(Bản đồ Trung châu Bắc Bộ)
Trước khi muốn đặt thần trở lại ngai, ta phải xoá cái xác thân lịch sử của thần đã được dựng lên. Và đây là trường hợp một bộ phận thần sông nước quan trọng trong thời kì chống đối các quan đô hộ phương Bắc đến đầu thế kỉ VII, mở đầu với việc hình thành hệ thống chính quyền trung ương Vạn Xuân của Lí Bôn/Bí (541 – 547), và đã theo thời gian trở thành những nhân vật quan trọng ảnh hưởng đến lịch sử nước Việt.
H. Maspéro trong khi nghiên cứu về nhà Tiền Lí đã không công nhận Triệu Việt Vương – Triệu Quang Phục là một nhân vật lịch sử,(18) tuy truyện ông vua này có chép trong VĐULT (“Triệu Việt Vương – Lí Nam Đế”) và ở LNCQ (“Đầm Nhất Dạ”), và nhất là có mặt ở Toàn thư nguyên cả một kỉ – phần cốt yếu lấy ở hai sách trên. Ông Hoàng Xuân Hãn(19) thì tuy có tìm cách giải thích bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư...” là của Lí Thường Kiệt, nhưng thuật lại truyện Trương Hống, Trương Hát y như ở VĐULT với một cách thức khiến ta tin rằng ông cũng muốn coi tình vua tôi của Triệu Quang Phục và hai anh em người kia là thực, nghĩa là Triệu Quang Phục có thật. Ông Lê Hữu Mục trong bản dịch VĐULT (trang 156) cho rằng “ xem sự ưu đãi của Lí Bôn đối với Triệu Túc và sự ganh ghét của Lí Phật Tử đối với Triệu Quang Phục, ta khó lòng phủ nhận Triệu Quang Phục là một nhân vật lịch sử”. Tuy nhiên ông lại xoay chiều mà không giải thích lí do, ở LNCQ (trang 54, chú l): “Truyện Triệu Quang Phục khó lòng là một truyện có thực. Có lẽ là... do óc tưởng tượng của nhà văn sáng tạo ra”. Các sử gia chính thống bây giờ thì không đặt vấn đề gì nữa, chỉ còn có việc thêm vào sử cũ những thần tích đời sau, và đi tìm các vết tích còn lại có nhắc đến trong truyện xưa để củng cố thêm tin tưởng mà thôi.(20)
Điều phải nói đầu tiên là dấu hiệu thêm thắt của các tài liệu càng về sau càng nổi lên rõ rệt. VĐULT không đặt mối liên quan giữa Triệu Túc và Triệu Quang Phục mà chỉ ghi ông sau là “bộ tướng” của Lí Bôn như Lí Phật Tử, một nhân vật lịch sử sẽ kéo Triệu Quang Phục từ thần thuyết ra lịch sử, và ngược lại bị nhân vật này lôi vào thần thuyết. Chi tiết Triệu Quang Phục là con Triệu Túc, thái phó của Lí Bôn, là từ dã sử do Toàn thư đem vào, không thấy ở VĐULT, một tập họp thần phổ của triều đình Lí Trần, giữ được các sự kiện hẳn là xưa hơn các dã sử thời Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên hay những sử quan tiếp nối.
VĐULT không phải là một quyển sử – dù có lúc dẫn Sử kí của Đỗ Thiện – nhưng vẫn là một tài liệu sử, hiểu theo nghĩa một chứng tích mà ta có, được ghi chép về những sự kiện thông qua tâm thức của những người sống trên vùng Việt cổ, ít ra là đến nửa đầu thế kỉ XIV. Và VĐULT dù thường dẫn sách này nọ, lúc đến truyện Triệu Quang Phục đã đi ngay vào chuyện như là kẻ đầu tiên thu thập thần tích, hẳn đã được cô đọng từ các lần phong 1285, 1288. Thần không phải là dấu hiệu xấu để ta dựa vào mà bác bỏ nhân vật lịch sử tàng ẩn trong đó, nhưng ngược lại cũng không vì thế mà thần nào cũng phải là nhân vật lịch sử dù nghe kể họ có “công” chống Lương, Nam Hán, Tống... Nhiệm vụ chống xâm lăng phương Bắc là nhiệm vụ của người trần mời gọi họ theo tâm thức đương thời, để họ có tác động đến lịch sử. Từ các sự kiện đó, các thần tự bồi đắp thêm bản thân tạo thành các hình ảnh khác về sau – ở các nhân vật ta sắp nói tới đây, là những hình ảnh nhân hoá, khác với hình ảnh khởi đầu của họ, của các nhiên thần.
Ông Nguyễn Văn Huyên trong khi nghiên cứu về thành hoàng Lí Phục Man làng Yên Sở có làm bản kê các thần được thờ (gọi là) thuộc nhà Tiền Lí (giữa thế kỉ VI), và đề nghị làm một cuộc điều tra rộng rãi về các nhân vật này, về các huyền thoại trong dân gian bao quanh họ trong suốt thời gian từ bấy đến nay, xem thử ai được thờ cúng cùng lúc với ai và mối liên quan cúng tế của thần này với thần kia như thế nào... Công việc đó hình như ông đã thực hiện được nhiều theo tin tức từ Trường VĐBC(21), tiếc rằng ngoài các nghiên cứu ngắn, về phần đời sống tâm linh, trước năm 1945, chúng ta chỉ thấy xuất hiện nghiên cứu về đạo tu tiên (1944), về văn minh Việt Nam nói chung, và sau đó thì đứt đoạn vì phải ràng buộc với chức vụ trong chính phủ VNDCCH. Nhưng biết đâu đó chẳng là cái may cho ông?
Tuy nhiên khi điều tra về thần Lí Phục Man, ông không dừng lại ở hai làng Yên Sở, Đắc Sở mà lập thêm một bản đồ ghi rõ sự phân bố của “các thần Tiền Lí” trên vùng trung châu sông Hồng. Tuy các địa điểm nêu ra chưa được điều tra theo hướng xuất hiện theo thời gian (hàm ý trong đề nghị của ông) nhưng việc sắp xếp chúng trên bản đồ, diện không gian thu nhỏ, khiến ta có thể “đọc” được nhiều điều mà sách vở dàn trải không cho thấy, đọc được sâu cả vào trong thời gian.
Lí Phật Tử, nhân vật có đối chứng lịch sử, được thờ xúm xít phía bắc thành Cổ Loa có thể giải thích có lẽ vì ông đóng đô ở Cổ Loa, và khi làm thần không thể chiếm vị trí có sẵn của người trước: An Dương Vương. Đáng chú ý là đền thờ được gọi là chính của ông thì lại ở Quán Xá, gần phía biển, bên sông Trà Lí (Thái Bình). Còn số lượng lớn các đền thờ Triệu Quang Phục đều “ở miền dưới” (Nguyễn Văn Huyên): Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Toàn thư có một ghi nhận đối chiếu có ý nghĩa: “[Lí Phật Tử] sợ [Lưu Phương] xin hàng, bị đưa về Bắc rồi chết. Dân làm đền thờ ở cửa biển Tiểu Nha [cửa Càn] để đối với đền thờ Triệu Việt Vương [ở cửa Đại Nha – cửa Đáy, phía bắc Tiểu Nha].
Lí Phật Tử hàng trên đất liền, chết ở Trung Quốc, chẳng thấy nước biển là gì, thế mà lại được thờ ở một cửa biển thờ cá voi, đền thờ mang ý nghĩa biển như của Triệu Quang Phục: Rõ ràng Lí Phật Tử được thờ ở biển là vì Triệu Quang Phục, nói cách khác, người ta thờ Lí Phật Tử – Triệu Quang Phục là theo khía cạnh xúc cảm gợi nên vì truyền thuyết hơn là đi theo sử kiện được ghi. Còn vấn đề tại sao đền thờ chính ngày nay của Lí Phật Tử lại ở phía bắc chứ không phải ở phía nam đền Triệu Quang Phục như VĐULT ghi mà Toàn thư chép theo, thì lại nằm trong đề nghị không thực hiện được của ông Nguyễn Văn Huyên, nghĩa là cần tìm hiểu thêm.
Trở lại Triệu Quang Phục. Ông Nguyễn Văn Huyên cho biết đền thờ chính của Triệu Quang Phục nằm ở Độc Bộ, giao lưu của sông Đáy và sông Nam Bình nối với sông Hồng ngang qua thành phố Nam Định. Nếu ta lưu ý rằng vùng biển phía nam châu thổ được bồi đắp nhanh hơn các nơi khác – một phần vùng Thái Bình được quai đê lấn biển vào đầu thế kỉ XV (Trần Quốc Kiệt), và phần sông Đáy, sông Lạc Giang có hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải được khai khẩn hồi nửa đầu thế kỉ XIX với Nguyễn Công Trứ – thì địa điểm Độc Bộ vào thế kỉ XIII, XIV quả là gần biển hơn bây giờ nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là cửa Đại Nha (cửa Đáy) lúc đó ở sâu vào trong đất liền (ngày nay), gần Độc Bộ hơn bây giờ. Đền Độc Bộ có thể là đền xưa nhất, nơi bây giờ còn giữ lại ngôi đền xây vào thế kỉ XVI theo sự điều tra của Trường VĐBC năm 1928. Theo thói quen “trùng tu” của người xưa, kiểu xây cất lại trên nền cũ, thì Độc Bộ cũng có thể là vị trí của đền nguyên thuỷ, nơi thờ cúng, tấn phong mà VĐULT nhắc lại ở truyện tích.
Triệu Quang Phục được coi là lập thân từ (đầm) Dạ Trạch – cái tên không có trong VĐULT mà chỉ được hiểu qua danh hiệu Dạ Trạch Vương, tôn hiệu được giải thích từ việc ông đánh du kích ban đêm. Thế rồi qua LNCQ có đầm Nhất Dạ của Chử Đồng Tử (làm phép một đêm biến từ bãi hoang trở thành nơi đô hội), Triệu Quang Phục và đầm Dạ của ông được ghép vào đấy, gán ghép hơi bất ngờ, có vẻ chỉ vì hai nơi có chung một chữ dạ. Nhưng việc ghép Triệu Quang Phục vào với Chử Đồng Tử khiến cho câu chuyện thêm nhiều tình tiết để người sau từ chỉ dẫn địa điểm mơ hồ “phía bắc quận Châu Diên” (VĐULT) lần hồi dựa vào tên bãi Tự Nhiên, bãi Man Trù, để tìm ra một vùng Hồng ngày nay có bãi (tên nôm) Màn Trò giữa sông để chỉ đó là nơi đánh quân Trần Bá Tiên, Dương Sằn ngày xưa, khiến cho nhân vật Triệu Quang Phục trở thành có tính lịch sử không thể nào chối cãi được..
Nhưng lối ghép truyện tích như của LNCQ như thế hẳn là chỉ thích hợp với lối kể chuyện đời xưa chứ không có tính thuyết phục khoa học. Rốt lại chỉ nên giữ lại địa điểm gắn liền với danh vị Triệu Quang Phục là một cái đầm, một vùng lầy lội, tối tăm, có hơi hướng biển nặng nề để truyện thêm vào con rồng vàng (tướng tinh của “Hoàng đế” Triệu) ẩn nấp nơi đó. Vẫn theo VĐULT, sau khi bị Lí Phật Tử đánh bại, Triệu Quang Phục bỏ thành Long Biên chạy về nam, “đến châu phủ...” tạm nghỉ, gọi rồng đến giúp, giết Cảo Nương rồi biến vào biển: Nơi căn bản của Triệu Quang Phục là vùng sông nước. Trong chuyện chia đất với Lí Phật Tử, Triệu Quang Phục cũng chiếm đất phía đông trên hai bờ sông Hồng, dấu vết đầm lầy, sông nước của nhân vật được gọi là Triệu Quang Phục cũng hiện rõ.
Tất cả bên dưới truyện tích không cho ta thấy dấu vết “người” nào của Triệu Quang Phục cả. Mối liên hệ với Lí Bôn giải thích theo tương quan tâm thức đương thời sẽ cho ta thấy dấu hiệu mất tính người của Triệu Quang Phục lịch sử. Ông là thần sông nước, hơn thế nữa, là thần của một cửa biển dữ dội: cửa Đại Ác mà Lí Thái Tông muốn dùng tính chất ma thuật của ngôn ngữ để trấn át nên cho đổi lại là Đại An (1044), nhưng thực tế còn sờ sờ, tin tưởng cũ không dễ gì xoá bỏ, nên Lê Tắc rời nước năm 1285 vẫn còn giữ tên Đại Ác là chính, Đại An là phụ.(22) Đại Ác và Tiểu Ác là các cửa biển chiến lược phía nam, lần đầu tiên vào thời độc lập, quân Chiêm theo Ngô Nhật Khánh về trả thù bị bão đánh chìm thuyền hết (979) và năm 1377, lại cũng một đoàn viễn chinh của quân Chiêm đắm ở cửa Đại Ác trong thời kì uy vũ của Chế Bồng Nga lên cao. Lần phong thần đầu tiên của Trần (1285) cũng cho ta thêm một bằng chứng nữa. Trần đã cho Hai Bà Trưng tước Phu nhân (ngang với Mị Ê), Phùng Hưng tước Vương, nhưng phong Hống Hát là Đại Vương và Triệu Quang Phục và Lí Phật Tử (ăn-theo) là Đế. Vùng sông nước mà họ Trần lập nghiệp hẳn có ảnh hưởng đến sự xưng tụng cao cấp này.
Thần cửa Đại Ác là thần lớn, so với các thần sông nhỏ hơn thì tất là giữ địa vị chủ tể, do đó, mối liên hệ khắng khít với Trương Hống, Trương Hát ở vùng sông Cầu, sông Thương với Triệu Quang Phục theo nghĩa bầy tôi và vua chúa thật là dễ hiểu. Chắc chắn là bởi mối tình vua tôi này mà ông vua có được một số đền phía bắc sông Đuống gần với hai anh em người bề tôi. Nhưng trước hết, ta phải chứng minh tính chất thần của hai người này. Và cũng thấy ở đây bề dày văn hoá từ thần thiên nhiên đến thần nhân hoá chan hoà nhau trong tích truyện.
Truyện tích của VĐULT mãi về sau mới kết tập nên mới có câu chuyện cảm động về lòng trung trinh của hai anh em Hống Hát với Triệu Việt Vương có nhuốm màu Xuân Thu - Chiến Quốc. Nhóm thần này có thể được quy tụ vào thời Tiền Lí, nhưng truyện thì có thể kết thành vào thế kỉ X với đầu mối Nam Tấn Vương (951 – 965) Ngô Xương Văn đánh Lí Huy ở vùng Phù Lan, Hưng Yên ngày nay.(23)
Đất Phù Lan vào năm 991 được phong cho con thứ 6 của Lê Hoàn là Ngự Bắc Vương – tước phong chứng tỏ vị trí chiến lược đối ngoại của vùng đất, và có lẽ cũng vì thế mà ở đây đã xảy ra chiến trận giành ngôi quan trọng khi Lê Hoàn chết (1005). Đất Phù Lan, cho rằng thuộc vùng Hưng Yên ngày nay, hẳn còn mở rộng về phía đông bắc đến vùng thượng lưu sông Thái Bình, vì theo diễn tiến truyện tích còn chỉ vùng hợp lưu của các sông Cầu, sông Thương, cả vùng thường được gọi là sông Lục Đầu, nghĩa là có tính thêm cửa sông Đuống và nơi bắt đầu của sông Kinh Thầy ra cửa Bạch Đằng: một vùng chiến lược của người cũng là vùng của thần linh sông nước.
Tước Đô Hộ Quốc Thần Vương của Nam Tấn Vương phong cho anh em Hống Hát có giá trị bằng chứng trùng bội cho chính bản thân thần tích và của lịch sử Việt Nam nói chung. Nhờ đó, chúng ta sẽ nhìn ra đồng thời tính chất khả hữu của truyện tích và quốc danh vào thời nhà Ngô.
Ta biết vào thời Bắc thuộc, đây là phủ Đô Hộ An Nam. Từ năm 968, nước độc lập có tên là Đại Cồ Việt, nhưng danh xưng phủ Đô Hộ vẫn còn sử dụng để chỉ vùng châu thổ đến thế kỉ XIII theo ghi chép còn lại của chính sử, và đến thế kỉ XV, nhân vật nhà Minh còn nhắc đến tấm biển đề “An Nam Đô Hộ Phủ...” trên lầu chuông dành để khiếu nại.(24) Khoảng từ 939, Ngô Quyền xưng vương, không thấy nói tới quốc hiệu, nhưng danh xưng Đô hộ mất tính chất “phủ” phải trở thành “nước” bởi vì đã có “vua”. Như thế, qua tước phong trên, ta ngờ rằng người ta đã dùng chữ nước Đô Hộ để gọi toàn thể thành phần thuộc địa phương Nam của Trung Quốc lúc bấy giờ đã thoát li chính quốc và trở thành tự chủ, độc lập. Và ngược lại, cái tên hơi kì quái mà thuận chiều lịch sử đó đã chứng tỏ rằng đoạn truyện tích nói trên là có thật, rằng tập đoàn trung ương lúc bấy giờ đã sử dụng các thần có tiếng ở các địa phương vào cuộc tranh chấp quyền bính đương thời. Và lẽ dĩ nhiên thần được nâng cấp vẫn còn dáng cũ.
Đây là hai thần sông mà qua câu chuyện báo mộng, họ cho biết Thượng Đế đã phong cho cả hai anh em, không phân biệt, chức Than hà long quân phó sứ, hiệu là Tuần Giang Đô Phó Sứ. Dùng chữ Thượng Đế có nghĩa là đẩy lùi sự kiện về lúc khởi thuỷ, xét từ bản chất của Thần: Thần là thác trên sông (than hà), hiện diện dọc theo (tuần giang) sông Thương (Vũ Bình, Nam Bình), sông Cầu (Lạng Giang). Nhận định như thế, ta có được giải thích về nguồn gốc tên của Thần: Hống và Hát, tiếng nước réo trên thác, trên sông, một đe doạ, một quyến rũ (mà cũng hàm chứa sự lôi cuốn nguy hiểm), đầy đủ quyền uy và hấp dẫn của siêu nhiên.
Ta còn có thể đi xa hơn nữa trong chi tiết về nguồn gốc của Thần: Thần lúc đầu chỉ có một mà mang hai dạng, và là thần của vùng hợp lưu làm nên sông Thái Bình chứ không phải của hai sông phụ. Cổ địa lí cho biết ngày xưa, sông Hồng còn chia nước cho lưu vực sông Thái Bình bằng sông Thiếp / Ngũ Huyện Khê đổ vào sông Cầu, và bằng sông Đuống mà thời bấy giờ là nhánh chính của sông Hồng nối đến sông Thái Bình.(25)
Cũng vùng này lại liên lạc với đường nước danh tiếng nhất lịch sử: sông Bạch Đằng. Tính chất địa lí lịch sử đó đã làm nên thần thiêng từ một ông thần vô danh nào đó. Việc phân hai của Thần trên vùng nước dữ này bắt đầu trong lối nói ẩn dụ của VĐULT: “Ông anh dẫn quân đi từ... đến, ông em...” Tuy nhiên tính chất nhị vị nhất thể của Thần vẫn tồn tại rất lâu: Sau chuyện cả hai anh em đồng loạt báo mộng cho vua Ngô, Lí Thường Kiệt vẫn chỉ cầu có một đền, và chuyện vua Trần phong (1285, 1288) cũng chỉ nói đến một đền, của ông anh, không kể gì đến ông em cả. Điều này khá khó hiểu với người nhìn thần tích như một tự thân vĩnh cữu mà không chịu nhận tác động của bên ngoài làm thay đổi thần tích. Ngay từ khi xây dựng nền độc lập với cuộc sống phức tạp hơn, và khi các đường nước phía đông bắc thành Thăng Long phải chịu đựng ngày càng nhiều những cuộc xâm lăng từ phương Bắc, thì vị thế của Thần do đó càng cao và sự tách biệt càng rõ trong sự đồng nhất ấy: Sông Cầu dữ dội (được tiếp nước sông Hồng như đã nói) nên có ông anh (Hống) làm Đại Đương Giang Thần Vương, và sông Thương dòng chảy yếu hơn phải có thần chịu làm em, để chia nhau giữ nước.
Tuy nhiên trong khi thần Hống của sông Cầu làm người ta e sợ thì tên Hát của thần sông Thương lại đi vào lòng dân chúng để sau này đẻ ra câu chuyện Trương Chi, ảnh hưởng chắc từ các tiểu thuyết diễm tình của Minh Thanh:
Ngày xưa có anh Trương Chi,
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay.
Mị Nương ở chốn lầu Tây,
Con quan thừa tướng ngày rầy ngóng trông...
Cũng có thể nhân tiện tìm nguồn gốc họ Trương của Thần. Sức mạnh thiên nhiên có công phù trợ nhà nước như thế, đã được nhân thần hoá thì phải mang họ của người, và tất nhiên phải là họ tôn quý. Chúng tôi chưa hiểu vì sao họ Trương lại là tôn quý lúc bấy giờ, chỉ biết sự tôn quý qua một bằng chứng của thế kỉ XII: Mùa đông tháng 11 âm lịch (1128), Thái uý Lê Bá Ngọc, người được Nhân Tông vời đến khi hấp hối, được trấn giữ cung điện đề phòng phản loạn, vì Thần Tông, con nuôi Nhân Tông, lên ngôi, con người nắm trong tay vận mệnh của dòng họ đương quyền như thế, được phong chức thái sư và được đổi làm họ Trương.
Hơn một thế kỉ sau lần được Ngô Xương Văn phong tặng, hai thần lại được nổi danh vì cuộc xâm lăng của quân Tống (1076 – 1077) với bài thơ truyền tụng “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Hẳn đây cũng là một bằng chứng về sinh hoạt đồng cốt trong đền, phản ảnh ý thức tự chủ cao độ của tập đoàn cư dân sông Hồng tích trữ qua năm tháng, và cụ thể hơn, là áp lực tinh thần từ lực lượng quân tướng Đại Việt của Lí Thường Kiệt đang hiện diện ở đấy.
Như thế cũng là đủ để ta nhận rằng anh em Trương Hống, Trương Hát là thần sông nhân hoá để từ đó, ngược lại, vì mối liên hệ “vua tôi” với Triệu Quang Phục qua thần tích mà ta có thêm bằng cớ rằng ông “vua” này cũng là nhiên thần.
Tất nhiên là mọi vấn đề ngược dòng lịch sử không phải đã được giải quyết hết. Tên Quang Phục chỉ phát sinh khi nhân vật huyền thoại đã biến thành nhân vật lịch sử với công tích được cho là đánh thắng quân Lương, giết tướng Dương Sằn, “quang phục” đất nước. Sự việc VĐULT nói Triệu Quang Phục chiếm thành Long Biên, quản trị cả hai xứ Lộc Loa (Cổ Loa?) và Vũ Ninh, xưng Nam Việt Quốc Vương khiến ta ngờ rằng ông đã được ghép vào một dòng Nam Việt Vương khác: họ Triệu của thế kỉ III và II tCn. Lê Tắc(26) cho biết, theo tục truyền, dưới chân núi Vũ Ninh có mộ Triệu Việt Vương, tuy nhiên chúng ta ngày nay thật khó tìm biết để biện biệt xem đó là ông vua Triệu nào, vì đế hiệu của Triệu Đà cũng chỉ là tự xưng, không được nhà Hán công nhận. Nhưng điều đó cũng chỉ ra tính cách mù mờ lẫn lộn có thể có giữa hai ông vua Triệu. Chứng cớ là ngày nay Bắc Ninh và Nam Định, mỗi nơi đều có hai đền Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương: Ông vua lịch sử kéo ông vua thần thuyết lên vùng Vũ Ninh, nơi biên giới tranh chấp của Triệu (lịch sử) – Thục, và ông vua thần thuyết kéo ông vua lịch sử xuống vùng đầm lầy sông nước.
Mối liên hệ trước, sau còn rõ ở câu chuyện truyền kì về nguyên nhân mất nước. Ngoài sự kiện dấu vết lông ngỗng trùng lặp ở cả hai nơi, có sự giống nhau gần hoàn toàn của hai truyện Trọng Thuỷ – Mị Châu và Nhã Lang – Cảo Nương, là bằng cớ về việc ông thần mang danh tính, tước hiệu của ông Triệu lịch sử. Còn lúc nào có sự nối kết đó lại là vấn đề phải tìm hiểu thêm.
Truyện Trọng Thuỷ Mị Châu xưa hơn. Hình ảnh thần sông còn dấu vết thô sơ, công cuộc xây thành còn đầy chi tiết ma thuật, tên Mị Châu như đã nói, mang tính cách tông tộc, bộ lạc... Trong khi đó, Cảo Nương (cô gái tươi đẹp), Nhã Lang (chàng trai chính đính, mẫu mực) mang tên Hán hoá nhiều hơn, và con rồng vàng đến giúp cũng chứa nội dung Hán đầy đủ hơn là con rùa (móng rồng gắn trên mũ đâu mâu chứ không để làm nỏ)... nghĩa là toàn bộ câu chuyện móng rồng đã được kết thành sau câu chuyện cái nỏ.
Chúng ta lại cũng thấy trong tập họp thần Tiền Lí có một ông thần sông khác: thần Lí Phục Man, trên đường nước phía tây châu thổ (sông Đáy).
Sử gia ngày nay cố sức chứng minh thành hoàng các làng Yên Sở, Đắc Sở là Phạm Tu, tướng của Lí Bí, dựa thêm vào phụ lục thần tích ghi ở VĐULT, chứng minh tuy không xong mà vẫn muốn ghép thành nhân vật lịch sử.(27) Nguyễn Văn Huyên dựa vào chữ “phục man” và vị trí của đền thờ trong khung cảnh đất nước mà cho rằng đây là một anh hùng địa phương có công chống giữ vùng giáp ranh rừng núi, sau được thờ làm thần. Các luận cứ trên cho thấy những người chủ trương đã chịu ảnh hưởng quan niệm thông thường của Nho Giáo, cho rằng phúc thần chủ yếu là nhân thần, những người có công giúp dân, sau khi phục vụ vua ở cõi trần, lúc chết đi lại tiếp tục làm việc ấy trên cõi thiêng.
Thực ra, cũng như với trường hợp Trương Hống, Trương Hát, ở đây ta gặp một nhiên thần về sau được nhân hoá. Truyện của VĐULT dẫn Đỗ Thiện, bắt đầu từ Lí Thái Tổ (1009 – 1028) nhưng như thế cũng là vừa đủ. Ta hãy nghe ông thần sông Sở Bộ Đầu kể thành tích với ông vua mới: Theo Khâu Hoà, Thái thú Giao Châu (cuối Tuỳ đầu Đường), đánh quân Nịnh Trường Chân trên đường biển vào,(28) theo chính quyền thuộc địa thắng quân Đại Thực – Ba Tư khoảng 762 – 779 ở cửa Thần Thạch (Thần Phù?), phá quân Côn Lôn – Đồ Bà (các đảo phương nam) khoảng 780 – 804, giúp Cao Biền đánh Nam Chiếu (865 – 866), giúp Ngô Quyền đánh Nam Hán (938), chặn Tống (981). Tất cả đều là chuyện trên đường thuỷ, ngay cả Cao Biền đánh Nam Chiếu cũng vào phủ Đô Hộ bằng đường thuỷ và nổi danh với việc đào kênh biển được ghép với công việc làm sấm sét để hoàn thành công trình. Cả cử chỉ cúng lễ của Lí Thái Tổ cũng có ý nghĩa chứng minh: Ông rót rượu đổ xuống sông mà vái, tức là ông biết rằng ông đang vái một thần sông.
Có thể phỏng đoán rằng thần sông Đáy nơi vùng ngày nay có đình thờ chính ở tập họp Yên Sở – Đắc Sở đã trở nên quan trọng hơn khi Tống Bình – La Thành trở thành thủ phủ của thuộc địa An Nam. Thượng lưu sông Đáy đóng vai trò chiến luỹ phía tây bảo vệ những cuộc lấn chiếm từ vùng núi xuống, nơi có con đường “thượng đạo”, tuyến đường duy nhất còn dấu vết sử dụng ở thế kỉ X (Lê Hoàn) từ La Thành đi Thanh Hoá và ngược lại, ngang qua sông.(29) Và vị thần nói trên được chính quyền cầu cúng, kêu gọi giúp đỡ, trở thành tướng Phục Man, mang họ Lí không phải chỉ của dòng vua mới mà còn vì đó là chỉ danh tông tộc phiếm chỉ của chính quyền Trung Quốc gọi dân thuộc địa phía nam (Lí – Lái – Lão).
Vậy là cho đến lúc VĐULT được tập thành (1329), trong các thần sông nước có ông Triệu Quang Phục được thành vua, với các tướng kia phụ tá theo suốt thời gian lưu truyền của tập họp này. Ngô Sĩ Liên đưa Triệu Quang Phục vào sử (1479), có chính danh cho ông cũng còn ghi lại là “theo dã sử” và để các tướng kia vào vị trí của truyền thuyết. Thế mà đến giữa thế kỉ XX trở đi, với phong trào giành độc lập lên cao và một tầng lớp học giả, sử gia được đào tạo trong một tinh thần dân tộc quá khích, tất cả lại trở thành nhân vật lịch sử khó chối cãi, không chút gì dính dáng đến thần thánh để phải nghi ngờ cả. Tuy nhiên mặt khác, sự tôn vinh các “nhân vật lịch sử” này lại có kết quả bất ngờ, là cứu vớt được các ông thần này cùng đền đài trú ẩn của các ông khỏi bị tàn phá, nếu đứng trong quan điểm “khoa học” duy vật lịch sử coi đó là tàn tích phong kiến, lạc hậu phải xoá bỏ, tận diệt.
Những lời lẽ văn hoa của các quan chức, nho sĩ ghi lại về sau tuy còn cho ta nhận được tông tích ẩn giấu của các thần đã kể, nhưng lại không đủ cho ta biết chi li chân tướng họ vào lúc phát sinh, không cho ta biết quan niệm của người dân – có thể gọi là tín đồ – vào khoảng thời gian ấy bộc lộ như thế nào đối với họ. Thuộc tính của nhân thần trong truyện tích có nhiều điều hấp dẫn hơn, đã che lấp thuộc tính nhiên thần khởi thuỷ của họ. Nhưng dù sao thì từ địa vị của các thần lớn đã bàn, ta thấy được sự quan trọng của các thần vùng sông nước ở khắp lãnh thổ. Chúng ta không rõ trước khi các thần đó được Hán hoá dưới các tên: long quân, hà bá... thì họ đã được gọi là gì. Có lẽ chỉ giản dị với những tên: thần nước, thần sông, thần đầm lầy, tinh ma dưới nước...với lờ mờ một bộ mặt người, chứ không đường bệ, oai nghiêm như khi họ hiện ra báo mộng cho các ông thái thú, ông quan, ông vua.
Dấu vết thiên nhiên của thời đại còn nhiều nên đã có những con vật ở nước trở thành thần nước. Rùa thần sẽ có một đại biểu chui vào chuyện xây thành Cổ Loa. Những con rắn hoặc còn nguyên vẹn dạng rắn với một vài điểm dị hình, hoặc biến thành cái tên truyền kì “con giải”, “con thuồng luồng” có tác động nhiều nhất vào mối tin tưởng của người dân. Có con mãng xà làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho đền Mục Thận, đền Lí Đô uý – vốn chỉ là một con ma da (kẻ chết đuối) thành thần ở cửa sông Thiên Mạc này, nghĩa là một nhiên thần, gần gũi với rắn hơn là với người. Có con rắn được người nuôi tự trong trứng, biết trả ơn, giúp mùa màng tốt đẹp ở bãi Kim Bài (?) như Lê Tắc cho biết.(30)
Nhiều tác giả cho rằng con rồng trong truyền thuyết (được coi là sản phẩm văn hoá Hán) có gốc là con cá sấu.(31) Ông Trần Kinh Hoà sử dụng riêng biệt ngôn ngữ học để chứng minh chữ “giao” (long) và “ngạc” (cá sấu) cũng đều là biến thái của chữ ghi nhận tiếng kêu của con cá sấu.(32) Về phương diện khảo cổ học, chúng ta gặp hình dạng cá sấu hơi uốn mình nhưng khó lầm lẫn được trên thạp đồng Đào Thịnh, còn trên một lưỡi rìu xéo thì cái đầu, mõm cá sấu còn rõ nhưng cặp chân trước đã dài ra, có vuốt, và thân mình thì cuộn tròn dẻo như thân rắn. Có thể tìm thấy hình dạng trung gian như thế nữa trên hộ tâm phiến Ninh Bình.(33) Chúng ta có thể nghĩ rằng khi đã vào truyền kì thì cá sấu hoặc rắn không thể giữ được hình dáng bình thường, cho nên rắn thần thường phải có cái mào trên đầu, và thuồng luồng, giao long phải thành một hình tượng tách biệt, dù có nhập vào rồng Trung Quốc cũng còn bản sắc riêng của một dấu vết pha trộn: con rồng-rắn của Lí với tên kinh đô Thăng Long mang niềm hãnh diện lâu dài của các triều đại Đại Việt.
Sự thờ cúng thần sông nước thể hiện trong một lễ hội có dấu vết vào đầu những năm 20 của thế kỉ IX, ở ngay những người bản xứ thuộc tầng lớp trên.(34) Phạm Đình Chi, người được kể chuyện cùng với Đỗ Anh Sách – làm An Nam Phó đô hộ thời Đường Đức Tông (780 – 804) – “thường hay tắm gội lâu chẳng về” bị Kinh lược sứ Bùi Hành Lập cảnh cáo nhiều lần vẫn không tuân nên bị đánh chết. Tục tắm gội như thế rõ là một thứ nghi lễ tôn giáo cổ của người Việt liên quan đến sông nước. Tục đua thuyền là một nghi thức hội lễ nông nghiệp chung khắp vùng Đông Nam Á, tồn tại mãi tới bây giờ,(35) nơi này, nơi khác được giải thích theo với các sự kiện lịch sử xảy ra về sau.
Lễ đua thuyền nhắm vào ước vọng cầu được mùa, cho nên ta không lấy làm lạ khi thấy trên các trống đồng Đông Sơn, cùng với thuyền bè, các dấu vết sông nước khác, những con cá sấu, giao long mà ta đã chỉ là thần sông nước, được thể hiện bằng từng cặp một dính liền, đối xứng nhau mang ý nghĩa tính giao, không cần cụ thể hoá như các cặp người trên thạp đồng Đào Thịnh. Các hình tượng như thế cũng thấy trên một số đồ đồng khác, có khi được giản lược hoá thành nét hoa văn như trên hộ tâm phiến Ninh Bình, Thiệu Dương. Chính vì thế nên thần sông Đằng Châu làm mưa làm tạnh, bảo vệ mùa màng cho dân trong vùng, còn thần Lí Phục Man thì không dừng lại ở bến sông mà được coi như “trấn thủ” hai xứ Đỗ Động, Đường Lâm, giữ yên hai nơi này.
Lại cũng như các thần cây đá, các thần sông nước hình như cũng được hiến tế bằng mạng người. Hiểu hình tượng trên trống đồng như E. Porée-Maspéro, rằng đây là một lễ hội mừng nước thì ta suy hợp lí rằng các cảnh hành hình trên các trống đồng xưa nhất (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ) là bằng chứng hiến tế thần sông nước. Gần ta hơn, Lê Quý Đôn kể chuyện vua Lí đau mắt được thần báo mộng chỉ phép chữa lành bằng cách xem “người nào đến chỗ bến sông này, hỏi xem thích gì thì ban cho đầy đủ rồi quẳng xuống sông...” Chuyện này còn truyền đến bây giờ(36) rõ ràng đã có hơi hướng phong thuỷ xen vào. Những dấu vết muộn hơn vẫn nằm trong tục truyền, đặt vào các triều đại sau (Trần, Hậu Lê), nếu là sự thực cũng là kết tụ của hồi ức xa xưa về việc hiến tế thần sông nước khi sự phát triển của xứ sở đã chuyển hoạt động ra đến ngoài biển cả ngàn khơi hợp với tình hình tiếp xúc mới.