Tây Sở Bá Vương Hạng Võ

Chương 1 (B)

Thời ấu thơ là thời mà con người thường có nhiều giấc chiêm bao.  Những giãc chiêm bao đó thật chẳng khác nào những bông hoa rực rỡ hiện lên trong ống kính vạn hoa, xinh đẹp mê hồn như chiếc cầu vồng bắc ngang bầu trời.  Sự tưởng tượng ngây thơ của trẻ con thường từ đó vẽ nên những bức tranh xinh đẹp về cuộc đời, dẫn dắt cho tâm hồn thơ ngây đi dạo khắp những miền xa xôi trong trời đất.

Giấc mộng của Hạng Võ trong thời thơ ấu không phải tất cả đều đẹp đẽ.  Xã hội đang có những sự biến chuyển to tát, gia cảnh đang suy sụp, thân nhân chết chóc, đã mang đến cho cậu những ký ức như một cơn ác mộng.

Qua sự giáo dục của người chú là Hạng Lương, cậu bé Hạng Võ đã hiểu biết rất nhiều sự việc.  Cậu không còn ham thích những trò chơi đùa con trẻ nữa, mà luôn tò mò tình hình ở bên ngoài.  Cậu luôn đặt ra nhiều vấn đề lý thú để hỏi người chú, trong đó có cả những đại sự về binh nhung, về danh thần hiền tướng, về dũng sĩ tài ba, không có vấn đề gì mà cậu không đặt thành câu hỏi.  Cậu chừng như đã trưởng thành không còn giống những đứa bé ở chung  quanh.  Thế nhưng, Hạng Lương lúc bấy giờ không còn một tình cảm sôi nổi, sẵn sàng giải đáp những câu hỏi của Hạng Võ như trước kia.  Với một tâm hồn có ý thức về quốc gia rất mãnh liệt, cũng như mặc cảm về sự suy vong của đất nước sâu đậm, Hạng Lương đang có rất nhiều âu lo trước tình hình hiện tại của đất nước.

Trong những ngày gần đây, thế tấn công của nước Tần cứ ngày càng mãnh liệt, tin tức chiến bại từ các nước cứ liên tục truyền tới.  Nước Hàn đã bị diệt vong, đô thành của nước Yên là Kế cũng đã bị đánh chiếm, vua Yên phải bỏ chạy về Liêu Đông.  Mùa xuân năm nay, tướng Tần là Vương Tiễn và người con trai của tướng này là Vương Bôn đang dẫn mười vạn quân mở cuộc tấn công vào nước Ngụy, bao vây đô thành của nước Ngụy hết sức chặt chẽ, một con kiến cũng khó bò qua.  Họ chờ cho quân sĩ của nước Ngụy mệt mỏi, thiếu lương thực ăn, mới phá đê sông Hoàng Hà và đê Hồng Câu, cho nước sông chảy vào thành Đại Lương, khiến vách thành sụp đổ, quân dân trong thành chết đuối vô số kể, buộc Ngụy Vương Giả phải đầu hàng, nước Ngụy cũng bị tiêu diệt.  Giờ đây, nước Sở đã trở thành mục tiêu tấn công kế tiếp của nước Tần.  Quân Tần đang gióng trống phất cờ tiến về phía đông, uy hiếp một cách nghiêm trọng nước Sở.  Vua Sở như đang ngồi trên bàn chông, nhân tâm đang chao đảo, đâu đâu cũng sợ hãi hoang mang.  Phụ thân của Hạng Lương là Hạng Yến từ lâu bặt vô âm tin.  Tương truyền rằng ông suốt ngày bận rộn với việc chiến tranh, không lúc nào được rảnh rỗi.  Mùa đông năm qua, tướng Tần là Vương Bôn dẫn quân mở cuộc tấn công vào nước Sở, do nước Sở thiếu phòng bị, việc chỉ huy cũng có nhiều điều sơ hở cho nên đã liên tiếp bị quân Tần chiếm đến hơn mười thành ấp.  Sau khi thành bị phá hủy thì nhân dân cũng bị tàn sát, hao binh tổn tướng, thảm bại nặng nề, làm cho sĩ khí của quân Sở bị ảnh hưởng rất lớn, không ít binh sĩ và bộ phận tướng tá bị mất tinh thần, vậy nước Sở phải chăng có thể chống đỡ được những cuộc tấn công của nước Tần, rõ ràng là điều mà mọi người đều mất niềm tin.  Thống soái của quân Sở là Hạng Yến, sau khi được sự đồng ý của vua Sở đã tiến hành chỉnh đốn quân đội, lập lại kỷ cương để sĩ khí của nước Sở mau chóng được củng cố.  Hạng Yến là một lão tướng của nước Sở, có nhiều công lao, biết thương yêu binh sĩ, có uy tín rất cao trong quân đội.  Quân Sở sau khi được sự chỉnh đốn mạnh mẽ của ông, đã bắt đầu có một số khởi sắc.  Giờ đây quân Sở đang gối giáo chờ đợi thời cơ, chuẩn bị phản kích trước những cuộc tấn công của quân Tần.  Nhưng tin tức ngoài biên cương truyền về cho biết, một viên tướng trẻ tuổi của nước Tần là Lý Tín đã phụng mệnh vua Tần làm thống soái, cùng Mông Điềm dẫn hai chục vạn binh tập kết tại quận Dĩnh Xuyên, và chia binh thành hai cánh cùng tiến về hướng đông.  Họ đã đánh chiếm được Bình Dư và Tấm Thành là hai ngôi thành ở ngoài biên cương của nước Sở.  Xem ra, một trận đại chiến sẽ khó tránh khỏi.

Vào một ngày âm u, có một lính kỵ mã từ trạm dịch ở ngoài biên cương phi như bay về đến nhà Hạng Lương.  Người kỵ mã này được lệnh trở về Kinh Sư để báo cáo tình hình quana sự cho quân Sở, nhân tiện ghé qua nhà họ Hạng để trao một bức thư.  Đây là bức thư của Hạng Yến, chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: "Cuộc chiến tại Bình Dư và Tấm Thành đang bất lợi, chuẩn bị phản kích.  Vậy con ta nên an tâm lo việc nhà, lo dạy dỗ cháu nhỏ, không cần lo lắng chi cả."

Sau khi tiễn chân người lính trạm dịch, Hạng Lương cảm thấy tâm trạng nặng nề, không ngớt bước tới bước lui trong gian phòng.  Hạng Võ từ bãi bên ngoài nhanh nhẹn chạy vào.  Trên tay cậu bé còn cầm một thanh kiếm sắt, hơi thở hào hển, rõ ràng là cậu đang luyện tập kiếm pháp, vừa thấy Hạng Lương, Hạng Võ lộ sắc tức giận ném mạnh thanh gương xuống đất nói: "Thưa chú, con không muốn học kiếm pháp nữa đâu!"  Hạng Lương ngạc nhiên hỏi: "Tại sao?"  Hạng Võ đáp: "Kiếm thuật dù học có tinh thâm tới đâu, cũng chỉ có thể đối kháng với một người, vậy có dùng vào đâu được!"  Nghe qua câu nói đó Hạng Lương rất tức giận, trước đây Hạng Lương đã dốc lòng dạy Hạng Võ học thư pháp, nhưng Hạng Võ cảm thấy không hứng thú lắm nên cuối cùng đã bỏ dỡ giữa chừng.  Hạng Lương liền dạy cậu học kiếm pháp, hy vọng cháu mình sẽ trở thành người giỏi võ nghệ.  Không dè Hạng Võ suy nghĩ lung tung, không thể tập trung tinh thần vào việc luyện kiếm.  Một khi không thể tập trung tinh thần để hằng ngày khổ luyện, thì làm sao thành tài cho được?  Hạng Lương đang muốn lên tiếng quở trách đứa cháu có nhiều cao vọng của mình, không ngờ Hạng Võ đã lên tiếng trước: "Thưa chú, ngoài chiến trường bao giờ cũng có thiên binh vạn mã chém giết lẫn nhau, vậy xin chú hãy dạy cho cháu bản lãnh của một người có thể chống trả được với muôn người.  Sau này cháu khôn lớn sẽ giống như ông nội trở thành một tướng quân thống lãnh quân đội tác chiến ngoài mặt trận!"  Hạng Võ nhắc tới ông nội với sắc mặt rất kiêu hãnh.  Trong tâm khảm của Hạng Võ, ông nội chính là một thần tượng đẹp nhất.  Cậu luôn luôn sùng bái khí khái của ông nội mình.

Tâm trạng của Hạng Lương không giống như đứa cháu.  Ông đang nhớ đến người cha ở ngoài mặt trận, cho nên đang nóng lòng như  lửa đốt.  Tất nhiên, Hạng Lương cũng không khỏi thầm khen ngợi Hạng Võ, tuy còn bé mà đã có chí lớn, nói lên những lời nói phi thường.  Thế là Hạng Lương buộc phải hứa với Hạng Võ, là chờ khi có thì giờ rảnh rỗi sẽ dạy cậu ta học binh pháp.  Binh pháp là môn học dạy con người ngồi trong lều tướng để thảo ra những kế hoạch tác chiến ngoài mặt trận, cũng như cách dụng binh chọn tướng trong chiến tranh.  Đó chính là một môn học có thể chống trả lại với sức mạnh của muôn người.  Hạng Võ nghe qua lấy làm vui mừng, nói: "Thưa chú, chú nhất định phải dạy cho cháu đấy nhé!"  Hạng Lương đáp: "Dạy thì được, nhưng hôm nay thì chưa được, chú còn đang bận nhiều việc, vậy cháy hãy đi luyện tập kiếm pháp nhé!"  Hạng Võ vâng lời, vui mừng bỏ đi ra ngoài.

Quân Tần mở cuộc tấn công vào nước Sở lần này, đã chọn vùng bình nguyên nằm giáp giới giữa hai nước Tần và Sở để làm điểm giao tranh.  Mục đích của quân Tần là có ý đồ tiêu diệt quân đội dã chiến của nước Sở.  Thống soái quân Tần là Lý Tín phán đoán, quân Sở đứng trước cuộc tấn công của quân Tần, chắc chắn sẽ xây dựng tuyến phòng ngự hai bên dòng sông Nhử Thủy, cho nên ông ta đã tiến quân thành hai cánh như hai gọng kềm, ra lệnh cho Mông Điềm chỉ huy một bộ phận quân lực men theo hai bờ sông Nhử Thủy, tiến lên để mở cuộc tấn công quân Sở từ chính diện, còn bản thân ông ta thì chỉ huy quân chủ lực cơ động tấn công vào cánh trái của quân Sở, và sẽ hội sư với Mông Điềm để cùng ra tay tiêu diệt quân Sở.  Giai đoạn đầu của chiến dịch này, các mũi tần công của quân Tần đều rất thuận lợi, họ xua quân tiến lên đánh bại quân Sở yếu thế hơn.  Mông Điềm đã tiến tới Tẩm Thành, và Lý Tín cũng tiến tới Bình Dư.  Người binh sĩ trạm dịch đưa tin về kinh đô chính là tình hình của giai đoạn chiến đấu này.

Thực ra, Hạng Yến là người rất giỏi chiến lược, cho nên ông không bố trí quá nhiều binh lực tại Bình Dư và Tẩm Thành.  Số binh sĩ của ông bố trí tại hai địa điểm trên chẳng qua là để theo dõi tình hình quân địch.  Ông chờ cho chủ lực của quân địch đi sâu vào nội địa sẽ mở cuộc bao vây rồi áp dụng cách phòng ngự cơ động có chiều sâu, xua quân chủ lực của mình tập trung tại khu vực bờ sống Hoài Hà nằm về phía bắc của kinh đô Thọ Xuân.  Do không gặp sự chống trả quyết liệt nào của quân Sở, cho nên Lý Tín đã chỉ huy một đoàn khinh binh nhanh nhẹn tiến về phía đông, vượt qua sông Hoàng Hà, Hạng Yến thấy Lý Tín chỉ huy một đạo quân cô đọc thọc sâu vào nội địa của mình, bị cắt đứt với quân chủ lực ở phía sau, bèn ra lệnh cho quân chủ lực của nước Sở cấp tốc tiến lên để mở cuộc đại phản công.  Quân Tần không ngờ điều đó nên hoang mang và rối loạn cả hàng ngũ.  Lý Tín vội vàng dẫn tàn quân chạy về Thành Phụ ở phía tây, rồi hợp cùng quân của Mông Điềm lui về giữ Trần Ấp, đắp luỹ cố thủ.  Quân Sở thừa thắng truy kích, sau ba ngày ba đêm tiến quân không lúc nào ngừng, quân Sở đã áp sát doanh luỹ của quân Tần, hạ được hai doanh trại, chém chết bảy viên Đô Úy, Lý Tín thấy thế vội vàng bỏ chạy trở về đất Tần.

Sau khi tin chiến thắng truyền về kinh đô của nước Sở, người trong nước ai ai cũng vui mừng, nhất là nhà họ Hạng lại càng vui mừng  khôn xiết, Hạng Lương liền bày tiệc trong nhà, gặp gỡ nhiều bạn bè thân thiết để cùng chúc mừng họ Hạng vừa lập được chiến công mới cho nước Sở.  Hạng Võ cũng đắm mình trong bầu không khí cực kỳ vui mừng đó.  Cậu ta cảm thấy ông nội của mình thật xứng đáng là một vị anh hùng có thể chống trả với sức mạnh muôn người.  Cậu ta mong mỏi ông nội sớm trở về đề dạy cậu trở thành một con người trong tương lại cũng có thể "đối địch với muôn người."

Thế nhưng, ông nội cậu không trở về vì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn.  Mặc dù quân Tần lần thứ nhất tấn công nước Sở gặp trở lực, nhưng quyết tâm diệt Sở của họ vẫn chưa nguôi.  Vua Tần Doanh Chính đang tích cực trù hoạch lần tấn công thứ hai vào nước Sở.

Vua Tần Doanh Chính sau khi bị thất bại đã nhận ra nguyên nhân chủ yếu là do dùng người không đúng chỗ.  Lúc ban đầu khi cử binh đánh Sở, Doanh Chính nghĩ rằng Lý Tín từng chỉ huy quân Tần tiêu diệt nước Yên, nên muốn cử ông ta làm thống soái.  Vua Tần hỏi ông ta cần bao nhiêu binh mã, Lý Tín nói một cách quả quyết, chỉ cần hai chục vạn quân là đủ.  Doanh Chính lại hỏi lão tướng Vương Tiễn, tướng này bảo quân lực của Sở hãy còn mạnh, vậy nếu không đủ sáu chục vạn binh thì không thể đánh chiếm được.  Doanh Chính trách Vương Tiễn quá nhu nhược, Vương Tiễn cảm thấy bất mãn, nên đã cáo lão xin trở về quên nhà.  Khi nhớ lại chuyện đã qua, Doanh Chính không khỏi hối hận, đích thân đến quê hương của Vương Tiễn để mời ông ta làm thống soái, cử binh đánh Sở lần thứ hai. Vương Tiễn không thể thoái thoác, đành phải đồng ý.  Nhưng ông ta vẫn kiên quyết nói: "Nếu đại vương muốn sử dụng thần, thì phải có đủ sáu chục vạn quân mới được!"  Doanh Chính hứa sẽ cấp đủ quân số như lời yêu cầu của Vương Tiễn, nên Vương Tiễn đã trở lại triều đình nhận nhiệm vụ.

Lần này Vương Tiễn rút ra được bài học khinh địch của Lý Tín, nên đã thay đổi sách lược tấn công.  Ông đi theo con đường tiến binh trước kia của Lý Tín để vào nước Sở, và khi tới Thương Thủy, Thượng Thái, Bình Dư thì liền ra lệnh cho toàn thể quân đội dừng lại, đắp luỹ cố thủ, dồn binh luyện võ với mục đích cho binh sĩ nghĩ ngơi để chờ quân Sở từ xa kéo tới tấn công.  Tần Vương Chính đã động viên tất cả nhân lực, vật lực chi viện cho tiền tuyến.  Lúc bấy giờ thống soái của quân Sở là Hạng Yến vẫn tập trung chủ lực tại Bắc Cương nằm trên bờ sông Hoài, tức tại vị trí cách đô thành Thọ Xuân về phía bắc, chờ quân Tần kéo tới tấn công.  Hai quân chong mặt nhau suốt mấy tháng, vua Sở là Phụ Sô cho rằng Hạng Yến sợ địch, nên nhiều lần phái người hối thúc ông ra quân.  Hạng Yến không còn cách nào khsc, nên đành kéo quân về hướng tây để tấn công quân Tần.  Quân Tần do có chiến luỹ kiên cố, nên quân Sở không cách nào đánh chiếm được, phải đành chuyển quân sang hướng đông.  Lúc bấy giờ quân Tần liền từ trong doanh luỹ tuôn ra, chuyển thế thủ thành thế công.  Họ rượt theo quân Sở tới Kỳ Nam, thì phía trước mặt của quân Sở là sông Oa Hà, còn sau lưng là quân Tần đang truy đuổi, khiến trật tự bắt đầu rối loạn, mất cả hàng ngũ.  Thống soái Hạng Yến bị quân Tần chém chết.  Tiếp đó Vương Tiễn ra lệnh cho tướng Mông Võ tiến hành bình định khu vực phía bắc sông Hoài của nước Sở, còn bản thân ông ta thì xua quân đánh thẳng vào kinh đô của nước Sở là Thọ Xuân.

Nước Sở đang chao đảo giữa phong ba bão táp.  Một vùng đất rộng lớn của họ đã bị quân Tần chiếm lấy.  Riêng Thọ Xuân cũng trở thành một ngôi thành cô độc, vừa không có quân đội mạnh mẽ để giữ thành lại không có quân cứu viện tỏng khi quân Tần vây thành thì người đông thế mạnh, việc thành bị hạ chỉ là việc xảy ra nay mai.  Vua Sở là Phụ Sô ngồi trong cung điện lúc nào cũng bồn chồn lo sợ.  Ông ta hối hận tại sao trước đây không để cho Hạng Yến được chủ động tấn công, khiến cho mấy chục vạn quân Sở bị hủy diệt trong chốc lát.  Hạng Yến chính là cây trụ chống, tấm bình phong của nước Sở, nay mất đi Hạng Yến và cả quân đội của ông, thì đô thành này làm sao bảo vệ được?  Nhà vua kêu trời, kêu đất khóc than cho cơ nghiệp của nước Sở sắp sửa tiêu tan, nhưng tất cả hành động đó chẳng còn có ích lợi gì.  Tiếng hò reo của quân Tần đang mở cuộc tấn công nghe đinh tai nhức óc, và chẳng khsc gì một ngọn thủy triều đang ồ ạt cuốn tới.  Phụ Sô hết sức sợ hãi, nhưng cũng không biết làm gì hơn.

Rõ ràng tường thành Thọ Xuân không thể nào ngăn chặn được bước tiến của quân Tần.  Sau khi quân đội của Vương Tiễn phá được cửa thành, liền xông thẳng vào hoàng cung của nước Sở.  Thế là người cháu năm đời của Sở Hoài Vương là Hùng Phụ Sô lại đóng vai trò bi thảm của Sở Hoài Vương trươc kia, trở thành một tên tù binh của quân Tần.

Đối với gia đình họ Hạng, một điều đau đớn nhất chính là cái chết của Hạng Yến.  Lúc Hạng Yến còn sống và đang nắm binh quyền trong tay, thì uy quyền của ông trở thành cây trụ chống của gia đình; chức tước quyền uy của ông đã mang đến cho gia đình họ Hạng tất cả những sự vẻ vang danh giá.  Ông đã mang vinh hoa phú quý cho cả gia tộc.  Con cháu của ông cũng nhờ danh vọng của ông mà được người đời kính trọng hơn.  Thế nhưng ngày nay, cùng với sự ra đi của ông, và sự tiêu vong của nước Sở, gia đình họ Hạng mất đi tất cả những nơi nương tựa và cũng giống như một đỉnh núi cao bỗng nhiên đổ ập xuống hố sâu.

Năm đó là năm 223 Tr. CN, tức năm thứ hai mươi bốn đời vua Tần Vương Chính.

Năm đó Hạng Võ vừa mới 10 tuổi.  Chỉ mới 10 tuổi mà một ấn tượng long trời lở đất, nước mất nhà tan đã gieo vào lòng của cậu.  Hạng Võ cảm thấy đó là một sự thù hận làm rung chuyển cả tâm hồn, là một ký ức đầy thống khổ!

Qua năm sau, tức vào năm 222 Tr. CN, Hạng Võ được 11 tuổi, tướng Tần là Vương Bôn lại cử binh đánh chiếm Liêu Đông, bắt sống Yên Vương Hỷ, thế là nước Yên đang sống cầu an ở tại một góc xó đã bị diệt vong.  Tiếp đó Vương Bôn lại cử binh đánh chiếm Đại Quận.  Triệu công tử Gia đang xưng vương tại đất Đại, trong tay chỉ có một dúm binh mã cho nên đã bị quân Tần đánh bại một cách dễ dàng và bắt làm tù binh.  Từ đó nước Triệu cũng hoàn toàn bị diệt vong.

Qua năm sau, Vương Bôn lại từ phía nam nước Yên tấn công đô thành của nước Tề là Lâm Tri.  Tề vương Điền Kiến bị bắt sống, nước Tề từ đó cũng bị tiêu diệt.  Đến đây thì Tần Vương Doanh Chính đã hoàn thành sự nghiệp nhất thống của ông ta, cuộc chiến tranh chinh phục kéo dài nhiều năm cũng tuyên cáo kết thúc.  Tất cả đất đai trong thiên hạ chỉ trong vòng một đêm đều trở thành của nước Tần, tất cả bá tánh trong thiên hạ chỉ trong vòng một đêm đã trở thành con dân của vương triều nhà Tần.

Một vương triều mới đã ra đời.  Từ đó từng chính lệnh một đã liên tục từ trung tâm quyết sách của vương triều nhà Tần tại Hàm Dương được truyền tới khắp mọi nơi:

Để chứng tỏ địa vị tối cao và sự nghiệp to lớn của mình, Doanh Chính đã tập trung tôn hiệu của Tam Hoàng Ngũ Đế thời cổ, tự xưng là Hoàng Đế, cũng được gọi là Thủy Hoàng Đế, tức vị hoàng đế đầu tiên.  Nhà vua quy định Hoàng Đế tự xưng là "Trẫm", mệnh của hoàng đế được gọi là "Chế", lệnh được gọi là "Chiếu", quả ấn được gọi là "Tỷ".  Trong chế thư Tần Thủy Hoàng có nói: Trẫm là Thủy Hoàng Đế, các đời sau cứ theo thứ tự mà tính, như Nhị Thế, Tam Thế, và nối tiếp cho tới Vạn Thế, tức truyền ngôi vô cùng vô tận.  Ông ta xây dựng "một quốc gia của riêng nhà mình", và mở đầu một hệ thống hoàng gia muôn đời.

Nhằm tăng cường sự khống chế trên toàn quốc, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng một thể chế chính trị chặt chẽ từ trung ương tới địa phương: ở trung ương Hoàng Đế là người đứng đầu, bên dưới có "Tam Công Cửu Khanh".  Tam Công và Cửu Khanh bàn bạc về việc chính sự, và tất cả đều do hoàng đế quyết định.  Tại địa phương được thực hành chế độ Quận, Huyện, chia toàn quốc ra thành 36 quận, dưới Quận có Huyện, dưới Huyện có Hương, dưới Hương có Lý, dưới Lý có Đình, và ở cơ sở còn có Thập, Ngũ, cứ mười nhà được gọi là một Thập, năm nhà được gọi là một Ngũ, cứ từng thứ bậc được khống chế chặt chẽ với nhau.

Tất cả những pháp luật của sáu nước trước kia đều bị xóa bỏ, và "Luật Nhà Tần" sau khi được sửa chữa đã ban hành khắp toàn quốc.  Luật văn chia thành ba loại.  Loại thứ nhất có tương quan đến những vụ án như trộm, cướp, tù, bộ (bắt bớ), tạp, cụ, v.v... và kèm theo sự giải thích về những trường hợp đó; loại thứ hai có tương quan đến ruộng đất, lương thực, tiền tệ, mậu dịch, sân bắn, cân đong đo đếm; loại thứ ba là luật và lệnh đối với các mặt khác, cũng như điều lệ về các vụ án cũng như hình ngục.  Trong luật văn về mặt hình pháp được quy định hết sức nghiêm khắc.

Phép cân đong đo đếm, tiền tệ, văn tự của sáu nước trước kia cũng nhất luật phải chấp hành theo quy định mới và thống nhất.  Phép cân đong đo đếm được dùng "Hành, Thạch, Trương, Xích" của Thương Ương quy định để làm tiêu chuẩn, đơn vị tính bằng Dật; tiền tròn lấy nửa lượng làm một đơn vị; văn tự thì lấy kiểu chữ Truyện của nước Tần làm cơ sở, và công bố ba nghìn ba trăm chữ Tiểu Truyện để làm mẫu mực, sử dụng trên toàn quốc, quy định cả nước nhất luật đều phải viết theo thể Tiểu Truyện và Lệ Thư.

Quốc gia thực hành chính sách "Thượng Nông Trừ Mạc" (đề cao nghề nông và xóa bỏ nghề buôn bán), ra lệnh cho tất cả những đại thương gia cùng với cac người bị tội đều phải dời cả gia đình xuống vùng Lĩnh Nam sinh sống, lấy đó để hạn chế sự phát triển của thương nghiệp; lại quy định sự miễn giảm xâu thuế để làm biện pháp khuyến khích phát triển canh nông, đồng thời, di dời những người nông dân đông đảo ở vùng Trung Nguyên đến những địa phương thiếu sức lao động để khai khẩn đất hoang...

Họ đau đớn nhận thấy: nước Sở không còn nữa, kinh đô của nước Sở là Thọ Xuân đã trở thành quận lỵ của quận Cửu Giang nhà Tần, còn đất đai dưới chân họ đã được phân chia lại theo chế độ Quận Huyện!  Tường thành kiên cố của Thọ Xuân đã bị đập bỏ, cảnh tượng phồn hoa trước kia của kinh đô nước Sở nay không còn nữa, những gia tộc giàu có của nước Sở bị buộc phải dời về Hàm Dương.  Tương truyền Tần Thủy Hoàng muốn dời hết mười hai vạn gia tộc giàu có của sáu nước về Hàm Dương để phá hoại cơ sở kinh tế của các quý tộc ở sáu nước.  Triều đình liên tục phái người đi vào dân để tịch thu binh khí, ai cất giấu sẽ bị trừng trị theo luật pháp của nhà Tần.  Triều đình không cho phép dân gian giữ binh khí để ngăn chặn âm mưu tạo phản.  Tất cả binh khí thu gom được đem nấu ra để đúc thành mười hai tượng đồng khổng lồ, đặt trước cung Hàm Dương.  Tần Thủy Hoàng mê tín con số "6" cho rằng số 6 là con số hên.  Mười hai tượng đồng mỗi tượng nặng hai mươi bốn vạn cân, đều là bội số của 6.  Ngoài ra ông ta còn phân chia cả nước thành ba mươi sáu quận, còn khỏag cách giữa hai bánh xe trene toàn quốc đều là sác xích (thước Trung Quốc), tất cả xe đều dùng sáu con ngựa kéo, v.v... Nhưng, các quý tộc của các nước đối với con số 6 lại cảm thấy hết sức căm thù.  Tất cả họ đều gặp phải tai họa tày trời: có người bị giết, có người bị lưu đày, có người bị đưa đi làm khổ sai chung với tất cả mọi thứ tội phạm.  Sau khi sau nước bị diệt vong, quốc vương của họ đều trở thành tù binh và bị Tần Thủy Hoàng cho giáng xuống làm thứ dân, tịch thu toàn bộ gia sản, tước bỏ tất cả đặc quyền, đồng thời, hậu duệ của họ cũng bị di đời đến những địa phương cách xa quê cha đất tổ của họ.  Tôn thất của nước Ngụy đã từ Đại Lương di dời tới Phong huyện; Triệu vương bị lưu đày đến Phong Lăng, chỉ có thể đứng nhìn quê hương xa tít mà hát lên những tiếng hát bi thảm.  Tôn thất của nước Sở cũng bị lưu đày, có không ít quan viên và quý tộc đã chịu đổ máu, xác chết của họ bị vứt trên đường đi không ai dám chôn cất...

Tất cả những điều đó đối với chú cháu của họ Hạng cũng như đối với quý tộc của nước Sở mà nói, thì rõ ràng là một tai nạn kinh hồn, như sống trong cảnh địa ngục!  Họ căm hận, họ oán thù, tâm hồn của họ đang rung lên lẩy bẩy!

Chú cháu họ Hạng còn nghe nói Tần Thủy Hoàng dựa theo thuyết "Ngũ đức tương khắc, tuần hoàn bất tận", nên đã tuyên bố lấy Thủy Đức để lập quốc.  Thủy Đức là gì?  Đó là sự tổng hợp của cái giá rét ở miền bắc, cái khắc nghiệt của mùa đông, và cái vô tình của màu đen hắc1  Muốn thể hiện Thủy Đức thì về mặt hành chánh phải xử lý mọi việc một cách cứng rắn, khắc khe, cấp tốc, dùng hình phạt cực nghiêm.  Xem ra Tần Thủy Hoàng hiện nayu đang thực sự bắt đầu dựa vào Thủy Đức để tiến hành mọi việc.  Đó là một quyết định có tính chất hủy diệt đối với tầng lớp quý tộc của sáu nước, vậy không phải là một cuộc "khủng bố màu đen" ghê tởm đó sao?

Chú cháu họ Hạng cảm thấy hết sức phẫn nộ.  Do không khí ngày càng căng thẳng, cho nên họ cảm thấy không thể sống yên được trong gia đình nữa.  Họ chuẩn bị tìm nơi khác để tạm lánh thân.  Trong giây phút sắp sửa rời khỏi gia đình, bỗng họ dừng chân đứng lại với sắc mặt ngẩn ngơ: Hỡi quê hương!  Chả lẽ từ nay ta pha xa rời ngươi sao?  Hỡi nước Sở!  Chả lẽ ngươi đã bị tan rã trong cơn ác mộng này rồi sao?  Họ không tin đây là một sự thực vĩnh viễn.  Khắc sâu trong lòng họ là câu nói kích động lòng người của Sở Nam Công: Sở tuy chỉ có ba hộ, mà tiêu diệt nhà Tần chính là Sở!