William hội ngộ Ubertino
Giáo đường này không nguy nga như những giáo đường sau này tôi gặp ở Strasbourg, Chartres, Bamberg và Paris. Nó khá giống những ngôi giáo đường tôi đã gặp ở Ý, với khuynh hướng vươn thẳng lên trời xanh đến phát chóng mặt, nhưng thực sự lại trụ rất chắc trên mặt đất, chiều ngang thường lớn hơn chiều cao. Ở từng thứ nhất, giáo đường được vây bọc bởi một dãy tường vuông điểm những lỗ châu mai giống như một pháo đài, trên tầng này nổi lên một cấu trúc khác, một giáo đường kiên cố thứ hai, trông hơi giống một ngọn tháp, mái lát đá, trổ nhiều cửa sổ dáng cứng, khắc khổ. Đó là một giáo đường uy nghi như cha ông ta đã xây dựng ở Provence, Languedoc, khác hẳn những hình khối trơ trẽn và kiểu trang trí mang gân quá độ của kiến trúc hiện đại mà mấy thế kỷ gần đây mới chú ý tô điểm cho chỗ ca đoàn đứng hát thêm một tháp nhọn táo bạo đâm thẳng lên trời.
Hai cột thẳng, không chạm trổ, dựng ở hai bên cổng vào mà lúc mới thoạt nhìn, mở ra như một vòm cung vĩ đại, nhưng từ hai cột này lại mở ra hai ô cửa, trên đó chồng chất tầng tầng lớp lớp các vòm cung khác nữa, hướng tầm nhìn về phía lối vào chính diện, như thể vào tận cùng sâu thẳm của đáy vực. Trên đỉnh của lối vào chính này là một mạng đồ sộ, có hai chân vòm chống đỡ hai bên và một cột chạm trổ trụ ở giữa. Cột này chia lối vào thành hai bên, bao quanh bởi những cánh cửa bằng gỗ sồi bọc kim loại. Vào thời điểm đó, mặt trời yếu ớt hầu như đang rọi thẳng xuống mái nhà và ánh nắng rơi xiên xiên xuống chính diện mà không soi sáng khối mạng trung tâm; do đó, sau khi băng ngang hai cây cột, thầy trò tôi đột nhiên thấy mình lọt vào khu vòm dày đặc những hình cung phát sinh từ hàng loạt dãy cột nhỏ hơn được phân bố cân đối để đỡ lấy hai ô cửa. Khi mắt chúng tôi cuối cùng quen được với cảnh u tối, ngôn từ câm lặng từ những phiến đá được chạm khắc - vốn đập ngay vào mắt nhìn và óc tưởng tượng của bất kỳ ai – làm loá mắt tôi và ném tôi vào một ảo giác mà ngay đến hôm nay, lưỡi tôi cũng khó lòng miêu tả nổi.
Tôi trông thấy một ngai vàng đặt trên trời cao và một con người ngồi trên đó. Gương mặt của Người ngồi trên ngai nghiêm và lạnh, đôi mắt mở to, nhìn trừng trừng vào nhân giới đã tiến đến cuối chặng đường lịch sử của mình, mái tóc và hàm râu uy nghi toả chung quanh khuôn mặt và trên lồng ngực như những dòng sông đều đặn, được chia thành hai phía đối xứng. Chiếc vương miện trên đầu Người sáng rực sắc men và ánh châu ngọc; chiếc long bào màu tím, thêu và kết ren bằng chỉ vàng, chỉ bạc, được xếp thành những nếp rộng trên đầu gối, cầm một quyển sách được niêm kín; tay phải giơ cao trong tư thế ban phước, hay tôi có thể nói, khiển trách. Gương mặt Người được toả rạng nhờ vẻ đẹp tuyệt vời của một vòng hào quang có kết một thập tự và đính đầy hoa, trong khi đó, chung quanh ngai và phía trên đầu Người là một cầu vồng bằng ngọc lục bảo sáng lấp lánh. Phía trước ngai, dưới chân Người là một biển pha lê êm chảy và quanh Người, bên cạnh và bên trái ngai, tôi trông thấy bốn sinh vật khủng khiếp - khủng khiếp đối với cái nhìn kinh hãi của tôi, nhưng lại thân thương, ngoan hiền đối với Người trên ngai, Người mà chúng ngợi ca không dứt lời.
Thật ra, không phải tất cả bọn đều khủng khiếp, vì trong số đó có một người đàn ông phía tay trái tôi trông có vẻ khôi ngô, tử tế, tay ông chìa ra quyển sách. Nhưng phía bên kia có một con đại bàng, tôi trông hãi quá, mỏ nó ngoác ra, vuốt nó chắc nhọn, bộ lông dày kết với nhau như một chiếc áo giáp, đôi cánh vĩ đại xoè rộng. Dưới chân Người trên ngai, bên dưới hai sinh vật kia là hai con khác: một bò đấu, một sư tử; mỗi con quái vật giữ trong vó, trong vuốt của chúng một quyển sách. Đầu chúng quay về hướng ngai, nhưng thân lại quay ra, như thể vai và cổ đột nhiên bị xoắn vặn dữ dội, lườn chúng căng thẳng, tứ chi trông như của một con vật đang hấp hối, hàm há rộng, hai cái đuôi như đuôi rắn cuộn lại, quằn quại, ở tận cuối đuôi mọc ra những cái lưỡi lửa. Cả hai con quái vật đều có cánh, đầu viền hào quang, mặc dù hình thù đáng sợ như vậy, chúng không phải từ địa ngục mà là từ thiên đàng, và nếu trông chúng có vẻ khủng khiếp, ấy chính là vì chúng đang rống lên khúc ca xưng tụng Đấng Sắp Hiện, Người sẽ phán xét người sống lẫn kẻ chết.
Chung quanh ngai, bên dưới bốn sinh vật nói trên và dưới chân Người ngồi trên ngai, như thể nhìn qua làn nước trong veo của biển pha lê để làm đầy toàn bộ không gian ảo ảnh này, có hai mươi bốn vị thánh mặc áo choàng trắng, đội vương miện vàng, ngồi trên hai mươi bốn ngai nhỏ hai bên chiếc ngai lớn, được sắp xếp theo khung tam giác của vòm mạng, hàng dưới cùng có bảy và bảy, rồi ba và ba, rồi hai và hai. Vài người cầm đàn luýt, một người cầm lọ nước hoa, và chỉ có một người chơi đàn. Tất cả những người khác đều hân hoan, mặt hướng về Người trên ngai, ca vang lời ngợi khen Người, tứ chi của họ cũng bị vặn xoắn như tứ chi của bốn sinh vật kia, do đó, mọi người thảy đều có thể nhìn thấy Người trên ngai, nhưng đó không phải là cảnh hỗn loạn, mà là những động tác trong vũ điệu mê ly – như David đã múa trước thuyền Ark – do đó nghịch với luật chi phối những thân tượng, dù con ngươi trong mắt họ nằm ở vị trí nào đi nữa thì chúng cũng hội tụ về một điểm rực rỡ chung. Ôi, thật là một cảnh hoà hợp tuyệt vời các nét phóng khoáng, buông thả, các kiểu cách tuy bất thường nhưng duyên dáng, trong đó ngôn ngữ của chân tay được biểu hiện thần tình thoát khỏi sức nặng của xác thịt, các số lượng cố rót thêm vào những thực thể mới lạ, như thể một cơn gió dữ dội đã quật vào những vị thánh này, thổi vào họ hơi thở sự sống, và niềm vui điên cuồng nối tiếp khúc nhạc ngợi ca đã được phép lạ biến hình từ âm thanh hoá thành thực thể…
Khi linh hồn tôi còn đang chơi vơi bay bổng vì bản hoà âm của vẻ đẹp dương thế và những biểu tượng siêu nhiên hùng tráng, trái tim sắp vỡ tung vì những đợt sóng vui dâng trào thì đôi mắt tôi, lần theo nhịp cân xứng của những cửa sổ chạm những đoá hồng rộ nở dưới chân các vị thánh, dừng lại nơi những thần linh đan quyện vào nhau trên chiếc cột chính đang chống đỡ khối mạng trung tâm. Chúng là gì vậy và chúng là biểu tượng cho thông điệp nào vậy, hỡi ba đôi sư tử đứng chồm lên bắt chéo vào nhau tạo thành các hình vòng cung, chân sau trụ trên mặt đất, chân trước bám vào lưng bạn, bờm xoắn cuộn như rắn, mồm ngoác to gầm lên đe dọa, thân quấn vào cột bởi một màng keo, hay một tổ tua xoắn xít? Để làm dịu tinh thần tôi và có lẽ cũng nhằm thuần hoá bản chất ác quỷ của mãnh sư và biến nó thành biểu tượng của những điều cao cả hơn, ở hai bên thân cột hiện lên hai hình người cao lạ thường, giống hệt hai hình người khác ở hai bên các chân vòm chạm trổ, nơi gắn các cánh cửa bằng gỗ sồi. Đây là hình bốn ông già, và căn cứ vào đồ tế nhuyễn của họ, tôi nhận ra Peter và Paul, Jeremia và Isaiah. Áo sống họ cũng vặn vẹo như đang trong một vũ điệu, những bàn tay dài gầy guộc giơ lên, ngón xoè rộng như cánh chim, râu tóc lộng bay trong gió tiên tri, nếp xiêm áo lượt thượt dưới cử động của đôi chân dài tạo nên những đường sóng cuộn sống động, tuy tương phản với các mãnh sư nhưng làm bằng cùng một chất liệu. Khi tôi thôi ngây mắt nhìn cảnh phức điệu huyễn hoặc giữa tứ chi thần thánh với gân cốt quỷ quái, tôi trông thấy những hình ảnh nghĩ thật đáng kinh sợ bên cạnh cửa, dưới những cánh cửa hình cung sâu thẳm, và chỉ có thể biện hộ cho sự xuất hiện của chúng ở nơi chốn này nhờ sức mạnh biểu tượng và bài học ngụ ngôn mà chúng toát ra. Tôi trông thấy một phụ nữ thật khêu gợi, trần truồng, gầy gò, bị những con cóc kinh tởm gặm nhấm, những con rắn xấn vào mút thịt, đang giao cấu với một Thần Dê bụng phệ có đôi chân quái sư đầy lông cứng, họng thô tục đang rống lên lời tự nguyền rủa. Tôi trông thấy một gã bần tiện, xác cứng còng trên chiếc giường xa xỉ lộng lẫy, giờ đang bất lực trở thành con mồi cho đội quân quỷ dữ, một con quỷ xé từ miệng kẻ hấp hối linh hồn của gã dưới hình thể một hài nhi. Tôi trông thấy một kẻ kiêu hãnh và một ác quỷ bám sau lưng hắn thọc móng vuốt vào đôi mắt hắn, trong khi đó hai tên háu đói ẩu đả nhau kịch liệt xé xác nhau thành từng mảnh. Tôi cũng trông thấy những sinh vật khác nữa, đầu dê, lông sư tử, hàm báo, tất cả bị giam vào một khu rừng lửa, mà tôi hầu như có thể cảm nhận thấy hơi nóng toả ra cháy bỏng. Chung quanh chúng, hoà lẫn với chúng, trên đầu, dưới chân chúng, thêm những bộ mặt, chân tay khác nữa: một nam một nữ túm tóc nhau, hai con rắn có mào mút mắt một kẻ bị đày địa ngục, một tên nhăn răng cười lấy tay có móc câu banh họng một con rắn nhiều đầu, và tất cả những loài thú của quỷ Sa-tăng tụ tập lại thành một hội đồng bảo vệ cho chiếc ngai đối diện, ngợi ca ngai trong chiến bại của chúng… Toàn thể sinh linh của âm ty dường như đã hội tụ lại đây, quây thành một tiền sảnh, một rừng thẳm âm u, một hoang mạc trung tâm, cho gương mặt hứa hẹn và đe doạ của Người. Chúng là những kẻ thất trận trong cuộc thư hùng Thiện – Ác Armageddon trước Ngày phán xét, đang đối diện Người cuối cùng sẽ đến để tách người sống khỏi kẻ chết. Sững sờ trước cảnh tượng này, hoang mang không hiểu giờ đây mình đang ở một nơi thân thiện hay trong thung lũng của Ngày phán xét cuối cùng, tôi kinh hãi quá và không cầm được nước mắt. Dường như tôi nghe thấy giọng nói đó, trông thấy những hư ảnh đã bám theo tôi thời tu sinh trai trẻ, lần đầu đọc thánh thư, những đêm tĩnh tâm trong ca đoàn xứ Melk, và trong cơn mê sảng của những giác quan yếu đuối, tôi nghe một giọng nói rền vang như tiếng kèn trôm-pet phán: “Hãy viết vào sách điều ngươi đang thấy” (và đó là việc tôi đang làm). Tôi trông thấy bảy chân nến đai vàng, và ở giữa ngọn nến, Người như con trẻ, ngực thắt đai vàng, râu tóc trắng như tuyết, mắt sáng như lửa, chân đẹp như đồng nung trong lò, giọng nói tợ sóng vọng, tay phải Người chứa bảy tinh tú, miệng phun ra thanh gươm hai lưỡi. Tôi thấy cửa thiên đàng mở ra và Người ngồi trên ngai hiện lên sáng ngời như châu ngọc, một cầu vồng bắc chung quanh ngai và từ ngai phóng ra sấm sét. Người trên ngai cầm trên tay một lưỡi liềm sắc ngọt, la lên: “Vung liềm của ngươi lên và gặt hái đi, vì đã đến lúc ngươi phải gặt hái, vì ruộng đồng thế gian đã chín rồi”, thế là Người ngự trên mây ném liềm xuống mặt đất và thu hoạch mùa màng.
Chính lúc đó tôi nhận ra những hư ảnh ấy đang nói lên một cách chính xác những gì đang xảy ra trong tu viện, những gì chúng tôi đã biết được từ Cha Bề trên dè dặt. Trong những ngày kế tiếp, tôi đã trở lại không biết bao nhiêu lần để xem xét cánh cửa đó, tin rằng tôi đang trải nghiệm chính những sự kiện nó tường thuật lại. Tôi biết chúng tôi đã leo đến đây để chứng kiến một vụ thảm sát vĩ đại và thần thánh.
Người tôi run rẩy như thể tắm đẫm mưa đông buốt giá. Tôi lại nghe một giọng nói khác, nhưng lần này vọng đến, từ sau lưng và rất lạ, vì nó xuất phát từ trần gian chứ chẳng phải từ trong ảo mộng mù loà của tôi. Nó đã thực sự phá tan ảo ảnh, vì thầy William trước đó cũng chìm đắm vào dòng suy tưởng, giờ mới cùng tôi quay đầu lại.
Con người sau lưng chúng tôi rõ ràng là một tu sĩ, mặc dù chiếc áo rách bẩn thỉu khiến gã trông như một tên du thủ du thực, và bộ mặt gã giống hệt những quái vật tôi vừa mới nhìn thấy trên đầu cột. Không giống các tu sĩ anh em khác, cả đời tôi chưa bao giờ trông thấy Quỷ, nhưng tôi tin nếu một ngày kia Quỷ có hiện ra trước mặt tôi, và phép thánh buộc nó không được che dấu hoàn toàn bản chất của mình dù có giả thành người đi nữa, hẳn nó sẽ phải mang những đường nét của kẻ đang nói chuyện với chúng tôi bây giờ đây. Đầu gã trọc lóc, không phải bị cạo do phạm tội mà là hậu quả của bệnh chàm nhốt hồi xưa, trán thấp đến độ nếu gã có mọc tóc hẳn tóc sẽ hoà lẫn với đôi mày rậm và bờm xờm, cặp mắt tròn, đồng tử nhỏ và linh động, tôi không biết ánh nhìn của gã là ngây thơ hay quỉ quyệt; có lẽ là cả hai, trong những tia, những trạng thái khác nhau. Không thể gọi mũi gã là mũi được, vì nó chỉ là một mẩu xương phát xuất từ giữa đôi mắt, nhưng nó mới nổi lên thì lập tức chìm xuống ngay, rồi biến dạng thành hai cái lỗ tối đen, hai cánh mũi rậm đầy lông… Một vết sẹo nối mũi với một cái miệng rộng và xấu xí, kéo dài về bên phải nhiều hơn bên trái, giữa môi trên hầu như không có và môi dưới dầy trề ra là hàm răng hô, cái nhô ra, cái thụt vào, đen và sắc nhọn như răng chó.
Gã cười, và giơ một ngón tay lên như thể khuyên răn:
- Hãy ăn năn sám hối! Coi chừng rồng sắp đến để gặm xác người! Thần Chết là kẻ tối cao! Cầu Santo Peter đến giải phóng ngươi và tất cả tội lỗi của chúng ta! Hãy coi chừng ma quỉ! Luôn rình ta ở một xó nào đó để đớp lấy gót chân ta. Nhưng Salvatore đâu phải là kẻ ngu đần! Tu viện tốt, và nhà ăn tốt, cầu Chúa chúng ta. Những thứ còn lại không đáng cục cứt. Amen. Phải không?
Khi câu chuyện tiếp diễn, tôi sẽ tả chi tiết về con người này và ghi lại lời của gã. Thú thật, làm việc ấy rất khó vì thuở đó, và cả bây giờ nữa, tôi mù tịt không biết gã nói thứ tiếng gì. Gã không nói tiếng La tinh như các học giả ở tu viện, không nói tiếng thông tục của các vùng địa phương quanh đó, hay của bất kỳ vùng nào tôi đã được nghe. Khi ghi lại những lời nói đầu tiên của gã, tôi biết mình mới phác hoạ một ý niệm mơ hồ về cách gã nói. Sau này khi tôi biết về cuộc đời phiêu bạt của gã và những nơi chốn khác nhau gã đã lê gót qua, tôi nhận ra Salvatore nói tất cả các thứ tiếng và không nói thứ tiếng nào cả. Thực ra, gã đã sáng chế cho riêng gã một thứ tiếng sử dụng những yếu tố cơ bản của các thứ tiếng gã biết được. Có một dạo tôi cho rằng tiếng nói của gã không phải là tiếng nói của Ông tổ Adam mà nhân loại hạnh phúc xưa kia đã nói - tiếng nói duy nhất đã liên kết mọi người từ điểm khởi sinh thế giới đến tháp Babel với nhau – cũng không phải một trong những thứ tiếng xuất hiện sau biến cố tàn khốc phân hoá họ; nó chính là tiếng nói của thành phố Babel [1] ngay sau khi bị Chúa trừng phạt, thứ tiếng hỗn loạn thời nguyên sơ. Nhưng không phải vì việc đó mà tôi có thể gọi lời nói của Salvatore là một thứ tiếng, vì tất cả các thứ tiếng của nhân loại đều có luật và mỗi từ đều biểu thị một sự vật theo một qui luật cố định, vì người ta không gọi con chó lúc là chó, lúc là mèo được, hay không thể phát ra những âm thanh chưa được con người gắn cho một ý nghĩa xác định nào đó. Thế nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn hiểu được điều Salvatore muốn nói, và những người khác cũng vậy. Gã nói tất cả các thứ tiếng, không nói tiếng nào đúng cả, khi dùng từ của tiếng này, khi của tiếng khác, có thể đề cập đến điều gì đó ban đầu bằng tiếng La tinh, rồi sau chuyển sang tiếng xứ Provence. Tôi nhận thấy gã ít sáng chế câu nói mới của mình, mà thường sử dụng những thành phần nhớ được từ các câu nói khác, gã đã nghe đâu đó trước kia, rồi áp dụng chúng vào hoàn cảnh hiện tại và điều gã muốn nói. Thí dụ gã có thể nói về một món ăn bằng cách chỉ dùng số từ những người cùng ăn món đó với gã đã sử dụng và bộc lộ niềm vui của gã bằng cách chỉ dùng số câu gã đã nghe những người vui mừng thốt ra vào cái ngày gã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Cách gã nói cũng na ná như bộ mặt gã, chắp từ các mảnh vụn của mặt người khác lại với nhau, hay giống như vài cái hòm đựng thánh tích quý báu tôi đã thấy, được chế tạo từ các mảnh vỡ của các thánh vật khác. Vào giây phút đầu tiên gặp mặt, do cả hai yếu tố bộ mặt và lối nói của gã, Salvatore hiện ra với tôi giống như những sinh vật lai có vó đầy lông lá tôi vừa nhìn thấy dưới cửa chính. Về sau tôi nhận thấy gã khá tốt bụng và hóm hỉnh. Rồi về sau nữa… Nhưng chúng ta không nên vượt trước câu chuyện. Đặc biệt khi gã rứt lời, thầy tôi bèn hỏi, giọng hết sức hiếu kì:
- Tại sao Huynh bảo hãy ăn năn sám hối?
- Lạy Chúa rất nhân hậu, - Salvatore đáp, khẽ cúi đầu - Đức Kitô sẽ đến và loài người phải sám hối. Phải không?
Thầy William nhìn gã, - Huynh từ tu viện dòng Anh em Nghèo khó đến phải không?
- Hổng hiểu.
- Tôi hỏi có phải Huynh đã sống với các thầy tu dòng thánh Francis hay không? Tôi hỏi Huynh có biết những người mệnh danh Tông đồ…
Mặt Salvatore tái nhợt hay nói đúng hơn, khuôn mặt sạm nắng và hung tợn của gã đổ màu xám xịt. Gã cúi chào thật sâu, cặp môi nửa khép nửa hở lầm bầm “Xin lui”, cuống quýt làm dấu thánh giá rồi bỏ chạy, chốc chốc lại ngoái nhìn chúng tôi.
- Thầy hỏi Huynh ấy gì thế?
Thầy William nghĩ một lát – Không có gì đâu. Ta sẽ kể cho con nghe sau. Chúng ta hãy vào bên trong đi. Ta cần gặp Cha Ubertino.
Vừa mới sáu giờ. Mặt trời xanh xao từ phương Tây chỉ len lỏi qua được những cửa sổ nhỏ hẹp, lọt vào nội dinh giáo đường. Một giải sáng mỏng manh chụm lên bàn thờ chính. Và mặt trước bàn thờ dường như bừng lên những tia vàng rạng rỡ. Các gian bên cạnh chìm trong bóng tối.
Gần cuối giáo đường, phía trước bàn thờ gian bên trái, có dựng một cột dáng thon nhỏ, tạc tượng Đức Mẹ đồng trinh bằng đá, theo kiểu mới, với nụ cười huyền nhiệm khó tả và vòm bụng nhô cao, khoác một tấm áo xinh đẹp có áo ngắn phủ ngoài, tay bế Chúa Hài Đồng. Dưới chân Đức Mẹ, một tu sĩ mặc áo dòng Cluniac đang gần như xoãi dài dưới đất để cầu nguyện.
Chúng tôi tiến đến. Nghe tiếng chân, tu sĩ ngẩng đầu lên. Ông ta già, đầu hói, mày râu nhẵn nhụi, đôi mắt to màu xanh nhạt, môi mỏng và đỏ, da trắng, sọ xương xẩu và da đầu bám vào đó như xác ướp ngâm sữa. Đôi tay trắng, ngón dài hình ngòi bút. Ông giống như một trinh nữ tàn tạ vì chết yểu. Thoạt đầu, ông đăm đăm nhìn chúng tôi rất hoang mang, như thể chúng tôi đã quấy nhiễu ảo mộng tuyệt diệu của ông, rồi gương mặt ông bừng lên niềm vui. Ông la lên:
- William, người thân yêu nhất của ta. – Ông gắng ngồi dậy, đi về phía thầy tôi, ôm thầy tôi vào lòng và hôn lên môi thầy – William! – Ông lập lại, mắt nhòa lệ - Đã bao nhiêu năm trời! Nhưng Cha vẫn nhận ra Huynh! Bao nhiêu mùa thu rồi, bao nhiêu sự đời đã xảy ra! Chúa đã bày ra bao nhiêu là thử thách! – ông nức nở. Thầy William ôm ông, hết sức xúc động. Trước mặt chúng tôi là Cha Ubertino.
Tôi đã được nghe nói nhiều về Cha, ngay cả trước khi tôi đến Ý, và còn được nghe nhiều hơn nữa khi lui tới các tu sĩ dòng Francisco của triều đình. Ai đó đã kể tôi nghe rằng nhà thơ vĩ đại nhất thời đó ở Florence – Dante Alighieri – mới mất cách đây vài năm, đã sáng tác một bài thơ viết bằng tiếng dân gian Tuscany, trong đó có dành nhiều dòng để bình giải những đoạn do Ubertino viết trong quyển sách:”Cây của sự sống bị đóng đinh”. Đây không phải là giá trị duy nhất của con người nổi tiếng này. Nhưng để độc giả hiểu rõ hơn tầm quan trọng của buổi gặp gỡ hôm nay, tôi cần dựng lại những biến cố xảy ra trong những năm đó, theo sự hiểu biết của tôi thu lượm được nhờ khoảng thời gian ngắn lưu lại vùng Trung Ý, và nhờ lắng nghe các buổi trò chuyện của thầy William với các Cha Bề trên và tu sĩ trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Tôi sẽ cố gắng kể lại hiểu biết của tôi về vấn đề này, mặc dù tôi không chắc sẽ có thể giải thích đến nơi đến chốn. Các thầy tôi ở Melk thường bảo rằng một người phương Bắc rất khó nắm rõ sự thăng trầm của tôn giáo và chính trị ở Ý.
Bán đảo Ý, nơi giới tăng lữ giàu có và nắm nhiều quyền lực hơn hẳn các nước khác, trong ít nhất hai thế kỷ nay đã dấy lên các phong trào của các tu sĩ sống nghèo hơn chống lại các linh mục biến chất, những kẻ thậm chí đã từ chối không chịu làm lễ ban phước cho họ. Họ họp thành những cộng đồng độc lập và bị các lãnh chúa, đế chế và thị trưởng căm ghét không kém.
Cuối cùng, Thánh Francis xuất hiện, quảng bá lối tu hành khổ hạnh nhưng không đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội. Sau nỗ lực của Người, Giáo hội đã mở những cuộc triệu tập để kỷ luật nghiêm khắc các phong trào trước đây và thanh lọc các yếu tố chia rẽ tiềm ẩn bên trong. Đáng lẽ sau đó phải là một giai đoạn sùng đạo, an bình. Nhưng khi dòng Francisco phát triển và thu hút được những tu sĩ tốt nhất, nó trở nên quá mạnh và quá gắn bó với thế sự. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco mong muốn khôi phục lại sự thanh khiết ban đầu của dòng tu của mình – một công việc rất khó khăn – vì vào thời tôi ở tu viện, dòng tu đã có đến ba mươi nghìn môn đồ ở rải rác khắp thế giới. Các tu sĩ này chống lại những Điều lệ do dòng tự đặt ra, và bảo rằng hiện nay dòng tu lại mang những tính chất của các dòng mà nó đã cải tạo trước đây. Việc này đã xảy ra ngay vào thời Thánh Francis vẫn còn sống, và người ta đã phản bội lời dạy cùng mục tiêu của Người. Nhiều người tái phát hiện một quyển sách do một tu sĩ dòng Cistercian tên là Joachim, viết vào hồi đầu thế kỷ XII, người được xem như có tài tiên tri. Cha đã tiên đoán một thời đại mới sắp đến, khi đó tinh thần của Chúa Kitô, hằng bao lâu nay bị tha hóa bởi hành động của các tông đồ giả dối, sẽ được hồi phục lại trên thế gian. Và cha đã tuyên bố về những sự kiện tương lai bằng một cách, dù vô hình, khiến mọi người hiểu rằng ông đang nói đến dòng Francisco. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco vô cùng hân hoan, thậm chí dường như quá hân hoan nữa, vì vào khoảng giữa thế kỷ đó, các tiến sĩ Sorbonne rất lên án sự giáo huấn của Cha Bề trên Joachim. Họ đang trở nên những học giả quá uyên thâm, quá uy lực, tại Đại học Paris, và những tiến sĩ Sorbonne đó muốn trừ khử họ đi như những kẻ theo tà giáo. May thay, âm mưu đó không thực hiện được.
Trong ba mươi năm cuối cùng của thế kỷ trước, Hội đồng Thành phố Lyon đã cứu dòng Francisco thoát khỏi tay những kẻ muốn thủ tiêu nó, và cho phép dòng được sở hữu tất cả tài sản đang sử dụng. Đó là luật áp dụng đối với các dòng tu cũ. Nhưng vài tu sĩ ở Marches đã nổi loạn phản đối vì họ tin rằng tinh thần của giáo luật đã bị phản bội, vì tu sĩ dòng Francisco không được sở hữu một vật gì cả, dù là cho cá nhân, cho tu viện, hay cho dòng tu đi nữa. Những kẻ nổi loạn này đã bị tù chung thân.
Nhiều năm sau đó, Cha Bề trên mới là Raymond Gaufredi đã đến gặp các tù nhân này ở Ancana và phóng thích họ.
Trong số những tù nhân được phóng thích này có một người tên là Angelus Clarenus, sau đó đã đến gặp Pierre Olieu, một tu sĩ quê ở Provence, người đã rao giảng các lời tiên tri của Joachim, rồi gặp Ubertino, và như thế phong trào của các tu sĩ dòng Thánh thần được hình thành. Họ tìm đến Đức Giáo hoàng thánh thiện Celestine Đệ ngũ và xin thành lập một cộng đồng gọi tên là Các anh em và người nghèo của Đức ẩn sĩ Celestine. Phong trào nghèo khổ mới này được sự ủng hộ bí mật của các giáo chủ xứ Colona và Orsini. Ubertino trở thành tu sĩ được kính trọng nhất trong dòng Thánh thần và đang gặp nguy cơ bị buộc là kẻ theo tà giáo, nhưng chính giáo chủ Orisini đã đứng ra bảo vệ Cha tại Avignon.
Hàng vạn người dân chất phác công nhận lời giảng đạo của Angelus và Ubertino, rồi nó truyền lan đi khắp nước, không gì ngăn giữ nổi. Thế là nước Ý tràn ngập những tu sĩ Fraticelli hay những Thầy tu Nghèo khó mà nhiều người xem là rất nguy hiểm. Lúc đó thật khó phân biệt ai là giáo sĩ Thánh thần có liên hệ với Giáo hội, ai là tín đồ chất phác sống ngoài dòng, ngày ngày đi xin của bố thí và làm thuê làm mướn, không lưng lận một của riêng nào. Bấy giờ dân chúng gọi những người này là Fraticelli, tương tự như những tu sĩ Beghards người Pháp, những người đã nghe theo lời Pierre Olieu nhập đạo.
Kế vị Đức Giáo hoàng Celestine Đệ ngũ là Boniface thứ tám. Trong những năm cuối của thế kỷ hấp hối này, Ông đã ký một Sắc lệnh Hãy cảnh giác,[2] trong đó Ông thẳng tay tố cáo các thầy tu hành khất lang thang quanh vùng ven xa xôi của dòng tu Francisco và cả các tu sĩ dòng Thánh thần đã lui về ở ẩn.
Năm 1936, John XXII được cử lên ngôi Đức Giáo hoàng, và đã tước của họ mọi hy vọng. Lão viết thư cho vua xứ Sicile yêu cầu Ông trục xuất tất cả các tu sĩ đang trú ẩn tại đó và truyền bắt giam Angelus cùng các tu sĩ dòng Thánh thần xứ Provence.
Không phải tất cả hành động này đều trót lọt. Nhiều người trong giới lãnh đạo Giáo hội La Mã phản kháng. Ubertino và Angelus tìm cách xin phép rời khỏi dòng, Ubertino được nhận vào dòng Benedict và Angelus vào dòng Celestine. Nhưng John đã không nương tay đối với những người vẫn tiếp tục sống đời tự do, Ông truyền lệnh thanh lọc họ, và nhiều người đã phải chịu cảnh trói vào cọc thiêu sống.
Tuy vậy, Ông nhận thức được rằng muốn hủy diệt tận gốc rễ các tu sĩ Fraticelli, những người đe dọa thành trì quyền lực của Giáo hội, Ông cần tố cáo các quan niệm làm nền tảng cho đức tin của họ. Họ tuyên bố rằng Chúa Kitô và các tông đồ không sở hữu bất kỳ một của cải dưới hình thức riêng chung nào cả. Thế là Đức Giáo hoàng tố cáo tư tưởng này là lạc đạo. Thật đáng kinh ngạc, vì Đức Giáo hoàng chẳng cần có một căn cứ cụ thể nào để gọi quan điểm Chúa Kitô cơ nghèo là sai trái cả. Thế nhưng, mới trước đó một năm, dòng Francisco tại Perugia đã xướng quyết quan điểm này. Đức Giáo hoàng lên án quan điểm này có nghĩa là Ông cũng đồng thời lên án dòng. Như tôi đã nói, Đại hội Perugia đối nghịch kịch liệt với cuộc đấu tranh của Ông nhằm chống lại hoàng đế. Hậu quả là sau đó, nhiều tu sĩ Fraticelli, chẳng liên hệ gì đến triều đình hay Đại hội Perugia, đã bị thiêu chết…
…..
Những suy nghĩ trên hiện lên trong óc tôi khi tôi nhìn đăm đăm nhân vật truyền thuyết Ubertino. Thầy tôi giới thiệu tôi, và con người già nua này đưa bàn tay nồng ấm đến độ hầu như nóng bỏng vuốt má tôi. Khi tay ông chạm vào da thịt tôi, tôi chợt hiểu ra rất nhiều điều được nghe về con người thần thánh đó, và nhiều điều khác đọc được trong quyển sách “Cây của sự sống bị đóng đinh” do ông viết. Tôi hiểu ngọn lửa huyền nhiệm đã nung nấu Cha từ thời thanh niên, thời ông ngồi học ở Paris, bỏ nghiên cứu Thần học và tưởng tượng mình hoán cải thành cô điếm ăn năn Magdalen, hiểu dây liên hệ khăng khít giữa ông và Thánh Angela, người đã khai tâm cho ông bước vào cuộc đời huyền nhiệm phong phú và tôn thờ thập giá, và hiểu tại sao các Bề trên của ông, một ngày nọ hoảng hốt vì những lời giảng đạo nồng nhiệt của ông, đã tống ông lui về La Verna.
Chỉ mới đây, qua các tin đồn tôi loáng thoáng nghe được, ngôi sao của ông tại triều đình đã lu mờ, ông phải rời Avignon và Đức Giáo hoàng đã sai người truy đuổi con người không hề khuất phục này như một kẻ lạc đạo tha phương cầu thực khắp thế giới. Thế rồi, người ta bảo đã mất tuyệt tông tích ông. Chiều hôm đó, qua cuộc nói chuyện giữa Thầy William và Cha Bề trên, tôi biết ông đang ẩn náu nơi tu viện này. Và giờ đây, ông đang đứng trước mặt tôi.
Ông cất tiếng: “William biết không, chúng sắp sửa giết Cha đấy. Cha phải thoát chạy lúc nửa đêm”.
- Ai muốn giết Cha? John à?
- Tất cả bọn chúng. Bọn cầm đầu Giáo hội La Mã. Chúng đã mưu sát Cha hai lần. Chúng muốn Cha câm họng. Cha đã biết việc xảy ra cách đây năm năm. Các tu sĩ Beghards đã bị kết án trước đó hai năm và Berengar Talloni, mặc dù là một trong các phán quan, đã chống án lên Đức Giáo hoàng. Đó là những thời kỳ khó khăn. John lúc ấy đã ban hành hai sắc lệnh chống dòng Thánh thần và thậm chí Cha Michael cũng chịu đầu hàng – À, bao giờ Cha Michael đến?
- Cha Michael sẽ có mặt tại đây trong vòng hai ngày.
- Cha Michael… lâu lắm rồi không gặp Cha Michael. Bây giờ Cha Michael đã đi nhiều nơi, Cha hiểu khi xưa chúng ta muốn gì. Đại hội tại Perugia đã khẳng định là chúng ta đúng. Nhưng vào năm 1318 đó, Cha Michael đã tuân lệnh Đức Giáo hoàng và nộp cho lão năm tu sĩ dòng Thánh thần không tuân phục lão ở xứ Provence. Chúng thiêu họ, William ạ… Ôi! Thật khủng khiếp. – Cha dấu mặt vào lòng hai bàn tay.
- Xin Cha hãy kể cho con nghe, Cha đã thoát khỏi lũ chó đó như thế nào?
- À, đúng là lũ chó, William ạ. Một lũ chó dại. Cha thậm chí còn đụng độ với cả Bonagratia đấy.
- Nhưng Cha Bonagratia cùng cánh với Cha mà!
- Bây giờ thì cùng cánh, sau khi nghe Cha hết lời trình bày. Rồi Cha Bonagratia tin, và bèn phản đối sắc lệnh Đối với người sáng lập giáo hội.[3] Thế là Đức Giáo hoàng tống giam Cha ấy một năm.
- Con nghe rằng bây giờ Cha ấy thân với một người bạn của con trong giới lãnh đạo Giáo hội, William xứ Occam.
- Cha biết về người ấy rất ít, và không thích hắn. Một kẻ duy lý trí, không nhiệt tình, không tim.
- Nhưng lý trí ấy thật tuyệt.
- Có thể, nhưng nó sẽ đẩy hắn xuống địa ngục.
- Khi đó, con sẽ gặp lại người ấy ở dưới đó, và cả hai sẽ tranh luận về logic.
- Im nào, William… Cha Ubertino nói, mỉm cười trìu mến, - Con còn giỏi hơn các triết gia của con đấy. Giá mà con muốn…
- Muốn gì?
- Khi chúng ta gặp nhau lần cuối ở Umbria, nhớ không? Cha vừa khỏi bệnh nhờ sự cầu nguyện của một phụ nữ tuyệt vời… Clare xứ Montefalco… Ông thầm thì, gương mặt rạng rỡ… Clare… Khi bản chất phụ nữ, vốn dĩ rất hư hỏng, được phép đạo hóa thiêng liêng, khi đó nó có thể là nguồn ơn huệ cao quí nhất. William, con biết sự trinh nguyên đã truyền cảm cho đời Cha xiết bao! – Ông chụp lấy cánh tay thầy tôi, xoắn vặn. – Con biết Cha đã áp dụng một sự hành xác ăn năn… dữ dội, phải, đúng từ đó, sự hành xác dữ dội xiết bao để giết chết trong thân thể Cha sự rung động của xác thịt, để dọn mình Cha hoàn toàn tinh khiết với tình yêu của Chúa Kitô trên thập tự giá… Thế mà, ba người phụ nữ trong đời Cha đã trở nên ba thiên thần đưa tin cho Cha: Angela, Margaret và cuối cùng là Clare. Đó chính là phần thưởng của Đức Chúa Trời, do đó Cha, đúng, Cha phải tìm hiểu phép lạ của bà và phong thánh cho bà trước giáo dân. William, con cũng có mặt lúc ấy, đáng lẽ con có thể giúp Cha thực hiện nỗ lực thiêng liêng đó, và con sẽ không…
- Những nỗ lực thiêng liêng mà Cha mời con cùng dự đã khiến Bentivenga, Jacomo và Giovannuccio lên cọc thiêu, - thầy William nhẹ nhàng nói.
- Chúng đã lấy những điều suy đồi của chúng để bôi nhọ ký ức về bà. Nhưng con là phán quan cơ mà!
- Đó chính là lý do khiến con xin thôi giữ trách nhiệm đó. Con không thích công việc đó. Thành thực mà nói, con cũng không thích cách Cha ép Bentivenga thú tội. Cha giả vờ muốn gia nhập giáo phái của anh ta, nếu có gọi đó là giáo phái đi nữa, khai thác lấy được bí mật của anh ta, rồi bèn ra lệnh bắt anh ta.
- Nhưng đó là cách chống lại các kẻ thù của Chúa. Chúng là bọn tà đạo, bọn tông đồ giả trá, tụi nó nồng nặc diêm sinh uế khí của Fra Dolcino!
- Họ là bạn của Clare.
- Không, William, con không được phép để cho dù chỉ là cái bóng của chúng dây vào ký ức về Clare.
- Nhưng nó có liên hệ với bà.
- Chúng là bọn Anh em nghèo khó, chúng tự nhận là tu sĩ dòng Thánh thần, nhưng chính chúng là tu sĩ của cộng đồng! Con biết rõ rằng tại tòa, Bentivenga đã tuyên bố mình là tông đồ, rồi sau đó hắn cùng Giovannuccio đã quyến rũ các nữ tu, bảo họ rằng địa ngục không tồn tại, rằng có thể thỏa mãn nhục dục mà không tổn hại đến Chúa Trời, rằng thân thể Chúa Trời – Xin Thượng đế tha thứ - có thể được hình thành sau khi một người đàn ông ăn nằm với một nữ tu, rằng cô điếm Magdalen thích nhìn hình Chúa hơn nhìn Thánh nữ đồng trinh Agnes, rằng cái mà người thế tục gọi là Quỷ sứ chính là Thượng đế, vì Quỷ sứ là tri thức và theo định nghĩa thì Thượng đế là tri thức! Sau khi nghe được cuộc nói chuyện này, chính Clare thánh thiện đã mơ thấy một ảo ảnh, trong đó chính Chúa bảo bà rằng chúng là những tín đồ độc ác của Tinh thần Tự do!
- Họ là những Anh em Nghèo khó óc cháy bỏng vì những ảo ảnh y hệt như Clare đã gặp, và giữa hư ảnh xuất thần và cơn cuồng điên tội lỗi thường chỉ cách nhau một bước rất ngắn.
Ubertino xoắn đôi tay áo vào nhau và mắt lại nhòa đi – Đừng nói thế, William. Làm sao con có thể lẫn lộn giây phút yêu thương xuất thần đốt cháy tâm can và ngào ngạt hương nhang với sự hỗn loạn của xác thịt nồng nặc diêm sinh? Bentivenga xúi giục người ta sờ soạng chân tay trần truồng của kẻ khác, hắn tuyên bố đó là cách duy nhất dẫn đến sự tự do thoát khỏi sự ràng buộc của xác thịt, “đàn ông và đàn bà, họ nằm trần truồng với nhau…”
- Nhưng không có một cuộc giao hợp nào.
- Láo! Chúng tìm kiếm lạc thú, và chúng đã tìm thấy. Nếu lòng rạo rực nhục dục và nếu để thỏa mãn nó mà đàn ông, đàn bà ăn nằm với nhau, kẻ này sờ soạng, hôn hít kẻ kia khắp cùng cơ thể, bụng trần ấp lên nhau thì chúng chẳng xem đó là tội lỗi!
Thú thực, cách Cha Ubertino bêu xấu tội lỗi của kẻ khác chẳng gợi cho tôi một ý nghĩ đạo đức nào. Thầy tôi hẳn đã nhận thấy tâm tư tôi đang bị xáo động nên bèn cắt ngang lời thánh nhân này.
- Thưa Cha, Cha yêu Chúa và căm ghét tội lỗi thẩy đều hết sức nồng nhiệt. Ý con muốn nói khi nãy là giữa sự cuồng nhiệt của thiên thần tối cao và sự cuồng nhiệt của quỷ Lucifer cũng chẳng khác nhau bao xa, vì cả hai đều luôn phát sinh từ cực điểm kích động của ý chí.
- Ồ, có sự khác biệt chứ, và Cha biết mà – Cha Ubertino nói, giọng hưng phấn – Con muốn nói giữa Thiện và Ác chỉ cách nhau một bước rất ngắn, vì đó luôn luôn là nhiệm vụ chỉ đạo lý trí. Quả đúng như vậy. Nhưng sự khác biệt chính là mục tiêu, và mục tiêu thì rất dễ phân định. Chúa phía này, Quỷ phía kia.
- Con e rằng con không còn biết phân biệt thế nào nữa, Cha Ubertino ạ. Chẳng phải bà Angela của Cha đã kể Cha nghe chuyện ngày nọ bà ta xuất hồn thấy mình ở trong mộ của Chúa sao? Chẳng phải bà đã kể, thoạt tiên bà hôn ngực Ngài ra sao? Thấy Ngài nhắm mắt lại, rồi bà hôn môi Ngài, từ môi Ngài tỏa ra một hương vị ngọt ngào khôn tả, đoạn một lát sau, bà áp má vào má Ngài và Chúa đưa tay vuốt má bà, ghì sát bà vào người và như bà nói – hạnh phúc của bà trở nên linh thiêng?...
- Điều này thì có ăn nhập gì đến đòi hỏi của xác thịt? - Cha Ubertino hỏi – Đây là một trải nghiệm huyền nhiệm, và thân thể ấy là của Thượng đế của chúng ta.
- Có lẽ con đã quen với cách nghĩ ở Oxford, ở đó thậm chí một trải nghiệm huyền nhiệm cũng là một loại…
- Tất cả là trong đầu, - Cha Ubertino mỉm cười.
- Hay trong đôi mắt. Thượng đế được cảm nhận như ánh sáng trong vạt nắng, bóng gương, sắc màu khuếch tán trên những sự vật ngăn nắp, trong ánh ban mai trên lá ướt… Tình yêu này lại không gần gũi với tình yêu của Thánh Francis sao, khi người ca ngợi Thượng đế trong các sinh vật, cỏ hoa, trời nước của người? Con không tin một tình yêu như vậy có thể tạo ra một cạm bẫy nào. Trong khi đó, con nghi ngờ loại tình yêu biến những cơn rung động do va chạm xác thịt thành cuộc hội thoại với Đấng Toàn Năng…
- William, chớ báng bổ! Hai thứ không phải là một đâu. Cơn xuất thần cao cả của trái tim yêu Đấng Kitô trên Thập giá khác cơn xuất thần đồi bại, xấu xa của những tông đồ giả trá của Montefalco một trời một vực…
- Họ không phải là những Tông đồ giả trá, họ là Tu sĩ của Tinh thần tự do, chính Cha đã nói như vậy mà.
- Có khác gì đâu? Con chưa biết hết về phiên tòa mà bản thân Cha chẳng bao giờ dám tường thuật một số lời thú tội nghe được, vì sợ rằng Cha sẽ, dù chỉ trong giây phút thôi, để cho bóng Quỷ dữ dây vào không khí thiêng liêng mà Clare đã tạo ra ở đó. Nhưng William ạ, Cha đã nắm chắc một số điều, một số việc. Ban đêm, chúng tụ tập bên dưới hầm, bắt theo một hài nhi mới sinh, chúng ném chuyển hài nhi đó từ đứa này sang đứa kia cho đến khi đứa trẻ chết vì những cú tung hứng bầm dập … hay vì nguyên do khác… kẻ nào đón bắt được hài nhi khi nó trút hơi thở cuối cùng sẽ trở thành tên giáo chủ. Rồi thi thể đứa trẻ sẽ bị xé thành từng mảnh vụn, đem trộn với bột mì để làm những chiếc bánh cho bữa tiệc báng bổ.
- Cha Ubertino – thầy William nói rắn rỏi – cách đây nhiều thế kỉ, các giám mục Armenie đã nói đến những việc như thế này, những việc liên quan đến giáo phái của bọn Pauli và bọn Bogomil.
- Thế thì đã sao? Quỷ rất ương ngạnh, hắn vẫn giương cạm bẫy và quyến rũ theo một kiểu cũ, cứ một nghìn năm lại lặp lại các nghi lễ xưa, hắn muôn đời vẫn chẳng thay đổi, và chính nhờ đó ta nhận ra hắn là kẻ thù! Cha thề với con rằng vào đêm Phục sinh, chúng đã châm nến và dắt các trinh nữ xuống hầm. Rồi chúng thổi phụt nến đi và nhảy đè lên các cô gái, thậm chí dù các cô có liên hệ huyết thống với chúng đi nữa… Và nếu có một đứa trẻ được sinh ra từ cuộc giao hợp đó, một buổi lễ quỷ quái khác sẽ được tổ chức quanh một bình rượu vang nhỏ mà chúng gọi là vại. Chúng nhậu nhẹt say sưa và cắt đứa trẻ thành từng mảnh, dốc máu nó nhỏ vào cốc, rồi ném đứa trẻ còn sống vào lửa và hòa tro cốt đứa trẻ với máu của nó đem uống!
- Nhưng Michael Psellus đã viết về việc này trong quyển sách về hoạt động của Quỷ, cách đây cả trăm năm rồi! Ai kể Cha nghe những việc như thế?
- Bọn chúng. Chính Bentivenga và đồng bọn kể, khi bị khảo hình.
- Chỉ có một thứ khơi dậy thú tính còn hơn cả khoái lạc, đó chính là sự đau đớn. Khi bị tra tấn, ta có cảm giác như thể đang chịu tác dụng của các loại dược thảo gây ảo giác. Tất cả những điều ta được nghe kể lại, cả những thứ ra đã đọc đều hiện về trong tâm trí ta, như thể người ta đang chuyển mình đi, không phải lên thiên đường, mà là xuống địa ngục. Khi bị tra tấn, ta không chỉ nói những điều mà phán quan muốn ta nhận mà cả những điều ta nghĩ sẽ khiến lão vui lòng, vì giữa ta và lão đã xác lập một sợi dây liên hệ quỷ quái.. Con có biết những điều này, Cha Ubertino ạ; con cũng đã từng theo phe tin rằng họ có thể tìm ra sự thật nhờ những thanh sắt nung đỏ. Thôi được, hãy nghe con nói, sự thật trong trắng hừng phát từ một ngọn lửa khác. Khi bị tra tấn, có lẽ Bentivenga đã nói những điều láo toét ngu xuẩn nhất, vì khi đó không phải là bản thân hắn đang nói, mà chính lòng ham muốn, quỷ dữ trong tâm hồn hắn, đang nói.
- Lòng ham muốn?
- Phải, có sự ham muốn cơn đau, khi ta có sự ham muốn được ngưỡng mộ, và thậm chí sự ham muốn điều hèn mọn. Nếu các thiên thần nổi loạn dễ dàng bỏ đạo và đời thanh bần để chống đạo và sống đời kiêu ngạo thì chúng ta có thể trông đợi gì ở người trần mắt thịt? Đó, bây giờ Cha đã hiểu: chính suy nghĩ này ám ảnh con suốt thời gian làm phán quan. Và đây chính là nguyên nhân khiến con rời nhiệm vụ. Con không đủ can đảm điều tra sự yếu đuối của kẻ ác, vì con khám phá rằng nó cũng giống hệt sự yếu đuối của Thiên thần.
Ubertino lắng nghe lời cuối của thầy William như thể chẳng hiểu gì hết. Căn cứ vào nét mặt lộ vẻ tội nghiệp đầy trìu mến của Cha, tôi biết ông xem thầy William như nạn nhân của những cảm tính tội lỗi mà ông muốn tha thứ vì ông yêu thầy tôi vô cùng. Cha ngắt lời thầy, đoạn cay đắng nói:
- Không sao cả. Nếu con cảm thấy thế, con từ chức là đúng. Cần phải chống lại cám dỗ. Tuy nhiên, lúc đó Cha vẫn thiếu sự ủng hộ của con; nếu có, hẳn Cha đã có thể đánh tan tác bọn chúng. Ngược lại, con biết việc xảy ra chứ, bản thân Cha bị buộc tội đã nương tay với chúng, và họ nghi ngờ Cha là kẻ lạc đạo. Con cũng yếu đuổi trong trận chiến với lũ ác. Tội ác, William hỡi! Chẳng lẽ tội ác – cái bóng tối, cái vực thẳm ngăn chúng ta không đến được nguồn thánh – sẽ cứ mãi mãi tiếp diễn sao? – Cha tiến sát vào thầy William hơn nữa, như thể e sợ ai đó sẽ nghe trộm.
- Cả ở đây nữa, thậm chí lẫn trong những bức tường nhà nguyện thiêng liêng này nữa, con biết không?
- Con biết. Cha Bề trên đã nói chuyện với con; thú thực, Cha nhờ con giúp Cha soi sáng vụ này.
- Thế thì con hãy quan sát, điều tra, lấy mắt linh miêu xem xét cả hai hướng: tính dâm dục và lòng kiêu ngạo…
- Tính dâm dục à?
- Phải, tính dâm dục. Có một vẻ gì đó… đàn bà, và do đó rất ma quỷ, trong chàng trai vừa mới chết. Gã có đôi mắt của một cô gái muốn giao cấu với thần ác mộng. Nhưng Cha cũng nói đến “lòng kiêu ngạo”, lòng kiêu ngạo của kẻ trí thức, trong tu viện này nó được thánh hóa với lòng kiêu hãnh về chữ nghĩa, với ảo tưởng về trí tuệ.
- Nếu Cha biết điều gì đí, xin hãy giúp con.
- Cha không biết gì hết. Nhưng tim Cha linh cảm một vài điều. Hãy để trái tim con nói. Hãy dò xét khuôn mặt và chớ tin vào miệng lưỡi người…Nhưng thôi, tại sao Cha cứ phải nói những chuyện đau buồn làm anh bạn trẻ này hoảng sợ chứ? – Đôi mắt xanh nhạt của ông nhìn tôi, những ngón tay trắng, dài, mơn trớn má tôi và suýt nữa tôi giật lùi lại theo bản năng của mình. Tôi cố kiềm chế và quả thực nếu không làm thế hẳn Cha đã giận, Cha nào có tà ý gì. Cha quay sang thầy William – Hãy kể về con đi. Từ dạo đó, con đã làm gì? Đã…
- Mười tám năm rồi, con trở về quê hương. Tiếp tục học ở Oxford. Nghiên cứu thiên nhiên.
- Thiên nhiên tốt lành vì cô là con gái Thượng đế.
- Và Thượng đế hẳn phải tốt lành, vì Người đã sinh ra Thiên nhiên, - thầy William mỉm cười nói – Con nghiên cứu, gặp gỡ vài người bạn rất khôn ngoan. Rồi con quen Marsilius, các tư tưởng của ông về đế chế, con người, về một qui luật mới cho các vương quốc trên thế gian hấp dẫn con, và cuối cùng, con gia nhập nhóm Tu sĩ đang cố vấn cho Hoàng đế. Nhưng Cha đã biết những việc này: Con có viết cho Cha mà. Tại Bobbio, con rất mừng khi họ bảo Cha có mặt nơi đây. Chúng con cứ nghĩ Cha đã lạc mất rồi. Nhưng bây giờ có Cha bên chúng con, Cha có thể sẽ giúp đỡ con nhiều trong vài ngày tới, khi Cha Michael đến. Đó sẽ là một cuộc chạm trán khắc nghiệt với Berengar Talloni. Con tin chắc chúng ta sẽ có vài cuộc vui.
Ubertino nhìn thầy, cười gượng – Cha chẳng biết khi nào thì dân Anh các con nói chuyện nghiêm túc cả. Chẳng có gì vui thú trong một vấn đề nghiêm trọng như thế này. Vận mạng dòng tu của con, mà thực tâm, cũng là dòng tu của Cha nữa, đang bị đe dọa. Nhưng Cha sẽ khẩn cầu Michael đừng đi đến Avignon. John cần ông ta, lùng kiếm, mời mọc ông ta quá sức khẩn khoản. Chớ tin lão già người Pháp ấy. Ôi, hỡi Thượng đế. Giáo hội của Người đã rơi vào tay kẻ nào đây! – Ông quay sang hướng bàn thờ. – Ngày xuất hiện của bọn Phản giáo cuối cùng đã gần kề, và Cha sợ quá, William ôi! – Ông nhìn quanh, mắt nhìn trừng trừng vào những hốc tối, như thể bọn Phản giáo sẽ hiện ra bất kỳ lúc nào và thực bụng tôi cũng mong sẽ thấy được một tên – Bọn đồng đảng của chúng đã được phái đến đây như Chúa phái tông đồ xuống thế! Chúng đang dẫm lên thành phố Thánh, dùng trò xảo quyệt, đạo đức giả và bạo lực để quyến dụ người. Chính lúc đó, Chúa sẽ phái tôi tớ của người là Elijah và Enoch, những người đã được Chúa cho sống trên thiên đàng hạ giới, để một ngày kia sẽ tiêu diệt bọn Phản giáo. Họ sẽ đến, mặc bao tời, ban lời tiên tri, bằng lời nói và tấm gương của mình, giảng về sự sám hối…
- Họ đã đến rồi đó, Cha Ubertino – thầy William nói, tay chỉ về chiếc áo dòng Francisco.
- Nhưng họ chưa chiến thắng; giờ là lúc bọn Phản giáo tức giận điên cuồng ra lệnh đem giết Enoch và Elijah, bêu xác họ cho mọi người thấy, để mọi người sợ không dám làm theo nữa. Cũng như chúng sẽ mưu giết Cha vậy…
Lúc đó, tôi kinh hoảng nghĩ Ubertino đang lên cơn cuồng thánh và tôi ái ngại cho sự suy xét của ông. Giờ đây, đã qua nhiều năm, và biết được rằng hai năm sau đó ông đã bị giết một cách bí ẩn tại một thành phố Đức, và hung thủ đã bặt tăm; tôi càng kinh hãi hơn nữa, vì rõ ràng trong đêm ấy Ubertino đã phán những lời tiên tri.
Ubertino đưa tay lên trán, dường như để xóa đi một giấc mơ u ám. Ông thở hổn hển, mệt mỏi – Chúng ta vẫn đang đợi đức Giáo hoàng Thánh thiện… Trong những lúc này, Francis và Dominic đã xuất hiện – Ông ngước mắt lên trời và nói như thể cầu nguyện, nhưng tôi biết chắc ông đang trích đọc một trang trong quyển sách vĩ đại của ông về “Cây của sự sống” – Người thứ nhất trong số họ được gột rửa bằng sự thử thách thánh thần, và dường như cháy sáng bằng sức nóng trên trời. Người thứ hai, nhờ có những lời giảng rực rỡ hơn những tối tăm của thế gian. Vâng, đó là những điều hứa hẹn: Đức Giáo hoàng Thánh thiện phải đến thôi.
- Và sẽ như thế, thưa Cha Ubertino – thầy William nói – Trong lúc này, con đến đây để ngăn ngừa sự truất phế vị hoàng đế của trần gian. Đức Giáo hoàng Thánh thiện của Cha đã được Fra Dolcino giảng…
- Không được nhắc đến tên của con rắn ấy nữa, - Ubertino hét lên và lần đầu tiên tôi thấy nỗi buồn của ông biến thành cơn thịnh nộ - Hắn đã làm ô uế lời giảng của Joachim, biến chúng thành vũ khí giết người tanh tưởi! Nếu có một sứ giả của bọn Phản giáo, ấy chính là hắn! Còn William, con nói như vậy vì con không thực tin vào sự xuất hiện của bọn Phản giáo, và các thầy của con ở Oxford đã dạy con tôn thờ lý trí và làm khô kiệt khả năng tiên tri của quả tim con rồi!
- Cha lầm rồi, - thầy William nghiêm trang đáp lại – Cha biết rằng trong số các thầy học của con, con kính trọng Roger Bacon hơn cả…
- Người mà nhiệt thành nói về máy bay, - Ubertino chua chát lẩm bẩm.
- Đó là người nói rất rõ và điềm tĩnh về bọn Phản giáo. Người ý thức được tầm quan trọng của tội lỗi thế gian, và nền học vấn suy đồi. Tuy nhiên, người dạy rằng chỉ có một cách duy nhất ngăn kẻ Phản giáo đến là nghiên cứu sự bí mật của tự nhiên, dùng kiến thức để làm nhân loại tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể chuẩn bị chiến đấu chống bọn Phản giáo bằng cách nghiên cứu khả năng chữa bệnh bằng dược thảo, tiềm năng của đá và thậm chí chế tạo những máy bay mà Cha cười chế nhạo.
- Bọn Phản giáo của thầy Bacon của con là một cái cớ để gieo mầm kiêu ngạo của giới trí thức.
- Một cái cớ thần thánh.
- Chẳng có cái cớ nào gọi là thần thánh cả, William ạ; con biết Cha rất thương con, và Cha vô cùng tin tưởng con. Hãy hủy diệt trí tuệ của con đi, hãy học cách khóc vì những vết thương của Chúa và hãy ném sách của con đi.
- Con sẽ tận tậm chỉ đọc sách của Cha mà thôi, - thầy William cười nói.
Ubertino cũng mỉm cười, ngón tay ông lắc lư đe dọa. – Này người Anh ngu ngốc. Chớ có cười nhạo bằng hữu của con quá thế. Những người con không yêu thì cũng nên yêu, hay nếu có thể, hãy sợ họ. Và khi ở tu viện này hãy cảnh giác. Cha không thích nơi đây.
- Thú thực con muốn hiểu rõ hơn – thầy William nói, rồi đứng dậy chia tay – Thôi đi, Adso.
- Cha bảo con nơi này không tốt, và con bảo con muốn biết nó hơn nữa. Chà chà! – Ubertino bắt đầu nói.
- Này, - thầy William nói, khi đã đi quá nửa gian giữa của giáo đường – Ai là vị tu sĩ trông như con thú mà nói ngôn ngữ như tháp Babel vậy?
- Salvatore ư? – Ubertino khi ấy đã quỳ xuống, bèn quay lại – Cha nghĩ rằng người ấy là quà tặng của Cha gởi đến tu viện này…cùng với viên quản hầm. Khi Cha xếp chiếc áp tu dòng Francisco riêng ra, Cha trở lại tu viện cũ của Cha ở Casale một thời gian, và ở đó Cha gặp các tu sĩ khác đang trong cảnh khó khăn vì cộng đồng khép tội họ là các tu sĩ thuộc giáo phái Thánh thần của giáo xứ Cha, như cách họ gọi. Cha cố gắng giúp đỡ họ, xin phép cho họ được theo gương Cha và Cha gặp hai tu sĩ Salvatore và Remigio. Tại đây, khi Cha đến năm ngoái, Salvatore quả thật trông giống thú, nhưng lại sốt sắng lắm.
Thầy William ngần ngừ một thoáng – Con nghe Huynh ấy nói “Hãy ăn năn sám hối”.
Ubertino im lặng. Ông khua tay, dường như để xua đi một ý nghĩ vướng víu, - Không, Cha không tin vậy. Con hiểu những anh em bình dân là những người như thế nào. Họ là những dân quê, có lẽ nghe một lão giảng đạo rao truyền điều gì đó mà không ý thức mình đang nói gì. Đối với Salvatore, Cha phải trách mắng những điều khác nữa: đó là một con thú tham lam và ham hố. Nhưng không có gì, không có gì chống lại chính thống giáo cả. Không, tu viện này mắc một căn bệnh khác: hãy truy tìm nó trong những người biết quá nhiều, chớ đừng tìm ở những kẻ thất học. Đừng xây tòa lâu đài nghi ngờ trên một lời nói.
- Con sẽ không bao giờ làm thế - thầy William đáp – Con xin từ nhiệm chức phán quan chính vì muốn tránh khỏi làm như thế, nhưng con cũng thích lắng nghe những lời nói, rồi suy nghĩ về chúng.
- Con suy nghĩ quá nhiều đấy con ạ - Ubertino nói và quay sang tôi – Chớ theo gương xấu của thầy con nhé. Điều duy nhất cần suy nghĩ và điều ta nhận chân được ở cuối đời mình - ấy là cái chết. Chết là sự yên nghỉ cho người đi đường, sự chấm dứt mọi hoạt động. Giờ hãy để Cha cầu nguyện nhé.
Chú thích:
[1] Theo Thánh kinh, Babel là thành phố ở Shinar, nơi đó con cháu Noah cố dựng lên một ngọn tháp cao đụng trời. Chúa bèn phạt những kẻ xây dựng táo bạo này bằng cách làm cho họ đột nhiên nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, và do đó họ không hiểu nhau được nữa.
[2] Firma Cautela
[3] Ad conditorem canonum