Pan141 là một vị thần trong đoàn tùy tùng của thần Rượu nho-Dionysos. Cha của Pan là vị thần Hermès, người truyền lệnh không hề chậm trễ của các vị thần Olympe. Mẹ của Pan là tiên nữ Dryope. Khi sinh ra Pan, thấy hình thù của con quái gở: đầu có sừng như sừng dê, chân cong và dài, có lông, có móng, râu ria xồm xoàm, lại thêm cái đuôi nữa, nên Dryope sợ hãi quá, vứt con bỏ chạy. Nhưng Hermès, ngược lại, rất vui mừng vì có một đứa con trai. Thần bế ngay lấy con và đưa lên đỉnh Olympe để nhờ các vị thần nuôi nấng dậy dỗ. Thấy Pan tướng mạo dị kỳ, thân hình kỳ khôi như thế, các vị thần đều bật cười, không một vị thần nào là nhịn được cười, tất cả, tất tất cả các vị thần đều cười, cười ngặt nghẽo, cười như nắc nẻ, vì thế cậu con trai của Hermès mới được các vị thần đặt cho cái tên “Pan” nghĩa là “tất cả”. Sống một thời gian trên thế giới Olympe rồi sau đó Pan xuống trần sống ở núi rừng, đồng cỏ. Thần bảo vệ cho đàn gia súc của những người mục đồng, tính mạng cho những người đi săn, làm cho tổ ong của những người nuôi ong đông con, nhiều đàn lắm mật. Tuy thân hình có vẻ khó coi và dữ tợn nhưng Pan tính tình vui vẻ, cởi mở. Thần sống tha thẩn trong các khu rừng, bình thường xem ra trầm lắng song khi vui thì “bốc” đến nổ trời, vì thế mới được Dionysos tuyển mộ vào đoàn tùy tùng của mình và kết bạn với những Satyre, Bacchantes, Silène. Pan khi vui “bốc”, “say” như thế nào thì khi giận dữ, cáu kỉnh cũng “nảy lửa” đến mức như vậy, nhất là khi những ham muốn tình dục của phần con vật, con dê trong Pan nổi lên thì Pan gây cho các tiên nữ Nymphe một sự kinh hoàng, hãi hùng khôn tả, và đó là do Pan đã bị thần Tình yêu-Éros có đôi cánh vàng bắn những mũi tên xuyên thấu trái tim.
Thần Pan vĩ đại chết rồi! Là một điển tích bắt nguồn từ một câu chuyện của Plutarque142. Theo truyện thì dưới triều hoàng đế La Mã Tibère (42 TCN - 37), một hôm một con thuyền La Mã đang đi từ Péloponnèse sang đất Ý bỗng có tiếng người nói với người lái thuyền, cầu xin người lái thuyền kêu lên: “Thần Pan vĩ đại chết rồi!” Người lái thuyền băn khoăn do dự hồi lâu nhưng rồi cuối cùng làm theo lời thỉnh cầu đó. Khi người lái thuyền vừa nói dứt câu: “Thần Pan vĩ đại chết rồi!” thì tức thời khắp nơi bỗng vang lên tiếng khóc than thảm thiết. Con thuyền về đến đất Ý. Sự kiện lạ lùng kể trên được tường trình ngay với hoàng đế Tibère. Hoàng đế ra lệnh, công bố ngay cho toàn dân được biết. Và từ đó nảy ra nhiều cách giải thích khác nhau. Khoa thần học Thiên Chúa giáo coi câu chuyện trên đây của Plutarque như là lời tiên báo sự kết thúc của đa thần giáo cổ đại, ngẫu tượng giáo cổ đại để thay thế bằng Thiên Chúa giáo. Sau này câu nói trên còn mang một ý nghĩa rộng hơn. Nó chỉ cái chết của một nhân vật kiệt xuất, sự chấm hết một giai đoạn, một thời đại, một thời kỳ lịch sử.