Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần

Chương 5

Docsach24.com

HÁNG NGÀY CÒN LÀM HỌC TRÒ xa nhà ở trọ, chỉ một lần tôi về quê ăn tết. Lần đó, vào năm một nghìn chín trăm năm mươi hai. Thấm thoát đã hai mươi năm! Hai mươi năm vồ pháo trong cuộc đời đầy đặc u buồn, ngộ nhận, tôi có thể đếm được những vết roi tàn nhẫn in hằn trên thân thể. Một thoáng suy nghĩ, không rõ lúc nào, tôi chợt nhận rằng, muốn xóa bỏ những vết thù hận, ta không thể nào sống cằn cỗi với hiện tại héo úa mà phải vuốt ve hồi tưởng cho nó đưa mình trở về dĩ vãng tươi non. Bằng một chuyến xe êm đềm. Chuyến xe “Con voi” bến Hà Nội – Thái Bình, chẳng hạn. Với riêng tôi.

Năm nay, Sài Gòn lạnh từ tháng một. Cái lạnh kéo dài bắt thèm yêu, thèm có người yêu khoác vai nhau đi trên con đường nhỏ khi chiều xuống. Tháng một lạnh cho hồi tưởng ươn ướt mưa xanh thương nhớ giăng kín một bến xe cuối tháng chạp. Tết ở đấy. Của đám nhân loại học trò tỉnh lỵ lên Hà Nội trọ học về quê ăn tết. Hai mươi bẩy là đã trễ, xe “Con Voi” của ông Lê Văn Định no khách học trò. Bến xe như một thế giới vừa nghe tin đình chiến dù chiến tranh đang tiếp diễn khốc liệt. Đoạn Phủ Lý – Nam Định hứa hẹn những trái mìn sắp nổ. Chổng gọng, dơ bốn bánh oán hận trời cao hay nằm nghiêng dưới ruộng là những xác xe ăn mìn. Xe chết vẫn nhớ đường dài. Đường thủy không nhiều dấu đe dọa nhưng tầu chạy trên sông Hồng chậm quá. Tưởng chừng nó không muốn tới bến bờ. Mà về tầu thủy phải ghé trọ Nam Định một đêm, sáng sớm đáp xe ra bến đò Tân Đệ sang sông rồi lại đáp xe về nhà phiền phức, kềnh càng. Chi bằng ta đi xe suốt. Tôi về quê ăn tết từ hôm hai mươi tám. Chần chừ mãi. Tiếc rẻ mãi. Bỏ Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai về với thị xã còn ngổn ngang tường xiêu mái đổ của một thời tiêu thổ kháng chiến. Ngồi trên xe, cách nhà ngót trăm cây số ngàn đã hình dung thấy cảnh tượng êm đềm buổi tối. Xâu tràng hạt biếu bà nội. Bà ngoại rụng hết răng rồi, biếu bà cái cối giã trầu mạ đồng vàng ửng, chắc bà mừng lắm. Còn vô số truyện cổ tích bằng thơ, đêm ba mươi đọc cho bà nội nghe để bà thuộc bà kể cho các cháu nhỏ của bà. Tượng Phật Bà Quan Âm biếu mẹ. Mẹ sẽ bầy ở bàn thờ. Cân lạp xường Đông Hưng Viên biếu bố. Bố sẽ khen con bố có hiếu. Đôi guốc cao gót cho em gái. Cuốn “Mấy vần tươi sáng” cho em trai. Em gái khua guốc giống hệt những đứa bé đi ăn cỗ, lấy phần gói lá đem về. Một nắm xôi gấc. Một miếng thịt mỡ. Chẳng là cái gì. Chỉ là niềm vui. Niềm vui phải san sẻ cho mọi người. Hà Nội vui không tả được. Đem chút ít hương vị Hà Nội về quê. Bánh mì nào có thiếu ở Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cà Mau. Nhưng lên Sài Gòn, phải mua về mấy ổ bánh mì. Thoạt nhìn thì ngớ ngẩn, buồn cười. Suy nghĩ mới cảm động, thấm thía. Hãy đến những bến xe cuối năm cận tết mà xem! Tết ở đó.

Người bạn rất thân không về kịp chuyến xe hăm tám, dặn dò: Nói với bố mẹ tôi, thể nào tôi cũng về. Anh ta đứng dưới cửa xe tự lúc xe chưa nổ máy tới lúc xe rời bến. Đôi mắt buồn thiu. Người bạn lỡ tiêu hết tiền, không có cân lạp xường biếu bố, không có học bạ trình mẹ. những người khác cũng vậy thôi. Hoặc ham mê phồn hoa, hoặc theo đuổi tình bạn, quên khói hương đoàn tụ quê nhà. Tội nghiệp họ, ngày đó, hai mươi năm cũ, ngồi trên xe hàng về quê ăn tết, tôi đã không hình dung thấy cảnh tượng êm đềm buổi tối. Năm hết tết đến, nhà trọ vắng vẻ, ở lại chán chết nên phải về quê. Thế thôi. Nếu tôi hiểu, cuộc đời như cuộc đời tôi đang sống, tôi đã về quê ăn tết, hàng năm, những ngày tháng tôi còn làm học trò xa nhà ở trọ. Niềm rung động chỉ thật sự đến với tôi khi tôi hồi tưởng những mảnh vụn vặt tầm thường đã thoáng qua đời mình. Kỷ niệm không màu mè. Như vàng không óng ánh. Cái gì óng ánh không phải là vàng. Cái gì mầu mè, thêu dệt không phải là kỷ niệm. Ta đã bắt gặp cơ man những hình ảnh tầm thường trong đời sống. Những hình ảnh chết của hiện tại. Những hình ảnh vụng dại và hèn mọn. Sẽ sống dậy ở một tương lai xa. Sống dậy huy hoàng, rực rỡ bằng hồi tưởng của ta. Và ta sẵn sàng mỉm nụ cười hay nhỏ một giọt nước mắt. Bằng hồi tưởng, ta dễ dàng xúc động, bao la khoan hồng. Thì ngay những vết roi tàn nhẫn đã quất nát đời ta, ta vẫn thừa chân thành cám ơn chúng nó. Bởi chúng nó dạy ta biết sống, dạy ta cách làm đẹp đời ta, dạy ta sống khác hẳn chúng nó. Những vết roi và kẻ thích quất roi chẳng bao giờ hồi tưởng. Hiện tại chúng nó là nhẩy múa trên đau khổ, tương lai chúng nó sẽ là cô độc như những con chó hoang nghe pháo tết chạy cụp đuôi sợ hãi thù hận tìm kiếm.

Cuộc đời là những nuối tiếc dài lê thê. Đến một tuổi nào đó, ta có thể đếm được từng nuối tiếc của mình. Riêng tôi, nuối tiếc đầu tiên là đã chỉ một lần về quê ăn tết tháng ngày làm học trò xa nhà ở trọ. Hồi tưởng bắt phát khóc. Năm sau, bến xe Hà Nội – Thái Bình y nguyên cảnh cũ. Mình tôi thay đổi. Tôi tiễn bạn về quê ăn tết từ hai mươi ba tháng chạp. Cũng đứng tự lúc xe chưa mở máy. Rồi xe rời bến, dặn dò: Nói giùm bố mẹ tôi, mai tôi về. Cuối năm, ngày ngắn cụt cỡn. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Hai mươi tám. Hai mươi chín. Ba mươi. Ta sẽ bắt chước Hàn Mặc Tử, ba mươi về nhà. Ta xuống xe ở ngã tư Vũ Tiên. Bố mẹ ta đón chuyến xe tất niên không thấy ta, buồn bã trở về. Tối mịt, ta gõ cửa. Hẳn bố mẹ ta, các em ta mừng mừng tủi tủi. Nhưng ta đã đánh lừa ngay cả chính ta. Phồn hoa dạy ta nói dối. Ta chạy theo cám dỗ mới, quên chất tình thương lên một chuyến xe tất niên và ta tự an ủi ta. Thế này. Thế nọ. Hồi tưởng mới thương mình đã làm vuột mất bao nhiêu kỷ niệm tươi son. Tết ở đấy. Tết với tôi, chỉ ở đấy, ở bến xe Hà Nội – Thái Bình tháng ngày còn làm học trò xa nhà ở trọ. Năm sau nữa, bước chân lãng tử đi quá xa, tôi không về quê ăn tết đã đành, không đến cả bến xe chiêm ngưỡng những người học trò xa nhà trọ học mang bóng bì, bóng thủ, tôm he, lạp xường, hương đen, lư đồng về quê ăn tết. Kể tự đó, tôi không biết tết ra sao. Tết phải trở về. Không có nơi trở về là không có tết. Tôi không thiết trở về ngày xưa và, bây giờ, thiết tha muôn vàn cũng đã thành nuối tiếc. Cuộc đời nhục nhằn từ lúc cậu học trò bước xuống cái tam cấp của lớp học, đi xa. Tôi đã đi xa. Mỗi năm một lần trốn tết.

Nhớ dạo phiêu bạt tận Nha Trang, kèm học đám con nít, tết nhất thẫn thờ chẳng hiểu nên về đâu. Bà chủ ân cần: Cậu ở lại ăn tết với các cháu. Dạ, tôi phải về. Về muộn cho mong đợi vàng ửng. Đêm ba mươi, xách hành lý ra ga, uể oải bước lên tàu. Chiếc tàu trống vắng. Lòng mình trống vắng, dựa lưng vào thành tàu, ngủ một giấc. Xuân sang lúc nào chả hay. Chỉ nghe bánh sắt nghiến trên đường rầy. Bỗng hồi tưởng chiếc xe “Con voi” hai mươi năm cũ. Ôi, không có nhà tìm về ăn tết, buồn bao nhiêu! Sáng bừng mắt dậy, con tàu đã nằm im ở ga Sài Gòn. Không có mái nhà tìm về, đành ngày chụi vào rạp chiếu bóng Long Thuận, đêm ngủ ở hiên ga, gối đầu trên hành lý, chọn vì sao xa nhất lung linh mà tưởng quê nhà đang đón tết. Tháng giêng không ngon. Tháng giêng đắng chát. Cặp môi không gần. Cặp môi rất xa. Cái tầm thường năm xưa là cái thèm khát hôm nay. Đời lỡ trớn. Dĩ vãng thiếu hụt. Hiện tại ngắc ngoải. Tương lai chết tốt. Đó là đời tôi ăn tết xa nhà dưới hiên ga xe lửa Sài Gòn, trong rạp chiếu bóng thường trực Long Thuận. Ra giêng – mới dăm bữa về quê – trở lại Nha Trang. Bà chủ hỏi: Cậu ăn tết vui chứ? Bắt đầu học thói khinh bạc: Thưa nhân gian toàn lũ mắt trắng, vui với ai!

Không được làm học trò xa nhà trọ học về quê ăn tết, không gợn một chút rung động xem thiên hạ đón xuân, tôi biết lòng tôi đã chết. Đã đi xa khó thể trở về. Đã vuột thả khó thể níu kéo. Xuân Diệu nói đúng. Trời đất còn, ta không còn. Bởi vì tuổi trẻ của ta không có hai lần xanh thắm trong cuộc đời ưu phiền khốn khó. Rốt cuộc, ta lại đi tìm ta đã mất. Rốt cuộc, ta lại nương nhờ hồi tưởng mà tìm kiếm chút ít xao xuyến bứt rời. Bến xe xưa đã nhạt nhòa. Chuyến xe xưa đã chìm khuất. Ngọn đèn xum họp cuối năm đã tắt lụn. Niên thiếu của tôi đã kết trái sầu. Tết nhất là bóng đêm ướt sương lạnh. Tôi thật sự không có tết nữa. Thật sự không còn náo nức mong đợi mùa xuân. Người bạn trẻ của tôi ơi! Người bạn trẻ đang làm học trò xa nhà trọ học của tôi ơi! Năm nay bạn về quê ăn tết nhé! Tôi mường tượng bạn ngồi trên xe tính nhẩm niềm vui. Hãy về quê ăn tết đều đều. Cho tôi theo với. Bằng giọt nước mắt hồi tưởng.

(Tháng Chạp năm tuổi tôi)