Từ tấm bé, anh chưa bao giờ được ở trong căn phòng rộng rãi, tiện nghi như thế này. Chiếc giường đôi phủ tấm trải trắng tinh, phía dưới là chiếc mệm mút lò xo. Gối hoa đầu giường. Dưới đuôi tấm màn cuộn tròn như chiếc gối ôm. Anh để nguyên áo quần nằm lên. Nằm lên và nhún. Cảm giác êm ái như thể tấm thân anh là sinh vật bé nhỏ bám cánh diều chao lượn trên không. Nhún một hồi, anh nằm im, ngó qua phía hông vách tường. Chiếc tủ đứng bóng đến độ soi thấy cả bộ mặt đen sì của mình. Bộ bàn thấp có hai ghế đẩu hai bên với ấm chén, phích nước. Sát cạnh là chiếc ti vi đặt trên chiếc tủ con kèm theo máy điện thoại màu trắng. Ngó lên cao chút nữa, đụng trần là máy điều hoà nhỏ, thở êm như tiếng thở của vợ con anh trong giấc ngủ sâu. Anh nằm yên lắng nghe và nằm yên nhìn ngó. Anh mở miệng cười với riêng mình, nụ cười xếch ngược có những cọng râu lởm chởm bên trên móc lên.
Đúng là từ trên trời rơi xuống. Cái mảnh giấy hoa từ trời rơi xuống đụng phải anh: báo cáo điển hình nông lâm kết hợp. Anh chả biết cái con mẹ gì về nông lâm kết hợp khi ông Khang cầm tờ giấy xoay tròn thành nhiều vòng trước mắt anh với niềm phấn kích: “Sướng nhở, chú được vi vu ăn chơi rồi, sướng nhở”. “Giỡn hoài”. “Thiệt chớ sao lại đi giỡn với chú? Người ta ghi tên mời chú hẳn hoi đây này?”. Anh cầm tờ giấy ráp từng chữ, lầm nhẩm đánh vần rồi trả lại. “Không đi đâu cả, còn vườn cà phê chưa tưới”, anh vung vẩy cây cào cỏ trong tay. “Cà phê cục kii…ít”, ông Khang rít lên như con rắn lục ăn đêm. “Người ta mời thì cứ đi. Mất mát chi”, vợ anh bưng rổ rau đi ra phía khạp nước vừa nói. Giọng nói thật tròn, rớt theo sau.
Trước chuyến đi một tuần, mấy anh quay phim mò về. Chiếc xe 4 bánh đen trùi trũi như con trâu mộng nhà ông Tổng đỗ xịch trước cổng, đứng yên. Chiếc xe đứng tại chỗ bất động chứ không chồm lên lưng những con trâu khác, không rượt đuổi những con trâu khác suốt buổi. Bầy chó ùa ra sủa găng gắc và thụt lùi theo từng bước chân của bầy người bước tới. Mấy đứa con đứng khép bên cửa nhìn đám người vác những giá đỡ ba càng, giây nhợ, túi xách từ dốc ngược lên, sợ hãi.
Họ chào anh. Anh cũng gắng gượng nở nụ cười có những chiếc râu lởm chởm trên mép xách lên. Họ kêu chúng cháu là đoàn làm phim và hỏi anh đủ chuyện. Anh hụt hơi trả lời, lưỡi miệng líu quíu. Anh cảm thấy mình giống như thời khắc mấy chục năm trước, Ban quân quản gọi anh kê khai chuyện lính tráng, hỏi tại sao không vô bưng mà đi theo địch, mấy lần đốt nhà dân, bao nhiêu bận hãm hiếp, cướp bóc.... Anh vừa nói vừa thở phì phì như trâu kéo cày giữa đồng nắng buổi trưa. Họ lại kêu anh đưa lên cánh rừng, giả bộ rong cành nhánh những cây keo lá tràm, xoài mít thiếu chút nữa phập luôn bàn tay trái; cầm cuốc xới xới mấy gốc cà phê; lại kêu đứng cạnh đàn bò đàn dê, hốt nắm cám quăng xuống ao cá, lại quay về nhà đứng cạnh chuồng gà, bơm nước tắm heo trong khi vợ anh bưng thau thức ăn đổ vào máng. Những con heo béo nung núc vừa mới ăn xong giờ cứ đứng nghếch mõm ngó đám người ăn mặc sang trọng như muốn hỏi: Các ông định đưa tụi tôi vào lò mổ ngay lập tức sao. Trong khi đó đám trẻ con đứng lố nhố dưới chân dốc, nhóng cổ nhìn với lên, không dám xán lại gần.
Xong việc, vợ anh bưng lên mâm thu đủ chín. Mọi người vừa ăn vừa khen ngọt. Anh thanh niên như là cấp trên của bọn họ, người thấp lùn, mắt ti hí, trán ngắn, giọng nói đớt đát; ăn xong miếng thu đủ, đứng dậy ra vườn ngó trời nhìn đất chán, chậm rãi bước tới gốc mít, đưa tay mân mê quả mít đang bốc mùi thơm như thể một thứ của lạ. Những ngón tay nung núc vuốt ve, sờ nắn trái mít như đang xoắn vào đôi vú căng cứng của người thiếu phụ. Anh nhìn thấy và hiểu ra. Hiểu ra rồi xách rựa dựng sẵn ở góc phên chặt liền một lúc sáu trái đủ cho sáu người, khệ nệ bưng để bên hông xe. Anh cười hì hì, giọng cầu tài: “Chút quà lấy thảo, loại mít dừa lai nghệ thơm ngọt như đường phèn”. Họ bắt tay nói cảm ơn chú và thêm: “Trưa mốt nhớ mở máy ra coi chú nhé!”.
Chiếc xe nổ máy, lao xuống dốc thật nhanh chỉ kịp để lại vệt khói đen vất vưởng trên vạt cỏ bên đường. Tiễn bọn họ có tiếng gù gù của con cu cườm, tiếng lẹt chẹt bầy sáo nâu và tiếng chim chèo bẻo gióng từng tràng dài như tiếng phèng la. Tất cả những âm thanh ấy phát ra đâu đó trên những chỏm cây cao, không ai nhìn thấy
.
Họ đi rồi mà anh chẳng hiểu ra làm sao, cho tới bữa thấy mình vung vẩy trên máy, đứng khép nép bên sân nhà, căn nhà ba gian vách phên tre mái lá như chực ngã bổ nhào trước màn hình, run run giơ cao chiếc rựa, vung nắm cám, đưa vòi nước qua lại trên lưng đàn heo…Anh không hiểu mình đang nói gì, làm gì chỉ thấy hình ảnh mình bay chập chờn trên mặt kính rồi tắt phụt, chuyển qua những đoạn khác, của người khác. Anh ngẩn ngơ muốn kéo níu lại lần nữa, nhưng tắt mất rồi, qua mất rồi. Mấy đứa con anh xem hết đoạn phim kêu lên: “Cha thiệt ngộ”, rồi bỏ chạy xuống đồi, chắc chúng lội suối mò cá mương, bắt cua đá. Nhanh thật, anh thầm nghĩ. Mới cách bảy tám năm thôi, ngọn đồi này còn um tùm lùm bụi, dây leo chằng chịt mà giờ đã thành khoảnh, đã có tiếng chân người khua động. Tiếc là con Mực không còn để nó vẫy đuôi cùng bọn trẻ chạy xuống suối, sục sạo trong rừng cây.
Ông Khang quần ống thấp ống cao, dựng chiếc xe đạp không phanh, hai bàn đạp là hai que sắt nhọn hoắc, bên cây đỏ, trái mọc từng chùm từ sát mặt đất treo ngược lên giữa thân, hùng hục leo lên mấy bậc đá, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhỏ thành giọt:
“Thấy không, tôi đã bảo rồi mà. Chú ăn nói được lắm. Lên hình đẹp lắm. Cả xứ này chỉ mỗi mình chú là được lên ti vi đấy thôi nhé! Ông chủ tịch, ông bí thư đừng hòng. Sướng nhở?
Anh ngó ông Khang, ông Khang ngó anh:
“Sao vậy?
Anh định nói “làm sao coi lại hình của mình chạy trên mặt kính ti vi”, nhưng anh kịp dừng lại khi thấy ông Khang chìa tờ giấy ra.
Cầm tờ giấy trong tay, không mở, anh xoay qua trở lại. Ông chủ tịch nông dân xã có tên Khang nhổ phẹt bãi nước bọt xuống nền đất:
“Cái con mẹ nhà chú. Là được đi chơi xứ người, đi báo cáo điển hình. Có ai được ưu tiên như nhà chú không, hở?
Anh gãi đầu:
“Nhưng tôi có biết báo gì đâu. Ông để người khác đi đi.
Ông chủ tịch Khang phồng má:
“Chú ngu thế!
Anh chìa tờ giấy ra:
“Kệ, ngu chịu ngu. Tôi chả biết viết sao, nói sao. Với lại cà phê đang kỳ tưới? Má cu Lít nói mùa này cà phê mà trúng sẽ cho ông mượn để sửa lại cái nhà.
Ông chủ tịch điên tiết:
“Cái củ kee…ẹc, đ. cần, rồi chìa cuộn giấy trước mặt anh: Này, người ta viết sẵn cho chú rồi. In chữ bự chảng như trứng vịt nhà chú ấy. Từ nay tới ngày đi, bữa nào cũng lôi ra đọc, đọc vài ba bận để khỏi bể dĩa khi đứng trước cử toạ…Cả tỉnh chỉ mình chú biết không? Phải mang tiếng thơm về cho tỉnh, cho huyện, cho xã và cả hóc xó này, hiểu chưa? Chú mà không đi thì đừng hòng ở lại cái hội này. Lính tráng cái con mẹ gì chú. Chưa chi đã rụt cổ như rùa!
Ôi quan trọng vậy sao? Anh run lên. Thà đi chặt cây, vác đá từ núi cao coi bộ còn dễ chịu hơn cái bửng cầm tờ giấy, đánh vần trước đám đông xa lạ. Xấu hổ chết. Học hành năm ba chữ, đủ để làm con tính cộng trừ tới số trăm, giờ kêu đứng trước đám đông đọc báo cáo. Chết mất. Chết mất thôi!
Lo lắng, bồn chồn chán rồi cũng nguội lạnh để giờ này anh nằm lăn trên tấm nệm trắng tinh, mát và ngột ngạt. Mùi thiu úng trong phòng khiến anh ngột ngạt. Bất giác bàn tay trái đụng phải chiếc giày còn dính dưới gót chân nứt nẻ. Anh cởi quai đưa lên tận mũi. Mùi thơm da thục xộc vào. Đôi giày mới nguyên. Đôi giày vợ anh hộc tốc cỡi xe ba chục cây số, xuống chợ thị trấn mua về khi nghe ông chủ tịch nông dân nói như ra lệnh “chú phải đi thôi”. Lần đầu tiên sau hơn ba mươi năm mới lại có dịp xỏ chân vào đôi giày, anh cảm thấy vướng víu, như bị hành khổ. Giờ thì đôi giày cùng anh ở trong căn phòng sang trọng. Người nằm trên giường êm, giày thì dưới sàn lát gạch hoa. Nó có cảm thấy thoải mái như anh vừa phát hiện thứ mùi lạ kia không? Cả hai thật nhỏ bé. Nhỏ bé đến vô cùng.
Đến hơn ba mươi năm sau, anh lại vướng phải của tội nợ này, như lần đầu tiên anh bị xỏ chân vào đôi giày da mà đám bạn lính kêu “bốt đờ sô”. Ba chục ký nào cơ số đạn, quân trang, quân dụng thêm chiếc mũ sắt đến năm ký và cây súng tám ký còn nhẹ hơn cây cày vác vai. Nhưng đôi giày thì không thế. Nó như đôi cùm, riết lấy đôi bàn chân anh trai cày suốt tháng này qua năm khác, đôi bàn chân đã từng để trần dẫm nát những tảng đất trên đồng ruộng, làm cho mặt đất rên siết, run rẩy. Gót chân nứt của anh đã ấn không biết bao nhiêu dề đất nát nhão như cháo đang sôi ùng ục trong nồi.
Cái thời ấy đã xa quá là xa, nhưng mỗi khi chợt nhớ anh không khỏi phì cười: “lính tráng cái nước mẹ gì nhà chú” như ông Khang vẫn hay văng ra mỗi khi không hài lòng về anh trong những chuyện vụn vặt. Nước mẹ gì. Thật là không nước mẹ gì. Hai năm lính là hai năm giặt giũ, nấu cơm, bưng nước cho hết người này đến người khác. Ai nói sao, bảo sao anh cũng nghe theo. Nghe theo và lẳng lặng thi hành nhiệm vụ. Thằng Sáu Trớt, binh nhất, dân Quảng Ngãi, hơn anh một cấp mỏng như tờ giấy vấn thuốc, còn hô: “Nghiêm! Binh nhì Ba Đọt chạy qua kia cầu mua ly cà phê đá cho qua coi. Anh đứng nghiêm chào, hô “tuân lệnh” và chạy vụt đi. Vậy đó, chỉ còn thiếu vo tròn cục giấy chùi đít cho binh Trớt là đủ. Anh phì cười, kêu lên: Nhảm nhí.
Nhảm nhí thật. Cuối cùng đời lính của anh là ra đứng gát cầu. Cây cầu dài chừng sáu chục thước, bắc qua con rạch ken dày lục bình. Mới nhìn, nó như bao chiếc cầu khác, không có gì đặc biệt. Nhưng cấp trên thì bảo: Cậu mà gà gật để tụi Việt cộng đội lục bình đặt mìn phá sập cầu thì cậu bị xử bắn ngay tấp lự. Mẹ cứt, sập một cầu chứ sập cả trăm cầu ông đây chẳng màng. Anh nói thầm cho riêng mình nghe và ôm súng bước tới, dựa vai cầu nhìn xuống: đến cá còn dính râu, vướng kỳ thì tía thằng Việt cộng nào dám mò về? Anh lấy mũi súng gõ leng keng trên thành cầu. Tiếng leng keng nghe vang, dòn như tiếng lục lạc đeo cổ bò. Ừ nổ thì cứ nổ, ông cóc cần. Nó mà nổ tung thì ông về cày đồng, về mà ôm cái mông nung núc tròn lẳng của vợ. Sướng đời. Cưới nhau hơn tuần là đi. Chưa mùi mẽ gì nhiều nhưng lúc nào anh cũng nhớ cái mông tròn. Nhiều đêm anh gối đầu lên ba lô mà cứ ngỡ như đang gối trên mông vợ, choàng tay xoa xoa đụng nhằm phải chiếc ca nhôm lạnh ngắt. Mở choàng mắt thấy mình đang nằm trong giao thông hào tối thui, dưới đũng quần hình như bầy cóc cọt vừa mới khạc nhổ bãi bọt nước lên đó… Trời ơi, sao lại cứ phái đánh nhau, bắn nhau làm gì cho nhọc sức? – Có lần tiếng kêu bật lên thành câu hỏi u ám trong đầu.
Một ngày anh đứng gát ba tiếng, có khi hơn. Đó là lúc lũ bạn lính đổi phiên nhưng cố tình ngồi nán lại, lê la quán nước bên kia cầu, kêu thêm xị rượu, cà phê có cớ tán tỉnh cô chủ quán. Mấy bận anh cũng ra ngồi đó. Ngồi và nhìn hàm răng trắng, miệng cười tươi như bông mắc cỡ quấn quít bên bờ ruộng… để nhớ vợ, nhớ cái mùi chua chua nồng nồng từ nách vợ xông lên rồi lại xách súng quay về trại. Anh cuống cuồng trong nỗi nhớ thoi thóp ngăn cách giữa cây cầu sắt và những con rạch đan chéo nhau, những cánh đồng ngút mắt. Ước chi mà bỏ được cây súng, dẫm chân lên cánh đồng, cầm chui cày, hả họng ví thá đôi trâu. Nhưng con sông và những con rạch thì đang chắn ngang trước mặt, còn quê nhà thì xa tít mù xa.
Khói trên mặt sông la đà. Đám lục bình dập dềnh đang thở khói. Một vùng khói trắng buổi tinh mơ. Đàn cò đang chao lượn thành hình vòng cung phía cánh đồng lung trước mặt. Những đọt dừa nước màu xanh sậm dính vào mảng da trời lờ mờ buổi sáng sớm, vẽ thành đường viền mỏng dẹt tít tắp. Anh xách súng đứng lên, chưa kịp đặt chân lên mố cầu, chưa kịp chúc mũi súng gõ leng keng trên thành sắt để tưởng tượng đó là tiếng lục lạc trên cổ bầy bò, thì chiếc cầu bùng lên, hả họng khạc ra cột nước cao như cục đờm từ cổ họng phọt ra, xô anh ngã sấp trên đường sỏi ướt sương đêm. Đũng quần ướt nhẹp và mùi thúi trộn lẫn với khói đạn đè vít cả người anh dán sát mặt đất. Chừng mở được mắt, chỉ thấy hai bờ mênh mông những dề lục bình ngã nghiêng, rũ rợi. Hàm răng trắng, nụ cười tươi tắt phụt bờ bên kia, đàn cò hốt hoảng bay lên la điếng, đường vòng cung gãy khúc, trời như sắp sập… Sau đó, cả mười một người trong tiểu đội gát cầu đụng lưng nhau trên nền đất lạnh, bốn bề là tường đá và hình như cả những vòng trong vòng ngoài kẽm gai quây tròn bên ngoài…
Đôi giày chết tiệt siết chặt đôi ống chân. Đếm ngày và đêm trong bóng tối, trong thứ mùi hôi thúi ám vào thịt da và nghĩ tới ngày bị mang ra khu đất trống. Đoành một phát, tim gan óc phổi khạc ra cục đờm trắng đỏ trộn lẫn. Đó cũng là kiểu đánh nhau? Anh rùng mình nghĩ tới ngày đó đến độ đầu óc đông cứng.
Những ngày bị giam giữ khiến anh như người mụ mị, nhưng hai bàn tay với mười ngón thô ráp của anh dân cày thuở trước bổng dưng biến thành thứ chân của loài rít rừng như có phép lạ. Chúng đụng tới đâu da thịt dãn ra, các khớp xương dãn ra. Cả tiểu đội tù chìa lưng, chìa chân cho những chân rít kia bò bám. Họ rên lên với những cơn khoái cảm co giật liên hồi… Đám chân rít kia đã cứu anh và lần nữa lại đẩy anh xuống vực sâu. Đầu tiên là người lính đưa cơm, đến trung đội trưởng đến các sĩ quan chỉ huy. Anh như Thái thượng lão quân từ trời rơi xuống. Mười ngón tay của Thái thượng đã làm cho các bà cong rút người lại, đổ ập lên người anh và lần nữa đẩy anh xuống vực đen ngòm. Lại bóng tối, lại đá nhám và hơi đồng sắt. Phép lạ của những chân rít kia không đủ sức để hơi sắt bớt lạnh, để bóng tối bay đi…
xxx
Tiếng gõ cửa. Giấc mơ hồi tưởng khép lại giống như nút chai bị nhét chặt. Anh xỏ giày, mở cửa. Lọ hoa lung lay trên đôi tay thon muốt. Miệng cười với về phía anh. Đôi mắt cũng nở nụ cười rớt nghiêng lên mặt anh. Cô ta bước khẽ khàng, đặt lọ hoa lên bàn, gật đầu chào. Nụ cười khép lại sau cánh cửa khép rất nhẹ. Anh ngẩn ngơ nhìn tấm rèm màu mỡ gà, ngẩn ngơ nhìn cánh cửa liền khít với gờ tường. Bóng người thiếu phụ thướt tha vừa mới đó đã biến mất như thuở nhỏ nghe kể chuyện liêu trai. Đúng là anh đang sống trong mơ. Vẫn nụ cười bên kia cầu. Vẫn cái dáng thon thả. Và hơn hết là cánh cửa khạc ra cục đờm trắng khi người thiếu phụ đã khuất phía sau, giống như mấy mươi năm trước chiếc cầu sắt đã khạc ra. Căn phòng kín bưng, chỉ có anh đang nằm trên giường và đôi giày dưới sàn.
Ông trưởng đoàn đẩy cửa bước vào trong khi anh vẫn nằm thõng chân xuống sàn nhà.
-Nhớ rừng và mông bò cái rồi hả
Câu hỏi giống chiếc cầu gãy. Khuôn mặt non choẹt ngó quanh. Bất giác những cọng râu kéo xệch nụ cười ngược lên khiến anh bật dậy.
-Ông đọc thuộc bản báo cáo chưa. Nhớ đừng có vấp váp, lộn tùng phèo nhá?- Nói và ông ta khép cửa.
Mẹ cha cái lão Khang, anh phì phì trong cổ họng không thành tiếng. Việc anh làm có nước mẹ gì đâu mà rùm beng lên thế này? Những dòng chữ nhảy múa trên tờ giấy trắng. Mở miệng đọc nó cứ sậm sựt như có chiếc lò xo móc hai môi lại với nhau. Anh quay ra oán trách ông chủ tịch nông dân xã, oán trách đám quay phim. Chớ chi không có lũ người đáng nguyền rủa kia thì giờ này anh đã gối đầu lên rễ cây trong bóng râm mát vườn rừng nhà, thở khói phì phèo, ngó những tia nắng xiên qua cành lá rung lợn cợn chói mắt, những tia nắng gãi lên người, vuốt ve lên má mũi anh. Rồi tối đến, chờ cho đứa con say giấc, anh lại đưa tay ra xoa xoa vào mông vợ, bồng vợ trên đôi tay khoẻ, bước nhẹ ra sạp tre dưới gốc cây đỏ… Ba Đọt thở dài, hất cuộn giấy nằm lăn bên hông như người bạn bỏ quên lâu ngày, anh lim lim mắt, lơ mơ với bức tường trắng toát trước mặt.
Từ ngày cây cầu bay lên. Mười ngón tay thành chân rít rừng thì cuộc đời anh cũng thay đổi. Hai năm làm binh nhì không mất đi chất cày đồng. Tám tháng cải tạo càng thôi thúc anh quay về với chuôi cày. Chuôi cày không rên lên như các bà phu nhân, nhưng mặt đất thì rên lên bỡi anh nhào xới liên tục, không kịp thở. Thẻo ruộng nhỏ vừa gặt xong lại thấy đậu lún phún. Hết đậu đến bắp, đến lúa quay mòng mòng. Đất mỏi mệt mà sức trai như anh thì không thể dừng. Thẻo đất nhỏ gục đầu lạy anh. Còn anh thì chắp tay vái mấy vái và vĩnh biệt những hòn đất trắng hếu, vĩnh biệt ông trưởng thôn tháng nào cũng gọi anh lên trình diện hỏi anh đã cộng tác với CIA sao không khai báo, đốt nhà dân bao nhiêu bận, hãm hiếp bao nhiêu phụ nữ, trẻ em… Lần đầu anh són đái cả quần. Những bận sau cũng bao nhiêu câu hỏi đó anh chợt hiểu ông ta chỉ kiếm cớ nhờ anh đốn bụi tre, cuốc rõng đất, kéo nước tưới vườn cây không mất tiền công. Anh vái và nhổ nước bọt, xách rựa đi qua hết ngọn núi này đến quả đồi khác. Con Mực lốc thốc chạy theo, lưỡi thè dài như cái nhún vai lắc đầu của người thân trước một thằng người điên. Chiếc rựa rên lên dưới mười ngón tay thằng điên. Ngọn đồi cũng rên lên. Anh lại nhào xới, lật tung từng tảng đất nâu. Mặt đất nâu rung rung như cái giật nẩy thịt da cô gái, sau này là vợ kế bị những chân rít chạm phải. Ba Đọt cuồng lên. Đất sôi ùng ục… Cánh rừng lúp xúp bị anh vạt trắng đến cả thú ăn đêm, cóc nhái sâu bọ cũng đâm oán. Sau đó quả đồi mênh mông phủ kín cơn cuồng bằng những cây đậu cây bắp nằm khép bên tán keo, xoài mít…Cơn khát đất và khát cây chẳng mấy chốc hóc xó mịt mù xa cũng có những cặp mắt ngó tới. Con Mực thôi thè chiếc lưỡi dài có đốm đen mà sủa vang động cả cánh rừng khiến đàn chim hoảng sợ bay lên, la quang quác. Những bàn chân vạch lá tìm lối đi. Lối đi bằng sợi chỉ nhỏ lâu thét thành lối mòn rộng. Đám nậu nguồn xuất hiện. Có già có trẻ. Có nam có nữ. Họ đổ xuống nền đất những gạo mắm muối. Họ cõng đi những trái mít trái xoài và đàn gà sinh sôi nhanh như đám mối bìa rừng. Lối mòn lớn dần khiến lòng anh trống hoang hoác, khiến anh nhớ không nguôi chiếc mông tròn ngún nguẩy và mùi chua nồng từ nách vợ đã vĩnh viễn bay lên trời cao. Đó là ngày mà tất cả mọi người đều hoảng loạn, kéo nhau chạy, bỏ cả nhà cửa ruộng vườn mà chạy. Những dây người đu bám trên xe. Đoàn người gồng gánh trèo đèo lội suối mà chạy. Phản xạ dây chuyền kéo vợ anh lao theo bầy người lúc nhúc đó. Mấy chục người bấu trên chiếc sõng nan vượt ra cửa biển. Vợ anh lao lên. Cửa biển như miệng con mãng xà há rộng mồm và nuốt chửng mọi người. Vợ anh trôi đâu đó trên chiếc lưỡi dài đỏ hoét màu máu, chìm lút trong bụng con mãng xà. Ngày ra trại, anh chèo chiếc sõng nhỏ căng mắt tìm kiếm dưới đáy sông, nhưng dân phường chài nói: Họ chìm nghỉm và bay đi rồi. Chắc vợ anh cũng đưa tay ra bấu vào chiếc cầu sắt để bay lên, anh nghĩ vậy và thôi không bơi sõng tìm kiếm nữa. Nhưng sau đó thì đụn lên thành nỗi hoài nhớ khắc khoải đêm ngày trong anh. Cơn cuồng khát đất, khát cây giờ thành thứ cuồng khát hơi hám phụ nữ. Nhưng trong đám người vạch lối thành lối mòn không có ai có chiếc mông tròn như vợ anh, không ai có hàm răng trắng và nụ cười tươi như cô hàng nước bên kia con rạch nhỏ! Con Mực bây giờ đã già lắm rồi, tiếng sủa không còn trong như tiếng lục lạc đeo cổ bò khua rổn rảng. Những âm thanh xa gần, lúc đầy vun cao thành ngọn, lúc lưng như khạp gạo nhô đáy vồng lên trống trơn khiến anh vừa hân hoan chờ đón vừa cảm thấy đau xé bóp thắt ruột gan. Bốn bề núi non với con sông nhỏ vắt qua, với tiếng côn trùng muôn thú về đêm, tiếng chim muông ban ngày như những chiếc chỉa ba nhọn hoắc xuyên qua ngực. Anh chới với. Ba Đọt đã quên mất cả họ chới với. Con chó già ngước mắt nhìn anh, nhìn lối mòn toang hoác kia lõm những vết lăn!
Đôi mắt đục mờ của con Mực không lâu sau đó khép lại. Vĩnh viễn khép lại. Ba Đọt hoá thành người cô độc giữa cánh rừng mênh mông. Còn vết lăn thì sâu thêm, rộng thêm ra như một thứ định mệnh được báo trước.
Đó là một buổi sáng tháng Mười. Đang ngồi trên ngạch cửa vót những sợi mây mảnh, anh bỗng nghe tiếng bước chân khẽ khàng đặt trên nền đất trước căn chòi lệch về một phía. Chiếc rựa trên tay anh rụng xuống. Nền đất ngay chỗ anh ngồi bổng rung oằn khiến tay chân anh cũng rung theo. Người phụ nữ đứng trước mặt anh, chiếc gùi đè nặng trên lưng khiến ngực cô ta nhô cao, nhọn hơn, mông vồng lên như sắp thành vò đất nung. Cô gái cúi xuống đặt chiếc gùi lên hiên thềm. Một chút da trắng trên ngực lộ ra. Đôi vú phập phồng. Anh như sắp nổ tung lên trời cao như ngày nào chiếc cầu sắt bay lên.
Cô gái mở nụ cười chào anh, hỏi mua những thứ anh có và bán lại những thứ anh cần. Những gói bột ngọt, can rượu, nước mắm… nhập nhoàng trước mắt lộ vùng ngực màu trắng, đôi vú nhô cao trong cái nhìn cuống cuồng của anh. Mặt trời tháng Mười chìm lấp trong đám mây dày mà sao anh cảm thấy như có những tia nắng xiên qua người, nắng lướt qua đỉnh đầu. Người anh nóng rực.
Cô gái lại nở nụ cười đúng thời khắc lùm mây đen tuôn tràn những giọt nước từ trời cao, ầm ầm như thác đổ. Mưa dầm dề. Mưa từ sáng tới trưa không tạnh. Nước trắng xoá trên lối mòn dẫn lên đồi. Nước gầm réo ở đoạn cong vắt qua trước mặt nhà. Mái tranh oằn cong đưa mặt hứng từng mảng nước dày đổ ập xuống. Nước bắn tung toé trên sân đất. Nước níu những cành cây cong sát gốc, chôn chân hai người trong căn lều trống hoác.
Mưa tiếp tục giam hai người bên bếp lửa. Nồi cơm sôi ùng ục. Cô lật vung, cầm đũa sơ. Anh thẫn thờ cời mớ than đỏ. Cô nhắc nồi cơm vần lên đống than. Anh lóng ngóng bưng xoong cá suối kho cả tuần đặt lên ba ông táo ám đen. Cô vói tay cho thêm củi. Tiếng nổ lách tách. Lửa đỏ đít nồi. Trái tim anh dường như cũng bắt đầu đỏ lên. Anh cảm thấy mùi da thịt đàn bà đang bay tới, từ từ, rất gần.
Mưa không dứt. Trời tối dần. Lại vào bếp. Trái tim anh sắp nổ ra, còn cô thì điềm nhiên đứng dựa phên cáo nhìn mưa, nhìn con sông nhỏ dưới chân đồi nước ngập mênh mông, thì thào:
“Không xong rồi.
“Không xong rồi – Anh thẫn thờ lặp lại, vô thức.
Nước đụn lên, cao vồng, lấp lửng chân dốc. Ngọn đèn chao qua lại mấy bận rồi tắt ngấm. Ba Đọt trở vô mò tìm hộp quẹt. Bàn tay mát rợi níu lại: Không cần. Tiếng nói thoát ra như hơi thở nhẹ khiến anh sững sờ, bối rối. Bàn tay anh ấp lên. Giờ đến lượt anh run bắn, chứ không phải thẻo ruộng nhỏ, quả đồi đã từng run bần bật dưới bàn tay anh. Căn chòi nhỏ rên từng cơn trong đêm mưa. Những vạt tre mò o cũng rên lên. Tiếng rên của đất trời, của căn chòi và vạt tre móc hai người lại với nhau thành vợ thành chồng. Thật bất ngờ và đơn giản.
xxx
Ba Đọt vừa mới đọc hết hai chữ “kính thưa”, lưỡi bắt đầu líu lại, mắt hoa lên, mồ hôi nhỏ giọt như khởi đầu của những hột mưa dông đầu hè. Anh nhắm mắt, lắc lắc đầu, định thần lại: mẹ cha, mình không ngán chiếc cầu bay lên, không ngán óc phọt ra, không ngán tiếng “đoành” chờ đợi suốt mấy tháng trời… sao lại sợ những dòng chữ cứ nhảy múa như lũ người điên nhảy choi choi trên sân khấu, miệng gào rống thế kia? Anh nhắm mắt, lắc đầu lần nữa, như thể cái lắc đầu của con cọp sau giấc ngủ và ném phạch cuộn giấy trên mặt bục gỗ, bụng bảo dạ “không xong rồi”. Chợt anh nhớ đến vợ, nhớ bộ ngực trắng, hai núm vú đỏ và nhỏ như quả cau chín; nhớ chiếc mông tròn. Ba Đọt e hèm:
-Kính thưa… tôi là Ba Đọt, Trần Đọt, quê quán… giờ ở xứ mà dân trong vùng kêu hóc Bà Tó...
Ba Đọt miên man kể lể tông tích, kể lể công việc làm từ tấm bé cho đến tận bây giờ, “…những rừng cây, đàn bò dê, gà vịt, ao cá… hàng năm kiếm khá bộn tiền. Được vậy là nhờ vợ tôi. Má thằng cu Lít có cái đầu, nghĩ ra nhiều chuyện lạ. Còn tôi có tay chân mạnh như ông Ầm (1), không chịu nghỉ yên. Nghỉ một chút lại thấy ngứa ngáy, cái đầu vợ sai cái tay, cái tay bắt cái chân chồng phải bước tới. Ngồi yên một chỗ không chịu thấu, giờ thành ra vậy. Với lại hồi đó mà ông trưởng thôn không hành khổ thì giờ này chưa chắc tôi ở cái hóc xó kia. Có tiền rồi, đỡ cực. Định bụng xây cái nhà, mua ti vi, kéo điện lên. Nhưng dòm lại thấy nhà hàng xóm túng thiếu kêu vợ cho bà con mượn, bày cho cách làm như tôi đã làm. Nhiều người làm được, nhưng cũng có lắm người thất bại, tôi kêu vợ đưa tiếp, vì có làm ra tiền mới trả được nợ cho mình chớ… Mọi người kêu vợ chồng tôi nhân từ. Tôi có biết mẹ gì nhân từ. Thấy họ khổ như hồi xưa tôi khổ thì giúp, chớ nhìn họ lội trong bùn sình coi sao đặng… Kính thưa, dạ tôi có sao nói vậy. Tôi không muốn đi, nhưng ông Khang cứ bắt tôi phải đi, không đi thì ổng doạ đuổi tôi ra khỏi hội nông dân… Thưa, tôi kể tới đây là hết. Ba Đọt xin chào…”
Tiếng vỗ tay rào rào không dứt, mỗi lúc một to, dài như đoạn đường từ nơi hội trường này về tới ngọn đồi đang ở. Anh thấy loáng thoáng những bó hoa bước lên, ấn vào tay anh. Anh choàng tay ôm hết những bó hoa trước ngực. Màu sắc sặc sỡ làm anh hoa mắt, bối rối. Lần thứ hai anh bối rối sau cái ngày mưa dầm xối xả. Ba Đọt bước xuống chỗ ngồi với những tràng vỗ tay với kéo anh về phía họ.
uốt cả đêm, tai anh chỉ nghe tràn tiếng vỗ tay, mắt anh toàn thấy những cánh hoa rực rỡ. Những ly rượu chúc tụng nhau buổi chiều, khiến đầu óc anh quay cuồng, cả thân người như cánh hoa sao xoay tròn xuống thấp rồi lại bay ngược trở lên, chao lượn chập chờn quanh ngọn đồi cây có con sông nhỏ vắt ngang qua.
Nửa khuya, cổ họng khô rát, anh bật dậy kéo bình trà pha sẵn từ trưa hôm qua, kê vòi tu một hơi dài. Cơn khát hạ xuống, nhưng người thì nóng ran. Anh cởi áo quần vào phòng tắm, nước nóng phun xuống làm anh giật thót người, né qua một bên đứng nhìn vòi nước chảy rào rào. Anh lại lầm bầm trách cái lão Khang chết tiệc. Mấy trăm cọc tiêu và mẫu cà phê đang kỳ tưới. Chúng cũng đang nóng, khát khô cành lá. Ba Đọt không tài nào ngủ lại được. Anh thao thức và nhớ vườn đồi, nhớ đàn bò, nhớ con Bĩnh, con Quạp sắp đẻ nay mai, nhớ cả chiếc mông của vợ, trái cau chín đỏ, sạp tre mò o bên gốc cây đỏ và những ánh sao lấp loá trong tàn cây dòm xuống chỗ hai người… Anh miên man nhớ về chốn xa, như thể căn phòng này là nơi giam hãm anh suốt đời.
Dòng sông vắt qua như một vành cong trắng loá trong tâm trí. Cả cơn mưa và dòng sông đùn lên cao, thật cao.
( Huế, tháng 5.2008)
Chú thích:
(1) Ông Ầm: tên của một trong những lá của bộ bài chòi nam Trung bộ. Dân quê hay gọi ông Ầm để chỉ cho người đàn ông thô kệch, có sức mạnh nhưng đầu óc mụ mị, khô đặc.