Có nghĩa là ông giáo Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ, khi ở vùng bị chiếm, khi thì là vùng giải phóng, đã trên 30 năm dạy học ở với người Tà Ôi. Báo không đưa tin cho biết ông giáo lấy vợ người Tà Ôi hay có vợ ở quê. Tôi thật phục cái chí và can đảm của ông giáo Hồ Ngọc Mỹ Ku Nô.
Tôi đã đặt tên bài này là “Mỗi người một khác”, ấy là tôi cũng có một anh bạn có chí, nhưng lại là cái chí khác, cái can đảm khác. Đó là tấm gương mờ. Anh bạn chơi với tôi nên tôi biết anh nhiều hơn là chỉ được đọc cái tin trên báo về hành động dũng cảm và kiên trì của nhà giáo Hồ Ngọc Mỹ. Tên anh là Phạm Nhãn. Chữ Nhãn chỉ bỏ dấu thì thành tên Phạm Nhan, cái tên con ma hay quấy rầy trẻ hờn đêm. Ngày trước, cứ trẻ con mà khóc dai thì có cái hèm là người mẹ cầm một con dao rựa ra chém vào bờ rào mấy cái, quát to: “Thằng Phạm Nhan! Thằng Phạm Nhan. Mày mà về quấy con bà thì bà chém mày chết”. Không biết có phải vì đòn phép thế mà ma Phạm Nhan phải bỏ chạy hay là vì trẻ con khóc làm mỏi mồm thì im, nhưng bấy giờ người trong làng hay dỗ trẻ con bằng cách ấy.
Anh Nhãn bạn tôi hiền lành - hay ít ra là những cái tôi thấy tôi biết về anh đã khiến tôi nghĩ như thế. Tôi chỉ nghi có cái đầu húi cua của anh. Những người mới già thường hay để tóc ngắn. Ai còn nhớ cụ nhà thơ Thanh Tịnh, khi cụ chạc ngoài 60, cụ rất chăm cắt tóc, mà cắt thật cao. Chỉ rồi đến những năm già quá cụ chẳng buồn tân trang nữa, cụ mới lười lo chuyện cái tóc ngắn, cái tóc dài. Chỉ bởi vì để tóc ngắn thì người ta chỉ trông thấy người mới cao tuổi lấm tấm bạc ở chân tóc, không ngờ là cả cái đầu đã trắng phơ. Tôi không rõ anh Nhãn húi tóc cua để làm gì, trong khi tôi biết tóc anh đã bạc cả.
Tôi cho là Phạm Nhãn hiền lành, vì thấy anh chơi với bọn bợm bia, rượu, mà anh chỉ mới làm chưa hết góc vại, mặt đã đỏ lựng. Anh ngồi xem họ uống mà lấy làm vui. Không những thế, còn phục vụ tận tình là đằng khác.
Cứ khi nào lão hoạ sĩ Mai Văn Hiến mà cơ sắp xỉn thì nhất định phải đến tay Phạm Nhãn đưa về. Đỡ nhau đi bộ từ phố Huế đến giữa phố Hàng Đẫy, Hiến bước chệnh choạng - anh Phạm Nhãn phải giúp Hiến đi lảo đảo tựa vào vai mình, không có thì Hiến đến vồ ếch mất. Tây Hiến mũi lõ cao to thế mà đổ giữa đường thì ê chệ quá đỗi. Phạm Nhãn chưa hết khó nhọc đâu. Hiến say rồi Hiến lại hay vừa đi vừa can thiệp mọi sự xung quanh, còn hăng hái hơn nhà văn Nguyên Hồng nhiều. Đến vườn hoa Cửa Nam, thấy trẻ con đá bóng, ông cũng vào làm chân giữ gôn. Thấy một bà đương mặc cả xe xích lô, ông đến cắt nghĩa đường xa đường gần và mặc cả hộ. Có ông công an trên vỉa hè, ông nói “đề nghị đồng chí đứng ra giữa đường mới là chỗ chỉ huy xe cộ được”, và vân... vân... Cứ nhẩn nha như thế, có lần nửa đêm mới dìu được lão hoạ sĩ tới nhà, lại còn phải dắt đưa vào tận buồng, tận giường, kẻo ông đi nhầm nhà. Nào đã xong, cái điếu đâu, tìm mãi không thấy, cậu Nhãn xem hộ mình cái điếu...
Phạm Nhãn thật chịu khó với bạn. Và tận tình, như tôi đã kể trên.
Một hôm, Phạm Nhãn bảo tôi:
- Mình sắp đi Hà Lan.
- Đi làm gì?
- Về hưu rồi, đi ít lâu kiếm cái vốn con con. Vả lại, mình cả đời công tác dịch tiếng Pháp mà sắp xuống lỗ rồi vẫn chưa biết châu Âu ở đâu thì buồn quá.
Tôi cũng thông cảm cái bâng khuâng lãng mạn và thực dụng xưa nay của Phạm Nhãn, tôi hỏi:
- Đi bằng cái gì?
- Khi còn công tác, tôi quen nhiều bạn ở nước ngoài đến đây. Sẽ bảo một thằng ở Hà Lan viết thư mời sang chơi. Cầm cái cớ ấy đi xin giấy tờ thì xong ngay. Bây giờ dễ. Còn tiền thì sẽ tự xoay.
Anh kể anh sẽ mua một số tranh lụa gửi bán và đem theo, vừa tiền tàu xe vừa làm cái ăn đường. Tôi chịu những tính toán thiết thực và táo bạo của anh. Phạm Nhãn đi thật. Rồi anh viết thư về, khoe: đã tìm được việc làm hợp khả năng, khối việc. Đã thuê được nhà ở, có điện thoại. Lại gửi ảnh cho xem, đã đi Thuỵ Sĩ, đi Pháp, đi Anh, đi Tây Ban Nha... tài quá. Có điều chắc anh phải mưu mẹo thế nào, mới may mắn thế mà tôi không biết. Nhưng rồi Mai Văn Hiến nói thì tôi mới rõ được những ma mãnh của anh. Sang tới nơi, anh đã làm đơn xin nhà nước Hà Lan cho cư trú chính trị. chẳng là nếu đơn thất nghiệp, đơn kêu ốm, đơn bị tai nạn giao thông thì không ăn thua bởi thế thì anh chỉ là người qua đường không dính dáng gì đến nước người ta. Nhưng cái tị nạn chính trị, lôi thôi đến nhân quyền và tự do, mấy nước ú ớ này nhận đơn và bảo đợi trả lời.
Trong khi đợi, một năm chưa trả lời thì hai năm, đến bây giờ sáu năm qua rồi vẫn chưa được trả lời, mà người ta vẫn trợ cấp cho người đưa đơn có tiền để thuê nhà ở, có tiền ăn, có tiền đi giải trí và có thư anh đã hỏi tôi “có muốn sang Hà Lan chơi, mình sẽ bày cách cho, dễ ợt, sang chơi nhé”. Rủ tôi thế, là chắc Phạm Nhãn đoán tôi đã biết cái khôn, cái mẹo của anh. Anh viết thư giải thích cho tôi biết xin tỵ nạn là biện pháp tình thế, cái cớ để ở lại và có tiền tiêu, chứ cái điều anh đã tâm sự năm trước rằng đi vài năm kiếm cái vốn con con và được dịp đi chơi nữa, thì anh vẫn đinh ninh, anh đã có kế hoạch chi tiết cho một ngày thắng lợi trở về.
Tôi cũng tin anh nói thật, với những mơ màng ấy. Chỉ có điều tôi không hiểu thì vẫn không hiểu. Phải chăng cái đó thuộc về tâm tư con người, mỗi người một khác. Anh không giàu, nhưng cũng không bao giờ thiếu. Khi về hưu, những công việc dịch tài liệu, dịch ở các hội nghị hội thảo, lúc nào cũng bề bộn và kiếm ra tiền, anh đi chơi vung vinh vào Nam ra Bắc như con thoi. Lại không bia, không rượu, ngồi với anh em chỉ chén đẫy cơm và thịt, có nhắm (chứ không uống) vài củ lạc, miếng bánh đa. Thế thì đi mấy năm, chẳng biết mấy năm nữa mới “kiếm cái vốn con con về” để làm gì. Tôi hỏi Mai Văn Hiến, Hiến cũng chịu không cắt nghĩa được Chỉ nói thêm: “Thằng này có máu com-mẹc (commerce: buôn bán). Và chỉ có máu thôi
Một hôm, đọc chỗ đuôi trang tư Báo Hà Nội mới thấy gia đình Phạm Nhãn đăng tin buồn. “Ông Phạm Nhãn đã tạ thế ngày... tháng... năm ở nước Hà Lan”. Cũng không nói ông tịch ở thành phố nào, tại sao ông chết. Có lẽ ở nhà cũng không biết. So ngày mất với ngày đăng tin buồn thì thấy cách nhau hơn bốn tháng?
Thế là toi cái mộng và cả người chủ mộng.