Tôi không có họ với mấy ông uể oải. Nhưng tôi lúc nào cũng thấy băn khoăn, cũng thấy là khó. Lấy hai việc cưới và đám ma ra mà bàn. Xem ra về bề mặt sự hưởng ứng chưa được đều, ở phố có đôi chút nhúc nhích, ở làng thì chưa mấy, còn nhiều lơ lửng lắm.
Ở phố, đám cưới ít ăn ở nhà, người ta đặt ở nhà hàng, bét ra cũng vài chục mâm. Hoang phí và hủ tục này có cơ lại rầm rộ lên. Giá có báo nào cử phóng viên kinh tế xã hội đi điều tra các khách sạn, nhà hàng trong thành phố xem một tháng họ đã làm bao nhiêu cỗ cưới, chừng nào bàn, bàn loại tiền nào. Thiết tưởng cũng là những con số hãi hùng có ý nghĩa chê trách người rồ tiền góp phần xây dựng nếp sống mới đấy.
Lại nói về đám hiếu. Cũng như việc hỉ, dạo đương cuộc vận động, cũng khá nề nếp. Đưa đám rồi ai về nhà nấy. Đến cúng 50 ngày hoặc 100 ngày thì tuỳ nhà, không phải là lệ trả nợ miệng, gia chủ làm cơm cúng làm vài ba mâm mời họ hàng, bà con, bạn bè.
Bây giờ lại tràn lan và nhiêu khê. Ở phố, ở khu tập thể còn giản dị, bởi lẽ dễ hiểu: không mấy ai quen biết và họ hàng đông như ở các phường có làng cũ.
Nhiều đám ăn uống, đánh tổ tôm từ hôm linh cữu còn ở trong nhà. Rồi thì kèn trống, lại cát xét mở băng khóc than, băng tụng niệm hát chầu văn suốt đêm cả xóm phải nghe.
Ấy là chưa kể những hủ tục được cho sống lại mà không ai dám gàn quải, bởi “nghĩa tử là nghĩa tận”, nào xem ngày giờ đào huyệt, hạ huyệt, chuyển cữu rồi bùa chú dán yểm mọi nơi, rồi vàng giấy, cả tiền thật rắc dọc đường đưa đám. Nhiều năm đã bỏ được cái nhà táng, bây giờ lại thấy nhà táng con con che trên quan tài, rồi cái nhà táng trang kim vàng mã sẽ to, to hơn ngày xưa, có thể thế. Hủ tục đương sống lại. Ma chay hay cưới xin, nhà có thì mượn cớ mà khoe dởm, nhà nghèo thì méo mặt. Lại nảy ra cái thói tính lỗ lãi trong việc hiếu hỷ. Có nhiều địa phương đã có phong trào và bình bầu làng vàn hoá. Nhưng bền bỉ làm đến đầu đến đũa để thành nếp thành thói quen, thành phong tục mới thì vẫn còn là khó. Câu tục ngữ nghìn đời “phép vua thua lệ làng” hiểu theo nghĩa tích cực của nó là cái lệ làng được quy định thiết thân ấy là những tín điều người ta bảo vệ, người ta thực hiện hàng ngày
Ở phường, ở xã, ở tổ bây giờ phải có lệ làng kiểu mới. tinh thần mới. Gọi là phường ước, xã ước hay là nhũng điều tự nguyện quy định về nề nếp văn hoá ở xã, ở thôn, ở tổ.
Từ quy định chung đến cụ thể là hai công tác nối tiếp nhau. Cũng như những phường có các phố, có khu tập thể và ở thôn xóm cũ thì chi tiết và đặc điểm càng khác nhau. Thành phố theo địa giới hành chính. nội thành có quận rồi phường, phường rồi các tổ dân phố. Ở ngoại thành có huyện, các thị trấn rồi xã với các thôn.
Ngày nay thành phố càng mở rộng. Nhiều xã các huyện đã nhập vào nội thành, thành phường, thành tổ dân phố.
Nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp Papin, tác giả cuốn Lịch sử thành phố Hà nội (nhà xuất bản Fayard, Paris 2000) trong tập nghiên cứu có một câu rất đáng chú ý.
Nhận xét về làng Đại Yên phường Ngọc Hà quận Ba Đình ông viết: Làng Đại Yên có một ngôi nhà rất đẹp nằm trên một khoảng sân rộng, nhắc cho ta nhắc cho ta nhớ rằng Đại Yên là một ngôi làng trong thành phố.
Những con số cụ thể có thể dễ dàng hình dung được vấn đề trên. Nội thành Hà Nội có 7 quận:
1. Quận Hoàn Kiếm 18 phường, 17 phường là phố cổ, phố cũ đời xưa. Phường Phúc Tân dưới bãi sông Hồng mới có người đến ở thành phố trong ngoài 50 năm nay.
2. Quận Hai Bà Trưng 22 phường. 10 phường trước 1954 là làng xã ngoại thành.
3. Quận Ba Đình 12 phường. 4 phường trước 1954 là làng xã ngoại thành. Phường Phúc Xá dưới bãi sông Hồng trước kia là bãi cát và cánh đồng mới có người ở thành phố trong ngoài 50 năm nay.
4. Quận Đống Đa 21 phường. 6 phường trước 1954 là làng xã ngoại thành.
5. Quận Thanh Xuân 11 phường. Cả 11 phường trước 1954 là làng xã ngoại thành.
6. quận Tây Hồ 8 phường, 8 phường trước 1954 là làng xã ngoại thành.
7- Quận Cầu Giấy 7 phường. 6 phường trước 1954 là làng xã ngoại thành. Phường Nghĩa Tân trước kia là cánh đồng bây giờ là các hộ ở nhà tập thể.
Các nhà tập thể sinh hoạt như mọi phường ở trung tâm, như quận Hoàn Kiếm.
Ở cùng phố, chỉ có dịp gặp nhau trong cuộc họp tổ. Các làng họp lại thành phường thì không như thế. Dẫu cho bấy lâu nay nhiều người ở phố ra ven nội tậu đất làm nhà và có nhà máy, trường học cơ quan xây dựng chen vào, nhưng các làng xóm phần đông vẫn là bà con, họ hàng đã ở với nhau lâu đời. Cho đến bây giờ, mọi cái tết trong năm vẫn giữ được - nhất là ở các nhà còn các cụ trong ngoài 60 tuổi Từ tết “giết sâu bọ mùng 5 tháng 5” đến tết “cơm mới mùng 10 tháng 10”. Có thịt con gà, thổi chõ xôi, thật ra phong tục ấy cũng đi đôi với thói quen cũ quanh năm thường ngày ăn uống tán tiện “chứ chúng em ở trong làng đâu được như các bác ở ngoài phố thứ bảy lại có bữa ăn tươi”.
Bây giờ tôi vẫn hàng năm về làng ăn giỗ tổ họ. Tục lệ cũ - có điều tiếp tục nên phát huy, có những cái phải xoá bỏ, trong sự chuyển động ấy rất dễ phát sinh lẫn lộn, như đã thấy bấy lâu nay về ma chay và cưới xin.
Một cái lệ làng kiểu mới thật cần thiết. Ngày trước, không phải làng nào cũng có hương ước, mà làng có làng không. Cái quy củ, trật tự của hương ước thì không có danh giới, thấy hay thì người ta bắt chước, người ta tự nguyện làm theo.