Tên Đàng Trong (cũng như Đàng Ngoài) hẳn chỉ ra đời sau cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn đã thành hình, tuy nhiên vì khả năng liên lạc giữa hai vùng Nam – Bắc yếu kém so với chiều dài lãnh thổ chiếm được nên chúa Nguyễn chính là kẻ đã mang ý chí riêng biệt ra khai thác thêm tính chất phân li tiềm tàng. Tất nhiên ta cũng biết rằng từ thế kỉ XI, nhà Lí đã hai lần vào đến Chà Bàn/Vijaya, nhưng đó chỉ là khả năng của chiến binh, của lực lượng toàn bộ Đại Việt tập trung trong những cuộc đột kích đánh phá, cướp của bắt người chứ không phải là những cuộc tiến quân chiếm đóng. Cho mãi đến đòn quyết định của Lê Thánh Tông 1471.
Sự suy yếu của chủ quyền Chiêm Thành làm trống quyền lực ở những khu vực ngoại biên kề cận Đại Việt, dọn chỗ cho những người dân xiêu lạc vì thiên tai, vì trốn tránh áp bức, pháp luật tuông ra đi tìm cơ sở mới. Phương tiện di chuyển không phải là những đôi chân mà là những chiếc thuyền nếu ta nhớ đến các dãy núi đâm ngang ra biển – Hoành Sơn, Hải Vân, Đại Lãnh.
Chúng ta không có tài liệu về các thuyền đi dọc biển Đông của người Việt tuy hình người búi tóc trên vách hành lang ngoài cửa đền Bayon đã được đoán định là bạn thuyền Việt được Chàm mướn,(1) và khả năng của những người ấy được chứng thực trong các chuyến ra những quần đảo, hồi các thế kỉ XVII, XVIII. Chúng ta cũng thấy các giáo sĩ lúc đó đến đất này, choáng ngợp với thuyền chiến của các chúa, nhưng ở đây chúng ta chỉ lưu ý đến phương tiện vận chuyển trên biển của những người dân thường, dù là giàu có. Do vậy, ta chú ý đến chiếc ghe bầu được nói nhiều ở phần đất phía Nam trong các câu chuyện di chuyển, chiếc ghe đã từng là thành phần cốt cán của thuỷ quân Tây Sơn vào nửa sau thế kỉ XVIII và còn được sử dụng gần đây, trước 1945. Thuyền sườn gỗ, có buồm, được đóng cho Tây Sơn thì có thể chở được cả voi, nhưng trong khả năng dân dụng thì rõ ràng không đủ với yêu cầu nối liền Nam – Bắc.
Dò theo các tài liệu gia phả rải rác và các truyền thuyết, ta thấy người dân đi về nam theo từng bước “cóc nhảy” vài trăm cây số với giai đoạn ngưng nghỉ lập nghiệp. Những người trên vùng cổ Đại Việt đổ vào Bình Trị Thiên. Những người ở đây đổ vào khu vực Nam Trung Bộ, ở phần cuối lại không lấn vào đất mà chỉ như một bến ngưng nghỉ, chứng cớ nơi cửa Duồng (Yuôn: Việt) ở Bình Thuận. Bên trong còn tập họp Chàm đông đúc với một chủ quyền lay lắt nhưng đủ để đẩy người dân thường bỏ qua mà tiến lên đất Đồng Nai rồi lại tấp vào dọc biển Kampuchia. Dòng họ Nguyễn Thông tránh loạn Tây Sơn vào Gia Định cuối thế kỉ XVIII. Còn Bà Rịa mà địa danh có lẽ lấy từ danh xưng thần Po Riyak cũng được cho là của một bà tên Rịa từ Phú Yên / Bình Định đi vào đó lập nghiệp. Truyền thuyết được củng cố thêm với xây cất kỉ niệm của Trường Viễn Đông Bác Cổ nhưng rõ là phản ảnh hồi ức của những đợt di dân của nơi xuất phát và nơi đến.
Như thế, chúa Nguyễn khi nắm chính quyền Đàng Trong đã đóng vai trò quan trọng của một trạm chuyển tiếp đưa người tiến đến đồng bằng Đồng Nai, Cửu Long cũng như sự trung hưng của họ đã nâng cao Gia Định thành một trung tâm nữa của người Việt trên phần đất họ đến vào thế kỉ XVII. Với một chính quyền Việt đặt ở Thuận Hoá, người Việt thêm ưu thế áp đảo đối với các tập đoàn dân tộc yếu ớt trên vùng Chàm, Angkor hùng mạnh cũ để phát triển khả năng di chuyển từng đợt như đã nói. Không có Nguyễn, Hà Tiên có thể trở thành một Singapour trên đất liền.
Nhưng một mặt vì sự khuôn nắn của các tập họp đồng bằng có núi ngăn cách, một mặt vì sự phát triển chủ yếu theo đường biển với thời gian cách biệt, nên tính chất khu vực hiện ra đậm nét không phải chỉ bởi yếu tố địa lí mà còn bởi yếu tố lịch sử nữa. Người dân Việt vẫn mang dấu vết chung của lớp lưu dân nhưng cũng có điểm riêng biệt cho từng vùng, bởi chính có sự phối hợp với địa phương trong thời gian ngưng nghỉ. Trung tâm Đại Việt phía bắc vẫn phát triển theo hướng nho giáo hoá, nên tác động có khác nhau đến những lớp di dân mới với tính cách từng đợt, nhưng đất Đàng Trong vẫn là của những trung tâm văn hoá có quá khứ huy hoàng mà sự tàn tạ của quyền lực thế tục càng làm tăng độ uy hiếp tinh thần đối với những người mới đến làm chủ – tác động ngược lên cả phía bắc, xa hơn như đã bàn. Sự quần tụ cư dân tứ xứ ở Đàng Trong với khối người Trung Hoa lưu vong, mang đến cho người Việt li khai các yếu tố mới của một nền văn minh quen thuộc, nhưng không phải là một loại của chốn triều đình sang cả mà là của một tập họp thương nhân không bằng nho gia về mặt triết lí tinh tế, mà nhiều ý thức tự do hơn, của đám bình dân có tin tưởng theo chiều hướng ma thuật, sẵn sàng chống lại bất cứ chính quyền nào không dung chứa một nhân sinh quan như thế. Chính vì thế mà đất Đàng Trong, nối dài cả sau khi thống nhất ở thế kỉ XIX qua thế kỉ XX, là nơi của những cố gắng tụ tập, pha trộn tín ngưỡng đã thành công khuất lấp trong các xóm làng, rồi sẽ nổi bật lên khi có điều kiện tiếp trợ.