Tên của đóa hồng

NGÀY THỨ NHẤT

Đến chân Tu viện.

William trổ tài phán đoán

nhanh nhậy và độc đáo.

Một buổi sáng đẹp trời cuối tháng Mười một. Đêm qua có mưa tuyết nhỏ, và mặt nước được phủ một lớp tuyết man mác dày không quá ba ngón tay. Trong màn đêm, ngay sau khi Kinh Ngợi Khen vừa dứt, chúng tôi nghe tiếng kinh cầu vang lên từ ngôi làng trong thung lũng. Khi vầng dương vừa ló dạng, chúng tôi khởi hành đi về hướng núi.

Tôi trông thấy tu viện, khi đang vất vả leo ngược con đường mòn dốc đứng chạy vòng theo ngọn núi. Tôi rất kinh ngạc, không phải vì những bức tường bao quanh tứ phía, hình dạng tương tự như các bức tường ta vẫn thấy trong mọi xứ đạo, mà vì tòa nhà đồ sộ, về sau tôi được biết là Đại Dinh. Đó là một khối bát giác, nhìn từ xa trông giống như một khối tứ giác, một hình khối hoàn thiện, thể hiện tính kiên cố của đất Thánh - các mặt phía nam nằm trên bình địa của tu viện, trong khi các mặt phía Bắc dường như dựng lên từ vách núi thẳng đứng. Tôi có thể nói rằng vách núi với cùng một mầu và chất đá dường như vươn thẳng lên lên trời từ những điểm cố định ở bên dưới, và ở một khoảng nào đó, trở nên một tháp thành sừng sững như công trình của những vị thần khổng lồ thân quen với cả trời và đất. Ba dãy cửa sổ thể hiện rõ nhịp hướng thượng theo thế ba ngôi của dinh thự này, do đó khối thực thể hình vuông dưới đất là cái tinh thần hình tam giác trên trời. Khi chúng tôi đến gần, chúng tôi nhận ra rằng mỗi góc của khối tứ giác này còn bao gồm một ngọn tháp bẩy cạnh, trong đó năm cạnh lộ rõ ra ngoài; như thế, bốn cạnh của khối bát giác lớn tạo nên bốn thất giác đài nhỏ hơn, mà bên ngoài trông như các ngũ giác đài. Do đó, ai cũng có thể nhận thấy sự hòa hợp tuyệt diệu của rất nhiều thánh số, mỗi số thể hiện một ý nghĩa tinh thần cao cả. Tám, con số hoàn thiện cho mọi khối tứ giác; bốn, con số của Phúc âm; năm, con số của ngũ châu trên thế giới; bẩy, con số của quà tặng từ Thánh Linh. Về mặt kiến trúc và qui mô, Đại Dinh trông tương tự như thành Ursine hay thành Monte về sau tôi gặp ở miền Nam bán đảo Ý, nhưng vị trí hẻo lánh xa vời vợi của nó khiến nó trở nên hùng vĩ hơn những Thành kia, và có khả năng khơi dậy nỗi sợ hãi trong lòng người khách đang dần tiến đến gần. Cũng may, chúng tôi đến vào một sáng mùa đông rất quang đãng, nên lần đầu tiên này không phải nhìn thấy tòa Đại Dinh ấy như lúc nó hiện lên trong những ngày giông bão.

Tuy nhiên, tôi không nói nó khiến chúng tôi phấn khởi. Tôi thấy sợ hãi, và mơ hồ cảm thấy bất an. Có Chúa biết linh cảm này không phải là những bóng ma trong linh hồn non dại của tôi, và tôi đang giảng đúng những điềm báo in sờ sờ trong đá vào thời các vị thần khổng lồ khởi công xây dựng, trước khi các tu sĩ tà tâm đem tế tòa Đại Dinh này cho việc giữ gìn lời Thánh.

Khi mấy con la nhỏ của thầy trò tôi vượt lên được khúc rẽ cuối trên núi, nơi đường mòn chính phân làm ba nhánh và tạo nên hai con đường mòn phụ, thầy tôi dừng lại một lát để ngắm con đường, hai bên đường và phía trên con đường, nơi một rặng thông vạn niên thanh dài trên một đoạn ngắn hợp thành một mái nhà thiên nhiên phủ đầy tuyết trắng xóa.

Ông nói:

- Đây là một tu viện giàu có. Tu viện trưởng thích phô trương của cải trong các dịp công lễ.

Tôi đã quen nghe thầy tôi tuyên bố những điều hết sức lạ thường nên chẳng hỏi vặn thầy làm gì. Vừa đi thêm được một đoạn, chúng tôi nghe có tiếng ồn ào và khi đến lối rẽ kế thì một nhóm tu sĩ cùng với tôi tớ, mặt lộ vẻ lo lắng, hiện ra. Một người trong nhóm, khi thấy chúng tôi, bèn tiến đến và chào hỏi rất thân thiện:

- Xin chào Sư huynh, xin Sư huynh chớ ngạc nhiên, chúng tôi đã được thông báo về chuyến đến thăm của Sư huynh. Tôi là Remigio, quản hầm của tu viện. Và nếu như đây chính là Sư huynh William xứ Baskerville thì tôi phải thông báo cho Cha bề trên ngay - Hắn ra lệnh cho một người trong nhóm - Anh chạy lên báo là khách của chúng ta sắp vào nội thành.

- Xin cám ơn Sư huynh Quản hầm - thầy tôi lịch sự đáp lại - Tôi vô cùng trân trọng lòng mến khách của Sư huynh, vì để đón tiếp chúng tôi, Huynh đã phải gián đoạn việc tìm kiếm của mình. Nhưng chớ lo lắng. Chú ngựa đi lối này, theo đường mòn bên tay phải. Nó sẽ đi không xa đâu, vì phải dừng lại khi đến ụ phân. Nó đủ thông minh để khỏi lao đầu xuống cái dốc đứng đó...

- Huynh thấy nó lúc nào? - Viên quản hầm hỏi.

Thầy William quay nhìn tôi với vẻ thích thú - Chúng ta nào có thấy nó, Adso nhỉ? Nhưng nếu Huynh đang đi lùng Brunellus, chú ngựa chỉ có thể ở nơi tôi vừa nói.

Viên Quản hầm lưỡng lự, nhìn thầy William của tôi, rồi lại nhìn con đường, và cuối cùng hỏi: - Brunellus? Làm sao huynh biết?

- Đi đi, đi đi - thầy William nói - Rõ ràng Huynh đang đi lùng Brunellus, chú ngựa yêu của Cha bề trên, chiến mã trong bầy ngựa, cao mười lăm gang, da sậm, đuôi dầy, vó tròn nhỏ nhưng bước rất vững đều, đầu nhỏ, tai thính, mắt to. Nó rẽ phải, như tôi đã nói, nhưng dẫu sao chăng nữa thì Huynh cũng nên khẩn trương đi thôi.

Viên Quản hầm ngần ngừ thêm một lát nữa, đoạn ra hiệu cho mọi người trong nhóm cùng hối hả chạy theo đường mòn bên tay phải, trong khi la của chúng tôi lại tiếp tục leo dốc. Quá đỗi tò mò, tôi định cất tiếng hỏi thầy William thì ông ra hiệu cho tôi hãy đợi: quả thật chỉ vài phút sau, chúng tôi nghe tiếng reo hò tở mở, và khi đến chỗ ngoặt, chúng tôi gặp lại nhóm tu sĩ cùng với tôi tớ đang nắm dây dắt ngựa đi. Khi họ đi ngang qua, tất cả đều kinh ngạc liếc nhìn chúng tôi đoạn họ vượt lên phía trước, đi về hướng tu viện. Tôi tin thầy William cũng chậm bước lại để họ có đủ thời giờ thuật lại những việc đã xẩy ra. Tôi cho rằng khi cần bộc lộ óc phán đoán nhạy bén của mình thì thầy tôi, một người đức hạnh mẫu mực về mọi mặt, đã vướng phải thói kiêu căng. Nhưng sau khi đánh giá được tài ngoại giao tinh tế của thầy, tôi hiểu ông muốn để cho danh tiếng của một trí giả mở đường trước khi ông đến nơi. Cuối cùng, tôi không kiềm chế nổi nữa, bèn hỏi:

- Giờ xin thầy kể cho con nghe, làm sao thầy biết được điều đó?

- Adso này, suốt cuộc hành trình, ta đã dạy con biết nhận ra những dấu hiệu, qua đó sự việc thế gian mở ra cho ta xem như một quyển sách lớn. Alanus de Insulis đã nói:

Mọi tạo vật trần gian

Như tranh, như sách

Mở ra cho ta chiêm ngưỡng.

Ông đã nghĩ đến những dãy biểu tượng vô hạn mà Chúa, qua các sinh linh, đã sử dụng để phán cho chúng ta về cuộc sống bất tử. Nhưng vũ trụ thậm chí còn giàu sức biểu đạt hơn Alanus nghĩ, và nó không chỉ nói đến những điều tối cao vốn luôn được đề cập bằng những cách mơ hồ, mà còn nói đến những sự vật gần gũi hơn, và khi ấy nó thể hiện rất rõ. Ta hơi ngượng phải nhắc lại cho con những điều con đáng lẽ phải biết. Tại ngã ba, trên mặt tuyết còn mới nguyên, những dấu chân ngựa đi về phía đường mòn bên tay trái của chúng ta hiện lên rất rõ. Với khoảng cách phân bố đẹp, những dấu chân này cho thấy vó ngựa tròn và nhỏ, ngựa đang phi nước kiệu đều đặn - Từ đó ta suy đoán được bản chất của con ngựa, và biết rằng nó không phóng cuồng loạn như một con thú điên. Tại nơi rặng thông tạo thành một mái nhà thiên nhiên, vài nhánh cây ở độ cao năm phít (1) vừa mới bị chạm gẫy. Trên một bụi trong một rặng gai mâm xôi mọc trên ngã rẽ vẫn còn vương lại vài sợi lông ngực mầu đen, dài khi chú ngựa phóng qua đó để quẹo sang đường mòn bên phải, vừa chạy vừa tự hào phất chiếc đuôi đẹp của mình... Cuối cùng, con sẽ không thể nói mình không biết con đường đó dẫn đến ụ phân, vì khi chúng ta đi qua chỗ rẽ ở dưới kia, chúng ta đã thấy một đống phân làm vấy bẩn mặt tuyết trắng ở chân vách đá dốc bên dưới ngọn tháp lớn ở phía Nam. Và theo vị trí của ngã ba, đường mòn đó chỉ có thể dẫn đến hướng đấy.

- Vâng, nhưng còn về cái đầu nhỏ, đôi tai thính, đôi mắt to thì làm thế nào.....?

- Ta không nắm rõ chú ngựa này có những đặc điểm đó nhưng rõ ràng các tu sĩ tin chắc như vậy. Isidore đã nói: một con ngựa đẹp phải có "đầu nhỏ, tai ngắn và nhọn, mắt to, cánh mũi nở rộng, cổ thẳng, đuôi và bờm dầy, vó tròn và cứng". Nếu chú ngựa ta đoán đã đi qua đây không phải là tuấn mã đẹp nhất trong đàn thì chỉ có mấy tôi tớ chăn ngựa chạy đi lùng kiếm nó mà thôi. Thế nhưng, chính quản hầm đã đích thân đôn đốc việc săn lùng lần này. Và đối với một tu sĩ quý ngựa, dù cái mã của ngựa có ra sao đi nữa, người ấy sẽ chỉ nhận thấy nó y hệt như cách miêu tả của các bậc trưởng thượng, đặc biệt nếu - đến đây, thầy nhìn tôi cười ranh mãnh - người ấy là một học giả dòng Benedict.

- Tuyệt, nhưng sao thầy biết tên nó là Brunellus?

- Xin Thánh linh mài giũa óc cho con, con ạ! - Thầy tôi la lên - Chứ nó có thể mang tên nào khác được? Ngay cả Burian Vĩ đại, người sắp trở thành Mục sư ở Anh, khi muốn nhắc đến ngựa trong một suy dẫn của mình, đều gọi tên nó là Brunellus.

Thầy tôi là như thế đó. Ông không chỉ biết cách đọc quyển sách bao la của thiên nhiên, mà còn biết cách các tu sĩ đọc thánh kinh và suy nghĩ qua thánh kinh như thế nào. Chúng ta sẽ thấy biệt tài này sẽ rất hữu ích cho thầy tôi trong những ngày sắp tới. Hơn thế nữa, lời thầy tôi giảng giài lúc ấy thật rõ ràng, đến nỗi tôi thấy hổ thẹn vì đã không tự mình phát hiện ra điều đó. Tuy nhiên, niềm tự hào được làm người tham dự vào việc phát hiện đó đã làm dịu đi nỗi hổ thẹn, và tôi hân hoan vì giờ đây đã tỏ tường sự việc. Sức mạnh của sự thật quả mãnh liệt, đến nỗi giống như điều thiện, nó cũng là người truyền bá cho chính mình và xin Thiên Chúa vinh danh cho điều khám phá tuyệt vời đã ban xuống cho con này.

Nhưng ơ kìa, câu chuyện của ta, hãy tiếp tục đi chứ, kẻ tu hành già nua này đang nấn ná quá lâu với những phụ chú bên lề. Nên kể xem chúng tôi đã đến cổng chính của tu viện như thế nào, và đứng trên thềm là Tu viện trưởng, cạnh người có hai tu sinh cùng đỡ một chậu bằng vàng đựng đầy nước. Sau khi chúng tôi xuống la, Cha rửa tay cho thầy William, ôm hôn ông lên môi và chào đón ông theo nghi thức đạo. Thầy William nói:

- Tạ ơn Cha bề trên. Con vô vàn hân hoan được đạt chân lên tu viện của Cha, danh tiếng của nó đã vượt xa khỏi những ngọn núi này. Con nhân danh Chúa đến đây như một kẻ hành hương, và Cha đã trọng đãi con cũng với tư cách đó. Nhưng con cũng nhân danh Chúa trên thế gian đến đây, như lá thơ con xin trao Cha sẽ nói rõ, và con cũng xin nhân danh người cảm ơn sự đón tiếp của Cha.

Tu viện trưởng đón lá thơ có đóng triện triều đình, và đáp rằng các Tu sĩ của Cha đã viết thơ báo trước việc thầy William đến đây. Đoạn Cha bảo quản hầm đưa chúng tôi về phòng nghỉ trong khi các người giữ ngựa dắt la của chúng tôi về tàu. Cha mong sẽ được viếng thăm sau khi chúng tôi nghỉ ngơi tỉnh táo. Và thế là chúng tôi bước vào khuôn viên rộng mênh mông của tu viện, các tòa nhà trải ra khắp bình nguyên hiền hòa thoai thoải trong vùng trũng hình cái bát mềm mại của đỉnh núi.

Tôi sẽ có nhiều dịp bàn kỹ hơn về địa thế của tu viện. Qua khỏi cổng (lối ra duy nhất ở vòng tường ngoài) là một đường lớn viền hai hàng cây dẫn đến giáo đường. Trải dài về phía trái con đường là một khu trồng rau rộng bao la và một mảnh vườn về sau tôi biết được là vườn sinh học, bao quanh hai dãy nhà tắm, bệnh xá, và vườn dược thảo đàng sau nếp tường uốn lượn. Phía sau vườn, nằm phía trái giáo đường nổi lên tòa Đại Dinh, được ngăn cách với Giáo đường bởi một vuông đất rải rác các ngôi mộ. Cửa Bắc của giáo đường đối mặt với ngọn tháp phía Nam của Đại Dinh, nếu khách đi vào từ hướng chính diện sẽ là ngọn tháp phía Tây. Về phía trái, tòa Đại Dinh tiếp nối với bức tường thành và từ các ngọn tháp nhìn xuống, nó dường như đang lao xuống vực thẳm nằm chênh chếch dười chân ngọn tháp phía Bắc. Phía phải giáo đường là vài tòa nhà nằm theo hướng gió, và một số khác bao quanh nhà tu kín: nhà nghỉ, nhà của Cha bề trên và nhà khách - nơi chúng tôi đang trực chỉ. Chúng tôi đến nhà khách sau khi băng qua một vườn hoa tuyệt đẹp. Một dãy các khu nhà ở của nông dân, chuồng ngựa, cối xay gió, xưởng ép dầu, kho thóc, hầm rượu, và một khu tôi nghĩ là dành cho các tu sinh, nằm phía tay phải bên kia bãi cỏ rộng, dọc theo phía tường Nam và lan tiếp về hướng Đông. Với mặt đất bằng phẳng, hơi nhấp nhô uốn lượn, các kiến trúc sư xa xưa của Thánh địa này đã có thể ứng dụng nguyên tắc Định hướng Nhà thờ tốt hơn Honorius Augustoduniensis hay Guillaume Durant. Xét theo vị trí của mặt trời vào lúc đó, tôi nhận thấy rằng cửa chính của giáo đường quay về hướng Tây, do đó ca đoàn và bàn thờ chính quay mặt về hướng Đông, và ánh dương rực rỡ lúc rạng đông có thể trực tiếp đánh thức các tu sĩ trong nhà nghỉ và các súc vật trong chuồng dậy. Tôi chưa hề trông thấy một tu viện nào đẹp hơn, kiến trúc khoa học hơn tu viện này. Các tu viên tôi gặp sau này như St.Gall, Cluny, Fontenay và nhiều tu viện khác nữa có lẽ lớn hơn nhưng định hướng không hợp lý bằng. Khác với những tu viện kia, tu viện này độc đáo nhờ tòa Đại Dinh với diện tích đồ sộ khác thường. Tôi không có kinh nghiệm của một kiến trúc sư bậc thầy, nhưng tôi nhận thức ngay rằng tòa Đại Dinh đã được xây cất từ rất lâu trước các tòa nhà lân cận bao quanh. Có lẽ nó đã định hướng nhằm phục vụ các mục đính khác và khối tu viện sau đó mới được sắp xếp chung quanh nó, theo một cách sao cho cấu trúc của tòa Đại Dinh cao lớn hòa hợp với cấu trúc của giáo đường, ngược lại cấu trúc của giáo đường cũng phải phù hợp với cấu trúc của Đại Dinh.

Chú thích:

[1] 1 Phút (foot) = 30,5cm. 5 phit (feet) = 150cm, cũng bằng với 5 gang (1 gang = 4 inch = 10cm), chiều cao của con ngựa mà William đã suy đoán ban nẫy.