Tây Sở Bá Vương Hạng Võ

Chương 4 (A)

Sau khi Hạng quân đánh bại Tần Gia, bèn tạm trú đóng tại Hồ Lăng cạnh sông Tứ Thủy, chuẩn bị chấn chỉnh đội ngũ xong thì sẽ tiếp tục cuộc tây chinh.  Nhưng họ vừa mới dừng lại tại Hồ Lăng được hai ngày thì nhận được tin tức về tình hình địch cho biết: quân Tần do Chương Hàm chỉ huy đã đến huyện Lưu cách Hồ Lăng hơn tám chục dặm về hướng nam, và đang có ý đồ tiến lên phía bắc để tấn công Hồ Lăng.

Lúc bấy giờ khí thế của Chương Hàm đang lên cao, trong vòng ba tháng qua đội quân do các tù nhân ở núi Ly Sơn kết hợp với quân Tần ở Hàm Dương này đã liên tiếp giành được thắng lợi gần như không ai chống trả nổi, thể hiện một sức chiến đấu rất mạnh mẽ.  Sỡ dĩ có tình hình đó là do các tù nhân sau khi được võ trang, thì Chương Hàm đã lên tiếng hứa hẹn với họ: nếu tác chiến thắng lợi thì sẽ xoá bỏ tất cả tội lỗi, cho trở về quê quán.  Lời hứa đó tuy hoàn toàn là một sự lừa dối, nhưng đối với những tội phạm bị bắt xa nhà đã lâu, vẫn có một sức quyến rũ mạnh mẽ.  Họ tích cực tham gia tác chiến và lúc nào cũng xông về phía trước, bất kể sống chết.  Họ đã chém giết một cách tàn nhẫn những nghĩa quân và binh sĩ khởi nghĩa có cùng một số phận như họ.  Họ có ảo tưởng một cách khờ dại là dùng máu của binh sĩ nghĩa quân để đổi lấy một hiện thực mù mờ.

Tất nhiên riêng họ cũng đổ máu.  Trong số họ có không ít người đã vì chạy theo ảo ảnh do Chương Hàm hứa hẹn mà phải bỏ mạng nơi đất khách, thi thể trở thành món ăn của diều quạ và loài sâu bọ, linh hồn họ đành phải chịu cảnh dật dờ trên bước đường về quê hương.  Nhưng ảo tưởng đó vẫn tiếp tục tác động tới những người còn sống, họ sẵn sàng bán mạng cho vương triều nhà Tần một cách dai dột, và đã trở thành công cụ của vương triều này. Chương Hàm đã xua đạo quân nói trên trước tiêu diệt quân của Châu Văn tại Mãnh Trì, rồi lại đánh bại quân của Điền Tạng tại Ngao Thương.  Kế đó chúng thừa thắng tiến về phía đông, và đã chiến thắng tàn quân của Ngô Quảng tại phía ngoài thành Huỳnh Dương, mãi cho tới khi đánh chiếm được huyện Trần, nơi Trương Sở đặt chính quyền.  Trong vòng ba tháng họ đã tiêu diệt được mười vạn quân của Trần Thắng.  Các tướng lãnh quan trọng của nghĩa quân lớp thì chết trận, lớp thì tự sát, lớp thì bị giết.  Ngoài ra, còn một số nhóm nghĩa quân nhỏ khác cũng bị họ nối tiếp đánh bại hoặc tiêu diệt.

Đứng trước thế lực to lớn của Chương Hàm, chú cháu họ Hạng cho rằng không thể ở yê tại Hồ Lăng chờ đợi quân Tần kéo tới tấn công, mà phải chủ động xuất kích.  Sau khi hai người thương lượng xong, bèn phái bộ tướng cũ của Tần Gia là Chu Kê Thạch, và Dư Phán Quân dẫn quân xuất chiến.  Thế nhưng, chiến sự không diễn tiến theo ý muốn.  Dư Phán Quân bị chết trận, còn Chu Kê Thạch thì dẫn tàn quân chạy trở về Hồ Lăng.  Hạng Võ hết sức tức giận, đem Chu Kê Thạch xử trảm, rồi muốn đích thân chỉ huy quân đi đánh nhau với Chương Hàm.  Hạng Lương thấy thế ngăn lại, cho rằng nên tránh thế lực đang mạnh của hắn.  Sau khi ông thuyết phục được Hạng Võ, liền dẫn quân đến Tiết Thành ở phía bắc.

Tiết Thành nguyên là vùng đất cũ của Tiết Hầu, nay trở thành Quận lỵ của quận Tiết thuộc vương triều nhà Tần, nằm về phía bắc Hồ Lăng ngoài 150 dặm.  Hạng Lương có ý định tạm đóng quân tại nơi này để chờ thời cơ đánh địch. Quận thú của quận Tiết Thành đã bỏ chạy từ lúc nào, riêng binh lính trong quận một số bỏ trốn, một số còn lại thì gia nhập Hạng quân.  Bá tánh ở Tiết Thành cũng có không ít người gia nhập nghĩa quân.  Điều làm cho chú cháu họ Hạng cảm thấy phấn khởi nhất, là tại Tiết Thành họ đã tiếp nhận được một đạo nghĩa quân kéo tới gia nhập.  Người thủ lĩnh của toán nghĩa quân này từ bạn trở thành thù với Hạng Võ, và đôi bên đã đọ sức với nhau đến hai năm chín tháng - đó là Lưu Bang.

Vì Lưu Bang là nhân vật quan trọng có liên quan tới những vấn đề chính trị, quân sự của Hạng Võ, cho nên chúng tôi cũng cần giới thiệu kỹ về ông ta.

Lưu Bang là người huyện Bái, chào đời năm 256 Tr. CN, trong một gia đình nông dân bình thường.  Ông có tiểu danh là Lưu Quý, là người con thứ ba trong gia đình.  Trong sách sử có miêu tả hình dạng của ông như sau: mũi cao, mặt rồng, râu đẹp.  Ông là người rất nhân hậu, thích bố thí, tánh tình rộng rãi, thành thật một cách kỳ lạ, không biết giấu giếm.  Ông cũng giỏi nhận xét tình hình, tính toán kỹ lưỡng và khi làm việc gì mà chưa đoạt được mục đích thì không bao giờ chịu thôi, dù có thất bại cũng kiên cường đứng lên tiếp tục làm những công việc còn dở dang.  Về mặt này thì hoàn toàn trái ngược với Hạng Võ.  Hạng Võ tuy dũng cảm thiện chiến nhưng không giỏi nắm bắt tình hình thời thế, thiếu kiên trì một cách triệt để, riêng về mặt độ lượng cũng không rộng rãi như Lưu Bang.  Tánh tình của hai người rất trái ngược nhau và đã có ảnh hưởng rất lớn trong sự thành bại của cả cuộc đời.

Một mặt khác, Lưu Bang còn là người tham tài háo sắc, nhiều mưu mô có khi còn thể hiện một tác phong vô lại, thô tục thiếu lễ độ.  Trong thời tuổi trẻ ông ta chỉ biết rong chơi, không làm lụng chi cả.  Ông ta thưởng uống rượu chịu ở những quán rượu trong vùng, sau đó quỵt nợ luôn.  Đến tuổi tráng niên ông làm Đinh trưởng tại Tứ Thủy, luôn bị bọn quan quyền ở địa phương hiếp đáp.  Có một lần nọ nguyên Huyện lệnh làm lễ mừng thọ, trong túi Lưu Bang không có một đồng xu, thế mà lại dám tuyên bố chúc mừng mười vạn quan tiền, và lên ngồi ở ghế trên một cách ngang nhiên, không biết e thẹn, cũng may là tại buổi tiệc này ông ta được người bạn của Huyện lệnh là Lữ Công để ý.  Vì Lữ Công là người biết xem tướng, trông thấy tướng mạo của Lưu Bang cao quý, nên bằng lòng gả con gái của mình là Lữ Trí cho ông ta.

Lưu Bang thời trẻ tuổi từng đến Hàm Dương, được dịp chính mắt trông thấy sự uy nghi của Tần Thủy Hoàng, nên tỏ ra rất sùng bái và ngưỡng mộ, ông nói:

- Người đại trượng phu thì phải làm cho được như vậy!

Lưu Bang khởi nghĩa vào tháng 9 năm 209 Tr. CN, cùng một lúc với Hạng Lương và Hạng Võ.  Thời bấy giờ ông ta đang làm Đình trưởng tại Tứ Thủy, lãnh trách nhiệm áp giải một đoàn tù tội và phu dịch đi đến núi Ly Sơn để làm khổ sai,  nhưng mới đi được nửa đường thì có nhiều người đã lén bỏ trốn.  Lưu Bang nghĩ bụng: nếu tiếp tục như vậy thì khi tới núi Ly Sơn, bọn phu dịch và tù tội sẽ trốn hết sạch, chẳng phải quan phủ sẽ bắt tội ta ư?  Thế là, khi đến vùng núi rừng nằm ở phía tây ấp Phong, ông quyết định mở trói thả hết tất cả những tù tội và phu dịch, còn riêng ông thì dẫn theo hơn mười thiếu niên khoẻ mạnh, rút vào trong núi Mang và núi Đăng để lẩn trốn, chờ thời cơ đứng lên khởi nghĩa.

Sau khi Trần Thắng và Ngô Quảng đứng lên khởi nghĩa, các quận huyện đều đua nhau hưởng ứng.  Huyện lệnh của huyện Bái biết mình không thể tự bảo toàn được mình, nên chuẩn bị chờ cơ hội phát động khởi nghĩa.  Các quan viên trong huyện như chủ lại Tiêu Hà và giám ngục Tào Sâm bèn nói riêng với Huyện lệnh:

- Ngài là quan lại của triều đình nhà Tần, nay đứng lên khởi nghĩa chống Tần, dẫn dắt con em trong huyện Bái, e rằng có người không chịu theo, chi bằng cho gọi mấy trăm người bỏ trốn từ bấy lâu nay trở về, để họ chỉ huy dân chúng ở trong huyện thì dân chúng sẽ không dám trái lệnh họ nữa.

Huyện lệnh cho là phải.  Tiêu Hà bèn nói tới những người bỏ trốn trong đó có Lưu Bang.  Giữa Tiêu Hà và Lưu Bang có mối quan hệ tương đối mật thiết.  Khi Lưu Bang còn là một người dana thường, Tiêu Hà đã dựa vào chức vụ quyền lực của mình để che chở ông ta.  Đến khi Lưu Bang làm Đình trưởng, Tiêu Hà vẫn nhiều phen giúp đỡ cho ông ta.

Huyện lệnh đồng ý cho đi gọi Lưu Bang và phái Phàn Khoái là người huyện Bái đi làm nhiệm vụ đó.  Phàn Khoái là người chuyên mổ chó và bán thịt chó để sinh nhai, từng chạy trốn với Lưu Bang ở vùng rừng núi Mang Sơn và Đăng Sơn.  Lưu Bang liền dẫn hơn một trăm người rời khỏi rừng núi theo Phàn Khoái trở về huyện Bái.  Nhưng lúc vào thành thì gây ra chuyện rắc rối, nên xuống lệnh đóng cửa thành không cho Lưu Bang vào.  Ngoài ra, viên Huyện lệnh này còn dọa sẽ giết Tiêu Hà và Tào Sâm.  Hai người quá sợ, bèn lén trèo tường thành trốn ra ngoài, dựa vào Lưu Bang.  Lưu Bang sau khi biết viên Huyện lệnh đã thay đổi ý định, bèn viết một phong thư rồi dùng tên bắn vào trong thành, trong thư nói: "Thiên hạ chịu khổ vì cách cai trị tàn bạo của vương triều nhà Tần đã lâu, cho nên ngày nay các chư hầu đều đứng lên khởi nghĩa.  Ngày diệt vong của vương triều nhà Tần sẽ không còn xa, các phụ lão ở trong thành nếu giúp cho Huyện lệnh cố thủ hành trì, một khi thành bị hạ sẽ khó tránh khỏi cái họa bị tàn sát.  Vậy chi bằng hãy đứng lên giết chết Huyện lệnh, để tự bầu ra lãnh tụ khác, hưởng ứng với các chư hầu, thì gia đình mới có thể được bảo toàn."

Người trong thành đọc qua bức thư, liền dẫn tất cả con em đi bắt giết Huyện lệnh, mở cửa đón nhóm người của Lưu Bang vào thành, đồng thời, đề cử Lưu Bang làm Huyện lệnh của huyện Bái.  Lưu Bang từ chối, cho rằng mình là người năng lực yếu kém khó làm tròn trách nhiệm, nên chủ trương đề cử một người khác.  Tiêu Hà, Tào Sâm đều là quan văn, rất nhút nhát, sợ mọi việc không thành thì nguy hiểm tới gia đình, nên cả hai đề cử Lưu Bang.  Đám đông trong thành cũng nói rằng bình nhật họ đã nghe rất nhiều chuyện lạ có liên quan tới Lưu Bang, vậy mai sau Lưu Bang chắc chắn sẽ trở thành người đại quý.  Sau khi họ tiến hành bói toán, cũng biết Lưu Bang làm thủ lãnh là điều tốt nhất.  Lưu Bang không còn chối từ được, nhất là thấy đám đông không ai dám đứng ra giữ lấy trọng trách đó, nên ông mới bằng lòng.  Thế là ông được bầu làm Bái Công.

Sau khi đã bầu xong Bái Công, mọi người liền tiến hành cúng tế Hoàng đế, và Si Vưu tại huyện đường, rồi dựng một lá cờ đỏ rất to, tuyên bố chính thức khởi nghĩa.

Sở dĩ Lưu Bang lấy màu đỏ làm cở là có nguyên nhân riêng.  Thì ra, Lưu Bang cũng giống như Tần Thủy Hoàng là người sùng bái thuyết vận nhành của Ngũ Đức, cho rằng sự thay đổi vương triều là kết quả của sự tương sinh tương khắc của ngũ hành gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.  Vương triều nhà Tần là Thủy Đức, nên đề cao màu đen, và vương triều kế tiếp thay thế cho nhà Tần sẽ là một vương triều Hỏa Đức, đề cao màu đỏ.  Ngoài ra, ông ta còn được những người chạy theo ông ta lan truyền một câu chuyện mang tính chất huyền bí.  Đó là lúc ông ta chạy trốn tại núi Đăng Sơn, trên đường đi có gặp một con rắn to, mọi người rất sợ hãi, Lưu Bang đang lúc say rượu, liền huơ gươm chém con rắn đứt ra làm hai khúc.  Sau khi tiếp tục đi mấy dặm đường, Lưu Bang vì quá say không thể đi tiếp, bèn nằm xuống để nghỉ ngơi.  Những người đi ở phía sau khi tới chỗ con rắn bị  chém đứt làm đôi vào lúc giữa đêm trông thấy một mụ già đang ngồi khóc.  Số người này hỏi bà ta tại sao khóc, thì mụ già đó cho biết có người đã giết chết con trai của bà.  Con trai của bà là con của Bạch Đế, biến thành rắn nằm ngang đường đi và đã bị con trai của Xích Đế giết chết.  Nói đoạn, mụ già bỗng biến mất.  Số người này đem sự kiện trên nói lại cho Lưu Bang nghe, ông ta lấy làm đắc ý.  tự tin mình là người phi thường, và tự cho mình là con trai của Xích Đế.

Câu chuyện trên mang đậm sắc thái mê tín, rất có thể do người thời bấy giờ vì chịu ảnh hưởng sự mê tín nên đã bịa đặt ra, mà cũng có thể do bản thân Lưu Bang bịa ra với mục đích tạo cho mình một lớp vỏ huyền bí, dùng để hiệu triệu quần chúng phát động khởi nghĩa.

Việc lan truyền câu chuyện "con trai của Xích Đế" rất có tác dụng trong thời đó, hơn nữa, câu chuyện này lại được Tiêu Hà Tào Sâm, Phàn Khoái... chia nhau đi lan truyền, làm cho con em tại Bái Trung đua nhau tham gia vào đội ngũ của quân khởi nghĩa, khiến chẳng mấy chốc số lượng của đội ngũ này đã tăng lên đến hai ba nghìn người.  Trong vòng tháng 10 năm 109 Tr. CN, Lưu Bang dẫn nghĩa quân của mình đánh chiếm Hồ Lăng và Phương Dữ, rồi trở về giữ Phong Ấp.  Lúc bấy giờ viên giám quân của quận Tứ Thuỷ đã xua quân tới bao vây Phong Ấp.  Lưu Bang chỉ huy nghĩa quân đánh bại được quân đội của viên Giám quân Tứ Thủy.  Sau đó Lưu Bang sai bộ hạ là Ung Xi cầm quân đóng giữ đất Phong, còn bản thân ông ta thì tiếp tục dẫn quân đi đánh đất Tiết, và đã đánh bại quân Tần, riêng viên Quận thú thì bị Tả tư mã Tào Vô Thương của Lưu Bang giết chết.

Trong thời điểm đó nghĩa quân của Trần Thắng đang bị thất thế.  Tháng 12 huyện Trần bị đánh chiếm, Trần Thắng bị giết.  Trước tình hình đó nghĩa quân của Lưu Bang cũng chịu ảnh hưởng lây.  Sau khi Lưu Bang giết chết viên giám quân của Quận thú Tứ Thủy, thì bị Châu Thị là một tướng phản lại Trần Thắng mở cuộc tấn công.  Châu Thị phái người đến dụ hàng Ung Xỉ đang đóng giữ Phong Âp, hứa hẹn sẽ phong Hầu cho ông ta.  Ung Xỉ nguyên là người không muốn theo Lưu Bang, nay thấy được dụ hàng, liền vui mừng bằng lòng ngay.  Lưu Bang hay tin, liền dẫn quân đến đánh nhưng không thể đánh chiếm được Phong Ấp.  Vì lẽ Lưu Bang bị bệnh nên phải rút quân trở về đất Bái.  Ông ta hết sức oán hận sự phản bội của Ung Xỉ, lúc nào cũng quyết tâm đánh chiếm Phong Ấp.  Cho nên khi biết Tần Gia đã đưa Cảnh Câu lên làm Sở vương và đang đóng tại Lưu thành, liền dẫn binh đến đó nhằm mục đích nương tựa vào Cảnh Câu, đã được Cảnh Câu ra quân hiệp trợ cho việc tấn công Phong Ấp, nhưng sau một thời gian xoay xở mà vẫn không có kết quả gì.  Khi Hạng Lương đánh bại Tần Gia và sáp nhập quân đội của ông ta và nghĩa quân của mình, thì Lưu Bang lại nghe nói Hạng Lương đang đóng tại Tiết Thành bèn dẫn theo hơn một trăm lính kỵ, đến xin nương tựa vào Hạng Lương, muốn mượn một phần binh lực của Hạng Lương để tiếp tục đánh chiếm Phong Ấp, là nơi mà ông ta xem như cái gai trước mắt của mình.

Ông ta suy nghĩ: người thanh niên trước mặt mình là một võ phu dũng mãnh, tràn ngập sức sống, vậy việc tiêu diệt vương triều nhà Tần để giành thiên hạ, thì người này sẽ là người khó có ai sánh kịp, nhất là đội ngũ của ông ta lại lớn mạnh, nên niềm hy vọng đó càng được củng cố thêm.  Lưu Bang cảm thấy mình đang găp cảnh khốn đốn, nếu liên hiệp với chú cháu Hạng Lương và Hạng Võ thì mới có tương lai.  Ông ta nghĩ bụng: mình phải lợi dụng sức mạnh của họ để tranh thủ con đường sống cho mình.

Lưu Bang cũng từ nét mặt của Hạng Võ phát hiện được tánh chất ngây thơ và đơn thuần của một người thanh niên mới lớn lên, cho nên đối với việc nương tựa vào họ ông cảm thấy hết sức hài lòng.  Ông đang cần một người đồng hành như thế.  Cho nên Lưu Bang không quan tâm đến sự chênh lệch về tuổi tác giữa mình với Hạng Võ, xưng hô nhau bằng anh em, hết lời ca ngợi tài năng của Hạng Võ và cũng không quên đem những lời đồn đại về Hạng Võ được nghe trước đây kể lại cho Hạng Võ nghe.

Sự quan sát của Hạng Võ đối với Lưu Bang thì không được tinh tế như vậy.  Ấn tượng mà Lưu Bang gieo vào lòng ông là tương đối tầm thường.  Từ nhãn quan của con em một gia đình quý tộc, Hạng Võ cảm thấy Lưu Bang có vẻ quê mùa, hoàn toàn không có một tí phong cách nào của người thế gia đại tộc.  Hạng Võ cảm thấy lời ăn tiếng nói của Lưu Bang có sự thô lỗ qua một số ngôn ngữ mang tính chất bất nhã của dân phố chợ.  Hạng Võ tự cho mình không phải là người tầm thường, và cũng luôn tự hào ở gia thế từng một thời hiển hách của mình.  Cho nên, đối với Lưu Bang, Hạng Võ luôn có thái độ cao ngạo, bề trên.  Đặc biệt, là hiện giờ Lưu Bang tới đây với mục đích để cầu viện, cho nên Hạng Võ lại càng tỏ ra là người có ưu thế hơn.

Nhưng, Hạng Võ lại là người rất dễ đồng tình với người khác.  Ông ta cảm thấy Lưu Bang có cùng một chí hướng diệt Tần giống như mình.  Nay gặp hoàn cảnh khó khăn, vậy giúp đỡ cho ông ta là cái lẽ đương nhiên.  Hơn nữa, việc mượn quân của Lưu Bang là để thảo phạt Ung Xỉ, một tên phản nghịch, loại người mà Hạng Võ hết sức căm ghét, cho nên Hạng Võ sẵn sàng ủng hộ Lưu Bang.  Ông ta bèn nói riêng với người chú của mình: "Ung Xỉ là phường vong ơn bội nghĩa, trời chẳng dung tha, vậy phải kiên quyết diệt trừ".  Ông chủ trương cho Lưu Bang mượn một số quân khá lớn, để mau chóng đánh chiếm lại Phong Ấp.

Hạng Lương thấy Lưu Bang thật lòng đến nương tựa vào mình và cũng thật lòng muốn hợp lực để đánh Tần, tỏ ra rất hài lòng.  Ông liền cho Lưu Bang mượn viên tướng và năm nghìn binh sĩ để ông có thể đánh chiếm lại Phong Ấp.

Lưu Bang hết sức cảm kích, đa tạ rối rít.  Chủ cháu họ Hạng cũng nhiệt tình chúc Lưu Bang mau chóng giành được thắng lợi.  Ngày tiễn hành có một bầu không khí hết sức nhiệt liệt, tình cảm giữa đôi bên chẳng khác gì anh em.  Thế nhưng, ngay giờ phút đó, Hạng Võ không làm sao có thể nghĩ được rằng, người anh em bao giờ cũng tươi cười này, trong tương lại sẽ trở thành kẻ thù không đội trời chung với mình!