Nhìn chung, hệ thống thành hoàng là của cư dân làng xã với tuyệt đại đa số là cư dân nông nghiệp. Đây là những thần đất, thần linh khu vực dành cho nhà nông. Phần lớn như ta đã thấy, các thần linh dù nhiên thần hay nhân thần cũng đều mang bộ mặt địa phương hoặc địa phương hoá. Tinh thần duy văn hoá sản sinh trong sự tiếp nhận văn hoá phương Bắc, liên tục và sâu đậm qua nhiều thế kỉ khiến nhiều ông thần Trung Quốc đi thẳng vào đình làng, như ba ông thần làng Diên Hà của Lê Quý Đôn. Người ta không cần thắc mắc ngay cả ở những trường hợp tưởng là gay cấn: Tướng Mã Viện, với năm tháng dài lâu, dù đã được sử sách in vào tâm trí người dân là kẻ đã đàn áp hai vị nữ anh hùng dân tộc cũng vẫn được thờ làm thành hoàng trên vùng chiến trận An Lãng,(1) bởi vì người ta chẳng cần biết đến một ông Phục Ba trong chi tiết của quá khứ mà chỉ cần biết đến một vị thần, một ông Đông Hán Đại Vương mơ hồ, đến lúc này, lúc làng thờ cúng, đã địa phương hoá, đã trở thành một ông thần bảo hộ dân những làng xã Việt.
Tuy nhiên tình hình địa phương hoá thần linh này làm cho tác động của các thần linh cũ co rút lại, trong khi đất nước mở rộng theo với thời gian, không thể không dẫn đến yêu cầu về những thần linh mới, dù thái độ kiêu ngạo của kẻ cầm quyền ở vị thế chiến thắng đã làm ngăn trở sự tiếp nhận. Từ đó ta thấy xuất hiện những hệ thống thần linh mới, không phải thuộc nông nghiệp hay nông nghiệp hoá, trên biên giới mới, hay từ những tập họp thần linh gởi gắm ngay trong vùng đất Đại Việt tưởng như những yếu tố lạc loài mà lại có cơ sở dẫn đến tác dụng sâu xa.