Trưa hôm mười hai tháng Giêng, trời vẫn còn rét mướt mặc dù mưa tuyết đã ngừng nhưng gió vẫn còn thổi ào ào.
Trên cánh đồng ruộng mênh mông không một bóng người đi lại.
Bỗng nhiên có hai điểm như bay, lúc đến gần mới hay đó là hai người cưỡi ngựa đang phi nước đại.
Một ông già râu tóc bạc phơ, một đại hán mặt đỏ.
Hai người đi đến sườn núi bỗng ông già ủa một tiếng rồi cả hai gò cương lại.
Ông già nhìn xung quanh rồi lớn tiếng nói:
- Này hiền đệ, lạ thật! Chúng ta đuổi được hơn trăm dặm rồi mà chẳng thấy tên mã tặc đâu cả.
Vết ngựa cũng không để lại, quả thật thủ đoạn của tên giặc rất cao minh.
Gã đại hán mặt đỏ trầm ngâm giây lát rồi đáp:
- Thưa đại ca, theo thiển kiến của tiểu đệ thì tên mã tặc này không phải tầm thường, nửa tháng nay, đêm nào trong trời mưa tuyết chúng ta cũng mất ngựa.
Đến khi chúng ta phát giác thì đã lấp mất hết vết chân ngựa, đủ thấy tên giặc này rất thuộc địa hình nơi đây, có lẽ trong nhà thông đồng với...!
Ông già nọ vội xen:
- Vậy chú thử đoán xem người đó là ai? Trong mục trường của chúng ta ai cũng thành thật đáng tin và nếu quả thật có như vậy thì thật không thể tưởng tượng được.
Hai người này là trường chủ và phó trường chủ của mục trường Sát Bắc Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu và Bát Quái Kim Đao Trịnh Kim Ngô.
Trịnh Kim Ngô khẽ đáp:
- Việc này tiểu đệ nghi ngờ đã lâu nhưng chưa có chứng cớ nên chưa dám nói ra, e mất niềm hòa khí giữa anh em.
Người đó là nghĩa tử của đại ca, là Từ Triệu Sâm đấy.
Ngô Phụng Bưu ngạc nhiên hỏi:
- Y đấy à? Tại sao y làm như thế?
Trịnh Kim Ngô nhìn Ngô Phụng Bưu thở dài đoạn đáp:
- Đại ca quả thật là người trung hậu.
Triệu Sâm bên ngoài thì cung thuận nhưng bên trong thì gian hiểm xảo quyệt vô cùng.
Tiểu đệ đã nhận xét ra điều đó từ lâu.
Nguyên nhân là Bắc Gia Bảo Chủ Bốc Anh muốn chiếm mục trường của chúng ta.
Triệu Sâm rất say mê sắc đẹp của Lệ Hằng con gái y vì vậy y mới thừa cơ xúi giục Triệu Sâm.
Đó là nguyên nhân chính...!Đại ca còn nhớ mười năm trước ở Long Giang, đại ca dùng Thiết Quài đánh Tam Khôi bị thương không? Phong Thanh Long Giang Tam Khôi hiện giờ đang ở trong Bắc Gia Bảo.
Tiểu đệ dám cam đoan việc này thể nào cũng do Bốc Anh chỉ huy.
Ngô Phụng Bưu nghe xong lẳng lặng không nói gì, một lát lâu mới hỏi:
- Việc này nếu đúng như tiểu đệ đoán thì may mắn lắm nhưng tình tiết bên trong không giản dị như thế đâu.
Vấn đề này ngu huynh đã nghi ngờ nửa tháng nay rồi nhưng không tiện nói ra.
Ngô Phụng Bưu chưa dứt lời thì đã thấy bên trái đống tuyết có tiếng vọng ra rất hùng mạnh:
- Quả thật gừng già cay có khác, việc này quả thật không giản dị như thế đâu.
Hai người kinh hãi.
Ngô Phụng Bưu nhảy xuống ngựa, nhắm phía nơi phát ra tiếng nói tấn công ngay.
Bỗng có một bóng xám nhảy lên với một chuỗi cười ha hả, rồi chỉ thoáng một cái là y nhảy xa năm trượng, rồi cắm đầu chạy mất...!
Ngô Phụng Bưu thấy bóng người nọ mất hút, ngẩn người một lúc lâu rồi lại tung mình nhảy lên yên ngựa, nhìn Kim Ngô, cười gượng và nói:
- Thân pháp của người ấy nhanh tuyệt, không kém gì anh em chúng ta, nhưng như vậy đủ chứng thực lời nói của chúng ta là đúng.
Thôi chúng ta về đi.
Hai người liền cùng quay ngựa trở về mục trường.
Phía đông mục trường trong căn nhà nhỏ có hai người đang ngồi đánh cờ, lò lửa gần đó cháy ngùn ngụt tỏa hơi ấm áp vô cùng.
Một người tuổi trạc bốn mươi râu ngắn, mặt đỏ bừng có vẻ say, người kia là một thanh niên tuổi chưa đến ba mươi, mặt trắng trẻo, mắt hớn hở vui tươi hình như đang thắng thế cờ thì phải.
Lúc ấy đã đến giờ Thân, ánh sáng trong nhà càng lúc càng tối, thanh niên đột nhiên cười lớn và nói:
- Lưu võ sư, ván cờ này tiểu đệ đã thắng đứt rồi, muốn gỡ thì đánh ván khác đi.
Nói tới đó thì y ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và tiếp:
- Trời sắp sáng rồi mà chánh phó trường chủ chưa thấy về, không biết có chuyện gì xảy ra không?
Lưu võ sư hình như không để ý nghe, hai mắt cứ chăm chú nhìn vào ván cờ tàn gãi tai, gãi cổ một hồi rồi mới trả lời:
- Thôi được, tôi nhận thua, vậy chúng ta chơi ván khác đi.
Thanh niên kia vội đẩy bàn cờ ra và đứng dậy nói tiếp:
- Chánh phó trường chủ đã về kìa, chúng ta hãy ra xem sao.
Nói xong hai người liền ra ngoài sân, vừa lúc Ngô Phụng Bưu và Trịnh Kim Ngô xuống ngựa từ từ bước tới, Phụng Bưu thấy thanh niên nọ đưa đôi mắt sắc bén nhìn hắn ta một cái rồi vừa cười vừa hỏi:
- Triệu Sâm, con có ngờ được không, kẻ lấy trộm ngựa lại là thủ hạ của Hộ Nha Trượng Bốc Anh?
Triệu Sâm nghe Phụng Bưu nói chỉ hơi cau mày lại, sắc mặt vẫn bình thản rồi cười đáp:
- Thưa nghĩa phụ, theo ý con thì không phải đâu.
Bốc lão chủ chơi thân với nghĩa phụ thì khi nào ông ta lại làm những trò đê hèn như vậy.
Kim Ngô xen vào:
- Thời buổi bây giờ lòng người nham hiểm, thân như cốt nhục còn không thể tin được huống chi người ngoài.
Triệu Sâm nghe Kim Ngô nói như vậy hơi biến sắc mặt, lặng thinh không dám góp ý kiến nữa.
Ngô Trịnh hai người vào khách sảnh, Phụng Bưu chỉ có một người vợ già và một người cháu nhỏ ở mục trường này thôi, còn con và dâu ở Thiên Tân mở tiêu cục, Kim Ngô thì có rất nhiều con cái, tất cả tám đứa nhưng đứa lớn nhất của y mới mười một tuổi.
Triệu Sâm giỡn với con nhỏ của Kim Ngô mà vẻ mặt hình như gượng gạo, Kim Ngô liếc thấy cười thầm.
Phó chủ trại liền nhớ tới lúc ở Thiên Sơn, Vân Nhạc có nói: “Tên Từ Triệu Sâm hình lang, mũi mỏ két, sau gáy y thấy hai quai hàm bạnh ra.
Con người như vậy nham hiểm, xảo quyệt vô cùng”.
Tuy y là nghĩa tử của Ngô trường chủ thật nhưng phó trường chủ để ý đến y.
Chưa biết chừng y sẽ gây nên tai họa mà không hay.
Kim Ngô bình sinh không phục ai nhưng đối với Vân Nhạc thì khâm phục vô cùng.
Từ đó y liền ra lịnh cho những thủ hạ tâm phúc ngấm ngầm dò xét Triệu Sâm.
Đêm hôm đó gió thổi rất lạnh, đàn ngựa không chịu nổi giá lạnh nên rú rất bi thảm.
Bọn Phụng Bưu đang ngồi quanh lò sưởi nhậu nhẹt, bỗng có một người coi ngựa chạy vào báo:
- Nguy tai, nguy tai! Chuồng ngựa phía đông có một bọn giặc bịt mặt đến cướp và phóng hỏa nữa.
Bên ta đã chết và bị thương mất bốn năm người.
Phụng Ngưu đứng phắt dậy, hai mắt hổ lóng lánh oai nghi vô cùng, liền ra lệnh:
- Ngươi mau truyền cho các người giữ chặt các đường ra vào, không được tự loạn.
Lão gia sẽ đến ngay.
Người coi ngựa vội chạy ra.
Phụng Bưu lại nói với Kim Ngô:
- Hiền đệ ở lại đây để bảo vệ người nhà tránh kế điệu hổ ly sơn, để huynh ra ngoài xem sao.
Nói xong lão trường chủ quay lại quát:
- Triệu Sâm, mau đi ngay.
Hai người liền ra ngoài sảnh.
Từ phía đông ánh sáng lửa rực trời, gió bấc thổi mạnh làm ngọn lửa bốc cao, khói đen mịt trời, tiếng người la ngựa hí vang lên loạn xạ.
Phụng Bưu tức giận vô cùng chỉ muốn chính tay mình giết sạch bọn giặc cướp mới hả dạ, liền giở khinh công ra lướt tới phía đông chuồng ngựa bị cướp.
Chỉ thoáng cái lão trường chủ đã đến nơi.
Triệu Sâm còn nóng lòng hơn người khác, y theo sau Phụng Bưu cách chừng hai trượng như vậy đủ thấy khinh công của y còn kém Phụng Bưu xa.
Đột nhiên thấy có một bóng đen ở xó tối xông ra, Phụng Bưu nhanh mắt trông thấy liền quát hỏi:
- Có phải Diệp võ sư đấy không?
Người nọ ngẩn người đáp:
- Trường chủ đó hả? Tối hôm nay bọn giặc đến đông, tôi phải ra phía trước để tiếp ứng.
Nói xong y đi liền, Phụng Bưu khen:
- Thế mới là hảo hán.
Phụng Bưu quay nhìn Triệu Sâm tiếp:
- Trong lúc hoạn nạn này mới biết ai là kẻ hay người giỏi, con chớ coi thường Diệp Thắng, ngày thường y mê rượu và hay sinh sự nhưng trong lúc nguy y rất sốt sắng xả thân làm tròn việc.
Người giang hồ đáng quý nhất ở điểm đó.
Triệu Sâm, con nên học những điều hay ấy của võ sư.
Triệu Sâm gật đầu, hai má đỏ bừng có vẻ ăn năn hối lỗi.
Hai cha con liền đến thẳng chuồng ngựa phía đông, lúc ấy ngọn lửa dịu dần.
Các mã sư, võ sư và bọn làm công cả thảy hơn trăm người đều tụ tập nơi đây để cản trở và dập tắt ngọn lửa.
Phụng Bưu thoáng thấy mười mấy tên giặc bịt mặt, tay cầm khí giới đang chém giết các võ sư mà bên mình đa số đã bị thương, tức giận vô cùng, nếu không biết đối phó thì tài sản của mình trong mấy chục năm tâm huyết gầy dựng sẽ tiêu tan trong nháy mắt.
Ngô trường chủ thấy có tên giặc mạnh nhất đang đối phó với ba võ sư của mình mà có vẻ thắng thế hơn, có lẽ là đầu sỏ.
Phụng Bưu rút phật thủ quài ra tấn công tên đó tức thì.
Tình thế hỗn loạn vô cùng.
Tên giặc bịt mặt đang đấu với ba võ sư sắp hạ được địch thủ, ngờ đâu Phụng Bưu xông tới đánh như vũ bão.
Tên giặc dù sao cũng là một cao thủ, công lực rất tinh thâm, chỉ thấy y khom lưng nhún chân một cái đã nhảy ra xa hơn hai trượng, tránh được thế công của Ngô trường chủ.
Phụng Bưu thấy tài của tên giặc như vậy cũng khen thầm.
Ngô trường chủ lại xông đến gần tên giặc tấn công một thế mạnh hơn.
Tên giặc chưa đứng đã bị tấn công thế thứ hai, lại nhún mình nhảy lên trên cao hai trượng tránh khỏi thế công đó nữa.
Phụng Bưu thầm phục tài né tránh của y, nhưng lão hiệp thấy thân pháp tên nọ quen thuộc, liền cười ha hả nói:
- Mỗ tưởng là ai, không ngờ là Vân đương gia giá lâm.
Ngô mỗ tự nghĩ xưa nay không làm mất lòng đương gia bao giờ, sao hôm nay Vân đương gia lại chiếu cố đến tệ mục trường này thế? Hay Ngô mỗ không biết cách tiếp đãi bạn chăng?
Thì ra tên giặc đó là Quang Trung Nhất Quái Phi Thiên Hiết Tử Vân Hạo, đã biểu diễn võ công kinh người trên lôi đài ở Chu gia trang.
Quả nhiên Phi Thiên Hiết Tử Vân Hạo nghe Phụng Bưu nói như vậy ngẩn người ra rồi cả cười đáp:
- Ngô trường chủ lợi hại thật, mới thoáng trông đã đoán ra Vân mỗ rồi, nhưng chớ có đổ họa cho người.
Xưa nay mỗ hành động tuy ác độc thật nhưng không quen cái lối giết người phóng hỏa này.
Nói xong y liền cởi khăn bịt mặt ra để lộ bộ mặt gầy gò, trên mép có bộ râu dê, hai mắt lộ hung quang.
Phụng Bưu cười nhạt mấy tiếng rồi nói:
- Vân đương gia khéo ăn nói thật.
Thế tối hôm nay chẳng lòi ra sự thật sao?
Phi Thiên Hiết Tử cười giọng giảo hoạt đáp:
- Nếu Ngô trường chủ cho việc này là do Vân mỗ tạo nên, thì dù Vân mỗ có một nghìn cái miệng cũng không sao biện bạch được.
Nhưng dù sao Vân mỗ cũng phải nói rõ ràng, Vân mỗ tới đây làm vì có người nhờ vả.
- Ngô mỗ không hiểu Long Giang Tam Khôi là cái quái gì mà Vân đại ca bị chúng quyến rũ nối giáo cho giặc như vậy.
Vả lại chúng là nhân vật chính mà sao không đến đây lại làm nhọc đại giá Vân đại ca chứ?
Vân Hạo liếc nhìn Phụng Bưu một cái rồi đáp:
- Ngô trường chủ chớ nói vậy.
Vì tình nghĩa ra tay giúp bạn mà từ chối sao được.
Huống hồ Vân mỗ với Long Giang Tam Khôi là bạn chi giao.
Còn việc hôm nay ai phải ai trái, Vân mỗ chưa dám nói! Long Giang Tam Khôi đã tới rồi, Ngô trường chủ chưa thấy mới trách cứ mỗ.
Mục trường hôm nay không sao tránh khỏi tai ách được, khỏi nói cho mất công.
Phụng Bưu càng hoài nghi vì bọn Long Giang Tam Khôi đã đến sao không thấy chúng đâu cả? Chẳng lẽ chúng có mưu đồ khác chăng? Phụng Bưu biết đêm nay cơ nghiệp của mình sẽ hoàn toàn tiêu hủy.
Đoạn cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Vân lão sư đừng khoác lác.
Ngô mỗ không phải dễ dọa đâu.
Bọn kia khôn hồn thì nạp mạng đây.
Nói xong Phụng Bưu liền múa Phật Thủ quài, sức mạnh vô cùng, thủ pháp thần diệu nhắm kẻ địch tấn công liền.
Vân Hạo quả thật là một tay gian hùng hắc đạo, thấy Phi Vân
Quài pháp của Phụng Bưu như thật như hư, cương nhu đều có.
Ra tay một cái là bốn thế tấn công cùng lúc, lợi hại vô cùng, y liền múa roi gang Hiếu Tử để bảo vệ toàn thân, rồi giở khinh công thượng thừa ra né tránh.
Hai người đều là nhân vật nổi tiếng trên giang hồ nên đều tinh kỳ, không phân ai hơn ai kém.
Lúc ấy tiếng người kêu ngựa hí vẫn ồn ào loạn xạ, lửa ở chuồng ngựa phía đông lần lần tắt ngấm chỉ còn một vài nơi khói đen bốc lên.
Kế đó chuồng ngựa phía tây lại bốc cháy.
Chuồng ngựa đông và tây cách nhau rất xa, tiếng kêu la ồn ào lại dồn về phía ấy.
Diệp võ sư đã chém giết địch đến đôi mắt đỏ ngầu, ba tên ngã gục trước mặt.
Như con hổ điên, y cứ múa đao xông vào chém giết lia lịa.
Hai tên bịt mặt thấy Diệp Thắng đánh chí tử đâm sợ hãi, nhưng cái lối đánh trí mạng không khác gì kẻ sắp chết đến nơi mà giãy giụa thôi nên khi kiệt sức thì ngã gục ngay.
Còn mười mấy võ sư khác thì đã bị thương và chết quá nửa.
Bọn giặc bịt mặt cười với giọng ngông cuồng rùng rợn, ai nghe cũng phải kinh hồn.
Lúc ấy không biết Triệu Sâm chạy đi đâu mà không thấy hình bóng y đâu cả, đủ thấy lòng gian của y không muốn đánh nhau với bọn giặc nên mới ẩn núp như thế.
Phụng Bưu giở những quài pháp tinh kỳ ra mà vẫn không thắng nổi đối phương, càng sốt ruột, tâm thần bất định, vì vậy mà thân pháp chậm hẳn đi.
Hai người đấu với nhau đã hơn nửa tiếng, có mấy lần Phụng Bưu suýt bị nguy.
Lão trường chủ biết tối hôm nay trận đấu thế nào cũng một mất một còn nên định thần lại tấn công đối phương.
Lão hiệp thấy khinh công của Vân Hào kỳ diệu không sao thấy rõ thân hình của đối phương được, cau mày lại nghĩ thầm: “Hình như đối phương cố tránh né chờ cho ta mệt mỏi rồi mới ra tay, nhưng nào ta để cho mi toại nguyện”.
Đoạn lão hiệp giở những nội gia chân lực ra nhanh như chớp tấn công ba thế liền một lúc.
Ba thế này là tuyệt thế của Phi Vân Quài pháp nhanh nhẹn và lợi hại vô cùng, bốn mặt tám phương đều có thiết quài tấn công tới, dù Vân Hạo dùng thân pháp huyền diệu đến đâu cũng không thể nào tránh khỏi được.
Đánh liều y giở ba quyền ra nhắm Phật Thủ quài gạt ngang.
Chỉ nghe kêu bùng một tiếng, cả hai đều dội lại một bước.
Phụng Bưu thoáng thấy cái đuôi roi của Vân Hạo nhắm mặt mình đánh tới, liền phi ra một quài.
Một tiếng thét thê thảm vang lên gần đó, thì ra Diệp Thắng bị thương ở vai, máu phun ra như vòi, thân hình loạng choạng, Phụng Bưu hơi lo ra, thì bỗng Vân Hạo cười rất ngông cuồng.
Xoay thế roi nhắm mặt đối phương quấn tới, còn tay trái y ném ra một lúc chín phi tiêu độc.
Phi tiêu cùng roi tấn công một lúc như vậy thật thần kỳ.
Đặc biệt nhất là phi tiêu từ tay y bay ra một bó, đến gần đối thủ độ hai thước thì tủa ra, nhằm các yếu huyệt của địch ghim vào.
Môn tuyệt kỹ đó Vân Hạo it sử dụng đến, nên trong võ lâm ít ai biết y có thủ pháp ác độc đó.
Phụng Bưu phi một quài ra chưa đánh trúng đối thủ, đã thấy một bó phi tiêu độc như mưa bắn tới, biết không thể tránh kịp đành nhắm mắt chờ chết.
Đột nhiên nghe một tiếng thét lanh lảnh, rồi thấy một luồng ánh sáng bên ngoài xẹt tới, chín phi tiêu nọ mất hút tức thì.
Luồng hào quang đó thâu chín độc tiêu nhưng vẫn còn đủ sức nhắm Vân Hạo xẹt tới.
Vân Hạo thấy sắp thắng đến nơi không ngờ có sự đột biến như vậy, y chưa thấy rõ và thân hình người phá phi tiêu của y thì đã thấy một luồng hào quang kinh thiên động địa cuốn tới.
Y kinh hãi mất cả hồn vía, định ngã người ra tránh nhưng đã muộn.
Chỉ nghe một tiếng rú thê thảm, Vân Hạo bị một kiếm chặt ngang đầu gối ngã ra, máu ở hai chân tuôn ra như suối.
Ánh sáng kiếm đó vẫn không ngừng, tiếp tục bay tới mấy tên giặc bịt mặt đã đánh Diệp võ sư bị thương.
Trong nháy mắt mấy tên đó ngã ra chết cả.
Nhờ vậy Diệp Thắng mới thoát nguy.
Chờ kiếm quang thâu lại, mọi người mới quay lại nhìn kỹ, Ngô Phụng Bưu hớn hở la lớn:
- Triệu cô nương sao đến kịp thời thế?
Người đó chính là Triệu Liên Châu cô nương.
Nàng nhìn Ngô Phụng Bưu tay vẫn cầm thanh bảo kiếm Cự Khuyết vừa cười đáp:
- Ngô thúc phụ, không những cháu tới mà còn có cả Nguyệt Nga nữa.
Em Nguyệt Nga dùng bảo kiếm đả thương kẻ gian, y đã đào tẩu rồi.
Hiện giờ Trịnh thúc phụ và Nguyệt Nga đang ở khách sảnh chờ thúc phụ đấy.
Ngô Phụng Bưu nghe nói mừng rỡ vô cùng, liền sai các võ sư không bị thương khiêng Diệp Thắng trở về khách sảnh để chạy chữa, rồi lên tiếng cảm tạ:
- Triệu cô nương, may nhờ cô nương đến kịp lúc, chớ không thúc phụ đã toi mạng rồi.
Xem ra cô nương lúc này võ công tiến bộ không tưởng tượng được.
Thôi chúng ta hãy qua chuồng ngựa phía tây xem xét qua loa rồi về khách sảnh luôn.
Triệu Liên Châu vừa cười đáp:
- Không phải xem xét nữa, cháu đã có sai những thủ hạ đắc lực của cha cháu sang hai bên đó cứu giúp rồi.
Trước khi cháu sang đây có nghe họ nói bọn giặc đã rút và lửa cũng đã tắt rồi.
Ngô Phụng Bưu liếc nhìn về chuồng ngựa phía tây, chỉ thấy khói tàn bốc lên nghĩ thầm:
“Phen này tu sửa lại mục trường cũng tốn nhiều tâm huyết lắm”.