Kể từ 1945, khi nhà Nguyễn chấm dứt thì các thần lâu nay ngự trị trên đất Việt không còn danh nghĩa gì để tồn tại nữa. Danh nghĩa đó đã kéo dài khá lâu vì tuy thực quyền nhà Nguyễn đã mất, nhưng sự tồn tại của họ này gắn liền với quan niệm truyền thống, được người Pháp còn dành cho chút dư âm khiến ngôi vị các vị thần tuy suy giảm – tàn tạ nữa, nhưng vẫn có những tờ sắc lẻ tẻ, có vẻ lạc loài mà vẫn mang tính tượng trưng có hiệu quả, đủ cho người ta bám víu lấy. Vì thế sau khi chính quyền quân chủ cáo chung thì cả tập họp thần linh đất Việt mới tan rã thực sự, và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nơi nằm dưới sự quản lí của vương quyền: Các đình làng, đền miếu bị phá huỷ trên diện rộng, như một điều tự nhiên. Dù bằng sự thúc đẩy của một ý thức hệ muốn có đổi thay triệt để, dù bởi lí do chống đối sự trở lại của người Pháp, sự việc đó cũng chứng tỏ vì các thần linh cũ mất lí do tồn tại mà trú sở của thần phải bị vạ lây. Cũng là cái vạ khá thông thường trong lịch sử của con người sống chan hoà giữa tục và linh, đến nỗi không thể dẹp cái này mà không bỏ cái kia, trước khi cá nhân hoặc hệ thống thần linh mới được tập họp lại, mang tính thích ứng với thời đại hơn.
Nhìn trở lại dưới góc độ văn hoá thì sự tàn tạ của hệ thống thần linh cũ không phải là điều bất chợt đáng ngạc nhiên. Thần mất thiêng không phải chỉ vì biến cố chính trị giữa thế kỉ XX: Từ lúc có “Tây”, thần động Phong Nha không đủ sức làm mưa nữa,(1) còn các ông thần Khmer, có ông sợ xe ô tô phải di tản khỏi nơi ông thường ngự trị cho dân cúng bái.(2) Vấn đề các thần tìm cách thích ứng với cuộc đổi thay dữ dội trước áp lực văn hoá Tây Phương – mà binh lực chỉ là một mặt biểu hiện – trong đó có sự co rút, ẩn náu để chờ dịp xuất hiện lại dưới những hình trạng có thể được của thời thế, chứng tỏ có sự chống đối dai dẳng, lẩn khuất, hình như chịu ép một bề mà vững mạnh ở mức độ nào đó của thần, trong tâm trí người dân. Sức mạnh đó nằm trong sự đối kháng của truyền thống trước đổi thay, tồn tại bằng cách quyện với truyền thống để người Việt tìm cách bảo vệ, duy trì thần thánh ở mức độ ý thức hay trong tiềm thức, cả trong trường hợp người ta chống đối, phủ nhận cái phóng thể này của con người, được coi là sản phẩm tha hoá của một thời đại mông muội, lạc hậu, không văn minh.
Trên mấy mươi năm qua, dân Việt phải tìm đường đi của mình qua những biến động làm đổ thật nhiều máu và mực cả trên thế giới, điều đó không phải nhắc lại ở đây nếu hầu hết người Việt trong đủ mọi phe phía đã không kêu gào đến truyền thống như một mục đích phải bảo vệ, nếu không chính yếu thì cũng quan trọng trong hành động vì đất nước. Mà một cách biện minh giá trị tinh thần bản xứ như thế sẽ dành chỗ cho những ông thần xưa cũ luồn vào, có khi núp dưới bóng khoa học, tất nhiên với ngôn từ mới mà có khi người phát biểu, nói thay cho người muốn triệt phá, không biết rằng mình đang làm công việc biện minh cho một tin tưởng cũ. Và nương theo đó là sự tồn tại triền miên trong số đông về một thế giới bên ngoài, bên trên thế giới này, làm mẫu mực cho cuộc đời này hướng tới. Ông thần Phù Đổng, ông Hùng Vương, Hai Bà Trưng rồi vẫn là chỗ dựa cho các ông bà tinh ma gỗ đá đã trở thành nhân vật lịch sử, khỏi bị xoá vết tích, lôi kéo thêm bà con thân thuộc cũ mai phục để chờ dịp xuất hiện.
Đây không phải là sự xô bồ của luận cứ “lẫn lộn bản chất và hiện tượng” theo cách giải thích triết lí chính trị đã trở thành khẩu hiệu lấn lướt thời bây giờ. Không kể phía nhóm người thất bại mà các ông đạo bị chìm lấp trong tiếng bom đạn, có dịp được chạy vào các hệ thống tôn giáo đã thành hình, hay lẩn khuất bên trong một số chính khách thấy làm tổng thống, bộ trưởng hợp thời thế hơn là làm giáo chủ, chủ đàn, hương, trưởng khuôn hội... Hãy nhìn phía đối kháng. Mà từ lúc tạm gọi là khởi đầu. Hãy đọc đoạn tường thuật buổi lễ kết nạp 8 thanh niên (trong đó có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong) vào Cộng Sản Đoàn, đầu năm 1925, ở Quảng Châu, dưới sự chủ trì của ông Vương – Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, và là đại diện cho Đệ Tam Quốc Tế lúc đó. “[Một] người giới thiệu... Ông Vương đọc điều lệ của tổ chức. Cuối cùng, người được kết nạp tuyên thệ: Nguyện trung thành và hi sinh cho mục đích của đoàn thể, nếu nửa đường đứt gánh thì xin chết như con gà này. Nói rồi cầm dao chặt đứt cổ con gà đã để sẵn ở đó.”(3) G. Coulet mà có được tài liệu này thì hẳn có thể đem dẫn chung với những bằng cớ về các nhóm Nghĩa Hoà 1916 ở Mĩ Tho trong luận án của ông!
Rồi chứng liệu của một phần tư thế kỉ sau giúp ta hiểu rõ thêm những gì miên tục bên trong con người thay mặt Quốc Tế Cộng sản trong buổi lễ thề bồi ấy. Sau này trở thành Chủ tịch nước, trong kháng chiến chống Pháp, người ấy là tác giả ẩn danh – mà ai cũng biết – của quyển Giấc ngủ mười năm (1949) thuật chuyện một người lính bị thương qua mười năm tỉnh dậy thấy đất nước đổi thay, tốt đẹp huy hoàng. Cảnh tượng vẽ ra muốn là thật mà người đọc chỉ thấy như huyễn ảo thu hút, lập luận đưa ra như là của trần thế mà lại gợi nên những gì xa xôi, xa xưa, không của cuộc đời này, như trạng thái tâm thần của nhân vật truyện vừa trở lại với người, quen mà lạ. Người bình thường không thể thấy trong sách này những gì mà nhà phê bình văn học cung đình mới khen là văn phong “đại chúng, lãng mạn, chân thực”, có tính chất “lãng mạn cách mạng của văn hoá mới”.(4) Người đọc bình thường chỉ thấy một giấc mơ-ngoài-mơ như đã thực hiện, chập chờn bên trên cảnh hoang tàn đổ nát trước mắt, một thực tế huyền hoặc, tuy được diễn tả bằng ngôn từ khác nhưng vẫn song song một dòng với tập họp hạ nguơn – thượng nguơn của những người đối kháng. Lúc này, bao nhiêu người tự cho mình thuộc thành phần ưu tú đó, không chọn hội Long Hoa mà tập họp thành Đảng để rồi qua gần 20 năm sau nắm chắc quyền uy, nâng cao mức độ tin tưởng, biến huyền hoặc thành thực tế, gắng làm theo lời lãnh tụ: “Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Với cái khác là lần này không có cái hẹn mười năm, chỉ vì dư âm tâm thức nuôi dưỡng từ thời trẻ nay đã phải chịu luồn vào bên trong sự cương cường của tuổi già, chỉ có thể nhìn tương lai bằng cái đà xốc tới có sẵn mà tự cảm thấy thời gian đã chuồi đi trong tay mình rồi.
Những người đạt đến thành công hôm nay nhìn lại thời kì “hội kín” xưa, thường hay nhấn mạnh đến tính chất tổ chức chính trị hoặc bạo động lật đổ của tập họp mà lãng quên – có khi cố tình quên – khía cạnh tôn giáo ma thuật đã từng làm chỗ bấu víu tin tưởng cho các hội viên xưa kia. Có khi không lảng tránh được vai trò của ý hướng linh thiêng thì người ta lại coi như đó là yếu tố lạc hậu, xấu xa đáng tiếc chen vào trong phong trào chứ không phải là yếu tố tích cực. Tuy nhiên, rõ ràng ngay trong các hội kín có chủ đích chính trị và hoạt động theo hướng tách rời phần linh thiêng, cũng không ngăn được thói quen, truyền thống xuất hiện trong những thời điểm quan trọng của tổ chức, của cá nhân trong tổ chức đó. Vẫn có sự tương đồng giữa xưa và nay, cũ và mới trong những dịp lễ tiết mang lại sự đổi thay phần đời quan trọng của con người, trong bước ngoặt của đời người như ngày nay người ta vẫn gọi. Trong lễ gia nhập tổ chức, cá nhân không còn là mình nữa, không còn là mình lúc cũ nữa, tự thấy mình thuộc vào một tương lai – vẫn còn mờ mịt – đầy xúc động hoang mang, trong khi tập đoàn đề xướng đi vào tương lai ấy muốn đánh tan sự lạc lõng, hụt hẫng kia vẫn không thể viện dẫn đến bản thân cũng trần thế của họ để thuyết phục được. Họ phải tìm đến một thế giới khác theo thói quen có sẵn. Những người cộng sản Việt Nam năm 1925 đã mời gọi thần linh đến chứng giám một cách thật tự nhiên, bởi vì đó chính là cuộc sống bình thường của họ, cuộc sống điều kiện hoá bởi quá khứ, tác động thật mạnh đến mãi về sau dù trong điều kiện lịch sử mới. “Lập trường dứt khoát, phân biệt rõ chính tà, không thoả hiệp... tình nghĩa đệ huynh gắn bó hơn anh em ruột thịt...”(5) không chỉ là đặc tính (lí tưởng) của Thiên Địa Hội và những hội kín mang màu sắc tôn giáo chống Pháp nói chung mà chính đã thành nguyên tắc được rao giảng một thời gian của chính đảng cầm quyền hiện tại, qua mấy mươi năm. Thực tế lịch sử có phức tạp hơn nguyên tắc, nhưng dấu vết hội đoàn xưa cũ rõ ràng vẫn dằng dai như trong cách thế thúc đẩy những người nông dân Hóc Môn các năm 1959 – 60 nổi dậy vì “Đảng xuống lịnh...”, ngôn từ bàng bạc không khí của thời Phật Đường, Thiên Địa Hội hợp tan, rồi theo (thờ) Nguyễn An Ninh, gia nhập Tân Việt Cách Mạng Đảng, một tiền thân của đảng Cộng Sản Đông Dương.
Một tâm lí tập thể bền vững như thế, hàm chứa một sức trì trệ bảo thủ mà những điều kiện lịch sử mới sẽ làm lộ ra những xuất hiện cũ, với một số mặt đậm nét theo chiều hướng xấu. Trong một thế giới phức tạp với sự đổi thay mang tính cách gia tốc, thì ranh giới chính tà, bạn thù cứng nhắc cũng phải bị phá vỡ, dù được trì níu cũng phải cuốn hút theo đổi thay và do đó thường hay được biện minh, tuy rằng một thực tế cực quyền đã làm cho sự bào chữa tiến hành dễ dàng hơn. Cứ như vậy mà cuộc sống hai mặt vốn có sẵn – đối với cá nhân là để sống còn – thành một đòi hỏi gay gắt, xuất hiện nặng nề hơn, mang hình thức quay quắt hơn, dễ làm ngạc nhiên người ngoài cuộc, và gây xúc động cho người ý thức được sự bất thường ấy.
Trong khoảng 1955 – 75, Miền Nam với tình hình chiến tranh gây ra sự tiếp cận sát sao với thế giới kĩ thuật cao đầy quyến rũ, ảnh hưởng đến nếp sống của người dân, khiến gây nên những phản ứng mang danh nghĩa, màu sắc bảo vệ truyền thống dân tộc ngay ở các đô thị đáng lẽ phải là thành trì của chế độ. Trong lúc đó, Miền Bắc tuy cũng có những đảo lộn lớn lao dưới ảnh hưởng ý thức hệ mới trong một tổ chức chính trị chặt chẽ, nhưng do tính chất địa vực thuộc vùng cổ truyền lịch sử, văn hoá vượt quá cả biên giới, do sự cách biệt với bên ngoài dắt dẫn đến một thứ truyền thống mới từ các nước cùng lí tưởng – đậm nét từ Trung Quốc, do bản chất của tầng lớp lãnh đạo mang tính liên tục, bắt rễ từ trước 1945 nên, ở đó nổi lên với bên ngoài như một đại biểu đứng đắn về sự kế tục truyền thống, gợi nên một ước mơ lẫn lộn quá khứ và tương lai, một thán phục không ở tầm mức của lí trí biện biệt. Vì thế, đối với số đông dân chúng Miền Nam, đó là nơi của một thứ thượng nguơn đang thành hình, trong đầu óc lãng mạn của người trí thức, tiểu tư sản, kể cả con cháu người cầm quyền, hay trong tâm tư người lao động – không cần hiểu theo nghĩa giai cấp – phát biểu qua một người phu xe tâm sự với khách giữa bom đạn tết Mậu thân (1968): “Rồi đây sẽ không còn ai giàu ai nghèo, không còn người đạp xích lô...” Tổ chức hành chính diện địa của Miền Bắc có sự phân cấp tự trị địa phương (phục hồi theo hình thức quan niệm làng – nước mới), có một bộ phận lớn nông thôn chan hoà vào thành phố (vốn đã không đông dân và trình độ phát triển thấp) khiến cho điều hoà đến mức độ kềm hãm sự đa tạp, quấy đảo của thành phố (như trường hợp vụ Nhân văn giai phẩm 1955-56, xét riêng yếu tố trong nước). Miền Bắc theo một chế độ xã hội chủ nghĩa nông dân (Việt) không có trong sách vở kinh điển, không được thừa nhận trên danh nghĩa công khai nhưng đã có mặt với cả truyền thống xấu tốt của dân tộc, tác động có hiệu quả vào tâm tư hành động người cầm quyền (mang tính cách một lớp nho sĩ mới, thuần nhất và năng động một thời gian), nơi đó được coi – và tự coi như là một sự hoà hợp sáng tạo của quá khứ và tương lai. Mẫu hình đó sau 1975 sẽ lan tràn khắp đất nước được thống nhất chặt chẽ về phương diện chính trị nhưng gặp khủng hoảng kinh tế và xã hội lâu dài bởi chính những yếu tố làm nên sự thành công vang đội của những ngày 30 tháng Tư năm ấy. Truyền thống khu vực làm cho tác động đội ngược không phải chỉ xảy ra trên phần đất chiến thắng mà còn lan cả trên toàn vùng chia xẻ chung lịch sử, với những cuộc chiến tranh “môi răng” giữa các đồng chí khác nước, và có vẻ cũng không tách rời những gì gây nên phong trào perestroika dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc Xô viết(6) – một thứ ironie de l’histoire như F. Engels nói.
Quá khứ vẫn còn đó và tuy bị chận lại qua quan niệm “thừa kế có sáng tạo”, nhưng các thành phần bị chèn ép lại sống dậy qua sự sàng lọc, ở một mặt khác. Như Huỳnh Phú Sổ lúc trước khuyến khích bà già kiên nhẫn chờ hội Long Hoa, chế độ mới trong một thời gian dài tiếp theo đã nuôi dưỡng và khuôn nắn tâm tưởng Long Hoa với danh nghĩa là chờ qua “thời kì quá độ” không hẹn ngày chấm dứt. Cho nên, các tôn giáo đặt căn bản trên niềm tin đó, hay những con người mang niềm tin đó dưới dạng phủ nhận hiện tại, lại trở thành mối lo ngại cho người cầm quyền. Hiện tại vốn không mấy tốt đẹp đang sờ sờ trước mắt nên sự phủ nhận đúng là một sức “phản động” đối với một chính quyền vốn chỉ muốn tự mình vẽ ra con đường tương lai độc nhất. Thế mà qua sự đổi thay quyền hành, uy thế của các tôn giáo tuy đã bị mòn vẹt nhiều khiến chúng không còn đủ sức quy tụ người như xưa, nhưng sự cuốn hút của thế giới siêu linh vẫn có thể luồn qua ngõ ngách khác để vào lòng người, không dễ gì đánh bật bởi một cuộc thánh chiến săn lùng phù thuỷ đến lúc này đã khó thấy ranh giới ta – địch.
Hãy lấy một ví dụ nhỏ. Không đủ thuốc Tây, người ta trở về với “thuốc dân tộc”, nhưng thật khó mà khỏi nói tới tính hàn, ôn, nhiệt...(7) gì đó của thuốc ta, thuốc Đông, kéo theo việc cổ động thuốc ta mang tâm tình dân tộc và bị thực tế gò ép theo một hướng, nên có ngầm ý mới của điều bài bác ẩn giấu sự bài ngoại xưa: Thuốc Tây không hợp phong thổ, không hợp với người Việt. Không có phương tiện kĩ thuật chữa bệnh tối tân thì có bộ kim châm giản dị – sang một chút thì làm bằng chất inox, tiềm tiệm thì là một loại kim gút – quảng bá cho khoa châm cứu, án ma... nấp bóng tên tuổi các ông thầy được trưng trên ti vi, với chứng dẫn về sự lưu tâm của y giới phương Tây, trong đó có lẫn tính nghiêm túc và sự hấp dẫn đua đòi. Chưa kể sự lường gạt chính trị kiểu mổ óc mà người mở mắt tỉnh bơ.
Nhưng các thứ kinh mạch được dạy mù mờ, áng chừng trong mấy cuốn sách mà người dịch có khi cũng không biết gì về chuyên môn, được sử dụng qua thời mới, làm sao không dẫn qua quan niệm cái “thần” bí hiểm đi theo huyệt con người, sát với giờ khắc can chi, khiến tư tưởng phải xoay tròn trong cái vòng lục thập phân xưa cũ, trong một vũ trụ quan có cả thế giới linh thiêng ngày trước kéo nhau về? Người ta quên cả áp lực chính trị, cho nên mới có ông thầy án ma trị bệnh coi việc niệm kinh, chắp tay xá xá là có tính cách quyết định hơn các thủ thuật nắn bóp của ông, có ông thấy rằng chỉ chữa bệnh làm phước và theo cách của một ông, một bà nào đó “ứng” lên mới có hiệu quả. Một ông đạo chưa dám xưng danh nhưng đã có người rỉ tai nhau tới nhờ cậy – cho đến khi rủi ro bị phát giác, một sự rủi ro có khi tuỳ thuộc vào những biến động tâm trạng của người hữu trách hơn là vì tính cách nhặt nhiệm của pháp luật.
Quá khứ sâu đậm như thế có đất phát triển trong một xã hội bị kéo lùi, nông thôn hoá trong suy nghĩ, lí luận, bị hấp dẫn bởi tiền bạc thúc bách, khiến cho một trình độ giả khoa học không đủ sức ngăn chặn dù có quyền lực tiếp tay. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người lính của một quân y viện ở Phan Thiết, học được môn võ Thất Sơn Thần quyền, hay “võ bùa Năm Ông”– dư âm của Quyền Phỉ / Nghĩa Hoà Đoàn – mà chúng tôi từng chứng kiến lén lút năm xưa, nay đem phổ biến “đạo” đến tận Thành phố Hồ Chí Minh, và thu nạp tín đồ, theo báo chí phát giác, trong đó có những nhà kĩ sư từng tốt nghiệp ở một nước xã hội chủ nghĩa, nay mê man trung thành với lời “Đức ông” dạy bảo.
Tính cách chung trong sự vọng tưởng về thiêng liêng của con người giải thích sự tồn tại và đổi dạng của thần linh qua thời gian, qua thể chế xã hội. Các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo rao giảng Tin mừng trên đất Tân thế giới phải chịu đựng việc các thần linh bản xứ mà họ mong diệt trừ, lại chui luồn vào hình ảnh của giáo chủ, của các ông, bà thánh. Các giáo sĩ Việt Nam cũng thấy tín đồ và người ngoại đạo không phải đến tận điểm cực Nam để cầu hồn cho một cố linh mục hiển thánh, mà là cốt cầu cúng xin cho ông chỉ trúng số đề, giúp đỡ vượt biên suôn sẻ. Thì chế độ hôm nay với ý thức tổ chức một xã hội mới, muốn mang lại một lề lối suy tưởng mới, triệt để xoá bỏ những biểu hiện về thiêng liêng trong quá khứ – sự hoà hoãn chỉ mới có gần đây, không kể những “lệch lạc” cá nhân – chế độ này cũng đã phải chịu đựng một diễn biến thật là cũ.
Muốn đề cao tính cách vượt-thường của hành động mình, người ta phải sử dụng và nhắc lại một cách hãnh diện cái từ “thần thánh”, và thế là thần thánh mới được biện minh. Thôn quê Miền Bắc có chỗ thờ trang trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà, còn ở Miền Nam thì sau ngày 30 tháng Tư 1975, người ta mang cả hương án với hình ảnh của ông khói hương nghi ngút trên đường cái, tiếp theo là những đền thờ từ tranh đến ngói. Và thế là thần thánh cũ đường hoàng đi vào hệ thống mới với nhiệm vụ mới. Ông thần Phù Đổng lớn vụt lên trên tivi, trong trang sách dành cho nhi đồng rồi cả trong giáo trình đại học với những xuê xoa dáng vẻ khoa học cần phải có, lấy hình ảnh một bậc vượt-thường che lấp nguồn gốc khiêm nhường xưa kia, và ngăn trở lí trí rụt rè đi vào tìm hiểu khu vực đã trở thành cấm kị ấy. Các ông thần mất trụ sở có thể tự an ủi với sự thành công của ông bạn đồng liêu may mắn tuy rằng thuộc tính dạng-cũ của các ông vẫn bị bài bác và bị gán cho là “tàn dư” của một thời lạc hậu. Mà quả là lạc hậu nếu chi tính đơn thuần đến quãng cách thời gian: Vào đầu 1/4 cuối thế kỉ XX, dân Bến Tre vẫn còn tin ông đạo Dừa vừa ở trong khu quản thúc nhặt nhiệm của công an, vừa đi ngờ ngờ ngoài chợ, y như câu chuyện đã làm hoảng sợ một ông Phó quản (quan Một đương thời) đối với một ông đạo được Tây giao canh giữ cách đây tròm trèm hơn một trăm năm.(8)
Các nghiên cứu về hội lễ, đền đài cổ tích tuy không ngăn chận được những tàn phá lấn chiếm của cơ quan, cá nhân có quyền trước sự buông thả trong việc phân quyền, sự đổ vỡ của quyền tư hữu cũ(9) – cũng như khoa khảo cổ học gợi ý cho việc đào mả hỗn loạn để kiếm ít ra là chút vàng phạn hàm mà không sợ hồn ma báo thù – cái mớ chữ nghĩa thật nhiều tính từ chương mới ấy, tuy nhiên cũng có tác dụng làm nguyên tắc để níu kéo tồn tại các trụ sở của thần. Và tồn tại theo đó là những thể thức cúng bái, nghi lễ hoặc ở mức độ nhỏ bé lặng lẽ không gây lo lắng cho nhà cầm quyền, hoặc giữ chìm trong tâm thức người dân để gặp dịp thì trỗi dậy. Các dịp đó, ít ra là đối với những biểu hiện đã thấy, lại do những thúc đẩy thay đổi của tình thế vượt ra ngoài tầm tay kiểm soát của tầng lớp nho sĩ mới. Sự phá huỷ gần tận diệt một thời gian trong quá khứ làm mất sự quân bình xưa kia, nay đi theo với hệ thống chính trị chao đảo khiến tương lai càng mịt mờ, giúp các thần cũ nổi dậy hỗn loạn dắt dẫn tâm trí người dân. Và trỗi dậy khá dữ dội cả trước khi có sự nới lỏng tạm thời, gọi là Đổi mới (1986), ngay cả ở thủ đô, ở Miền Bắc theo tiết lộ khá hiếm hoi, muộn màng trên báo chí với những ngăn cấm thường trở thành tự giác, không chịu nói đến những “tiêu cực” của xã hội mới.
Bia Bà, “một ngôi chùa ngoài đồng ruộng trở thành linh thiêng đến mức các cuộc hành hương bằng xe máy, xe đạp của người Hà Nội trở thành một phong trào...” Rồi sau đó, khoảng 1980 – 82, ở Từ Liêm lại có một phụ nữ chưa chồng nhập đồng xưng là Quan Anh, phán tiền, hậu vận cho người đến cúng lễ “ngày nào cũng đông nghìn nghịt... ngồi la liệt trên cái sân phơi... và ngủ đêm tại đó.” Lại cũng một kiểu cô đồng tự phát như thời Vũ Phương Đề, Đoàn Thị Điểm với dáng vẻ của thời đại mới. Lại còn chuyện phục hồi chùa Hà, “một phế tích hoang tàn như trăm ngàn ngôi chùa đã mất đi ý nghĩa thực tiễn.” Và những cái hương án ở gốc cây gạo Quốc Tử Giám, các bàn thờ được xây trên sân thượng... Xa hơn, ở đền Sòng, đền Đức Thánh Trần, người ta nhảy đồng, gọi ví, xiên lình.(10) Như thế, sự trỗi dậy của quá khứ trên Miền Bắc sau những năm dằn nén có vẻ còn đậm hơn những gì diễn ra trong các ngày lễ vía, rằm, mồng một, Tết... ở điện Bà Tây Ninh, Bà Chúa Xứ núi Sam, dinh Cô Hàm Tân, miếu Ông Tề Sài Gòn...
Gọi là gì gì đi nữa, gọi tên là du lịch nội địa, theo từ ngữ thời thượng hấp dẫn vì mang lại tiền bạc cho địa phương cần cho nhu cầu chi thu theo phân phối tự quản, cho cá nhân, tập thể ngang ngược có căn bản từ thời bị kềm thúc nay tung hoành theo sự buông thả bất lực của chính quyền, gọi là hành hương mang tính cách tân thời có hơi hướng quốc tế vừa bắt chước được, gọi thế nào đi nữa thì những cuộc vui chơi đó, nhìn ở một khía cạnh, cũng là một cách giải toả tâm hồn, một cách đi tìm giải đáp cho hướng thăng hoa của cuộc sống chật hẹp. Có điều trong đó tín đồ – hay người thiên ái – lại gồm những “bạn trẻ,.. sinh viên, công nhân”, những người đáng lẽ theo tinh thần đạo đức xã hội mới vẫn được rao giảng, là không nên quy tụ về các nơi này.
Gọi các tin tưởng ấy là lạc hậu cũng không ngăn được đòi hỏi của tâm hồn cần có một thế giới vượt thường, thế giới siêu linh – gọi đó là con đẻ của chính tư duy con người hay là một thế giới tự tại chiếu rọi xuống cuộc sống trần tục này, cách giải thích thế nào cũng không làm mất nhu cầu kia. Và do thế người ta không thể huỷ thần linh mà chỉ đổi thay thần linh – cách biến dạng như thế nào thì có lúc cũng giống như thời trang, thời trang chính trị. Người ta không huỷ hội lễ mà “hiện đại hoá” hội lễ để mong tẩy trừ các yếu tố lạc hậu: “mê tín”, “dị đoan”, và đề xướng việc biến đám rước thần thành “cuộc diễn hành đại chúng” cho “nó sống cuộc đời mới trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản” như, theo lời các người đề xướng, theo tiến trình mẫu mực đã xảy ra ở Liên Xô,(11) tách rời quan niệm Trung Quốc mới mà những tàn phá ở đấy vang vọng lại, đồng thời với sự chia lìa 1979 đã giúp chút phản ứng bày tỏ thành lời. Sức ép của quyền bính thế tục vẫn nhiều lần từng chứng tỏ hiệu quả của nó, nhưng đề xướng trên – ít có hi vọng được áp dụng, tuy đúng đường lối, vì không phát xuất từ lực lượng trọng tâm – giá như nó được tiến hành mạnh mẽ thì ta lại thấy hình thành những hèm mới, lần này ví dụ có thêm các nghi thức “hưng”, “bái” từng thống trị một thời, với những biến đổi nào đó... Ước mơ đổi-mới thần linh kia trở thành vô vọng khi thành trì của chủ nghĩa xã hội sụp đổ, và mọi thay đổi ngày nay lại phải tuỳ thuộc vào sự “sáng tạo” của người dân trong đó có mùi đôla nồng nặc.
Nói theo từ ngữ mới thì trong việc xuất hiện, đổi thay từng thần linh một hay đổi cả hệ thống thần linh, đổi thay nghi thức phụng thờ... các hiện tượng tự phát, tự giác cũng đã từng biểu lộ. Tuy nhiên các chương trình tự giác của Lí, Trần cũng không huỷ được dâm từ, không cản được các ông thần gốc ăn trộm vào ngự trị ở đình làng. Câu chuyện thần linh căn bản là câu chuyện văn hoá, của cuộc sống cụ thể, nghĩa là mang tính chất và sự phát triển phức tạp, nhiều hơn là của kinh sách từ chương, bùa chú hoá dạy bảo...
Chú thích
L. Cadière, “Croyances et superstitions...” BEFEO I(1901), tr. 205.
E. Porée-Maspéro. Etudes sur les rites... t. I (1962), tr. XI.
Đặng Hoà, Thế hệ ban đầu (Hà Nội 1986), tr. 42. Chúng tôi nhấn mạnh.
Viện văn học, Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) (Hà Nội 1986), ttr. 121 – 122.
Sơn Nam, Miền Nam..., sđd, tr. 88. Thực ra như có thể thấy, đây chỉ là ghi nhận theo lí tưởng, cảm tính mà bỏ qua những thực tế không mấy tốt đẹp của những tổ chức nằm bên lề xã hội, lẩn tránh chính quyền.
Những sự dè bỉu chê bai những thứ gì thuộc về phe xã hội chủ nghĩa phát xuất từ người dân Miền Nam, chính là do họ đã được đối chiếu trước mắt về trình độ phát triển của hai khối kình địch nhau, ở một địa điểm từng có sự tin tưởng về tính ưu việt của phe vừa chiến thắng mà sự hồ hởi có bốc cao cũng dần dần tàn rụi trước thực tế càng ngày càng rõ. Vì thế ở một chừng mực nào đó có thể coi Việt Nam vào phần tư cuối thế kỉ XX giống với nửa sau thế kỉ trước, phải chịu áp lực nặng nề của thế giới phát triển, lần này không phải với một đạo quân viễn chinh từ phía trời tây qua, mà ở ngay cửa ngõ láng giềng, dồn dập từ các nước tư bản kì cựu chuyển qua những nước cùng hệ thống nở rộ trong vùng. Từ đó thái độ co rút – nhất là sau chiến thắng – cũng là dễ hiểu. Thời đại mới có khác, nhưng ta cũng không sợ mang tiếng dị dạng mà dùng chữ “phái tân-Nguyễn” chỉ vào những người ngày nay chủ trương đóng cửa để bảo vệ thực quyền của mình với một cách thế hiểu về mácxít đậm nét phương Đông. Cũng có thể hiểu hành động đó một cách khác hơn, theo lí thuyết của ông Nguyễn Văn Khoa (“Thống trị và chênh lệch”. Thông tin UNESCO, số tháng Giêng 1987, ttr. 24 – 26) gợi ta nhớ lệch lạc đến câu “Đói (để) cho sạch, rách (để) cho thơm.” Luận điểm của hai ông Nguyễn và Gabraith này nghe như lời biện hộ cho sự bất lực của nước nghèo và một lối xoa dịu lương tâm của nước giàu.
Xem tinh thần đó ngự trị trong quyển sách dày: Đỗ Tất Lợi, Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Hà Nội tái bản lần thú ba 1977).
Le Courrier de Saigon, số ngày 20-2-1870, mục Tin địa phương từ Cần Thơ, trong bản thảo Luận án của chúng tôi.
Nguyễn Thành,”Hãy bảo vệ di sản văn hoá dân tộc”, báo Người Hà Nội số 48, ngày 14-5-1987, tr. 9.Chúng tôi nhấn mạnh. Những lời kêu gọi như thế càng nhiều trong năm 1988 bởi cả những người có danh vọng chữ nghĩa. Tình trạng ấy vẫn không mấy tốt đẹp cho đến năm cuối thế kỉ này.
Nguyễn Thành, “Câu chuyện thờ cúng”, Người Hà Nội số 44, ngày 15-2-1987, ttr. 12 – 13. Trước sự ồ ạt nổi dậy của tin tưởng cũ mà chính quyền không có cách gì ngăn chặn, ta thấy ở đây lộ rõ sự bực tức, một thoáng nuối tiếc thời quyền uy xưa.
Thu Linh – Đặng Văn Lung, Lễ hội truyền thống và hiện đại (Hà Nội 1984), chương V – VI.
Lần đầu: Sài Gòn1986–Tết Mậu thìn 1988,
tháng 9-1988