Tại sao lại là “Bản mới”?
Bản cũ in ra năm 1989 từ lúc chúng tôi còn ở trong nước, theo lời Nhà xuất bản Văn Nghệ, vẫn còn chất đầy kho, trong garage của ông chủ và bạn bè. Tình trạng đó thật ra cũng chẳng có gì đáng nói nếu nhìn chung về tình hình xuất bản sách khoa học nhân văn ở các nước và riêng trong tình trạng lèo tèo của nhóm người Việt di tản so với số người đọc tiếng Việt đông đảo nằm ở chính quốc. Ông Văn Nghệ đã làm một công việc đầy can đảm và thiện chí khi nhận chịu in sách nghiên cứu tung ra giữa những người đồng hương đang cuống quýt lo ổn định đời sống nơi đất lạ quê người, còn sách thì không có cơ hội nào trở về dưới mắt đồng bào quê cũ, trừ vài bản lạc loài lén lút đến tay những người tò mò bằng một cách nào đó. Hơn mười năm qua đầu óc tác giả cũng chẳng mới thêm được chút nào. Vậy thì tại sao lại có “bản mới”?
Chẳng ai viết một quyển sách mà có can đảm tự nhận mình đã làm một công việc hoàn hảo. Và khi nói ra những thiếu sót thì cũng không thể bị coi là để phân trần, bào chữa. Công việc của chúng tôi ở đây cũng vậy. Ai cũng biết, và bây giờ vẫn có thể hình dung lại được tình hình ở Miền Nam sau 1975 về cuộc sống vật vờ cơm áo, hoảng loạn tinh thần của một lớp người giữa tiếng ồn ào la hét, mắng mỏ chửi bới của một lớp người khác. Trong tình trạng đó thì thường tình là im lặng né tránh nếu có thể được, đừng nói đến chuyện mầy mò nghiên cứu! Tuy nhiên im lặng né tránh lại làm phát hiện một chốn riêng tư không quyền lực nào có thể chen vào xoi mói được, nhất là đối với những người may mắn không phải đắm chìm lâu năm trong sự khủng bố của quyền lực để biến cái sợ trở thành tự giác, sợ hãi cả vào lúc không còn cái gì để mà sợ – không phải, không dám phát sinh ra hung dữ phản kháng mà êm êm lịm dần, lịm dần, hành xử theo phản ứng chính trị đã được khuôn nắn tận trong tì vết tâm hồn.
May mắn cũng đến với chúng tôi khi vừa học xong thì phải đi lính, trong gần mười một năm lêu bêu cận kề mà lại bên lề khói lửa, đã sử dụng những thì giờ rảnh rỗi hiếm hoi để tò mò tìm kiếm những chất liệu thêm vào sách vở cũ. Câu “Tái ông thất mã” chận một khúc đầu của chuyện kể, sao lại không thể áp dụng để cho đời sống có chút ý vị lạc quan? Vậy là những tích trữ đó có chỗ sử dụng trong cõi riêng tư mà cuộc sống bên lề sau 1975 đã giúp chúng tôi khỏi bị ràng buộc vào nền học thuật chính thống đang được rao giảng tận tình đến thành “chân lí không bao giờ / không thể nào thay đổi”. Những năm vào trại cải tạo giúp chúng tôi có thực tế để suy ngẫm về những gì vừa xảy ra, đang xảy ra trước mắt mà không bị tràn ngập bởi sách vở trùng trùng lẫn tiếng la hét đe doạ của những tay thư lại mới, bởi sức nặng kiến thức của các học giả Tây Phương thừa phương tiện và đầy uy tín quốc tế. Sách vở cũ thoát cơn mối xông sáu năm, còn lại hai quyển Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của ông Lê Hữu Mục; bản dịch Toàn thư lần đầu của Hà Nội, mua được hai tập I và II ở chợ trời Đặng Thị Nhu (Hồ Văn Ngà cũ), tập III, IV là của chợ trời Hà Nội, tất cả mất bìa long gáy – nhưng còn chữ là được rồi! Cũng chợ trời, hè phố cung cấp vài tập Khảo cổ học, Nghiên cứu lịch sử. Người nghiêm túc theo trường phái Đại học có thể chê là làm việc theo trường phái Bạ-đâu-vơ-đó, nhưng đây cũng là một cơ hội thoát khỏi sức nặng của kinh điển để cho trí óc được bay bổng. Sao lại không coi là một trường hợp “Tái ông thất mã” nữa? Vậy là bắt tay vào việc, bắt đầu “làm việc” sau những giờ làm việc mệt nhọc hay thời gian trống rỗng ngồi cà-phê-ghế dựa lưng vào tường nhìn người, xe qua lại hỗn độn sát mặt.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, chẳng hiểu tại sao đã có những ý nghĩ như đã được viết ra. Đúng là có sự tích tụ của kiến thức cũ từ nhà trường, trong sách vở, ngoài hiện trường. Nhưng trong sâu thẳm hẳn là có sự phản kháng với thân phận mình trong cơn lốc lịch sử, với đám học giả núp bóng quyền uy chính trị, ngang ngược trước mắt. Chuyện Thánh Gióng bình thường thì cũng đã nghe từ nhỏ đủ để trí óc mơ mộng nâng cao, nhưng nghe mãi... gì mà “anh hùng dân tộc hay anh hùng bộ lạc”, đi theo với hình ảnh viên thiên tướng cỡi ngựa sắt như mụ phù thuỷ Tây cỡi chổi xẹt qua xẹt lại, không phải chỉ lẫn lộn truyền thuyết và sự thật khoa học mà còn muốn lấy khoa học biện minh cho truyền thuyết, sao mà thấy... ngứa quá! Vậy là có bài viết đầu tiên theo cách nhìn trần tục nói về chân dung Thánh Gióng được người Việt vẽ ra trong tiến trình lịch sử (Những bài dã sử Việt, Thanh Văn xuất bản 1997.) Như thế không phải lỗi của mình khi lôi các ông Cao Lỗ, Trương Hống, Trương Hát, Lí Phục Man, Triệu Quang Phục, các tướng của vua Hùng, Hai Bà... cho trở về vị trí của thần tinh gỗ đá, ma da ... ráo trọi. Từ lúc cầm quyển vở học thuộc lòng những bài lịch sử vẫn thấy có những điều gì không ổn, rồi khi đối chiếu với những nhân vật lịch sử lớn nhỏ trước mắt, sự cách biệt giữa thực tế và lí thuyết đem lại hoài nghi đã làm vỡ ra bức màn ngăn cách quá khứ và hiện tại mà những điều học được bảo phải nhìn lịch sử theo thực tế trần trụi, đương thời đã bừng sáng lên trong trí óc. Cầm trong tay quyển Thế kỉ Mười – Những vấn đề lịch sử của Hội nghị lịch sử nhóm họp tại Hoa Lư (1982), trích những tham luận xuất sắc chứa đựng hẳn là tinh tuý của tầng lớp người (chiến thắng) tự phụ là tinh hoa của dân tộc, nhưng chỉ thấy những lời trau chuốt văn từ, tán rộng lịch sử dưới lớp vỏ bọc tư tưởng “hiện đại và dân tộc” mà bài viết “hiện đại” là của một anh nguỵ luồn lọt được vào vì bàn “đúng hướng”, lại nổi bật chỉ vì anh nguỵ viết theo sách ít nhiều gì cũng là của bọn Xét lại, còn các học giả sử quan mới thì không dám nhúc nhích khỏi chữ của Thánh hiền (mà lại được dịch ra theo một thứ chữ Việt ngô nghê, có in ấn hẳn hòi).
Sinh sống ở một vùng ngoại vi trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt chắc cũng giúp chúng tôi thoát khỏi những thành kiến tuy làm nên sức mạnh chung nhưng cũng trì níu nhiều vào quá khứ, để cảm tính che lấp lí trí, nhất là vào một thời đại tràn trề sôi động những khẩu hiệu cao vời không cần suy nghĩ, dưới những áp lực kìm giữ chưa từng thấy, không chừa chỗ cho những đường lối lệch hướng. Đất nước của các vương triều cố cựu trở nên to rộng hơn, do đó chừa chỗ cho các luồng tư tưởng sinh hoạt rộng đường di chuyển giúp chúng tôi nhìn thấy Bà Chúa Xứ thuần chất trong cung Lí Trần và pha tạp chuyển biến trong các dòng đạo Nội, điện phủ của thời cận đại, đem lại sự công bình lịch sử: Một dân tộc – dân tộc Chàm – tưởng gần bị diệt vong đã tái sinh dưới hình dạng hoà nhập với người chiến thắng, không phải sống vật vờ, hời hợt mà vững mạnh, sâu và xa. Có thể nói nữa đến ông họ Tái không?
Cứ thế mà đi tới. Với ông Bạch Mã Thái Giám xuất thần hiển hiện nối kết sách vở với chuyến đi thực địa, lại là bên lề của một buổi đi tìm tiền cổ. Cứ thế mà đi tới gặp Cao Đài, Hoà Hảo, những giáo phái đầy tính năng động nhưng thường vẫn được nhìn với tính cách dè bỉu, hoặc ngại ngần sợ hãi, trong đó có ẩn giấu sự miệt thị “nội hoá”, địa phương – chỉ có học giả ngoại quốc mới xem đó là một hiện tượng văn hoá đáng để ý. Cứ thế mà...
Và rốt lại quyển sách đi tìm tâm thức dân tộc phải chứa đựng một cách nhìn mới về lịch sử Việt Nam của thời văn minh, hiện đại, thực sự, đáng hãnh diện, không cần phải trốn nấp sau những lời huênh hoang ồn ào – lại chỉ để nói với nhau theo kiểu “mẹ hát...” Một quyển sử như thế còn là một mong ước...
Chúng tôi đành phải bằng lòng với những gì đã có. Để trở lại với lúc đầu: Tại sao lại là “bản mới” trong lúc chẳng có gì mới hơn? Đã nói, không phải là một lời phân trần nhưng tập sách viết vào lúc ấy, ngoài cái hoàn cảnh chung ai cũng biết, còn có những điều riêng mà nay mới có dịp chấn chỉnh lại. Viết sau những giờ lăn gỗ, xúc bột giấy, theo xe áp tải ngơ ngơ không biết hối lộ để anh chàng công an đuổi:”Đi cho được việc!” Viết trong thời gian chưa có điện Trị An, ngọn đèn 60w trở thành đèn ngủ đành đánh một giấc, đổi giờ làm việc thành nửa khuya về sáng. Viết vào lúc không mong gì xuất bản, chỉ để tuôn ra ý tưởng thấy là mới mẻ, đánh máy trên giấy rơm đen điu, rồi chuyền cho bạn bè người quen đọc, chưa kịp thấy nỗi nguy hiểm của cách phát biểu “chui” như thế. Một bản liều lĩnh đi ra nước ngoài – cũng chỉ mong người quen đọc – được hỏi: “Đăng không? Muốn kí biệt hiệu gì?” –“Chữ nghĩa chính quy, ai lại phải cần giấu giếm!” Trả lời thí-mạng-cùi trong lúc chưa biết đến cái án mươi năm của Doãn Quốc Sỹ – Hồ Khanh. Bản thảo vào tay ông chủ Văn Nghệ trong tình trạng điếc không sợ súng như thế đó. (Và rồi được đằng chân lân đằng đầu, bài Việt Nam nhìn từ bên trong được đòi hỏi phải in trước khi tác giả ra đi).
Vì thế khi cầm quyển sách gởi chuyền vòng vèo qua Pháp, qua một nhà ngoại giao [2011: Yoshiharu Tsuboi] có lẽ kiếm chuyện vào Sài Gòn để đưa tận tay tác giả, thật vừa thấy vui mừng vừa thất vọng. Lỗi của người thì ít mà lỗi của mình thì nhiều, không thể đổ thừa tại, bởi, bị... Phải sửa thôi. Và cũng nhân dịp sửa mà thêm vào một ít kiến thức minh chứng thấy được về sau, mớ bằng cớ nôn nóng không dừng được đã cho chen vào những bài viết ở Mĩ. (Những bài văn sử, Văn Học xuất bản 1998.) Lại ở một quyển sách nghiên cứu thì theo “tục lệ” không thể thiếu được phần Sách dẫn, điều mà tác giả không đủ khả năng làm được – có làm cũng phải mất nhiều thời gian mầy mò. May mắn thay, một anh bạn trẻ ái mộ đã có lòng giúp cho theo với khả năng đã trở thành thông thường của lớp người mới, của tương lai.
Các ý tưởng nòng cốt vẫn còn đó. Và tuy người làm việc riêng biệt, khoa học không cần để ý nhiều đến những phản ứng của định kiến đã thành hình – cứ “nói theo” thì chẳng có khoa học – nhưng thiết tưởng cũng phải có lời dàn-hoà với số đông. Một người trong nước khi cầm quyển sách đọc đã gay gắt: “Viết sử gì như thế này!” Thật dễ hiểu và đã lường trước được: Chúng tôi đã động đến không phải chỉ kiến thức mà là tâm cảm của số đông hiện tại, đã cho các nhân vật lịch sử “anh hùng anh thư dân tộc” trở thành thần gần hết, đã cho vua Hùng chỉ trở thành chính thống theo một tiến triển hợp lí dẫn đến thời Lê sơ nửa sau thế kỉ XV chứ không phải sẵn sàng mũ áo rồng phượng từ bốn ngàn năm trước đó...Cũng như lời giải thích về cái đình làng động đến niềm kiêu hãnh địa phương nứp dưới dấu hiệu bản sắc quốc gia dân tộc. Phản ứng đó cũng thấy ở vài người thân quen hay xa lạ ở hải ngoại – thân thì nhăn nhó, sơ thì gầm gừ. Trong đời sống thông thường, một thói quen vẫn không dễ gì gạt bỏ. Nhưng mà ở thời đại tự do văn minh, người ta không dễ gì lấn lướt kẻ khác, nhất là chỉ bằng chữ nghĩa. Quan niệm “chữ của thánh hiền” còn rơi rớt khiến người ta còn quá coi trọng mấy dòng viết, in khiến cho các “tác giả” tự coi mình là đã làm việc “để đời”, còn nhà cầm quyền thì lo canh giữ các anh, tưởng chừng họ sắp cướp mất công cứu nước trị dân của mình vậy. Hãy coi chữ-nghĩa như một trò chơi kiến thức trong một sân chơi còn rộng, còn chỗ cho ăn nhậu, nói thánh nói tướng, xem tivi, nghe radio, đĩa CD, vào casino... để có thái độ rộng rãi với nhau hơn. Mặt khác, cách nhìn chê bai những thành kiến, theo hướng tiêu cực khi cho rằng mình đứng trong quan điểm mới, cũng không phải là thái độ đúng của sử gia. Ông Lạc Vương có vẻ chính danh hơn ông Hùng Vương nhưng không có tác động trên dân Việt thời cận hiện đại bằng ông vua Hùng. Ông vua Lạc đã mất chỗ đứng ở nước Việt từ thời đại có Hồ Tông Thốc, Ngô Sĩ Liên lên tiếng, chỉ còn rơi rớt trong sách vở của người ngoài. (An Nam chí của người Minh.) Đối tượng của sử học không phải là cái giả định mà là cái đã xảy ra, dù nguyên nhân được gán cho là từ những người không phải thật, từ một thời điểm lệch. Cho nên có đẩy ông vua Hùng tụt xuống bốn ngàn năm, cho ông Triệu Quang Phục chẳng hạn lên ngồi lại ngai thần, sử gia không phải đã xoá thân xác họ trong lịch sử mà là chú ý tìm hiểu tác động đến lịch sử của các nhân vật đó như những người thật. Một ý tưởng như thế đã có trong lời đề-từ năm 1988 đòi “lí trí dõi theo tìm dạng thần, hồn người trên đất Việt.”
Có vẻ như thế cũng đã là cạn lời rồi vậy.
Westminster, bắt đầu tháng Ba 1999
Dù đứng ở phe phái nào đi nữa, là người Việt, ai cũng phải công nhận rằng từ 1945, nước Việt Nam đã hiện diện trên bản đồ thế giới, lần này không phải với danh nghĩa một phiên thần của Trung Quốc hay một thuộc địa của người Pháp mà là một nước độc lập, tự chủ, muốn đứng ngang hàng với các dân tộc khác trên toàn cầu. Ấy thế mà qua bao nhiêu xương máu đã đổ ra, kết quả thật là tệ hại, không thể nào tự bào chữa được. Có vẻ qua bao nhiêu nguyên nhân được dẫn ra, nguyên nhân chính là người Việt chưa tự biết mình rõ và đúng. Trong đó có lịch sử quốc gia dân tộc.
Người Việt vẫn thường hiểu lịch sử đất nước, dân tộc qua một vài quyển sử được tán rộng, theo một đầu óc hồng hoang với nước sơn khoa học, thật đúng với thực trạng hiện tại thừa hưởng của quá khứ. Thần, người và đất Việt, như tựa đề, không chỉ nói về thần mà đi tìm hiểu tâm linh người Việt qua dòng thời gian, dựa trên một cái khung lịch sử xác thực, có bằng cớ như bất cứ một người nào của thời đại khoa học có thể nhận ra sau khi đè nén được lòng tự ái, sự kiêu căng trong hoang tưởng. Và cái khung lịch sử ấy có thể mở rộng ra để có thể có được một quyển sử Việt chân xác, dồi dào không để người ngoài giành lấy, viết giùm.
Những hàng chữ nhỏ trên là viết vào cuối năm 1999, nhưng đến khi in thì thay thế bằng các dòng sau, ở trang bìa 4:
“Hãy tự biết rõ mình”, lời nhà hiền triết Hi Lạp của 2 500 năm trước là một tự vấn đòi hỏi một cách nhìn khách quan về bản thân mình, về tập đoàn mình. Biết để sống được, sống hợp lí với mình, với người chung quanh. Hơn nửa thế kỉ qua, dân tộc Việt Nam xuất hiện trên thế giới đã gây nhiều xôn xao, trong đó có những ca tụng ngút người rồi tiếp theo là lời chê trách, sự thất vọng não nề có vẻ chưa thấy ngày chấm dứt. Giống như ta đang chứng kiến một thứ lên đồng tập thể mãi đến cơn hồi tỉnh vẫn còn choáng váng miên man. Như dấu vết của một cuộc sống trong thời đại khoa học mà chưa thoát khỏi những vướng víu nặng nề của quá khứ, trì níu tương lai. Thần, người và đất Việt phân tích tâm thức ấy của quá khứ không dựa trên những lời tán rộng mà căn cứ trên những tài liệu xác thực, các tài liệu sờ sờ trước mắt không phải chỉ với người cùng nước đang huênh hoang mà cả sử gia bên ngoài cũng chưa kịp nhận ra. Do đó, Thần, người và đất Việt còn là căn bản cho một quyển sử Việt Nam mới, hợp với thời đại khoa học, cũng là một cách giải quyết vấn đề “tự biết mình” để theo kịp trào lưu thế giới, nếu muốn.
Bản in năm 2000 được gọi là “Bản mới” mà thật ra chỉ dựa vào bản 1989 của nhà Văn nghệ chỉ vì bản thảo không còn nữa, không có cả những tài liệu cơ bản trong tay, và tác giả lúc ấy chỉ chủ ý sửa câu văn, sửa những gì thấy thành hình mà sao vô lí quá. Không thể làm hơn, đó cũng là một cái tội không tha thứ được.