Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 51

Nói về Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết rút toàn quân lui về ải Tam Điệp cách thành Thăng Long ba trăm dặm đóng quân. Ngô Văn Sở nói:

- Theo kế Ngô mưu sĩ, binh ta rút an toàn về đây, vậy Nguyễn Văn Tuyết hãy mau về Phú Xuân cấp báo cho Chúa công được biết.

Nguyễn Văn Tuyết vểnh râu lắc đầu nói:

- Về Phú Xuân cấp báo thì thiếu chi người sao lại sai tôi. Vả lại giặc đông ta ít nếu giặc đem quân đánh tới chỉ có hai ông chống đỡ, tôi không an tâm đi đâu.

Văn Sở an ủi Văn Tuyết:

- Ải Tam Điệp hiểm trở, quân Thanh dù thiên binh vạn mã cũng không thể đánh được ta. Tướng quân hãy an tâm mà đi đi. Vả lại ông có ngựa Xích kỳ ngày chạy ngàn dặm không biết mệt mới mau cấp báo cho Chúa ta đem quân ra đánh giặc cứu dân.

Vỡ lẽ Nguyễn Văn Tuyết nói:

- Nếu vậy tôi xin đi.

Tuyết tạm biệt Sở và Lân, Nhậm rồi lên lưng ngựa Xích kỳ nói lớn:

- Ngựa Xích kỳ! Ngựa Xích kỳ! Hãy phi mau về báo cho Chúa ta được rõ, rằng quân Thanh đã đem binh xâm lược nước ta.

Ngựa Xích kỳ lồng lên nhằm hướng Nam phi mau như gió. Đến Phú Xuân gặp Nguyễn Huệ, Tuyết hổn hển quỳ thưa:

- Tâu Chúa công, vua Càn Long nhà Thanh sai Đại tướng Tôn Sĩ Nghị đem ba mươi vạn đại binh sang xâm lược nước ta!

Nghe Tuyết nói xong, các quan văn võ đều hết thảy giật mình. Nguyễn Huệ điềm nhiên nói:

- Nguyễn Phúc Ánh giết Phạm Văn Tham lấy đất Gia Định mà ta vẫn không đem quân vào đánh, ấy là còn lo việc đánh quân Tàu. Nay chúng sang đây cũng không ngoài dự liệu của ta, cớ sao mới nghe qua các khanh lại lo sợ như thế? Nguyễn Văn Tuyết bình tĩnh mà nghe ta hỏi: Chúng đem quân sang, ở Bắc Hà các ngươi đối phó thế nào?

Nguyễn Văn Tuyết đáp:

- Tôn Sĩ Nghị đem ba mươi vạn quân mượn cớ phò vua Lê Chiêu Thống về nước, chúng chia quân làm ba đạo, theo ba đường Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang sang đánh nước ta. Ngô Văn Sở lệnh toàn quân lui về ải Tam Điệp. Phan Văn Lân đem ngàn tinh binh ra chặn giặc ở bờ Nam sông Như Nguyệt làm đoạn hậu cho đại binh rút lui. Vì ít quân bị giặc vây đánh, ngàn quân ta đều chết cả, Phan Văn Lân một mình một ngựa chạy về. Hiện toàn quân ta đã lui về Tam Điệp được an toàn. Thần vội vã về phi báo, xin Chúa công định liệu.

Nguyễn Huệ cười hỏi:

- Kế bảo toàn lực lượng lui về Tam Điệp có phải của Ngô Thì Nhậm chăng?

Tuyết đáp:

- Ấy chính Ià do Ngô Thì Nhậm bày ra.

Nguyễn Huệ lại hỏi:

- Còn kế xóa bếp lò, vãi gạo ra đường cho giặc khinh thường tưởng quân ta phải nhai gạo sống mà chạy có phải của Ngô Văn Sở chăng?

Tuyết đáp:

- Kế ấy là do Ngô Văn Sở bày ra.

Nguyễn Huệ cười lớn nói:

- Hai họ Ngô ở Bắc Hà làm rất tốt. Tôn Sĩ Nghị đã trúng kế “không thành” của ta. Bọn chúng sang xâm lược nước ta lần này chỉ chuốc lấy cái chết mà thôi.

Trần Quang Diệu hỏi:

- Dụ địch vào thành rồi bốn mặt đổ ra vây đánh mới là kế “không thành”. Còn bây giờ ta đã rút quân vào Tam Điệp bỏ Bắc Hà cho giặc chiếm đóng sao Chúa công bảo là kế “không thành”?

Các tướng đồng thanh:

- Lời Trần Quang Diệu rất phải. Xin Chúa công giảng giải.

Nguyễn Huệ ôn tồn đáp:

- Binh pháp xưa nay dụng kế “không thành” như Trần Quang Diệu nói là ta đánh địch khi địch còn trên mình ngựa mặc giáp mang gươm, dù ta có thắng địch nhưng tổn thất không phải là nhỏ. Kế “không thành” của ta là chờ cho giặc cởi giáp bỏ gươm, xuống ngựa nghỉ ngơi rồi mới đánh. Đánh như thế nào tiêu diệt được quân địch còn bên ta vẫn bình yên vô sự, ấy mới là phương châm đánh giặc của ta.

Đặng Văn Long hỏi:

- Ngô Văn Sở đã lui quân về Tam Điệp, còn đại sư huynh đang ở tại Phú Xuân, vậy quân nào phục binh bốn phía đánh địch như kế “không thành”?

Nguyễn Huệ đáp:

- Ấy chính là yếu tố bất ngờ để cho giặc xuống ngựa nghỉ ngơi, quăng gươm cởi giáp. Kế sách đánh giặc ta đã tính toán hết cả rồi, đợi đem đại binh ra Tam Điệp hợp cùng Ngô Văn Sở ta sẽ phân nhiệm sau. Truyền lệnh ta các tướng về kiểm điểm binh mã, ngày mai lập tức xuất quân.

Mưu sĩ Trần Văn Kỷ quỳ tâu:

- Xin Chúa công chớ vội xuất quân.

Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:

- Quân Thanh xâm lược nước ta tàn hại đồng bào mỗi một ngày có biết bao người chết. Ta muốn ngay lập tức tiêu diệt lũ giặc bạo tàn kia. Sao Trần trung thư lại bảo ta chớ vội xuất binh?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Nước Nam ta ngoài thì Lê Chiêu Thống rước giặc Thanh về giày xéo non sông đã rõ là một ông vua bán nước, trong thì vua Thái Đức nhu nhược cầu an khiến lòng người ly tán, nên nhân dân bốn cõi đều trông mong vào tài định quốc an dân của Chúa công. Vậy xin Chúa công hãy lên ngôi Hoàng đế cho an lòng trăm họ rồi cất quân đuổi giặc ngoại xâm cũng chẳng muộn gì.

Các quan văn võ cùng quỳ xuống đồng thanh nói:

- Lời Trần tiên sinh rất phải, xin Chúa công hãy lên ngôi Hoàng đế cho an lòng trăm họ mới mong đánh thắng được giặc dữ.

Nguyễn Huệ xua tay nói :

- Việc này thật không nên.

Các quan cùng hỏi:

- Vì sao không nên?

Huệ đáp:

- Ta vốn không có chí làm vua, chẳng qua do thời loạn nên mới giúp Hoàng huynh đánh Nam dẹp Bắc mong đem thái bình về cho trăm họ rồi sẽ mặc áo tơi mang giày cỏ mà ngao du khắp bốn cõi non sông. Nay nhà Tây Sơn đã có Hoàng huynh là vua Thái Đức, ta lại lên làm vua nữa hóa ra ta là kẻ háo danh và nước ta lại có hai vua là việc xưa nay chưa từng có. Vì vậy ta không thể nào lên ngôi được!

Trần Văn Kỷ thưa:

- Vua Thái Đức đã chia lãnh thổ cho Chúa công được quyền cai quản, việc binh bị, việc chính trị đều khác hẳn nhau thì không thể gọi là một nước. Vả lại Chúa công lên làm vua rồi đem quân ra đuổi quân Thanh lấy đất Bắc Hà là lấy ngôi vua Lê không can dự đến vua Thái Đức. Xin Chúa công chớ ngại.

Nguyễn Huệ lo lắng hỏi:

- Ta mấy phen cất quân ra Bắc diệt Trịnh trừ Chỉnh đều lấy tiếng phò Lê. Nay lại dứt Lê e mang tiếng là lừa dân chăng? .

Trần Văn Kỷ chưa kịp đáp bỗng nghe giọng đàn bà nói lớn rằng: .

- Chúa công lên ngôi vua không có gì là lừa dân cả!

Mọi người giật mình nhìn lại, thì ra chính là Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Huệ liền hỏi:

- Nàng đang ở hậu cung sao đến đây?

Ngọc Hân quỳ vừa khóc vừa thưa:

- Thiếp vừa hay tin cháu thiếp là vua Lê Chiêu Thống rước giặc Thanh về tàn hại non sông nên mới đến đây hỏi Chúa công việc đánh giặc thế nào. Tình cờ nghe Chúa công phụ lòng trăm họ chẳng chịu lên ngôi nên có lời mạo phạm, xin Chúa công tha tội.

Nguyễn Huệ hỏi:

- Nàng cũng cho rằng ta lên ngôi là phải lẽ hay sao?

Ngọc Hân đáp:

- Chúa công ra Bắc một dạ tôn phò, trừ loạn thần trả nước cho nhà Lê. Bởi Lê Chiêu Thống bất tài nhu nhược, chẳng biết lo điều chính sự nên trong triều rối ren, ngoài bá tánh loạn lạc. Nay lại rước giặc ngoài về tàn hại dân ta, khiến trăm họ đều ngoảnh mặt trông về Chúa công. Nhà Lê nay không đáng làm vua nữa thì Chúa công lên ngôi cho thỏa lòng mong đợi của trăm họ sao gọi là lừa dân!

Các quan đồng thanh nói thêm vào:

- Lời phu nhân rất phải, xin Chúa công hãy lên ngôi Hoàng đế.

Nguyễn Huệ hỏi Ngọc Hân:

- Nàng khuyên ta lên ngôi là phải lẽ, vậy cớ sao nàng lại khóc?

Ngọc Hân lau nước mắt đáp:

- Thiếp khóc là vì xấu hổ bởi có đứa cháu là phường bán nước buôn dân, và vì thương tiếc cơ nghiệp của tổ tiên. Còn khuyên Chúa công lên ngôi là vì quốc gia dân tộc. Chỉ e rằng Chúa công lên ngôi là mắc tội với vua anh mà thôi!

Nguyễn Huệ đứng lên nói:

- Nàng còn dám vì nghĩa nước mà gạt bỏ tình nhà. Ta lại không sánh bằng một người nữ nhi hay sao!

Bá quan cùng quỳ xuống tung hô:

- Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thượng vạn tuế!

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy đế hiệu là Quang Trung.

Vua Quang Trung phong Bùi phu nhân làm Chánh cung Hoàng hậu, phong công chúa Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu, phong con của Chánh cung Hoàng hậu là Quang Toản làm Thái tử.

*

* *

Đêm ấy vua Quang Trung vào từ biệt Bắc cung Hoàng hậu để ngày mai ra trận. Hoàng hậu Ngọc Hân nói:

- Hoàng thượng ra Bắc lần này, nghe thế giặc mạnh thiếp lấy làm lo lắm.

Vua Quang Trung cười lớn bảo:

- Chẳng qua chỉ nội mười ngày là ta sẽ quét sạch ba mươi vạn quân Mãn Thanh mà thôi. Nàng chớ lo gì.

Hoàng hậu Ngọc Hân gọi tỳ nữ bưng một cái mâm đồng dâng lên tràng kỷ. Hoàng hậu thưa:

- Ngày mai tiễn Hoàng thượng lên đường giết giặc, trong dịp tết Nguyên đán này phu thê kẻ Nam người Bắc, thiếp tự tay gói bánh chưng dâng lên Hoàng thượng gọi là để vợ chồng ăn tết trước.

Vua Quang Trung nhìn đăm đăm vào chiếc bánh chưng đặt trong mâm đồng rồi suy tư hỏi:

- Bánh chưng này thay cơm dùng được năm ngày trong dịp tết, có phải chăng?

Lê Hoàng hậu đáp:

- Thưa phải!

Vua Quang Trung cầm cái bánh chưng hình vuông mân mê trong tay rồi bóp tròn lại vừa vặn tay cầm. Lê Hoàng hậu ngạc nhiên hỏi:

- Bánh này thiếp tự tay nấu cho Hoàng thượng dùng. Sao Hoàng thượng lại bóp nát đi?

Vua Quang Trung bảo:

- Ta vừa nói trong mười ngày là quét sạch quân Mãn Thanh ra ngoài bờ cõi vì còn phải dừng quân để nấu cơm ăn. Nay ta nấu sẵn bánh chưng này thành hình trụ cho vừa tay cầm để quân sĩ vừa hành quân vừa ăn uống không phải nghỉ để nấu cơm thì ta phá giặc chỉ nội năm ngày và ít phải hy sinh anh em nghĩa sĩ.

Lê Hoàng hậu khóc nói:

- Lúc đang ăn còn nghĩ đến việc quân. Tấm lòng vì dân vì nước của Hoàng thượng thật đáng động đến trời. Cầu trời cao phù hộ cho Hoàng thượng mau phá xong giặc dữ.

Vua Quang Trung tạm biệt Hoàng hậu Ngọc Hân. Người nói:

- Ấy chính là nhờ lòng chung thủy của nàng đã giúp ta nghĩ ra được mưu sâu phá giặc.

Hôm sau vua Quang Trung để Thượng Đạo tướng quân Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Vũ Văn Dũng trấn thủ Phú Xuân, rồi đem Võ Đình Tú, Đặng Văn Long, Đặng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc kéo tám vạn quân theo vai đường thủy bộ nhằm hướng Bắc trực chỉ.

*

* *

Quân đi đến thành Nghệ An, vua Quang Trung cho dừng quân nghỉ ngơi. Vua bảo Trần Văn Kỷ:

- Ta từ lúc Tây Sơn dấy nghĩa đến nay, lúc nào cũng một lòng chiêu hiền đãi sĩ, đã ba lần cầu La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Nhưng cả ba lần Nguyễn Thiếp đều đưa thư thoái thác. Nay ta muốn nhờ khanh mang thư ta đến vời phu tử một lần nữa xem sao.

Trần Văn Kỷ bàn:

- Nguyễn Thiếp đã mười lăm năm ẩn dật, nghiên cứu Phật học, mắt không nhìn công danh, bỏ tai ngoài thế sự. Chí người đã muốn tu tiên, Hoàng thượng còn mời mọc làm chi.

Vua Quang Trung bảo:

- Nguyễn Thiếp trau dồi đức hạnh đang tu tiên chớ chưa phải là người tiên, bỏ tai ngoài thế sự mà trong lòng mong tế độ chúng sinh. Nếu không như thế sao Nguyễn Thiếp lại thi ân bố đức, nên bá tánh quanh vùng mới gọi là La Sơn Phu tử. Nay ta viết thư gồm mười bốn chữ, tin chắc đọc xong mười bốn chữ này phu tử phải ra. Khanh hãy cảm phiền giúp trẫm một phen nữa!

Trần Văn Kỷ quỳ tâu:

- Hoàng thượng đã xuống lệnh hạ thần nào dám không tuân. Cảm tấm lòng khẩn khoản cầu hiền của Hoàng thượng, Trần Văn Kỷ thần xin hứa hết lòng.

Nói xong Kỷ lãnh thư của vua Quang Trung đi đến Lục Niên Thành mời La Sơn Phu tử.

Đến Lục Niên Thành, Trần Văn Kỷ thấy non xanh nước biếc, đầy hoa thơm cỏ lạ. Trong cảnh bồng lai ấy hiện ra một ngôi nhà nhỏ, trước cổng đề ba chữ: “Hạnh am cốc”. Gặp một tiểu đồng Trần Văn Kỷ hỏi:

- Xin hỏi đây có phải là cư xá của La Sơn Phu tử.

Tiểu đồng hỏi lại Kỷ:

- Quý khách hỏi có việc gì.

Văn Kỷ đáp:

- Tôi xin được diện kiến Phu tử.

Tiểu đồng bảo:

- Xin quý khách cảm phiền chờ ngoài cổng. Thầy tôi đang tham thiền nhập định. Để tôi vào bẩm báo, bao giờ được phép sẽ mở cửa cho quý khách vào.

Tiểu đồng vừa dứt lời cửa nhà trong liền bật mở, một cụ già cốt cách tiên phong, bạc phơ râu tóc bước đến thi lễ cùng Trần Văn Kỷ, rồi vừa quỳ vừa nói:

- Hạ dân Nguyễn Thiếp xin tiếp chiếu chỉ của Hoàng thượng.

Trần Văn Kỷ liền đỡ Nguyễn Thiếp dậy hỏi:

- Tôi vận y phục dân thường sao Phu tử lại biết là sứ giả của vua?

Nguyễn Thiếp chắp tay đáp:

- Tôi mười lăm năm ở ẩn tuy không xuất gia nhưng thành tâm đầu Phật, học phép tham thiền biết quá khứ vị lai, nên mới rõ Hoàng thượng sai Trần Trung thư đến đây trao thư gọi hạ dân ra diện kiến.

Nghe Thiếp nói xong, Trần Văn Kỷ liền trao thư và nói:

- Nay quân Mãn Thanh xua binh ba mươi vạn sang xâm lược nước ta. Vua mới sai tôi trao thư kính cẩn mời Phu tử ra bày kế phá giặc cứu dân.

Nguyễn Thiếp tiếp thư rồi đặt lên tràng kỷ, bảo Trần Văn Kỷ:

- Xin quan Trung Thư Lệnh hãy ngồi nghỉ, tôi vào trong thu xếp rồi sẽ cùng ngài đến diện kiến Hoàng thượng.

Trần Văn Kỷ ngạc nhiên hỏi:

- Sao Phu tử không xem thư của Hoàng thượng.

Thiếp cười đáp:

- Tôi không đọc cũng biết thư vua viết chỉ vỏn vẹn mười bốn chữ:

Quốc gia đã đến lúc hưng vong,

Xin Phu tử bày cho diệu kế.

Trần Văn Kỷ thất kinh nói:

- Vua bảo tôi: Đọc mười bốn chữ này Phu tử phải ra. Hoàng thượng liệu việc như thần. Còn Phu tử quả là bậc thánh vậy.

Nguyễn Thiếp quay vào trong, tiểu đồng hỏi Thiếp:

- Bắc Bình Vương trước đã ba lần đưa thư mời, thầy đều không đến. Nay cớ gì ông ấy mới lên làm vua đưa thư mời, thầy vội vã đi ngay.

Nguyễn Thiếp đáp:

- Ta ba lần chối từ không ra giúp Tây Sơn vì đã không màng thế sự, xem nhẹ công đanh. Nhưng nay nhân dân cả nước đang sục sôi khí thế chống giặc ngoại xâm. Ta đã từng dạy cho thiên hạ là: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Vậy vua vời ta ra hỏi kế phá giặc, ta không đến hóa ra lại không bằng kẻ thất phu sao?

Tiểu đồng khóc hỏi:

- Phen này thầy theo giúp vua bao giờ mới về?

Nguyễn Thiếp cười đáp:

- Ta đến để khỏi mang tiếng với thiên hạ là kẻ thất phu rồi sẽ về ngay, con chớ lo.

Đoạn Thiếp ra xe theo Trần Văn Kỷ đến yết kiến vua Quang Trung. Vua Quang Trung trông thấy Nguyễn Thiếp liền quỳ trước xe thi lễ nói:

- Trẫm hằng trông Phu tử như trời hạn trông mưa. Nay Phu tử chịu ra thật là hồng phúc của muôn dân vậy.

Nguyễn Thiếp thất kinh vội vã xuống xe quỳ lạy vua Quang Trung và nói:

- Thần tuổi đã cao nên đã ba lần chối từ không ra giúp Hoàng thượng, để Hoàng thượng phải nhọc lòng tội thật đáng muôn chết.

Vua Quang Trung đỡ Nguyễn Thiếp dậy mời vào trong, vua chỉ vào áo Nguyễn Thiếp đang mặc rồi nói:

- Phu tử tuổi già sức yếu, nay tháng chạp là mùa Đông gió Bấc, Phu tử mặc cái áo cũ đã ngả màu này chắc là lạnh lắm.

Đoạn vua quay sang bảo quân:

- Mau mang áo mới đến đây cho Phu tử mặc.

Quân đem áo đến, vua Quang Trung tự tay mặc cho Nguyễn Thiếp. Mặc xong vua Quang Trung hỏi:

- Nay quân Tàu lại sang xâm lược nước ta, trẫm thân đem đại binh ra đánh. Xin Phu tử bày cho diệu kế phá giặc cứu dân.

Nguyễn Thiếp đáp:

- Kế phá giặc Hoàng thượng đã sắp đặt cả rồi, chẳng qua chỉ nội năm ngày là Hoàng thượng sẽ quét sạch ngoại xâm ra ngoài bờ cõi mà thôi!

Vua Quang Trung giật mình hỏi:

- Phu tử có biết quân số của giặc là bao nhiêu? Quân số của ta là bao nhiêu chăng?

Thiếp đáp:

- Thần không được biết.

Vua Quang Trung hỏi tiếp:

- Phu tử có biết Tôn Sĩ Nghị là người như thế nào chăng? Quân Thanh đóng binh ở nơi nào chăng?

Thiếp đáp:

- Hoàng thượng có quân thám mã nên biết được địch tình, còn thần ở ẩn chòi tranh nên không được rõ.

Vua Quang Trung lại hỏi:

- Phu tử không biết gì về thực lực hai bên, sao dám quyết rằng quân ta chỉ trong năm ngày là quét sạch quân Mãn Thanh?

Nguyễn Thiếp ôn tồn đáp:

- Thần chỉ dùng phép tham thiền của nhà Phật mà biết được quá khứ vị lai. Không cần tìm hiểu quân tình.

Vua Quang Trung ngạc nhiên nói:

- Nếu không tận mắt trông thấp sao trẫm dám tin Phu tử là thánh nhân như lời đồn được. Vậy xin Phu tử lưu lại trong trướng cùng trẫm bàn kế phá giặc.

Nguyễn Thiếp vòng tay nói:

- Thần chỉ biết mà không làm được. Còn Hoàng thượng là người làm mà biết trước ngày đại thắng ấy mới là bậc thánh. Kế phá giặc Hoàng thượng đã sắp đặt cả rồi, thần không còn gì để bàn nữa cả. Xin Hoàng thượng cho thần lui về tệ xá, ngày sau thay đổi quốc tự thần nhất định sẽ ra.

Vua Quang Trung thất kinh bảo:

- Phu tử thật là thánh nhân vậy!

Đoạn vua đứng lên tiễn Nguyễn Thiếp ra xe. Thiếp tâu :

- Thần xin trả áo lại cho Hoàng thượng.

Nói xong Thiếp toan cởi áo. Vua ngăn lại nói:

- Sá gì một cái áo mà Phu tử khách sáo thế.

Thiếp đáp:

- Không phải thần khách sáo mà do thần nay tuổi già sức yếu, lưng còng mỗi khi đi đều phải chống gậy. Do lưng của thần còng xuống nên vạt áo trước thấp xuống, vướng vào chân không đi được.

Vua Quang Trung liền nói:

- Phu tử cứ cầm gậy mà đi, trẫm xin đỡ vạt áo tiễn Phu tử ra xe.

Nói rồi vua Quang Trung nâng vạt áo trước đưa Nguyễn Thiếp ra tận xe. Tiễn Thiếp đi xong, vua Quang Trung lại dẫn quân Bắc tiến.

oOo