Tất Cả Các Dòng Sông Đều Chảy

Chương 30 - 31

30

Bà McPhee đã tặng cho cô làm quà lưu niệm chia tay một cái áo mới để mặc buổi chiều, màu xanh lợt với những sọc hoa lá dẹp màu hồng.

Khi mặc áo vào lần đầu, cô cảm thấy mình cao hơn và duyên dáng hơn, ra dáng một phụ nữ kiều diễm.

Mỗi buổi sáng, trước khi cô khởi sự tô màu, công việc của cô là xem qua quyển sổ hẹn khách và phủi bụi đồ đạc.

Cô cũng đã học được nghệ thuật nhuận sắc tranh hoặc làm cho người mẫu có vẻ tự nhiên theo ý họ, xóa những chỗ bẩn, tô đậm những chân mày lợt, thêm sáng cho tóc và răng.

Ông Hamilton rất vừa lòng, và lấy làm lạ sao mình lại có thể điều khiển chàng thanh niên khá tối dạ phụ tá ông trước đây. Nhưng ông không để cô làm việc quá sức. Ông rất lo lắng về vẻ mảnh khảnh của cô, những ngày cô có vẻ mệt nhọc và xanh xao, ông thường cho cô về nhà nghỉ sớm.

Nhưng vẻ xanh xao của cô là tự nhiên, vẻ mệt nhọc chỉ là do buồn chán; và vừa rảnh, cô liền chạy vội đi lấy dụng cụ vẽ và ra ngoài vẽ cho đến khi trời sụp tối.

Một buổi sáng, xem sổ ghi hẹn thấy không có việc, cô vội vã thu dọn rồi luồn mình vào những nếp mềm mại dễ chịu của bộ đồ mới. Tức khắc, cô thấy mình là một người khác. Cô lấy bàn chải và lược chải sơ mái tóc. Rồi đầu ngẩng lên, tà áo dài lê dịu dàng phía sau, cô thướt tha vào xưởng vẽ.

Đang đẩy cái ghế xô-pha đến một chỗ sáng hơn, ông dừng lại nhìn cô sững sờ. Và bức ảnh của cô đã được ghi vào phim. Trước khi thay áo, cô mang ra hai bức tranh đã được gói lại và để ở đáy hộp giấy, một bức vẽ trên vải đã căng khung, một bức màu nước dán lên bìa.

- Tốt! Tốt lắm. Tôi phải chụp ở góc độ này. Hừ,hai bức tranh đều do cô vẽ à? Đúng là rất đẹp.

Ông chọn một bức tranh phác họa một chiếc thuyền nhỏ dưới những cây bạch đàn đỏ, lung linh trên mặt nước xanh lục.

Đây là thời cơ cho cô. Cô áp các bức tranh vào người và thiết tha yêu cầu ông cho đến trường Mỹ thuật theo học lớp vẽ phong cảnh mỗi tuần hai buổi chiều. Vẽ tĩnh vật, cô vẫn học ban đêm. Nhưng tranh màu đối với cô là quan trọng hơn cả.

°

Lớp họa phong cảnh tổ chức vẽ ngoài trời hai lần mỗi tuần.

Khi ông hiệu trưởng Daniel Wise vố là một họa sĩ chuyên về phong cảnh đi qua ở phía sau giá vẽ của Delie, tai cô nóng bừng. Chỉ một tiếng khen cũng đủ khiến cô rạng rỡ và thích thú. Chẳng khi nào ông nói nhiều trước khi bức tranh được hoàn thành, trừ khi phải chỉ ra một lỗi trong bố cục bức tranh hay trong giai đoạn phác họa. Đôi khi ông lấy cọ và với một vài nét tài ba giặm thêm màu, ông đã biến một bản vẽ vô cùng nhợt nhạt thành một bức tranh.

Ông dừng lại thường hơn sau lưng Delie, đôi khi lầu bầu, và cũng thường đi bên cô khi sinh viên đi vẽ ngoài trời trở về. Lần lần, khi cô bớt sợ, thầy trò trở thành bạn, và ba cô học viên cùng lớp tỏ vẻ không thích mối quan hệ này.

Cô chẳng chú ý. Cô rất chán đề tài của họ, quần áo và đám con trai, cô thích nói chuyện với phái nam hơn. Các bạn nữ gán cho cô là “phóng đãng”, nhưng Delie rất sung sướng và chăm chú vào công việc.

Những lúc cô đơn và chán nản là vào ban đêm, khi cô ngồi trong phòng ngủ lạnh lẽo của mình, vẽ phác họa hay đọc sách hơn là đi gặp những kẻ hẹp hòi tỏng phòng khách cuối nhà trọ.

Tại sao cô không làm việc này sớm hơn, đến Echuca sống khi Adam còn ở đấy? Tại sao cô đánh rơi anh? Tại sao anh phải chết? Những câu hỏi và những hối tiếc ấy, vốn có từ lâu và cô cũng chưa có thể trả lời được, vẫn lảng vảng trong đầu cô.

°

Bộ sưu tập sách nhỏ của cô, một bản in tranh hè vàng của Streeton lấy ở một tấm lịch, một vài hoa phong lữ thảo ở bệ cửa sổ, không thể che đậy sự trống trải xấu xí của căn phòng. Ngoài cái giường, có một cái bồn rửa ọp ẹp và một cái tủ com-mốt đánh vẹc-ni vàng với một tấm gương quay nhưng không thể kềm lại nếu không có một miếng giấy cứng chèn vào bên góc. Phía trên gương là một khăn choàng bằng xoa lụa mà cô phải nhịn ăn trưa một tuần để mua. Mấy bức bố màu sáng, mấy tấm tranh, trong đó có cái còn dở dang, treo trên các bức tường.

Đối với cô, giờ đây màu sắc là nổi đam mê còn lớn hơn hình thể. Mùi sơn dầu còn quyến rũ cô hơn mùi dầu thơm ngọt ngào nhất.

31.

Vào lúc ăn trưa, mỗi ngày Delie thường đi xuống bến tàu để xem có tàu nào mới về. Cô chào các thuyền trưởng cũ, bạn bè cũ và hỏi thăm tin tức chiếc Philadelphia.

Vào tháng sáu, một ngày quang đãng, khi ánh nắng quái cho một ảo tưởng ấm áp giữa mùa đông, cô thấy một chiếc tàu nhỏ với banh xe quạt bên hông, sơn màu trắng. Cô không thấy được tên tàu, nhưng chắc chắn là…. Đúng! Đó là chiếc Philadelphia, mang tên của cô, trở về sau một chuyến đi cả nghìn dặm vào vùng New South Wales.

Cô nhanh nhẹn lách người qua lan can sắt rào khu làm việc, rồi chạy tới chiếc Philadelphia.

- Bác To…om! Chào bác, - Cô gọi, nhưng không có tiếng trả lời.

Chiếc tàu hình như vắng người.

Cô kéo cao chiếc áo vải xoa lên bắp chân, leo cầu thang hẹp với những bước ngắn đi qua chỗ bánh xe quạt nước, định gõ vào cửa cabin chính; có lẽ thuyền trưởng đang ngủ gật trong đó. Cô sắp đi hết cầu thang bỗng nghe một tiếng huýt sáo nhỏ nhưng có ý thán phục. Co dừng bước, bỏ váy xuống. Một thanh niên to người, tóc quăn vàng đỏ tựa người vào chỗ nồi đun nước, tay khoanh lại. Anh ta không cười nhưng đôi mắt như sáng lên.

Cô hơi đỏ mặt:

- Tôi tìm thuyền trưởng Tom. Bác có ở trên tàu không ạ?

- Không, bây giờ thì không! Tôi thế ông ta không được sao?

Anh có vẻ ngạo mạn; tuy giọng nói cũng dễ nghe.

- Không được. - Cô ngẩng lên, đi trở xuống.

Tới gần nấc cầu thang cuối, cô vấp chân, suýt ngã. Người lạ nhảy tới nắm cánh tay cô thật mạnh. Anh ta nói:

- Cẩn thận!

Cô rút cánh tay ra một cách khó khăn và tránh sang bên. Cô hỏi một cách xa lạ:

- Anh là người mới à?

- Phải, tôi là thuyền phó. Có gì phản đối không?

- Ồ! Vậy anh là nhân viên của tôi. Tôi hùn vốn mua chiếc tàu này.

- Thì ra cô là Philadelphia thứ thiệt? Một chiếc tàu đẹp.

Câu nói này có hai nghĩa. Cô im lặng.

- Nhưng tôi cũng không hẳn là người làm thuê. Này, tôi cũng có hùn vốn đấy.

- Thế là thuyền trưởng Tom đã bán phần hùn của ông ta rồi à?

- Đúng! Nói chính xác là một nửa vốn.

- Ồ. - Cô lại cảm thấy đỏ mặt.

Thế ra con người ghê gớm này đã biết hai mươi lăm phần trăm vốn thảm hại của cô. Anh ta đang cười cô. Delie vội vã tính rút lui.

- Nhờ anh chuyển giùm lời tôi nhắn thuyền trưởng Tom. Có thể bác tìm tôi ở địa chỉ cũ. Hiệu ảnh Hamilton, phố High, xin cám ơn ông.

Chàng thanh niên giở mũ ra khỏi mái tóc sáng rực của anh ta:

- Hiệu ảnh Halmiton, phố High, tôi không quên đâu.

Nhưng cô đang đi nhanh trên cầu thang, xuống suốt các bực tối tăm, với một cảm giác khó chịu.

Cái tay quá tự cao tự đại đó nghĩ rằng cô muốn cho hắn biết địa chỉ của cô không? Cái vẻ hắn nhìn cô trâng tráo mới dễ ghét làm sao! Cô hy vọng sẽ không gặp lại hắn ta nữa.

°

- Cần vốn… Cô coi… Chiếc tàu cần sửa chữa lớn… Đó là lý do vì sao tôi cần một người hùn vốn.

Con người to lớn, vụng về của bác Tom như choán hết cái phòng nhỏ phía sau xưởng vì ông ngồi đong đưa trên một cái thùng ngay cửa vào. Cô cứ lấy làm lạ sao ông Tom và thuyền phó có thể lọt vào phòng lái.

- Anh bạn trẻ này hưởng gia tài của người ông và muốn hùn tiền sắm tàu. Do đó tôi để cho tanh ta hùn phân nửa. Cô Delie ạ, chúng tôi có thể trả lại cô năm mươi bảng của cô, nếu cô muốn.

- Ồ không, thưa bác! Cháu thích được có dù là một phần nhỏ của chiếc tàu. Cháu muốn một ngày nào đó, cháu sẽ có một chiếc tàu riêng của cháu, và đi lại các con sông Murra, Murrumbidgee và Darling. Lần này, bác có đến bourke không? Còn Walgett? Ồ, giá mà chau được đi Walett chuyến tới!

Tom gãi bộ râu muối tiêu. Cái trán vàng sạm màu sương gió của ông như nhăn lại trong cố gắng phát biểu ý mình.

- Này cô, cô biết cô là phụ nữ trẻ. Nếu cậu thuyền phó có vợ, chúng tôi cũng có thể nhận vợ của cậu ta theo như là, như là… không biết cô gọi đó là gì nhỉ?

- Bảo mẫu. Vâng, vậy chúng ta cần phải nhớ đến phép tắc! Không phải cháu e ngại chuyện đó, nhưng dượng Charles vẫn còn là giám hộ của cháu. Tôi tại sao cháu phải sinh ra làm con gái chứ? Thật bất công.

Cô tự hỏi thầm:

“Nhưng sao lúc này mình lại nói đến chuyện này, Chuyện không muốn nhận lại năm mươi bảng. Với số tiền này mình có thể đi Melbourne vào học trường Mỹ thuật một năm…”. Nhưng cô rất hãnh diện về chiếc tàu, giá mà không có tay thuyền phó chết bầm kia.

Cô hỏi đột ngột.

- Tên anh ta là gì, bác?

- Tên ai?

- Anh thuyền phó ấy, người hùn vốn với bác? Hôm nay cháu đã gặp anh ta trên tàu.

- Tên Brenton Edwards, nhưng miền sông nước này người ta gọi anh ta là Teddy Edwards.

°

Chiều thứ bảy, Delie bỏ một cuộc picnic ở cầu Stewart để vẽ một bức tranh về chiếc Philadelphia. Bác Tom đã hứa đưa chiếc tàu xuống phía dưới cầu tàu và buộc tàu một nơi nhiều cây ngay sau khi hàng chở từ mạn trên về được cất lên.

Cô mang theo dụng cụ vẽ, một chiếc áo cũ thường để choàng khi vẽ, và đi xuống bờ sông. Con tàu đậu phía dưới một bờ dốc đứng nhưng có một con đường mòn đi xuống một nơi bằng phẳng để đặt giá vẽ.

Cô làm việc đó một cách thích thú và vội vã. Ánh sáng đang vừa phải, nhưng sẽ chóng tối. Một phần chiếc tàu ở dưới bóng một cây bạch đàn nhựa to.

Cô vẽ một cách hăng hái và chắc tay hơn bao giờ hết. Khi cô bước lui ra sau ngắm nhìn tác phẩm của mình, cô đụng mạnh vào một người có thân hình vạm vỡ. Đôi má trắng trẻo của cô hồng lên khi cô nhận ra Brenton Edwards đang dang day ra giữ cô và anh ta nhìn cô- Phải, với một kiểu lạ lùng nhất.

Rồi anh ta cúi xuống hôn cô. Có lẽ cô đã để rơi cây cọ tốt nhất, lớn nhất của cô xuống đất cát bẩn, có thể như vậy; có thể cô đã mất bảng pha màu đã được pha cẩn thận. Nhưng người cô cứng đờ, tay đơ ra. Rồi cô tựa vào anh ta, không biết gì nữa, bối rối buông thả mình vào một cảm giác mới mẻ.

Cô nghĩ:

“Mình bị nuốt chửng rồi. Mình sẽ chết. Mình sẽ chết…”

Nhưng anh ta hôn cô một cách dịu dàng, dịu dàng hơn nữa, một chuỗi hôn em dịu như đang từ giã đôi môi giận dữ của cô. Cuối cùng khi a ta buông cô, cô như choáng váng, lảo đảo, tựa hồ như cô choàng dậy quá nhanh sau một giấc ngủ dài.

Anh ta đưa tay

ra để giữ cho cô đứng vững, nhưng khi đầu anh ta lại cúi xuống mặt cô, cô như sực tỉnh, và có phản ứng. Cô hết sức giận dữ vì con người xa lạ này đã làm cô quên hết thời gian, không gian, quên cả chính mình tới khi con người của cô như tan ra trong con người của anh ta.

Cô nắm chặt bảng màu và giáng mạnh xuống những lọn tóc vàng đỏ của anh ta:

- Quân súc vật!

Anh ta phá lên cười vì ngạc nhiên, giọng rú lên vang rền. Giọng cười ấy, cộng với sự tiếc rẻ vì đã mất bao nhiêu sơn tốt đổ lên mái tóc của anh ta khiến cô càng giận điên.

Cô lắp bắp:

- Ồ! Anh…anh…anh…

Những giọt nước mắt giận dữ long lanh trong mắt cô. Cô lấy mu bàn tay gạt đi.

- Thôi nào, chớ bảo với tôi là em chưa từng được hôn, chùi những ngón tay trên đám cỏ.

- Phải, tôi đã từng được hôn, nhưng không phải như thế. Anh biết rất rõ…

- Tôi tưởng… Tôi không có ý…

- Anh tưởng tôi sẽ không chấp chứ gì? Nếu một phụ nữ chọn nghề họa, trở thành diễn viên, hoặc làm bất cứ việc gì khác thường, thì anh nhìn cô ta như một thứ trò chơi à?

- Không hẳn vậy.

Cái cười chế giễu đã biến đi trong đôi mắt anh ta, anh ta nghiêm chỉnh nhìn cô.

Lần đầu tiên cô nhận thấy đôi mắt anh ta sáng, màu xanh lơ lẫn xanh lục, màu của biển cả ở duyên hải phía nam.

- Tôi không có ý giở trò khiếm nhã với cô. Tôi không nghĩ gì hết. Chỉ vì cô đâm bổ vào tôi, và trông cô dịu hiền biết bao với chiếc áo cũ buồn cười này, và tóc cô xõa xuống, và một vết sơn trên má…

Cô nhìn xuống chiếc áo cũ như để che giấu gương mặt đang dịu lại của cô; cô nhìn lên và bỗng nhiên mỉm cười:

- Anh có biết tóc anh có đủ màu của cầu vồng không?

Anh ta cười:

- Cũng bõ.

Cô cau mày và quay lưng lại. Cô bắt đầu gom dụng cụ, bỏ các ống màu vào hộp, xếp giá vẽ và luồn tấm vải còn ướt vào ngăn đặc biệt.

- Tôi được xem bức tranh không?

- Không, nó chưa hoàn thành, tôi sẽ cố gắng mang nó về nhà để hoàn tất, còn bây giờ bảng màu dã hỏng cả. Tôi sẽ mất công pha màu lại. Ôi, tại sao anh lại đến tận nơi này quấy rầy là làm dở dang công việc của tôi đang lúc tôi sắp hoàn tất.

- Nào, nói cho cùng, chiếc Philadelphia là nhà của tôi. Tôi đang lặng lẽ lên boong tàu thì chính cô chạy tới đụng tôi.

- Ồ…!

Cô thọc mạnh một cây cọ vào lọ dầu thông rồi chùi thật mạnh vào một miếng giẻ.

- Cô cho tôi xin ít dầu đó được không? Tôi nghĩ trên tàu không còn tí dầu nào.

Cô nhìn mớ tóc dính màu của anh ta, ngần ngại, rồi cũng chế một ít dầu thông lên một miếng giẻ.

- Đây.

- Cảm ơn cô.

Anh ta cầm giẻ xoa vào mái tóc, còn Delie tiếp tục chùi những cây cọ còn lại. các lọn tóc của anh ta sẫm lại, cuốn thành những búp nhỏ, lấp lánh trong nắng.

Delie chợt có một khao khát điên rồ là được vuốt tóc anh ta, mân mê các ngón tay vào đó.

- Được chưa cô?

- Chưa, còn một vệt xanh thẫm lớn ở tai trái anh.

Anh ta chùi nhưng không ra. Cô nghĩ: Thật phiền phức cho cô nếu có ai nhìn thấy sơn trên tóc anh ta. Anh ta hoàn toàn có thể cắt nghĩa vì sao anh ta bị như thế.

- Thôi để tôi. - Cô đổ thêm một ít dầu thông lên một miếng giẻ sạch. - Anh ta cúi đầu xuống.

Chỗ màu bám được chùi sạch, cô nắm một lọn tóc vặn mạnh.

- Ui cha!

- Đâu có đau.

- Đúng vậy. Không đau lắm.

Anh ta mím miệng chịu. Cô mỉm cười, đôi mắt sáng nhưng khá nhỏ của anh ta lim dim, một cái nhìn có ý nghĩa. Cô không thích cái nhìn ấy.

Tựa hồ cô là bức tranh và anh ta đang đánh giá cách pha màu. Cô lại nghĩ đến tư cách của mình. Cô vội vã thu gom đồ đạc cho xong. Cô ra lệnh:

- Anh quay lưng lại.

Anh ta ngoan ngoãn quay người lại, nhìn ra bờ sông. Cô tháo chiếc áo vẽ ra làm tóc cô rối thêm, rồi nhét nó vào túi xách.

- Bây giờ, xin từ giã ông Edwards.

- Nhưng tôi phải mang giá vẽ cho cô chứ, cô Gordon.

- Không! Tôi tuyệt đối cấm!

Và cô bước đi.

Anh ta sẽ nhún vai, nhìn theo cô. Rồi anh ta quay lại, băng qua ván cầu lên boong tàu Philadelphia.