Thần Long Cửu Chuyển

Chương 2: Máu loang Diệp Lạc miếu

Chỉ mới vào đầu canh một thôi, thế mà những nhân vật giang hồ đi lại
trên sơn đạo dẫn vào Lữ Lương sơn đã phải hờm hờm sẵn trên tay những món binh khí tùy thân rồi.

Đã qua lâu lắm rồi cảnh thanh bình hoan lạc trên võ lâm Trung Nguyên, dù ai ai cũng biết rằng mọi chuyện xảy ra chỉ mới có mười năm lại đây.

Đầu tiên là cái chết đột ngột không thể nào lý giải được của La minh
chủ, tiếp theo sau là làn sóng phân rẽ khích bác lẫn nhau giữa các môn
phái. Dù đã được vị Phó minh chủ đương nhiệm là Từ Kính Nhân hết lòng
phân giải khuyên ngăn nhưng làn sóng tranh chấp lẫn nhau giữa các môn
phái vẫn ngấm ngầm phát triển.

Tình hình đêm nay còn nghiêm trọng hơn khi hầu hết các lộ số giang hồ
đều đổ dồn về Lữ Lương sơn để tranh giành nhau Diệp Lạc kinh.

Diệp Lạc kinh là bí kíp của tiền nhân nào lưu lại, điều này không ai
biết. Hình dáng của Diệp Lạc kinh ra sao, không ai rõ. Đến độ từ nguồn
thông tin nào mà hầu như là cùng một lúc toàn thể nhân vật trên giang hồ biết được nơi tọa lạc của Diệp Lạc kinh tại Lữ Lương sơn cũng không ai
biết.

Nhưng đã là bí kíp võ học thì hấp lực của nó không phải là không có.
Phàm là người giang hồ ai lại không muốn võ công bản thân được tinh
tiến? Huống chi sự tranh chấp giữa các môn phái đang xảy ra ngày càng
trầm trọng thì bảo sao mọi người không đổ xô đến đây hòng chiếm đoạt
bằng được bí kíp võ học cho môn phái mình, cho bang phái của mình hay
cho chính bản thân họ?

Do đó, không khí càng lúc càng khẩn trương hơn khi họ bắt đầu tiến sâu dần vào Lữ Lương sơn.

Hơn một dặm đường dẫn lên Diệp Lạc miếu nằm ở lưng chừng núi, nơi mà
theo truyền thuyết có chứa Diệp Lạc kinh. Chốc chốc lại nghe tiếng binh
khí chạm nhau nảy lửa và tiếng la hét khủng khiếp. Đó là bọn người thuộc đủ các môn phái động thủ với nhau với ý đồ càng ít người đi đến đích,
cơ hội chiếm đoạt bí kíp về tay họ càng nhiều hơn. Cũng có khi không
phải vì thế mà chỉ vì một lời tranh hỏi nào đó khiến hai bên phật lòng
nhau.

Trong số hơn trăm con người đó có một nhân vật mà võ công chỉ vào hạng
ba trên giang hồ cũng đơn thương độc mã len lỏi lên Diệp Lạc miếu. Nhân
vật đó hồ như chỉ là hạng vô danh tiểu tốt nhưng lại có danh hiệu rất
kêu là Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào.

Có lẽ do tự tin ở bản lĩnh của mình hay do Cừu Dĩ Đào nghĩ rằng sẽ không ai làm gì nếu họ Cừu không động chạm gì đến ai được cả nên Cừu Dĩ Đào
vừa phiêu thân lạng qua lạng lại giữa bọn người đang động thủ với thanh
trường kiếm vẫn còn cắm trên lưng, ló khỏi vai chừng một thước, ung dung đi lần lên.

Dù thế Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào cũng biết rằng minh thương dễ tránh
còn ám tiễn thì khó phòng nên lúc nào Cừu Dĩ Đào cũng vận sẵn chân lực
trong người lên, thính lực và mục lực được Cừu Dĩ Đào vận dụng lên đến
độ chót. Để khi nào có bất kỳ một bóng người nào thấp thoáng qua khóe
mắt hay có bất kỳ một tiếng động nào có vẻ khả nghi thì Nhất Kiếm Sưu
Hồn Cừu Dĩ Đào liền dừng chân lại, giả vờ như kẻ bàng quan đúng mực chỉ
vui chân đi đến đây thôi, ngoài ra không có ý định nào khác như là tranh giành bí kíp, tranh chấp tiếng tăm, tranh hơi hơn kém!

Và cũng nhờ chỉ làm đến thế thôi nên Cừu Dĩ Đào vẫn còn nguyên vẹn đến
bây giờ, không một lần bạt kiếm, không một lần động thủ để rồi phải...
bôn đào!

Nhưng chuyện bôn đào là chuyện mà họ Cừu kiên quyết sẽ không cho nó xảy
ra. Biết khả năng bản thân không bằng người thì chẳng thà tránh đi
chuyện giao thủ. Bằng ngược lại, đã cố tránh mà không được thì họ Cừu
quyết thà chết chứ không bỏ chạy lấy thân. Vì họ Cừu được thân sinh đặt
cho danh tánh là Cừu Dĩ Đào kia mà.

Do đó, khi đến gần cuối canh hai thì Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào đã có mặt tại Diệp Lạc miếu.

Dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ, Cừu Dĩ Đào cố công tìm đến đây đi nữa cũng không sao tìm được ba chữ Diệp Lạc miếu nằm đâu đó trên cổng tam quan
vẫn còn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt.

Một vòng người đứng thành hình vòng cung ngay trước cổng tam quan ước độ khoảng ba mươi người, ngay trước mặt họ đã có đến năm xác chết nằm sóng soài trên vũng máu. Và khoảng lư bằng còn lại ngoài phạm vi các thây
người chỉ thấy toàn là lá. Lá của cây Bồ đề trồng ở giữa sân, ngay phía
sau cổng tam quan chừng hai trượng và cách Diệp Lạc miếu cũng khoảng hai trượng.

Từng lớp lá vàng rơi rụng đầy khoảng trống và chốc chốc lại còn rơi
xuống nữa khiến mọi người đều hiểu danh tự Diệp Lạc miếu là do đó mà có.

Nhưng nếu nghĩ là vậy thì... Không lẽ ngôi Diệp Lạc miếu này không có

người trụ trì ư? Vì nếu có người trụ trì thì chẳng lẽ họ lại để lá rơi
đầy sân mà không quét dọn gì sao?

Như vậy thì không đúng, và đã nghĩ là không đúng thì danh tự của ngôi miếu này là gì? Không ai biết được!

Có lẽ là do lâu lắm không có được ba trượng thì đã phải thất kinh chững
người lại. Vì đã có nhiều tiếng quát vang lên và một tiếng thét kinh
khiếp cất lên rồi nhỏ dần và... im bặt. Chen chân về phía trước để nhìn
cho rõ thì Cừu Dĩ Đào đếm được tất thảy là sáu thây người. Vậy là thêm
một nhân vật nữa đã tự tìm lấy cái chết khi định xông vào tìm kiếm Diệp
Lạc kinh.

Vận hết mục lục đưa lên, Cừu Dĩ Đào nhìn rõ trong lòng bàn tay hữu của
người vừa chết có nắm một chiếc lá Bồ đề khô. Và trên chiếc lá giữa màu
vàng bợt, Cừu Dĩ Đào nhìn thấy có những chấm đen li ti. Những chấn đen
đó dễ khiến mọi người lúc đó thoạt nhìn vào ngỡ là kinh văn. Chẳng trách nhân vật đó vừa nhìn thấy đã quên cả nguy hiểm để nhảy vào và chộp lấy. Nhưng theo nhận định của Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào thì những chấm
đen nhỏ đó chỉ là những sợi gân lá còn lại mà chiếc lá Bồ đề sắp nhũn
tạo nên, chứ nó không là kinh văn gì cả.

Qua sự việc này, Cừu Dĩ Đào càng tin chắc rằng Diệp Lạc kinh nếu có chắc chắn được cất giữ ở bên trong Diệp Lạc miếu chứ không thể khác được.
Thế là Cừu Dĩ Đào lại lùi ra tiếp tục dịch chuyển thân hình về mé hữu.

Đến chỗ cuối cùng của vòng người hình cánh cung thì Nhất Kiếm Sưu Hồn
Cừu Dĩ Đào thấy bên kia đều có địa hình giống nhau, nghĩa là Diệp Lạc
miếu được người xưa xây cất trên bờ một hố sâu, không sao ước đoán được.

Nhưng theo một nhận định nữa của Cừu Dĩ Đào thì mười phần đến chín có khả năng Diệp Lạc kinh được cất dưới hố sâu đó

Thế là Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào bèn đứng yên đó, vận dụng hết tâm
trí hy vọng tìm được kế nào đó trong thiên phương bách kế để lẻn xuống
hố sâu, hầu thám thính thực hư.

Còn đang suy tính thì Cừu Dĩ Đào nghe có một giọng nói chợt cất lên, lúc này trời đã vào canh ba rồi.

- Chư vị bằng hữu! Tại hạ là Hoàng Cao Sơn người của Côn Luân phái...

Tức thì có tiếng nói chen ngang :

- Câm mẹ cái miệng lại đi! Bọn Côn Luân thối các ngươi có gì hay mà lên tiếng!

Ngay lập tức có nhiều giọng nói đồng loạt vang lên :

- Bọn Không Động các ngươi mới chính là bọn thối!

- Im đi! Để xem họ Hoàng nói gì nào?

- Sủa gì mà sủa lắm thế! Ai mà thèm để ý vào mắt cái bọn Không Động!

- Bọn Côn Luân thối...

- Bọn Không Động thối...

- ...

Mỗi người mỗi phách, không ai nhịn ai! Cuộc tranh hơi tranh tiếng này ắt sẽ còn kéo dài nữa nếu không có người với nội lực hùng hậu chợt lên
tiếng cắt ngang :

- Câm ngay! Hừ! Các ngươi có biết bây giờ là canh ba rồi không? Các
ngươi còn định đứng lại đây đến bao giờ nữa chứ? Tên họ Hoàng kia ngươi
có cao kiến gì thì cứ nói, sau đó sẽ liệu sau! Nói đi!

Vòng người lập tức im phăng phắc, nhưng chỉ là tịnh khẩu thôi chứ không
thể tịnh thân, tịnh ý! Họ vẫn len lén dịch người xoay ngang xoay ngửa để nhìn xem người vừa lên tiếng phát thoại với trung khí mạnh mẽ thế là
nhân vật nào?

Và một khi họ đã nhận diện ra được nhân vật này, tất cả đều tỏ vẻ kinh
cung chi điểu. Vì nhân vật đó đã thành danh trên giang hồ không ai mà
không biết, chỉ cần nghe đến danh xưng Huyết Trảo Đoạt Mạng Tề Côn thì
không ai lại không e dè!

Hóa ra đêm nay không những có mặt bọn người tự xưng là Bạch Đạo lại còn
có những kẻ thuộc Hắc đạo nữa. Chính Huyết Trảo Đoạt Mạng Tề Côn là một
người thuộc hàng cao thủ của phe Hắc đạo.

Mười sáu năm trước, lúc thịnh danh của La minh chủ còn vang rền khắp bốn bể thì những kẻ như Tề Côn hầu như phải mai danh ẩn tích nếu không muốn chuốc nhục bại phải bị phế bỏ võ công vào tay La minh chủ. Còn bây giờ, sau khi La minh chủ đột tử được mười năm, thì bọn người như Tề Côn bắt
đầu rục rịch xuất hiện, thoạt tiên còn xuất hiện lẻ tẻ, nhưng khi tình
thế trên giang hồ ngày càng xáo trộn do phân tranh với nhau thì bọn
chúng lại xuất hiện ồ ạt hơn.

Chúng xuất hiện công khai hơn, như trường hợp đêm nay là bằng chứng cụ thể minh xác nhất.

Tuy mọi người có phần nào e dè trước sự xuất hiện của Huyết Trảo Đoạt
Mạng Tề Côn, nhưng không vì thế mà Tề Côn dám làm ẩu. Thử Tề Côn xông
đại vào bên trong thử xem sẽ biết đá biết vàng ngay. Bởi thế Tề Côn đâu
có dại gì mà xông vào đem thân nhục thể làm bia cho mọi người tập kích,
dẫu có lấy được Diệp Lạc kinh thì cũng phải xuống Khổng Tử thành mà
thôi!

Do đó Huyết Trảo Đoạt Mạng Tề Côn chỉ dám phô trương nội lực để bắt mọi
người thôi ngay cái trò đấu võ miệng mà để chờ nghe xem Hoàng Cao Sơn có cao kiến gì khả dĩ thi hành được không trong tình thế khẩn trương này.

Được một người như Huyết Trảo Đoạt Mạng Tề Côn ủng hộ, Hoàng Cao Sơn
cũng không lấy gì làm cao hãnh lắm nhưng dù sao đây cũng là một dịp để
được giãi bày, nên Hoàng Cao Sơn liền tranh thủ nói :

- Chư vị bằng hữu võ lâm! Cao kiến thì tại hạ không dám nhận, nhưng theo thiển ý của tại hạ thì... Lạc Diệp kinh gì đó nếu có thì phải được đặt
để đâu đó trong ngôi miếu kia, chứ không thể nào nằm lẫn giữa muôn ngàn
chiếc lá như thế này! Nếu chư vị bằng hữu võ lâm tin ở lời tại hạ thì
tại hạ xin được trình bày một ý thô thiển sau đây...

- Đúng lắm! Hoàng bằng hữu nói phải lắm! Vậy chúng ta phải làm gì nào, xin Hoàng bằng hữu chỉ giáo cho!

Mọi người gần như nhao nhao lên, nói những ý tương trợ, nên Hoàng Cao
Sơn càng thích chí hơn, Hoàng Cao Sơn bước lấn lên phía trước vòng người một bước, đoạn xoay người lại theo cung cách mà Hoàng Cao Sơn thường
thấy La minh chủ đồng môn sư thúc dùng đến mỗi khi nói chuyện với số
đông nhân vật võ lâm.

Nghĩ là Hoàng Cao Sơn vòng tay lại, thủ lễ giáp một vòng, đoạn sang sảng nói tiếp :

- Muốn khẳng định được điều này thì ngay bây giờ tất cả chúng ta hãy chỉ định ra một hoặc hai nhân vật. Hai nhân vật này sẽ xông vào trong miếu
để tìm kiếm thử xem liệu có thấy Lạc Diệp kinh hay không?

- Không được!

- Sao lại là hai mà không là ba, là bốn hay là năm người?

- Thế nếu tìm được mà hai người này lại giấu đi nói là không có thì biết phải làm sao đây?

- Tại sao chúng ta không xông vào một lúc? Ai có phúc phận thì tìm được? Và ai tìm được thì người đó là chủ sở hữu của Diệp Lạc kinh...

- Cứ cho là tìm được đi, vậy sau đó thì chia nhau làm sao đây? Hoàng bằng hữu nói thử xem?

Chừng như đã liệu định trước là sẽ có những câu chống đối này, nên Hoàng Cao Sơn vẫn giữ nguyên dáng vẻ trầm tĩnh, đúng phong độ giữa người
thuộc võ lâm chính phái, đợi cho tiếng náo nhiệt lơi dần đi vì những
người vừa gây nhiệt náo đó đã nhìn thấy thái độ vững như bàn thạch của
Hoàng Cao Sơn nên họ biết rằng họ Hoàng đã có ý định sẵn, do đó họ phải
kiềm lòng lại chờ nghe xem nhân vật thuộc Côn Luân phái sẽ nói thế nào?

Hoàng Cao Sơn bèn nói tiếp như muốn đề tỉnh mọi người :

- Chư vị bằng hữu, đúng là tại hạ cũng không biết giải quyết thế nào
trong trường hợp mà chư vị nêu ra nếu chư vị không tin nhau, luôn nghi
kỵ lẫn nhau. Duy có một điều không hiểu chư vị có nhìn ra không? Đó là
chư vị sẽ phải làm gì nếu ở đây không có Diệp Lạc kinh gì hết?

Toàn trường rộng hơn hai mươi trượng vuông kể cả ngôi Diệp Lạc miếu nhỏ
bé cũ kỹ với nhân số lúc này lên đến gần bốn mươi người đều lặng im như
tờ, mặc dù tất cả vừa xôn xao đó khi nghe Hoàng Cao Sơn bảo là không có
hướng giải quyết nào sau đó nếu phát hiện được Diệp Lạc kinh.

Lúc này tất cả đều suy nghĩ đến vấn đề mấu chốt mà họ Hoàng thay mặt cho phái Côn Luân vừa nói ra...

Biết lời nói của mình đã có tác dụng, họ Hoàng bèn phân tích rạch ròi hơn :

- Chư vị thử nhớ lại xem là ai đã nói với chư vị rằng ở đây có Diệp Lạc
kinh? Chư vị có ngạc nhiên không khi không hẹn mà đồng thời chúng ta có
mặt ở chỗ này? Chư vị có cho rằng đây là kiếp vận của võ lâm không nếu
mọi người trong chúng ta hàm hồ đấu đá nhau để tranh giành một vật không hề có? Tại hạ đã có linh cảm về việc này, bây giờ tại hạ còn thấu triệt hơn nữa. Vậy tại sao chúng ta không cử ai đó đầy đủ tín cẩn để giao phó việc kiểm chứng này? Nếu chư vị cho lời tại hạ nói là không đúng thì cứ tự tiện, chư vị cứ xông vào, ùa nhau xông vào bằng thích. Còn phái Côn
Luân tại hạ xin đứng vòng ngoài, miễn cho sự tranh giành này.

Mọi người cùng nhau chiêm nghiệm những lý lẽ mà Hoàng Cao Sơn vừa đưa
ra, họ càng chiêm nghiệm thì càng thấy rằng những lời của họ Hoàng quả
là hữu lý. Và càng hữu lý hơn khi họ nghe Hoàng Cao Sơn bảo rằng phái
Côn Luân của y sẽ đứng vòng ngoài, không đặt chân vào vũng nước xoáy,
điều này, có nghĩa là, theo họ nghiệm ra, phái Côn Luân sẽ để mặc tình
cho mọi người xâu xé và tranh giành, còn họ, bọn Côn Luân thối tha sẽ ở
thế “Bang Duật tướng trì, ngư ông đắc lợi”.

Vỡ lẽ được điều này, không ai bảo ai mà trong thâm tâm mọi người ngấm
ngầm tán đồng phương thức do họ Hoàng đề ra. Họ không dại gì mà không ở
thế Tọa sơn quan hổ đấu như bọn Côn Luân quỷ quyệt!

Và cũng tự trong thâm tâm, chỉ biểu lộ qua những tròng mắt đảo lên lộn
xuống của mọi người, họ bắt đầu dò xét lẫn nhau, tìm hiểu lẫn nhau để
xem họ nên chọn nhân vật nào đây để giao phó trọng trách này? Nhân vật
nào đủ cho tất cả mọi người tín nhiệm đây?

Cứ để mặc cho mọi người tại đấy chiêm nghiệm dò xét, chọn mặt gửi vàng,
Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào vẫn tiếp tục vận dụng chút trí khôn linh
mẫn của mình để mưu tìm phương cách đoạt Diệp Lạc chân kinh hầu thỏa mãn tham vọng ấu trĩ của bản thân

Sau cùng, đến lúc mà Cừu Dĩ Đào định bỏ cuộc, thì một dịp may đã đến với Cừu Dĩ Đào. Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào cực kỳ cao hứng khi thấy vòng
người đang đứng lặng đó bỗng xôn xao nhộn nhịp hẳn lên vì có một nhân
vật đang đưa bước chân chen lấn vào vòng người. Vừa chen lấn nhân vật
này vừa lên tiếng rổn rảng.

Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào không bỏ lỡ dịp may hiếm có, nhân cơ hội đó vòng người đang náo động vừa lùi hẳn về phía sau, chếch hẳn về phía
hữu, vừa dõng tai lên nghe xem nhân vật đó nói gì?

Cừu Dĩ Đào nghe nhân vật đó bảo :

- Bản nhân xin gánh lấy trọng trách này!

Liền ngay sau đó có nhiều tiếng cười khả ố và châm chọc nổi lên :

- Hố hố hố... ở đâu ra một cô nương có nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn cỡ quỷ Dạ Xoa thế này vậy? Hố hố hố...

- Ha ha ha! Xú cô nương ơi, cô nương có phu quân chưa vậy? Sao cô nương
không ở nhà mà hầu hạ phu quân? Cô nương không sợ đấng phu quân của cô
nương lẻn nhà đi tìm thê thiếp khác hay sao? Ha ha ha...

- Này, này! Thị tì đó là ai vậy? Bộ ả ta không hiểu rằng chúng ta cần
một nhân vật đầy đủ uy tín hay sao? Bộ dạng của ả có uy tín gì với ai mà chen chân chen mồm vào đây vậy kìa?

Cừu Dĩ Đào không nhìn thấy gì nên không biết nhan sắc của cô ả ra sao mà có người lại chê là Quỉ Dạ Xoa? Nhưng Cừu Dĩ Đào biết chắc chắn ả ta
không đẹp gì cho cam, và điều thứ hai mà Cừu Dĩ Đào biết chắc nữa, đó là ả nọ ắt phải nổi xung lên khi nghe những lời chói tai từ cửa miệng của
những tay bại hoại đó phát ra.

Đúng là như vậy, vì Cừu Dĩ Đào nghe có một tiếng gió rít và... một vật
trăng trắng bé nhỏ bỗng xuất hiện ngay trên cổng Tam quan.

Phập!

Vật đó vừa xuất hiện thì thần tình của mọi người đều ngẩn ngơ, tất cả
đều sững sờ nhìn vào vật trắng đó không một ai lên tiếng nữa.

Họ không lên tiếng vì mọi người hầu như đã biết vật đó là vật gì rồi.
Hoặc nếu không nghe biết đến vật đó như bản thân Cừu Dĩ Đào chẳng hạn,
thì chỉ cần người đứng kề bên phụ nhĩ một câu ngắn gọn thì người ấy sẽ
hiểu ra và tất nhiên là phải kiêng dè.

Không phải thế hay sao, vì chính bản thân Cừu Dĩ Đào chỉ cần nghe loáng
thoáng có hai chữ thôi mà đã nghe rụng rời tay chân rồi còn gì.

Và Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào có dự cảm tình thế hôm nay càng lúc càng nguy kịch. Nguy kịch đến nỗi nếu Cừu Dĩ Đào không khéo léo ắt sẽ mất
mạng như chơi.

Vì vật trắng đó chính là tiêu ký của một nhân vật giang hồ vào hàng
thượng đẳng trên giang hồ cách đây bốn mươi năm dư. Nhân vật này nửa tà
nửa chính, không bao giờ giết người vô tội nhưng hễ ai mà nhân vật này
cho là có tội thì bất kể là Bạch đạo hay Hắc đạo, tà hay chính gì bất
cần, nhân vật đó cũng hạ thủ ngay. Và thường thì mỗi khi nhân vật đó hạ
thủ thì đối phương hết sống tức khắc.

Đó chính là Bạch Phướng Khô Lâu Ký. Và chủ nhân của nó là Bạch Phát bà
bà (trước đây Bà bà là Bạch Phát Xú Cô, nhưng sau đó, khi La minh chủ
chính thức đảm nhận chức vụ Minh chủ thì Bạch Phướng Xú Cô liền ẩn tích
giang hồ, chỉ để lại vài lời cho La minh chủ đại ý nói: “Đã có La minh
chủ giữ gìn giềng mối võ lâm, nên Bạch Phướng Khô Lâu Ký không cần xuất
hiện nữa” Và phần thụ danh thay vì Bạch Phát Xú Cô, lại ghi là Bạch Phát bà bà. Lúc đó mọi người không ai hiểu lý do việc tự đổi danh xưng này,
nhưng bây giờ họ đều hiểu. Thì ra Bạch Phướng Khô Lâu Ký không phải là
biệt tích hẳn giang hồ, và vào thời điểm tái xuất hiện đó mọi người sẽ
gọi chủ nhân của Bạch Phướng Khô Lâu Ký là gì nếu không gọi là Bạch Phát bà bà? Điều này cũng có nghĩa là vị cô nương vừa xuất hiện hoặc là hậu

nhân hoặc là truyền nhân của Bạch Phát bà bà rồi). Không cần phải nói,
Cừu Dĩ Đào tin rằng những tên bại hoại giang hồ rồi đây sẽ phải khốn khổ bởi Bạch Phướng Khô Lâu Ký, nhất là những kẻ độc mồm độc miệng, phát
ngôn bừa bãi, không trông trước trông sau vừa mới rồi.

Rồi Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào nghe có tiếng Hoàng Cao Sơn cất lên :

- Cô nương đây là... Cô nương là gì của chủ nhân Bạch Phướng?

- Là gì cũng được! Các hạ xem thử xem Bạch Phướng Khô Lâu Ký đó là thật
hay giả vậy? Bản nhân liệu có đủ tín nhiệm để nhận trọng trách này hay
không? Hay là cần chứng nghiệm võ công? Nào!

Giọng nói cô ả đúng là rổn rảng khó nghe. Thanh đã thế thì sắc ắt phải
tệ, tuy nhiên, uy lực của Bạch Phướng Khô Lâu Ký không phải là không
còn, dù đã vắng mặt trên giang hồ những bốn mươi năm, cho nên Hoàng Cao
Sơn đã khéo léo chống chế :

- Việc chứng nghiệm võ công thì... theo tại hạ chắc là không cần đâu. Vì không lẽ cô nương lại dám lòe thiên hạ bằng thủ đoạn thô thiển này? Vả
lại, nếu phải ấn chứng võ học tại đây thì hóa ra tại hạ lại mâu thuẫn
với lời nói của tại hạ khi nãy sau? Tuy vậy, tuy tại hạ tín nhiệm ở cô
nương, nhưng còn mọi người ở đây thì sao? Nếu tất cả đều tín nhiệm ở cô
nương, thì tại hạ không còn lý do gì để nói cả.

Rốt cuộc, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào cũng đã tụt người xuống cái hố
sâu ngay phía sau Diệp Lạc miếu một cách an toàn và bí mật.

Trong khi Cừu Dĩ Đào tìm đường leo xuống sâu hơn nữa (không biết phải
xuống sâu đến độ nào đây?) thì Cừu Dĩ Đào đã phải sửng sốt khi nghe tân
chủ nhân của Bạch Phướng Khô Lâu Ký lên tiếng :

- Bản nhân nói thế thôi, chứ bản nhân không giành quyền đó cho bản nhân
đâu. Đây là bản nhân chỉ muốn cảnh cáo sơ thôi, nếu nhân vật nào có được chỉ định và muốn giở trò thì đừng trách bản nhân đã không nói trước.
Còn bây giờ bản nhân muốn đề cử một người đây, có được không?

- Xin cô nương cứ nói, nếu nhân vật mà cô nương chỉ định được mọi người tín nhiệm thì...

Hoàng Cao Sơn vừa nói được đến đây thì Cừu Dĩ Đào đã nghe vị cô nương nọ ngắt ngang lời để nói :

- Bất tất phải lắm lời, người mà bản nhân đề cử không ai khác hơn là các hạ, các hạ nghĩ sao?

Nghe đến đây, Cừu Dĩ Đào liền nghe tất cả mọi người đang đứng trên lư bằng đều nhốn nháo tán đồng.

Nhân đó Cừu Dĩ Đào tiến sâu xuống hơn được một trượng nữa, và Cừu Dĩ Đào ngay tức khắc phát hiện được một chỗ hõm sâu vào vách đá cheo leo dưới
chân Diệp Lạc miếu, chỗ hõm sâu đó là do thiên nhiên tạo thành chứ không phải do con người tạo nên vì Cừu Dĩ Đào mò mẫm bằng tay đều cảm nhận
được vách đá trong hõm đó đều liền trơn không có dấu hiệu đục đẽo. Tuy
vậy, Cừu Dĩ Đào cũng tạm dừng chân ở đó, Cừu Dĩ Đào hy vọng tìm được
điều khác lạ nào đó đang ẩn giấu trong chỗ hõm này.

Cũng trong lúc này, Cừu Dĩ Đào nghe mọi tiếng động ở bên trên im bặt,
điều này có nghĩa là tất cả bọn họ đều đồng ý với giải pháp mà vị cô
nương nọ đề xướng. Không phải họ đồng ý vì tín nhiệm gì ở người Côn Luân là Hoàng Cao Sơn mà là họ tín nhiệm ở Bạch Phướng Khô Lâu Ký thì đúng
hơn. Thử hỏi, Hoàng Cao Sơn có ba đầu sáu tay gì mà dám qua mặt chủ nhân Bạch Phướng Khô Lâu Ký? Có họa là họ Hoàng quá tham, tham đến mờ mắt,
mờ cả lý trí nên mới dám ghẹo vào người thừa kế Bạch Phướng Khô Lâu Ký.
Điều này chắc hẳn là sẽ không bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào vẫn băn khoăn ở mỗi một điểm,
liệu khi họ Hoàng báo tin là có Diệp Lạc kinh thì tình thế lúc bấy giờ
sẽ ra sao? Hoặc trong trường hợp ngược lại nghĩ là khi họ Hoàng bảo là
không có Diệp Lạc kinh thì bọn họ liệu có tin không? Tin thì dễ rồi, còn nếu như tất cả đều không tin thì... cuộc xô xát ắt sẽ phải diễn ra mặc
cho họ Hoàng can ngăn, mặc cho uy lực của Bạch Phướng Khô Lâu Ký đang
hiện diện ở đó.

Nghĩ đến đây Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào mới biết là mình dại, đã lỡ
leo xuống đây rồi thì dù trên đó có hay không có Diệp Lạc kinh thì Cừu
Dĩ Đào cũng phải ẩn thân dưới này, đợi cho đến khi mọi người tàn sát với nhau xong thì Cừu Dĩ Đào mới được quyền leo lên. Có nghĩa là nếu ở trên quả thực có có Diệp Lạc kinh thì Cừu Dĩ Đào hoàn toàn không có cơ hội
để tranh đoạt.

Ôi! Thiên số! Khốn khổ thay cho sự linh mẫn của Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào đã tự dụ mình vào hoàn cảnh này.

Thế là Cừu Dĩ Đào bèn ngồi lỳ tại chỗ hõm đó ngưng thần dồn hết mọi
thính lực lên để nghe ngóng kết quả ở bên trên cái đã, sau đó sẽ tính
tiếp.

Tâm tự trầm năng, Cừu Dĩ Đào ở bên dưới cùng chung một tâm trạng với bọn người bên trên. Tất cả đều im lặng và chờ đợi. Sự chờ đợi làm thời gian như kéo dài hơn. Và tất cả đều bồn chồn lo lắng khi thấy đã quá lâu rồi mà vẫn không thấy Hoàng Cao Sơn xuất hiện, mặc dù lúc này vẫn còn là
canh ba, vẫn chưa hết canh ba.

Khốn khổ nhất trong tất cả mọi người tại đương trường là Cừu Dĩ Đào,
người ta chờ đợi vì người ta còn có hy vọng, còn Cừu Dĩ Đào thì không.

Chưa hết! Dưới này đã tối như hũ nút thế mà vầng trăng đang tỏ trên kia
lại lần lần chui vào một đám mây dày đặc, khiến cho Cừu Dĩ Đào đã căng
hết mục lục ra mà vẫn không nhìn được gì.

Bỗng... sự im lặng đang tồn tại đột nhiên bị một tiếng kêu lớn vang lên phá vỡ.

Đó là âm thanh của Hoàng Cao Sơn, môn nhân của Côn Luân phát ra.