Tìm cổ đông thích hợp để lập công ty cũng giống như tìm một người bạn đời thích hợp để kết hôn, cả hai việc đều đòi hỏi phải có thời gian và sự thận trọng để hiểu rõ bản chất, tính nết của nhau đến mức có sự tin tưởng rằng đây đúng là người mà mình có thể chung sống.
Nhưng dù có tìm hiểu kỹ đến đâu thì đó cũng chưa chắc là đáp số chính xác, vì con người và mọi vật trên đời này luôn thay đổi.
Sau hơn mười năm làm việc, tôi nhận ra rằng việc làm ăn với các công ty lớn của Nhật Bản không phải là chuyện dễ dàng như trở bàn tay. Tôi hiểu rõ để xây dựng công ty có một nền tảng vững chắc thì yếu tố quan trọng nhất là phải có mối quan hệ tốt đẹp với những cá nhân, công ty và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực đó.
Đúng như câu tục ngữ Thái Lan “Nhiều cái đầu tốt hơn chỉ có một cái đầu”. Do vậy, sau khi Công ty Bang Pakong II hoạt động không lâu, có nhiều nhà đầu tư đến mua đất để lập nhà máy, riêng khu đất 233 ha của giai đoạn đầu tiên thì chỉ trong vòng một năm chúng tôi đã bán gần hết.
Khách hàng Nhật đầu tiên quyết định mua đất lập nhà máy trong khu công nghiệp của chúng tôi là công ty sản xuất kính Asahi. Nhờ họ có lòng tin với cổ đông mới của công ty là nhóm các gia đình Srifuong Fung, Panicheva, Sophonpanich và Tập đoàn Itochu, mặc dù đối với dự án Khu công nghiệp Bang Pakong I thì không hề có một nhà đầu tư Nhật Bản nào vào mua đất. Từ đó tôi rút ra kết luận, việc liên kết kinh doanh với một cổ đông mới đáng tin cậy, có vị thế, danh tiếng và có mối quan hệ gắn bó với các tập đoàn Nhật sẽ tạo cho mình cơ hội mở rộng kinh doanh lớn như thế nào.
Người Nhật làm ăn rất thận trọng. Trước khi đầu tư vào đâu họ thường nghiên cứu, điều tra tìm hiểu đối tác rất kỹ lưỡng, kể cả tìm hiểu lai lịch của người đứng đầu tổ chức làm ăn với họ. Có thể nói, họ đã tiến hành “chụp X-quang” tất cả các khâu để kiểm tra kỹ đối tác đó. Nhưng nếu đã có một công ty Nhật làm cổ đông trong công ty của đối tác thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều…
Khởi sự làm ăn với người Nhật rất khó khăn, nhưng nếu đã từng làm ăn, hay là đối tác của nhau rồi thì sẽ hợp tác với nhau mãi mãi, ít khi bỏ nhau giữa chừng.
So sánh việc kinh doanh giữa khu công nghiệp Bang Pakong I với Khu Công nghiệp Lad Krabang do nhóm của ông Chan Issara đầu tư cho thấy một thực tế: Khu công nghiệp Lad Krabang có rất nhiều nhà máy của Nhật vì nhóm ông Chan có hợp tác đầu tư với công ty Marubeni của Nhật, còn Khu công nghiệp Bang Pakong I không có nhà máy nào của Nhật vì thiếu điều kiện đó.
Do công ty mới thành lập của tôi có một cổ đông của Nhật tham gia từ đầu, nên Khu công nghiệp Bang Pakong II mới thu hút được khách hàng Nhật đầu tiên là nhà máy sản xuất kính Asahi, mua lô đất rộng 130 rai (21,6 ha) với giá 1, 2 triệu bạt/rai, trả trước 90%, tính thành tiền trên 100 triệu bạt, đó là khoản tiền mặt lớn nhất mà tôi thu được từ trước đến nay.
Lý do công ty Nhật này quyết định đầu tư vào khu công nghiệp của chúng tôi là vì họ rất tin tưởng vào cổ đông mới của công ty, mặc dù lúc đó đường sá trong khu công nghiệp vẫn còn đang xây dựng dang dở. Nhờ thu được tiền đất của nhà máy Nhật này nên công ty của tôi có gần đủ vốn lưu động để hoạt động mà không phải đi vay nhiều.
Sự thực thì đại diện của công ty Asahi bắt đầu liên hệ với tôi từ tháng 8, năm 1988, lúc đó nhóm chúng tôi đang đàm phán với Tập đoàn Itochu về khả năng mời họ tham gia vào công ty. Trưởng nhóm nghiên cứu của Asahi là ông Kamya, 40 tuổi. Sau khi gặp gỡ, ông Kamya đã giới thiệu tôi làm quen với ông Sombat Panicheva tại một nhà hàng ven biển ở Sriracha. Cuộc gặp gỡ hôm đó chính là sự khởi đầu để tôi và ông Sombat tìm hiểu nhân thân và tính tình của nhau, từ đó trở thành đối tác kinh doanh của nhau cho đến tận bây giờ.
Sau khi kể cho ông Sombat nghe về lai lịch của mình, tôi nói với ông về việc tôi chuẩn bị liên doanh với Tập đoàn Itochu. Điều này làm cho ông tin tưởng hơn và giới thiệu tôi gặp chú ông ấy và là chủ tịch của tập đoàn: ông Kiet Srifuengfung.
Lần đầu gặp gỡ với một nhân vật nổi tiếng tầm cỡ quốc gia như ông Kiet nên tôi rất hồi hộp. Hơn nữa, đây còn là lần đầu tiên tôi đặt chân vào văn phòng riêng của vị đứng đầu một tổ chức kinh doanh hàng đầu trong nước nên cũng có phần rụt rè. Ông Kiet mời tôi ngồi đúng vào chiếc ghế ngồi làm việc của ông. Ông Kiet là người gốc Hoa ở tỉnh Suphanburi, có nước da ngăm đen, thân hình cao to vạm vỡ, khuôn mặt trông rất sắc sảo và có tác phong của một nhà lãnh đạo. Tuy lớn tuổi nhưng ông vui tính, thân thiện và điều đó làm tôi cảm thấy rất kính trọng ông.
Trước khi gặp, ông Sombat nói với tôi rằng việc tập đoàn của ông tham gia làm cổ đông với công ty của tôi hay không, quyết định nằm ở ông Kiet. Lúc đầu tôi nghĩ cuộc gặp này có lẽ chỉ kéo dài 10 phút, nên tranh thủ giới thiệu về bản thân và về Công ty Bang Pakong I. Sau khi tôi trình bày xong, ông Kiet hỏi: “Thế anh định dành cho tập đoàn của chúng tôi bao nhiêu phần trăm cổ phần?”
Tôi trả lời chi tiết rằng hiện giờ nhóm Bang Pakong I cũ của tôi nắm giữ 55%, Tập đoàn Itochu 25% cùng với công ty xây dựng Nakano của Nhật 5%, ngoài ra tôi đang thảo luận với gia đình Sophonpanich, thông qua anh Chai và Chali con trai của ông Chatri, tính tất cả thì còn lại khoảng 15% sẽ dành cho nhóm của ông Kiet.
Chỉ nghe đến thế ông Kiet lập tức thay đổi thái độ, nét mặt và giọng nói vui vẻ biến mất, ông lấy bàn tay đập mạnh vào ngực và lớn tiếng nói: “Tôi, Kiet Srifuengfung, nếu có làm cổ đông cho công ty nào thì cũng phải nắm từ 50% cổ phần trở lên, chứ chỉ có 15% thì tôi không quan tâm”. Nghe ông nói thế tôi hốt hoảng nói không nên lời, bối rối không biết làm gì trước phản ứng gay gắt của ông. Tôi ngồi im lặng một lát để trấn tĩnh lại, trong đầu suy nghĩ không biết mình sơ ý đã nói ra điều gì không phải khiến ông phật lòng tức giận bất ngờ như vậy, tôi đâm lo đến hậu quả vì ông Kiet là người rất có thế lực trong giới kinh doanh cũng như chính trị.
Không khí lúc đó rất căng thẳng, tôi lúng túng chưa biết nên tiếp tục câu chuyện ra sao, vì nếu tiếp tục nói không xuôi tai ông lần nữa thì chắc chắn cơ hội làm ăn này coi như chấm hết… Chỉ có một cách là tìm cớ hòa hoãn…
Vì thế tôi từ tốn nói rằng hiện giờ tôi đang trong quá trình đàm phán với nhóm Sophonpanich, nếu có thể giảm tỷ lệ cổ phần bên đó tôi sẽ tăng thêm tỷ lệ cho nhóm của ông ấy.
Thái độ của ông Kiet chưa chuyển biến gì sau khi tôi nói như vậy, vì ông muốn 50% chứ không phải 15%. Lúc đó chỉ có một mình tôi đương đầu với ông, chẳng có đồng minh hay cổ đông nào bên cạnh để giúp tôi thương lượng thoát khỏi cảnh bế tắc này. Bí thế, tôi ngước mắt nhìn quanh thì thấy bức ảnh chụp ông Kiet hồi còn trẻ trong bộ quân phục phi công, bèn nảy ra ý thử đánh trống lảng sang chuyện khác xem sao…
Sau đó tôi bắt đầu trình bày lại bằng những lời lẽ chân thành rằng tôi sẽ về nghiên cứu lại tìm cách để nâng tỷ lệ cổ phần của nhóm Srifuengfung, vì đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Kiet và chỉ mới biết chủ trương của ông. Về phần cá nhân, tôi rất vui mừng nếu nhóm các gia đình ông Kiet, ông Sombat và ông Paibul Panicheva tham gia góp vốn vào công ty của tôi, vì vậy tôi sẽ cố gắng tìm cách nâng tỷ lệ như mong muốn của ông Kiet, coi đó là ưu tiên hàng đầu.
Nghe tôi nói thế, ông Kiet thay đổi thái độ và dịu lại. Tôi tranh thủ tấn công thêm bằng cách mạnh dạn hỏi: “Người trong ảnh mặc bộ quân phục phi công kia có phải là ông hay không?” Như gãi đúng chỗ ngứa, gợi lại kỷ niệm oai hùng trong quá khứ, ông Kiết vui vẻ hẳn lên. Ông mỉm cười nói trong Thế chiến thứ II, ông là phi công trong quân đội Trung Quốc, hình đó chụp lúc ông mới ngoài 20 tuổi. Nghe nói ông từng lớn lên tại Trung Quốc, tôi vội chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Bắc Kinh học từ thời sinh viên tại Đài Loan.
Ông Kiet ngạc nhiên thấy tôi nói tiếng Hoa Bắc Kinh rất thạo, nên không khí nói chuyện sau đó trở nên thân mật hẳn lên. Tôi nói với ông Kiet rằng tôi cũng là một người ưa thích tốc độ và đã từng tham gia luyện tập lái máy bay trong không quân Thái Lan. Tôi mơ có ngày sẽ lái thử máy bay phản lực siêu thanh. Ông Kiet được dịp kể thêm rằng hồi còn ở Trung Quốc ông là một phi công lái máy bay chiến đấu với quân đội Nhật tại miền Nam Trung Quốc. Tôi bổ sung thêm rằng trong thời gian học ở Đài Loan, tôi có thuê nhà của Tướng Cơ Nan Son, Phó Tư lệnh Mặt trận phía Nam của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh, và ông có một người con cũng là phi công của Đài Loan.
Việc ôn lại chuyện cũ làm cho chúng tôi cảm thấy như quen biết nhau từ lâu, giúp đảo ngược không khí căng thẳng trước đó một cách không ngờ. Ông Kiet trở nên vui vẻ vì đã lâu không có ai nói chuyện với ông bằng tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa việc tôi khơi lại quá khứ oanh liệt của ông, một trải nghiệm ít người Thái gốc Hoa nào có được làm ông cảm thấy tự hào, phấn chấn. Vì vậy, cuộc gặp mà tôi tưởng sẽ chỉ diễn ra trongvòng 10 phút cuối cùng đã kéo dài gần 2 giờ, một khởi đầu đáng hài lòng với một cổ đông tầm cỡ trong tương lai.
Sau đó ba, bốn tuần, tôi gọi điện báo cho ông Sombat rằng tôi đã thương lượng dành thêm 5% cổ phần nữa cho nhóm của ông lên thành 20%, nhưng ông Sombat cho rằng như thế vẫn quá ít, và nói thêm là nhóm của ông có thể đem lại nhiều lợi ích cho khu công nghiệp. Tôi trả lời rằng, khi nào tăng cổ phần tôi sẽ dành số đó cho nhóm của ông Sombat. Sau đó tôi thương lượng để công ty xây dựng Nakano bán thêm 2% cổ phần cho nhóm ông Sombat, tổng cộng thành 22 %, là cổ đông lớn thứ ba trong công ty.
Đó là câu chuyện đằng sau việc Tập đoàn Asahi, nhà đầu tư đầu tiên mua đất trong Khu công nghiệp Bang Pakong II, phải nói công này thuộc về nhóm cổ đông Srifuengfung, cổ đông lớn nhất của Asahi tại Thái Lan, đặc biệt ông Sombat là người có vai trò rất quan trọng.
Việc ông tham gia làm thành viên hội đồng quản trị trong công ty của tôi làm cho các nhà đầu tư Nhật tin tưởng đầu tư vào khu công nghiệp của tôi, một đàn em mới gia nhập cộng đồng các khu công nghiệp. Đây là một sự mạo hiểm vì vốn đầu tư lên đến trên 130 triệu USD, trong khi khu công nghiệp của tôi vẫn còn ngổn ngang chưa có gì.
Tôi vội nhân cơ hội này đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị bằng cách mời ông Hiyama, Giám đốc dự án của Asahi tham gia các buổi thuyết trình vận động thu hút các nhà đầu tư khác vào khu công nghiệp mà không phải trả ông tiền thù lao gì cả. Có thể nói là tôi được lợi kép.
Nhiều năm sau đó, vào năm 1997, khi chúng tôi triển khai dự án khu công nghiệp Amata City tại tỉnh Rayong thì khách hàng đầu tiên vào mua đất ở đây vẫn là Nhà máy sản xuất kính Asahi, với diện tích 130 rai, trả tiền trước 90% như cũ, dù tôi mới mua khu đất này vài hôm để xây dựng khu công nghiệp, trong khi quy hoạch toàn khu còn chưa xong, đường sá chưa xây dù chỉ là một thước. Điều đó chứng tỏ nền tảng lòng tin giữa khách hàng và công ty Amata chúng tôi đã được củng cố vững chắc. Tôi lại có thêm hơn một trăm triệu bạt làm vốn lưu động để quay vòng như lần trước.
Nói về vấn đề thương lượng với các công ty Nhật, tôi phải thừa nhận họ là những đối thủ rất cứng rắn trong đàm phán. Trước đây, chúng tôi phải mất hơn hai năm để liên hệ và thương lượng với nhà sản xuất máy điều hòa Mitsubishi của Nhật.
Hay công ty Denzo, do ông Wan Sansu làm chủ tịch, mà đích thân tôi tiến hành đàm phán trực tiếp. Tôi phải rất khôn khéo và thận trọng trong từng câu từng chữ khi nói chuyện với ông Wan, vì ông vốn là một luật sư nổi tiếng.
Ông hỏi rất chi tiết, vặn vẹo đủ thứ, như công trình xây dựng nhà máy của ông có giá trị hàng tỷ bạt, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chủ quyền đất. Tôi giải thích, để có giấy chủ quyền đất phải mất 3-4 năm, nên việc mua bán đất thường tiến hành trước sau đó mới làm thủ tục cấp giấy chủ quyền, tất cả các nhà máy khác trong khu công nghiệp đều như vậy. Cuối cùng ông mới chịu thôi.
Thực ra, trước đây tôi chưa quen biết ông Suwan, nhưng nhờ trong công ty của tôi có một vài cổ đông quen thân với ông, nên ông tin tưởng đầu tư vào khu công nghiệp của tôi.
Việc chọn lựa cổ đông, thu hút thêm cổ đông mới vào công ty có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của công ty. Nhờ có sự đồng tâm hiệp lực của nhiều người và mỗi người có thế mạnh riêng nên sức mạnh của công ty tăng lên đáng kể. Tôi không bao giờ phủ nhận sự thành đạt của tôi là nhờ sự hợp tác giúp đỡ của nhiều người. Mặc dù trong công ty tôi cũng có một số cổ đông không tán thành việc liên doanh với công ty Nhật, vì cho rằng công ty đã hoạt động tốt rồi, việc gì phải chào mời các công ty Nhật vào để họ đè đầu cưỡi cổ mình.
Tôi phải giải thích lý do vì tôi chưa có nền tảng quen biết và quan hệ kinh doanh với các công ty Nhật, nên làm ăn với họ rất khó khăn, nếu muốn họ đầu tư vào khu công nghiệp của mình thì chúng ta cần có chiếc cầu nối, đó chính là có đối tác đáng tin cậy tham gia vào công ty để tăng thêm tiềm lực tài chính và tiếp thị, làm nhiệm vụ thiết lập các mối quan hệ. Điều đó sẽ giúp chúng ta phát triển kinh doanh dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Việc làm cho các nhà đầu tư tin tưởng để họ bỏ ra hàng chục tỷ bạt xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp của chúng tôi trong khi chưa xong thủ tục chủ quyền, và chưa hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng, là việc rất khó khăn. Do đó, trong giai đoạn đầu, việc triển khai khu công nghiệp Amata gặp rất nhiều trở ngại, nên tôi phải tìm cách vượt qua mâu thuẫn này.
Thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là đúng, vì nhờ lựa chọn đúng cổ đông ngay từ đầu khi xây dựng khu công nghiệp Bang Pakong II nên công ty của chúng tôi đã phát triển vững chắc, không ngừng mở rộng và trở thành Tập đoàn Amata ngày nay, với hơn 100 cổ đông và hơn 4.000 nhà đầu tư khác mua cổ phiếu qua thị trường chứng khoán. Vì thế, số người có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Amata ngày càng lớn, giúp cho công việc kinh doanh của Amata ngày càng lớn mạnh.
Thử nhìn vào các công ty lớn tầm cỡ thế giới, bạn sẽ thấy trong thành phần tổ chức của những công ty này đều có sự tham gia của nhiều cổ đông có chất lượng, đó là nguyên nhân quan trọng làm cho họ thành công. Tất nhiên các cổ đông đó phải được lựa chọn kỹ càng, là cá nhân hoặc tổ chức đáng tin cậy.
Còn việc tổ chức công ty theo kiểu cổ điển, chỉ kéo những người quen thân, hoặc bạn nhậu, không có tiềm lực, năng lực và trình độ tham gia công ty chắc chắn sẽ không có lợi về lâu dài và chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn. Đối với những người đó, bạn chỉ nên giữ mức quan hệ cá nhân, vui chơi bù khú mà thôi. Còn khi nói đến hợp tác kinh doanh thì việc lựa chọn đối tác phải dựa trên cơ sở lý trí, yêu cầu và đòi hỏi của công việc, tính công bằng, sự tin cậy và sự có đi có lại, giống như khi lựa chọn người bạn đời của bạn vậy.