đã 60 tuổi, 70 tuổi gọi là đại long lão.)

Từ nãy Trần Quốc Toản vẫn ngồi nghe phu nhân bàn việc lớn với viên quản gia. Tuy không tham góp ý gì, nhưng trong đầu viên thiếu niên trí dũng này đã phác họa tới hai ba kế sách cho đội quân tương lai của chàng.

Nghe viên quản gia nói, phu nhân cũng thấy phân vân về việc tốn kém. Kể từ khi phu quân bà mất đi, mọi việc trong thái ấp đều phó mặc cho viên quản gia coi xét. Đám dân binh vẫn cứ luân phiên nhau đi luyện tập, ấy là lệ chung của triều đình. Vì Quốc Toản còn nhỏ, nên bà cũng không chiêu tập tinh binh. Nhưng bây giờ con bà đã là một trang thiếu niên dũng lược, biết lấy sự tồn vong của xã tắc làm trọng, nên dù có phải dốc hết sản nghiệp ra cho việc quân, việc nước bà cũng vui lòng. Điều bà băn khoăn là nếu cuộc chiến chưa xảy ra, phải nuôi đội quân ấy trong vài năm, ắt là rất tốn kém. Vậy thời số quân cần độ bao nhiêu cho vừa đủ tầm bao quát của công tử, và thái ấp của bà có sức cung dưỡng? Bà liền hỏi:

- Thế nước nguy khốn, không thể không lập tinh binh để kình chống giặc. Việc này ta giao cho ông và công tử lo liệu. Số người số của trong thái ấp của ta, có những gì ông biết cả. Vậy nên lập như thế nào, bao nhiêu quân, bao nhiêu võ khí, xe ngựa, ông phải tính cho khớp với số lương và số tiền hiện thái ấp ta đang có. Nói xong, phu nhân vẫy tay cho lui.

Trần Quốc Toản sung sướng quá, thiếu chút nữa chàng nhảy bổ lên mà reo như một đứa trẻ, như bản tính hồn nhiên của chàng. Chợt nhớ, mẫu thân vừa mới băn khoăn: "Mẹ chỉ

sợ con còn nhỏ tuổi quá mà đứng đầu ba quân, trước hết chưa đủ uy để sai khiến". Đầu óc mách bảo chàng phải tỏ ra là người lớn. Thế là chàng liền toa rập các bậc cao niên, mái đầu chàng hơi cúi, hai tay chắp lại với vẻ cung kính.

"Con xin đa tạ mẫu thân!". Lời nói của chàng vừa cầu kỳ, vừa kiểu cách với cử chỉ xa lạ khiến phu nhân cảm thấy khôi hài, suýt nữa bà bật lên thành tiếng cười.

Ba tháng sau, Trần Quốc Toản đã lập xong đội tinh binh gồm mười đô, tức tám trăm người. Đội quân ấy gồm sáu đô bộ binh, ba đô thủy binh, một đô dùng vào các việc như do thám, viễn thám, tuần sát, cảm tử và hầu hạ ở trung quân. Chàng tự phong cho mình là tiểu tướng quân và tấn phong lão quản gia Lê Như Hổ làm đô tổng quản dưới quyền chàng, lo liệu việc luyện binh. Chàng sai dựng trước trung quân một lá cờ bằng vóc đại hồng thêu sáu chữ vàng

"PHÁ CƯỜNG ĐỊCH, BÁO HOÀNG ÂN"

( Phá giặc mạnh, đền ơn vua.)

Mấy tháng đầu việc luyện quân rất chuệch choạc. Đô tổng quản giao việc trực tiếp xem xét tập tành của sĩ tốt cho các đô trưởng. Còn suốt ngày ông phải lo tập với tiểu tướng. Phải nói, Trần Quốc Toản dốc lòng rèn luyện để mình xứng đáng là một viên tướng võ nghệ cao cường. Chàng luyện tập khắc khổ đến không thương xót cả bản thân. Sau mỗi ngày tập như thế, người mệt mỏi rã rời, chàng nằm sấp xuống cho hai tên quân lấy những khúc gỗ lim vuông cạnh dần lên da thịt chàng. Chúng dần chàng đến tê buốt toàn thân, nhưng chưa một lần chàng hé miệng kêu rên, hoặc tự ý đứng dậy trước khi đô tổng quản truyền cho đám lính hầu ngừng tay. Ba tháng sau, chàng là một con người hoàn toàn khác. Tuy gương mặt chàng vẫn non choẹt, má vẫn còn lông tơ, nhưng chân tay da thịt đã cứng như thép. Chàng đi đứng hùng dũng, oai phong lẫm liệt.

Lê Như Hổ là người đàn ông đằm tính, ông đã ngoài năm chục tuổi. Cuộc đời ông gắn liền với thái ấp nhà Hoài Văn. Ông theo phụ thân Trần Quốc Toản từ độ tuổi thiếu niên. Ông là người chịu khó học hỏi, cả võ lẫn văn. Gọi là văn, chứ thực ra ông chỉ đủ chữ nghĩa để đọc sách. Riêng về võ thì ngay đến đám người Tống lưu vong vào loại siêu quần, cũng phải kiềng mặt ông. Chính vì thế, ông muốn truyền cho công tử, để mai đây chàng còn tỉ thí với đám tướng lĩnh nhà Nguyên. Nghe đâu Toa-đô, A-lí Hải-nha... đều là những danh tướng vừa mưu lược quỷ quyệt vừa sử trùy, đao vào loại thượng thặng. Các đường thương, đao của công tử đã điêu luyện. Nhưng côn, trùy, quyền, cước thì còn sơ hở lắm. Thật ra, những cái đó luyện mãi rồi cũng được. Song cái ông lo chính là giúp công tử kiên nhẫn luyện nội công. Nếu nội lực không thâm hậu, thì tất cả các môn học kia, chỉ có tác dụng như một loại người mãi võ, đi những đường quyền cho đẹp mắt thiên hạ để kiếm ăn. Cũng may công tử là người có chí khí anh hùng. Và tuổi chàng còn trẻ, sức đang lên, nếu biết hướng cả tâm thức vào sự luyện tập, vào việc nâng cao nội lực, thì chẳng mấy chốc chàng có cơ thành tựu. Về đường luyện tập của công tử thế là được. Tuy nhiên, hướng của cả đội quân thì chưa ổn. Công tử còn nặng về hình thức. Y hệt như người ta luyện cho đám binh sĩ chuyên dùng vào các việc lễ lạt, tế tự cốt sao đi đứng cho đẹp mắt. Giữa công tử và người lính cũng còn một khoảng cách khả xa. Lính sợ công tử mà chưa yêu công tử. Công tử cần họ như những con tốt trong một ván cờ, chứ chưa thương quí họ như tình ruột thịt. Thành thử họ tập ráo riết đấy mà vẫn như đám quân giấy. Đã hai ba lần ông định nói cho công tử đôi điều, nhưng chưa tiện. Vì công tử bẩm thụ tính tình cương cứng, nên tốt nhất phải chỉ ra cho công tử thấy những tấm gương. Qua đó, công tử rút lấy các việc cần thiết phải làm. Nghe nói Phạm Ngũ Lão là một tướng dạy quân vừa nghiêm cẩn, vừa yêu thương họ. Trong quân, ông có tình huynh đệ, tình phụ tử, nên quân của ông muôn người như một. Chính đức ông Trần Hưng Đạo đã hai ba phen khen Phạm Ngũ Lão, có cái đức và cả cái uy của người làm tướng. Ông đang cố thu xếp công việc để đi với công tử một chuyến thăm ấp An Sinh. Và cũng là để cho công tử hấp thụ lấy cái khí hạo nhiên của Hưng Đạo, và của các tướng thuộc hạ của Đại vương.

Nhận được thư phúc đáp của đức ông, Trần Quốc Toản bèn cho sửa soạn lên đường viếng thăm thái ấp An Sinh. Tháp tùng công tử có đô tổng quản Lê Như Hổ, và mười viên đô trưởng. Trước khi đến An Sinh, Trần Quốc Toản đã viết thư xin đức ông Trần Hưng Đạo cho phép chàng tới thăm thái ấp, để được đích thân xem xét các gia tướng của đức ông luyện binh.

Đọc xong thư, Hưng Đạo mỉm cười: "Cậu bé ở Bình Than đây! Hẳn cháu ta đang nuôi chí lớn? Đáng trọng thay nhân cách của gã thiếu niên này". Rồi đại vương thảo một lá thư lời lẽ rất chân tình. Cuối thư, ông nhắc: "Ta ngày đêm trông đợi cháu".

Hưng Đạo sững sờ khi vừa nhìn thấy Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Một câu hỏi chợt lóe lên ở trong đầu đức ông: "Cái gì đã làm cho gã thiếu niên này trở thành một chàng trai kiên nghị dường kia?". Ông lướt cặp mắt từ đầu tới chân Trần Quốc Toản và đánh giá sự trưởng thành của chàng. Ông nắm lấy cánh tay chàng lắc lắc:

- Vậy mà mới có nửa năm, từ ngày cháu tới Bình Than Hẳn là bây giờ không ai chê cháu là vị thành niên nữa rồi. Hiện thời cháu bao nhiêu tuổi? Trần Hưng Đạo hỏi.

- Dạ bẩm đại vương, cháu tuổi Bính dần (1266), Trần Quốc Toản đáp, vẻ mặt chàng tươi roi rói.

- Vậy là cháu ta mười bảy tuổi. Chỉ ít tháng nữa là cháu tới tuổi thành niên. Đại vương dẫn khách vào nhà. Phân ngôi chủ khách xong, vương nói:

- Ta nghe nói, cháu đã lập được đội tinh binh. Đang tập gấp lắm. Lại nghe nói cháu cho dựng một lá cờ thêu sáu chữ vàng, dân trong vùng mến mộ cháu lắm, phải không? Đúng là cháu tuổi nhỏ, chí lớn. Ta thật vui lòng được thấy cháu sớm bộc lộ tư cách của một kẻ trung quân ái quốc. Nào, bây giờ cháu hãy kể cho ta nghe trong quân cháu được bao nhiêu đô? Binh lực thủy bộ sắp xếp ra sao?

Trần Quốc Toản cứ thực trình bẩm lại lực lượng chàng đã có trong tay. Nghe xong, Hưng Đạo mỉm cười, ông vuốt ve chòm râu tới hai ba lần rồi mới cất giọng hỏi:

- Công việc hàng ngày của cháu thế nào? Cháu cứ kể lại các việc đã làm.

Trần Quốc Toản kể một cách say sưa về công việc của từng ngày, và cả mấy tháng qua chàng đã làm. Và những thành tựu về võ công mà chàng thu được.

Càng nghe Quốc Toản kể, gương mặt đại vương càng nghiêm lạnh. Ông lắc đầu:

- Hỏng! Hỏng! Cháu đã làm một việc trái khoáy. Thậm trái khoáy. Các việc cháu làm đó là công việc của một người lính. Mà cháu, trách phận chính là làm tướng. Nếu không, ai sẽ cầm đầu đám nghĩa binh của cháu.

Đại vương nghiêm giọng hỏi:

- Trong đám các ông phụ tá cho công tử đây, ai là đô tổng quản?

Lê Như Hổ đứng dậy chắp hai tay vái đại vương:

- Bẩm vương, kẻ hạ tiện này được công tử trao cho việc đó.

- Vậy ông đã có theo đòi trong quân từ hồi đánh Thát-đát năm Đinh tỵ?

- Bẩm đúng như thế - Lê Như Hổ xác nhận.

- Ai cho phép ông biến viên đại tướng thành một tên lính?

Trần Quốc Toản ngỡ ngàng, hết nhìn đại vương lại nhìn viên quản gia của mình, chàng lo lắng đến bồn chồn. Không hiểu viên quản gia phân giải thế nào với đại vương. Và  ông ta có bị khép tội gì không?

Lê Như Hổ sắc mặt không hề thay đổi. Ông ta bình tĩnh đến lạ lùng. Lại vòng tay như người thi lễ, mình cúi lom khom, ông ta đáp:

- Bẩm đại vương, công tử sớm mồ côi cha, được phu nhân săn sóc hết lòng. Chính vì thế mà công tử chưa từng trải việc đời, cũng như chưa biết mọi nỗi thống khổ của đám người cùng đinh dân dã. Ngay đến cảnh ngộ của từng người lính dưới quyền công tử, công tử cũng không hề biết, hoặc không cần biết đến. Giá như trong thời bình, công tử được rèn giũa ở quốc tử viện hoặc giảng võ đường, rồi cùng với năm tháng công tử sẽ thấu hiểu nhẽ đời. Nhưng bây giờ thì khác. Giặc đang rình rập ngoài biên ải, sớm tối chúng tràn vào lúc nào chưa rõ. Mà, tâu đại vương, việc đánh giặc là cực kỳ gian khổ, nó đòi hỏi mỗi người vừa phải có ý chí kiên cường, vừa phải có sức lực dẻo dai, có thể dầm dãi gió sương ngoài chiến trận. Vì thế, theo thiển nghĩ của kẻ hèn mọn này, trước khi công tử trở thành một vị tướng, công tử hãy nếm thử nỗi gian lao của người lính. Bẩm đại vương, có như thế công tử mới có nỗi cảm thông với binh sĩ dưới quyền, và vì thế mới yêu thương được họ, để họ tận tâm gắng sức vì công tử, vì nước.

Bẩm đại vương, nay công tử vừa trải qua nửa năm luyện rèn, sức vóc tăng, võ nghệ tinh tiến. Cho nên công tử không thể không qua cửa đại vương để học lấy những điều cần yếu của bậc làm tướng. Tâu đại vương, kẻ hèn mọn này tuy đọc sách có hiểu được đôi ba phần, khả dĩ có thể dẫn dụ cho công tử. Nhưng điều đó sao bằng đích thân chủ tớ chúng thần đến đây xin được đại vương dạy bảo. Rồi sau đó, được đứng vào hàng quân ít bữa để tướng quân Phạm Ngũ Lão và các tướng Yết Kiêu, Dã Tượng răn dạy cho trong thực hành. Bẩm đại vương, nếu các việc kẻ tôi tớ này hầu hạ công tử trở nên trái dạo, mà phải khép vào trọng tội, thì xin đại vương cho được chết ở chiến trường để lập chút công thừa cho vong hồn đỡ tủi.

Nghe viên đô tổng quản phúc trình các việc theo một ý đồ tốt đẹp, Trần Hưng Đạo lấy làm đẹp ý. Mắt vương long lanh chan hòa tình cảm. Khi y dứt lời, đại vương vội đỡ dậy, ôn tồn nói:

- Hóa ra ta không sát công tử bằng ông. Ta phải cám ơn ông lắm. Phải, việc rèn giũa con người cũng như uốn một cái cây Người ta sinh ra không phải để làm tướng, mà đó là một việc bất đắc dĩ. Kẻ thù buộc ta phải làm như vậy - Còn cháu, đại vương quay ra nói với Quốc Toản - phẩm chất cốt yếu của người làm tướng cần có, chưa phải là việc đánh thành, cướp lương của quân giặc. Các việc đó, một viên tướng tồi nhất cũng hiểu được, và đôi khi cũng làm được. Song, có một điều chính yếu mà giản dị vô cùng, ấy là việc phải thật lòng yêu thương sĩ tốt, và phải biết quí máu xương họ như máu xương cha mẹ anh em mình, như chính máu xương mình, thì chưa hẳn viên tướng nào cũng làm được đâu. Nhớ nhé, đại vương dằn giọng - Phải thật lòng yêu thương sĩ tốt và phải biết dè sẻn máu xương họ như máu xương của chính mình. Điều ta nói đây, cũng có nghĩa là điều căn cốt nhất của đạo làm tướng.

Trần Quốc Toản nhất nhất nghe theo lời răn dạy của đại vương.

Trong những ngày ở thái ấp An Sinh, công tử được đại vương săn sóc, dạy bảo chí tình. Quốc Toản cũng rất hợp với vương. Công tử vừa sáng dạ, vừa tỏ ra là người có chí khí anh hào, khiến vương càng mến, càng hết lòng truyền dạy cho những điều tâm phúc nhất.

Công tử được sắp vào đoàn quân của Phạm Ngũ Lão. Phạm tướng quân cử chàng giữ chức tiểu tướng quân, trông nom hẳn hai quân gồm một nửa quân bộ, một nửa quân kỵ. Các việc chàng làm đều theo sự chỉ dẫn của họ Phạm. Đôi khi có những nét dị biệt chàng đưa vào thế trận, khiến Phạm Ngũ Lão không những chấp nhận, mà còn coi như là một biểu hiện của một người có tài cầm quân kiệt xuất. Ví như có trận đánh tập giữa công tử với một viên tướng khác, mỗi bên đều có số quân như nhau, binh khí như nhau. Chiến trường là một thung lũng, hai bên dàn trận đánh, mục đích là làm thế nào bên này tiêu diệt hoặc đánh bật được bên kia ra khỏi trận địa, và làm chủ toàn bộ địa hình. Sau hiệu lệnh, hai bên đều cho quân nhất loạt xông lên. Suốt một giờ, không bên nào lấn được của bên nào một tấc đất. Bỗng có ba phát pháo hiệu nổ vang, rồi từ hai khe rừng hai tốp kỵ binh đổ ra chọc thẳng vào hai sườn của đối phương mà đánh, khiến cho quân kia rối loạn. Thoắt kỵ đội bên phải chạy vòng sang trái, kỵ đội bên trái chạy vòng sang phải bọc kín lấy quân đối phương bằng hai vòng tròn kỵ binh. Làm cho cả quân bộ, quân kỵ của đối phương trở tay không kịp. Vòng vây cứ mỗi lúc một thít lại nhỏ hơn, tới lúc đối phương phải kéo cờ trắng xin hàng. Trận ấy Quốc Toản thắng lớn. Và chính điều mới mẻ trong chiến thuật tiến công này của công tử đã làm Phạm Ngũ Lão phải kinh ngạc. Tướng quân thuật lại từ đầu đến cuối trận đánh với Hưng Đạo đại vương.

Đại vương cười nói - Điều này không có gì mới. Trong binh pháp gọi nó là thuật đánh vu hồi. Hơn một ngàn năm trước đây tướng La Mã đã tạo ra cách đánh này, và ông trở nên một danh tướng không có đối thủ. Nhưng với Quốc Toản thì lại khác. Đó là một sự sáng tạo song trùng chứ không phải sự bắt chước. Ta tin Quốc Toản sẽ trở thành một tướng tài kiệt hiệt, nếu như gã thiếu niên này để toàn tâm toàn ý vào việc quân, việc nước.

Ngày lại ngày trôi qua, Quốc Toản và đoàn tùy tùng ở ấp An Sinh đã được nửa tuần trăng. Tớ thầy đều nhất tâm để dạ vào các việc: từ rèn luyện quân sĩ đến thuật cầm quân, nuôi quân, khao thưởng và cả các hình thức trách phạt binh sĩ, các tội trạng, tội danh cùng biết bao chuyện khác, không để sót một điều gì.

Hết nửa tuần trăng, Quốc Toản ngỏ ý xin về thái ấp tiếp tục rèn luyện quân sĩ. Trần Hưng Đạo thuận cho, và mở tiệc khao thưởng công tử và đám tùy tùng, và cả các tướng đã có công rèn cặp Trần Quốc Toản. Rượu uống thả cửa, của ngon vật lạ của sông núi như ba ba, lươn, ếch, rùa, rắn, hươu, nai đều được các đầu bếp chế biến thành những món ăn lạ lùng. Các tướng đều nhiệt thành bày tỏ với Quốc Toản những điều tâm phúc nhất. Tiệc gần tan, Hưng Đạo vương ưu biệt nói với Hoài vương những điều nghiêm cẩn:

- Tới nay cháu thật sự là một người có đủ tư cách cầm quân. Phải nhận, cháu là một tướng trẻ nhưng có nhiều mưu lạ. Sắp tới, ta sẽ trình với hoàng thượng về một cuộc đại duyệt toàn quân để kiểm xét lực lượng. Cháu sẽ được triệu tới tham gia ngang hàng với các vương hầu khác, chứ không như ở Bình Than.

Nhân đây ta nói thật để cháu tiện lo liệu việc quân. Các tin tức đều cho biết Hốt-tất-liệt đang ráo riết trưng binh đánh Đại Việt. Nghe đâu y huy động tới năm chục vạn quân đánh ta. Hiện nay lương thảo, binh khí đang vận chuyển dần xuống các tỉnh phía nam Trung Quốc để dồn sang ta. Nếu lần này ta lại cự tuyệt các yêu sách của nhà Nguyên, chắc chắn Hốt-tất-liệt sẽ sớm tối động binh. Cuộc xâm lăng sắp tới của nhà Nguyên, sẽ là cuộc xâm lăng lớn nhất trong lịch sử dân tộc ta từ thời dựng nước. Cả dân tộc ta đang đứng trước một chọn lựa cực kỳ gay gắt: hoặc còn hoặc mất, hoặc độc lập tự chủ hay làm nô lệ tôi đòi cho giặc. Vậy thời, cháu phải làm thế nào truyền được cho binh sĩ lòng căm giận bè lũ Thát-đát không muốn cho dân ta sống yên lành, để mỗi người họ tự thấy cần phải làm gì trước thế nước đang nguy ngập. Cháu nên nhớ kỹ, việc nước là phải mọi người chung lo, chớ không phải chỉ có riêng đức vua và một dúm quan lại triều đình. Còn sức mạnh của quân ta có được, lại nhờ vào lòng dũng cảm chiến đấu của từng binh sĩ, chớ không phải chỉ ở nơi mấy vị tướng. Cho nên, đứng đầu thái ấp, cháu phải chăm lo đời sống cho dân và cả binh lính dưới quyền. Làm chu đáo hai việc đó, tự khắc trong quân cháu có sức mạnh không lường hết được đâu.

Đưa tiễn Trần Quốc Toản ra khỏi quân doanh chừng non một dặm, Trần Hưng Đạo băn khoăn như muốn căn dặn thêm điều gì đó với viên tướng trẻ mà ông giàu lòng yêu mến. Nhưng rồi ông lại ngập ngừng và đi tiếp. Cứ như là trong lòng ông đang day dứt vì một lẽ gì đó, nếu nói ra thì sẽ ân hận, mà không nói ra thì sẽ hối hận. Đi thêm chừng mươi sải ngựa nữa, ông níu tay cương Quốc Toản:

- Ta cho cháu vật này. Rồi ông móc trong ngực áo ra cuốn sách bìa đen gáy bọc đồng lá vàng au - Không phải ta không muốn cho cháu. Chỉ vì cháu còn trẻ tuổi quá, sợ không lĩnh hội được đầy đủ các điều ta viết trong sách. Ta gọi nó là "Vạn Kiếp tông bí truyền thư". Đây là các bí thuật của phép dùng binh. Cháu phải lấy cái tâm trong sáng, tức là khi đọc sách của ta phải minh tâm kiến tính. Chớ có hấp tấp bạ lúc nào đọc lúc ấy. Khi tâm thần bất định hay vì một tức giận nhất thời, tuyệt nhiên không được mở sách này. Các mưu thuật và bí thuật của ta, chỉ đem dùng vào việc đánh giặc giữ nước. Nếu đem lòng ngu tối tham bẩn mà dùng các mưu thuật của sách ta, trong việc tranh đoạt quyền lợi với người đồng tông, đồng bào thời tai ương không biết đâu mà lường. Nguy cơ tuyệt diệt là điều không thể tránh. Ta cũng dặn trước, nếu con cháu không có được cái tâm nhân bản, cũng không cho lưu giữ sách này. Về cháu thì ta yên tâm. Song cháu phải rèn sao cho lúc nào cũng giữ được cái tâm trong lặng. Tâm có trong lặng, xét đoán sự việc mới sáng suốt. Và đó là cái gốc của mọi sự thành tựu. Nói đoạn, đại vương trao cuốn sách vào tay cho Trần Quốc Toản, rồi ông quay ngoắt ngựa, phi nước đại. Quốc Toản sững sờ vừa vái, vừa nói theo: "Cháu đội ơn đại vương!".  Trở lại dinh, trao ngựa cho quân thả vào tầu, Trần Hưng Đạo đi thẳng vào thư phòng đóng chặt cửa lại như người chạy trốn. Ông nằm ngửa nhìn lên mái nhà, những đám kèo cột, đấu sen, chân quì, rui, mè sắp xếp dọc ngang làm ông hoa cả mắt. Lòng ông bồn chồn và nước mắt ứa ra. Như có một cái gì xót xa cứ bào cứa vào gan ruột ông. Nỗi cay đắng khiến ông không thể kìm nén được xúc động, ấy là lòng ông xót thương cho Trần Quốc Toản - một đứa trẻ mồ côi, bằng ấy tuổi đầu, nhẽ ra việc nó phải để tâm là ăn, học và kết bạn chơi bời sao cho thỏa thuê. Ấy thế mà nó phải tranh lo việc đánh giặc với các bậc huynh trưởng. Lòng ông réo sôi lên nỗi uất căm tên giặc già Hốt-tất-liệt: "Hỡi con sói già ác độc kia. Dưới móng vuốt của mày, hàng triệu sinh linh đã phải chết. Hàng trăm quốc gia nghiêng đổ thành trì. Mày gieo rắc tang tóc cho nhân loại Vì mày, người trẻ không có tuổi xuân, người già không được yên nghỉ. Ta thề, nếu không moi gan móc mắt màyra được thời ta cũng chặt hết vây cánh mày khi mày vác bộ mặt xâm lược vào đây. Mày đừng tưởng vó ngựa của mày là không giới hạn, mày là một hoàng đế của mọi hoàng đế. Hãy liệu hồn mày đấy!".

Phải nói, từ sau năm Đinh tỵ (1257), giặc Mông-Thát đã để lại trong lòng vị tướng trẻ thời ấy một nỗi đau nhức nhối. Rằng làm thế nào để trong tay có một nhân dân giàu có, và một đội quân đủ mạnh để đè bẹp các thế lực xâm lược ngoại bang. Chỉ tiếc ông không có đủ quyền lực để ban bố các đạo luật cần thiết có lợi cho người dân. Nhưng ông đã dốc gần như toàn bộ trí tuệ và sức lực, vào việc sáng tạo các mưu thuật công thủ đối với kẻ thù. Trong phần thuyết dẫn và cả thực hành, ông hết sức chú ý các sự kiện. Vì sao thành Điếu Ngư nhỏ làm vậy, mà quân Mông Cổ không hạ được? Lại vì sao mà một nước Đại Tống mênh mông là thế phải tiêu vong một cách nhục nhã? Đó không chỉ là những câu hỏi mà còn là những bài học của sự thành bại. Cái gọi là bí truyền trong binh pháp của ông nó nằm sờ sờ trước mắt mọi người, nhưng ít ai chịu hiểu. Mai đây ông sẽ khai triển nó trong chiến trận, nhất định còn lắm điều hay có thể thêm thắt nữa vào các chương mục.

( Điếu Ngư, một trái núi nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên có đắp thành ở đó, do Vương Công Kiên tướng của nhà Tống trấn giữ. Quân xâm lược Mông Cổ do Mông Kha (Anh trai Hốt-tất-liệt) đánh tới sáu tháng mà không hạ được, quân bị chết nhiều. Mông Kha phải rút.)

Lại nói về Quốc Toản từ khi trở lại thái ấp, chàng như người vừa lột xác. Nghĩa là chàng gần gũi chăm sóc mẹ hơn. Chàng lăn lộn cùng với đám quân sĩ, khi thì giảng giải cho họ về binh pháp. Khi thì đặt các tình huống giả định để họ tự tìm cách phải vượt thoát. Trong những ngày tập tành để đi vào trận đánh thử, chàng ăn chung ở lộn với họ. Chàng không nề hà các việc nặng nhọc. Chàng cùng ăn các thức ăn với họ. Khi luồn lách vào hang sâu bụi rậm, chàng cũng ăn gạo đồ phơi khô, uống nước bầu, nước ống. Vì liền vai sát cánh cùng với binh sĩ, nên chàng cảm thông với cảnh ngộ của từng người. Bởi vậy chàng càng thương quí họ hơn. Chàng ráng bắt chước những gì mà tướng quân Phạm Ngũ Lão đã làm với binh lính của ông. Chàng thấy ở Phạm tướng quân một tình cảm vừa thắm đượm vừa chan hòa, binh sĩ coi ông như một người anh cả. Chăm lo thăm hỏi họ như tình cảm của người chị đối với cả một đàn em. Có lần chàng thấy một người lính trong khi tập bị ngã ngựa rách da đầu gối. Mấy hôm sau vết thương sưng tấy lên. Phạm Ngũ Lão vào rừng tìm lá nấu nước rửa vết thương, rồi lấy mảnh chai cạo phoi cây ba ngạc đắp vào cho hút mủ. Thấy cử chỉ đáng kính đó, Quốc Toản bèn lân la hỏi:

- Thưa tướng quân! Tiểu sinh chưa trải việc đời, dám xin tướng quân chỉ bảo.

Phạm Ngũ Lão ngừng tay băng bó vết thương, nhìn Quốc Toản với nụ cười mỉm và nói như giục:

- Có điều gì xin công tử cứ nói. Chắc không làm vừa lòng công tử được. Nhưng thôi, cứ gắng xem sao.

- Thưa, cử chỉ của tướng quân gợi nhớ cảnh Tào Tháo ghé miệng hút mủ nhọt của một tên quân. Cử chỉ của tướng quân, tôi ghi nhận tướng quân làm với lòng yêu thương binh sĩ như tình huynh đệ. Nhưng tại sao hành động của Tào Tháo thì bị các sử gia chê là xảo trá. Tôi nghĩ lòng không yêu, khó mà làm được các việc nhơ bẩn ấy.

Phạm Ngũ Lão gật gật đầu, ông buộc xong vết thương cho người lính rồi cho anh ta về trại. Đoạn ông tiếp chuyện Quốc Toản:

- Về việc công tử hỏi, không có gì khó hiểu. Đối với người lính vừa rồi, tôi yêu thương họ thực sự. Là bởi chúng tôi một tình cảm chung, một kẻ thù chung. Còn Tào Tháo thì khác. Ông ta làm việc đó vì cái chí của ông ta chứ không phải vì cái tâm. Công tử nên nhớ, vì chí hướng riêng, người ta có thể làm đủ mọi việc từ cao thượng đến đê hèn. Tào Tháo hút mủ cho một tên lính, để rồi thu phục một trăm vạn quân dưới quyền ông ta, rằng ông ta là người nhân nghĩa. Cũng chỉ vì đa nghi, không cho ai đến gần lúc mình ngủ, cho nên Tào Tháo đã giết một người lính hầu cận, khi người này kéo chăn đắp cho y. Rồi y cho làm ma thật to, và vờ hối hận, y khóc rống lên rằng: "Ta ngủ mê". Cũng có mặt trong đám tang ấy, Dương Tu là người biết gan ruột Tào Tháo, nên ông khóc người lính kia: 'Khổ thân mày ngủ mê nên không biết, chứ thừa tướng có ngủ mê đâu'. Vì chuyện đó, sau này Tào Tháo giết Dương Tu bởi một lẽ rất vu vơ. Ấy, tâm địa của Tào Tháo là như vậy, nên các nhà viết sử đời sau đều chê Tào Tháo là gian hùng, xảo trá. Tuy nhiên, ông ta vẫn cứ là một danh tướng - một danh tướng tàn bạo, một chính trị gia kiệt xuất để nhiều sự tranh cãi nhất trong lịch sử.

Phải nói, trong nửa tuần trăng ở với Hưng Đạo đại vương và các tướng Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... đã để lại trong đầu óc Trần Quốc Toản biết bao gương sáng. Khi về thái ấp, công tử cũng thể hiện được tấm tình huynh đệ chi binh. Bởi vậy chàng rất được binh sĩ tin yêu. Họ ra sức luyện rèn, và những thành tựu thu được là điều đáng khích lệ. Ngay cả việc đó cũng làm cho phu nhân đẹp ý. Bà không những chỉ săn sóc Quốc Toản, mà còn săn sóc cho cả đoàn quân. Bà đã tự may thêu cho tất cả mười đô, mỗi đô một lá cờ hiệu, và con trai bà riêng một lá cờ có thêu ba chữ "HOÀI VĂN HẦU" cắm ở trung quân.

Viên đô tổng quản Lê Như Hổ lại khéo chọn từ mỗi đô một người bằng tuổi với Quốc Toản, và có dáng vóc hao hao như chàng. Các chú lính trạo nhi ấy, nói là để hầu hạ chủ tướng nhưng thực ra đô tổng quản đã luyện cho họ thành những tay võ nghệ cao cường, không thua kém chủ tướng là mấy. Họ luôn ở bên cạnh công tử, và lúc nào cũng có thể xả thân vì công tử, vì nước. Mười võ sĩ ấy được ăn vận giống nhau, binh khí giống nhau, cưỡi ngựa giống nhau đi lộn vào với Quốc Toản; nếu như Quốc Toản cũng mặc trang phục và cưỡi ngựa giống họ, hẳn khó ai phân biệt được công tử với đám quân cận vệ. Công tử đối đãi với họ như với bạn, như với lũ đàn em, ấy là ngoài lúc tập luyện. Còn như khi thi hành công vụ thì trên dưới rõ ràng, kỷ cương nghiêm chỉnh. Thật là một đội quân mạnh, trăm người như một, ngàn người như một. Công ấy trước hết thuộc về phu nhân, một bà mẹ nhân ái trung nghĩa, hết lòng vì nước. Công ấy còn thuộc về viên quản gia- viên đô tổng quản Lê Như Hổ, đã có công dìu dắt chủ tướng đi từ bước chập chững đến thành tài.

Và nữa là Trần Quốc Toản, một con người như được tạo ra từ khí thiêng sông núi. Nay chàng đã chững chạc là một vị tướng, đứng đầu một đội quân tám trăm người với sức mạnh hùm sói, sẵn sàng tử chiến với giặc dữ.