Attique (tiếng Hy Lạp: Attike, Attili) là một vùng đồng bằng ở miền Trung Hy Lạp. Thuở xa xưa, nơi đây còn hoang vắng, làng thưa, dân ít, chưa vị thần nào chú ý đến mảnh đất nhỏ hẹp này. Lúc đó cai quản Attique là một vị vua tên là Cécrops. Nữ thần Đất mẹ của muôn loài Gaia vĩ đại, đã sinh ra Cécrops, một vị thần nửa người nửa rồng. Cécrops lấy Aglauros sinh được một trai và ba gái. Năm tháng trôi đi, vùng đồng bằng Attique cũng theo năm tháng mỗi ngày một thay đổi. Cảnh vật nom đầy đặn, ấm áp hơn, vui mắt hơn. Cécrops bèn chia vùng đồng bằng Attique thành mười hai tiểu khu, trong số đó tiểu khu Athènes là trú phú, sầm uất hơn cả (thật ra lúc này nó chưa có tên là Athènes). Thấy một vùng đất giàu có, đẹp đẽ chưa có vị thần nào cai quản, nữ thần Athéna liền đến bày tỏ nguyện vọng được cai quản vùng đồng bằng Attique và bảo trợ cho tiểu khu Athènes. Nhưng vừa lúc Athéna bày tỏ nguyện vọng xong thì thần Poséidon cũng từ dưới biển lên xin yết kiến nhà vua Cécrops để thỉnh cầu nhà vua cho được cai quản vùng Attique và... nghĩa là cũng giống như nguyện vọng của Athéna. Tình hình thật khó xử. Hai vị thần bèn giao ước với nhau, mỗi vị sẽ tùy theo tài năng của mình ban cho Athènes một tặng vật. Tặng vật nào được coi là quý giá hơn hết thì người chủ của nó sẽ giành được quyền cai quản và bảo trợ.
Nhà vua Cécrops làm trọng tài phán quyết việc hơn thua trong cuộc tranh giành này. Poséidon lên tiếng trước. Thần nói:
- Ta sẽ ban cho đô thành trên ngọn đồi cao đây của nhà vua một tặng vật hiếm có trên đời này. Ta chắc rằng khó mà nhà vua tìm được một vị thần nào có thể ban cho nhà vua một thứ gì quý báu hơn.
Poséidon nói, đoạn xoay cây đinh ba lại và giáng một nhát vào vách đá. Vách đá nứt ra. Một tia nước mặn từ kẽ nứt của đá vọt ra, xối chảy, chảy ngày càng mạnh và tuôn vào một cái giếng sâu thẳm. Cécrops vô cùng kinh ngạc trước sự mầu nhiệm của cây đinh ba thần thánh của vị thần cai quản mọi biển khơi. Đến lượt nữ thần Athéna. Nàng nói:
- Ta sẽ ban cho con dân của đất Attique một tặng vật vô cùng thân thiết với đời sống. Nó có thể đem lại cho mảnh đất này sự hòa bình và thịnh vượng đời đời.
Nói xong nữ thần Athéna cầm ngọn lao dài phóng mạnh xuống mặt đất. Khi nữ thần rút ngọn lao lên thì kỳ lạ thay, từ kẽ nứt của mặt đất mọc lên một chiếc cây. Chiếc cây cứ lớn lên vùn vụt, tỏa cành, đâm lá xum xuê. Rồi từ những cành lá xum xuê đó mọc ra những quả nho nhỏ thon thon. Đó là cây olive, một cây mà tuổi thọ có thể tới một ngàn năm. Còn quả olive chứa chất dầu rất quý104.
Cécrops đến lượt mình lên tiếng phán quyết. Nhà vua coi tặng phẩm của nữ thần Athéna là quý báu hơn cả. Từ đó Athéna là vị nữ thần bảo hộ cho vùng đồng bằng Attique và tiểu khu Athènes. Có chuyện kể, không phải Cécrops đóng vai trò người phán định cuộc tranh giành miền Attique giữa hai vị thần Athéna và Poséidon mà là hội nghị các vị thần Olympe. Có chuyện kể chính những người dân Athènes đóng vai trò quyết định. Họ được chứng kiến tài năng thần kỳ của các vị thần trong cuộc đua tài và sau đó họ bỏ phiếu cho Athéna. Số phiếu của Athéna hơn Poséidon một, do đó Athéna thắng cuộc. Người ta còn kể tặng vật của Poséidon không phải là một mạch nước mặn chảy ra từ vách đá, mà là một con ngựa...
Thua cuộc, Poséidon tức giận nhà vua Cécrops và con dân của đất Attique vô cùng. Và đối với các vị thần một khi đã tức giận là phải có sự trừng phạt tiếp theo. Poséidon lại dùng cây đinh ba thần thánh của mình giáng xuống một vùng đất đồng bằng Attique khiến cho vùng này sụt thấp hẳn xuống và biến thành một vùng đầm lầy nước mặn rộng mênh mông, chẳng thể nào trồng trọt được.
Athéna thắng lợi trong cuộc tranh giành quyền bảo hộ cho đất Attique. Chính từ đây mới ra đời cái tên “Athènes” (tiếng Hy Lạp: Athênai, Athina) với ý nghĩa là đô thị được nữ thần Athéna bảo hộ hoặc đô thị của nữ thần Athéna. Còn cành olive trở thành một biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng105, hoặc sự hiểu biết sáng suốt.
Nói về Cécrops, sinh được một trai là Érysichthon và ba gái là Aglauros, Hersé và Pandrosos. Để ghi nhớ công ơn của nữ thần Athéna, nhà vua cho xây đền thờ nữ thần mang tên là Cécropia106 và đặt ra các nghi lễ tập tục thờ cúng các vị thần thay cho những nghi lễ và tập tục cũ phải giết người để hiến tế thần linh. Cécrops còn đặt ra luật pháp và truyền dạy cho nhân dân chữ viết... làm cho đời sống của nhân dân vùng đồng bằng Attique ngày càng văn minh hơn, giàu có hơn. Cécrops làm vua được bao lâu và có truyền ngôi lại cho con cháu trải qua mấy đời như tục lệ thường thấy không, chúng ta không thấy chuyện xưa kể lại rành rõ. Nhưng truyền thuyết xưa cho ta biết người kế tục sự nghiệp của Cécrops cai quản vùng đồng bằng Attique và đô thị Athènes là nhà vua Érichthonios107. Érichthonios là con của thần Thợ rèn-Héphaïstos và nữ thần Đất-Gaia, có người nói chàng là con của Héphaïstos và nữ thần Athéna nhưng lại được sinh ra từ đất. Một hôm nữ thần Athéna trao cho ba người con gái của nhà vua Cécrops một cái vại (có chuyện kể một cái giành) đậy kín và căn dặn phải giữ gìn cẩn thận và cấm ngặt không được mở ra xem. Nhưng thói tò mò mà vốn là cái “tiền oan nghiệp chướng” từ người đàn bà đầu tiên của thế gian, Pandore truyền lại, cho nên ba người con gái của Cécrops không sao mà áp chế nổi cái thói tò mò đang bật dậy trong trái tim họ. Họ đã mở cái vại ra xem. Ôi chao! Khủng khiếp quá! Khủng khiếp hết chỗ nói! Trong vại có một đứa bé nằm, nằm lọt thỏm giữa một lũ rắn đệm, dát ở xung quanh. Ba người con gái của Cécrops chỉ kịp thét lên một tiếng rồi ôm đầu chạy. Họ đã hóa điên vì sợ hãi. Có thể nữ thần Athéna làm cho họ mất trí vì họ đã không tuân theo lời căn dặn của thần. Và cả ba người con gái của Cécrops đâm đầu từ trên ngọn núi Acropole108 xuống, kết liễu cuộc đời. Đứa bé trong cái vại đó chính là Érichthonios. Nữ thần Athéna đưa chú bé vào trong đền và nuôi dạy chú thành một chàng trai tài giỏi, xứng đáng là con cháu của các vị thần. Érichthonios thừa kế sự nghiệp của Cécrops, cai quản vùng đồng bằng Attique và đô thị Athènes. Nhà vua đặt ra nghi lễ thờ cúng nữ thần Athéna và đặt ra Hội Panathénées109, xây đền thờ nữ thần Athéna và Poséidon đặt tên là Erechthéion. Nhà vua cũng là người sáng tạo ra chiếc xe tứ mã110. Do “dây mơ, rễ má” của chuyện những người con gái của Cécrops với Athéna nên nữ thần Athéna thường có những định ngữ kèm theo như Athéna Aglauros, Athéna Pandrosos.
Hội Panathénées lúc đầu chỉ mở ở tiểu khu Athènes, giới hạn trong những công xã ở địa phương này. Sau dần nó trở thành ngày hội của toàn thể nhân dân vùng đồng bằng Attique. Lúc đầu hội được mở mỗi năm một lần vào những ngày cuối của tháng tám (tháng Hécatombe), đến thời Pisistrate111 mở bốn năm một lần và mở vào trước Hội Olympiques một năm gọi là Hội lớn Panathénées. Cũng như các Hội Olympiques và Hội Pithiques, trong những ngày Hội Panathénées người Hy Lạp tổ chức thi đấu võ nghệ, thể dục, thể thao. Từ thời Pisistrate đưa thêm các môn thi đọc thơ (kể chuyện thơ) cho các nghệ nhân dân gian rhapsode đến thời Périclès112 đưa thêm vào môn thi ca hát và biểu diễn âm nhạc. Những người chiếm giải trong cuộc thi được tặng thưởng một vòng hoa olive và một chiếc bình đựng dầu olive, thứ dầu thiêng liêng là tặng vật của nữ thần Athéna ban cho con dân Hy Lạp. Tục lệ ấy ngày nay còn lưu giữ lại trong sinh hoạt thi đấu thể dục thể thao của chúng ta. Giải thưởng cho những cá nhân và tập thể thắng cuộc thường là một chiếc bình, lọ dáng thon thả, thanh thoát có hai quai như chiếc bình đựng dầu olive của người Hy Lạp xưa kia113.