- Hạo Nhiên! Bỏ nơi này đi, con có hối hận gì không?
Nó khẽ lắc đầu:
- Không! Con chỉ hơi buồn.
Nhưng vội tiếp ngay, giọng cả quyết:
- Con đã nhất định rồi. Con không hối hận.
- Vậy tốt. Mong con thành đạt. Bây giờ hãy dẫn ngựa ra buộc vào cây đằng kia rồi thu xẻng cuốc, búa rìu lại, phòng có lúc dùng đến.
- Thế thầy cũng đi chứ? Để con dẫn ngựa tới.
- Cứ làm theo lời ta bảo đã!
Buộc ngựa xong và gom nông cụ lại rồi, Hạo Nhiên trở lại đến bên thầy chờ sai khiến.
- Căn nhà này đã che mưa nắng cho con trong nhiều năm. Bây giờ bỏ đi, con hãy cám ơn và vĩnh biệt nó, đừng luyến tiếc.
Rồi Thạch Đạt Lang lại tiếp:
- Ta sẽ đốt nó đi, con bằng lòng không?
- Đốt đi?
- Ừ. Nếu bỏ hoang, nó sẽ là nơi trú chân của quân cường đạo. Tủi vong hồn tổ phụ con và chắc cha con cũng không bao giờ muốn thế!
Hạo Nhiên lặng thinh, nhưng lòng nó bồi hồi muốn khóc. Lát sau, nó gật đầu.
Khi Thạch Đạt Lang bước ra, căn lều đã chớm bốc khói. Chỉ một loáng, ngọn lửa phừng phừng dâng cao, đỏ rực. Tàn than như những cánh bướm đen chao lượn trên không. Gió thổi ù ù giữa những tiếng nổ răng rắc của thân tre và thân sậy. Hai thầy trò đăm đăm đứng nhìn ngọn lửa thiêu dần túp lều cho đến khi cả mái lều sập xuống.
Hạo Nhiên bỗng khóc òa. Thạch Đạt Lang vỗ lưng nó, an ủi:
- Thôi, ta đi, con! Nếu cứ bận tâm về dĩ vãng thì chẳng bao giờ làm được việc gì cả.
Thằng bé miễn cưỡng chùi nước mắt, nhặt đẫy vải đeo lên vai, lủi thủi theo thầy đến chỗ buộc ngựa. Ngoài nhìn đống tro nghi ngút khói, chỗ trước kia là căn nhà nó ở với người thân, không cầm lòng được, nước mắt Hạo Nhiên lại trào ra.
- Con buộc nông cụ và những đồ dùng khác lên lưng ngựa, ta với con đi bộ. Cũng gần đây thôi.
- Đi đâu vậy thầy?
- Đến đồi đằng kia. Ta sẽ dựng ở đó một căn nhà mới.
Hạo Nhiên không hiểu rõ ý thầy, ngước mắt nhìn:
- Ta vừa đốt nhà cũ mà. Dựng nhà mới làm gì?
- Nhà đó là của tổ phụ con. Chỗ ấy trũng dễ bị lụt lội. Ta đã có chủ ý. Căn nhà chúng ta sắp dựng đây sẽ là của chúng ta.
- Thế thầy định cứ ở đây mãi sao?
Thạch Đạt Lang gật đầu:
- Phải rồi. Chúng ta sẽ ở đây một thời gian.
- Thầy không đi đâu luyện tập và học hỏi nữa sao?
- Ta sẽ luyện tập ngay tại đây.
- Ở đây? Ở đây thì có gì mà luyện tập?
- Tự ép mình vào kỷ luật, tập gian khổ, giữ tâm cho vững là căn bản của mọi thành công. Đường kiếm tinh thục chưa đủ, ta sẽ luyện cho con một nội lực dồi dào. Và ta sẽ dạy con biết đọc để sau này nếu ta không ở bên con được, con vẫn có thể học thêm để tăng kiến thức. Hạo Nhiên! Con có đọc được sách không?
- Dạ, có biết đôi chút.
- Ai dạy?
- Cha con. Cha con có dạy đọc và viết những chữ thông thường mỗi khi nhàn rỗi.
- Vậy tốt. Để khi ổn định rồi, ta sẽ tiếp tục dạy con học. Nào, bây giờ thì lên đường, đến khu đồi kia, gần rừng, vừa dễ đốn gỗ vừa cao ráo.
Thạch Đạt Lang đi trước, để tâm quan sát địa hình. Hạo Nhiên dẫn ngựa theo sau.
Nó ít nói vì ở nơi hoang dã từ nhỏ, ít trò chuyện nên cứ cung cúc đi, thảng thầy hỏi gì mới đáp. Gần chiều, tới một nơi tương đối khoảng khoát trên đồi, cả hai dừng lại.
- Chỗ này được đấy! Thạch Đạt Lang bảo. Ta dừng chân ở đây. Con nhóm lửa nấu cơm để ta đi một vòng xem xét.
Rồi tháo hành trang trên lưng ngựa xuống, Hạo Nhiên nhanh nhảu:
- Con biết chỗ này. Bên kia rừng thưa có con suối, lội qua suối là một đường mòn dẫn đến xóm tiều. Ở đấy có chợ nhỏ.
- Vậy tiện lắm. Nhất là không xa suối. Nếu địa điểm tốt, sáng mai ta sẽ khởi công.
Lúc Thạch Đạt Lang xem xét địa hình xong trở ra đã thấy đồ đệ ngồi canh nồi đậu đỏ nấu trên bếp. Bếp do nó tạm thời tạo nên trong lúc cấp bách bằng cách đào lỗ và quây đá xung quanh. Hắn mỉm cười khen thằng bé nhanh trí và nhiều sáng kiến.
Xong bữa ăn, trời vừa tối. Không đủ thì giờ làm việc gì khác, cả hai thầy trò đêm ấy ngủ dưới ánh sao, gối đầu lên những khúc cây nhặt về làm củi.
Hôm sau, trời mới tảng sáng, Thạch Đạt Lang đã tỉnh dậy. Bộ quần áo ướt sương làm hắn rùng mình. Hắn tĩnh tọa vận khí cho huyết mạch lưu thông, đoạn vác rìu lên đồi đốn cây trong khi Hạo Nhiên còn say ngủ.
Thạch Đạt Lang có ý định lưu lại vùng này một thời gian ngay sau khi cùng đồ đệ mang xác Hạo ông đến chôn ở đồi bên cạnh.
Hắn nghĩ:
Nếu thiền đạo, trà đạo và các sáng tạo mỹ thuật có tác dụng tốt đến tâm linh con người thì tại sao cày một thửa ruộng, trồng một khoảnh vườn lại không có ích?
Khu hoang địa này chính là một thao trường lớn giúp ta luyện chí và nuôi sống ta không lệ thuộc vào người khác. Chỉ những người tự lực cánh sinh mới biết chân giá trị của sự tranh đua với ngoại cảnh.
Khi còn nhỏ, mẹ hắn dẫn hắn ra đồng nhiều lần, cùng cày cấy với các nông dân khác. Lúc đó hắn chỉ biết lao động cốt để mưu sinh, nhưng bây giờ hắn thấy, ngoài mục đích kiếm sống, sự lao động còn nhằm nuôi dưỡng tinh thần nữa. Nếu hắn thành công biến khu đất hoang này thành vườn ruộng với hoa màu thì quả hắn đã làm một việc tốt, góp phần vào sự hưng thịnh cho khu này. Nhưng điều quan trọng hơn cả là gián tiếp bảo cho những cư dân ở đây biết họ có thể thoát khỏi được nghèo đói, vươn lên hạnh phúc và tự do bằng ý chí và can đảm để tự giải thoát.
Cởi trần, da rịn mồ hôi đỏ au dưới nắng, Thạch Đạt Lang cầm rìu bổ những nhát dữ dội vào thân cây bạch dương trước mặt. Vỏ cây bắn tung tóe, chỉ một loáng, ba bốn gốc đã bị đốn ngã.
Tỉa cành và róc vỏ xong, hắn gọi đồ đệ:
- Hạo Nhiên, lấy dây buộc cành và vỏ để riêng ra làm củi. Chờ ta đốn xong vài cây nữa rồi gom lại dựng nhà.
Mùa thu sắp tàn, côn trùng dần dần im tiếng. Lá vàng rụng đầy đất. Hai thầy trò Thạch Đạt Lang đã dựng xong căn lều nhỏ, mái lợp gianh, vách bằng những cành bạch dương ken xít nhau, trát đất. Tuy không đẹp nhưng vững chắc, đủ che cho hai người trước những ngọn cuồng phong mà hắn dự đoán sẽ xảy ra rất thường ở vùng này. Lạ i có cả cái kho nhỏ, một bên để chứa nông cụ, một bên làm chuồng ngựa.
Tạm xong chỗ ở, Thạch Đạt Lang sửa soạn vỡ đất để ải, chờ gieo hạt.
Khu đồng hoang Hotengahara này quả là một nơi khó sống. Đất toàn sỏi đá, không giữ nước được, chỉ nắng một thời gian đã khô nứt nẻ. Đến mùa mưa, nước lũ chảy như thác kéo theo lớp mầu bên trên đổ xuống hằng hà sa số khe đá dưới chân núi. Không có sông lớn điều hòa việc canh nông, chỉ có một cái đầm độc nhất lại quá hẹp không đủ chứa nước cấy lúa.
Vấn đề chính rõ ràng bày ra trước mắt:
trị thủy. Nhưng vấn đề này một hai người không làm được, hay nếu có làm cũng chỉ hạn hẹp. Muốn mang lại sinh kế cho cả một làng hay một khu vực, phải có sự hợp tác của số đông. Thạch Đạt Lang nhìn rõ viễn tượng ấy nên quyết định thuyết phục dân chúng tham dự vào một kế hoạch quy mô.
Nhưng thuyết phục thế nào?
Đã nhiều năm nay, hắn quan niệm kiếm đạo theo một khía cạnh khác với quan niệm của đa số người đương thời. Đối với hắn, lấy sự trau dồi kiếm thuật làm mục đích tối hậu thì quá phù phiếm, vì lưỡi kiếm tự nó không giải quyết được gì. Trong tay một kẻ dù tài giỏi đến đâu nhưng không lý tưởng, lưỡi kiếm cũng chỉ là bạo lực. Kiếm đạo phải có mục đích hướng dẫn con người đến sự quân bình của tâm hồn, đến hạnh phúc. Và lưỡi kiếm chỉ là một phương tiện để tìm sự quân bình ấy mà thôi. Hai năm trước, Thạch Đạt Lang đinh ninh nếu muốn áp dụng lý tưởng ấy tất phải có quyền hành, cho nên rắp tâm tìm minh chúa để phục vụ. Nhưng ngày nay, trong chốn đồng không mông quạnh này, quyền lực hay địa vị gì cũng vô dụng. Hắn phải tìm cách thuyết phục, vì thuyết phục chính là bước đầu của mọi công cuộc lãnh đạo. Từ nay, lưỡi gươm sắc đeo bên sườn, hắn sẽ dùng để bảo vệ người cô thế mà không làm cho họ sợ.
Những ngày sau đó, khí trời chưa lạnh, Thạch Đạt Lang và đồ đệ chặt cây, đào rễ, cuốc đất, be bờ, làm việc cực nhọc từ sáng đến chiều, có hôm tận tối mịt mới về nghỉ.
Công khó của hai thầy trò không phải là không có kết quả:
một khoảnh đất rộng chừng năm sào đã thành hình, tạm bằng phẳng để sẵn sàng đón nhận hạt giống.
Dân ở xa mang sản vật đến xóm tiều bán hoặc cư dân trong vùng theo đường mòn xuống núi dừng lại tò mò nhìn hai người. Họ kháo nhau:
- Gã này điên! Chắc mới ở đâu tới chứ ai cũng biết đất này mà trồng cấy gì được!
- Phí công vô ích.
- Thằng bé kia hình như là con Hạo ông, trước ở khu dưới, sao bây giờ lại tới đây?
Một hôm có kẻ đến tận chỗ Thạch Đạt Lang làm, khuyên nhủ:
- Đất này cằn cỗi, giồng gì cũng uổng công thôi. Nếu có hoa màu thì chúng ta đã chẳng bỏ hoang.
Thạch Đạt Lang chỉ cười. Khác với những nông dân kia, hắn tin hắn làm được.
Nếu thành công thì đây là một chứng cớ hiển nhiên:
ý chí con người đã thắng mọi trở lực và bằng thành quả này, hắn sẽ thuyết phục dân làng cùng hợp tác để thực hiện một công cuộc quy mô hơn.
Thấy bảo không được, dân vãng lai chẳng ai thèm khuyên nhủ nữa. Họ chế nhạo hắn, gọi thầy trò hắn là những thằng ngốc. Thạch Đạt Lang không để tâm, nhưng Hạo Nhiên tức lắm. Bữa kia, nó nhặt đá định ném. Hắn trừng mắt:
- Hạo Nhiên! Làm vậy ích gì? Nếu không biết tự chế, ta không nhận con làm đồ đệ nữa!
Mặt thằng bé đỏ bừng. Nó vất hòn đá đi, nhưng đến bên gốc cây bưng mặt tấm tức.
Thạch Đạt Lang nhìn nó, quay đi khẽ thở dài:
Tội nghiệp! Nó cũng như ta, đơn độc trước bao khó khăn. Nó còn nhỏ tuổi quá!
Như thông cảm nỗi buồn của đứa trẻ, trời bỗng đổi khác. Gió thổi, cây rung ào ào, mây vần vũ tựa sắp có dông lớn. Bầu trời càng lúc càng tối, vài giọt mưa đã bắt đầu rơi lộp bộp trên những tàu lá to mọc xập xè dưới đất.
Thạch Đạt Lang thu xẻng cuốc vác lên vai, gọi Hạo Nhiên rồi rảo bước về lều. Vừa đến nơi, mưa đổ như trút. Một lằn chớp xẹt ngang, ngoằn ngoèo sáng rực, tiếp theo là tiếng sét nổ long trời lở đất. Lo lắng, hắn cao giọng gọi đồ đệ nhiều lần nhưng mưa và sấm chớp át tiếng hắn gọi.
Trong cảnh thịnh nộ của trời đất, Thạch Đạt Lang dường như thấy cây đại bách sau chùa Tiểu Sơn và vẳng nghe giọng trách mắng nghiêm khắc của Đại Quán. Hắn mở mắt trừng trừng, tưởng trông thấy nhà sư trước mặt. Hắn muốn được như cây đại bách kia, hiên ngang vững chãi trước dông tố và được như nhà sư, có tấm lòng độ lượng không bờ bến. Nếu làm được cho Hạo Nhiên và những người dân vùng này những gì Đại Quán đã làm cho hắn thì món nợ đối với Đại Quán chắc cũng nhẹ được đôi phần.
Thạch Đạt Lang lại lên tiếng gọi đồ đệ. Không thấy bóng dáng nó đâu, hắn bắt đầu sốt ruột.
Mưa dần dần ngớt hột, gió thổi giật từng hồi và trời đã hé rạng. Thạch Đạt Lang bước khỏi lều đi tìm Hạo Nhiên, thấy nó thu mình dưới tàng lá, ướt như chuột lột và tơi tả như thằng bù nhìn giữ dưa.
- Hạo Nhiên! Sao không về nhà!
- Mưa này không lâu đâu thầy. Tạnh rồi đó! Ta còn làm thêm được lúc nữa.
Không ngờ thằng bé bướng đến thế! Thái độ và lời nói của nó vô tình dạy cho Thạch Đạt Lang bài học kiên trì trước nghịch cảnh khiến hắn phải suy nghĩ.
Những ngày sau đó, trời bàng bạc, ảm đạm. Trận mưa tuy to nhưng ngắn không làm hư hại gì đến công trình khẩn hoang của hai thầy trò. Khu đất mới cuốc trở nên sẫm màu. Cỏ xanh hơn trước và trên từng không, đã có những đàn ngỗng thiên di, tiếng khàn khàn qua màn sương mỏng dội xuống lẫn với gió heo may gây gây lạnh.
Thạch Đạt Lang tiếp tục làm việc cực nhọc trên thửa đất mới phá. Buổi sáng hắn luyện kiếm, dạy Hạo Nhiên những chiêu thức căn bản của một kỹ thuật hắn phát huy và khai triển nhưng chưa quy vào hệ thống. Buổi tối dưới ngọn đèn dầu thông, hắn dạy đồ đệ đọc và viết.
Một hôm trời trở nên oi bức khác lạ. Hai thầy trò đang đánh luống trên thửa đất mới vỡ, bỗng nghe nhiều tiếng ầm ì từ xa vọng lại. Chim bay xào xạc. Ở phía chân trời, mây đen kéo tối sầm, rồi như những luồng khói dày đặc, ùn ùn đùn nhanh, chẳng mấy chốc đã che kín cả bầu trời. Hạo Nhiên ngước nhìn, lo ngại:
- Lần này chắc có chuyện...
Chưa hết câu, một cơn lốc ở đâu thình lình nổi dậy, cuốn lá khô cành gẫy bốc cao.
Những cánh chim bị lốc cuốn, chao đi chao lại kêu keng kéc sợ hãi.
- Lại sắp mưa lớn phải không, Hạo Nhiên?
- Vâng. Nhưng lần này dữ lắm. Ta về thôi, thầy!
Thấy đồ đệ nhiều kinh nghiệm về thời tiết, Thạch Đạt Lang thường hỏi nó khi có điềm gì khác lạ. Lần này Hạo Nhiên có vẻ vội vàng, chạy thẳng một mạch về nhà, mặc Thạch Đạt Lang thu dọn đồ đạc đi sau.
Về đến lều, chưa kịp cất nông cụ, mưa lớn đã ập xuống. Sấm chớp liên tiếp xé bầu trời tối om. Những giọt nước bằng hạt ngô đập rào rào lên vách, gió thổi cột kèo ngả nghiêng kêu cót két. Ở những chỗ trũng, bong bóng nổi phập phồng.
Mưa như thế, tầm tã trong một thời gian thì ngớt nhưng chẳng bao lâu lại tiếp tục, dữ dội hơn trước. Khu vườn xung quanh lều bị nước mưa đào những rãnh nhỏ, kéo đất trôi đi, trơ lại chỉ còn đá vụn và cành gẫy lởm chởm. Gió càng lúc càng mạnh, mái lều tưởng chừng bị giật sập. Đã có những nút buộc bị long. Thạch Đạt Lang đôn đáo chống chỗ này, che chỗ kia. Trời tối, hắn quên cả thắp đèn và không hiểu Hạo Nhiên đi đâu.
Lo lắng, tức giận làm hắn bồn chồn khó chịu. Mãi khi trời tối mịt và gió tạm yên, hắn mới mang đồ nguội ra ăn và ngồi nghỉ.
Qua một đêm dài thao thức, nghe mưa gió bên ngoài ào ào như trút giữa những lằn chớp sáng rực và những tiếng sét vang dội bốn bề, tâm trạng của Thạch Đạt Lang khi bị treo trên cành đại bách hơn mười năm trước lại hiện về. Trước sức mạnh vô cùng của vũ trụ, còn người thật nhỏ bé, bất lực. Và hắn liên tưởng đến Hạo Nhiên, đến Giang, đến Oa Tử, những con người cô thế. Hắn mong cho trời chóng sáng.
Hôm sau, dưới bầu trời xám đục, mưa đã ngớt nhưng gió vẫn còn mạnh. Qua khe cửa, Thạch Đạt Lang nhìn ra ngoài, giật mình vì cảnh vật đổi khác hẳn:
chỗ nào cũng mênh mông trắng xóa. Đây đó vài ngọn tùng rạp đầu xơ xác. Khoảng đất phía xa do hắn và đồ đệ khổ công cuốc xới, đắp bờ bị nước tràn ngập không còn dấu tích. May mà căn lều hắn dựng ở đồi cao và khá vững, chứ nếu không, chắc cũng bị nước cuốn đi rồi.
Tới trưa, chẳng thấy Hạo Nhiên đâu, Thạch Đạt Lang càng bồn chồn lo lắng.
- Thầy! Thầy! Con đã về!
Tiếng đồ đệ gọi từ phía đường mòn theo gió đưa đến khiến Thạch Đạt Lang mừng rỡ hết sức. Trông ra, thằng bé đầu đội nón nan, mình khoác tơi lá, đang dẫn ngựa đi trên sườn đồi phía bên kia suối. Trên lưng ngựa chất hai, ba giỏ tre đậy kỹ. Dường như nó đang tìm cách lội qua suối.
Bấy giờ Thạch Đạt Lang mới sực nhớ đến con ngựa và không ngờ Hạo Nhiên đã lấy ngựa cưỡi đi từ bữa trước, lúc chưa bão.
Hắn bắc loa tay kêu lớn, gọi thằng bé:
- Khoan! Đứng đó! Để ta sang giúp!
Nói đoạn, vớ vội cuộn dây chão đeo vào người, băng ra suối.
- Đây! Phía này thầy!
Hạo Nhiên miệng gọi, tay vẫy rối rít:
- Chỗ này nhiều đá lớn dễ đi, con biết.
Thạch Đạt Lang buộc một đầu dây vào gốc cây bên này suối rồi cầm đầu kia lội sang. Đến nơi, hắn buộc đầu dây ấy vào một gốc cây khác, đồng thời cột bụng ngựa và cả lưng thằng bé vào dây chão rồi bảo nó lần theo dây mà qua suối. Thạch Đạt Lang kèm ngựa cho ngựa khỏi sợ. Nước suối chảy như thác. Tuy có dây giữ mà cả hai thầy trò và con ngựa cũng vất vả mới qua được. Cả ba ướt nhẹp, rét run, về đến nhà đốt lửa sưởi một lúc mới hoàn hồn.
- Hạo Nhiên! Ngươi đi đâu sao không nói trước ta biết?
- Con đến xóm tiều mua thức ăn dự trữ.
- Bão xong rồi, dự trữ làm gì?
- Chưa xong đâu thầy. Dù hết gió to nhưng còn mưa nữa. Khí hậu vùng này lạ lắm.
Mưa dai dẳng còn lâu, có khi lụt lội cả tuần trước khi có tuyết. Đến lúc tuyết tan lại lụt nữa. Nếu không dự phòng thì đói.
Hạo Nhiên giở lớp vải sơn đậy các giỏ tre ra:
nào kê, nào đậu đỏ, nào gạo, lại có cả cá khô và thịt ướp. Nó cũng không quên mua cho thầy một gói trà.
Thạch Đạt Lang nhìn đồ đệ, lòng biết ơn dào dạt. Thằng này nhỏ tuổi mà khôn ngoan, biết phòng xa quá đỗi. Nhưng nó liều lĩnh hết sức. Có điều chẳng biết nó lấy tiền đâu ra để mua những thứ này.
- Tiền ở đâu thế con?
- Con đến đền Toku mua chịu và gửi lại cái hộp cha con cho làm tin. Cha con bảo họp đó quý lắm.
- Phải hộp gia bảo của nhà con không?
- Con không biết nhưng chắc thế.
- Cha con để lại cho con những gì?
- Cái hộp đó và một thanh kiếm ngắn.
- Nó lấy trong bọc ra một thanh đoản kiếm đưa sư phụ coi. Thạch Đạt Lang trịnh trọng đỡ lấy thanh kiếm. Vỏ kiếm bằng gỗ bọc gấm đã sờn, không mang vết tích gì của người làm ra nó nhưng lưỡi kiếm xanh biếc. Gần sống kiếm có khắc hai chữ không rõ nét, dường như hai chữ đó đã bị mài mờ đi để những người sau không nhận diện được.
Thạch Đạt Lang gật gù:
- Đây là một thanh kiếm quý, nhưng không phải dùng để chiến đấu.
Hắn nói thế, không muốn cho đồ đệ biết lưỡi kiếm kia chính là lưỡi kiếm chủ nhân nó chỉ mang theo để kết liễu đời mình khi cần thiết. Hắn có cảm tưởng cái hộp mà Hạo Nhiên đã gửi lại làm tin ở đền Toku có một giá trị đặc biệt.
- Từ nay, con chớ giao cho ai những kỷ niệm do tổ phụ để lại. Để khi trời yên rồi, ta sẽ dẫn con đến chuộc.
- Con cám ơn thầy.
- Đêm qua ngủ ở đâu?
- Ông thủ từ bảo ngủ tạm tại đền vì bão to quá, hôm nay mới về được.
- Đã ăn cơm chưa?
- Chưa. Chắc thầy cũng chưa ăn?
Thạch Đạt Lang cười:
- Ừ, con đi nấu cơm đi. Ta thấy hình như nhà cũng không còn củi.
- Còn, còn chứ...
Vừa nói, Hạo Nhiên vừa hối hả đứng lên ra nhà kho, chỉ chỗ nó để dành củi đốt và cỏ khô cho ngựa.
- Đây này thầy! Nhiều lắm, đủ để sưởi cả mùa đông nữa.
Lại thêm một lần Thạch Đạt Lang thấy thằng bé quả biết lo xa. Tiên liệu là mọt đức tính của người chỉ huy. Về điểm này hắn thấy hắn còn thua đồ đệ.
Trong những ngày sau, mưa vẫn rả rích. Thạch Đạt Lang mang sách ra bảo Hạo Nhiên đọc những chương bổ ích và giảng dạy cho nó hiểu nghĩa lý trong sách. Những lúc học trò mệt mỏi, hắn chỉ dẫn cho nó cách vận khí và luyện tập ở những nơi chật hẹp. Hạo Nhiên tỏ ra rất thông minh, mới vài tuần đã tiến bộ lắm. Thạch Đạt Lang rất ưng ý.
Đến khi mưa dứt hẳn, mặt trời hé dạng và nước đã rút đi gần hết, hai thầy trò ra khỏi lều thăm mảnh đất khẩn hoang. Cả hai không còn nhận ra được mảnh đất ấy nữa vì nó chỉ còn là một vũng lầy nhão nhoẹt.
- Chỗ này không hy vọng trồng cấy gì như mình định được đâu. Hạo Nhiên nói.
Thầy nên đi tìm chỗ khác thôi.
- Không sao, ta đã xem rồi. Chờ nước rút hết, đất màu tốt còn lại thì phải trồng được chứ.
- Thế ngộ mưa nữa thì sao?
- Ta sẽ ngăn không cho nước chảy vào.
Vừa nói hắn vừa lấy tay chỉ:
- Đắp một con đê ngăn nước đến tận đằng kia, bao quanh thửa đất.
- Trời ơi! Công trình quá! Thầy với con làm thế nào được!
- Hạo Nhiên! Con chớ quên đây là nơi ta dùng làm thao trường để luyện tập.
Luyện tinh thần trong khi tập thể chất. Đừng bao giờ nản chí cả.
Thế là suốt mùa đông năm ấy, trừ những ngày tuyết rơi nhiều, thầy trò Thạch Đạ t Lang lại ra công đào xới, lấy đá đắp đê trước những cái nhìn chế giễu của cư dân trong vùng.
Nhưng đê mới xong được nửa, con tuyết tan đầu xuân đã tràn tới, kéo văng công trình khó nhọc của cả hai xuống chân núi.
Buồn rầu, Thạch Đạt Lang ngồi trong lều trông ra, không biết đối phó thế nào với những tàn phá không cưỡng nổi ấy của thiên nhiên. Thầy trò nhìn nhau chẳng thốt một lời.
Bỗng Thạch Đạt Lang sực nghĩ ra. Vô tình hắn đã quẩn quanh trong việc phá một thửa đất rồi san ra vuông vức như ở đồng bằng. Thảo nào không được. Vì ở đây là sườn đồi, thế đất phải khác. Hắn không thể giữ cho nước không chảy, hay giữ cho đất đứng yên không bị nước soi mòn. Nước là nước, đất là đất, sao hắn lại điên rồ đòi thay đổi bản chất của nó.
Phải thuận theo dòng nước và thế đất. Đừng ngăn nó chảy. Hãy lợi dụng sự di động của nước, đưa nó dần dần vào những thửa ruộng nhỏ, không cần vuông vức mà thuận với sườn đồi thấp dần từng bậc một, tất nước không còn đủ mạnh để phá đất nữa.
Nghĩ đến đấy, hắn sung sướng quá, đập tay vào đùi nói lớn:
- Thật là ngốc. Không biết thuận theo thiên nhiên, sao đòi thành công được?
Rồi lấy sổ tay ra, hắn ghi một nhận xét:
“Làm ruộng cũng như làm chính trị, phải thuận với thiên nhiên. Nhưng trước hết, hãy tìm hiểu thế nào là thuận với thiên nhiên đã”.