Nháy mắt, Tào Bằng đến Huỳnh Dương đã gần nửa năm.
Cuối xuân qua đã lâu, nay đã vào giữa mùa thu, trời dần chuyển lạnh. Nói chung, năm Kiến An thứ mười này không tính là mưa thuận gió hòa lắm, đặc biệt Thanh Châu từ đầu năm cho đến khi vào hạ, một số nơi đã xảy ra bệnh dịch. Đến khi vào thu, lưu dân ở Thanh Châu suýt chút nữa gây ra bạo loạn lớn. Cũng may là Tào Tháo sớm đã có chuẩn bị, lệnh cho thứ sử Từ Châu là Từ Lý vận chuyển rất nhiều vật tư từ Hải Tây đến ổn định tình hình ở Thanh Châu. Tuy mùa màng không được tốt lắm nhưng dù sao thiên tai cũng không xảy ra, cũng coi như là chuyện tốt.
Hải Tây phát triển càng lúc càng nhanh.
Sự phát triển của Hải Tây đã vượt xa khỏi Lưỡng Hoài, dần dần biến nơi này thành vùng đất phồn hoa, thịnh vượng.
Đầu năm, Tào Tháo đã hạ lệnh trùng tu ba con song lớn ở Lưỡng Hoài là Mạt Thủy, Tự Thủy và Du Thủy, đồng thời thúc đẩy Lưỡng Hoài phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Giữa mùa hạ, Tào Tháo lại hạ lệnh mở sông ở giữa Tự Thủy và Tứ Thủy, thông hai con sông này. Y lại lệnh cho thứ sử Dự Châu là Mãn Sủng bắt tay thiết kế đường sông nối liền Tứ Thủy và Hồng Câu Thủy. Đồng thời, y lại lệnh cho thái thú Lương quận là Trịnh Hồn cùng tham gia thiết kế, phụ trách đốc thúc công trình.
Trịnh Hồn vốn là thứ sử thành Lương Châu.
Nhờ có xuất thân và tài hoa, cuối cùng hắn được Tào Tháo phong cho làm thái thú một quận.
Lương quận là nơi nhất định phải đi qua giữa Tứ Thủy và Hồng Câu Thủy. Địa hình tương đối phức tạp, nên nhiệm vụ này cũng khá nặng nề.
Theo kế hoạch của Tào Tháo, hai con sông này nhất định phải được thông với nhau.
Đến lúc đó, của cải khu vực bên sông sẽ theo con đường sông mới xây dựng này ùn ùn đổ về Trung Nguyên, nhờ thế giá hàng ở Trung Nguyên sẽ được khống chế tốt hơn, giúp khôi phục dân sinh. Nhưng việc dựng sông này không thể chỉ làm một lần là xong. Đám người Tuân Úc trù tính rằng công trình lớn như thế, gần như xuyên qua ba châu, sẽ cần phải hao tổn rất nhiều tài lực, vật lực và nhân lực. Nhưng một khi được xây dựng thành công, thành quả sẽ rất lớn. Chính vì thế, ban đầu vốn bọn họ không đồng ý, nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận. Tuân Úc ước tính việc này phải mất mười năm mới hoàn thành.
Đây chính là khởi điểm của Đại Vận Hà!
Khi Tào Bằng nghe được tin này, hắn không khỏi cảm khái.
Sự phát triển của Lưỡng Hoài đã vượt xa dự đoán của Tào Bằng.
Tài nguyên của Lưỡng Hoài nay đã tăng đến chóng mặt, đã trở thành nền tảng của cải của Tào Tháo. Chuyện ngẫu nhiên năm đó nay lại gây ra biến hóa to lớn như thế. Trong lịch sử, Lưỡng Hoài ít nhất cũng phải đến thời Lưỡng Tấn, khi nam bắc giằng co mới phát triển, nào ngờ nơi này lại thay đổi sớm như thế. Địa hình Từ Châu phức tạp, nếu không xây dựng, cải tạo Đại Vận Hà ắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Kênh đào xây xong, Từ Châu và Trung Nguyên sẽ càng thêm gắn bó. Sức ảnh hưởng của Đại Vận Hà theo thời giant hay đổi cũng sẽ ngày càng tăng lên!
Tào Tháo quả không hổ là người hùng tài thao lược!
Hơn nữa, y cũng không phải Dương Quảng xây kênh đào trong lịch sử kia, cho nên khi thực hiện kế hoạch này, y hết sức cẩn thận, chính vì thế cũng không bị hao tiền tốn của quá nhiều.
Tuân Úc cho rằng nên việc xây kênh đào nên bắt đầu thực hiện từ cuối thu hàng năm cho đến hết mùa đông.
Giai đoạn này cũng là khi hầu hết nhân lực đều không cần dùng đến, sẽ không ảnh hưởng đến vụ xuân cày bừa hàng năm.
Khoảng thời gian bốn đến năm tháng hàng năm sẽ dành để hoàn thiện công trình. Sau mười năm, mạch máu kinh tế này sẽ theo đó mà xuất hiện.
Nếu chuyện đúng như dự tính, tương lai sẽ phát triển như thế nào?
Tào Bằng không khỏi xúc động!
Nhưng hắn cũng chỉ có thể xúc động mà thôi.
Hải Tây đã không còn mấy quan hệ với hắn nữa.
Hám Trạch chính thức chuyển từ vị trí Hải Tây lệnh sang làm tòng sự Lương Châu. Một tháng trước, y đã chạy tới Lương Châu nhậm chức, phò tá cho Tào Cấp.
Kể từ khoảnh khắc Hám Trạch nhậm chức vụ mới này, dấu ấn của Tào Bằng ở Hải Tây đã hoàn toàn biến mất.
Ngoài thủy sư đóng quân ở núi Úc Châu còn có chút quan hệ với Tào Bằng ra, toàn bộ vùng đất Hải Tây đã không còn nằm trong sự khống chế của hắn nữa.
Nhưng Tào Bằng không hề tiếc nuối.
Bởi vì hắn có thể nhận ra rằng trong tương lai hai mươi năm tới, Hải Tây sẽ không thể phát triển quá lớn được nữa.
Dù sao, Giang Đông vẫn còn nằm trong tay của Tôn Quyền. Sức ảnh hưởng của Lưỡng Hoài nếu không thể lan rộng ra hướng đông nam, thì ắt sẽ dừng lại ở Trường Giang và khu vực phía bắc.
Với khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, kinh tế không thể chuyển hướng phát triển từ lục địa sang hàng hải được.
Thời đại đại hàng hải vẫn còn rất xa xôi, sức ảnh hưởng của Hải Tây vì thế cũng càng ngày càng có thêm nhiều hạn chế. Trừ phi có kỹ thuật hàng hải tiên tiến xuất hiện, trừ phi có kỹ thuật tạo thuyền tiên tiến xuất hiện, trừ phi Tào Tháo có thể thu phục vùng đất Giang Đông.
Trong ba điểm này, chuyện đơn giản nhất e rằng chính là thu phục Giang Đông.
Trong ba điểm này, hai điểm trước còn cần một khoảng thời gian rất dài nữa.
Dù sao Tào Bằng cũng không phải là người thông tỏ mọi sự, hắn cũng không hiểu rõ kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật tạo thuyền. Trên thực tế, chuyện Chu Thương tập trú ở núi Úc Châu, xây dựng thủy quân vẫn còn có nhiều dị nghị trên triều đường. Chu Thương là giáo úy Thủy quân, nhưng số thuyền trong tay y cũng không nhiều lắm. Chuyện này Tào Bằng cũng không còn cách nào khác! Hắn chỉ có thể dốc hết sức tranh thủ càng nhiều thuyền cho Chu Thương càng tốt.
-Thật không ngờ món ngành nghề sản xuất văn hóa này lại thu lợi kếch sù như thế!
Tào Bằng ngồi trong thư phòng, nhìn báo cáo từ Hứa Đô đưa tới mà liên tục lắc đầu, cảm khái.
Đúng vậy, Phúc Chỉ lâu ở Hứa Đô là do Tào Bằng xây dựng.
Qua sáu năm, Hoàng Nguyệt Anh được Hoàng Thừa Ngạn trợ giúp, dựa trên các ý tưởng lúc trước của Tào Bằng cuối cùng đã chế tạo ra rất nhiều trang giấy khác nhau. So với giấy vốn có, giá của Phúc chỉ rẻ hơn nhiều, lại tiện lưu truyền trong dân gian. Sau khi Tào Bằng trở về Huỳnh Dương, biết được Hoàng Nguyệt Anh tạo giấy thành công, liền lập tức nảy ra một ý tưởng kỳ diệu.
Bán giấy!
Hắn phải nghĩ cách tăng cường chất lượng trang giấy, để giấy được phổ biến khắp nơi.
Đây là một chuyện hết sức quan trọng. Trong lịch sử kế thừa văn minh, sự mở rộng và thông dụng của trang giấy rõ rang là một điểm quan trọng then chốt. Trước đây, vì chi phí làm giấy quá đắt đỏ, sau ba trăm năm Nam Bắc triều thời Lưỡng Tấn, trang giấy mới được sử dụng rộng rãi. Mà nay, chuyện Tào Bằng cần làm chính là đẩy nhanh sự thông dụng của trang giấy, có thế mới thúc đẩy kế hoạch kế tiếp của hắn phát triển được.
Chỉ có điều Tào Bằng thật sự không ngờ rằng Phúc Chỉ lâu lại mang đến lợi nhuận lớn đến không tưởng như thế.
Cũng vì thân phận đặc biệt, Tào Bằng không trực tiếp ra mặt mà ủy thác cho Bộc Dương Khuê đến phụ trách mở Phúc Chỉ lâu ở Hứa Đô. Đối với chuyện kinh doanh này, Tào Bằng vẫn làm như trước, liên hệ với đám người Tào Hồng. Nhưng lần này, đám người Tào Hồng lại không có hứng thú.
Rồi sau đó, Tào Bằng và Trần Quần cùng bắt tay với Tuân Diễn.
Qua mối quan hệ với Tuân Diễn, Tào Bằng bắt đầu hợp tác với vị danh sĩ đang nghỉ dưỡng ở Toánh Xuyên là Chung Diêu.
Qua một tháng thử mở rộng, Phúc Chỉ lâu đã thu hoạch lớn bất ngờ. Mười ngày sau khi Phúc Chỉ lâu chính thức bắt đầu đi vào hoạt động, Bộc Dương Khuê thông qua mối quan hệ của y với trường Thái học viện mà kiếm được đơn đặt hàng lớn, cung cấp giấy cho trường Thái học viện.
Bất ngờ, Thượng Thư phủ cũng đặt đơn ở Phúc Chỉ lâu.
Thượng Thư phủ đặt hàng rất nhiều giấy Tang bì cùng các loại giấy viết thư dùng để soạn thảo công văn.
Ba ngày trước, thư viện lớn nhất ở Dự Châu cũng chính là thư viện Toánh Xuyên kia đặt đơn hàng ở Phúc Chỉ lâu, đặt hàng mua giấy.
Đơn hàng ở mỗi vùng và tổ chức đều không giống nhau.
Ví như đơn đặt hàng của Thượng Thư phủ dùng giấy Tang bì để viết thư là chính. Giấy viết thư dùng để trao đổi công việc, còn loại giấy còn lại dùng để lập khế ước, công văn, giá cả tương đối đắt đỏ. Còn thư viện chủ yếu để cho học sinh sử dụng. Trường Thái học viện đặt hàng phần lớn là loại giấy Ngạnh Hoàng và Nhiễm Hoàng loại trung, còn có chút ít giấy Thiếu Lượng Ngư Tử và Lãnh Quang Tiên. Còn thư viện Toánh Xuyên là thư viện tư nhân mang tính khu vực rõ nét, chủ yếu sử dụng loại giấy Tang Ma, giá tương đối rẻ nhưng vì nhu cầu dùng ở thư viện Toánh Xuyên rất lớn, cho nên đây cũng là vụ mua bán lớn.
Trần Quần đã phái người đến cùng bàn chuyện mở Phúc Chỉ lâu ở Trường An với Tào Bằng.
Nghe nói, Tào Hồng hết sức ảo não, lợi nhuận lớn như thế mà để mất, thật khiến y giậm chân đấm ngực.
Tào Bằng đã bắt đầu kế hoạch, chờ đến đầu xuân năm sau, hắn sẽ bắt đầu xây dựng ba tòa nhà Phúc Chỉ lâu lớn ở Lạc Dương. Đến lúc đó, lợi nhuận sẽ còn lớn hơn nữa.
Xưởng tạo giấy cũng đã được xây dựng xong, có thể bắt đầu sản xuất.
Công xưởng nằm ở phía tây Hà Nhất xưởng. Xưởng tạo giấy dựng lên, kéo theo cả ngàn lưu dân đến, xóa tan tình trạng đất đai hoang vu của Huỳnh Dương. Đối với thái thú Vương Thực của Huỳnh Dương thì xưởng tạo giấy ra đời chẳng những có thể làm nguồn thuế của Huỳnh Dương dồi dào hơn, mà còn giúp nơi này thoát khỏi cảnh hoang vu, dân cư thưa thớt. Ngay đến những người khó tính nhất cũng phải vỗ tay hoan nghênh.
Món lời văn hóa kếch sù, đây đích thực là món lời văn hóa kếch sù!
Tào Bằng dự tính, sau khi xưởng khởi công, mỗi tháng hắn sẽ thu được cả ngàn quán tiền lời. Hơn nữa, đây mới chỉ là bước đầu. Một khi Phúc Chỉ lâu được xây dựng ở khắp nơi sau này, xưởng sẽ càng mở rộng hơn, lợi nhuận sẽ càng kinh người hơn nữa.
Hai người Bộc Dương Dật và Lục Mạo ngồi một bên, sau khi xem xong báo cáo cũng không khỏi xúc động.
Tào Bằng này phải chăng có bản lĩnh hóa dở thành hay?
Tào Bằng đứng lên, duỗi duỗi người, chợt hỏi:
-Tử Chương, phía bên Giang Đông tình hình thế nào?
-Trước đó vài ngày, huynh trưởng đã gửi thư nói Chu đô đốc ở Sài Tang đang điều binh khiển tướng nhưng mục tiêu cụ thể thì hiện tại vẫn chưa rõ.
Quả nhiên Chu Du có hành động!
Tào Bằng bật cười.
Hà Bắc sắp được dẹp yên, vận mệnh của thiên hạ này dường như càng lúc càng khó đoán.
Tào Bằng biết Tôn Quyền và Chu Du tuyệt nhiên sẽ không ngồi yên nhìn Tào Tháo thống nhất phương Bắc. Bọn họ sẽ nghĩ ra đủ cách để kéo dài thời gian thống nhất phương Bắc, tranh thủ chuẩn bị thêm. Đại thế thiên hạ hợp lâu ắt phân, phân lâu ắt hợp. Chuyện này không ai có thể ngăn cản được. Kể từ sau loạn Khăn Vàng, chư hầu cắt cứ, đến nay đã hai mươi năm trôi qua. Nếu Tào Tháo thống nhất phương bắc, thế cục càng trở nên rõ ràng hơn.
Chỉ có điều, không biết đến khi nào Tào Tháo mới có thể chấm dứt trận chiến ở phương Bắc này?
Tào Bằng chợt nghĩ tới một chuyện, thoáng biến sắc.
-Tiểu Dật, chừng nào ngươi trở về?
Bộc Dương Dật nói:
-Chậm nhất ngày kia ta sẽ trở về Hứa Đô.
-Vậy thì ngươi giúp ta mang một phong thư đưa cho Trương Cơ tiên sinh. Nhờ y khi nào có thời gian đến khám bệnh cho Phụng Hiếu một chút, xem sức khỏe của ông ấy thế nào.
Bộc Dương Dật ngẩn ra:
-Quách Tế Tửu không khỏe sao?
-Ha ha, không phải, chỉ là kiểm tra chút thôi.
Khi Quách Gia còn trẻ, từng dùng ngũ thạch tán quá liều nên thân thể suy yếu.
Tuy được Đổng Hiếu phát hiện kịp thời, ngăn ông dùng ngũ thạch tán, nhưng chung quy vẫn xuất hiện ít bệnh. Giờ Tào Tháo lại sắp hưng binh.
Tào Bằng mơ hồ nhớ rõ khi Quách Gia đang đi chinh phạt phương Bắc thì mắc bệnh mà chết, khiến Tào Tháo thương tiếc khôn nguôi.
Bất kể là kiếp trước Tào Bằng vốn yêu thích Quách Gia hay ở kiếp này hai người có quan hệ thân thiết, Tào Bằng đều cảm thấy hắn nên chú ý một chút đến người này. Dù sao, hắn cũng không nhớ rõ rốt cuộc Quách Gia ốm chết năm nào. Tuy rằng hắn có ấn tượng mơ hồ là Quách Gia mắc bệnh truyền nhiễm trong cuộc Bắc phạt nhưng giờ Tào Tháo còn đang mưu tính Cao Can. Chứng bệnh này của Quách Gia cũng không thể ngày một ngày hai mà thành, ắt phải có quá trình ủ bệnh. Chuyện Quách Gia mắc bệnh truyền nhiễm khi chinh phạt Liễu thành nói không chừng mầm bệnh vốn đã xuất hiện từ trước cũng nên.
Phòng trước vẫn hơn!
Tào Bằng không muốn Quách Gia lặp lại mệnh số trong lịch sử.
-Đúng rồi, có chuyện này không biết ta có nên nói không.
-Chuyện gì?
Lục Mạo do dự một chút, thấp giọng nói:
-Công tử có biết người tên là Chu Bất Nghi không?
-Đương nhiên biết.
-Gần đây người này rất nổi tiếng ở Hứa Đô. Tuổi của gã tuy nhỏ nhưng đúng là có khả năng hùng biện. Trước đây, người này đã liên tục tranh luận với đám người Văn Cử công, Trọng Dự công, thanh danh hết sức vang dội. Gần đây, gã dường như có ý nhắm vào công tử. Đặc biệt, mới lúc trước, gã đã công khai khiêu khích Hồ công, gây ra phản ứng không nhỏ. Kẻ này dường như có ý thù địch với công tử. Hơn nữa, sau lưng gã hình như còn có Ngũ công tử làm chỗ dựa, lời nói hết sức kiêu ngạo, rất nhiều người cảm thấy bất mãn. Nghe nói, môn hạ Chu Kỳ của Hồ công ít ngày nữa sẽ đến Hứa Đô, muốn cùng tranh biện với Chu Bất Nghi này. Trước đây, Chu Bất Nghi đã thắng một lần, nếu lại thắng tiếp, chỉ sợ sẽ gây bất lợi cho Hồ công mà thôi.
Tào Bằng nghe thấy thế không khỏi nhíu mày.
Hành động của Chu Bất Nghi hắn có nghe qua.
Dù sao Huỳnh Dương cũng chỉ cách Hứa Đô một, hai ngày đường, có tin tức gì Tào Bằng đều có thể nhận được rất sớm.
Những trò khiêu khích của Chu Bất Nghi, Hồ Chiêu không phải không biết. Ông thậm chí còn phái người đến Huỳnh Dương, nghiêm cấm Tào Bằng tham dự. Xét theo đẳng cấp của Hồ Chiêu và Tào Bằng mà nói, hành động của Chu Bất Nghi rõ ràng là muốn giẫm lên vai bọn họ, để thanh danh của gã ngày càng vang dội hơn mà thôi. Nếu Hồ Chiêu ra tay hay Tào Bằng ra tay, cho dù có thắng cũng chỉ là chuyện bình thường. Nếu không khéo còn bị người nói là ỷ lớn bắt nạt nhỏ.
Trước đây, Khổng Dung đã từng bị Chu Bất Nghi khiêu chiến, đã từng xảy ra chuyện như vậy.
Hồ Chiêu gửi thư cho Tào Bằng, nói: “Tránh tranh cãi với gã, cứ để mặc gã!”
Thái độ của Hồ Chiêu cũng hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của Tào Bằng. Chu Bất Nghi ư? Thần đồng tài hoa của Kinh Châu ư?
Hừ!
Trong mắt Tào Bằng, hành động của gã chẳng khác gì của thằng hề đang nhảy nhót cả.
Gã cũng giống như miếng cao dán, dính vào phải gỡ theo một mảng da. Tuy không rõ dụng tâm của tên tiểu tử này là gì, nhưng Tào Bằng có thể cảm nhận được sự hiểm ác của gã. Người này tuyệt không đơn giản là giao lưu học thuật như vẻ ngoài, chắc chắn còn có dụng ý khác.
Hồ Chiêu có thể bỏ qua cho Chu Bất Nghi.
Nhưng học sinh của ông thì chưa chắc đã dễ dàng khoan thứ như vậy.
Đặc biệt, trước đó còn thua một lần, môn nhân Ngọa Long Cốc sao có thể chịu để yên được?
Chu Kỳ là đệ tử của Hồ Chiêu.
Người này nhập môn sớm hơn Tào Bằng, nhưng nếu xét về địa vị, y vẫn phải tôn Tào Bằng làm sư huynh. Năm đó, khi Tào Bằng đi học ở Ngọa Long Cốc có quan hệ khá tốt với Chu Kỳ. Nhưng khi đó, Chu Kỳ mới chỉ là đệ tử của thư viện, chứ chưa thực sự là môn hạ của Hồ Chiêu. Mà nay, Tào Bằng nổi danh, Chu Kỳ cũng dần được đám danh sĩ chú ý. Lần này, y tới Hứa Đô biện luận với Chu Bất Nghi, e là sẽ dốc toàn lực vì Hồ Chiêu.
Tào Bằng trầm ngâm một lát, hỏi:
-Chu Kỳ hiện đang ở đâu?
-Nghe nói đang quanh quẩn ở thư viện Toánh Xuyên.
Tào Bằng lập tức ra khỏi phòng, trầm giọng quát:
-Khương Quýnh.
-Có mạt tướng.
-Lập tức dẫn người đi tới thư viện Toánh Xuyên, tìm một người tên Chu Kỳ. Bất kể dùng thủ đoạn gì cũng phải mời được người đó về đây!