Ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn Amata, là một doanh nhân thành đạt nổi tiếng, đã được tạp chí Forbes của Mỹ xếp hạng trong danh sách 40 tỷ phú giàu nhất của Thái Lan (2006-2008). TTO sẽ trích đăng tự truyện của ông trong những ngày tới.
Ông là tác giả của loạt sách tự truyện “Hãy làm người tốt” được giới trẻ Thái Lan ưa thích với một triệu cuốn đã được bán, và còn là một diễn giả có uy tín, thường xuyên xuất hiện trên các đài phát thanh và truyền hình Thái Lan với các chuyên đề về kinh tế và xã hội như “Tầm nhìn CEO” và “ Vòng quanh thế giới cùng Vikrom”, được dư luận Thái Lan đánh giá cao.
Ông đã góp 50 triệu đô la tiền cá nhân để thành lập Quỹ từ thiện “Amata Foundation”, và tuyên bố sẽ hiến toàn bộ tài sản riêng của mình cho quỹ này sau khi ông nghỉ hưu.
Cuốn sách “Tay không xây dựng cơ đồ” là cuốn mới nhất trong loạt sách tự truyện của Vikrom, nói về quá trình gây dựng cơ nghiệp của ông trong 30 năm qua, từ khi còn là sinh viên mới ra trường với bàn tay trắng, có lúc trong túi chỉ còn 25 xu, không đủ tiền vé đi xe buýt, nhưng với hoài bão và quyết tâm làm giàu ông đã lao vào kinh doanh từ rất sớm và bền bỉ phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để cuối cùng trở thành ông chủ của một tập đoàn hàng đầu của Thái Lan như ngày nay , với tài sản riêng hàng trăm triệu đôla.
Bằng những câu chuyện sinh động “người thật việc thật” đã trải qua, Vikrom đã mô tả chân thực cuộc đời đầy sóng gió của mình, cả mặt tốt lẫn không tốt, những sai lầm mắc phải và những bài học kinh nghiệm dể không ngừng hoàn thiện bản thân.
Ông nêu lên bí quyết thành công của mình, đó là sống có ước mơ “vì ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay” và điều quan trọng là phải kiên trì,quyết tâm vượt qua mọi thách thức, dù phải “cưỡng lại số phận” và luôn giữ vững niềm tin “chừng nào còn hơi thở thì còn hy vọng và không dừng bước, vì phía trước vẫn còn cơ hội”.
Ước mơ và quyết tâm làm giàu, trở thành “ông chủ” bằng chính đôi tay và khối óc của mình đã ăn sâu bám rễ “thấm vào ADN” như lời ông nói, từ khi ông còn nhỏ tuổi, do phải bươn chải giúp gia đình kiếm sống, như đi bán lạc rang khi còn học lớp 3, và sau đó “lội suối băng rừng” giúp cha khai hoang trồng trọt . Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 22 , ông đã không đi làm thuê để có thu nhập ổn định như đa số bạn cùng lứa, mà chọn con đường mạo hiểm là thành lập công ty riêng để kinh doanh xuất khẩu các hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ, bằng số vốn ít ỏi vay của mẹ và chị họ.