Muốn thành đạt, bạn phải được sự hợp tác giúp đỡ của người khác. Như đã kể, khi mới chân ướt chân ráo đến Bangkok, tôi như một kẻ xa lạ chẳng quen biết ai, trừ bác Hiêng và những người trong gia đình bác ấy. Hầu như tôi phải tự mình phấn đấu mà không có “ô dù” nào làm chỗ dựa cả.
Mọi tiếp xúc quan hệ làm ăn hầu như đều bắt đầu từ con số không. Muốn làm việc lớn, việc khó và thành công nhanh chóng thì rất khó khăn. Nhưng khi công việc kinh doanh bắt đầu đi vào nề nếp và có thu nhập ổn định, nếu chỉ hài lòng với số tiền kiếm được, bạn sẽ chẳng khác gì những ông “tiểu chủ” khác. Đối với tôi, mọi việc không dừng lại ở đó.
Tôi muốn công việc kinh doanh không ngừng mở rộng và phát triển bền vững. Có thể nói tôi là người nhiều tham vọng. Một phần là do tôi có dịp đi tiếp xúc trực tiếp, từng gõ cửa các công ty tầm cỡ thế giới nên biết được hệ thống quản lý và cách làm việc mang lại hiệu quả và thành công to lớn của họ. Sau đó, tôi đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và lâu dài để một ngày nào đó tôi phải làm cho công ty của mình cũng được như vậy. Đó là bản tính quan trọng giúp tôi có được chỗ đứng như ngày hôm nay.
Tôi bắt đầu củng cố và xây dựng công ty vững mạnh bằng cách mời những người có chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực tham gia hội đồng quản trị hoặc làm cố vấn cho công ty, bắt đầu là Tướng Chavalit Yodmani, người mà 2-3 năm trước đó tôi đã làm quen. Ông Chavalit trở thành cổ đông chính của công ty khi góp 2 triệu bạt tiền mặt, chiếm 20% cổ phần của công ty V&K, khi công ty đang còn rất non yếu và nhỏ bé. Ông còn giúp tôi rất nhiều trong công việc giao tiếp, quan hệ với các cơ quan nhà nước, lĩnh vực mà tôi không có kinh nghiệm.
Giai đoạn đầu khi khu công nghiệp vừa đi vào hoạt động, tôi làm quen với Đại tướng Bunrit Tantranont, cựu Phó Tư lệnh Quân đội Thái lan, từng làm Phó Tham tán Quân sự Thái Lan tại Washington, Hoa Kỳ, và Cục trưởng Cục Quản lý Khu công nghiệp Thái Lan. Sau khi ông nghỉ hưu, tôi mời ông tham gia hội đồng quản trị và cố vấn cho công ty, giúp công việc quản lý và là người giúp đỡ tháo gỡ các khó khăn cho công ty, cho đến khi 80 tuổi ông mới nghỉ ngơi.
Một mạnh thường quân quan trọng nữa là ông Anand Panyarachun, cựu Thủ tướng Thái Lan, tôi quen ông khi ông còn là Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan. Ông là một nhà ngoại giao xuất sắc, được người dân Thái Lan và quốc tế kính trọng. Sau khi ông nghỉ hưu, tôi mời ông làm chủ tịch danh dự của Amata và chủ trì các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Mỗi khi có các quan khách cao cấp của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp hay Nhật Bản đến thăm công ty, tôi thường mời ông Anand đến giúp chủ trì các buổi tiếp khách.
Ông Anand làm Chủ tịch Danh dự Amata mà không đòi hỏi thù lao gì. Có lần tôi gợi ý để lại một số cổ phiếu của Amata với giá tượng trưng 1 bạt/cổ phiếu hoặc thậm chí 0,5 bạt/cổ phiếu, ông nhất định không nhận và nói rằng “Tôi thật lòng muốn giúp cậu một cách vô tư, vì thấy cậu là người có đóng góp vào việc phát triển kinh tế và xã hội chung cho đất nước… Tôi không cần bất cứ lợi ích riêng nào từ Amata.”
Tôi rất cảm kích trước tấm lòng và lời nói chí tình của ông Anand, tôi thầm nghĩ: “Nếu Thái Lan có 20 người tài giỏi và đức độ như ông Anand thì đất nước này sẽ còn tiến nhanh hơn nhiều”.
Một mạnh thường quân nữa là ông Asa Sarasin, Cựu Ngoại trưởng Thái Lan, Thư ký riêng của Hoàng gia Thái Lan. Tôi quen ông trên 20 năm nay. Tôi mời ông tham gia làm Chủ tịch Amata. Khi tôi chuẩn bị thành lập khu Công nghiệp Amata tại tỉnh Rayong, ông đã giúp chủ trì tiếp các đoàn khách cao cấp của nước ngoài, kể cả lãnh đạo cấp cao như phó tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng đương chức của các nước.
Mỗi khi có khách hàng là những tập đoàn lớn của các nước muốn đầu tư vào Khu Công nghiệp Amata, tôi đều nhờ ông Anand và ông Asa ký tên vào các thư của Amata gửi cho khách hàng để tăng niềm tin cho họ trước khi quyết định đầu tư vào khu công nghiệp của chúng tôi.
Ngoài ra, còn một danh sách dài những người từng tham gia hội đồng quản trị hoặc có công giúp đỡ Amata về nhiều mặt, góp phần làm tăng uy tín của Amata cũng như sự tin cậy trong công chúng, trong quá khứ cũng như hiện tại.
Một thực tế là cho đến nay, mọi quan hệ xã hội vẫn cần đến sự quen biết. Việc sử dụng các quan hệ cá nhân làm cầu nối, đặc biệt trong quan hệ kinh doanh, giúp mọi chuyện làm ăn trở nên dễ dàng hơn.