Hạng Võ khi ôm xác Ngu Cơ thì ruột gan như đứt từng đoạn. Ông gọi tên Ngu Cơ thật to không biết bao nhiêu lần. Ông không tin là Ngu Cơ đã xa rời ông trong một hoàn cảnh như thế. Trước mắt ông, hình bóng yêu kiều của Ngu Cơ vẫn còn hiện rõ. Bên tai ông tiếng nói dịu dàng của Ngu Cơ vẫn còn nghe như lúc nàng còn sống. Qua hình ảnh đó, qua tiếng nói đó, lại càng làm cho ông đau khổ muôn phần. Từ trước tới nay, ông chưa bao giờ cảm thấy đau khổ và cô độc đến như vậy. Tinh thần của ông gần như bị sụp đổ, ông chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng đối với sự nghiệp, đối với tương lai của mình đến như vậy.
Người anh của Ngu Cơ là Ngu Tử Kỳ hay tin vội vàng chạy tới. Ông thấy em gái của mình đã chết, vì quá đau đớn, nên cũng tuốt gươm tự sát. Như vậy, càng làm cho quả tim vốn tan nát của Hạng Võ lại càng đau đớn ê chề.
- Bẩm Đại Vương, chúng ta dù sao cũng phải tìm một biện pháp chứ! Phải phá vòng vây trở về Giang Đông, biết đâu còn có cơ hội quật khởi một lần nữa!
Các tướng lãnh thân cận của Hạng Võ sau khi khóc một lúc, đã lên tiếng nhắc nhở vị thống soái của mình. Đến chừng đó, Hạng Võ mới ý thức được các tướng sĩ dươi tay mình vẫn còn mong chờ quyết định của mình. Hạng Võ cố đè nén đau thương trong lòng để quay trở về với thực tại. Ông lên tiếng hỏi các tướng sĩ:
- Chúng ta hiện giờ còn bao nhiêu binh mã?
Một tướng lãnh đau đớn cúi đầu đáp nho nhỏ:
- Tám trăm!
Hạng Võ nghe qua không khỏi giật mình, đôi mày cau lại. Tám trăm ư? Chả lẽ thực sự dưới tay mình chỉ còn vỏn vẹn có tám trăm người? Trước đây khi khởi binh tại Giang Đông, ông có dưới tay tám nghìn tử đệ, về sau cứ mỗi lần chiến thắng thì đội ngũ lại nhanh chóng mở rộng thêm, đông đến năm chục vạn binh mã. Ngày nay tình cảnh lại bi đát đến mức độ như thế này, thực là đáng buồn thay! Ông bắt đầu tự trách, vì sự chỉ huy của mình đã phạm phải sai sót, vừa khinh địch vừa thiếu cảnh giác, nên mới dẫn tới tình trạng hao binh tổn tướng. Ông thấy nản lòng, vì chỉ có tám trăm người trong tay, thì làm sao đối phó được với ba chục vạn binh mã của quân Hán? Nhưng, với một tâm trạng phục thù và lòng tự tin mù quáng, đã khiến ông phấn chấn trở lên. Ông phải phục thù, phải phục thù cho Ngu Cơ, phải phục thù cho các tướng sĩ vong trận của quân Sở. Ông vẫn không xem quân Hán ra gì, và vẫn tin tưởng một cách kiên định, là Tây Sở Bá Vương Hạng Võ không có trận chiến đấu nào bị thất bại, với sự dũng cảm phi thường của ông, ông hoàn toàn có thể đột phá trùng vây của quân Hán.
Tức thì, ông ra lệnh cho binh sĩ chôn cất Ngu Cơ và người anh vợ là Ngu Tử Kỳ, rồi tập hợp tám trăm tráng sĩ lại trước doanh trướng của mình nói với họ:
- Hỡi các tướng sĩ! Hạng Võ tôi thật có lỗi với các anh, chính tôi đã hại các anh! Hiện nay chúng ta đang bị quân Hán bao vây lớp lớp, nhưng chúng ta phải phá trùng vây vượt ra ngoài, chứ không thể ngồi ở đây chờ chết. Tôi sẽ dẫn các anh phá tan trận địa của địch, chém giết quân địch để trả thù cho bao nhiêu anh em đã bị chết, và cũng để khôi phục lại giang sơn đại Sở của ta!
Quân Sở còn lại tám trăm tráng sĩ, hầu hết đều là những thành phần tinh nhuệ trong quân đội. Họ có cùng một tính khí giống như Hạng Võ: dám xung phong hãm trận, coi chết như không, kiên nghị quả đoán, không sợ cường địch. Trong giờ phút đó, họ nghe Hạng Võ nói sẽ dẫn họ đột phá trùng vây, thì hăng hái muốn được thử sức mình, cho dù bụng họ đang trống không, quần áo mỏng manh phải chịu giá rét, nhưng khi nghe nói sẽ cùng quân Hán quyết chiến, thì tinh thần họ bỗng lên cao gấp trăm lần. Mỗi người trong số họ đều có một giai đoạn lịch sử đáng kiêu hãnh. Chiến công của họ đã chứng tỏ một cách hùng hồn: họ có thể giành được thắng lợi trong cuộc đột phá trùng vây. Thế là họ cùng đồng thanh nói với Hạng Võ:
- Tôi bằng lòng đi theo Đại Vương!
Hạng Võ nhìn những người chiến sĩ y phục và khôi giáp xốc xếch, hết sức cảm động. Ông liền xuống lệnh đột phá trùng vây, tự mình đi trước, dẫn tám trăm tráng sĩ theo sau, xông vào quân Hán đang bao vây giữa đêm tối.
Kỳ thực thì sự bao vây của quân Hán không phải quá chặt chẽ như Hạng Võ tưởng tượng. Và trong số họ không có đông đảo những người Sở như ông nghĩ. Việc quân Hán cùng nhau hợp xướng những bài hát của đất Sở, chẳng qua là một chiến thuật tấn công về tâm lý của Hàn Tín. Vì Hàn Tín biết Hạng Võ cũng như các tướng sĩ quân Sở đều có tình cảm với quê hương rất sâu đậm, nên đã ra lệnh cho quân đội chư hầu cùng hát lên những bài hát đất Sở để lấy đó làm dao động tinh thần của quân Sở. Kế hoạch đó của Hàn Tín quả nhiên đã có hiệu quả rõ rệt, làm cho tình cảm của Hạng Võ càng trở nên bi quan, đồng thời, có sự phán đoán sai lầm. Trong khi Hạng Võ chưa sử dụng bao nhiêu sức mạnh là đã phá được trùng vây vượt ra ngoài, thì ông mới biết là quân Hán không phải có một sức mạnh phi thường như ông nghĩ.
Sau khi đột phá được vòng vây, Hạng Võ liền tiếp tục phi ngựa chạy về phía nam. Khi trời dần dần sáng tỏ, quân Hán mới phát hiện Hạng Võ đã thoát ra khỏi được trùng vây từ giữa đêm khuya. Lưu Bang cấp tốc ra lệnh cho người chỉ huy kỵ binh là Quán Anh, dẫn năm nghìn kỵ binh đuổi theo Hạng Võ. Trong khi đó thì Hạng Võ cố thúc ngựa chạy cho nhanh, mà không cần biết đến điều gì khác. Vào buổi sáng hôm đó, Hạng Võ đã vượt qua sông Hoài, và khi quay đầu nhìn lại mới thấy số binh sĩ đi theo mình có nhiều người bị rớt lại ở phía sau, và số theo kiẹp ông chỉ còn hơn một trăm người.
Khi Hạng Võ tới Âm Lăng thì bị lạc đường. Ông gặp một cụ già nhà quê, bèn dừng lại để hỏi đường thì cụ già đưa mắt nhìn Hạng Võ từ trên xuống dưới, rồi khẽ nhíu đôi mày xảo trá, thong thả đáp:
- Đi về phía trái.
Hạng Võ liền phóng ngựa về phía trái như lời cụ già chỉ dẫn, nhưng đi không bao xa thì lại gặp phải một vùng đồng lầy mênh mông. Hạng Võ đi tiếp một lát, thấy khu đầm lầy này quá rộng lớn và không có đường quay trở lại, bèn tìm đi về một hướng khác, nhưng vẫn không thấy có đường đi. Lúc báy giờ người ngựa của họ đều quá mệt mỏi, nhưng họ không dám dừng chân nghỉ ngơi, và sợ quân Hán đuổi kịp. Các tướng sĩ của Hạng Võ đều lên tiếng thán oán, mắng cụ già xấu bụng kia đã đánh lừa họ. Hạng Võ nào biết cụ già kia muốn gạt họ đi vào con đường cùng không phải là không có lý do. Kể từ ngày Hạng Võ khởi binh cho tới nay, ngoài một số việc làm tốt như đánh bại quân Tần, tiêu diệt quân Tần, ông còn có những việc làm tàn bạo khác, như đi đến đâu thì cho binh sĩ đốt nhà, cướp của thẳng tay, cho nên họ đã trở thành một thứ tai hoạ mới của bá tánh, làm mất lòng dân. Giờ đây, Hạng Võ đi lạc đường vào một khu vực đầm lầy rộng lớn, có thể nói là sự báo ứng tất nhiên của những việc làm tàn bạo đó.
Đưa mắt nhìn khu đầm lầy trước mặt, Hạng Võ cảm thấy như đây là một tấm lưới khổng lồ mà ông không thể nào thoát ra được. Ông đã loanh quanh tại đó trong một thời gian khá lâu, chẳng khác gì bị rơi vào bẫy, không còn có thể thoát ra được. Mãi tới khi họ tìm được lối ra thì toán kỵ binh của quân Hán đã xuất hiện trước mặt họ. Hạng Võ lại đánh nhau một trận với quân Hán, rồi mới tiếp tục bỏ chạy về hướng Đông Thành. Con ngựa Ô Truy quả không hổ danh là một con chiến mã số một trong thiên hạ. Nó ngẩng đầu lên, co vó chạy như bay, chẳng khác nào có một thần lực phi thường. Nhưng, những con ngựa khác thì không thể chạy nhanh như nó, vì chúng đã quá mệt mỏi, hai lỗ mũi thở phì phò khói trắng. Có những con đã kiệt sức, té quỵ xuống đất không còn đứng dậy được nữa. Khi Hạng Võ chạy tới Đông Thành, thì số binh sĩ còn bám theo kịp ông chẳng qua có hai mươi tám người, trong khi đó thì kỵ binh của quân Hán đuổi theo họ đông đến mấy nghìn người.
Nhìn toán binh mã đông đảo của quân Hán đuổi theo, trong lòng Hạng Võ không khỏi cảm thấy tuyệt vọng. Ông suy nghĩ: địch đông ta ít, đôi bên chênh lệch nhau quá xa, không còn hy vọng thoát thân được nữa. Ông bèn nói với hai mươi tám chiến sĩ kỵ binh còn lại:
- Kể từ ngày ta khởi binh cho tới nay đã tám năm dài, bản thân ta đã trải qua hơn bảy chục trận chiến đấu, không ai có thể chiến thắng được ta, quân ta đi tới đâu đều tiến như chẻ tre tới đó. Ta chưa từng bị thất bại và nhờ đó mà ta đã chiếm được cả thiên hạ, tự xưng là Bá Vương. Nay ta bị vây khốn ở nơi đây, đó là ý trời muốn giết ta, chứ không phải ta có sự sai sót trong chiến đấu!
Nói tới đây, ông dùng ánh mắt thăm dò nhìn về phía những người kỵ binh của mình. Tất cả số kỵ binh đó đều gật đầu cho là phải. Hạng Võ cảm thấy như được an ủi, cảm thấy đã thỏa mãn. Ông có tính trọng danh dự rất cao. Ông thích người khác khen ngợi tâng bốc mình, cho dù đang ở vào bước đường cùng, ông vẫn muốn được người khác gọi ông là một vị anh hùng bách chiến bách thắng, từng chỉ huy một đạo binh vô địch trong thiên hạ.
Hạng Võ quyết tâm thể hiện bản sắc anh hùng của ông trong những giờ phút cuối cùng này, để chứng thực cho các tướng sĩ của ông thấy sự thất bại của ông là hoàn toàn do ý trời, còn việc chỉ huy chiến đấu của ông vẫn không ai sánh kịp, không có một sai sót nào. Ông cất cao giọng, ưỡn thẳng ngực lên, tiếp tục nói:
- Ngày hôm nay tất nhiên là phải chiến đấu cho tới chết tại đây, nhưng trước khi ta chết, ta sẽ vì các vị mà đánh nhau một trận quyết định với quân Hán. Ta sẽ lấy ba đợt chiến thắng quân Hán để giúp cho các vị vượt khỏi trùng vây. Ta sẽ chém tướng Hán, chém gẫy ngọn cờ của quân Hán, để cho các vị hiểu rằng sự quyết tâm chiến đấu cho tới chết của ta ngày hôm nay, là do ý trời muốn giết ta, chứ ta không có lỗi lầm gì trong cuộc chiến đấu này cả!
Số kỵ binh còn lại đều tỏ ra hết sức khâm phục Hạng Võ, đồng thanh nói:
- Đại Vương đúng là có sức mạnh như thần!
Thế là Hạng Võ chia hai mươi tám kỵ binh của mình ra thành bốn đội, nhắm bốn hướng để đột phá vòng vây. Quân Hán thấy vậy, vội vàng siết chặt vòng vây của họ, áp sát vào Hạng Võ. Một tướng Hán cưỡi ngựa xông tới định tấn công thẳng vào Hạng Võ, Hạng Võ thấy thế liền nói với các binh sĩ dưới tay:
- Các nugoi không cần phải sợ hãi, ta sẽ chém chết tướng Hán này cho mà xem!
Nói dứt lời, ông ra lệnh cho các binh sĩ cứ nhắm bốn hướng thoát ra khỏi vòng vây đúng như kế hoạch đã dự định. Các kỵ binh dưới tay ông liền bám sát theo sau ông xông lên sát phạt với một tinh thần liều chết để chiến đấu, cuối cùng họ đã phá được vòng vây và tập hợp tại ba điểm khác nhau trên sườn núi ở phía đông. Viên tướng Hán kia cũng truy đuổi theo không chịu buông tha. Hạng Võ quát lên một tiếng lớn rồi từ trên sườn núi phi ngựa trở xuống. Quân Hán như ngọn cỏ bị gió lùa, một lần nữa, lại bị chém chết tất cả, và viên tướng Hán kia cũng bị Hạng Võ chém té xuống ngựa.
Một lang trung kỵ của quân Hán là Dương Hỷ thấy Hạng Võ chỉ biết thẳng tay chém giết, bèn mở cuộc truy ích từ phía sau lưng của ông. Hạng Võ phát hiện được, giận dữ trợn tròn xoe đôi mắt, quát to lên một tiếng, làm cho Dương Hỷ kinh hoàng như vừa nghe một tiếng sấm nổ. Con chiến mã của ông ta cũng quá sợ hãi, vội vàng quay đầu bỏ chạy thục mạng về phía sau. Nói tiếp tục chạy mấy dặm đường mới dừng lại. Lúc bấy giờ, Dương Hỷ vẫn chưa hoàn hồn, toàn thân đều ướt đầm mồ hôi.
Trong khi Hạng Võ một lần nữa tập hợp đội ngũ của mình, thì phát hiện chỉ có hai người bị thiệt mạng. Hạng Võ cảm thấy hết sức đắc ý, nói với kỵ binh của mình:
- Thấy chưa? Chắc là các ngươi đã thấy rõ chứ? Ta nói được là làm được, bọn quân Hán này không phải là đối thủ của ta đâu!
Số kỵ binh còn lại càng tỏ ra khâm phục vị chủ tướng của mình, đồng thanh la to:
- Lời nói của Đại vương quả không sai tí nào!
Một cảm thức đắc ý như một luồng hơi ấm chạy khắp tâm hồn của Hạng Võ. Lúc bấy giờ, ông không còn thấy mình là một kẻ bị thất bại, mà là một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, không ai có thể so sánh kịp. Ông là hóa thân của sức mạnh, là một vị thần chiến thắng lấp lánh ánh hào quang, mà đã là thần rồi, thì tất nhiên sẽ là người vô địch, là bất tử, là vĩnh hằng!
Ông gần như quên hẳn giờ phút cuối cùng của đời mình đã sắp tới, mà có cảm giác như mình đang tiếp bước nhip nhàng theo tiếng trống trận khải hoàn giữa đám đông hoan hô. Những xác chết nằm ngổn ngang của quân SỞ, không còn làm cho ông thấy đáng sợ nữa. Mà máu tươi từ những xác chết đó đã trở nên những đóa hoa đỏ để chúc mừng sự chiên thắng của họ.
Những kỵ binh cuối cùng theo Hạng Võ cũng có cùng một tâm trạng như thế. Trên sắc mặt của họ đang hiện lên một nụ cười bi thảm, vì họ đang vui mừng cùng với vị thống soái của mình đi vào những giây phút cuối cùng của cuộc sống!
Sự bố thí cuối cùng
Hạng Võ và hai mươi sáu kỵ binh cuối cùng của ông, sau khi đột phá khỏi trùng vây lại rút lui tới bờ tây sông Ô Giang. Sông Ô Giang là một đoạn của sông Trường Giang, hiện nay tọa lạc tại trấn Ô Giang, huyện Hòa, tỉnh An Huy. Dưới đời Tần, trấn Ô Giang được gọi là Đông Thành, Ô Giang Thành, về sau lại đổi thành huyện Ô Giang, nhưng sau đó lại bỏ huyện đổi thành trấn. Phía đông bắc huyện Hòa có một con sông nhỏ dài chừng năm sáu chục dặm, tên gọi Tứ Mã Hà, cũng gọi Trụ Mã Hà, hoặc Chi Mã Hà, chảy vào sông Trường Giang tại phía đông nam của trấn Ô Giang. Tại đoạn sông này của Trụ Mã Hà chảy vào Trường Giang, đất hai bên bờ rất đen nên gọi là Ô Giang. Thời xưa, một dòng sông được mang nhiều tên khác nhau là một hiện tượng rất phổ biến, và các châu quận, thành ấp cũng thường lấy tên đất để đặt tên. Như sông Trường Giang ngày nay, thì từ Nghi Tân thuộc tỉnh Tứ Xuyên trở lên được gọi là Kim Sa Giang; từ Nghi Tân đến Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc được gọi là Xuyên Giang; từ Chi Thành của tỉnh Hồ Bắc đến Lăng Cơ thuộc tỉnh Hồ Nam được gọi là Kinh Giang; từ Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô trở xuống được gọi là Dương Tử Giang. Thời xưa, sông Trường Giang còn có nhiều tên khác nhau hơn nữa. Lấy thí dụ như Kim Sa Giang cũng có hơn mười mấy tên gọi khác nhau như Mãnh Thủy, Nhược Thủy, Lô Thủy, Mã Hồ Giang, v.v... Còn Ô Giang nằm trong nội địa của hai tỉnh Tứ Xuyên và Quới Châu ngày nay, thời cổ được gọi là Diên Giang Thủy, Bồi Lăng Giang, Bồi Giang Thủy, Kiềm Giang, Ba Giang, đến đời Minh thì gọi là Ô Giang. Con sông này phát nguyên từ chân núi phía đông của núi Ô Mông thuộc tỉnh Quý Châu, chảy về phía đông đến Bồi Lăng Giang thuộc Tứ Xuyên thì đổ vào sông Trường Giang. Con sông Ô Giang này không có dính dáng gì tới câu chuyện Hạng Võ nói ở đây.
Sở dĩ chúng tôi phải nói dài dòng về những sông ngòi như trên là để bạn đọc tránh sự hiểu lầm đối với con sông Ô Giang nơi Hạng Võ đã hy sinh. Tây Sở Bá Vương lúc bấy giờ không còn là một vị anh hùng đầy khí phách như trước kia nữa, vì ông đã quát mệt mỏi, quát thất vọng, trên khuôn mặt màu đồng hun và có nhiều râu của ông, thể hiện rõ nét tuyệt vọng của một người anh hùng đã tới bước đường cùng. Hai mắt sáng dưới đôi chân mày rậm đen của ông đã trở nên lờ mờ, khó che giấu được nét sợ hãi. Chiến bào của ông đã bị rách nhiều nơi, dính đầy đất cát và những đốm máu sau khi trải qua nhiều trận khổ chiến. Trên đùi của ông cũng mang hai vết thương nhẹ. Cho dù ông vẫn là một người có thân hình cao to, nhưng dáng vẻ bề ngoài và thần sắc lúc bấy giờ đang hiện rõ nét thiểu não của một người chiến bại.
Con ngựa Ô Truy chừng như hiểu được tâm trạng của người chủ, nó ngoan ngoãn đứng im lặng bên cạnh chủ nhân, thỉnh thoảng ngước đầu lên để an ủi chủ của mình. Khắp thân mình nó đang ướt đẫm mồ hôi, lông nó không còn đen mượt như lúc bình thường, vì trong những lần đột phát trùng vây nó đã đưa Hạng Võ vượt qua một lộ trình thật dài đầy cát bụi. Nó khong hổ là một con thiên lý mã nổi tiếng trong đời. Trong chiến đấu nó luôn luôn tỏ ra hết sức dũng cảm, và đã vượt qua bao nhiêu đoạn đường nguy hiểm như vượt qua một dãy đất bằng, bốn vó của nó không ngừng nện vào mặt đất, và đã bỏ rơi kỵ binh của quân Hán ở lại phía sau thật xa. Nếu không phải nó, có lẽ Bá Vương đã bị đuổi kịp từ lâu. Tây Sở Bá Vương Hạng Võ hết sưc cảm ơn con ngựa yêu quí của mình, ông dẫn con ngựa tới sát bờ sông, và bụm nước sông lên cho nó uống, như đang nói với nó: "Ô Truy ơi! Ô Truy ơi! Ngươi đã nhọc nhằn vì ta quá rồi, ta xin cảm ơn!" Con ngựa như hiểu được ý chủ, nó uống cạn số nước đang bụm trong hai bàn tay của Hạng Võ, rồi sau đó đã dùng lưỡi liếm nhẹ lên bàn tay của Hạng Võ. Nó giống như một đứa trẻ đang được vuốt ve, khẽ nhắm đôi mắt lại tỏ ra rất mãn nguyện.
Dòng nước Ô Giang không ngớt chảy và tạo nên những tiếng kêu róc rách. Những tiếng keu đó chẳng khác nào lời ca gọi hồn. Tiếng nước chảy róc rách dưới sông nghe rất u buồn, tạo nên một cảm giác thoáng dâng dễ chịu. Nghe tiếng nước chảy róc rách đó, khiến ta có thể trút sạch được nỗi phiền muộn trong lòng. Thế nhưng, lúc bấy giờ Hạng Võ không hề có cảm giác đó. Bên tai ông vẫn còn văng vẳng tiếng sát phạt kinh hồn ở chiến trường. Hạng Võ hồi tưởng lại những cảnh tượng nguy hiểm đã qua: đột phá trùng vây, chiến bại phải bỏ chạy, những cuộc sát phạt đẫm máu, từng giây phút ông luôn luôn phải đối phó với sự uy hiếp của tử thần, nếu có sự sơ suất nhỏ nào, thì có thể bị lọt vào tay của kẻ địch. Ông cảm ơn trời đất đã giúp ông vượt qua tất cả những khổ nạn đó, quân Hán đã bị ông bỏ rơi lại ở phía sau. Nhưng mọi việc sắp tới sẽ thế nào? Vượt qua sông ư? Ông từng có ý nghĩ đó, nhưng rồi lại tỏ ra do dự. Hạng Võ là người rất trọng danh dự, vì đường đường là một Tây Sở Bá Vương, từng nắm trong tay năm chục vạn quân, vậy ngày nay vượt qua sông để trở về Giang Đông, không phải sẽ bị các phụ lão ở Giang Đông chê cười đó sao?
Hạng Võ đang đắn đo thì từ trong một lùm cây bên bờ sông bỗng thấy một chiếc thuyền nhỏ nhô ra, trên thuyền có một cụ gài diện mạo hiền hòa, đang chèo thuyền đến gần. Sau khi cho thuyền cập bến, ông mới vòng tay thi lễ nói với Hạng Võ:
Hiện giờ trên sông này chỉ có chiếc thuyền của tiểu nhân mà thôi, đại vương sang bên kia bờ sông, thì quân Hán sẽ không thể nào truy đuổi được nữa. Giang Đông là vùng đất đại vương khởi nghĩa, mặc dù địa phương nhỏ, nhưng cũng rộng đến mấy trăm dặm, dân chúng tuy ít, nhưng cũng đông đến mấy chục vạn người. Đại Vương trở về Giang Đông chấn chỉnh lại đội ngũ, xây dựng lại lực lượng, thì vẫn không mất danh nghĩa là một vị vương tại một địa phương, vậy xin đại vương chớ nên đắn đo nữa!
Đình là nơi người đi đường thường trọ qua đêm. Dưới đời nhà Tần, cứ mỗi mười dặm thì được xây dựng một đình, mỗi đình có đình trưởng, là một tiểu quan của địa phương, có nhiệm vụ trị an tại địa phương đó, cũng như lo việc tố tụng của địa phương. Trước khi Lưu Bang khởi nghĩa, cũng từng làm đình trưởng tại Tứ Thủy. Ô Giang Đình này chính là đình đứng đầu tại Đông Thành, được thành lập từ đời nhà Tần. Đình trưởng Ô Giang trước đây đã từng ngưỡng mộ sự dũng cảm và tài năng của Hạng Võ, đối với việc Hạng Võ bị chiến bại tại Cai Hạ, ông tỏ ra rất tiếc nuối, nên đã đậu thuyền tại đây chờ đợi để cứu Hạng Võ thoát khỏi cảnh hiểm nguy, đồng thời, cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với vị anh hùng này.
Hạng Võ rất cảm động, vì trong bước đường cùng vẫn còn người có lòng tốt sẵn sàng tương trợ mình. Khi nghĩ tới cụ già nhà quê gian manh trước kia, đã đánh lừa mình đi vào một vùng đầm lầy, ông càng thêm cảm kích vị đình trưởng đang ở trước mặt. Ông nghĩ bụng: Hạng Võ ta mặc dù bị bại binh như thế này, nhưng tất cả lòng dân không phải hướng về quân Hán, mà bá tánh trong thiên hạ vẫn có người đứng về phía Đại Sở, điều đó đủ chứng minh bá nghiệp của ta không phải thiếu người ủng hộ. Ông cũng không tránh khỏi sự ái ngại trong lòng: người trong thiên hạ coi trọng ta đến thế, vậy mà ta đã mang đến lợi ích gì cho mọi người trong thiên hạ? Đặc biệt là đối với phụ lão tại vùng Giang Đông, đã từng đặt nhiều hy vọng ở ta, mongta sẽ xây dựng được một sự nghiệp lớn, thế mà nay ta lại rơi vào hoàn cảnh như thế này, vậy thử hỏi làm sao ăn nói với phụ lão ở Giang Đông đây?
Khi suy nghĩ đến đó, Hạng Võ cảm thấy trên mặt mình nóng bừng, ông khiêm tốn nói với đình trưởng Ô Giang:
- Lòng tốt của ông làm tôi thấy lòng thật ấm áp. Tôi hết sức chân thành cảm ơn ông. Nhưng, ý trời khó cãi, tôi vượt qua sông thử hỏi có lợi ích gì? Hơn nữa, trước kia tôi mới khởi binh đã dẫn theo tám nghìn tử đệ vượt qua sông tiến về phía tây, nhưng tới nay thì không còn ai sống sót trở về, mà chỉ còn duy nhất một mình tôi, cho dù phụ lão ở Giang Đông có thương tôi đi nữa, thử hỏi tôi còn mặt mũi nào trở về đó? Thủ hỏi tôi không biết hổ thẹn hay sao?
Đình trưởng Ô Giang định lên tiếng khuyên nhủ thêm, nhưng Hạng Võ lại nói tiếp: tôi biết ông là một người lớn tuổi có đức hạnh, nhưng hiện giờ tôi không có gì để báo đáp ông, vậy tôi xin tặng con ngựa yêu quí của tôi cho ông! Con ngựa này là một con ngựa tốt nhất trong thiên hạ, ngày đi nghìn dặm, khi ra trận nó xông pha không một chiến mã nào sánh bằng, và đã theo tôi suốt năm năm qua, nay tôi không nỡ giết chết nó, càng không nỡ để cho nó rơi vào tay quân Hán, vậy ông hãy giữ lấy nó, chú ý nuôi nó cho tốt.... Nói tới đây, Hạng Võ nghẹn lời, ông đưa tay vuốt nhẹ lên mình con ngựa Ô Truy, rồi lại vuốt nhẹ lông bờm của nó, và dùng bàn tay vỗ nhẹ lên trán nó mấy lượt, buồn bã nói:
- Ô Truy ơi, người bạn của ta, từ nay đành phải xa cách!
Trong lòng Hạng Võ cảm thấy đau nhói, lệ nóng đã trào lên khoé mắt. Một người anh hùng từng xem chết sống không ra gì ngoài chiến trường, thế mà nay đứng trước sự vĩnh quyết với con ngựa yêu của mình ông lại tuôn rơi nước mắt. Trước đây ông thương yêu nhất là Ngu Cơ, và con ngựa Ô Truy này. Đến nay Ngu Cơ đã tự sát, còn con ngựa Ô Truy lại sắp lìa xa ông, vậy thử hỏi ông không đau đớn như đứt từng khúc ruột sao được?
Tiếng vó ngựa từ sau lưng vọng tới, càng ngày càng rõ dần, đó là toán kỵ binh truy kích của quân Hán. Hạng Võ nhìn khói bụi tung bay mịt mù từ xa, vội vàng trao sợi dây cương ngựa cho đình trưởng, rồi quay mặt trở lại cố nén lòng khoát tay nói khẽ:
- Xin ông hãy mau dẫn nó đi đi!
Đình trưởng không còn cách nào khác hơn, chỉ lắc đầu nói:
- Nếu đại vương không chịu sang sông, thì tiểu quan cũng không thể nài ép, tiểu quan nhất định sẽ nuôi dưỡng con ngựa này thật kỹ, xin đại vương an tâm!
Nói dứt lời, đình trưởng gạt lên rời đi.
Giờ đây, Tây Sở Bá Vương Hạng Võ không còn vướng víu chi cả. Ông thấy tâm hồn nhẹ nhàng chưa từng có. Tất nhiên đó là sự nhẹ nhàng mang theo rất nhiều đau khổ. Ông đưa chân bước từng bước nặng nề lên một quả đồi, dùng kiếm chống xuống đất, ngửa mặt đứng thẳng người, nhìn vào quân Hán đang áp sát tới, trên khoé miệng hiện lên một nụ cười khinh bỉ.
Bản thân Hạng Võ cũng bị thương mười mấy chỗ, khắp mình ông đẫm máu, nhưng nét oai hùng vẫn không hề suy giảm, khiến quân Hán không ai dám tới gần. Bỗng nhiên Hạng Võ phát hiện một bộ mặt quen thuộc trong quân Hán, ông bước tới gần người đó, lên tiếng hỏi:
- Anh có phải là Lữ Mã Đồng, người bạn cũ của tôi không?
Lữ Mã Đồng, người được gọi tên, trước tiên có vẻ sửng sốt, nhưng tiếp đó anh ta liền quay sang viên tướng Hán là Vương Ế đang ở bên cạnh nói:
- Đó chính là Hạng Vương!
Hạng Võ lúc đó đang thu kiếm cầm trên tay, chừng như cuối cùng ông đã tìm được nơi ký thác tấm thân của mình. Ông nói với Lữ Mã Đồng:
- Tôi biết quân Hán có treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu tôi, nó đáng giá twosi nghìn vàng, và được phong ấp vạn hộ. Tôi và anh là bạn cũ, vậy tôi xin tặng vật quý giá đó cho anh!
Nói dứt lời, Hạng Võ tung kiếm tự sát. Chiếc đầu đầm đìa máu tươi của ông lăn lông lốc trước mặt Lữ Mã Đồng, giống như một món quà lập loè ánh sáng...
Đó là hành động vừa rộng lượng lại vừa keo cú, vừa tàn bạo lại vừa nặng tình cảm, mà Tây Sở Bá Vương bố thí lần cuối cùng, và cũng là một tình cảm dâng tặng cho người đồng hương của một vị anh hùng cái thế, từng lập được không biết bao nhiêu chiến công hiển hách, nhưng lại thường bị thứ quan niệm quê hương nặng nề ràng buộc.
Nhưng, Lữ Mã Đồng không có được một thứ tình cảm giống như Hạng Võ, anh ta chẳng hề nhớ được cái gì gọi là tình cảm đồng hương, mà chỉ biết chiếc đầu lâu này thật là đáng giá, có thể đổi lấy một chức quan to và nhiều bổng lộc, có thể làm cho địa vị của anh ta thay đổi một cách cơ bản. Đứng trước vận may sắp đến với mình, người bạn cũ của Hạng Võ không khỏi mừng ra mặt, xúc động làm quả tim nhảy thình thịch, hai tay vội vàng đưa ra định chụp lấy chiếc đầu lâu đẫm mau, nhưng thật đáng tiếc, ông ta đã chậm một bước. Vương Ế đang đứng bên cạnh anh ta đã nhảy tới ôm chặt món bảo vật vô giá đó vào lòng. Số người còn lại cũng ùa lại bên cạnh xác chết của Hạng Võ, họ giành giựt nhau mà không kể bất cứ những điều gì có thể xảy ra. Họ đạp lên nhau, thậm chí tàn sát nhau để giành cho được một mảnh thi thể đáng giá đó, vì những mảnh thi thể này sẽ đem đến vận may cho họ. Đứng trước sự quyến rũ của vàng, các tướng sĩ quân Hán người nào người nấy đều hoa cả mắt, hung hăng như loài cọp beo, tham lam như loài chó sói, xảo quyệt như loài chồn, bộc lộ tất cả hành động vô đạo đức trong cuộc tranh giành xác chết của Hạng Võ. Họ vì muốn giành cho được một miếng thịt của Hạng Võ, nên đã sẵn sàng đánh nhau, mấy chục người vì thế mà đã mất mạng. Cuối cùng, lang trung kỵ Dương Hỷ Kỵ Tư Mã Lữ Mã Đồng, lang trung Lữ Thắng đều được hậu thưởng. Lữ Mã Đồng được phong làm Thủy Trung Hầu, Vương Ế được phgn làm Đỗ Diễn Hầu, Dương Hỷ được phong làm Xích Tuyền Hầu, Dương Võ được phong làm Ngô Phòng Hầu, Lữ Thắng được phong làm Niết Dương Hầu. Tất nhiên đó là chuyện về sau.
Trận giành xác chết quyết liệt bên bờ sông Ô Giang đã kết thúc, một bên là người bố thí hào phóng, còn một bên là kẻ tranh đoạt ty tiện. Cảnh tượng tương phản mạnh mẽ đó đã trở thành một dấu chấm câu để kết thúc cuộc tương tranh giữa Sở - Hán kéo dài hai năm chín tháng. Tây Sở Bá Vương nếu ở dưới cửu tuyền biết được, không hiểu ông có cảm xúc ra sao trước tình cảnh này. Thất vọng ư? Đồng tình ư? Phẫn nộ ư? Hay có thể ông nghĩ đến việc bố thí thân xác của mình cho những người đồng hương rồi cảm thấy vui sướng?
Dòng sông Ô Giang vẫn tuôn chảy, tiếng róc rách của nó giống như tiếng thở dài buồn bã, mà cũng giống như tiếng than đầy đau thương. Bên bờ sông, bãi chiến trường đã được kết thúc, mà chỉ còn để lại những ngọn giáo gãy, những xác chết ngổn ngang, và máu tươi đỏ hồng của một vị anh hùng ba mươi mốt tuổi!