Hạ Băng dùng bút chì viết vào sổ ghi chép mấy dòng: Hoàng Mạc Như ngã bị thương trong lầu sách - bùi nhùi - cửa lầu sách khóa ngoài - mất trí nhớ.
Những điểm không rõ chen chúc chật cứng như muốn nổ tung trong đầu anh, anh đành ngẩng đầu hít thật sâu, dán người vào chiếc ghế mây sau quầy tính tiền trong tiệm sách. Đỗ Xuân Hiểu không có ở đây, tư duy của anh hình như cũng không thông, nhưng rõ ràng "tai nạn" lần này của cậu Cả nhà họ Hoàng quá đỗi kỳ lạ, khi phát hiện ra hắn, cửa đang được khóa ngoài, vậy hắn làm sao vào được trong lầu? Cả hình dạng vểt thương sau gáy căn bản không hề giống như bị đập vào cầu thang gỗ, mà rõ ràng là bị vật cứng đánh vào. Nói vậy, Hoàng Mạc Như nhất định đã thông qua phương thức nào đó lẻn vào trong lầu, tiếp đó thì bị tấn công, lăn từ trên lầu xuống, sau khi tỉnh lại bèn mò ra cửa, ra sức đập cửa thu hút chú ý. Hắn ta vô cớ mất tích hai ngày, cả nhà họ Hoàng thi nhau lật tìm mọi ngóc ngách, may mà Hoàng Mộng Thanh và Đỗ Xuân Hiểu tốt số, vừa hay loanh quanh gần lầu sách, nghe thấy tiếng đập cửa yếu ớt mới cứu được hắn ra.
Nhưng... anh vẫn thấy điểm gì đó kỳ quặc, tuy không thể nói rõ nhưng chắc chắn là có. Anh tin Đỗ Xuân Hiểu cũng cảm thấy như anh, có gì đó thần bí ẩn sâu trong nội thể, khiến hai người trở nên mẫn cảm, nhạy bén, thông minh mà không cách nào làm rõ.
Trời chiều oi bức, người dễ buồn ngủ, anh cầm trong tay quyển "Truyền thuyết Lý Tự Thành", nhưng không sao đọc vào, chẳng được bao lâu cuốn sách đã tuột khỏi tay. Có lẽ vì cuốn sách, trong mơ anh thấy toàn sa trường huyết chiến, bản thân anh mặc bộ áo giáp, cưỡi ngựa báu Hãn Huyết, bên tai là tiếng chém giết rầm trời, chỉ cảm thấy đám binh lính dưới chân bé nhỏ như con sâu cái kiến, nhưng giẫm thế nào cũng không chết. Đánh được một lúc, lại nghe tiếng trống trận tự dưng biến thành tiếng la mắng của phụ nữ, anh hơi nghi hoặc, định thần lại nghe cho kỹ thì tỉnh dậy. Tiếng quát mắng sa sả vẫn không ngớt, ra là vọng tới từ ngõ Sát Trư phía sau. Anh ngáp dài, chẳng còn lạ lẫm trước chuyện gái giang hồ cùng khách làng chơi vì mấy đồng bạc mà làm um sùm, vùi đầu định ngủ tiếp. Nào ngờ trong ngõ lại vang lên tiếng hét thất thanh: "Giết người!"
Anh do dự giât lát, rồi vẫn chạy ra ngay, nhờ hàng bán nhang đèn coi giùm cửa tiệm, còn mình qua ngõ Sát Trư xem náo nhiệt.
Rẽ vào một khúc ngoặt, từ xa đã thấy Tề Thu Bảo đầu tóc rối bù, mình mặc áo ngắn đỏ tươi nằm bò trên đất, ôm riết lấy chân trái Giản Chính Lương. Mụ già dẫn mối bên cạnh đã bó tay hết cách, đứng một bên nhìn không biết nên can ai, thấy Hạ Băng đi tới vội cầu cứu: "Ôi chao, người anh em, mau vào can hộ cái, sắp xảy chuyện mất thôi!"
"Xảy chuyện gì?" Hạ Băng miễn cưỡng lại giải quyết, trừng mắt nhìn lão Giản, quát, "hai người giằng co gì thế hả? Giữa ban ngày ban mặt mà làm cái gì đây?"
Lão Giản thừa cơ đạp Thu Bảo ra, chỉnh lại tấm áo dài mới coóng, liên tục phe phẩy cây quạt trên tay. Thấy người đến là Hạ Băng mình đã biết từ nhỏ đến lớn, lão lập tức lên mặt đáp: "Chuyện gì, cậu hỏi con đĩ này xem! Đâu ra cái lý cưỡng ép khách?"
"Phì!" Tề Thu Bảo đột nhiên bò dậy, chỉ thẳng vào mũi lão Giản: "Lão Giản ông tự nói xem, mình qua lại chỗ tôi đã bao năm rồi? Thu Bào tôi có phải loại ép mua ép bán móc tiền khách hay không? Rõ ràng là ông có mới nới cũ, đem vứt hết mấy nhân ngãi ở đây sau lưng. Vứt thì vứt, cũng chẳng sao, còn cất công ghé tới, tôi đương nhiên tưởng là khách phải hầu hạ. Hóa ra chỉ tới giễu cợt tôi vài câu, kêu tôi đừng làm nữa, còn đem cái bệnh lậu chẳng biết trước kia rước ở đâu về đổ lên đầu tôi. Tôi còn phải làm ăn, sao chịu nổi khách quen phỉ báng như thế? Giờ ông không nói cho ra nhẽ thì đừng hòng đi được!"
Hạ Băng quả không hề ghét bỏ Tề Thu Bảo, thị ta năm nay bốn mươi ba tuổi, thời trẻ từng là "Tây thi phường thêu" nổi tiếng, phong thái rất mực dịu dàng. Chồng thị cũng là người nuôi tằm có của ăn của để, chẳng ngờ một ngày đột nhiên mất tích, chị ta đau buồn quá độ, dẫn đến sảy thai. Từ đó chị ta trở nên sa ngã, phường thêu cũng không mở nữa, chuyển đến ngõ Sát Trư hành nghề bán thân, chưa đầy vài năm, người đã già đi hai ba chục tuổi, trên trán bờ ruộng chạy ngay chạy dọc, khóe mắt đuôi mày trông đến thê lương. Tuy làm cái nghề hạ đẳng này nhưng thị là người tính khí bộc trực, ra chợ mua rau lúc nào cũng hiên ngang mặc cả với đám con buôn, có lần Trương đồ tể cợt nhả nói: "Bảo tôi bán rể cho cô, vậy sao cô chưa bao giờ lấy rẻ cho tôi?" Dứt lời liền ăn của thị một cái bạt tai nổ đom đóm mắt. Vì vậy Tề Thu Bảo cũng nổi tiếng chua ngoa hung hãn, ấy vậy mà cánh đàn ông lại hèn, cứ thích nửa đêm vắng người mang bạc mò vào ngõ hiếu kính con "hổ son phấn" này. Một phụ nữ như thế bị lão Giản trêu ghẹo nói có bệnh lậu thì làm sao dằn nổi cơn tức, đương nhiên phải xông lên liều mạng với lão.
Lão Giản giờ lắm tiền ỷ thế, nghĩ mình tùy tiện giễu cợt đám đĩ điếm mổ tí thì có sao, nên càng không chịu thua, vặc lại bảo thị bệnh dâm phát tác, khắp người từ lâu đã mọc đầy mụn giang mai, không tin cứ việc lột sạch ra cho mọi người kiểm chứng. Vì gây ồn ào quá mức nên trong ngõ lúc này đã chen kín những người, đến Vương Nhị Cẩu cũng bỏ lại sạp bánh nướng qua đây góp vui.
"Được rồi được rồi! Chuyện này có gì đáng cãi lộn đâu, đường đường đàn ông đàn ang, ai lại đi chấp đàn bà? Tốt nhất là quay về uống hớp rượu, đợi đêm tới quán trà nghe kịch." Hạ Băng tuy đồng tình với Thu Bảo, nhưng lời nói ra lại dỗ ngọt lão Giản.
Có điều đám đông vây quanh không chịu thôi, chẳng biết kẻ hiếu sự nào lại quăng một câu: "Có bệnh hay không có bệnh, cứ cởi ra xem nào, nếu không từ rày bảo người ta yên tâm sao được?"
Dứt lời, đám đồng bèn ồ lên cười vang, rào rào hừa theo kêu "cởi".
Tề Thu Bảo cười khẩu, giạng chân chống nạnh với mấy người ấy: "Được! Hôm nay bà đây cho các người mở mắt, nếu trên người ta không có bệnh, lão Giản phải quỳ xuống dập đầu trước ta ba cái!"
Hạ Băng định ngăn lại thì đã quá muộn, thị ta thoăn thoắt cởi cúc cổ áo, lột thẳng qua đầu, đồng thời luồn một tay tháo dải áo yếm, động tác nhanh nhẹn không gì sánh bằng. Đám đông nhất thời không kịp phản ứng tiếng ồn ào thoắt chốc im bặt, ai nấy đều đổ dồn mắt vào người đàn bà không mảnh vải che thân trước mặt, ngay những kẻ vốn định khua môi múa mép cũng quên cả mở miệng.
Thị ta cứ trần truồng như thế đứng xoay ba vòng dưới ánh mặt trời, vì thường xuyên ở trong nhà, da dể xanh bủng như giấy, nếp nhăn trên bụng cũng nổi bật đến giật mình, những khiếm khuyết này bình thường không thể trông rõ trong phòng tối đèn đóm tù mù. Lão Giản bấy giờ mới kinh ngạc trước sự già nua của Tề Thu Bảo, thầm cảm khái "Tây Thi phường thêu" năm xưa đã thành bà già không hơn không kém, nhưng thị ta lại không hề xấu hổ trước sự giày vò của tuổi tác trên cơ thể mình, vẫn ngạo mạn, vẫn tự tôn.
"Thế nào? Nhìn rõ rồi chứ? Còn chưa dập đầu cho ta?" Tề Thu Bảo khom lưng nhặt lại quần áo, không vội mặc lên, chỉ vắt trên vai phải, liếc xéo lão Giản.
"Dập đầu! Mau dập đầu!" Đám đông lại ào lên, mọi người như mới kịp định thần, lũ lượt trở giáo, bắt lão Giản dập đầu.
Lão Giản đỏ gay cổ mắng: "Réo cái gì mà réo! Ta nói sẽ dập đầu bao giờ? Là mấy ả này tự nói, ta đã đồng ý đâu!"
Một lời chuốc lấy vô số những tiếng xùy xùy. Hạ Băng vẫn muốn hòa giải, nhưng lại không sao mở nổi miệng.
Tề Thu Bảo thấy lão giở trò cùn, lông màu dựng ngược, xông lên định túm lấy cổ áo lão Giản, nhưng lão phản ứng cũng nhanh, đẩy luôn thị ngã ra đất, thị không hề núng thế, chẳng buồn ôm chân đối phương gào khóc như trước nữa, trái lại ngồi bệt dưới đất cười rũ: "Uổng cho người trong trấn này gọi ông là lãi suốt mười mấy năm, chẳng qua chỉ là tên khốn bắt nạt đàn bà con gái, còn không bằng mấy mụ ba hoa!"
Lão Giản tức thì nín bặt, chỉ đanh mặt xoay người bỏ đi, ra khỏi ngõ rồi sau lưng vẫn vang vọng tràng pháo tay châm biếm.
"Con tiện nhân chết giẫm, sớm muộn sẽ xử lý ả!" Đây là lời thề độc lão dành cho mình.
Lão Giản vừa đi khỏi, kịch hay cũng hạ màn, Tề Thu Bảo phủi bụi đất trên đầu gối, đột nhiên dựa vào người Hạ Băng, nói nhỏ: "Tối nay hẹn ở chỗ cũ."
Hạ Băng quay đầu nhìn con ngõ thoáng chốc đã vắng tanh, không đáp. Ngõ Sát Trư chính là thế này, bình thường có vẻ ít người qua lại, tựa một khoảnh đất hoang, nhưng gái giang hồ ở đây vẫn sống khỏe, có thể thấy đám khách làng chơi hay qua lại nơi này đều là những u linh không thể thấy mặt trời, tới Phong Nguyệt lâu mới coi là quang minh chính đại. Lão Giản đã "cải tử hoàn sinh", rũ bỏ hiềm nghi kiếp "u linh" như thế.
"Chỗ cũ" của Tề Thu Bảo thực ra chính là con hẻm bên cạnh phường thêu thị từng mở trước kia ở đầu Tây con sông trấn, đến giờ phường thêu đã bị một quả phụ tiếp thận mở tiệm phấn son, đồng thời bán lược chải tóc đủ màu, rất được chị em yêu thích. Thị vừa tới trước cửa tiệm, đằng sau đã có người gọi giật, quay lại nhìn, thì ra là Đào Chi. Tuy cùng phận buôn phấn bán hương, nhưng ít nhiều cũng có khác biệt, Đào Chi trông có phần "tôn quý" hơn Thu Bảo, mấy lời khách khí của ả đều chỉ là đầu môi chót lưỡi, thực chất ả nghe nói ban sáng thị cởi đồ náo loạn một chập nên muốn moi thêm vài chuyện làm quà thừ chỗ nhân vật chính. Đáng tiếc Thu Bảo rõ ràng lơ đễnh không để tâm, nói chưa được mấy câu đã lấy cớ có việc phải đi. Đào Chi nào chịu bỏ qua, cười nói: "Chị vội đi gặp tình lang nào thế? Chắc không phải lão Giản chứ?"
Thu Bảo lập tức nhổ toẹt xuống đất, nói: "Con mắt chó nào của cô trông thấy tôi đi hẹn tình lang hả? Đừng tưởng là người Phong Nguyệt lâu thì ghê gớm nhé, chẳng qua cũng chỉ hầu hạ cùng loại đàn ông với tôi thôi!"
Nói rồi cũng không buồn màng đến thái độ Đào Chi, quay người rẽ luôn vào hẻm.
Đào Chi không hề tức tối, chỉ nhìn theo bóng lưng hấp tấp ấy, cười nói: "Nếu đi gặp tình lang thì nhớ lúc nào đấy giới thiệu cho em nhé, đừng có mà ăn mảnh đấy!"
Thu Bảo nghe thấy thế, quay đầu lại cười khẩy: "Lạ ghê, ai quy định kỹ nữ ngõ Sát Trư không được ăn mảnh thế? Bà đây cứ ăn đấy!"
Mấy ngày sau đó, Giản Chính Lương đi trên phố, ai gặp lão ta cũng chào "lão Giản" hết sức ẩn ý, như thể cất giấu bên trong ngàn vạn lời châm biếm, khiến lão lòng lo ngay ngáy.
Đó là lần cuối cùng Đào Chi nhìn thấy Tề Thu Bảo, về sau thị tự dưng không thấy đâu nữa, ô cửa sổ trong ngõ Sát Trư chỉ thắt một mảnh khăn lụa thị dùng vẫy khách, thêu hình bươm bướm sặc sỡ vờn mẫu đơn, tay nghề tinh xảo, màu sắc tươi đẹp, sống động như thật.
Vú già cuống lên mồ hôi đầm đìa, nói Thu Bảo không thể đột nhiên rời khỏi trấn, tìm suốt hai ngày không thấy đâu, đành tới nhờ Hạ Băng giúp đỡ. Hạ Băng mơ hồ biết chuyện này nên ngờ ai đầu tiên, bèn nhận lời ngay. Trong đội cảnh sát có quy định ngầm là không quản tới đám xướng kỹ trấn Thanh Vân, bất kể chúng kiếm sống ở đâu, có mệnh hệ gì họ đều không đả động, chỉ coi như đáng đời; ai định giúp điều tra là ăn roi ngay nên Hạ Băng phải dặn đi dặn lại vú già không được để người trong đội biết, thậm chí chuyện Thu Bảo biến mất cũng không được để lan rộng, bằng không chẳng ai lo nổi đâu. Bà vú đương nhiên hiểu chuyện, nhét vội cho anh hai bao thuốc, mười đồng bạc rồi vội vã ra về.
Muốn tìm Giản Chính Lương, chỉ cần ngắm đúng ba nơi là được: quán trà phía Tây trấn, Phong Nguyệt lâu, và nhà lão ta. Hạ Băng ước chừng thời gian, đoán giờ này lão đang vui thú trong động, bèn tới đó, nhưng trông thấy bảng hiệu Phong Nguyệt lâu từ xa, anh lại dừng bước, thanh niên trai tráng như anh, dù chỉ đến đây tìm người cũng khó tránh khỏi đàm tiếu, mà chưa chắc đã được việc. Vì vậy anh bèn cắn răng đi tìm Đỗ Xuân Hiểu, đàn bà con gái đi dù sao cũng không thể bị đàm tiếu gì.
Ai ngờ Đỗ Xuân Hiểu vừa nghe xong đã đập bốp vào gáy anh, mắng: "Cậu đúng là ngù ngờ! Lúc này lão Giản làm sao còn tới Phong Nguyệt lâu được nữa? Không lâi trước vừa bị một kỹ nữ làm cho xấu mặt như thế, giờ lại tới kỹ viện thì chẳng phải tự chọc vào nỗi đau của mình sao? Nơi đông người lắm miệng như quán trà lão ta cũng nhất quyết không đến đâu, khác nào để cho người ta chê cười? Mấy hôm nay nếu là người bình thường, đảm bảo sẽ nấp kỹ trong nhà, đợi sóng yên bể lặng mới lại ra ngoài. Uổng cho cậu cũng là cảnh sát, đầu óc chẳng có tí nào sáng sủa!"
Hạ Băng bấy giờ mới được "khai thiên nhãn", kéo luôn Đỗ Xuân Hiểu tới nhà lão Giản, gõ cửa nửa buổi bên trong vẫn không thấy động tĩnh gì, đành hỏi thăm hàng xóm của lão ta. Người hàng xóm nói đã mấy ngày nay không thấy người đâu, hệt như hồi trước trốn nợ kỹ viện, nên cũng chẳng lấy làm lạ. Họ nghĩ rằng lão ta không chừng ngày nào đó đột nhiên xuất hiện, nên không ai để tâm. Song Đỗ Xuân Hiểu vẫn thấy có điều không đúng, bèn xúi quẩy Hạ Băng phá cửa xông vào, nhưng anh không dám, chỉ đứng thần người ra trước cửa. Cô bực bội trừng mắt nhìn anh rồi rút ra một lá bài, nhét qua khe cửa, hí hoáy một hồi, chỉ nghe thấy "cách" một tiếng, then cửa đã rơi xuống đất.
"Cậu vào đi, tôi ở ngoài canh chừng." Đỗ Xuân Hiểu ra lệnh, Hạ Băng đành ngoan ngoãn làm theo.
Không bao lâu sau đã thấy anh căng thẳng đi ra, sắc mặt trắng bệch.
"Làm sao?" Đỗ Xuân Hiểu không biết từ lúc nào đã mua lấy một đài sẽ ven đường, đang lột hạt sen ăn, dưới chân la liệt vỏ trắng trắng xanh xanh.
"Người thì có, nhưng chết rồi."